Chủ nghĩa Marx

Sự đối lập giữa quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm

HỆ TƯ TƯỞNG ĐỨC - MỤC LỤC

 

I

PHOI-Ơ-BẮC

SỰ ĐỐI LẬP GIỮA QUAN ĐIỂM DUY VẬT

VÀ QUAN ĐIỂM DUY TÂM

 

Cứ tin lời các nhà tư tưởng Đức thì nước Đức, trong những năm gần đây, đã trải qua một cuộc đảo lộn chưa từng có. Quá trình tan rã của hệ thống Hê-ghen bắt đầu từ Stơ-rau-xơ đã biến thành một cuộc sôi động âm ỉ toàn thế giới, lôi cuốn tất cả "những lực lượng của quá khứ". Trong sự hỗn độn khắp nơi đó, những cường quốc hùng mạnh đã xuất hiện để rồi lại chìm nghỉm đi liền ngay đó, những anh hùng đã xuất hiện trong khoảnh khắc để rồi lại bị những đối thủ táo bạo hơn và mạnh hơn quẳng vào bóng tối. Đó là cuộc cách mạng mà so với nó, Cách mạng Pháp chỉ là một trò trẻ con; đó là một cuộc chiến đấu thế giới mà so với nó, cuộc chiến đấu của các Đi-a-đốc3 chẳng có nghĩa lý gì. Những nguyên lý thay thế lẫn nhau, những anh hùng tư tưởng đẩy nhau ngã với một tốc độ nhanh chưa từng thấy, và chỉ trong ba năm từ 1842 đến 1845 ở nước Đức, người ta đã dọn sạch được nhiều hơn trong ba thế kỷ trước kia.

Tất cả cái đó người ta cho là đều diễn ra trong lĩnh vực của tư duy thuần túy.

Dù sao đi nữa, chúng ta cũng đang đứng trước một sự kiện lý thú: quá trình tan rã của tinh thần tuyệt đối. Khi tia lửa cuối cùng của sự sống của tinh thần tuyệt đối vừa tắt đi thì những bộ phận khác nhau của cái caput mortuum1* ấy bắt đầu phân giải, tham gia vào những hỗn hợp mới và hình thành những chất mới. Những người làm nghề triết học từ trước tới nay vẫn sống bằng việc khai thác tinh thần tuyệt đối, bây giờ lại lao vào những hỗn hợp mới đó. Và ai nấy đều hết sức hăng hái tiêu thụ cái phần mà anh ta tình cờ kiếm được. Việc đó không thể tiến hành không có cạnh tranh. Lúc đầu cạnh tranh còn mang tính chất khá nghiêm túc và có tính chất tư sản. Nhưng về sau, khi thị trường Đức đã đầy ứ và khi mặc dù mọi cố gắng, hàng hoá cũng không tiêu thụ được trên thị trường thế giới nữa thì theo lệ thường ở Đức, tình hình kinh doanh đã bị xấu đi bởi một nền sản xuất bằng công xưởng và có tính chất giả tạo, bởi việc hạ thấp phẩm chất, việc làm giả nguyên liệu, việc làm giả nhãn hiệu, việc bán khống, việc dùng tín phiếu giả và một hệ thống tín dụng không có cơ sở hiện thực nào. Cuộc cạnh tranh ấy biến thành một cuộc đấu tranh gay gắt mà bây giờ người ta mô tả và tán dương với chúng ta như một cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, một nhân tố đã mang lại những kết quả và những thành tựu vĩ đại nhất Muốn đánh giá đúng toàn bộ cái trò bịp bợm triết học đó, nó thậm chí làm thức tỉnh trong lòng người thị dân Đức trung thực một tình cảm dân tộc dễ chịu, muốn nêu rõ tính nhỏ nhen, tính thiển cận địa phương của toàn bộ phong trào của phái Hê-ghen trẻ đó, và đặc biệt muốn vạch rõ sự trái ngược vừa bi đát vừa buồn cười giữa những chiến công hiện thực của vị anh hùng đó, với những ảo tưởng của họ về chính những chiến công ấy thì cần phải xem xét tất cả sự ầm ĩ đó theo một quan điểm ở bên ngoài nước Đức1*

 

Do C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết vào năm
1845-1846

Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin công bố toàn văn lần đầu tiên bằng tiếng viết trong nguyên bản năm 1932, bằng tiếng Nga năm 1933

 

In theo bản thảo

Nguyên văn là tiếng Đức

 



1* - nghĩa đen: cái đầu chết; ở đây: hài cốt

1* Tiếp theo là đoạn bị gạch bỏ trong bản thảo: "Vì vậy, trước khi phê phán riêng những đại biểu khác nhau của phong trào đó, chúng tôi nêu lên một số những nhận xét chung, để làm sáng tỏ những tiền đề tư tưởng chung của họ. Những nhận xét ấy cũng đủ để nói rõ quan điểm phê phán của chúng tôi, trong chừng mực chúng là cần thiết để hiểu được những lời phê phán tiếp đó và đủ để làm cơ sở cho những lời phê phán ấy. Sở dĩ những nhận xét này là nhằm chính vào Phoi-ơ-bắc, đó là vì ông là người duy nhất đã ít nhất là tiến được một vài bước và là người duy nhất mà tác phẩm có thể đem nghiên cứu de bonne foi (một cách nghiêm túc) được.

   1. Hệ tư tưởng nói chung, triết học Đức nói riêng.

   A. Chúng ta chỉ biết có một khoa học duy nhất, khoa học lịch sử. Có thể xem xét lịch sử dưới hai mặt, có thể chia lịch sử ra thành lịch sử tự nhiên và lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, hai mặt đó không tách rời nhau. Chừng nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên quy định lẫn nhau. Ở đây, chúng ta không nói đến lịch sử tự nhiên, tức là cái người ta gọi là khoa học tự nhiên; trái lại,chúng ta phải nghiên cứu lịch sử nhân loại, bởi vì, hầu như toàn bộ hệ tư tưởng quy lại thành hoặc là một quan niệm sai về nhân loại, hoặc là đi đến chỗ hoàn toàn bỏ qua lịch sử đó. Bản thân hệ tư tưởng chẳng qua cũng chỉ là một trong những mặt của lịch sử đó".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt