C.MÁC VÀ PH. ĂNG-GHEN
GIA ĐÌNH THẦN THÁNH HAY LÀ PHÊ PHÁN SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn _____________________
CHƯƠNG IV SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA
1) "HỘI LIÊN HIỆP CÔNG NHÂN" CỦA PHLÔ-RA TƠ-RI-XTĂNG11
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 26-27. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
Những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp khẳng định rằng công nhân làm ra hết thảy, sản xuất ra hết thảy nhưng họ không có quyền cũng không có tài sản, - nói tóm lại họ chẳng có gì hết. Về điểm này, qua miệng của ông Ét-ga, người thể hiện sự yên tĩnh của nhận thức, sự phê phán đã trả lời như sau: "Muốn sáng tạo ra hết thảy thì cần có một ý thức mạnh hơn ý thức của công nhân. Luận điểm trên chỉ đúng nếu đem lộn ngược lại như sau: công nhân chẳng tạo ra cái gì hết, nên họ cũng chẳng có gì hết; họ chẳng tạo ra cái gì hết, vì công việc của họ bao giờ cũng vẫn là một cái đơn nhất nào đó nhằm thoả mãn nhu cầu của chính họ, và là công việc thường ngày". Ở đây, sự phê phán đã đạt tới sự trừu tượng cao đến mức theo nó thì chỉ có những sáng tạo tư tưởng của nó và tính phổ biến mâu thuẫn với mọi hiện thực mới là "một cái nào đó" hay - hơn nữa - là "tất cả". Công nhân sở dĩ không tạo ra cái gì cả, vì họ chỉ tạo ra "cái đơn nhất", tức là những đối tượng có thể cảm thấy được, có thể sờ mó được, phi tinh thần và phi phê phán, những đối tượng mà bất cứ một loại nào của chúng cũng đã làm cho sự phê phán thuần tuý phải kinh khủng. Tất cả cái gì hiện thực, tất cả cái gì sống đều là phi phê phán, đều là có tính quần chúng, vì vậy là "hư không", chỉ có những sáng tạo lý tưởng và hư ảo của sự phê phán có tính phê phán mới là "tất cả". Công nhân không sáng tạo cái gì cả, vì công việc của họ là một cái đơn nhất nào dó, chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân của họ, nghĩa là vì trong trật tự thế giới hiện đại, các ngành lao động riêng lẻ có liên hệ bên trong với nhau đều tách rời nhau thậm chí đối lập với nhau, tóm lại, vì lao động không được tổ chức. Nếu giải thích theo ý nghĩa hợp lý duy nhất có thể có thì luận điểm mà bản thân sự phê phán nêu lên, là yêu cầu về lao động có tổ chức. Phlô-ra Tơ-ri-xtăng - nếu phân tích tác phẩm của bà thì thấy nổi bật lên luận điểm vĩ đại đó - cũng yêu cầu điều đó, và vì bà đã dám đi trước sự phê phán có tính phê phán nên đã bị nó đối xử en canaille1*. "Công nhân không tạo ra cái gì hết". Hơn nữa, luận điểm đó là sự mê sảng điên rồ, nếu không kể rằng người công nhân cá biệt không sản xuất ra cái gì toàn bộ cả, mà điều này lại là một lối nói trùng lặp. Sự phê phán có tính phê phán chẳng sáng tạo ra cái gì cả, công nhân mới sáng tạo ra tất cả, sáng tạo ra tất cả đến mức ngay cả với những sáng tạo tinh thần của họ, họ cũng làm cho toàn bộ sự phê phán phải hổ thẹn. Công nhân Anh và Pháp đã chứng minh rõ ràng điều đó. Công nhân sáng tạo ra cả con người, còn nhà phê phán thì vĩnh viễn vẫn là con quái vật, nhưng ngược lại dĩ nhiên là nhà phê phán có sự thoả mãn nội tâm rằng mình là nhà phê phán có tính phê phán. "Plô-ra Tơ-ri-xtăng cho chúng ta một ví dụ về chủ nghĩa giáo điều của phụ nữ, thứ chủ nghĩa giáo điều không thể không cần đến những công thức và đặt ra cho mình những công thức từ những phạm trù về cái đang tồn tại". Điều mà sự phê phán làm, chỉ là "đặt ra những công thức từ những phạm trù về cái đang tồn tại", - nghĩa là đặt ra những công thức từ triết học Hê-ghen hiện đang tồn tại và từ những nguyện vọng xã hội hiện đang tồn tại. Những công thức không phải là gì khác hơn là những công thức. Và mặc dầu sự phê phán ra sức đả kích chủ nghĩa giáo điều, nhưng bản thân nó vẫn tự tuyên bố nó là chủ nghĩa giáo điều, và còn là thứ chủ nghĩa giáo điều của phụ nữ. Nó là và sẽ còn là một bà già, nó là triết học Hê-ghen già nua và goá bụa đang tô son trát phấn trang điểm cho tấm thân trừu tượng héo hon gớm ghiếc của mình và thèm khát kiếm lấy tấm chồng trên khắp xó xỉnh của nước Đức.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC