Chủ nghĩa Marx

Sự bóc trần những bí mật của khoa kinh tế chính trị

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VIII

CUỘC CHU DU THẾ GIỚI VÀ SỰ BIẾN HÌNH

CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN,

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở RÔ-ĐÔN-PHƠ,

ÔNG HOÀNG GIÊ-RÔN-STANH

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

7. SỰ BÓC TRẦN NHỮNG BÍ MẬT CỦA KHOA

KINH TẾ CHÍNH TRỊ

 

a) Sự bóc trần về mặt lý luận những bí mật của khoa kinh tế chính trị

Sự bóc trần thứ nhất: Sự giàu có thường dẫn đến chỗ hoang phí, hoang phí dẫn đến phá sản.

Sự bóc trần thứ hai: Những hậu quả vừa nói trên đây của sự giàu có là do không giáo dục đầy đủ lớp thanh niên nhà giàu mà ra.

Sự bóc trần thứ ba: Quyền kế thừa chế độ tư hữu đều là bất khả xâm phạm và thiêng liêng và phải là như vậy.

Sự bóc trần thứ tư: Về mặt đạo đức, người giàu có trách nhiệm trả lời những người lao động về lý do sử dụng tài sản của mình. Một tài sản lớn là một tồn khoản kế thừa, một thái ấp phong kiến, giao cho những bàn tay khôn ngoan, vững vàng, khéo léo, khoan hậu, vừa chịu trách nhiệm làm cho nó sinh sôi nảy nở, và vừa phải sử dụng nó sao cho tất cả những cái gì có được may mắn là ở vào trong phạm vi vòng hào quang sáng chói và bổ ích của gia tài lớn đó, phải được nảy nở, sinh động, cải thiện.

Sự bóc trần thứ năm: Nhà nước phải dạy cho lớp thanh niên nhà giàu không có kinh nghiệm những nguyên lý cơ bản về kinh tế cá thể. Nhà nước phải đạo đức hoá tài sản.

Sự bóc trần thứ sáu: Sau cùng, nhà nước phải quan tâm giải quyết vấn đề to lớn là tổ chức lao động. Nhà nước phải nêu gương bổ ích về sự liên hợp giữa tư bản và lao động, một sự liên hợp đúng đắn, hợp lý, công bằng, bảo đảm phúc lợi của công nhânkhông hại đến của cải của nhà giàu, thiết lập giữa hai giai cấp đó những mối liên hệ đồng tình, biết ơn, và do đó bảo đảm mãi mãi an ninh cho nhà nước.

Vì lúc này, nhà nước chưa áp dụng lý luận đó, nên Rô-đôn-phơ tự mình nêu lên vài tấm gương thực tế. Những tấm gương này sẽ vạch trần cái bí mật là đối với ông Xuy, ông Rô-đôn-phơ và sự phê phán có tính phê phán thì những quan hệ kinh tế mà ai cũng biết, đều vẫn là "những bí mật".

b)"Ngân hàng cho người nghèo".

Rô-đôn-phơ đã sáng lập ra ngân hàng cho người nghèo. Điều lệ của ngân hàng có tính phê phán cho người nghèo đó như sau:

Ngân hàng đó cần phải cứu tế những công nhân ngay thẳng và có gia đình, trong thời gian thất nghiệp. Nó phải thay thế cho sự bố thí và hiệu cầm đồ. Nó có một khoản thu nhập hàng năm là 12 000 phrăng, và cho vay cứu tế từ 20 đến 40 phrăng không lấy lãi. Ban đầu, nó chỉ hoạt động trong phạm vi khu phố thứ bảy của Pa-ri, một khu mà giai cấp công nhân ở đông nhất. Những khoản cho vay đó chỉ cấp cho nam hoặc nữ công nhân có giấy chứng nhận của người chủ cuối cùng đảm bảo hạnh kiểm tốt, ghi rõ nguyên nhân và ngày tháng thôi việc. Những khoản nợ đó sẽ phải trả hàng tháng, mỗi tháng 1/6 hay 1/12, tuỳ ý người mắc nợ, kể từ ngày người đó lại kiếm được việc làm. Người vay chỉ phải ký một văn tự danh dự hứa sẽ trả nợ theo thời hạn quy định. Ngoài ra, người vay cần có hai người bạn bảo đảm cho lời hứa của mình. Vì mục tiêu có tính phê phán của ngân hàng cho người nghèo là giảm nhẹ một tai nạn đau khổ nhất trong đời sống công nhân - việc làm bị gián đoạn - nên những khoản vay chỉ cấp cho những người thất nghiệp. Ông Giéc-manh phụ trách quản lý cơ quan đó sẽ hưởng lương mỗi năm là 10 000 phrăng.

Bây giờ chúng ta hãy dùng con mắt của quần chúng mà xem cái thực tiễn của khoa kinh tế chính trị có tính phê phán. Thu nhập hàng năm của ngân hàng là 12 000 phrăng. Khoản vay cứu tế cho mỗi người là 20 đến 40 phrăng, vậy trung bình mỗi người 30 phrăng. Số công nhân được chính thức công nhận là "túng thiếu" ở khu phố thứ bảy ít nhất là 4000 người. Như vậy mỗi năm người ta có thể cứu giúp 400 người, nghĩa là một phần mười số công nhân túng thiếu nhất ở khu phố thứ bảy. Ở Pa-ri, phải tính thời gian thất nghiệp trung bình ít nhất là 4 tháng tức 16 tuần lễ: con số đó rất thấp đối với Pa-ri, 30 phrăng chia cho 16 tuần lễ, mỗi tuần lễ chưa đầy 1,88 phrăng tức 0, 27 phrăng mỗi ngày. Ở Pháp, chi phí cho mỗi tù nhân mỗi ngày trung bình là hơn 0,47 phrăng một ít, trong đó ăn uống hết hơn 0,30 phrăng. Song công nhân mà Rô-đôn-phơ cứu tế có gia đình. Cứ hãy cho rằng ngoài hai vợ chồng ra, mỗi nhà có trung bình 2 con, như vậy phải chia 0,27 phrăng cho 4 miệng ăn. Tiền nhà mỗi ngày ít ra cũng là 0,15 phrăng, còn lại 0,12 phrăng. Số bánh mỳ mà trung bình mỗi tù nhân ăn hàng ngày giá chừng 0,14 phrăng. Do đó với số tiền cứu tế của ngân hàng có tính phê phán, công nhân và gia đình họ chưa đủ mua một phần tư số bánh mì cần thiết, đấy là chưa kể những nhu cầu khác, và họ chắc chắn sẽ chết đói trừ phi phải tìm đến những thủ đoạn mà ngân hàng cho người nghèo đó muốn ngăn ngừa tức là : cầm cố, ăn xin, trộm cắp và mãi dâm.

Nhưng vị vĩ nhân phê phán tàn nhẫn lại quá ư chu đáo với ông giám đốc ngân hàng. Số thu nhập cần quản lý hàng năm là 12000 phrăng mà lương hàng năm của giám đốc lại là 10 000 phrăng. Vì vậy, chi phí quản lý chiếm 85% tổng số kim ngạch, nghĩa là gấp quá hai lần số chi phí quản lý của các cơ quan cứu tế có tính quần chúng cho người nghèo ở Pa-ri, số chi phí này thường chỉ chiếm khoảng 17 % toàn bộ khoản chi.

Tuy nhiên, hãy tạm cho rằng sự cứu tế của ngân hàng cho người nghèo là sự cứu tế thực sự chứ không phải chỉ là sự cứu tế hư ảo, thì cơ cấu mà cái bí mật bị bóc trần của mọi bí mật đã phát minh ra vẫn là xây dựng trên một thứ ảo tưởng cho rằng chỉ cần thay đổi sự phân phối thù lao lao động là công nhân có thể sống suốt năm.

Nói một cách nôm na, có 7 triệu rưỡi công nhân Pháp chỉ thu nhập hàng năm 91 phrăng tính theo đầu người và 7 triệu rưởi khác chỉ thu nhập hàng năm 120 phrăng tính theo đầu người. Như vậy là có 15 triệu công nhân mà thu nhập thấp hơn mức tuyệt đối cần thiết cho cuộc sống.

Giải thích cho hợp lý thì dụng ý của ngân hàng có tính phê phán cho người nghèo chỉ là ở chỗ khi công nhân có việc làm, người ta khấu trừ trong tiền lương của anh ta một số tiền mà anh ta sẽ cần thiết để sống khi thất nghiệp. Khi anh ta thất nghiệp, tôi ứng trước cho anh ta một số tiền để anh ta trả lại khi có việc làm, hoặc khi có việc làm anh ta đưa trước cho tôi một số tiền nhất định và khi anh ta thất nghiệp tôi sẽ hoàn lại anh ta, đằng nào cũng thế cả. Dù thế nào thì trong khi có việc làm, anh ta vẫn phải trả tôi cái mà tôi đã cho anh ta khi thất nghiệp.

Như vậy là ngân hàng cho người nghèo "thuần tuý" chỉ khác với quỹ tiết kiệm có tính quần chúng ở hai đặc điểm hết sức độc đáo và hết sức phê phán: một là ngân hàng cho vay à fonds perdus1* với giả định vô lý là công nhân sẽ có thể trả nợ khi nào anh ta muốn trả và khi anh ta trả được thì bao giờ anh ta cũng muốn trả; hai là ngân hàng không trả một chút lợi tức nào cho số tiền mà công nhân gửi. Vì số tiền gửi mang hình thức ứng trước nên ngân hàng cho rằng bản thân nó không đòi công nhân trả lợi tức đã là rộng rãi lắm rồi.

Do đó, ngân hàng có tính phê phán cho người nghèo khác với quỹ tiết kiệm có tính quần chúng ở chỗ công nhân mất toi lợi tức, ngân hàng mất toi tư bản.

c) Trại kiểu mẫu ở Bu-cơ-van

Rô-đôn-phơ đã xây dựng ở Bu-cơ-van một trại kiểu mẫu. Địa điểm thật khéo lựa chọn vì rằng ở đây còn giữ lại được những di tích của thời phong kiến, nghĩa là một lâu đài phong kiến.

Sáu người đàn ông làm công ở trại này, mỗi người mỗi năm được 150 ê-quy hoặc 450 phrăng, mỗi người phụ nữ làm công được mỗi năm 60 ê-quy hoặc 180 phrăng. Ngoài ra, họ còn được ăn ở không phải trả tiền. Bữa ăn thường ngày của những người ở Bu-cơ-van gồm có một đĩa dăm-bông "đồ sộ", một đĩa thịt cừu cũng đồ sộ không kém và cuối cùng, một miếng thịt bò quay cũng đồ sộ không kém, ngoài ra còn hai món rau tươi, hai miếng pho mát, khoai tây và rượu táo làm thức ăn phụ, v.v.. Mỗi người đàn ông làm công ở đây làm được nhiều gấp đôi người cố nông thường ở Pháp.

Tổng thu nhập hàng năm ở Pháp đem chia đều ra thì mỗi đầu người chỉ được trung bình 93 phrăng và số dân cư trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp ở Pháp chiếm 2 phần 3 tổng số nhân khẩu, do đó người ta có thể kết luận rằng nếu mọi người bắt chước một cách phổ biến trại kiểu mẫu của vị ca-li-phơ Đức của chúng ta thì một cuộc cách mạng lớn lao sẽ diễn ra không những về mặt phân phối mà cả về mặt  sản xuất của cải quốc dân nữa.

Qua những điều trên đây có thể thấy rằng Rô-đôn-phơ sở dĩ có thể mở rộng sản xuất rất nhiều chỉ bằng cách buộc mỗi người công nhân phải làm gấp đôi trước kia và tăng số thực phẩm chi dùng cho mỗi người công nhân lên sáu lần so với trước kia.

Vì những nông dân Pháp đã rất cần cù nên người công nhân làm việc gấp đôi phải là những đại lực sĩ siêu phàm. Những đĩa thịt "đồ sộ" dường như cũng chỉ rõ điều đó. Vậy chúng ta có quyền giả định rằng mỗi người trong 6 công nhân đó mỗi ngày ít ra tiêu thụ một pao thịt.

Nếu đem toàn bộ số thịt sản xuất ra ở Pháp chia đều cho mọi người thì mỗi người mỗi ngày được chưa đầy 1/4 pao. Như vậy rõ ràng kiểu mẫu của Rô-đôn-phơ cũng gây ra một cuộc cách mạng về mặt này. Chỉ riêng dân cư nông thôn sẽ tiêu thụ một số thịt nhiều hơn sản lượng thịt toàn nước Pháp, thành thử cuộc cải cách có tính phê phán đó rút cục sẽ hoàn toàn tiêu diệt ngành chăn nuôi ở nước Pháp.

Theo báo cáo của viên quản lý trại Bu-cơ-van là ông già Sa-tơ-lanh thì một phần năm tổng thu nhập mà Rô-đôn-phơ phân chia cho công nhân ngoài tiền công cao và ăn uống sang chẳng phải là cái gì khác hơn là địa tô của ông ta. Thực vậy, người ta cho rằng theo sự tính toán trung bình thì nói chung, sau khi trừ mọi khoản chi phí sản xuất và lợi nhuận trả cho tư bản bỏ vào sản xuất, địa chủ Pháp được hưởng một phần năm tổng thu nhập, nói cách khác, phần của địa tô bằng một phần năm tổng thu nhập. Mặc dù Rô-đôn-phơ giảm một cách quá mức và không thể chối cãi được lợi nhuận trả cho ông ta về tư bản bỏ vào sản xuất bằng cách tăng quá mức chi phí công nhân (theo Sáp-tan, "Về nền kinh tế quốc dân Pháp" 84, quyển 1, tr.239 thì thu nhập bình quân hàng năm của một công nhân nông nghiệp Pháp là 120 phrăng) mặc dù ông ta phân phối toàn bộ địa tô của mình cho công nhân, ông già Sa-tơ-lanh vẫn khẳng định rằng với phương pháp đó, ông lớn đã tăng thu nhập của mình, do đó mà cũng cổ vũ được những địa chủ khác không có tính phê phán kinh doanh ấp trại như thế.

Trại kiểu mẫu của Bu-cơ-van chẳng qua chỉ là bóng ma ảo tưởng; vốn tiềm tàng của nó không phải là nguồn của cải thiên nhiên của ruộng đất ở Bu-cơ-van mà là túi tiền thần kỳ của Phoóc-tuy-na-tuýt 85 mà ông Rô-đôn-phơ có.

Do đó sự phê phán có tính phê phán lớn tiếng tuyên bố:

"Thoạt nhìn đã thấy ngay rằng toàn bộ kế hoạch đó không phải là không tưởng".

Duy chỉ có sự phê phán có tính phê phán mới có thể thoạt nhìn túi tiền của Phoóc-tuy-na-tuýt là đã thấy rằng đó không phải là không tưởng. Cái nhìn đầu tiên có tính phê phán là "cái nhìn hung ác".

 

 


1* - những người mắc nợ không có hy vọng trả được

84 Chaptal, "De l'Industrie française", T.I-II, Paris, 1819

85 85 Phoóc-tuy-na-tuýt là nhân vật trong truyền thuyết dân gian nước Đức, có chiếc túi tiền thần tiên không bao giờ cạn và chiếc mũ ma.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt