CHƯƠNG VII NHỮNG BỨC THƯ CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
3) QUẦN CHÚNG PHÊ PHÁN - KHÔNG CÓ TÍNH PHÊ PHÁN, HAY LÀ "SỰ PHÊ PHÁN" VÀ "NHÓM BÉC-LIN"
Sự phê phán có tính phê phán không thể tự mô tả thành mặt đối lập bản chất và do đó đồng thời cũng không thể tự mô tả thành đối tượng bản chất của loài người có tính quần chúng. Không kể đến những đại biểu của quần chúng có trái tim khắc nghiệt, là những người vạch rõ tính không có vật thể của sự phê phán có tính phê phán và giải thích hết sức lễ phép cho nó hiểu rằng nó chưa hoàn thành quá trình lột xác về tinh thần và trước hết nó phải giành lấy những tri thức vững chắc, - thì còn có 2 thông tín viên. Về phần thông tín viên dễ xúc cảm thì một là anh ta không phải là mặt đối lập của sự phê phán, hai là nguyên nhân thật sự khiến anh ta tìm cách dịch là gần sự phê phán, là nguyên nhân cá nhân thuần tuý. Vì đọc tiếp thư của anh ta sẽ thấy rằng điều mà anh muốn thực ra chỉ là điều hoà lòng thành kính sâu sắc của anh ta đối với ngài Ác- nôn Ru-gơ với lòng thành kính sâu sắc của anh đối với ngài Bru-nô Bau-ơ. Mưu toan điều hoà đó làm vinh dự cho tấm lòng tốt của anh ta, nhưng không hề đại biểu cho lợi ích của quần chúng. Sau hết, vị thông tín viên cuối cùng xuất hiện trước chúng ta không còn là một thành viên chân chính của quần chúng mà là một đồ đệ sắp đắc đạo của sự phê phán có tính phê phán. Nói chung quần chúng là một đối tượng không xác định, do đó không thể có hành động xác định nào, cũng không thể có những quan hệ xác định nào với một cái gì đó. Quần chúng với tính cách là đối tượng của sự phê phán có tính phê phán khác hẳn với quần chúng chân chính là những quần chúng đến lượt mình lại hình thành những sự đối lập có tính rất quần chúng trong nội bộ họ và giữa họ với nhau. Sự phê phán có tính phê phán "đã tạo ra" quần chúng ấy, giống như nhà khoa học tự nhiên đáng lẽ phải nói đến những loài động vật, thực vật nhất định thì lại đem "loài nói chung" đối lập với bản thân mình. Muốn có mặt đối lập của tính quần chúng thực sự thì ngoài quần chúng trừu tượng, tức sản phẩm do bản thân sự phê phán tưởng tượng ra, sự phê phán có tính phê phán còn cần có một quần chúng xác định, có thể chỉ ra bằng kinh nghiệm chứ không phải chỉ là giả tưởng. Quần chúng ấy phải thấy sự phê phán có tính phê phán không những chỉ là bản chất của mình mà đồng thời còn là sự tiêu diệt bản chất của mình. Nó phải có nguyện vọng trở thành không phải quần chúng, tức trở thành sự phê phán có tính phê phán, đồng thời lại không thể thực hiện được nguyện vọng ấy. "Nhóm Béc-lin" nói trên chính là thứ quần chúng không phê phán đồng thời lại có tính phê phán ấy. Và toàn bộ thành phần của cái quần chúng loài người nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh sự phê phán có tính phê phán cũng chẳng qua chỉ là cái nhóm Béc-lin nào đó mà thôi. Theo chúng tôi biết, cái "nhóm Béc-lin" đó (tức "đối tượng bản chất" của sự phê phán có tính phê phán mà sự phê phán có tính phê phán luôn luôn nghiên cứu và cho rằng nó cũng luôn luôn nghiên cứu mình) gồm một số ít phần tử của phái Hê-ghen trẻ ci-devant 1*. Theo sự khẳng định của sự phê phán có tính phê phán thì sự phê phán có tính phê phán một phần gây ra cho những phần tử đó cái horror vacui 2*, một phần gây ra cho họ cảm giác về hư không. Chúng tôi sẽ không nghiên cứu tình hình thực tế mà tin vào lời nói của sự phê phán. Sứ mệnh chủ yếu của những bản tin là trình bày tường tận cho công chúng mối quan hệ có tính lịch sử toàn thế giới của sự phê phán với "nhóm Béc-lin", là vạch rõ ý nghĩa sâu sắc của quan hệ đó, chứng minh sự phê phán cần tàn ác đối với loại "quần chúng" ấy và cuối cùng tạo ra cái bề ngoài tựa hồ toàn thế giới đã hồi hộp theo dõi sự đối lập đó, khi thì tán thành khi thì phản đối phương châm hành động của sự phê phán. Chẳng hạn, sự phê phán tuyệt đối viết thư cho một thông tín viên ủng hộ "nhóm Béc-lin", như sau: "Tôi đã phải nghe không biết bao nhiêu lần loại sự việc đó cho nên tôi quyết định không thèm để ý đến nữa". Ngay thế giới cũng không tài nào đoán được sự phê phán có tính phê phán đã phải quan hệ bao nhiêu lần với những sự việc có tính phê phán thuộc loại như vậy. Chi bằng ta hãy nghe một thành viên của quần chúng có tính phê phán cho biết về nhóm Béc-lin: "Anh ta 3* bắt đầu câu trả lời như sau: Nếu có người thừa nhận anh em Bau-ơ" (gia đình thần thánh bao giờ cũng phải được thừa nhận pêle - mêle 4*) "thì người đó chính là tôi. Nhưng "Literatur-Zeitung" ! Chính nghĩa trước hết! Tôi rất muốn biết một trong những người cấp tiến ấy, tức là một trong những người thông minh năm 1842 ấy, nghĩ về anh như thế nào..." Thông tín viên báo tin tiếp rằng con người bất hạnh tìm thấy đủ mọi khuyết điểm trong "Literatur-Zeitung". Anh ta cho rằng tiểu thuyết "Ba con người tốt" của ông Ét-ga là bôi bác và phóng đại. Anh ta không hiểu rằng việc kiểm duyệt sách báo là một cuộc đấu tranh nội bộ đúng hơn là một cuộc đấu tranh bên ngoài, đúng hơn là một cuộc đấu tranh giữa người với người. Những người ấy không bỏ công nhìn vào thế giới bên trong của mình và thay thế những câu mà sự kiểm duyệt không thể chấp nhận bằng những tư tưởng có tính phê phán đã được tinh luyện và suy nghĩ một cách toàn diện. Anh ta cho rằng bài bình luận của ông Ét-ga về ông Bê-rô là hời hợt, nhưng thông tín viên có tính phê phán lại cho là sâu sắc. Đành rằng anh có thú nhận: "Tôi chưa đọc quyển sách của ông Bê-rô". Nhưng anh ta tin rằng ông Ét-ga đã thành công, v.v., và ai nấy đều biết lòng tin làm cho người ta mê lẫn. Tín đồ có tính phê phán nói tiếp: "Tóm lại, anh ta" (người thuộc nhóm Béc-lin) "rất không hài lòng về những tác phẩm của Ét-ga". Anh ta cũng thấy rằng "Ở đấy, Pru-đông cũng được nghiên cứu không thật sâu sắc". Và ở đây, thông tín viên chứng thực cho ông Ét-ga với những lời khen ngợi như sau: "Đúng là" (?) "tôi đã đọc Pru-đông, tôi biết rằng trong sự trình bày của Ét-ga những luận điểm độc đáo đã được trích ở tác phẩm của Pru-đông và được đối chiếu một cách rõ ràng". Theo ý kiến của thông tín viên đó thì lý do duy nhất khiến cho sự phê phán tuyệt vời của Ét-ga đối với Pru-đông không làm vừa lòng các ngài, chỉ có thể là vì ông Ét-ga không nổi trận lôi đình chống lại tài sản. Ngoài ra - chớ nên quên rằng - kẻ thù còn cho rằng bài của ông Ét-ga viết về "Hội liên hiệp công nhân" là không có ý nghĩa. Thông tín viên an ủi ông Ét-ga: "Dĩ nhiên, bài đó chẳng có gì độc đáo cả, và các ngài đó thực tế đã quay về với quan điểm của Grúp-pơ mà họ quả thực vẫn luôn luôn giữ vững. Theo họ, sự phê phán phải cống hiến, cống hiến nữa, cống hiến mãi!". Hình như sự phê phán không đem lại cho chúng ta những phát hiện hoàn toàn mới mẻ về các mặt ngôn ngữ học, sử học, triết học, kinh tế chính trị học và pháp luật học. Và nó đã khiêm tốn đến mức cho phép người ta nói với nó tựa hồ nó không cống hiến được cái gì độc đáo cả ! Ngay thông tín viên có tính phê phán của chúng ta cũng còn cống hiến cho cơ học hiện đại những cái mà đến nay chưa ai biết: buộc người ta lùi về với cái thứ quan điểm mà họ vẫn luôn luôn giữ vững. Hồi tưởng lại quan điểm của Grúp-pơ, đấy hoàn toàn không phải là một việc thuận tiện. Trong tập sách nhỏ nói chung hết sức thảm hại và không đáng nhắc tới; Grúp-pơ hỏi ông Bru-nô rằng ông ta định phê phán như thế nào lô-gích học tư biện. Bru-nô mời ông ta đi hỏi thế hệ tương lai và thêm rằng "một thằng ngốc đang chờ trả lời"75. Giống như thượng đế xử phạt Pha-ra-ông không tin thượng đế bằng cách làm cho trái tim ông ta chai đi và cho rằng ông ta không xứng đáng được soi sáng, thông tín viên cũng quả quyết rằng: "Vì vậy họ hoàn toàn không xứng đáng xem hoặc hiểu nội dung của "Literatur-Zeitung" của các anh". Và anh ta không khuyên anh bạn Ét-ga tìm cách đạt được tư tưởng và tri thức mà lại xui Ét-ga: "Ông Ét-ga hãy kiếm lấy một túi chữ và sau này khi viết văn cứ việc nhắm mắt mà móc ra để có một thứ văn phong hợp với thị hiếu của công chúng". Ngoài sự quả quyết là có một sự điên cuồng nào đó, một sự độc ác nào đó, một tình trạng không có nội dung nào đó, một sự nghèo nàn về tư tưởng, một sự do dự đối với những sự vật mà mình không hiểu, một cảm giác về cái hư không (tất cả những hình dung từ đó rõ ràng là để chỉ nhóm Béc-lin), anh ta không tiếc lời ca ngợi gia đình thần thánh như sau: "Trình bày một cách dễ dàng và đi sâu vào sự vật, vận dụng một cách tài tình các phạm trù, nghiên cứu thông suốt vấn đề, tóm lại hoàn toàn nắm vững được đối tượng. Ông ta" (một thành viên của nhóm Béc-lin) "hết sức làm dễ dàng nhiệm vụ của mình, còn anh thì làm cho bản thân sự việc trở thành dễ dàng". Hoặc: "Trên "Literatur-Zeitung" anh thực hiện sự phê phán thuần tuý, rõ ràng và xác đáng". Sau hết anh ta nói: "Tôi viết cho anh cặn kẽ tất cả những cái đó vì tôi biết sẽ làm anh vui lòng khi báo cho anh biết quan điểm của bạn tôi. Do đó anh có thể thấy rằng "Literatur-Zeitung" đã đạt được mục đích của nó". Mục đích của "Literatur-Zeitung" là tự đối lập với nhóm Béc-lin. Chúng ta vừa biết đến cuộc luận chiến của nhóm Béc-lin chống lại sự phê phán có tính phê phán và đã thấy người ta cắt đứt với nó về tội gây ra cuộc luận chiến đó như thế nào, thành thử bây giờ chúng ta lại thấy hai cách trình bày nguyện vọng của nhóm Béc-lin muốn được sự phê phán rủ lòng thương. Một thông tín viên viết: "Đầu năm nay khi đến Béc -lin, tôi nghe thấy người quen nói rằng: anh cự tuyệt mọi người, và xa cách mọi người, anh quả là một nhà ẩn dật, cố tình tránh mọi sự gần gũi và giao thiệp với người khác. Dĩ nhiên tôi không biết lỗi tại ai ". Sự phê phán tuyệt đối trả lời : "Sự phê phán không tổ chức đảng phái, nó không muốn có đảng phái của mình, nó cô độc, - cô độc khi nó đi sâu vào đối tượng của mình "(!), "cũng cô độc khi nó tự đối lập với đối tượng đó. Nó ngăn cách hẳn nó với tất cả". Sự phê phán có tính phê phán tưởng rằng nó đứng lên trên mọi sự đối lập giáo điều bằng cách thay thế sự đối lập hiện thực bằng sự đối lập tưởng tượng giữa bản thân nó và thế giới, giữa thần thánh và quần chúng thế tục. Cũng vậy, sự phê phán có tính phê phán tưởng rằng nó vượt lên trên các đảng phái khi nó lăn xuống dưới quan điểm đảng phái, bằng cách lấy tư cách đảng phái để tự đối lập với toàn bộ loài người còn lại và tập trung toàn bộ lợi ích vào nhân cách của ông Bru-nô và đồng bọn. Toàn bộ sự trình bày của chúng tôi đều chứng minh tính đúng đắn của sự thú nhận có tính phê phán là sự phê phán ngồi chễm trệ trên ngôi trong sự cô độc vốn có của sự trừu tượng, thậm chí khi nó hình như đang nghiên cứu một đối tượng nào đó, thực ra nó cũng không vượt khỏi trạng thái cô độc, không có đối tượng và không có quan hệ xã hội chân chính với một đối tượng hiện thực nhất định nào cả, vì đối tượng của nó, chỉ là đối tượng của sự tưởng tượng của nó, chỉ là một đối tượng tưởng tượng. Nó cũng xác định một cách hết sức đúng tính chất của sự trừu tượng của nó, coi như một sự trừu tượng tuyệt đối, theo ý nghĩa là "nó tự tách khỏi mọi cái", và chính "cái hư không" đó tách khỏi tất cả, tách khỏi mọi tư duy, trực quan, v.v., cũng là một điều phi lý tuyệt đối. Vả lại sự cô độc ấy đạt được bằng cách tách khỏi hết thảy, bằng cách trừu tượng hết thảy cũng khó bề thoát khỏi đối tượng mà nó trừu tượng đi giống như Ô-ri-ghen khó bề tách khỏi cơ quan sinh dục, mà y tách khỏi bản thân y. Một thông tín viên khác trước hết mô tả một đại biểu của "nhóm Béc-lin" mà anh ta đã thấy và trò chuyện, là "có tâm trạng buồn bã", "thất vọng", "không há nổi miệng nữa" (kỳ thực trước kia anh ta bao giờ "cũng ăn nói hỗn láo") và "thối chí nản lòng". Thành viên đó của "nhóm Béc-lin" nói chuyện với thông tín viên và thông tín viên báo cáo lại với sự phê phán: "Hắn không hiểu làm sao mà những người như hai anh bao giờ cũng tôn trọng nguyên tắc của chủ nghĩa nhân đạo lại có thể tỏ ra kín đáo như thế, không thân thiện như thế, thậm chí lại còn kiêu ngạo nữa". Hắn không hiểu :"tại sao trên đời lại có một số người rõ ràng cố ý gây ra sự phân liệt. Tất cả chúng ta đều cùng đứng trên một quan điểm như nhau, tất cả chúng ta đều cùng sùng bái cái cực đoan tức sự phê phán, tất cả chúng ta đều có năng lực nếu không phải sáng tạo thì ít ra cũng hiểu và vận dụng được tư tưởng cực đoan". "Hắn cho rằng nguyên nhân chủ đạo của sự phân liệt đó không phải cái gì khác hơn chủ nghĩa vị kỷ và tính kiêu ngạo". Tiếp đó, thông tín viên cố thốt ra một câu nói tốt cho bạn mình: "Có lẽ ít ra là một số trong những bạn bè của chúng tôi không hiểu sự phê phán hoặc thiện ý của sự phê phán... ut desint vires, tamen est laudanda voluntas1*". Sự phê phán trả lời bằng cách so sánh mình với nhóm Béc-lin: "Người ta có những cách nhìn khác nhau đối với sự phê phán". Các ngài ấy "tưởng rằng sự phê phán nằm ngay trong túi họ", còn sự phê phán "biết và thực sự vận dụng sức mạnh của sự phê phán", nghĩa là nó không giữ sự phê phán trong túi mình. Đối với bọn nói trên, sự phê phán chỉ là một hình thức, trái lại, đối với sự phê phán thì nó lại là "cái có nội dung phong phú nhất, nói đúng hơn là cái duy nhất có nội dung". Cũng giống như tư duy tuyệt đối coi mình là toàn bộ hiện thực, sự phê phán có tính phê phán cũng coi mình là toàn bộ hiện thực. Vì vậy nó không thấy nội dung nào bên ngoài bản thân nó, vì vậy nó không phải là sự phê phán đối với những đối tượng hiện thực ở bên ngoài chủ thể có tính phê phán; bản thân nó sáng tạo ra đối tượng, nó là chủ - khách thể tuyệt đối. Sự phê phán nói tiếp: "loại phê phán thứ nhất dùng lời lẽ để lẩn tránh tất cả, lẩn tránh mọi sự nghiên cứu sự vật, loại phê phán thứ hai cũng dùng lời lẽ để tách mình khỏi mọi cái". Loại thứ nhất "thông minh nhưng không biết gì cả", loại thứ hai "luôn luôn học tập". Thực ra loại thứ hai không thông minh và học tập par çà, par là2*, nhưng chỉ là bề ngoài, chỉ là để mạo xưng cái nó học được một cách hời hợt là trí tuệ của chính mình, dùng nó làm "khẩu hiệu" chống lại bản thân quần chúng mà sự phê phán đã thụ giáo, và biến nó thành sự ngu xuẩn của sự phê phán có tính phê phán. Loại thứ nhất cho rằng chữ như "cực đoan", "đi xa hơn", "đi chưa thật xa" đều có ý nghĩa rất quan trọng và là những phạm trù được tôn kính nhất. Loại thứ hai nghiên cứu các quan điểm nhưng không vận dụng vào các quan điểm đó những tiêu chuẩn của những phạm trù trừu tượng nói trên. Sự phê phán số 2 kêu lên rằng hiện nay không thể bàn đến chính trị, rằng triết học đã chấm dứt và nó sẵn sàng dùng những chữ như "ảo tưởng", "không tưởng", v.v., để tẩy trừ hệ thống xã hội và những cuộc vận động xã hội, - phải chăng tất cả những điều đó chỉ là một sự tái bản có sửa chữa một cách phê phán những phạm trù đã nói trên như "đi xa hơn", "chưa đi thật xa"? Và tất cả những tiêu chuẩn của nó như "lịch sử", "phê phán", "tổng hợp đối tượng", "cái cũ và cái mới", "sự phê phán và quần chúng", "sự nghiên cứu các quan điểm", tóm lại tất cả những khẩu hiệu của nó chẳng lẽ không phải là được chế tạo ra từ những phạm trù, hơn nữa từ những phạm trù trừu tượng tức những tiêu chuẩn hay sao !? "Sự phê phán thứ nhất có tính thần học, có ác ý, ghen tuông, nhỏ mọn, láo xược; sự phê phán thứ hai là mặt đối lập của tất cả những cái đó". Sau khi tuôn ra như vậy một hơi liền không nghỉ hàng tràng lời tự tán tụng và vơ cho mình tất cả những cái mà nhóm Béc-lin không có, hoàn toàn giống như thượng đế có tất cả cái gì mà con người không có, sự phê phán đã tự chứng nhận rằng: "Nó đã đạt tới sự sáng tỏ, sự ham hiểu biết, sự yên tĩnh nhờ đó mà nó trở thành không thể bị thương và không gì chiến thắng nổi". Vì vậy, đối với một địch thủ như nhóm Béc-lin, nó không cần đến "một công cụ nào khác ngoài cái cười ô-lem-pích". Sự phê phán với tính triệt để riêng có của nó đã trình bày kỹ càng tính chất của cái cười đó bằng cách ra sức xác định nó là gì và không phải là gì. "Cái cười đó không phải là sự kiêu ngạo". Tuyệt nhiên không ! Đó là sự phủ định của phủ định. Đấy "chỉ là biện pháp mà nhà phê phán, với nét mặt vui vẻ và bình thản, phải dùng để chống lại một quan điểm thấp kém hơn sự phê phán mà lại tự cho mình là ngang hàng với nó" (Tự phụ thay!). Cho nên khi nhà phê phán cười là ông ta dùng một biện pháp và với "tâm hồn bình thản" ông ta dùng biện pháp cười đó không phải để chống lại con người mà để chống lại quan điểm! Ngay cái cười cũng là một phạm trù mà nhà phê phán dùng và thậm chí nhất định phải dùng! Sự phê phán siêu phàm không phải là biểu hiện của hoạt động vốn có của chủ thể người hiện thực nghĩa là sống trong xã hội hiện đại và đồng cam cộng khổ với xã hội đó. Cá nhân hiện thực chỉ là một sự ngẫu nhiên, một chiếc bình thế gian của sự phê phán có tính phê phán trong đó sự phê phán có tính phê phán tự biểu hiện thành thực thể vĩnh cửu. Chủ thể không phải là sự phê phán do một cá nhân con người thực hiện mà là một cá nhân phi nhân loại của sự phê phán. Không phải sự phê phán là biểu hiện của con người mà chính con người là sự tha hoá của sự phê phán, do đó nhà phê phán hoàn toàn sống bên ngoài xã hội. "Nhà phê phán có thể sống trong xã hội mà ông ta phê phán không?". Nên hỏi ngược lại thế này: ông ta có thể không sống trong xã hội đó không ? Bản thân ông ta có thể không thành một biểu hiện của sinh hoạt của xã hội ấy không ? Tại sao nhà phê phán bán những sản phẩm tinh thần của mình, nếu bằng việc bán ấy ông ta biến luật pháp xấu xa nhất của xã hội hiện nay thành luật pháp của chính ông ta? "Nhà phê phán thậm chí không nên tìm cách nhập cục mình với xã hội". Chính vì vậy mà ông ta tự xây dựng một gia đình thần thánh giống như thượng đế cô đơn tìm cách dùng gia đình thần thánh để xóa bỏ sự tách rời buồn tẻ giữa mình với mọi xã hội. Nếu nhà phê phán muốn thoát khỏi xã hội xấu xa thì trước hết ông ta hãy tự giải thoát khỏi cái xã hội riêng của ông ta đã. "Như vậy, nhà phê phán sẽ mất mọi vui thú của xã hội nhưng đồng thời cũng không có những nỗi đau khổ của xã hội nữa. Ông ta không biết đến bạn bè". (trừ bạn bè có tính phê phán của mình) "cũng không biết đến tình yêu" (trừ tình yêu đối với mình); "nhưng trái lại lời phỉ báng cũng chẳng có tác dụng gì với ông ta, không có gì có thể làm nhục ông ta được; sụ thù hằn hoặc ghen ghét cũng không làm hại được ông ta; sự tức giận và sự oán hận là những tình cảm xa lạ với ông ta". Tóm lại, nhà phê phán đã thoát khỏi mọi ham muốn của con người, ông ta là một vị thánh và hoàn toàn có thể ca ngợi mình bằng bài ca của các nữ tu sĩ: "Tôi không màng tưởng đến tình yêu, Tôi chẳng cần đến ai trong đám đàn ông. Tôi một lòng nghĩ tới thượng đến, Chỗ dựa duy nhất của tôi"76. Nhà phê phán không nói được câu nào mà không rơi vào mâu thuẫn với chính mình. Chẳng hạn, cuối cùng ông ta bảo chúng ta rằng: "Bọn phi-li-xtanh ném đá vào nhà phê phán" (Nói bắt chước theo kinh thánh: lấy đá ném cho sự phê phán một trận), "không chịu hiểu ông ta và gán cho ông ta những động cơ không thuần khiết" (gán những động cơ không thuần khiết cho sự phê phán thuần tuý!) "để làm cho nhà phê phán bình đẳng với họ" (sự tự phụ của bình đẳng đã bị khiển trách ở trên kia rồi!), - "nhà phê phán không chế giễu bọn họ là những kẻ không xứng đáng được chế giễu: nhà phê phán chỉ vạch rõ bản tính chân thực của họ và hoàn toàn bình tĩnh đặt họ vào địa vị tương xứng với ý nghĩa không đáng kể của họ". Trên kia chúng ta thấy nhà phê phán đã phải dùng biện pháp chế giễu để chống lại "quan điểm thấp kém hơn mình, nhưng lại tự cho mình là ngang hàng với mình". Sự phê phán có tính phê phán không có quan niệm rõ ràng về sách lược của mình đối với "quần chúng" không tín ngưỡng, điều đó hầu như chứng thực sự phẫn nộ nội tâm và sự bực dọc của sự phê phán, tức là những cái đó "không xa lạ" gì với "tình cảm". Nhưng không thể không thừa nhận rằng sau cuộc đấu tranh theo kiểu dũng sĩ Héc-quyn trong đó sự phê phán chỉ theo đuổi có mỗi một mục đích, - tự tách khỏi "quần chúng thế tục" không có tính phê phán và nói chung khỏi "tất cả" - sự phê phán rốt cuộc đã may mắn đạt tới sự tồn tại cô độc, thần thánh, tự mãn, tự túc, tuyệt đối của mình. Nếu như trong biểu hiện đầu tiên của "cái pha mới" ấy của nó, thế giới cũ của những tình cảm tội lỗi xem ra vẫn còn chi phối phần nào sự phê phán thì giờ đây, chúng ta sẽ thấy nó đạt tới sự bình tĩnh mỹ học và được chiếu sáng trong một "hình tượng nghệ thuật" nào đấy, trong đó nó sẽ chuộc tội của nó để về sau, với tư cách Đấng Crít chiến thắng thứ hai, nó sẽ hoàn thành cuộc phán xét cuối cùng có tính phê phán và sau khi đánh bại con rồng, nó sẽ thản nhiên bay lên thiên đường.
1* - nói trên 2* - ghê sợ cái trống rỗng 3* Chỉ người nói chuyện với thông tín viên ủng hộ quan điểm của nhóm Béc-lin. 4*- không phân biệt 75 Hai-nơ, "Bắc hải" (Tập thơ thứ hai "Những câu hỏi"). 1* - tuy rằng sức không đủ, nhưng nguyện vọng thì dù sao cũng thật đáng khen 2* - chỗ này, chỗ kia 76 Trích ở bài dân ca Đức "Cô gái đi tu".
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC