Chủ nghĩa Marx

Sự phê phán có tính phê phán với tư thế một anh thợ đóng sách hay là sự phê phán có tính phê phán thể hiện ở ông Rai-sơ-hát

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

C.MÁC VÀ PH. ĂNG-GHEN

 

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH HAY LÀ

PHÊ PHÁN SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn

 

 

CHƯƠNG I

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

VỚI TƯ THẾ MỘT ANH THỢ ĐÓNG SÁCH,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG RAI-SƠ-HÁT

 

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 15-18. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Sự phê phán có tính phê phán, tuy cho rằng mình vượt lên trên quần chúng rất nhiều, nhưng vẫn vô cùng thương hại quần chúng đó. Sự phê phán thương yêu quần chúng đến mức đã sai con một của mình xuống trần gian để cho tất cả những ai tin nó sẽ không chết đi mà được sống cuộc đời phê phán. Bản thân sự phê phán đã trở thành quần chúng và sống giữa chúng ta nên chúng ta thấy được cái vĩ đại của nó, giống như cái vĩ đại của người con một của Đức chúa cha. Nói  cách khác, sự phê phán đã trở thành xã hội chủ nghĩa và bàn đến những "luận văn về bần cùng hoá"3. Nó không hề xét xem việc tự so sánh với thượng đế có chỗ nào phạm thượng không: nó tự tha hoá và mang hình dạng của một anh thợ đóng sách và tự hạ mình xuống trình độ ăn nói bậy bạ, hơn nữa ăn nói bậy bạ một  cách phê phán bằng tiếng nước ngoài. Nó trong trắng như trời xanh, như gái đồng trinh, hễ nhìn thầy quần chúng mắc bệnh hủi và đầy tội lỗi là rùng mình kinh tởm, nhưng nó đã tự kiềm chế được nên đã nghiên cứu tác phẩm của "Bô-dơ"1*"tất cả những tài liệu gốc về sự bần cùng hoá" và "theo dõi từng bước trong nhiều năm bệnh của thời đại". Nó không thèm viết cho các chuyên gia học rộng, nó viết cho công  chúng rộng rãi, nó gạt bỏ hết những từ ngữ kỳ quặc, mọi "từ la-tinh khó hiểu và tiếng lóng nhà nghề". Nó phải quét sạch những cái đó trong các tác phẩm của người khác, vì nếu hy vọng bản thân nó phải phục tùng "quy định hành chính ấy" thì đó là một yêu cầu quá đáng. Nhưng ngay cả về điểm này, nó vẫn còn làm một phần. Nó vứt bỏ một cách dễ dàng kỳ lạ nếu không phải là bản thân những chữ ấy thì cũng là nội dung của những chữ ấy. Như vậy, ai dám trách nó dùng "hàng đống chữ nước ngoài khó hiểu" khi mà bản thân nó xác nhận, bằng biểu hiện nhất quán của tính độc đáo của nó, cái kết luận cho rằng những chữ đó cũng khó hiểu đối với chính nó nữa?

Đây là mấy ví dụ về những biểu hiện nhất quán đó:

"Do đó những thể chế của sự khốn cùng" "là đối tượng sợ hãi đối với chúng".

"Một học thuyết về tinh thần trách nhiệm trong đó mỗi sự vận động của tư tưởng loài người đều trở thành hình tượng của bà Lốt".

"Đá xây cuốn trên khung cửa tò vò của công trình nghệ thuật thực sự giàu lòng tin đó".

"Đây là nội dung chủ yếu của bản di chúc chính trị của Stai-nơ mà từ lâu trước khi từ chức, nhân vật vĩ đại ấy của nhà nước, đã giao cho chính phủ và mọi tác phẩm của nó".

"Bấy giờ dân tộc đó còn chưa có sự đo lường nào cho tự do rộng rãi như thế".

"Cuối bài chính luận, ông ta luận đàm khá vững vàng rằng chỉ thiếu có sự tín nhiệm thôi".

"Trí tuệ quốc gia tối cao, xứng đáng với đấng nam nhi chân chính; trí tụê vượt lên trên nề nếp có sẵn và sự sợ hãi hèn nhát, trí tuệ được giáo dục trong lịch sử và bồi dưỡng bằng trực quan sinh động của sinh hoạt chính trị của công chúng nước ngoài".

"Sự giáo dục về phúc lợi toàn dân".

"Dưới sự giám sát của các nhà cầm quyền, tự do ngủ triền miên trong lòng sứ mệnh Phổ của các dân tộc".

"Văn chính luận hữu cơ nhân dân".

"Nhân dân mà thậm chí ngài Bruy-gơ-man cấp giấy chứng nhận là đã chịu lễ rửa tội vào tuổi thanh niên".

"Mâu thuẫn khá gay gắt với những tính quy định khác trình bày trong tác phẩm chuyên nghiên cứu về sứ mệnh riêng biệt của nhân dân".

"Lòng tham xấu xa làm tiêu tan nhanh chóng mọi ảo tưởng của ý chí dân tộc".

"Lòng khao khát làm giàu nhanh, v.v., đó là tinh thần quán triệt suốt thời kỳ Phục tích và cũng là tinh thần liên minh với thời đại mới bằng một sự bàng quan khá lớn".

"Quan niệm mơ hồ về ý nghĩa chính trị vốn có ở dân tộc nông nghiệp Phổdựa trên hồi ức về lịch sử vĩ đai".

" Ác cảm biến đi và chuyển thành trạng thái hưng phấn hoàn toàn".

"Trong sự chuyển biến lạ lùng đó, mỗi người đều vẫn đưa ra, theo phương thức của mình, một nguyện vọng riêng trong viễn cảnh của mình".

"Một giáo lý trình bày theo ngôn ngữ uyển chuyển của Xa-lô-mông mà tiếng nói như chim bồ câu - gu gù! gu gù! - đang êm ái bay lên đến lĩnh vực có sức truyền cảm và bề ngoài rền vang như sấm".

"Cả một sự ham mê nghệ thuật, chểnh mảng ba mươi nhăm năm".

"Nếu quan niệm của Ben-đa về luật lệ thành phố năm 1808 không mắc khuyết điểm là lồng tư tưởng Hồi giáo vào những khái niệm về bản chất và sự thực hiện luật lệ thành phố, thì với tinh thần điềm đạm vốn có ở đại biểu của chúng ta, chúng ta còn có thể tiếp thu được lời trách mắng quá điếc tai mà một kẻ thống trị thành phố trước kia đổ lên đầu công dân thành phố".

Ở ngài Rai-xác-tơ, đâu đâu sự táo bạo của tiến trình suy nghĩ cũng phù hợp với sự táo bạo về văn phong. Ông ta chuyển tiếp như thế này:

"Ngài Bruy-gơ-man... vào năm 1843... học thuyết về nhà nước... mỗi người chính trực... đức khiêm tốn vĩ đại của các nhà xã hội chủ nghĩa chúng ta... những phép mầu tự nhiên... những yêu sách cần đưa ra với nước Đức... những phép mầu tự siêu tự nhiên... A-bra-ham... Phi-la-den-phi-a... nước cam lộ... thợ bánh mì... và bởi vì chúng ta nói đến những phép mầu cho nên Na-pô-lê-ông đem vào"...v.v..

Xem xong những thí dụ đó, chúng ta chẳng còn ngạc nhiên thấy tại sao sự phê phán có tính phê phán lại còn "giải thích" cách nói mà bản thân nó cho là "phương pháp biểu hiện phổ thông". Vì nó "vũ trang cho đôi mắt của nó bằng một lực lượng hữu cơ có thể nhìn xuyên suốt cả mớ hỗn loạn". Và ở đây cần nói rằng  đã như vậy thì ngay cả đến "phương pháp biểu hiện phổ thông" cũng không còn có thể khó hiểu đối với sự phê phán có tính phê phán nữa. Nó hiểu rằng con đường văn học tất nhiên phải khúc khuỷu nếu người bước vào con đường đó không đủ sức nắn thẳng lại; cho nên nó cũng gán một cách rất tự nhiên những "phép tính" cho nhà văn.

Không cần nói ai cũng biết - và lịch sử chứng thực tất cả cái gì không cần nói cũng đã rõ, cũng chứng thực điều này - sự phê phán biến thành quần chúng không phải cốt để thành quần chúng, mà là để tránh cho quần chúng khỏi tính quần chúng có tính quần chúng của mình, nghĩa là để nâng phương pháp biểu hiện phổ thông của quần chúng lên thành ngôn ngữ phê phán của sự phê phán có tính phê phán. Khi sự phê phán nắm được ngôn ngữ thông thường của quần chúng và cải tạo thứ tiếng nói thô tục đó thành những câu cao siêu thần bí vốn có trong phép biện chứng của sự phê phán có tính phê phán thì đó chính là sự phê phán đã tự hạ mình xuống cùng cực rồi.

 



3 Đây là nói về bài "Luận văn về bần cùng hoá" của C.Rai-sơ-hát đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 1 và 2 (tháng Chạp 1843 và tháng Giêng 1844).

1* Bút danh của Sác-lơ Đích-ken-xơ "Boz" mà Rai-sơ-hát xuyên tạc đi.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt