TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC
SỰ NHẬP CƯ CỦA NGƯỜI AI-RƠ-LEN
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 445-459. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
Chúng ta đã có nhiều dịp nói tới những người Ai-rơ-len nhập cư vào Anh. Ở chương này chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn các nguyên nhân và hậu quả của việc nhập cư đó. Nền công nghiệp của Anh không thể phát triển nhanh chóng như vậy, nếu nước Anh không tìm được trong cư dân Ai-rơ-len đông đúc và nghèo nàn một lực lượng dự trữ sẵn sàng phục vụ cho họ. Người Ai-rơ-len không mất gì ở quê hương mà sang Anh thì được lợi nhiều, và từ khi họ biết rằng phía bờ bên kia eo biển Xanh Gioóc, chỉ cần có cánh ta khoẻ mạnh là chắc chắn có thể kiếm được việc làm và tiền lương cao, thì mỗi năm đều có hàng đoàn người Ai-rơ-len vượt sang nước Anh. Cho đến nay, người ta tính như vậy là đã có hơn một triệu người Ai-rơ-len di cư, và mỗi năm còn có tới năm vạn người Ai-rơ-len di cư thêm; hầu hết họ xô đến các khu công nghiệp và nhất là các thành phố lớn, tạo nên tầng lớp thấp kém nhất trong cư dân ở đó, chẳng hạn như ở Luân Đôn có 120 000 dân nghèo người Ai-rơ-len, ở Man-se-xtơ 40 000, ở Li-vớc-pun 34 000, ở Bri-xtơn 24 000, ở Gla-xgô 40 000, ở Ê-đin-bớc 29 0001). Những người đó lớn lên trong hoàn cảnh hầu như hoàn toàn thiếu văn minh, từ thuở nhỏ quen chịu đủ mọi điều thiếu thốn; những con người cục cằn thô lỗ, rượu chè, sống không lo ngày mai, họ vượt biển sang đây, mang theo tất cả những thói quen thô lỗ của họ đến cho một tầng lớp dân Anh vốn chẳng thích thú gì giáo dục và đạo đức. Ta hãy nhường lời cho Tô-mát Các-lai-lơ 1): "Trên tất cả các con đường lớn và đường làng ta đều gặp những khuôn mặt man rợ của người Mi-lê-di 2), trên đó biểu lộ vẻ chất phác giả tạo, vẻ hung bạo, liều lĩnh, sự bần cùng và vẻ trào phúng. Anh đánh xe ngựa người Anh, khi đánh xe chạy qua, quất roi vào người Mi-lê-di; người này liền rủa anh ta một câu bằng tiếng nói của mình, rồi ngả mũ xin tiền. Đó là cái tai hoạ tệ nhất mà nước ta đang phải đả phá. Với bộ quần áo rách rưới, người man rợ yêu đời ấy bao giờ cũng sẵn sàng làm bất cứ việc gì chỉ cần sức lực của tấm lưng rắn chắc và cánh tay khoẻ, để có tiền lương mua đủ khoai tây là được. Gia vị thì họ chỉ cần có muối; chỗ ngủ thì gặp bất cứ cái chuồng gia súc hay cái ổ chó nào cũng xong; họ ở trong các nhà kho, quần áo thì gồm một mớ rẻ rách, mà mặc vào cởi ra là một việc hết sức khó khăn, chỉ tiến hành trong những ngày lễ hoặc trong những trường hợp đặc biệt long trọng. Người Anh không thể làm việc trong những điều kiện như vậy, nên không kiếm được việc. Người Ai-rơ-len kém văn hoá đuổi được người bản địa là người Anh và chiếm lấy chỗ họ, không phải nhờ ở mặt mạnh của họ mà là nhờ ở mặt yếu. Họ sống bẩn thỉu, và vô tư lự, ranh mãnh và gây lộn xộn vì say rượu và là cái lò sinh ra truỵ lạc và mất trật tự. Kẻ nào còn cố sức bơi, khó nhọc lắm mới ngoi được lên mặt nước sẽ tìm thấy ở đấy một ví dụ là con người làm thế nào có thể sống được khi không ở trên mặt nước mà chìm đắm dưới đáy sâu... Mọi người đều biết rằng mức sống của người lao động Anh thuộc tầng lớp dưới càng ngày càng sụt xuống gần đến mức sống của người lao động Ai-rơ-len là những kẻ cạnh tranh với họ trên mọi thị trường, rằng những công việc chỉ cần sức khỏe mà không cần kỹ năng đặc biệt đều được trả công không phải theo mức tiền công của người Anh mà là gần với mức tiền công của người Ai-rơ-len, nghĩa là tiền công nhiều hơn một chút so với mức đòi hỏi để "khỏi chết đói, chỉ cầm hơi bằng khoai tây loại tốt nhất suốt ba mươi tuần lễ trong một năm", - chỉ nhiều hơn một chút, nhưng cứ mỗi chuyến tàu mới từ Ai-rơ-len tới, thì lại càng xuống gần mức đó". Nếu ta loại bỏ sự cường điệu và chê bai quá phiến diện đối với tính cách dân tộc của người Ai-rơ-len, thì sự mô tả của Các-lai-lơ ở đây là đúng. Những người lao động Ai-rơ-len đó sau khi trả bốn pen-ni (31/3 din-béc-grô-sen) để nằm lăn nằm lóc trên boong tàu như súc vật, tới được đất Anh, thì chui vào đâu cũng được. Nhà cửa tồi tàn nhất đối với họ cũng còn khá tốt; họ ít chú ý đến quần áo, khi mà còn có chút ít dính vào thân; họ không biết giầy dép là gì; thức ăn của họ là khoai tây và chỉ có khoai tây thôi; kiếm được hơn nhu yếu ấy một chút là lập tức đem đi uống rượu. Những con người như thế thì cần lương cao làm gì? Trong tất cả các thành phố lớn, những khu phố tồi tàn nhất là chỗ ở của người Ai-rơ-len; bất cứ ở đâu, nếu có một khu phố đặc biệt bẩn thỉu và đổ nát, thì có thể đoán chắc rằng ở đó sẽ gặp phần lớn những bộ mặt Ken-tơ mà chỉ cần liếc qua cũng phân biệt ngay được với những bộ mặt Anh-Xắc-xông của người bản địa, và sẽ được nghe cái giọng Ai-rơ-len du dương có nhiều âm hơi mà những người Ai-rơ-len chính cống không bao giờ bỏ mất. Có khi tôi còn nghe thấy cả tiếng nói Ai-rơ-len trong những khu đông đúc nhất của Man-se-xtơ. Phần lớn các gia đình sống trong nhà hầm, ở hầu hết mọi nơi đều là những người nguồn gốc Ai-rơ-len. Tóm lại theo lời bác sĩ Cây, người Ai-rơ-len đã phát hiện được cái mức tối thiểu về nhu cầu sinh hoạt và hiện nay họ đang dạy cái đó cho người lao động Anh. Họ cũng đã mang đến tính bẩn thỉu và thói rượu chè. Cái tính bẩn thỉu đã trở thành bản tính thứ hai của họ; ở nông thôn dân cư thưa thớt hơn, thói ấy không tai hại mấy; nhưng ở đây, trong các thành phố lớn, với dân cư tập trung đông đúc như vậy, nó làm cho người ta khiếp vía và đưa đến nhiều nguy hiểm. Như họ đã quen ở quê hương, người Mi-lê-di đến đây cũng đổ tất cả đồ bỏ đi và rác rưởi ở ngay trước cửa nhà mình, gây thành những vũng nước và những đống rác, làm cho cả khu lao động bẩn thỉu và đầu độc cả bầu không khí. Cũng như ở quê hương họ, họ làm chuồng lợn sát ngay nhà, và nếu không làm thế được, thì họ cho lợn con ở ngay trong phòng của họ. Cái kiểu nuôi súc vật mới mẻ và kỳ lạ ấy ở trong các thành phố lớn hoàn toàn là do người Ai-rơ-len mang đến. Người Ai-rơ-len gắn bó với con lợn của mình cũng như người Ả-rập gắn bó với con ngựa, chỉ khác một điều là khi lợn đã đủ béo thì họ đem bán nó đi; còn trước đó thì họ ăn ngủ cùng với lợn, con cái họ chơi với lợn, cưỡi lên lưng lợn, cùng lợn vùng vẫy trong bùn, như người ta có thể gặp thấy hàng nghìn lần trong tất cả các thành phố lớn ở Anh. Còn tình hình bẩn thỉu như thế nào, tình hình thiếu thốn mọi tiện nghi đến mức độ nào trong các căn nhà đổ nát đó thì người ta rất khó tưởng tượng được. Người Ai-rơ-len không quen dùng đồ đạc trong nhà; một ôm rơm, vài mảnh rẻ rách hoàn toàn không dùng làm quần áo được nữa, - đó là chỗ ngủ của họ, một mẩu gỗ, một cái ghế gẫy, một cái hòm cũ dùng làm bàn, thế là đủ rồi. Một ấm pha chè, vài cái chậu đựng thức ăn và vài cái đọi thế là đủ dùng cho nhà bếp của họ, mà nhà bếp thì cũng là chỗ ngủ và chỗ ăn ở của họ. Và nếu không có gì đốt, thì họ vứt vào đó tất cả cái gì có thể cháy mà tiện tay vớ được: ghế, khung cửa, mái hiên, ván sàn, miễn là họ có các thứ đó. Mà họ cần chỗ rộng làm gì? Ở Ai-rơ-len căn lều trát đất của họ chỉ có một phòng, mọi thứ đều xếp vào đấy; ở Anh cũng vậy, cả gia đình chả cần gì đến hơn một căn phòng. Như vậy tình trạng nhiều người chồng chất trong một phòng mà ngày nay thấy rất phổ biến đó, chủ yếu cũng do người Ai-rơ-len đưa vào. Và vì dù sao con người khốn khổ đó cũng phải có một thứ thú vui nào đó, mà xã hội thì không cho anh ta một thú vui nào khác, nên anh ta đành phải đến quán rượu. Đối với người Ai-rơ-len, uống rượu là cái độc nhất tô điểm cho cuộc đời, và thêm vào đó là cái tính khí vô tâm và vui vẻ của họ; vì vậy họ uống rượu cho đến say mềm. Cái tính nhẹ dạ của người miền Nam, vốn có ở người Ai-rơ-len, tính tình thô lỗ khiến anh ta chả hơn gì người man rợ, sự khinh thị của anh ta đối với mọi thú vui của con người, - những thú vui mà anh ta không có khả năng thưởng thức được chính do tính thô lỗ của anh ta, - tính ở bẩn và sự nghèo khổ của anh ta, - tất cả những cái ấy đều thúc đẩy anh ta mê rượu; sự quyến rũ mạnh quá, anh ta không sao cưỡng lại được, và có đồng nào là uống rượu hết đồng ấy. Nhưng có thể nào làm khác được? Một khi xã hội đã đặt anh ta vào tình cảnh hầu như không thể tránh khỏi trở nên nghiện ruợu, một khi xã hội không hề săn sóc đến anh ta và để mặc cho anh ta trở thành đần độn, - thì xã hội làm sao còn có thể trách anh nghiện rượu được? Người công nhân Anh phải đấu tranh với kẻ cạnh tranh như thế đó, - kẻ cạnh tranh ở vào trình độ phát triển thấp nhất có thể có được ở một nước văn minh, do đó họ sẵn sàng làm việc với số lương ít hơn số lương của bất cứ người nào khác. Vì thế cho nên, như lời Các-lai-lơ khẳng định, trong mọi ngành lao động mà người công nhân Anh buộc phải cạnh tranh với người công nhân Ai-rơ-len, tiền lương càng ngày càng giảm sút là điều hoàn toàn không tránh được. Mà những ngành lao động như thế thì rất nhiều. Tất cả những ngành hầu như không cần hoặc chỉ cần rất ít kỹ năng đều mở cửa rộng cho người Ai-rơ-len. Đương nhiên những ngành lao động đòi hỏi phải học nghề lâu, hoặc đòi hỏi phải hoạt động thường xuyên và đều đặn thì không thích hợp với người Ai-rơ-len rượu chè, cẩu thả và không cần mẫn. Muốn trở thành thợ cơ khí (mechanic - ở Anh người ta gọi tất cả những công nhân làm việc trong ngành chế tạo máy như thế), thành công nhân công xưởng, thì trước hết anh ta phải tiếp thu văn hoá và phong tục Anh, tức là về bản chất phải biến thành người Anh. Nhưng hễ ở nơi nào công việc đơn giản, không đòi hỏi chính xác lắm, ở nơi nào cần nhiều sức lực hơn tài khéo léo, thì người Ai-rơ-len không kém gì người Anh. Vì thế các ngành lao động đều đặc biệt đầy rẫy người Ai-rơ-len; thợ dệt tay, thợ nề, thợ khuân vác, thợ phụ việc, v.v., gồm có vô số người Ai-rơ-len; và sự xâm nhập của người Ai-rơ-len ở đó đã thúc đẩy rất nhiều sự hạ thấp tiền lương và sự suy sụp của tình cảnh của giai cấp công nhân. Và ngay những người Ai-rơ-len xâm nhập vào các ngành lao động khác bắt buộc phải tiếp thu một trình độ văn hoá nhất định, họ vẫn còn giữ lại một số tập quán cũ đủ để khiến những bạn lao động người Anh cũng thành truỵ lạc, dưới ảnh hưởng của người Ai-rơ-len ở xung quanh. Thật ra, nếu chúng ta chú ý rằng hầu như trong mỗi thành phố lớn, đều có một phần năm hoặc một phần tư số công nhân là người Ai-rơ-len, hoặc những trẻ con Ai-rơ-len lớn lên trong tình trạng bẩn thỉu kiểu Ai-rơ-len, thì sẽ hiểu tại sao đời sống của toàn thể giai cấp công nhân, những phong tục, sự phát triển trí lực và tinh thần của họ, tất cả tính cách của họ, đều hấp thụ phần lớn những nét Ai-rơ-len đó, và cũng sẽ hiểu rõ tại sao tình cảnh đáng căm phẫn của người lao động Anh do nền công nghiệp hiện đại và các hậu quả trực tiếp của nó gây nên, lại có thể ngày càng tồi tệ hơn.
1) Archibald Alison, High Sheriff of Lanarkshire. "The Principles of Population, and their connection with Human Happiness". 2 vols. 1840. [Ác-si-ban A-li-xơn, tỉnh trưởng La-nác-sia: "Những nguyên lý về dân số và sự liên quan của chúng đối với hạnh phúc của con người", 2 tập, 1840]. Tác giả là nhà sử học về cách mạng Pháp, và cũng như anh ông ta, bác sĩ U.P. A-li-xơn, là một đảng viên Đảng To-ri mang đầu óc tôn giáo. 1) "Phong trào Hiến chương", tr. 28, 31 và trang tiếp theo. 2) Mi-lê-di - tên các vua thời xưa người Ken-tơ ở Ai-rơ-len. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC