Chủ nghĩa Marx

Sự bóc trần những bí mật của luật pháp: a) Thầy giáo, hay là lý luận mới về hình phạt

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VIII

CUỘC CHU DU THẾ GIỚI VÀ SỰ BIẾN HÌNH

CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN,

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở RÔ-ĐÔN-PHƠ,

ÔNG HOÀNG GIÊ-RÔN-STANH

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 
 

3. SỰ BÓC TRẦN NHỮNG BÍ MẬT CỦA PHÁP LUẬT

 

a) Thầy giáo, hay là lý luận mới về hình phạt. Bí mật đã bị bóc trần của chế độ buồng giam cá nhân. Những bí mật của y học

Thày giáo là một tội phạm có thể chất mạnh như Héc-quyn và có nghị lực tinh thần dồi dào. Xét theo trình độ giáo dục thì y là một người có học thức và có giáo dục. Là một lực sĩ tính nóng như lửa, y xung đột với pháp luật và tập quán của xã hội tư bản mà tiêu chuẩn chung là sự tầm thường, tinh thần mềm yếu và sự giao dịch êm thắm. Y trở thành kẻ giết người và sa ngã vào sự phóng đãng, đàng điếm như một người bẩm tính cường bạo mà không tìm đâu được hoạt động thích đáng có tính người.

Rô-đôn-phơ vớ lấy tên tội phạm này. Ông ta muốn cải tạo y một cách phê phán và dùng y để sáng tạo ra một tấm gương cho giới pháp luật. Sự tranh chấp giữa ông ta với giới pháp luật không phải là về bản thân "hình phạt" mà là về các loại và phương thức của hình phạt. Theo câu nói độc đáo của một y sĩ da đen là Đa-vít thì Rô-đôn-phơ đã phát minh ra một thứ lý luận về hình phạt xứng đáng với "luật gia nghiên cứu về luật hình vĩ đại nhất ở nước Đức" và từ đó, lý luận ấy thậm chí có cái may mắn là được một nhà nghiên cứu luật hình người Đức ủng hộ một cách nghiêm túc theo kiểu Đức và triệt để theo kiểu Đức. Rô-đôn-phơ thậm chí không ngờ rằng có thể vượt lên trên các luật gia nghiên cứu về luật hình; tham vọng của ông ta là muốn trở thành "một luật gia nghiên cứu về luật hình vĩ đại nhất", primus inter pares1*. Ông ta sai vị y sĩ da đen Đa-vít làm mù mắt Thày giáo.

Ban đầu, Rô-đôn-phơ lắp đi lắp lại mãi những lời bác bỏ đã nhằm chống lại tử hình: tử hình chẳng có tác dụng gì đối với tội phạm, chẳng có tác dụng gì đối với nhân dân, nhân dân chỉ nhìn thấy đấy là một trò tiêu khiển.

Ngoài ra, ông ta xác định sự khác nhau giữa Thày giáo và linh hồn của Thày giáo. Cái mà ông ta muốn không phải là cứu vớt con người Thày giáo thực tế mà là cứu vớt tinh thần cho linh hồn của Thày giáo. Ông ta lên giọng dạy đời rằng:

"Cứu vớt một linh hồn là sự nghiệp thiêng liêng... Chúa cứu thế đã phán bảo: mỗi tội lỗi đều có thể chuộc được nhưng chỉ là đối với ai thành tâm sám hối và chuộc tội... Quá trình từ toà án đến đoạn đầu đài là quá ư ngắn ngủi... Ngươi" (Thày giáo) "đã lạm dụng sức lực của mình để làm bậy... ta sẽ làm tê liệt sức lực của người... Ngươi sẽ phải run sợ trước những kẻ yếu đuối nhất... Hình phạt của ngươi sẽ tương xứng với tội lỗi của ngươi... nhưng hình phạt đáng sợ đó ít ra cũng dành cho người chân trời hối cải vô hạn... ta chỉ bắt ngươi xa rời thế giới bên  ngoài để ngươi chìm đắm trong đêm tối mịt mùng, một mình hồi tưởng lại tội lỗi của mình... Ngươi sẽ buộc phải nhìn lại chính mình... Cái ý thức của ngươi đã bị ngươi hạ thấp đi, sẽ thức tỉnh và sẽ đưa người tới hối cải.

Rô-đôn-phơ coi linh hồn thiêng liêng, thể xác con người là trần tục; do đó ông ta chỉ coi linh hồn là bản chất chân thực, vì rằng theo sự mô tả có tính phê phán của ông Sê-li-ga về loài người thì linh hồn là thuộc về thiên đường. Thành thử thể xác và sức lực của Thày giáo không thuộc về loài người; không nên cải tạo sự biểu hiện sống của sức lực đó một cách hợp với tính người, không nên trả nó về với loài người, cũng không nên đối xử với nó như một cái gì về bản chất là có tính người. Thày giáo đã lạm dụng sức lực của mình, Rô-đôn-phơ đã làm tê liệt, phá huỷ, tiêu diệt sức lực đó. Muốn giải thoát khỏi những biểu hiện xuyên tạc của một lực lượng bản chất nào đó của con người thì chẳng có thủ đoạn nào có tính phê phán hơn là tiêu diệt lực lượng bản chất ấy. Đó cũng là thủ đoạn của đạo Cơ Đốc khi móc mắt nếu mắt gây ra tội ác, chặt tay nếu tay gây ra tội ác, tóm lại giết chết thể xác nếu thể xác gây ra tội ác, vì mắt, tay, thể xác vốn chỉ là những cái đuôi thừa và tội lỗi của con người. Muốn chữa bệnh tật của tính người thì phải tiêu diệt tính người. Không khác ý kiến của luật học "có tính phê phán" ở điểm này, luật học của quần chúng cũng cho rằng việc phá huỷ, việc làm tê liệt lực lượng của con người chính là liều thuốc giải độc đối với những biểu hiện có hại của những lực lượng ấy.

Điều làm cho vĩ nhân của sự phê phán thuần tuý là ông Rô-đôn-phơ lúng túng trong luật hình thông thường là quá trình từ toà án đến đoạn đầu đài xảy ra quá nhanh. Trái lại, ông ta muốn kết hợp sự trả thù tội nhân với sự chuộc tội của tội nhân và sự nhận thức của anh ta về tội ác của bản thân, sự trừng phạt về thể xác với sự trừng phạt về tinh thần, sự đau khổ cảm thấy được với sự đau khổ không cảm thấy được của sự sám hối. Hình phạt trần tục phải đồng thời là thủ đoạn của đạo Cơ Đốc để giáo dục đạo đức.

Thứ lý luận về hình phạt kết hợp luật học với thần học ấy "bí mật đã bị bóc trần của những bí mật" ấy chẳng phải gì khác hơn là lý luận về hình phạt của giáo hội Thiên chúa giáo Ben-tam đã trình bày tỉ mỉ trong tác phẩm "Lý luận về phạt và thưởng". Cũng trong tác phẩm này, Ben-tam còn chứng minh rằng mọi hình phạt hiện nay đều không có hiệu nghiệm về mặt đạo đức. Ông gọi mọi thứ hình phạt do pháp luật quy định là "những bài thơ nhại ở toà án".

Hình phạt mà Rô-đôn-phơ dùng để trừng trị Thày giáo cũng là hình phạt mà Ô-ri-ghen sử dụng đối với chính mình, Rô-đôn-phơ đã thiến Thày giáo bằng cách cắt bỏ một cơ quan sinh thực của y là hai con mắt. "Con mắt là bó đuốc của thân thể". Chính Rô-đôn-phơ đã dùng hình phạt làm mù mắt, điều đó khiến cho bản năng tôn giáo của ông ta được rạng rỡ. Đó là hình phạt thông dụng trong toàn bộ đế quốc Cơ Đốc giáo Bi-găng-xơ và thịnh hành trong thời kỳ trẻ trung và cường thịnh của những nhà nước Đức Cơ Đốc của Anh và Pháp. Tách rời con người với thế giới cảm tính bên ngoài, giam hãm anh ta trong thế giới nội tâm trừu tượng của mình nhằm buộc anh ta phải cải tà quy chính - làm mù anh ta - đấy là kết luận tất nhiên rút ra từ giáo lý của đạo Cơ Đốc, theo đó thì sự thực hiện đầy đủ sự phân ly đó, việc hoàn toàn ngăn cách người ta với thế giới và việc người ta tập trung tinh lực vào "cái tôi" duy linh chủ nghĩa của mình là bản thân đức hạnh. Rô-đôn-phơ không bắt chước những điều người ta làm ở Bi-giăng-xơ và ở vương quốc Phrăng đem nhốt Thày giáo vào một tu viện thực sự thì ít ra ông ta cũng giam Thày giáo vào một tu viện quan niệm, một tu viện tối đen như mực mà ánh sáng của thế giới bên ngoài không thể lọt vào được, một tu viện trong đó chỉ có lương tâm không hoạt động và ý thức nhận tội của mình, một tu viện trong đó chỉ ẩn náu những hồi ức hư ảo mà thôi.

Một thứ e thẹn tư biện nào đó không cho phép ông Sê-li-ga thẳng thắn thừa nhận lý luận về hình phạt của nhân vật chính của mình là Rô-đôn-phơ, một thứ lý luận kết hợp hình phạt trần tục với sự sám hối và chuộc tội theo kiểu đạo Cơ Đốc. Ông Sê-li-ga không công khai thừa nhận như thế mà lén lút gán cho Rô-đôn-phơ - dĩ nhiên là cũng dưới hình thức cái bí mật lần đầu tiên bị vạch ra trước thế giới - một thứ lý luận chủ trương rằng hình phạt phải làm cho tội phạm trở thành "quan toà" xét xử tội lỗi của "bản thân" mình.

Bí mật của bí mật đã bị bóc trần ấy chính là lý luận của Hê-ghen về hình phạt. Theo Hê-ghen thì hình phạt là bản án mà tội phạm tự tuyên bố với bản thân mình. Gian-xơ đã phát triển tỉ mỉ lý luận đó. Ở Hê-ghen, lý luận ấy là cái vỏ ngoài tư biện của cái jus talionis1* cổ đại mà Can-tơ đã phát triển lên thành lý luận về hình phạt duy nhất trong pháp luật. Ở Hê-ghen, việc tội phạm tự định tội mình vẫn chỉ là một "ý kiến", một sự giải thích tư biện về những hình phạt kinh nghiệm thông dụng. Vì vậy, ông còn để cho hình thức hình phạt tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của nhà nước, nghĩa là ông duy trì hình phạt như nó hiện tồn tại. Chính ở chỗ này ông tỏ ra là một nhà phê phán lớn hơn con vẹt phê phán học đòi ông. Cái thứ lý luận về hình phạt thừa nhận tội phạm cũng là con người thì chỉ có thể làm được điều đó trong trừu tượng, trong tưởng tượng chính là vì hình phạt cưỡng bách đều mâu thuẫn với phương thức hành động của con người. Vả lại, lý luận đó không thể thực hiện được. Sự độc đoán thuần tuý chủ quan sẽ thay thế cho pháp luật trừu tượng, vì trong mỗi vụ án, việc làm cho hình phạt thích hợp với cá tính của tội phạm là tuỳ thuộc vào quyền định đoạt của những quan chức "đạo cao đức trọng". Pla-tô đã hiểu rằng luật pháp nhất định phải phiến diện và không xét đến cá tính. Trái lại trong những quan hệ hợp với tính người, hình phạt thực ra sẽ chỉ là sự tự kết án của người mắc lỗi mà thôi. Chẳng ai nghĩ đến phải đi thuyết phục tội phạm rằng bạo lực từ bên ngoài của người khác đối với anh ta là bạo lực của anh ta đối với chính mình. Trái lại anh ta sẽ thấy những người khác là những vị cứu tinh tự nhiên giải thoát anh ta khỏi hình phạt mà anh ta tự khép cho mình, nghĩa là quan hệ sẽ hoàn toàn đảo ngược.

Rô-đôn-phơ nói ra ý nghĩ thầm kín của mình tức là để lộ ra mục đích chọc mù mắt khi ông ta bảo Thày giáo rằng:

"Mỗi lời nói của anh sẽ là một lời cầu nguyện".

Rô-đôn-phơ muốn dạy Thày giáo cầu nguyện. Ông muốn biến tên kẻ cướp có sức khoẻ như Héc-quyn đó thành một thày tu chẳng có công việc nào khác hơn là cầu nguyện. So với sự tàn nhẫn này của đạo Cơ Đốc thì lý luận thông thường về hình phạt, thứ lý luận chỉ biết có chém đầu khi muốn tiêu diệt một người nào đó, là nhân đạo biết bao. Sau hết, hiển nhiên là mỗi khi đặt ra một cách nghiêm chỉnh nhiệm vụ cải tạo tội phạm, sự lập pháp chân chính có tính quần chúng thường tỏ ra hợp lý và nhân đạo hơn nhiều so với Ha-run-an Ra-sít của nước Đức. Nếu đem so sánh với cực hình làm Thày giáo mù mắt thì bốn khu di dân nông nghiệp ở Hà Lan và khu di dân đày tội phạm O-xtơ-van ở An-da-xơ đều là những cuộc thí nghiệm thực sự hợp với tính người. Rô-đôn-phơ đã tiêu huỷ con người của Phlơ đơ Ma-ri bằng cách phó mặc cô cho vị linh mục đày đoạ và cho ý thức về tội lỗi cắn dứt, đã tiêu huỷ con người của Dao bầu bằng cách tước đoạt tính độc lập của con người và bằng cách dìm y xuống địa vị chó giữ nhà, cũng vậy, Rô-đôn-phơ đã tiêu huỷ con người của Thày giáo bằng cách móc mắt anh ta để anh ta học "cầu nguyện".

Hơn nữa, mọi hiện thực sau khi được "sự phê phán thuần tuý" cải tạo một cách "giản đơn" đều như thế cả, nghĩa là thành sự bóp méo hiện thực và sự trừu tượng vô nghĩa lý tách rời hiện thực.

Theo ông Sê-li-ga thì ngay sau khi Thày giáo bị mù, một phép mầu đạo đức đã được thực hiện.

Ông mách chúng ta:

"Thày giáo đáng ghê sợ đột nhiên thừa nhận lực lượng của sự thành thực và ngay thẳng; y nói với Dao bầu: Phải, tôi tin anh, anh chưa hề trộm cắp bao giờ".

Chẳng may là trong tác phẩm của Ơ-gien Xuy, còn lưu lại lời nhận xét của Thày giáo về Dao bầu, trong đó cũng thừa nhận điều đó, nhưng quyết không phải là kết quả của sự mù mắt vì rằng điều đó đã được nói trước khi mù mắt. Trong câu chuyện riêng với Rô-đôn-phơ, Thày giáo đã nói về Dao bầu như thế này:

"Song hắn không có khả năng bán rẻ bạn bè đâu. Không, hắn có chỗ tốt... hắn bao giờ cũng có những ý nghĩ kỳ quặc".

Như vậy là phép mầu đạo đức của ông Sê-li-ga đã trở thành con số không. Bây giờ chúng ta hãy xem những kết quả thực sự của sự chữa chạy có tính phê phán của Rô-đôn-phơ.

Trước hết chúng ta thấy Thày giáo cùng Cú vọ đi đến trại Bu-cơ-van định lừa Phlơ đơ Ma-ri một vố. Tư tưởng hoàn toàn chi phối y dĩ nhiên là ý nghĩ trả thù Rô-đôn-phơ, nhưng y chỉ có thể trả thù một cách siêu hình, nghĩa là cố tình chọc tức Rô-đôn-phơ, cứ vắt óc nghĩ ra "điều xấu". "Hắn đã cướp của ta thị lực, nhưng hắn không cướp được của ta ý nghĩ về điều ác". Y kể cho Cú vọ tại sao y cho tìm mụ đến:

"Một thân một mình với những con người thành thực đó, tôi cảm thấy buồn tẻ".

Nếu do sự ham thích có tính thầy tu và thú vật đối với sự tự hạ mình của con người, Ơ-gien Xuy đã buộc Thày giáo quỳ gối trước mụ phù thuỷ "Cú vọ" và tên ác ôn nhỏ "Thằng thọt" cầu xin chúng đừng bỏ rơi mình, thì nhà đạo đức học vĩ đại ấy lại quên rằng làm như thế là cho Cú vọ một sự tự mãn ma quái. Bằng cách dùng bạo lực chọc mù mắt tội phạm, Rô-đôn-phơ muốn làm cho y tin chắc rằng dùng bạo lực thể xác là không đáng kể, nhưng kết quả lại là chứng minh cho y thấy sức mạnh của bạo lực thể xác; cũng vậy, ở đây, Ơ-gien Xuy dạy Thày giáo thừa nhận đúng mức sức mạnh của tình dục trọn vẹn. Ông ta dạy Thày giáo hiểu rằng không có tình dục trọn vẹn đó thì người ta không còn là trang nam nhi nữa mà trở thành trò cười thoả chí cho bầy trẻ. Ông ta làm cho Thày giáo tin rằng thế giới xứng đáng với những tội ác của Thày giáo, vì chỉ cần Thày giáo bị mù mắt là sẽ bị thế giới hành hạ. Ông ta làm Thày giáo mất nốt ảo tưởng cuối cùng của con người vì Thày giáo tin ở sự trung thành của Cú vọ. Thày giáo đã có lần nói với Rô-đôn-phơ rằng "mụ ta có thể vì tôi mà lăn vào nơi nước sôi lửa bỏng". Nhưng để hoàn toàn thoả mãn dục vọng của mình, Ơ-gien Xuy đã làm cho Thày giáo thốt ra tiếng kêu cực kỳ tuyệt vọng.

"Trời ơi, Trời hỡi, hỡi Trời ơi !"

Bây giờ thì Thày giáo đã học biết "cầu nguyện" rồi ! Và Ơ-gien Xuy thấy "lời cầu nguyện không cố ý ấy trước lòng nhân từ của thượng đế" là "một thứ ý trời nào đó".

Lời cầu nguyện không cố ý đó là kết quả thứ nhất của sự phê phán của Rô-đôn-phơ. Liền sau đó, là sự sám hối không tự nguyện ở trại Bu-cơ-van, nơi đây, Thày giáo đã mơ thấy vong hồn của tất cả những kẻ bị y giết hại.

Chúng ta hãy bỏ qua sự mô tả tỉ mỉ về giấc mơ đó và trở lại xem cảnh tượng trong hầm của "Cánh tay đỏ" ở đó chúng ta thấy Thày giáo được cải tạo một cách phê phán đang bị xiềng xích, bị chuột cắn nát mình mẩy, chết đói dở, đang gầm lên như thú rừng và hầu như phát điên lên vì sự hành hạ của Cú vọ và Thằng thọt. Thằng thọt đem Cú vọ nộp cho Thày giáo. Chúng ta hãy ngắm nhìn Thày giáo đang ra tay giết Cú vọ. Y không những bắt chước nhân vật chính Rô-đôn-phơ về bề ngoài bằng cách móc mắt Cú vọ mà còn bắt chước về mặt tinh thần bằng cách lắp lại những câu hỏi giả dối và bằng cách che đậy hành động tàn bạo của mình sau những câu giả nhân giả nghĩa. Khi Cú vọ vừa sa vào tay y, y tỏ ra có một "niềm vui đáng sợ" và giọng y run lên vì giận dữ:

"Ngươi biết rõ chứ - y nói − ta không muốn kết thúc ngay cuộc đời ngươi... ác giả ác báo... ta phải nói chuyện lâu với ngươi trước khi giết ngươi... ngươi sẽ phải chịu sự khủng khiếp... Trước hết, ngươi thấy đấy... kể từ giấc mơ ở trại Bu-cơ-van làm cho ta thấy lại tất cả những tội ác trước kia của chúng ta, kể từ giấc mơ đó, nó cơ hồ làm cho ta phát điên lên... nó sẽ làm cho ta phát điên lên... ta đã có sự thay đổi lạ lùng... Ta đã ghê tởm sự tàn bạo trước kia của ta... trước hết, ta không cho phép ngươi hành hạ nữ danh ca1*, nhưng điều đó còn là nhỏ... dụ ta vào chiếc hầm này, để ta chịu đói rét ở đây... như thế là ngươi đã phó mặc một mình ta cho những ý nghĩ đáng sợ... Ôi! Ngươi chưa nếm cảnh cô đơn... sự cô đơn đã tẩy sạch hồn ta. Ta không cho rằng có thể như thế được... có lẽ ta ít tội lỗi hơn trước kia, chứng cớ là ta cảm thấy sung sướng vô hạn khi ở đây ta tóm được ngươi... một con quỷ dữ... không phải để trả thù cho ta mà... là để trả thù cho những nạn nhân của chúng ta... phải, ta sẽ làm tròn nghĩa vụ của ta khi chính tay ta trừng phạt tòng phạm của ta... hiện nay, ta ghê tởm những vụ giết người trước kia của ta, nhưng... người có thấy như thế là kỳ quặc không? - ta không chút sợ hãi và thản nhiên giết ngươi một cách ghê gớm bằng những thủ đoạn tinh vi ghê gớm... hãy nói đi... hãy nói đi... ngươi có hiểu thế không ?".

Trong mấy câu ấy, Thày giáo đã vội vã gẩy cả một bản đàn nguỵ biện đạo đức.

Điều mà y nói ra trước hết là biểu hiện công khai của ý muốn trả thù. Y muốn ác giả ác báo! Y muốn giết Cú vọ nhưng lại muốn dùng lời thuyết giáo dài dòng để kéo dài sự đau khổ trước giờ chết của nó. Và bài diễn văn - một thứ nguỵ biện tuyệt vời biết bao ! - mà y dùng để hành hạ Cú vọ là lời thuyết giáo đạo đức. Y quả quyết rằng giấc mơ của Bu-cơ-van đã cải tạo mình. Nhưng y đồng thời lại để lộ tác dụng thực sự của giấc mơ đó bằng cách thừa nhận rằng nó cơ hồ đã làm và sẽ làm cho y phát điên. Để chứng minh sự cải tà quy chính của mình, y dẫn ra sự kiện là y đã cấm ngược đãi nữ danh ca. Ở Ơ-gien Xuy, những nhân vật (trên kia là Dao bầu, bây giờ là Thày giáo) đều biểu hiện những ý định của bản thân nhà văn - những ý định đã quyết định tác giả làm cho những nhân vật ấy hành động như thế này chứ không phải như thế kia - như là kết quả của những sự suy nghĩ của bản thân họ, như là động cơ tự giác của những hành vi của họ. Họ phải thường xuyên nói rằng: tôi đã sửa được điểm này, điểm kia và điểm nọ, v.v.. Vì họ không sống một cuộc đời thực sự có nội dung nên họ chỉ có thể hết sức nhấn mạnh trong lời nói của họ ý nghĩa của những hành vi không đáng kể như trường hợp bênh vực Phlơ đơ Ma-ri ở đây.

Sau khi đã cho chúng ta biết tác dụng tốt lành của giấc mơ ở Bu-cơ-van, Thày giáo còn phải giải thích cho chúng ta tại sao Ơ-gien Xuy giam y vào một chiếc hầm. Y phải chứng minh rằng cách làm của nhà viết truyện là hợp lý. Y phải nói với Cú vọ rằng: giam ta vào hầm, để cho chuột cắn ta, để cho ta khổ sở vì đói khát, bằng cách đó ngươi đã hoàn thành việc cải tà quy chính của ta. Sự cô đơn đã tẩy sạch hồn ta.

Những tiếng gầm như thú dữ, sự điên cuồng và sự giận dữ, ý muốn trả thù ghê gớm khi Thày giáo tiếp đón Cú vọ là mâu thuẫn hoàn toàn với những câu thuyết suông về đạo đức. Chúng bóc trần tính chất của những ý nghĩa của y trong nhà tù.

Thày giáo hình như cũng cảm thấy điều đó, nhưng là nhà đạo đức phê phán, y có thể điều hoà mâu thuẫn ấy.

Thày giáo tuyên bố rằng niềm "sung sướng vô hạn" của mình vì đã bắt được Cú vọ, chính là dấu hiệu của sự cải tà quy chính của mình. Y muốn sự trả thù của y thực ra không phải là một ý muốn tự nhiên mà là một ý muốn có tính đạo đức. Y muốn trả thù không phải cho chính mình mà cho những người bị y và Cú vọ hãm hại. Có giết Cú vọ đi chăng nữa cũng không phải là y mắc tội giết người, mà đây là làm tròn nghĩa vụ. Y không trả thù Cú vọ nhưng với tư cách quan toà vô tư, y trừng phạt đồng loã của mình. Y cảm thấy ghê sợ những tội giết người trước kia của y, tuy vậy (bản thân y cũng ngạc nhiên trước sự nguỵ biện của mình), y vẫn hỏi Cú vọ: "Ngươi có thấy như thế là kỳ quặc không? - ta không chút sợ hãi và thản nhiên giết người". Đồng thời vì những nguyên nhân đạo đức không nêu rõ, y say sưa trong cảnh tượng giết người mà y định thực hiện, một cảnh "giết người một cách ghê gớm", "bằng những thủ đoạn tinh vi ghê gớm".

Việc Thày giáo giết Cú vọ hoàn toàn phù hợp với tính cách của y, nhất là sau khi Cú vọ đã hành hạ y một cách độc ác. Nhưng việc y giết Cú vọ vì những lý do đạo đức, việc y giải thích theo đạo đức cái thú vui dã man mà y cảm thấy trước vụ giết người ghê rợn, trước "những thủ đoạn tinh vi ghê gớm" của y, việc y lại phạm tội giết người để chứng tỏ lòng hối hận của y về những tội giết người trước kia, việc y từ chối là kẻ giết người đơn giản trở thành một kẻ giết người hai mặt, có đạo đức, - tất cả cái đó chính là thành quả huy hoàng của liều thuốc có tính phê phán của Rô-đôn-phơ.

Cú vọ tìm cách thoát khỏi tay Thày giáo. Thày giáo thấy vậy càng giữ chặt.

"Hãy gượm, Cú vọ, ta phải giải thích xong xuôi cho ngươi biết ta đã dần dà đi đến hối hận như thế nào... sự giải thích này sẽ làm ngươi ghê sợ... nhưng nó sẽ chứng minh với ngươi rằng ta phải tàn nhẫn như thế nào khi ta vì những người bị chúng ta hãm hại mà trả thù ngươi... ta phải gấp rút... niềm vui tóm được ngươi trong tay làm cho máu ta sôi lên... ta còn đủ thời gian làm cho những phút trước cái chết của ngươi trở thành kinh khủng bằng cách buộc ngươi phải nghe ta nói... Ta bị mù... nhưng tư tưởng của ta mang một hình thù cụ thể khiến cho ta không ngừng hình dung được một cách rõ rệt, hầu như sờ mó được... hình dáng của những người bị ta hãm hại... những quan niệm in lên hầu như một cách vật chất trong đầu óc ta. Khi mà sự hối hận được cộng thêm sự chuộc tội khắt khe đến ghê sợ... một sự chuộc tội nó biến đời chúng ta thành một đêm dài không ngủ đầy rẫy những ảo giác trả thù hay những ý nghĩ tuyệt vọng... thì có lẽ bấy giờ sự tha thứ của con người sẽ kế tiếp sự hối hận và sự chuộc tội".

Thày giáo tiếp tục nói những lời ba hoa giả dối, những lời khiến cho lộ chân tướng là kẻ giả nhân giả nghĩa. Cú vọ phải nghe y kể rằng y đã dần dà đi tới sự hối hận như thế nào. Sự kể lể ấy làm cho Cú vọ không thích thú vì nó chứng minh rằng nghĩa vụ của Thày giáo là phải thẳng tay trả thù Cú vọ, không phải cho chính bản thân y, mà là cho tất cả những người bị họ hãm hại. Thày giáo bỗng nhiên ngừng lời giáo huấn của mình. Theo như y nói, y phải "gấp rút" chấm dứt lời giáo huấn, vì khi y nghĩ y đang nắm Cú vọ trong tay thì y vui sướng đến nỗi máu sôi lên trong toàn thân. Đây là lý do về mặt đạo đức khiến y phải rút ngắn lời giáo huấn lại! Nhưng sau đó y lại làm cho máu mình bình tĩnh lại. Khoảng thời gian dài trong đó y đã thuyết phục đạo đức cho Cú vọ không phải vô ích đối với việc trả thù của y vì nó "làm cho những phút trước cái chết" của Cú vọ "trở thành kinh khủng". Đấy là một lý do nữa về mặt đạo đức để y kéo dài lời giáo huấn của y! Chính vì những lý do đạo đức mà Thày giáo có thể thản nhiên tiếp tục bài thuyết giáo ở điểm mà y vừa bỏ dở.

Thày giáo đã mô tả đúng đắn tình trạng của con người cách biệt với thế giới bên ngoài. Nếu đối với một người mà thế giới cảm tính biến thành ý niệm trần truồng thì ngược lại người đó cũng biến ý niệm trần truồng thành thực thể cảm tính. Ảo ảnh trong tưởng tượng của anh ta có được hình thù thể xác. Trong biểu tượng của anh ta, hình thành một thế giới những ảo ảnh có thể sờ mó được, có thể cảm giác được. Đấy là cái bí mật của mọi mộng ảo thành kính và đồng thời đó cũng là hình thức chung của bệnh điên. Do đó, khi lắp lại những câu nói của Rô-đôn-phơ về "sức mạnh của sự sám hối và của sự chuộc tội gắn với sự đau khổ ghê gớm", Thày giáo đã lắp lại trong tình trạng nửa điên rồ, và chứng minh rõ ràng bằng cái gương của mình, rằng giữa ý thức của đạo Cơ Đốc về tội lỗi với bệnh loạn thần kinh có quan hệ hiện thực. Cũng vậy, khi cho rằng việc biến cuộc sống thực thành một đêm mộng mị đầy ảo ảnh là kết quả của sám hối và chuộc tội thì Thày giáo đã bóc trần trước chúng ta cái bí mật thực sự của sự phê phán thuần tuý và của sự cảm hoá của đạo Cơ Đốc. Cái bí mật đó chính là biến người thành ảo ảnh và biến cuộc sống của người thành cõi mộng.

Ở chỗ này, Ơ-gien Xuy cảm thấy hành động của tên cướp mù đối với Cú vọ đã làm hại như thế nào những tư tưởng cứu vớt linh hồn mà Rô-đôn-phơ đã gợi cho y. Cho nên Ơ-gien Xuy đã gán cho Thày giáo câu nói sau:

"Ảnh hưởng tốt lành của những tư tưởng ấy là làm nguôi cơn giận của ta".

Do đó, Thày giáo thú nhật sự phẫn nộ có tính đạo đức của mình chẳng phải gì khác hơn là sự giận giữ trần tục.

"Ta không đủ... can đảm... sức lực và quyết tâm để giết ngươi... không, ta không thể làm ngươi đổ máu... đấy sẽ là một vụ giết người" (y đã gọi đúng tên sự việc) "... có lẽ đó là một vụ giết người có thể tha thứ được... nhưng rút cục vẫn sẽ là một vụ giết người".

Cú vọ đã lợi dụng thời cơ thích hợp dùng dao găm đâm Thày giáo một nhát. Bây giờ thì Ơ-gien Xuy có thể để cho Thày giáo giết Cú vọ không cần tiếp tục cuộc nguỵ biện đạo đức nữa.

"Y đau quá rú lên... ngọn lửa khủng khiếp và ý muốn trả thù, của những cơn giận dữ của y, những bản năng khát máu của y, bị cuộc tấn công ấy đột ngột thức tỉnh và đưa đến tột đỉnh liền bùng nổ một cách đột ngột, ghê gớm, làm chìm ngập nốt lý trí đã hết sức lung lay của hắn... A, đồ rắn độc!... ta đã nếm mùi răng của ngươi... ngươi sẽ không còn đôi mắt như ta".

Và y móc mắt Cú vọ.

Khi bản tính của Thày giáo, nhờ sự cứu chữa của Rô-đôn-phơ, chỉ bị phủ lên một lớp sơn giả nhân giả nghĩa và nguỵ biện, chỉ bị nén xuống theo kiểu khổ hạnh, bùng ra thì sự bùng ra đó càng mạnh mẽ và kinh khủng. Thật đáng cảm ơn cái việc Ơ-gien Xuy thừa nhận rằng lý tính của Thày giáo đã bị lung lay khá mạnh bởi tất cả những sự kiện mà Rô-đôn-phơ đã sắp đặt.

"Tia sáng cuối cùng của lý tính của y đã tắt trong tiếng kêu hoảng hốt đó, trong tiếng kêu của một linh hồn bị đày đoạ..." (y trông thấy vong hồn của những người bị y giết hại) "Thày giáo gào thét và rú lên như thú rừng đang phát cuồng... Y hành hạ Cú vọ cho đến chết".

Ông Sê-li-ga lẩm bẩm một mình:

"Thày giáo không thể có sự chuyển biến" (!) "nhanh chóng" (!) "và máy móc" (!) "như Dao bầu".

Cũng như trước kia Rô-đôn-phơ đã đưa Phlơ đơ Ma-ri vào tu viện, nay Rô-đôn-phơ lại giam Thày giáo vào nhà điên ở Bi-xê-tơ-rơ, Rô-đôn-phơ không những đã làm tê liệt lực lượng vật chất mà còn làm tê liệt lực lượng tinh thần của Thày giáo. Mà không phải là không có lý do, vì Thày giáo đã mắc tội lỗi không những chỉ do lực lượng vật chất mà còn do lực lượng tinh thần của mình gây ra, mà theo lý luận của Rô-đôn-phơ về trừng phạt thì phải tiêu diệt những lực lượng có tội.

Nhưng hiện nay Ơ-gien Xuy còn chưa hoàn thành "sự sám hối và chuộc tội gắn liền với chí phục thù ghê gớm". Thày giáo đã lại phục hồi được lý trí, nhưng vì sợ sa lưới pháp luật, y ở lại Bi-xê-tơ-rơ và giả vờ điên. Ơ-gien Xuy quên rằng "mỗi lời nói của y đều phải là một lời cầu nguyện" thế mà rút cục, những lời nói của y đã thành những tiếng hú không rõ ràng và lời mê sảng của kẻ điên. Hay là có lẽ ông Xuy đem nhập cục một cách châm biếm những biểu hiện đó của đời sống với những lời cầu nguyện.

Cái quan niệm hình phạt được áp dụng vào việc chọc mù mắt Thày giáo theo lệnh của Rô-đôn-phơ - cũng tức là tách hẳn con người với thế giới bên ngoài và dùng bạo lực giam hãm con người vào trong tình trạng cô đơn sâu sắc về tinh thần, tức là kết hợp hình phạt pháp luật với sự khổ hạnh thần học - đã thể hiện dưới hình thức nổi bật nhất trong chế độ buồng giam cá nhân. Chính vì thế mà Ơ-gien Xuy ca tụng chế độ buồng giam cá nhân:

" Qua hàng thế kỷ người ta mới hiểu được rằng chỉ có một thủ đoạn để khắc phục bệnh truyền nhiễm lây nhanh đang đe doạ cơ thể xã hội" (đó chính là sự đồi bại về đạo đức trong các nhà giam): "đó là cách ly tội phạm".

Ông Ơ-gien Xuy tán thành ý kiến của những người đáng kính cho rằng tội phạm tăng lên là do thiết lập nhà tù. Để cứu vớt tội phạm ra khỏi xã hội xấu xa, họ để cho tội phạm phải cô đơn trong xã hội.

Ông Ơ-gien Xuy tuyên bố:

"Tôi tự cho là may mắn nếu như tiếng nói yếu ớt của tôi cũng được nghe thấy cùng với những tiếng nói của tất cả những ai thẳng thắn và kiên trì yêu cầu áp dụng đầy đủ tuyệt đối chế độ buồng giam cá nhân".

Nguyện vọng của ông Ơ-gien Xuy chỉ thực hiện được một phần. Trong khóa họp hiện nay của Hạ nghị viện khi tranh luận về chế độ buồng giam cá nhân, ngay cả đến những nhân viên chính phủ bênh vực chế độ đó cũng phải thừa nhận rằng sớm muộn nó cũng làm cho tù nhân bị điên. Vì vậy những án tù trên mười năm đều đổi thành đi đày.

Nếu như các ông Tô-cơ-vin và Bô-mông đã nghiên cứu đến nơi đến chốn cuốn tiểu thuyết của Ơ-gien Xuy thì chắc chắn hai ông sẽ làm cho chế độ buồng giam cá nhân được thực hiện một cách tuyệt đối và đầy đủ.

Thật thế, nếu Ơ-gien Xuy tách tội phạm có lý trí bình thường ra khỏi xã hội để làm cho họ thành người điên thì ông sẽ cho người điên trở về với xã hội loài người để họ khôi phục lại được lý trí:

"Kinh nghiệm chứng minh rằng sự cô lập là có lợi cho tội phạm ngồi tù bao nhiêu thì cũng tai hại cho người điên bấy nhiêu".

Dù dùng lý luận của đạo Cơ Đốc về hình phạt hay dùng chế độ buồng giam cá nhân của phái giáo hội giám lý, Ơ-gien Xuy và nhân vật phê phán của ông là Rô-đôn-phơ đều không làm cho pháp luật nghèo đi một bí mật nào cả, mà trái lại làm cho y học giàu thêm bằng những bí mật mới, mà xét cho cùng, phát hiện những bí mật mới cũng như vạch trần những bí mật đều là công trạng ngang nhau. Hoàn toàn nhất trí với Ơ-gien Xuy về việc Thày giáo bị mù, sự phê phán có tính phê phán bảo chúng ta rằng:

"Hắn thậm chí không tin khi người ta bảo hắn rằng hắn mù cả hai mắt rồi".

Thày giáo không thể tin rằng mình bị mù, vì sự thực y còn trông được. Ơ-gien Xuy mô tả một thứ bệnh thông manh mới và cho chúng ta biết một bí mật thực sự đối với khoa học về mắt có tính không phê phán và có tính quần chúng.

Sau khi mổ, con ngươi sẽ mang màu trắng. Rõ ràng đó là bệnh thông manh của thể thủy tinh. Đành rằng cho tới nay, thứ bệnh kéo màng mắt ấy có thể gây ra bằng cách làm tổn thương đến thể thuỷ tinh mà hầu như không đau đớn gì, nhưng như thế không phải là hoàn toàn không đau đớn. Nhưng vì y sĩ chỉ dùng phương thức tự nhiên chứ không phải phương thức phê phán để đạt được kết quả đó cho nên sau khi gây ra sự tổn thương thì phải chờ mắt sưng lên và tiết ra một chất dẻo làm cho thể thuỷ tinh mờ đi.

Ở chương III, quyển 3, chúng ta thấy một phép màu và một bí mật lớn hơn xuất hiện ở Thày giáo.

Mắt người mù đã sáng lại:

"Cú vọ, Thày giáo và Thằng thọt đã nhìn thấy vị linh mục và Phlơ đơ Ma-ri".

Nếu chúng ta không muốn theo gương "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau" mà giải thích hiện tượng đó là một phép mầu của tác giả thì chúng ta phải giả định rằng Thày giáo đã lại đi cắt màng mắt của mình rồi. Sau này y lại mù một lần nữa. Y mở mắt ra quá sớm nên ánh sáng kích thích gây ra viêm, kết quả là tổn thương đến võng mạc và gây ra chứng mù không chạy chữa được nữa. Ở đây, toàn bộ quá trình đó chỉ mất có một giây, đó là một bí mật mới đối với khoa học về mắt không có tính phê phán.

 



1* - xuất chúng

1* - pháp luật xử phạt theo nguyên tắc: ăn miếng trả miếng

1* - tức Phlơ đơ Ma-ri

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt