Chủ nghĩa Marx

Rô-đôn-phơ - "bí mật bị bóc trần của mọi bí mật"

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VIII

CUỘC CHU DU THẾ GIỚI VÀ SỰ BIẾN HÌNH

CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN,

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở RÔ-ĐÔN-PHƠ,

ÔNG HOÀNG GIÊ-RÔN-STANH

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

8. RÔ-ĐÔN-PHƠ, "BÍ MẬT ĐÃ BỊ BÓC TRẦN

CỦA MỌI BÍ MẬT"

 

Phương tiện thần kỳ mà Rô-đôn-phơ dùng để tiến hành tất cả những công cuộc cứu thế của mình và tất cả các công cuộc cứu chữa mầu nhiệm của mình không phải là những lời nói đẹp đẽ của ông ta mà là tiền mặt trao tay của ông ta. Phu-ri-ê đã nói: các nhà đạo đức là như thế đấy. Phải là triệu phú mới có thể noi gương những anh hùng của họ được.

Đạo đức"sự bất lực trong hành động"86. Mỗi lần đạo đức tấn công vào một tật xấu nào đó là nó đều thất bại. Rô-đôn-phơ thậm chí cũng không vươn lên đến quan điểm đạo đức độc lập là đạo đức ít ra cũng dựa trên ý thức về phẩm cách con người. Trái lại, đạo đức của ông ta lại dựa trên ý thức về sự yếu đuối của con người. Ông ta đại biểu cho đạo đức thần học. Những thành tích anh hùng mà ông ta đã đạt được nhờ những tư tưởng Thiên chúa giáo cố định mà ông ta dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá thế giới, như "lòng từ thiện", "lòng trung thành vô hạn", "sự quên mình", "lòng ăn năn", "những người tốt và những người xấu", "phần thưởng và hình phạt", "những sự trừng phạt ghê gớm", "sự cô đơn", "sự cứu vớt linh hồn", v.v., những thành tích đó, chúng ta đã phân tích tường tận và chỉ ra rằng đó chỉ là những trò hề mà thôi. Ở đây chúng ta chỉ có việc xét đến tính cách cá nhân của Rô-đôn-phơ, tức là của "bí mật đã bị bóc trần của mọi bí mật" hay là của bí mật đã bị bóc trần của "sự phê phán thuần tuý" mà thôi.

Ngay thời niên thiếu, Rô-đôn-phơ, vị Héc-quyn phê phán của chúng ta, đã thấy sự đối lập giữa "thiện" và "ác" thể hiện ở hai nhân vật Muyếc-phơ Pô-li-đô-ri, hai thày giáo của ông ta. Nhân vật thứ nhất dạy ông ta làm điều thiện mà bản thân y cũng là "người thiện"; nhân vật thứ hai dạy ông ta làm điều ác mà bản thân y cũng là "người ác"! Để cho quan niệm này xét về mặt tầm thường thì chẳng thua gì những quan niệm tương tự trong các cuốn tiểu thuyết luân lý khác, Muyếc-phơ "người thiện" phải được miêu tả thành con người không "học rộng" lắm, cũng không "thông minh hơn người lắm". Nhưng người đó thành thực, giản dị, ít nói, dùng những danh từ như hổ thẹn, đê tiện để kiêu hãnh chê bai điều ác và cảm thấy ghê sợ trước những cái thấp kém. Dùng lời nói của Hê-ghen thì có thể nói rằng Muyếch-phơ đã chuyển một cách thành thực giai điệu của cái thiện và cái thực, thành sự ngang bằng của các âm điệu, nghĩa là thành một nốt nhạc.

Trái lại, Pô-li-đô-ri là một đấng kỳ tài thông minh rất mực, học thức uyên thâm, rất có giáo dục nhưng đồng thời lại là một người "thiếu đạo đức một cách rất nguy hiểm", và nhất là đầu óc chứa đầy "thuyết hoài nghi đáng sợ nhất", điều mà Ơ-gien Xuy, đại biểu của giai cấp tư sản thành kính và trẻ tuổi của nước Pháp không thể nào quên được. Có thể phán đoán về nghị lực tinh thần và sự giáo dục của Ơ-gien Xuy và của nhân vật chính của ông ta căn cứ vào sự khiếp sợ mà thuyết hoài nghi gây ra cho họ.

"Muyếc-phơ, ông Sê-li-ga nói - "vừa là tội lỗi vĩnh cửu ngày 13 tháng Giêng, vừa là sự chuộc lại vĩnh viễn cũng tội lỗi đó nhờ ở lòng yêu mến và sự hy sinh không gì so sánh được đối với nhân vật Rô-đôn-phơ".

Nếu Rô-đôn-phơ là dues ex machina 1* và đấng chuộc tội của toàn thế giới Muyếc-phơ  là deus ex machina cá nhân và đấng chuộc tội của Rô-đôn-phơ.

"Đối với Muyếc-phơ, Rô-đôn-phơ và việc cứu vớt loài người, Rô-đôn-phơ và việc thực hiện sự toàn thiện toàn mỹ của bản chất loài người chỉ là một chỉnh thể thống nhất không thể chia cắt, một chỉnh thể mà y phục vụ không phải với sự trung thành ngu xuẩn như chó của tên nô lệ mà là với sự tự giác và tự chủ đầy đủ".

Như vậy Muyếc-phơ là một tên nô lệ văn minh, tự giác và tự chủ. Giống như mỗi tên đầy tớ của các ông hoàng, y coi chủ mình là hiện thân của đấng cứu thế. Grôn nịnh Muyếc-phơ là "vệ sĩ dũng cảm không biết sợ". Chính Rô-đôn-phơ cũng gọi y là kiểu mẫu về người đầy tớ, mà y quả thật là một người đầy tớ kiểu mẫu. Ơ-gien Xuy cho biết rằng trong những cuộc tête à tête2*, y không bao giờ quên xưng hô Rô-đôn-phơ là "Đức ông". Trước những người khác, để giữ bí mật cho cuộc vi hành ẩn danh, ngoài mồm tuy y xưng hô "ông" nhưng trong thâm tâm vẫn xưng hô "Đức ông".

"Muyếc-phơ đã giúp vén tấm màn che giấu bí mật, nhưng đó chỉ là vì Rô-đôn-phơ. Y đã tham gia công việc phá huỷ sức mạnh của bí mật".

Qua câu chuyện giữa Muyếc-phơ với phái viên Grôn, chúng ta có thể có một quan niệm về tấm màn dầy đặc che không cho Muyếc-phơ thấy những quan hệ thế gian giản đơn nhất. Viện cớ pháp luật cho phép người ta tự vệ trong trường hợp tự vệ chính đáng, y rút ra kết luận rằng với tư cách quan toà bí mật về việc hình, Rô-đôn-phơ có quyền chọc mù mắt Thày giáo bị trói và "không có gì để tự vệ". Khi y nói Rô-đôn-phơ sẽ thuật lại như thế nào trước toà án những hành vi "cao thượng" của mình, sẽ dùng những câu hoa mỹ như thế nào để phô trương mình, sẽ thổ lộ như thế nào tâm tư vĩ đại của mình thì sự miêu tả của y thật xứng đáng với một học sinh văn học trung học vừa đọc xong cuốn "Bọn kẻ cướp" của Si-lơ. Bí mật duy nhất mà Muyếc-phơ  để cho thế giới giải quyết là: khi y đóng vai công nhân chuyển than thì y đã làm nhọ mặt mình bằng cái gì, bằng bụi than, hay là thuốc vẽ màu đen.

"Những vị thiên thần sẽ được phái xuống tách người thiện và người ác" (Phúc âm của Ma-ti-ơ, chương 13, mục 49). "Đau đớn và lo sợ sẽ ban cho những kẻ làm điều ác; vinh quang, danh dự và bình yên sẽ ban cho tất cả những ai làm điều thiện" (Xanh Pôn. Thư gửi người Rô-manh, chương 2, mục 9-10).

Rô-đôn-phơ tự coi mình là loại thiên thần đó. Ông xuống trần gian để tách người thiện khỏi người ác, để khen thưởng người thiện, trừng phạt kẻ ác. Quan niệm thiện ác đã khắc sâu vào đầu óc suy nhược của ông ta đến nỗi ông ta tin có ma quỷ thật và muốn bắt sống nó như giáo sư Dắc-cơ ở Bon xưa kia. Mặt khác, ông ta lại định sao chép dưới hình thức thu nhỏ mặt đối lập của quỷ nghĩa là thượng đế. Ông ta ưa "đóng một chút ít cái vai trò thượng đế". Cũng giống như trong hiện thực, tất cả mọi sự phân biệt ngày càng lẫn lộn với sự phân biệt giữa kẻ giàu người nghèo, thì trong ý niệm tất cả mọi sự phân biệt có tính quý tộc sẽ biến thành sự đối lập giữa điều thiện và điều ác. Sự phân biệt như thế là hình thức cuối cùng mà quý tộc khoác cho những thiên kiến của mình. Rô-đôn-phơ tự cho mình là người thiện, và những người ác tồn tại là để cho ông ta có thể hưởng sự toàn thiện toàn mỹ của bản thân ông ta. Chúng ta hãy xem xét "người thiện" đó kỹ thêm chút nữa.

Ông Rô-đôn-phơ biểu lộ một lòng từ thiện và một sự phung phí theo kiểu của quốc vương Hồi giáo ở Bát-đa trong truyện "Một nghìn lẻ một đêm". Ông ta không thể sống một cuộc đời như thế mà lại không như một quỷ hút máu đến giọt máu cuối cùng của công quốc Đức của ông ta. Theo chính Ơ-gien Xuy thì Rô-đôn-phơ sẽ đứng trong đám công hầu Đức bị giáng cách87 nếu không có một hầu tước Pháp che chở cứu ông ta khỏi bị cưỡng bách thoái vị. Sự thật đó giúp chúng ta đánh giá được công quốc của ông ta lớn hay nhỏ. Rô-đôn-phơ dùng đầu óc phê phán đến mức nào để xét đoán địa vị của bản thân ông ta, điều đó người ta còn có thể thấy ở chỗ ông ta, một chư hầu nhỏ ở Đức, tưởng rằng cần phải vi hành bán nặc danh khi ở Pa-ri để làm cho người ta khỏi chú ý đến mình. Ông ta cố ý đem theo một viên tể tướng với mục đích có tính phê phán là để giúp ông ta tiêu biểu cho ông ta "cái mặt hí kịch và trẻ con của quyền lực tự chủ"; dường như ngoài bản thân và chiếc gương soi của mình ra, một vị chư hầu nhỏ còn cần có một đại biểu thứ ba nào đó để đại diện cho cái mặt hí kịch và trẻ con của quyền lực tự chủ nữa. Rô-đôn-phơ cũng đã ảnh hưởng đến những người của mình khiến họ cũng không hiểu một cách phê phán vai trò và ý nghĩa của mình. Chẳng hạn, anh đầy tớ Muyếc-phơ và phái viên Grôn không nhận thấy rằng ông Ba-di-nô, đại biện ở Pa-ri chế nhạo họ như thế nào bằng cách làm ra vẻ coi những sự uỷ thác riêng tây của họ là quốc gia đại sự, và bằng cách dùng lối châm biếm tuôn ra hàng tràng về

"những quan hệ huyền bí, có thể tồn tại giữa những lợi ích hết sức khác nhau và vận mệnh quốc gia". "Vâng" - vị phái viên của Rô-đôn-phơ báo cáo - "đôi lần y đã mặt dày mày dạn nói với tôi rằng trong việc cai trị một quốc gia, có biết bao nhiêu là điều rắc rối phức tạp mà nhân dân không biết tới! Thưa nam tước, có ai bảo rằng những báo cáo mà tôi đệ trình ngài có ảnh hưởng đến diễn biến của công việc châu Âu, song sự thực quả như thế đấy".

Vì phái viên và Muyếc-phơ cho rằng trơ trẽn không phải là việc người ta gán cho họ là có ảnh hưởng đến công việc châu Âu mà là việc Ba-đi-nô lý tưởng hoá cái nghề hèn mọn của mình đến mức đó.

Trước hết, chúng ta hãy nhớ lại một cảnh trong sinh hoạt gia đình của Rô-đôn-phơ, Rô-đôn-phơ bảo Muyếc-phơ: "Ta hiện đang ở trong một trong những giờ phút kiêu hãnh và sung sướng". Nhưng ông ta lại nổi  giận ngay vì Muyếc-phơ không muốn trả lời một câu hỏi của ông ta. Ông ta quát: "Ta ra lệnh cho ngươi phải nói". Muyếc-phơ  xin ông ta chớ nên ra lệnh. Rô-đôn-phơ bảo: "Ta không ưa sự lặng thinh". Ông ta không tự kiềm chế nổi đến nỗi nói những lời thô lỗ khi nhắc Muyếc-phơ rằng mọi công việc của anh ta đều được trả công. Ông ta chỉ bình tĩnh lại khi Muyếc-phơ nhắc tới sự kiện ngày 13 tháng Giêng. Sau cơn bão táp đó, cái bản tính tôi đòi mà Muyếc-phơ cho phép mình lãng quên đi trong khoảnh khắc lại lộ ra. Hắn nắm lấy "tóc" mình, nhưng may thay hắn không có tóc; hắn thất vọng vì đã tỏ ra thô lỗ với vị quan lớn hiển hách, một vị quan lớn sẵn lòng gọi hắn là "kiểu mẫu về người đầy tớ", là "Muyếc-phơ lương thiện, lão thành, trung thực của ta".

Không bối rối vì những biểu hiện của điều ác trong người mình, Rô-đôn-phơ tiếp đó vẫn lắp lại quan niệm cố định của mình, về "điều thiện" và "điều ác" và cho biết về những thành tựu mà ông ta đã đạt được trong việc làm điều thiện. Ông ta gọi sự bố thí và lòng thương là những kẻ an ủi trong trắng và thành tâm đối với linh hồn bị tổn thương của ông ta. Nhưng hạ thấp sự bố thí và lòng thương bằng cách cứu giúp những kẻ không xứng đáng, những kẻ bị ruồng bỏ, thì theo người ta nói là một điều đáng ghê sợ, vô đạo, bất kính. Tất nhiên là lòng thương và sự bố thí đều là những điều an ủi đối với tâm hồn của ông ta; cho nên làm ô uế những cái đó là mắc tội xúc phạm thần linh. Như thế là "làm cho người ta nghi ngờ thượng đế; và kẻ nào bố thí thì phải làm cho người ta tin ở thượng đế". Bố thí cho một kẻ bị ruồng bỏ, - đó là một điều không thể tưởng tượng được!

Đối với Rô-đôn-phơ, mỗi sự vận động của tâm hồn ông ta đều vô cùng quan trọng. Vì vậy ông ta không ngừng quan sát và đánh giá những sự vận động đó. Chẳng hạn, trong cảnh đã nói trên kia, kẻ điên nổi giận với Muyếc-phơ nhưng lại tự an ủi rằng cảnh ngộ của Phlơ đơ Ma-ri đã làm ông mủi lòng. "Ta mủi lòng đến nỗi rơi lệ, thế mà người ta vẫn trách ta là thờ ơ, lạnh nhạt, sắt đá". Sau khi đã chứng minh như vậy lòng lương thiện vốn có của mình, Rô-đôn-phơ đã bất bình với "điều ác", với hành động gian ác của bà mẹ không ai biết rõ của Ma-ri, rồi ông ta tuyên bố hết sức trịnh trọng với Muyếc-phơ rằng: "Ngươi biết đấy, ta rất coi trọng một số hành động trả thù nào đó, ta rất quý một số điều đau khổ nào đó". Đồng thời ông ta lại nhăn mặt như quỷ dữ khiến cho anh đầy tớ trung thành sợ hãi hét lên: Ôi! Thưa đức ông! ". Vị quan lớn hiển hách đó giống như những nhà hoạt động của hội "Nước Anh trẻ"88 là những người cũng muốn cải tạo thế giới, làm nên sự nghiệp vĩ đại và đều mắc phải chứng loạn thần kinh giống như vậy.

Chính bản chất ham thích phiêu lưu của Rô-đôn-phơ là cái đầu tiên giải thích cho chúng ta hiểu những chuyện mạo hiểm và những cảnh ngộ mà ông ta dấn thân vào. Ông ta thích "cái kỳ lạ của tiểu thuyết, sự tiêu khiển, chuyện mạo hiểm và sự giả trang": "tính tò mò" của ông ta "không bao giờ được thoả mãn cả"; ông ta thấy "cần phải có cảm xúc mạnh mẽ và nóng bỏng"; ông ta "hay say những kích thích thần kinh dữ dội".

Những khuynh hướng bẩm sinh đó của ông lại được tăng cường bởi tính khao khát muốn đóng vai thượng đế và muốn cải tạo thế giới theo ảo tưởng cố định của mình.

Quan hệ của ông ta với những người khác đều được quyết định hoặc bởi một quan niệm cố định trừu tượng nào đó, hoặc bởi những động cơ hoàn toàn cá nhân và ngẫu nhiên.

Chẳng hạn, nếu ông ta cứu y sĩ da đen Đa-vít và tình nhân của anh ta không phải là vì tình thương đồng loại trực tiếp mà số phận những người đó gây nên, cũng không phải để giải phóng họ, mà là để đóng vai thượng đế đối với tên chủ nô Vi-lít và để trừng phạt sự không tin thượng đế của hắn ta. Cũng vậy, Thày giáo là miếng mồi mong muốn để cho Rô-đôn-phơ vận dụng lý luận về hình phạt mà ông ta đã tưởng tượng ra từ lâu. Mặt khác, cuộc nói chuyện của Muyếc-phơ với phái viên Grôn cho chúng ta có khả năng quan sát sâu sắc hơn những động cơ thuần tuý cá nhân quyết định những hành động cao thượng của Rô-đôn-phơ.

Theo Muyếc-phơ, Đức ngài sở dĩ quan tâm đến Phlơ đơ Ma-ri thì "ngoài" sự thương hại mà số phận của con người nghèo khổ gây nên, còn vì con gái Rô-đôn-phơ - mà cái chết đã làm ông ta xót xa trong lòng - nếu còn sống thì bấy giờ cũng ngần ấy tuổi. Rô-đôn-phơ sở dĩ quan tâm đến hầu tước phu nhân Đác-vin thì "ngoài" cái tật bác ái ra, còn vì nguyên nhân có tính chất cá nhân này là nếu không có lão hầu tước Đác-vin và tình bạn của vị hầu tước này với hoàng đế A-lếch-xan-đrơ thì ông thân sinh ra Rô-đôn-phơ đã bị gạt ra khỏi hàng ngũ các vua chúa Đức.

Lòng nhân từ của Rô-đôn-phơ đối với bà Gioóc-giơ và sự quan tâm của ông ta đối với Giéc-manh, con trai bà Gioóc-giơ, cũng là vì động cơ đó. Bà Gioóc-giơ thuộc họ hàng nhà Đác-vin.

"Không phải là ít do những sự bất hạnh về những phẩm hạnh của mình hơn là do quan hệ họ hàng của mình mà bà Gioóc-giơ đáng thương kia được Đức ngài không ngừng ban cho những ân huệ".

Tính chất mập mờ của những động cơ của Rô-đôn-phơ đã được nhà biện hộ Muyếc-phơ cố gắng che đậy bằng những chữ như "chủ yếu là", "ngoài ra", "không phải là ít hơn".

Sau cùng, tất cả tính cách của Rô-đôn-phơ hoàn toàn biểu hiện trong sự giả dối "thuần tuý", mà chính nhờ sự giả dối đó, ông ta tìm cách trình bày cho mình và cho người khác sự bùng nổ của những tính ham mê xấu xa của mình thành những sự phẫn nộ chống những tính ham mê của những kẻ ác. Kiểu cách này làm chúng ta nhớ lại kiểu cách tương tự của sự phê phán có tính phê phán coi những sự ngu ngốc của chính nó những sự ngu ngốc của quần chúng, coi những sự công kích độc ác của nó đối với sự phát triển của thế giới bên ngoài nó là những sự công kích độc ác của thế giới bên ngoài nó đối với sự phát triển, và cuối cùng coi tính vị kỷ của nó, cái tính vị kỷ cho rằng mình đã hấp thụ được hết toàn bộ tinh thần, là sự phản kháng vị kỷ của quần chúng chống lại tinh thần.

Sự giả dối "thuần tuý" của Rô-đôn-phơ, chúng ta sẽ chứng minh nó bằng thái độ của ông ta đối với Thày giáo, đối với bá tước phu nhân Xa-ra Mác - Grê-go và đối với viên công chứng Giắc-cơ Phe-răng.

Rô-đôn-phơ đã dụ dỗ Thày giáo đi ăn trộm nhà ông ta để lừa hắn vào bẫy và bắt hắn. Lợi ích mà ông ta theo đuổi không phải là lợi ích của toàn nhân loại, mà là lợi ích thuần tuý cá nhân. Vấn đề là Thày giáo giữ chiếc cặp của bá tước phu nhân Mác-Grê-go còn Rô-đôn-phơ rất muốn vớ lấy chiếc cặp này. Về tête à tête của Rô-đôn-phơ với Thày giáo, cuốn tiểu thuyết đã mô tả rõ ràng như sau:

"Rô-đôn-phơ ở trong tâm trạng lo lắng bứt rứt. Nếu ông ta bỏ lỡ dịp bắt Thày giáo thì dịp tốt đó chắc chắn không bao giờ còn nữa; tên cướp đó từ nay đề phòng, hoặc có lẽ bị bắt và đưa đi tù, sẽ mang theo tất cả những bí mật mà Rô-đôn-phơ muốn biết vô cùng".

Bắt Thày giáo, Rô-đôn-phơ sẽ chiếm lấy chiếc cặp của bá tước phu nhân Mác-Grê-go. Ông ta bắt tay Thày giáo là xuất phát từ lợi ích cá nhân. Ông ta chọc mù mắt Thày giáo cũng là xuất phát từ tình cảm cá nhân bồng bột.

Khi Dao bầu thuật lại với Rô-đôn-phơ cuộc đấu tranh giữa Thày giáo và Muyếc-phơ và cho rằng sự chống cự ngoan cố của Thày giáo là do y biết số phận đang chờ đợi hắn, thì Rô-đôn-phơ trả lời rằng: "Y không biết đâu". Khi nói câu đó, ông ta "lộ vẻ âu sầu và mặt nhăm rúm lại vì cái vẻ gần như hung ác nói trên kia". Ý nghĩ trả thù đã hoàn toàn khống chế ông ta, ông ta đã thưởng thức trước được cái thú vui man rợ mà hình phạt dã man đối với Thày giáo đem lại cho ông ta.

Thế là khi y sĩ da đen Đa-vít, người mà ông ta coi là công cụ trả thù, xuất hiện, ông ta liền kêu tướng lên: "Trả thù... Trả thù!..." giữa một cơn "thịnh nộ khốc liệt".

Một cơn thịnh nộ khốc liệt đã tràn ngập tâm hồn ông ta. Thế rồi ông ta rỉ tai với vị y sĩ cái mưu kế của ông ta; khi vị y sĩ này sợ run người lên thì ông ta đã khéo che đậy ý nghĩa trả thù cá nhân bằng một động cơ lý luận "thuần tuý". Ông ta nói đây chỉ là "vận dụng quan niệm" thường đã ám ảnh từ lâu cái đầu óc cao thượng của mình, và ông ta không quên nói thêm bằng cái giọng ngọt sớt rằng "sau này, ông ta sẽ còn chân trời bao la để hối cải". Ông ta bắt chước toà án tôn giáo Tây Ban Nha, toà án này sau khi trao tội nhân cho toà án thế gian xử tội thiêu sống, bao giờ cũng giả nhân giả nghĩa cầu nguyện mở rộng lòng nhân từ cho tội nhân đang hối lỗi.

Dĩ nhiên là khi hỏi cung và xử tội Thày giáo, Đức ông tại tư thất đầy đủ tiện nghi, mặc áo chùng đen ngòm, sắc mặt trắng bệch trông rất hay, và để cho giống hẳn cảnh toà án, trước mặt ông ta còn kê một chiếc bàn dài trên để các tang vật. Cái vẻ mặt dã man và trả thù của ông ta lộ ra trước đây khi ông ta báo cho Dao bầu và vị y sĩ biết mưu kế chọc mù mắt của Thày giáo thì hiện nay cũng phải biến đi không còn dấu vết nữa. Bây giờ, ông ta phải xuất hiện với thái độ trịnh trọng hết sức buồn cười của một kẻ tự xưng là vị quan toà thế giới "bình tĩnh, nhẫn nhục và trầm mặc".

Để cho không ai còn mảy may nghi ngờ gì về động cơ "thuần khiết" của hình phạt chọc mù mắt, anh chàng Muyếc-phơ đần độn đã thú nhận với phái viên Grôn rằng:

"Mục đích của việc trừng phạt nghiêm khắc Thày giáo thì chủ yếu là để trả thù tội phạm nham hiểm đã định giết tôi".

Khi trao đổi riêng với Muyếc-phơ, Rô-đôn-phơ đã nói như sau:

"Sự thù ghét của ta đối với bọn độc ác... càng mãnh liệt, sự ghét bỏ của ta đối với Xa-ra tăng thêm, dĩ nhiên là tăng lên theo với sự đau khổ mà cái chết của con gái ta đã gây ra cho ta".

Như vậy là Rô-đôn-phơ bảo chúng ta rằng sự thù ghét của ông ta đối với bọn độc ác đã mãnh liệt hơn. Dĩ nhiên sự thù ghét của ông ta là sự thù ghét có tính phê phán, sự thù ghét thuần tuý và có tính đạo đức, sự thù ghét đối với bọn độc ác, vì chúng độc ác. Vì vậy, ông ta coi sự thù ghét đó là một sự tiến bộ của ông ta trong việc làm điều thiện.

 Nhưng ở đây lại lộ ra rằng việc tăng thêm sự thù ghét có tính đạo đức chỉ là một sự thừa nhận giả dối mà ông ta dùng để tô điểm cho việc tăng thêm sự chán ghét cá nhân đối với Xa-ra. Ảo tưởng đạo đức không rõ rệt, tức sự tăng thêm của sự thù ghét đối với kẻ ác chỉ là cái vỏ ngoài của sự thực thiếu đạo đức rõ rệt, tức sự tăng thêm của sự thù ghét đối với Xa-ra. Sự thù ghét đó có một nguyên nhân hết sức tự nhiên và hết sức cá nhân tức sự đau xót cá nhân của ông ta. Chính sự đau xót đó là thước đo sự thù ghét của ông ta. Dĩ nhiên đi rồi!

Một sự giả dối đáng ghét hơn nữa đã lộ ra trong cuộc gặp mặt của Rô-đôn-phơ với bá tước phu nhân Mác-Grê-go đang hấp hối.

Sau khi bá tước phu nhân bóc trần cái bí mật rằng Phlơ đơ Ma-ri chính là con gái của Rô-đôn-phơ và bà ta, Rô-đôn-phơ liền tiến sát bà "vẻ mặt đe doạ và tàn nhẫn". Bá tước phu nhân xin ông ta rủ lòng thương. Nhưng ông ta trả lời

"Không thể thương hại được, bà là kẻ đáng nguyền rủa ...bà .. một ác thần đối với tôi và đối với giống nòi nhà tôi!".

Như vậy là ông ta muốn trả thù cho "giống nòi" mình. Tiếp đó, ông ta bảo cho bá tước phu nhân biết rằng để chuộc lại cái tội định giết cha, ông ta đã thề phải đi chu du thế giới, thưởng người thiện và phạt kẻ ác. Rô-đôn-phơ giày vò bá tước phu nhân, ông ta tức giận điên người, nhưng trước mắt ông ta, ông ta chỉ hoàn thành cái nhiệm vụ đã tự đặt ra ngày 13 tháng Giêng tức là: "truy nã điều ác".

Lúc ông ta bỏ đi, Xa-ra kêu lên: "Hãy rủ lòng thương tôi, tôi sắp chết rồi!"

Rô-đôn-phơ giận điên lên nói:

"Chết đi, đồ đáng nguyền rủa!"

Những chữ "giận điên lên" vạch rõ những động cơ thuần tuý, có tính phê phán có đạo đức của hành động của Rô-đôn-phơ. Chính cơn giận điên người đó đã khiến ông ta rút gươm ra chống lại người cha cao quý đã quá cố của ông ta, như ông Sê-li-ga đã nói. Đáng lẽ phải đấu tranh với điều ác ấy ở bản thân với tư cách nhà phê phán thuần tuý, ông ta lại đấu tranh với điều ác ở người khác.

Cuối cùng, Rô-đôn-phơ tự mình xóa bỏ lý luận Cơ Đốc giáo về hình phạt của ông ta. Ông ta muốn bỏ tội tử hình, biến hình phạt thành sự sám hối, miễn là tội phạm giết những người khác chứ không động chạm đến người nhà ông ta. Nếu thủ phạm đụng đến một người trong gia đình ông ta thì ông ta sử dụng ngay tội tử hình; ông ta cần hai thứ lập pháp, một cho bản thân ông ta là vĩ nhân, một cho những người trần tục.

Ông được Xa-ra cho biết thủ phạm gây ra cái chết của Phlơ đơ Ma-ri là Giắc-cơ Phe-răng. Ông tự nhủ rằng:

"Không, như thế chưa đủ... ngọn lửa phục thù đang rực cháy trong lòng ta !... Thật là lòng đang khao khát máu !... Thật là cơn thịnh nộ suy nghĩ chín chắn và điềm đạm!... Khi tôi chưa biết rằng một trong những nạn nhân của tên quỷ sứ đó là con tôi, tôi còn tự nhủ rằng: cái chết của người đó chẳng bổ ích gì... Sống mà không có tiền bạc, sống mà không thoả mãn được tình dục điên cuồng của mình, đó mới là sự hành hạ lâu dài và gấp bội... Nhưng đây là con gái tôi!... Tôi phải giết chết người đó!".

Và Rô-đôn-phơ xông ra đi giết Giắc-cơ Phe-răng, nhưng ông ta thấy y đã ở vào trong tình trạng không cần giết nữa.

Ông Rô-đôn-phơ "lương thiện" ! Chí phục thù sôi sục, lòng thèm khát máu người, cơn thịnh nộ suy nghĩ chín chắn và điềm đạm, sự giả dối che đậy một cách xảo trá mọi ý nghĩ độc ác trong tâm hồn - tất cả những cái đó chính là những tình dục độc ác khiến ông ta móc mắt người khác. Chỉ nhờ có vận may, tiền bạc và chức tước mà "người thiện" đó thoát khỏi tù đầy.

Để bù đắp cho sự nhỏ mọn của ông ta trên tất cả các mặt khác, "uy lực của sự phê phán" đã biến vị Đông Ky-sốt này thành "chủ nhà tốt", "láng giềng tốt", "bạn bè tốt", "người cha tốt", "nhà tư sản tốt", "người công dân tốt", "ông hoàng tốt", và ở đây vẫn còn vang lên cái cung bậc ấy của các bài hát ca ngợi của ông Sê-li-ga. Điều đó còn nhiều hơn toàn bộ thành quả "loài người" đã đạt được "trong toàn bộ lịch sử của mình". Riêng cái đó cũng để cho Rô-đôn-phơ hai lần cứu vớt "thế giới" khỏi "bị diệt vong".

 

 


86 Trích dẫn ở lời bạt phần hai của "Học thuyết về bốn vận động và về những số phận chung" của S.Phu-ri-ê.

1* - nghĩa đen: "vị thần từ trong máy móc ra" (trong các rạp hát cổ đại, diễn viên đóng vai thần được đưa ra sân khấu bằng một thứ máy móc đặc biệt). Câu này dùng để chỉ người đột nhiên xuất hiện cứu vãn được thế nguy.

2* - chuyện riêng giữa hai người

87 Đây chỉ những chư hầu nhỏ ở Đức đã mất quyền lực của mình; trong thời kỳ chiến tranh của Na-pô-lê-ông và hội nghị Viên (1814-1815), do chia lại bản đồ chính trị của nước Đức nên lãnh địa của họ bị sáp nhập vào lãnh thổ của những bang lớn hơn ở Đức.

88 "Nước Anh trẻ" là một hội của những nhà hoạt động chính trị và nhà văn học Anh thuộc Đảng To-ri thành lập vào đầu những năm 40 thế kỷ XIX. Các nhà hoạt động của nhóm "Nước Anh trẻ", trong khi bộc lộ tâm trạng bất mãn của bọn quý tộc địa chủ đối với sự tăng cường thực lực kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản, đã dùng thủ đoạn mê hoặc hòng ảnh hưởng đến giai cấp công nhân, lợi dụng họ chống lại giai cấp tư sản. Trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", C.Mác và Ph. Ăng-ghen đã xác định quan điểm của họ là "chủ nghĩa xã hội phong kiến".

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt