TẠI SAO MÁC ĐÚNG?
TERRY EAGLETON
Chương 6:
MARX VÔ THẦN NÊN KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN
KHÍA CẠNH TINH THẦN CỦA CON NGƯỜI?
PHẢN BÁC:
|
Các Mác là một nhà duy vật. Ông tin rằng không có gì tồn tại mà không có ý nghĩa. Ông không quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người, và coi ý thức của con người chỉ là sự phản ánh của thế giới vật chất. Các Mác thô lỗ một cách tàn bạo với tôn giáo, và cho rằng đạo đức chẳng qua là vấn đề mục đích biện minh cho phương tiện. Chủ nghĩa Mác làm cạn kiệt hết tất cả những gì quý giá nhất thuộc về con người, thu gọn chúng ta thành mớ lổn nhổn vật chất bị chi phối bởi ngoại cảnh của chúng ta. Từ viễn cảnh ảm đạm thê lương về con người này, chắc chắn là con đường dẫn tới sự tàn bạo của Stalin và những môn đồ khác nữa của Mác.
BIỆN GIẢI:
Thế giới được cấu tạo bằng vật chất, tinh thần hay bằng pho mát xanh đều không phải là một vấn đề khiến Các Mác phải hao tâm tổn trí. Các Mác luôn tỏ thái độ khinh miệt những thứ trừu tượng siêu hình như vậy, và thường nhanh chóng tìm cách kết kiễu những suy đoán tư biện không đâu ấy. Là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thời hiện đại, Các Mác đặc biệt dị ứng với những ý tưởng ngông cuồng. Những người coi ông là một nhà lý luận lạnh lùng đều quên mất một điều rằng, Các Mác là một nhà tư tưởng lãng mạn, luôn cảnh giác trước những gì trừu tượng đồng thời say sưa không dứt với những gì cụ thể, rõ ràng. Đối với Các Mác, những thứ trừu tượng thật tầm thường và không đáng được đề cao; chính những gì cụ thể mới phong phú và phức tạp. Cho dù chủ nghĩa duy vật đối với Các Mác có ý nghĩa là gì đi nữa, thì nó cũng không xoay quanh vấn đề thế giới này được tạo nên bởi cái gì.
Điều này, cùng với một số thứ khác nữa, rất có ý nghĩa đối với những nhà triết học duy vật thời kỳ Khai sáng ở thế kỷ XVIII, mà một số người trong số họ quan niệm con người chỉ đóng chức năng cơ học thuần túy của thế giới vật chất. Thế nhưng, Các Mác coi lối tư duy này hoàn toàn mang tính lý thuyết suông. Một mặt, nó quy con người về một hoàn cảnh thụ động. Theo đó, trí tuệ con người chỉ là những tờ giấy trắng, ghi chép lại những ấn tượng có được nhờ giác quan về thế giới vật chất bên ngoài. Từ ấn tượng thu nhận được ấy, con người mới hình thành tư tưởng. Do đó, nếu những ấn tượng này được điều khiển để tạo ra những tư tưởng "đúng đắn" nào đó, thì nhân loại đã có thể vững vàng tiến tới một trạng thái xã hội hoàn hảo. Đây không phải là sự ngây thơ về mặt chính trị. Những tư tưởng đó là của một trong những tư tưởng xuất sắc xuất thân từ tầng lớp trung lưu, người đã bảo vệ nhiệt thành cho chủ nghĩa cá nhân, bảo vệ tư hữu, thị trường tự do, cũng như công lý, tự do và nhân quyền. Và thông qua quá trình thay đổi tư duy này, họ hy vọng một cách mãnh liệt sẽ ảnh hưởng đến hành vi của những người bình thường. Khó có thể tin rằng, Các Mác tán thành chủ nghĩa duy vật kiểu này.
Nhưng đó không phải là tất cả nội dung của triết học duy vật trước khi Các Mác nắm vững nó. Tuy nhiên, ở góc độ này hay góc độ khác, Các Mác coi đó là một hình thức tư duy có liên hệ chặt chẽ với vận mệnh của giai cấp trung lưu. Dấu ấn riêng của ông với chủ nghĩa duy vật, như được phát triển trong Luận cương về Phoiơbắc (Feuerbach) và một số tác phẩm khác, là hoàn toàn khác; và Các Mác nhận thức rõ điều này. Ông cũng biết rõ rằng, ông đã đoạn tuyệt với hình thức chủ nghĩa duy vật kiểu cũ và đang thiết lập một là cái hoàn toàn mới. Với Các Mác, chủ nghĩa duy vật có nghĩa là bắt đầu từ những gì thuộc về loài người, chứ không phải từ những ý tưởng mờ nhạt mà chúng ta khao khát. Trước hết, chúng ta một loài có thể xác, có nhu cầu vật chất và đầu óc thực tế. Những cái khác mà chúng ta đang có, hoặc sẽ có, phải xuất phát từ thực tế cơ bản đó.
Bằng một bước đi đổi mới theo quan điểm thể xác, Các Mác phản đối chủ thể con người thụ động trong chủ nghĩa duy vật của giai cấp trung lưu và đặt con người vào vị trí chủ động. Mọi triết học đều phải xuất phát từ tiền đề rằng, dù có là gì thì con người trước hết phải là những tác nhân. Chúng là những sinh vật biết biến đổi chính mình bằng cách biến đổi hoàn cảnh vật chất xung quanh. Chúng không phải là những con tốt của Lịch sử, hay của Vật chất, hay của tinh thần mà là những sinh vật biết chủ động, tự quyết, và có khả năng tạo ra lịch sử của chính mình. Điều này có ý nghĩa là chủ nghĩa duy vật Mác-xít là một chủ nghĩa duy vật dân chủ, trái ngược với chủ nghĩa tinh hoa trí thức thời kỳ Khai sáng. Chỉ thông qua những hoạt động thực tiễn chung của một số đông người, thì những ý niệm chi phối đời sống chúng ta mới thực sự thay đổi. Bởi vì những ý niệm này đã ăn sâu bám rễ vào hành vi thực tiễn của chúng ta.
Theo nghĩa này, Các Mác là một phản triết gia hơn là một triết gia. Thực vậy, Etienne Balibar còn nói ông "có lẽ là một phản triết gia vĩ đại nhất của thời hiện đại"[1]. Phản triết gia là những người hoài nghi với triết học, không phải theo kiểu của diễn viên điện ảnh Brad Pitt mà luôn bị kích thích vì những lý những lý do thú vị về mặt triết học. Họ thường đi đến những quan điểm nghi ngờ các quan niệm, và mặc dù họ gần như hoàn toàn có lý nhưng họ thường không tin rằng mọi thứ đều phải có lý do. Phoiơbắc, mà Các Mác học được phần nào từ chủ nghĩa duy vật của ông, viết rằng mọi triết học đáng tin cậy đều phải bắt đầu bằng cái đối lập, cái phi triết học của nó. Ông nhận xét, một nhà triết học phải thừa nhận "những cái trong con người không lý giải được về mặt triết học, những cái đối lập với triết học và tư duy trừu tượng"[2]. Ông cũng nhận xét rằng: "chính con người mới tư duy chủ nghĩa không phải là Bản ngã hay Lý trí"[3]. Như Alfred Schmidt nhận xét: "hiểu con người với tư cách là một sinh vật có nhu cầu, có cảm giác, có sinh lý là điều kiện tiên quyết cho mọi lý luận về tính chủ thể"[4]. Nói cách khác, ý thức của con người là cụ thể, nhưng như thế không phải nói rằng ý thức không có gì khác với thể xác. Trái lại, ý thức là dấu hiệu cho biết thể xác theo nghĩa nào đó, là luôn chưa hoàn thiện, có tính mở, luôn có khả năng hành động sáng tạo khác với những gì mà nó đang thể hiện.
Chúng ta tư duy khi chúng ta hành động, bởi vì loài động vật chúng ta là vậy. Nếu tư duy của chúng ta bộc lộ đúng lúc, thì đó cũng là do thể xác và tri giác chúng ta vốn như vậy. Các nhà triết học đôi khi tự hỏi rằng, một cỗ máy có thể tư duy không. Có thể là có, những sẽ theo một cách rất khác với chúng ta. Đó là vì thành phần vật chất của một cỗ máy cũng khác với chúng ta. Chẳng hạn, nó không có những nhu cầu thể xác, và không có đời sống tình cảm mà như con người chúng ta luôn gắn chặt với những nhu cầu đó. Hình thức tư duy của riêng chúng ta không tách rời những điều kiện tình cảm, thực tiễn và cảm giác đó. Chính vì vậy, nếu một cỗ máy có thể suy nghĩ thì chúng ta cũng không thể hiểu nó đang nghĩ gì.
Triết học mà Các Mác đoạn tuyệt là thứ triết học nói chung mang tính thiên định. Điển hình thường là một chủ thể con người thụ động, biệt lập, tách rời khỏi cái cụ thể, suy xét một khách thể biệt lập dưới góc độ không thiên vị. Như chúng ta đã biết, Các Mác phản bác hình thức chủ thể này. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng khách thể của tri thức chúng ta không phải là một cái gì đó định sẵn và bất biến mãi mãi, nó phải là sản phẩm của hành động trong lịch sử của chính chúng ta. Giống như khi chúng ta tư duy lại chủ thể như là một dạng thức của thực tiễn, chúng ta cũng phải tư duy lại thế giới khách quan như là kết quả hoạt động thực tiễn của con người. Và điều này có nghĩa là kết quả hoạt động thực tiễn của con người. Và điều này có nghĩa là về nguyên tắc nó có thể thay đổi.
Việc bắt đầu với con người có tính chủ động, hành động thực tiễn rồi mới đặt tư duy của con người vào trong bối cảnh đó sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ một số vấn đề đang gây rắc rối cho các nhà triết học. Những người cố gắng cải tạo thế giới thường không hay nghi ngờ có cái gì ở đó như những người suy ngẫm về thế giới với một thái độ nhàn nhã. Trên thực tế, những người hoài nghi tồn tại trước hết là bởi vì có cái gì đó tồn tại. Nếu không có một thế giới vật chất nuôi sống họ, họ sẽ chết và những nghi ngờ của họ cũng sẽ tiêu tan cùng với họ. Nếu bạn tin rằng loài người là thụ động trước thực tại khách quan thì điều này cũng khiến bạn nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới đó. Đó là vì chúng ta khẳng định sự tồn tại của sự vật bằng cách trải nghiệm sự phản kháng của chúng đối với những đòi hỏi của chúng ta. Và chúng ta làm điều này chủ yếu thông qua hoạt động thực tiễn.
Các nhà triết học đôi khi đặt câu hỏi về "những trí tuệ khác". Làm thế nào chúng ta biết được thể xác con người mà chúng ta nói tới có trí tuệ giống như chúng ta? Một nhà duy vật có thể trả lời rằng, nếu không có trí tuệ thì chúng ta đã không đặt ra câu hỏi này. Sẽ không có sự sản xuất vật chất nuôi sống chúng ta nếu không có sự hợp tác xã hội, và khả năng giao tiếp với người khác là phần chính yếu của cái mà chúng ta gọi là có trí tuệ. Ta cũng có thể nói, từ "trí tuệ" là một cách mô tả hành vi của một thể xác cụ thể nào đó: một cái biết sáng tạo, biết biểu hiện và biết giao tiếp. Chúng ta không cần soi vào đầu của một người hay lắp máy móc để xem liệu cái đầu đó có sở hữu cái thực thể bí hiểm này không. Chúng ta sẽ nhìn vào những gì họ làm. Ý thức không phải là một hiện tượng ma ám nào đó. Nó là cái chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy và sờ mó. Thể xác con người là một khối vật chất, nhưng là vật chất biết biểu hiện và sáng tạo một cách riêng có; và chúng ta gọi tính sáng tạo này là trí tuệ. Nói con người có lý trí là muốn nói hành vi của họ thể hiện một hình thức nội dung hay ý nghĩa nào đó. Những nhà duy vật thời kỳ Khai sáng nhiều khi đã đúng khi trách cứ việc quy thế giới về vấn đề vật chất vô nghĩa và vô tri vô giác. Chủ nghĩa duy vật của Các Mác trái ngược hoàn toàn.
Câu trả lời của nhà duy vật với người hoài nghi không phải là một lập luận mang tính quyết định. Bạn luôn có thể khẳng định rằng, kinh nghiệm của chúng ta về sự hợp tác xã hội, hay sự phản kháng của thế giới đối với những kế hoạch của chúng ta, bản thân nó là không đáng tin cậy. Có chúng ta chỉ đang hình dung ra những sự việc này. Nhưng xem xét những vấn đề này trên tinh thần của nhà duy vật có thể làm sáng tỏ chúng theo một cách thức mới. Chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy những nhà trí thức mà có quan điểm ban đầu là trí tuệ tách rời (disembodied mind) và họ cũng khó mà từ bỏ quan điểm đó, luôn thắc mắc trí tuệ có quan hệ như thế nào với thể xác, cũng như quan hệ thế nào với trí tuệ của người khác. Có thể họ mường tượng ra một sự tách rời giữa trí tuệ và thế giới. Điều này hơi buồn cười, bởi vì thường thì chính cái cách mà thế giới hình thành nên trí tuệ của họ mới làm xuất hiện ý niệm này. Bản thân những nhà trí thức là loại người phần nào đó xa lánh thế giới vật chất. Chỉ nhờ có sự thặng dư vật chất trong xã hội mới sản sinh ra một đội ngũ tinh hoa chuyên nghiệp các tu sĩ, hiền triết, nghệ sĩ, luật sư, giảng viên Oxford...
Platon cho rằng triết học đòi hỏi phải có những người tinh hoa quý tộc nhàn nhã. Không thể có những phòng khách văn chương và xã hội thông thái nếu tất cả mọi người phải làm việc quần quật để duy trì hoạt động bình thường của đời sống xã hội. Tháp ngà[5] cũng khó thấy như bãi chơi ky (bowling) ở những nền văn hóa bộ lạc (nó cũng khó thấy ở những xã hội tiên tiến mà ở đó trường đại học trở thành bộ phận hữu cơ của chủ nghĩa tư bản tập đoàn). Bởi vì, nhà trí thức không làm việc giống như những người thợ hồ, họ cũng không thể tự coi mình và những tư tưởng của mình là độc lập với những tồn tại xã hội khác. Đây là một trong nhiều thứ mà những người Mác-xít gọi là tư tưởng. Những người này thường không cho rằng sự tách biệt của họ với xã hội là do xã hội quy định. Chính thực tại xã hội hình thành nên thiên kiến cho rằng tư duy độc lập với thực tại.
Theo Các Mác, tư duy của chúng ta hình thành trong quá trình cải tạo thế giới, và đấy là tính tất yếu vật chất được quyết định bởi nhu cầu thể xác chúng ta. Như vậy, có thể khẳng định rằng, tư duy bản thân nó là tính tất yếu của vật chất. Tư duy và động lực thể xác của chúng ta quan hệ chặt chẽ với nhau, như chúng vốn vậy theo Nietzsche và Freud. Ý thức là kết quả của mối tương tác giữa bản thân chúng ta với thế giới vật chất xung quanh ta. Bản thân ý thức là một sản phẩm của lịch sử. Theo Các Mác, con người do thế giới vật chất “thiết lập”, bởi vì chỉ bằng cách tham gia vào thế giới vật chất chúng ta mới có thể thực thi được khả năng của chúng ta và khẳng định thực tại của những khả năng đó. Chính “cái tính khác” của thực tại, sự phản kháng của nó đối với dự định của chúng ta đặt lên nó, là cái đầu tiên đưa chúng ta đến sự tự nhận thức. Quan trọng hơn hết, điều này có nghĩa là có sự tồn tại của những cái khác. Thông qua những cái khác mà chúng ta trở thành chúng ta như bây giờ. Bản sắc cá nhân là một sản phẩm xã hội. không thể chỉ có một cá nhân, không khác gì chỉ có một con số.
Tuy nhiên, đồng thời thực tại này cần được coi là sản phẩm của chính chúng ta. Nếu không coi như vậy – tức là coi nó là điều tự nhiên và không thể giải thích, độc lập với hoạt động của chúng ta – thì Các Mác gọi đó là sự tha hóa. Ông muốn nói tới một tình trạng mà ở đó chúng ta quên mất rằng lịch sử là tác phẩm của chính chúng ta, và chúng ta dần bị lịch sử điều khiển giống như bởi một thế lực xa lạ. Nhà triết học người Đức Jurgen Habermas viết, theo Các Mác, tính khách thể của giới “được đặt nền móng… trong sự sắp xếp tổ chức của thể xác con người luôn hướng tới hành động”[6].
Theo một nghĩa nào đó thì ý thức luôn “đến sau”, giống như lý trí đến sau ở một đứa trẻ. Trước khi chúng ta có thể phản ánh, chúng ta phải được đặt vào trong một điều kiện vật chất đã. Tư duy của chúng ta, tuy rõ ràng là trừu tượng và mang tính lý thuyết, hoàn toàn lại do thực tại này hình thành nên. Chính chủ nghĩa lý tưởng triết học mới quên mất rằng tư tưởng của chúng ta có nền móng từ trong thực tiễn. Nếu tách chúng ra khỏi điều kiện này sẽ rơi vào ảo tưởng cho rằng chính tư duy hình thành nên thực tại.
Do đó với Các Mác, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa lý trí và đời sống thể xác của chúng ta. Các giác quan của con người là một hình thức ranh giới giữa hai cái đó. Trái lại, đối với một số nhà triết học theo chủ nghĩa lý tưởng, “vật chất” là một thứ còn tư tưởng hay “tinh thần” là thứ hoàn toàn khác. Theo Các Mác, thể xác con người bản thân nó là sự bác bỏ chia tách như vậy. Nói đúng hơn thì thể xác con người đang hành động mới là sự bác bỏ chia tách đó. Vì thế thực tiễn này rõ ràng là một vấn đề vật chất, chúng đồng thời cũng là vấn đề của những nội dung, giá trị, mục đích và dự định. Nếu nó có “tính chủ thể” thì nó cũng có “tính khách thể”. Hoặc có lẽ nó nghi ngờ toàn bộ sự phân biệt đó. Một nhà tư tưởng trước đây coi trí tuệ là chủ động còn giác quan là thụ động. Tuy nhiên, Các Mác coi các giác quan của con người là hình thức tự thân của việc tham gia vào thực tại. Chúng là kết quả của một lịch sử tương tác lâu dài với thế giới vật chất. Ông viết trong Bản thảo kinh tế-triết học: “sự phát triển của năm giác quan là sản phẩm của toàn bộ lịch sử từ trước”. Một số nhà tư tưởng như Locke hay Hume bắt đầu bằng các giác quan. Trái lại, Các Mác đặt câu hỏi bản thân các giác quan từ đâu tới. Câu trả lời có vẻ sẽ như thế này: Những nhu cầu sinh học của chúng ta là sơ sở nền tảng cho lịch sử. Chúng ta có lịch sử bởi vì chúng ta là những sinh vật khiếm khuyết (creatures of lack), và theo nghĩa đó thì lịch sử là điều tự nhiên đối với chúng ta. Tự nhiên và lịch sử theo quan điểm của Các Mác là hai mặt của một đồng xu. Tuy nhiên, khi nhu cầu của chúng ta được bắt kịp trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy mình đang tạo ra những nhu cầu mới. Và trong toàn bộ quá trình này, đời sống cảm xúc của chúng ta được hình thành và hoàn chỉnh. Mọi thứ này xuất hiện bởi vì việc thỏa mãn nhu cầu của chúng ta cũng kéo theo sự ham muốn, nhưng hãy để cho Freud hoàn chỉnh nốt bức tranh này.
Chúng ta bắt đầu câu chuyện theo cách này. Trên thực tế chúng ta bắt đầu là một câu chuyện. Những động vật không có khả năng ham muốn, không có khả năng lao động phức tạp và tạo ra các hình thức giao tiếp sẽ có chiều hướng lặp lại chính bản thân. Cuộc sống của chúng được quyết định bởi chu kỳ tự nhiên. Chúng không hình thành một bài tự sự (narrative) về bản thân chúng, cái mà Các Mác gọi là tự do. Điều hài hước trong quan điểm của ông là ở chỗ, mặc dù sự tự quyết này thuộc về bản chất của con người thì đại đa số con người lại không thể thực hiện được quyền tự quyết đó trong suốt chiều dài lịch sử. Họ không được phép là một con người đầy đủ. Thay vào đó, cuộc sống của họ nói chung do những chu kỳ buồn thảm của xã hội có giai cấp quyết định. Tại sao lại như vậy và nó được giải thích thế nào chính là nội dung những công trình nghiên cứu của Các Mác. Nó cho biết chúng ta đã chuyển từ trạng thái bị bắt buộc sang vương quốc tự do như thế nào, tức là từ người man di mọi rợ thành người như chúng ta bây giờ. Sau khi đưa chúng ta tới ngưỡng cửa của tự do đó, Các Mác để chúng ta tự xoay xở. Tự do sẽ ra sao nếu không được như vậy?
Nếu bạn muốn tránh được thuyết nhị nguyên của những nhà triết học, hãy xem xét hành vi của con người chúng ta trên thực tế như thế nào. Thể xác con người theo một nghĩa nào đó là một đối tượng vật chất cụ thể, một phần của tự nhiên đồng thời cũng là một phần của lịch sử. Thế nhưng nó là một loại đối tượng đặt biệt, hoàn toàn không giống cái bắp cải hay cái gàu xúc than. Trước hết nó có một khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình. Nó cũng có thể biến đổi Tự nhiên thành một hình thức mở rộng của chính nó, trong khi gàu xúc than không thể có như vậy. Lao động của con người cải tạo Tự nhiên thành sự mở rộng đó của thể xác của chúng ta được gọi là nền văn minh. Tất cả các thiết chế của con người từ phòng trưng bày nghệ thuật, tiệm hút thuốc phiện đến các Tổ chức Y tế Thế giới là sự mở rộng những thể xác có khả năng sản xuất này.
Chúng cũng là hiện thân của ý thức con người. “Ngành con người”, Các Mác sử dụng từ “ngành” theo nghĩa rộng nhất, “là một cuốn sách mở về ý thức của con người, tâm lý của con người nhân được bằng các giác quan”. Thể xác có thể làm được tất cả những điều này vì nó có khả năng vượt lên trên chính nó – biến đổi chính mình và hoàn cảnh của mình, cũng như tham gia vào những mối quan hệ phức tạp với những thể xác giống như nó, trong một quá trình không có kết thúc mà chúng ta gọi là lịch sử. Thể xác con người không làm được điều đó thì chúng ta gọi là xác chết.
Bắp cải không thể làm được điều này và chúng cũng không cần phải làm vậy. Chúng hoàn toàn là những thực thể tự nhiên, không có những hình thức nhu cầu mà chúng ta thấy ở loài người. Loài người có thể kiến tạo nên lịch sử bởi vì họ là loài sinh vật có khả năng sản xuất; nhưng họ cũng cần làm vậy bởi vì trong điều kiện khan hiếm họ phải không ngừng sản xuất và tái sản xuất đời sống vật chất của mình. Chính điều này đã thúc dẩy loài người lao động không ngừng. Họ có một lịch sử xuất phát bắt buộc. Trong điều kiện dồi dào vật chất, chúng ta vẫn có một lịch sử nhưng theo một nghĩa khác với từ lịch sử mà chúng ta biết đến bây giờ. Chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu tự nhiên của chúng ta chỉ bằng các phương thức xã hội, bằng cách cùng tạo ra phương thức sản xuất của chúng ta. Điều này sau đó sẽ làm xuất hiện những những nhu cầu khác, và đến lượt nó lại làm xuất hiện những nhu cầu khác nữa. Nhưng cốt lõi của tất cả những cái này, mà chúng ta biết đến là văn hóa, lịch sử hay văn minh, là thể xác con người có nhu cầu và điều kiện vật chất cụ thể của nó. Đây đơn giản là một cách nói khác rằng kinh tế là cơ sở nền tảng của toàn bộ đời sống chúng ta. Nó là mối liên hệ có tính chất vô cùng quan trọng giữa cái sinh vật và cái xã hội.
Như vậy, điều này cho biết làm thế nào chúng ta có lịch sử, nhưng đó cũng là cái mà chúng ta gọi là tinh thần. Tinh thần không phải là cái tách rời khỏi thể xác và thuộc thế giới khác. Chính nhà tư sản giàu sụ mới hay coi tinh thần là một lĩnh vực xa vời với cuộc sống hằng ngày, bởi vì ông ta cần một chỗ ẩn nấp cho chủ nghĩa duy vật thô bỉ của ông ta. Không có gì ngạc nhiên khi những cô gái vật chất như ca sĩ Madona lại bị đạo Kabbala[7] mê hoặc đến như vậy. Trái lại, theo Các Mác, “tinh thần” là về nghệ thuật, tình bạn, sự vui thú, lòng trắc ẩn, tiếng cười, tình yêu xác thịt, sự hỗn loạn, sự sáng tạo, khoái cảm, tức giận, dồi dào sinh lực (tuy nhiên, đôi khi ông cũng vui đùa hơi quá: ông đã từng lê la khắp các quán rượu ở Phố Oxford đến Đường Hamstead với mấy người bạn, mỗi nơi một tí, bị cảnh sát đuổi bắt vì đã ném đá làm vỡ đèn đường[8]. Lý luận của ông về bản chất trấn áp của nhà nước, mà có vẻ đúng như vậy, không hề là sự suy đoán hoàn toàn trừu tượng). Trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Lu-i Bônapáctơ, ông bàn về chính trị dưới góc độ lợi ích xã hội, như chúng ta sẽ thấy; nhưng ông cũng viết rất hùng biện về chính trị khi thể hiện “những ký ức cũ, kẽ thù cá nhân, sợ hãi và hy vọng, định kiến và ảo tưởng, thông cảm và ác cảm, sự lên án, những bài báo về niềm tin và nguyên tắc”. Tất cả những thứ này đều từ một nhà tư tưởng lạnh lùng vô cảm có khả năng tưởng tượng phản Mác-xít?
Mọi hoạt động tinh thần mà tôi vừa nêu đều có liên hệ chặt chẽ với thể xác, bởi vì loài người chúng ta là vậy. Mọi thứ không thuộc về thể xác tôi thì cũng không thuộc về tôi. Khi tôi nói chuyện với bạn trên điện thoại, tôi hiện diện trước bạn về mặt thể xác, mặc dù không phải về mặt vật chất. Nhà triết học Ludwig Wittgenstein đã viết, nếu bạn muốn có hình ảnh của linh hồn, hãy nhìn vào thể xác con người. Niềm vui sướng theo Các Mác, cũng như theo Aristotle, là hoạt động thực tiễn, chứ không phải là một tình trạng trí tuệ. Với truyền thống Do thái mà ông là một con người vô thần, “tinh thần” là lấy thức ăn cho người đói, giang rộng tay với người nhập cư và bảo vệ người nghèo trước cách cư xử hung bạo của người giàu. Đó không phải là cái đối lập với sự tồn tại trần tục hàng ngày, mà là một phương cách đặc biệt để thực hiện sự tồn tại đó.
Có một hoạt động của thể xác mà tinh thần được thể hiện đặc biệt rõ, đó chính là ngôn ngữ. Giống như thể xác nói chung, ngôn ngữ là biểu hiện vật chất cụ thể của tinh thần hay ý thức con người. Các Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức: “Ngôn ngữ cũng tồn tại lâu như ý thức; ngôn ngữ là ý thức hiện thực, thực tiễn, tồn tại vì cả những người khác và chỉ do đó nó mới cũng tồn tại vì bản thân tôi nữa, và cũng như ý thức, ngôn ngữ chỉ xuất hiện từ nhu cầu, từ sự tất yếu phải giao tiếp với những người khác”[9]. Ý thức rõ ràng mang tính xã hội và thực tiễn, do vậy ngôn ngữ là biểu hiện cao nhất của ý thức. Tôi được coi là có trí tuệ chỉ tôi sinh ra trong một di sản ý nghĩa chung. Các Mác cũng nói ngôn ngữ là “cái chung biện hộ cho bản thân (the communal being speaking for itself)”. Ông nhận xét, ngôn ngữ của triết học là một hình thức bị bóp méo của ngôn ngữ về thế giới thực tại. Tư duy và ngôn ngữ, không phải tồn tại trong thế giới riêng của chúng, mà là sự biểu thị của đời sống thực. Ngay cả những khái niệm tinh vi nhất rốt cục cũng có thể tìm thấy trong sự tồn tại của chúng ta.
Như vậy, ý thức của con người đòi hỏi phải có rất nhiều khung cảnh vật chất cụ thể. Xuất phát từ ý thức con người, phần lớn triết học cũng xuất phát như vậy, nói chung là bỏ qua thực tế này. Điều đó là quá ư ngụy biện (It is to beg too many questions)[10]. Triết học truyền thống không bắt đầu từ lâu lắm. Nó coi nhẹ những điều kiện xã hội làm xuất hiện các tư tưởng: những đam mê mà chúng bị lôi cuốn, những đấu tranh quyền lực mà chúng tham gia, những nhu cầu vật chất mà nó phục vụ. Người ta thường không hỏi rằng “Chủ thể con người này từ đâu mà có?” hay, “Khách thể được được sinh ra như thế nào?” Trước khi chúng ta tư duy; chúng ta phải ăn đã; và từ “ăn” mở ra toàn bộ vấn đề về phương thức sản xuất xã hội. Chúng ta cũng phải được sinh ra, và từ “sinh ra” mở ra toàn bộ phạm trù về tình ruột thịt, tình dục, chế độ phụ hệ, sinh sản tính dục … Trước khi chúng ta bắt đầu phản ánh thực tại, chúng ta đã gắn bó với nó bằng hoạt động thực tiễn và tình cảm, và tư duy của chúng ta luôn tiếp diễn trong phạm vi bối cảnh đó. Như nhà triết học John Macmurray nhận xét: “Kiến thức của chúng ta về thế giới chủ yếu là một khía cạnh hành động của chúng ta về thế giới”[11]. Các Mác viết trong tác phẩm Bình luận về Vácnơ (Comment on Wagner): “Con người không hề bắt đầu bằng phát hiện bản thân mình trong một mối quan hệ lý thuyết với những sự vật khác của thế giới bên ngoài”[12]. Rất nhiều thứ phải tồn tại trước khi chúng ta bắt đầu suy luận.
Tư duy của chúng ta cũng gắn với thế giới theo một nghĩa khác. Nó không chỉ đơn giản là một sự phản ánh thực tại, mà còn là một lực lượng vật chất của chính nó. Học thuyết Mác-xít không chỉ đơn giản bài bình luận về thế giới, mà con là một công cụ để thay đổi thế giới. Bản thân Các Mác dường như đôi khi cũng nói rằng tư duy chỉ thuần túy là “sự phản ánh” các hoàn cảnh vật chất, nhưng điều đó là đối xử không công bằng với những kiến thức tinh tế của ông. Một số lý luận nhất định – lý luận về giải phóng con người, mà mọi người nói chung đều biết, có thể có vai trò là một lực lượng chính trị trong thế giới, chứ không chỉ đơn giản là một cách giải thích thế giới. Điều này khiến cho chúng có một đặc tính riêng biệt. Có nghĩa là chúng hình thành một mối liên kết giữa vấn đề các sự vật là như thế nào với vấn đề các sự vật có thể sẽ như thế nào. Chúng mô tả thế giới như thế nào, nhưng khi làm điều đó chúng có thể thay đổi cách thức con người hiểu về thế giới, và đến lượt mình điều đó sẽ góp phần làm thay đổi thực tại. Một người nô lệ biết rõ anh ta là nô lệ, nhưng biết tại sao mình là nô lệ là bước đầu tiên phải biết nếu muốn không phải là nô lệ. Do đó bằng cách mô tả các sự vật, những lý luận này cũng đưa ra cách thức để biến đổi các sự vật sang trạng thái đáng mong muốn hơn. Chúng sẽ đi từ trạng thái đang như thế nào sang trạng thái nên như thế nào. Những lý thuyết loại này sẽ giúp con người mô tả bản thân và hoàn cảnh của mình theo những cách thức đặt nghi vấn đối với chúng và cuối cùng cho phép họ mô tả lại bản thân. Theo cách này, sẽ có một mối quan hệ chặt chẽ giữa suy luận, kiến thức và quyền tự do. Những loại kiến thức này là vô cùng quan trọng đối với tự do và hạnh phúc của con người. Khi con người hành động theo những kiến thức này, họ bắt đầu hiểu sâu sắc hơn về nó, và do đó lại cho phép họ hành động một cách hiệu quả hơn. Khi chúng ta hiểu càng nhiều, chúng ta càng có thể làm được nhiều hơn. Nhưng theo quan điểm của Các Mác, loại kiến thức thực sự muốn nói tới chỉ thực sự xuất hiện thông qua đấu tranh thực tiễn. Cũng giống như chơi kèn tuba là một kiểu kiến thức thực tiễn, giải phóng chính trị cũng vậy.
Chính vì lý do này mà chúng ta phải cho thêm gia vị vào bản Luận cương thứ mười một về Phoiơbắc xuất sắc của Các Mác. Ông viết, các nhà triết học chỉ giải thích thế giới; điểm mấu chốt là phải thay đổi thế giới. Nhưng làm thế nào thay đổi được thế giới nếu không hiểu về nó? Và liệu khả năng hiểu biết về thế giới dưới một ánh sáng đặc biệt có phải là sự khởi đầu của sự thay đổi chính trị hay không?
Các Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức: “Chính cái xã hội quyết định ý thức”. Hay như Ludwig Wittgenstein nhấn mạnh trong tác phẩm Bàn về sự chắc chắn (On Certainty) của mình rằng: “Những gì chúng ta đang làm là lý do thực sự trong trò chơi ngôn ngữ của chúng ta (language games)”[13]. Điều này có một hệ quả chính trị quan trọng. Chẳng hạn, điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta muốn thay đổi cách tư duy của chúng ta và cảm thấy đủ mạnh, chúng ta phải thay đổi những gì chúng ta đang làm. Giáo dục hay sự thay đổi trái tim là chưa đủ. Cái xã hội của chúng ta đặt ra giới hạn cho tư duy của chúng ta. Và chúng ta chỉ có thể phá vỡ những giới hạn này bằng cách thay đổi cái xã hội đó, tức là dạng thức đời sống vật chất của chúng ta. Chúng ta không thể vượt qua giới hạn tư duy của chúng ta chỉ bằng cách đơn giản là tư duy.
Nhưng liệu điều này có dẫn đến một sự lưỡng phân sai lầm? Nếu nói cái xã hội là những thứ mà chúng ta đang làm, thì điều này đã phải kéo theo ý thức. Không thể ý thức nằm ở một bên của sự phân chia còn hoạt động xã hội của chúng ta nằm ở bên kia. Bạn không thể bỏ phiếu, ôm hôn, bắt tay hay bóc lột lao động nhập cư mà không có nội dung hay mục đích. Chúng ta không thể gọi một chút hành vi mà những sự việc này không hiện hữu trong đó là một hành động của con người, không khác gì chúng ta coi vấp chân hay sôi bụng là một kế hoạch có chủ đích. Tôi cho rằng, Các Mác sẽ không phủ thận thực tế này. Như chúng ta đã biết, ông coi ý thức của con người là cái được thể hiện – hiện thân trong những hành vi thực tiễn của chúng ta. Cho dù như vậy, ông vẫn khẳng định rằng sự tồn tại vật chất theo một nghĩa nào đó là quan trọng hơn ý nghĩa và tư tưởng, và cái ý nghĩa và tư tưởng đó có thể được giải thích bằng sự tồn tại vật chất đó. Chúng ta phải hiểu lời tuyên bố đó như thế nào?
Câu trả lời là, như chúng ta đã biết, tư duy đối với con người là một sự cần thiết vật chất, giống như đối với hải ly và nhím theo một cách thô sơ hơn. Chúng ta cần tư duy bởi vì chúng ta là loài động vật có thể xác. Theo Các Mác, quá trình nhận thức phát triển song hành với lao động, sự cần cù và thử nghiệm. Ông viết trong Hệ tư tưởng Đức: “Sự sản xuất ra những ý niệm, những quan niệm và ý thức thì lúc đầu là trực tiếp gắn liền mật thiết với hoạt động vật chất và với sự giao tiếp vật chất của con người – ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực”[14]. Nếu Thiên nhiên chỉ đơn giản là đút những thứ quý giá ngọt ngào của nó vào cái miệng đang há rộng đầy vẻ biết ơn của chúng ta, hoặc nếu (một kiểu tư duy lụi tàn) chúng ta chỉ cần ăn một lần duy nhất trong đời, thì có lẽ chúng ta chỉ cần nằm dài hưởng thụ. Nhưng lạy thánh Ala, Thiên nhiên hà tiện hơn thế nhiều. Và thể xác con người đầy ham muốn đòi hỏi không ngừng phải thỏa mãn.
Vậy thì, trước hết, chính nhu cầu của thể xác chúng ta hình thành cách thức tư duy của chúng ta. Điều này có nghĩa là tư duy không phải là có tính tối thượng, mặc dù rất nhiều kiểu tư duy muốn như thế. Các Mác lập luận, ở một giai đoạn phát triển muộn hơn của con người, các tư tưởng trở nên độc lập hơn với các nhu cầu này, và đây chính là văn hóa như chúng ta đã biết. Chúng ta bắt đầu thấy say mê các tư tưởng vì chính bản thân những tư tưởng đó chứ không phải vì giá trị tồn tại của chúng. Như Bertolt Brecht đã có lần nhận xét, tư duy có thể trở thành sự thú vị cảm nhận được một cách thực sự. Cho dù như vậy thì suy luận, tuy đã được nâng cao lên, vẫn có nguồn gốc khiêm tốn trong nhu cầu sinh học. Đúng như Friedrich Nietzsche đã dạy, nó có liên hệ chặt chẽ với khả năng thực thi sức mạnh của chúng ta đối với Thiên nhiên[15]. Động cơ muốn kiểm soát thực tiễn môi trường của chúng ta, vốn là vấn đề sống hay chết, nằm trong tất cả những hoạt tri thức trừu tượng hơn của chúng ta.
Theo nghĩa này, dường như có một lễ hội hóa trang (carnivalesque) trong tư tưởng của Các Mác, cũng giống như các tư tưởng của Nietzsche và Freud. Cái ở dưới thấp bao giờ cũng bị cái ở trên cao che khuất. Như nhà phê bình William Empson nhận xét: “Những ước muốn tao nhã nhất có ở trong cái đơn giản nhất, và sẽ là sai lầm nếu chúng không có ở đó”[16]. Gốc rễ của những quan niệm cao quý nhất của chúng ta lại là bạo lực, sự thiếu thốn, ước muốn, thèm khát, khan hiếm và gây hấn. Chính điều này là chiếc đáy bí mật của cái chúng ta gọi là nền văn minh. Theodor Adonor đã mô tả bằng một cụm từ sinh động “Nỗi khiếp sợ nhung nhúc dưới tảng đá văn hóa”[17]. Walter Benjamin viết: “Đấu tranh giai cấp … là cuộc chiến đấu vì những thứ thô lỗ và vật chất mà nếu không có nó sẽ không thể có những thứ tao nhã và tinh thần”[18]. Chúng ta nên nhớ rằng, cũng giống Các Mác, Benjamin không hề muốn phủ nhận giá trị của “những thứ thanh tao và tinh thần”. Ông muốn đặt chúng vào trong bối cảnh lịch sử. Giống như nhiều nhà triết học lễ hội hóa trang, Các Mác là một nhà tư tưởng khổng lồ thực sự nghi ngờ những tư tưởng cao thượng. Trái lại, những chính trị gia thông thường hay nói công khai bằng những lời lẽ nghiêm túc theo chủ nghĩa lý tưởng nhưng lại nói riêng với chính mình bằng những lời lẽ bất mãn của chủ nghĩa duy vật.
Chúng ta đã chạm vào một nghĩa khác mà theo đó “cái xã hội” có ưu thế hơn ý thức. Rõ ràng những hiểu biết thực sự có vấn đề thường nảy sinh từ những gì chúng ta đang làm trên thực tế. Thực vậy, những nhà lý luận xã hội nói đến một loại tri thức – được gọi là tri thức ngầm – mà chỉ có thể thu nhận được khi hành động làm một cái gì đó, và bởi vậy nó không thể truyền sang cho người khác được dưới hình thức lý thuyết. Ví dụ cố gắng giải thích cho ai đó cách thổi sáo bản nhạc “Danny Boy”. Nhưng ngay cả khi kiến thức của chúng ta không thuộc loại này thì điều đó vẫn đúng. Bạn không thể học chơi đàn vi-ô-lông bằng cuốn sách tự học rồi nhanh chóng vồ lấy nhạc cụ và trình diễn xuất sắc bản hòa tấu đàn vi-ô-lông Violin Concerto in E Minor của Mendelssohn. Điều đó có nghĩa là kiến thức về hòa tấu là tách biệt với khả năng biểu diễn bản hòa tấu đó.
Còn một nghĩa nữa mà ở đó thực tại vật chất có ưu thế hơn so với tư tưởng. Khi Các Mác bàn về ý thức, không phải lúc nào ông cũng nghĩ đến các tư tưởng và giá trị đang tiềm ẩn trong các hoạt động hàng ngày của chúng ta. Nhiều khi ông nói đến những hệ thống khái niệm chính thức hơn như luật pháp, khoa học, chính trị… Và giá trị của ông là ở chỗ những hình thức tư tưởng này suy cho cùng cũng do thực tại xã hội quyết định. Đây trên thực tế là học thuyết cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng nổi tiếng và cũng bị chê bai nhiều nhất của Các Mác, được ông phác thảo như sau: Trong quá trình sản xuất xã hội vì sự tồn tại của mình, con người luôn tham gia vào những mối quan hệ sản xuất phù hợp với một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất vật chất. Toàn bộ những quan hệ sản xuất này hình thành nên cơ cấu kinh tế của xã hôi, cái cơ sở nền tảng thực sự mà nhờ đó làm xuất hiện kiến trúc thượng tầng chính trị và tương ứng với đó là những hình thái ý thức xã hội xác định.
Các Mác nói “cơ cấu kinh tế” hay “cơ sở hạ tầng” là muốn nói đến các lực lượng và quan hệ sản xuất, còn kiến trúc thượng tầng là nói đến những thể chế như nhà nước, luật pháp, chính trị, tôn giáo và văn hóa. Theo ông, chức năng của những thể chế này là để phục vụ “cơ sở hạ tầng”, có nghĩa là hệ thống giai cấp chiếm ưu thế. Một số thể chế, chẳng hạn như văn hóa và tôn giáo, thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu bằng cách sản sinh ra những tư tưởng tạo ra tính hợp pháp cho hệ thống. Cái này cũng được gọi là hệ tư tưởng. Các Mác viết trong Hệ tư tưởng Đức: “Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị”. Sẽ là kỳ cục khi thấy một xã hội phong kiến thịnh vượng mà hầu hết những tư tưởng phổ biến trong xã hội đó là chống phong kiến kịch liệt. Như chúng ta đã biết, Các Mác nói rằng, những người kiểm soát sản xuất vật chất cũng sẽ kiểm soát sản xuất tinh thần. Tuyên bố này thậm chí càng đúng trong thời đại của những ông trùm báo chí hay truyền thông, đúng hơn nhiều so với thời của Các Mác.
Do mô hình cơ sở hạ tầng – kiến trúc thượng tầng bị một số người phê phán Các Mác chế giễu, thậm chí là cả một số người ủng hộ ông, tôi sẽ cố tình ngang ngược dành cho nó những lời tốt đẹp ở đây. Người ta phê phán rằng mô hình này là quá tĩnh; nhưng mọi mô hình đều tĩnh, cũng như được đơn giản hóa. Các Mác không nói rằng đời sống xã hội chỉ có hai tầng hoàn toàn riêng biệt. Trái lại có rất nhiều sự qua lại giữa hai tầng này. Cơ sở hạ tầng có thể làm xuất hiện kiến trúc thượng tầng, nhưng kiến trúc thượng tầng là rất quan trọng để cơ sở hạ tầng tiếp tục tồn tại. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, bộ máy lật pháp, các đảng chính trị và sự tuyên truyền ủng hộ chủ nghĩa tư bản của các phương tiện truyền thông và các phương tiện khác nữa thì chế độ sở hữu hiện tại đã bị lung lay rất nhiều. Theo quan điểm của Các Mác, sự qua lại hai chiều này thậm chí còn thể hiện rõ hơn ở những xã hội tiền tư bản chủ nghĩa mà ở đó luật pháp, tôn giáo, chính trị, quan hệ dòng họ, và nhà nước tham gia một cách thô bạo vào quá trình sản xuất vật chất.
Kiến trúc thượng tầng không phải ở vị trí thứ yếu so với cơ sở hạ tầng vì nó ít hiện thực hơn. Nhà tù, nhà thờ, trường học, dài truyền hình cũng hiện thực y như các ngân hàng và mỏ than. Có lẽ cơ sở hạ tầng là quan trọng hơn kiến trúc thượng tầng; nhưng quan trọng hơn ở góc độ nào? Nghệ thuật là quan trọng với hạnh phúc tinh thần của con người hơn việc sáng tạo ra những thanh kẹo sô-cô-la kiểu mới, nhưng những thanh kẹo sô-cô-la lại được coi là một bộ phận của cơ sở hạ tầng trong khi nghệ thuật lại không. Những nhà Mác-xít sẽ lập luận, cơ sở hạ tầng là quan trọng ở chỗ những biến cố trọng đại trong lịch sử đều là kết quả của các lực lượng vật chất chứ không phải của tư tưởng hay niềm tin.
Tư tưởng và niềm tin có thể có những ảnh hưởng ghê gớm, nhưng sự khẳng định duy vật sẽ là, chúng có được sức mạnh mang tính lịch sử thật sự chỉ khi chúng liên kết với những lợi ích vật chất có sức mạnh chi phối. Hôme có thể nhìn nhận cuộc chiến thành Tơroa về mặt danh dự, lòng quả cảm và là ý muốn của Thượng đế, nhưng sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides, một nhà duy vật hoàn toàn theo kiểu của ông đã nói một cách nghiêm túc rằng, do thiếu thốn tài nguyên, cộng với thói quen thích gây hấn để dấn mình vào những cuộc viễn chinh mở rộng đất đai và tước đoạt đã dẫn đến xung đột kéo dài. Thucydides cũng nhìn nhận toàn bộ hệ thống quyền lực Hy Lạp cổ đại dựa trên sự phát triển của nghề đi biển, thương mại và sự tích lũy của cải mà ngành này mang lại. Học thuyết duy vật về lịch sử đã xuất hiện từ trước Các Mác rất lâu.
Cũng có nhiều thể chế mà có thể nói là đồng thời thuộc về cơ sở hạ tầng hay kiến trúc thượng tầng. Những nhà thờ Cơ Đốc phúc âm ở Hoa Kỳ là trung tâm (power-house) tư tưởng nhưng đồng thời cũng là những doanh nghiệp làm ăn rất có lãi. Những ngành như xuất bản, truyền thông hay phim ảnh cũng vậy. Một số trường đại học ở Mỹ là những doanh nghiệp khổng lồ đồng thời cũng là những công xưởng sản xuất tri thức. Hay lấy ví dụ Thái tử Sáclơ, mà sự tồn tại của ông ta chủ yếu là để chiều lòng nền cộng hòa Anh, nhưng đồng thời ông ta kiếm được hàng đống lợi nhuận nhờ được như vậy.
Tuy nhiên, liệu có chắc chắn là toàn bộ lịch sử của loài người không thể chia cắt ra giữa cơ sở hạ tầng? Chắc chắn là không. Có vô số những thứ không thuộc về sản xuất vật chất cũng không thuộc về cái gọi là kiến trúc thượng tầng. Ngôn ngữ, tình yêu giới tính, xương ống chân, sao Kim, lòng nhân ái, điệu nhảy tăng gô, hay những cánh đồng Bắc Yorshine là một vài ví dụ. Chủ nghĩa Mác, như chúng ta đã thấy, không phải là Lý thuyết về vạn vật. Đúng là chúng ta có thể bắt gặp đâu đó những liên hệ giữa đấu tranh giai cấp và văn hóa. Tình yêu giới tính là thích hợp với cơ sở hạ tầng vật chất bởi vì nó rõ ràng có khả năng đem lại sự sản sinh ra nguồn lao động mới tiềm năng được biết đến là trẻ em. Các bác sĩ nha khoa trong thời suy thoái cho biết số người bị đau quai hàm tăng lên rất nhiều, có nguyên nhân vì nghiến răng do căng thẳng gây ra. Chứng nghiến răng khi gặp tai ương rõ ràng không còn là một phép ẩn dụ nữa. Khi tiểu thuyết gia Marcel Proust vẫn còn trong bào thai, người mẹ vô thần của ông đã vô cùng đau khổ khi nổ ra công xã Pari xã hội chủ nghĩa, và một số người suy đóan rằng sự thống khổ đó là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn kinh niên của Proust. Cũng có lý thuyết nói rằng những câu văn dài dòng và trúc trắc kinh khủng của Proust là một hình thức bù đắp tâm lý cho bệnh khó thở của ông. Phải chăng có mối liên hệ giữa cách hành văn của Proust với Công xã Pari.
Nếu mô hình này gợi ý rằng kiến trúc thượng tầng thực sự phải xuất hiện là để phục vụ những chức năng của nó thì hoàn toàn sai lầm. Điều này có thể đúng đối với nhà nước nhưng không thể đúng với nghệ thuật. Cũng không đúng khi nói rằng tất cả các hoạt động của trường học, báo chí, nhà thờ và nhà nước đều hỗ trợ hệ thống xã hội hiện tại. Khi nhà trường dạy trẻ em buộc dây giầy như thế nào, hay khi đài truyền hình phát đi bản tin dự báo thời tiết, không có nghĩa là họ đang hành động “về mặt kiến trúc thượng tầng”. Họ không phải đang củng cố các mối quan hệ sản xuất. Nhà nước cử lực lượng đặc biệt đến trấn áp những người biểu tình hòa bình, nhưng cảnh sát cũng đi tìm kiếm những đứa trẻ mất tích. Khi những tờ báo khổ nhỏ phản đối những người nhập cư, họ đang hành xử theo kiểu kiến trúc thượng tầng, nhưng khi họ thông báo những vụ tai nạn giao thông thì lại không phải như vậy (tuy nhiên, những báo cáo về tai nạn giao thông luôn được sử dụng để chống lại chế độ. Người ta nói rằng tòa soạn của tờ báo Daily Worker, một tờ báo cũ của Đảng cộng sản Anh, các biên tập viên thường chú thích thêm ở những báo cáo tai nạn giao thông này bằng dòng chữ “xung đột giai cấp là đây thưa các đồng chí “ (class-angle that, comrade). Do đó nếu nói rằng các trường học, nhà thờ hay đài truyền hình thuộc về kiến trúc thượng tầng sẽ là nhầm lẫn. Chúng ta có thể nói rằng kiến trúc thượng tầng có vị trí thấp hơn một số thực tiễn khác. Bản thân Các Mác có lẽ không nói kiến trúc thượng tầng theo cách này nhưng đó là một phong cách tinh tế trong lập luận của ông.
Đúng là mọi thứ về nguyên tắc có thể được sử dụng để chống đỡ cho hệ thống hiện tại. Nếu phát thanh viên dự báo thời tiết trên truyền hình thông báo loa qua về một cơn bão mạnh sắp đến vì bản tin này có thể làm người xem lo lắng, và các công dân phờ phạc sẽ không làm việc chăm chỉ như những người tươi tắn khác thì khi đó anh ta đang làm việc như một nhân viên của chính quyền (có niềm tin lạ lùng rằng bầu trời xám xịt là dấu hiệu lật đổ chính trị, kể cả ở nước Mỹ vốn lạc quan một cách thái quá). Tuy nhiên, nhìn chung chúng ta có thể nói rằng một số khía cạnh của những thể chế này hành xử theo cách như vậy, trong khi một số khía cạnh khác thì không. Hoặc một số thể chế này hành xử theo cách như vậy nhưng lúc khác lại không. Vâng đúng là một thể chế là kiến trúc thượng tầng vào ngày Thứ Tư nhưng sẽ không phải vào ngày Thứ Sáu. Từ “kiến trúc thượng tầng” buộc chúng ta phải đặt một thực tiễn vào bối cảnh cụ thể. Đó là điều kiện của quan hệ, đòi hỏi một hình thức hành động sẽ phục vụ chức năng nào trong mối quan hệ với chức năng khác. Như G.A.Cohen đã lập luận, điều đó giải thích một số thể chế phi kinh tế nhất định theo nội dung kinh tế[19]. Nhưng nó không giải thích toàn bộ những thể chế như vậy, hoặc tất cả những gì mà chúng bày bừa ra, hoặc rốt cục vì sao chúng tồn tại.
Tuy nhiên, quan điểm của Các Mác sắc sảo hơn nhiều. Nó không phải đơn giản là vấn đề tuyên bố rằng một số sự vật là kiến trúc thượng tầng còn một số khác không, giống như một số quả táo có màu nâu còn một số quả khác không. Mà là nếu chúng ta xem xét luật pháp, chính trị, tôn giáo, giáo dục và văn hóa của xã hội có giai cấp, chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết những gì chúng làm là để ủng hộ cho các trật tự xã hội đang chiếm ưu thế. Và quả thật chúng ta cũng không mong gì hơn thế. Không có nền văn minh tư bản chủ nghĩa mà ở đó luật pháp cấm đoán sỡ hữu tư nhân, hay ở đó trẻ em thường xuyên được dạy bảo những điều xấu xa của cạnh tranh kinh tế. Đúng là có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn học lên án tình trạng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Shelley, Blake, Mary Wollstonecraft, Emily Bronte, Dickens, George Orwell và D.H.Lawrence tất cả bọn họ đang tuôn ra những lời lẽ tuyên truyền một cách không biết xấu hổ nhân danh giai cấp cầm quyền. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn vào văn học Anh nói chung, chúng ta sẽ thấy rằng sự phê phán của nó đối với trật tự xã hội ít khi mở rộng đến chỗ đặt nghi vấn với hệ thống sở hữu. Trong học thuyết về giá trị thặng dư, Các Mác bàn đến những gì mà chúng ta gọi là “sản xuất tinh thần tự do”, mà ông đặt nghệ thuật vào trong phạm vi đó, chứ không phải sản xuất tư tưởng. Có thể nói chính xác hơn là, nghệ thuật bao hàm cả hai thứ này.
Trong cuốn tiểu thuyết Jude Kẻ âm thầm, nhà văn Thomas Hardy viết về nhân vật Fawley, một người thợ thủ công nghèo khổ sống ở Jericho – một khu của tầng lớp lao động ở Oxford. Nhân vật Jude tự kể rằng, số mệnh anh ta không được gắn với những tháp mái uy nghiêm bao quanh sân trường đại học, mà là “giữa những người lao động cực khổ trong những khu phố tồi tàn bẩn thỉu mà nhiều người tán tụng và khách tham quan cũng không nhận ra nổi đây lại là một phần của thành phố; mà nếu không có những cư dân của nó, người đọc kiên nhẫn nhất cũng không thể hiểu nổi nói chăng những nhà tư tưởng cao siêu…” (Phần 2, Chương 6). Phải chăng những dòng văn sầu não này thay lời muốn nói đến học thuyết cơ sở hạ tầng/ kiến trúc thượng tầng của Các Mác? Không hẳn vậy. Theo tinh thânhf chủ nghĩa duy vật thì lao động trí óc không thể tách rời lao động tay chân. Trường Oxford là một “kiến trúc thượng tầng” đối với “cơ sở hạ tầng” Jericho. Nếu các học giả phải tự mình làm người nấu bếp, người thợ hàn, thợ nề, hay thợ in… thì học sẽ chẳng còn đâu thời gian dành cho việc học tập nghiên cứu nữa. Mỗi một tác phẩm triết học đều bao hàm một đội quân lao động âm thầm, hay mỗi bản giao hưởng hay một thánh đường cũng vậy. Nhưng như chúng ta biết, Các Mác còn muốn nói nhiều hơn thế. Không phải chỉ nói đơn giản là muốn tìm hiểu Plato, con người cần phải ăn trước đã, mà còn nói rằng, sản xuất vật chất được tổ chức như thế nào sẽ chi phối cách con người suy nghĩ về Platon.
Chính bản chất của lối tư duy đang được thực hiện ở Oxford, chứ hoàn toàn không phải cái thực tế tư duy đang diễn ra ở đó, mới là cái đang gặp phải nguy cơ. Như bất cứ ai, các học giả Oxford coi tư duy của họ được hình thành bởi thực tại vật chất của thời đại họ đang sống. Hầu hết trong số họ đều không hiểu Platon và có lẽ những tác giả khác nữa, theo cái cách sẽ làm suy yếu quyền sở hữu, sự cần thiết phải có trật tự xã hội… Sau khi nhân vật Jude liều mình viết một bức thư gửi người hiệu trưởng một trường cao đẳng để xin làm sinh viên của trường, anh ta nhận được lời phúc đáp nói rằng một người lao động như anh ta chẳng nên cố gắng thế để làm gì (điều khôi hài là ở chỗ bản thân tác giả Hardy cũng đồng tình với lời khuyên này, mặc dù với lý do không giống thế).
Tại sao cần phải có kiến trúc thượng tầng? Nên nhớ rằng câu hỏi này hoàn toàn khác với câu hỏi tại sao chúng ta có nghệ thuật, luật pháp hay tôn giáo. Có rất nhiều cách trả lời khác nhau. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra ở đây là: “Tại sao nghệ thuật, luật pháp và tôn giáo lại chủ yếu phục vụ cho hệ thống hiện tại”. Câu trả lời gói gón lại trong một khái niệm là, “cơ sở hạ tầng” tự phân tách. Do tồn tại áp bức bóc lột, nó làm xuất hiện các mâu thuẫn. Vai trò của kiến trúc thượng tầng chính là điều chỉnh và hợp pháp hóa những mâu thuẫn ấy. Kiến trúc thượng tầng là cần thiết bởi vì bóc lột tồn tại. Nếu bóc lột không tồn tại, chúng ta vẫn có nghệ thuật, luật pháp và thậm chí là cả tôn giáo nữa. Nhưng lúc đó, nghệ thuật, luật pháp và tôn giáo không còn để phục vụ cho những chức năng nhơ nhuốc đó nữa; thay vào đó, chúng sẽ xóa bỏ những ràng buộc ấy và trở nên tự do hơn bao giờ hết.
Mô hình “cơ sở hạ tầng – kiến trúc thượng tầng” là một mô hình cấu trúc theo chiều dọc. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu mô hình ấy cấu trúc theo chiều ngang. Nghĩa là ở đó, cơ sở hạ tầng là cái rốt cục sẽ chống lại những đòi hỏi của con người – là cái không chịu đầu hàng ngay cả khi mọi biện pháp cải cách khác đã chịu thua. Do đó, mô hình này có một tầm quan trọng chính trị đáng kể. Những ai ủng hộ việc có thể thay đổi những yếu tố nền tảng của xã hội chỉ bằng cách đơn giản là thay đổi tư duy con người hoặc lập nên một đảng phái chính trị mới, sẽ thấy mô hình này có thể được sử dụng để cho biết tại sao những sự việc này, mà đa phần có vai trò cực kỳ quan trọng, lại không phải là những cái mà con người phải sống theo đến cùng. Những người có ý kiến kiểu đó rất có thể lại xoay sang những mục tiêu mang lại những kết quả ngọt ngào hơn. Cơ sở hạ tầng chính là rào cản cuối cùng mà các quan điểm chính trị xã hội chủ nghĩa không ngừng thúc ép. Nói theo cách của dân Mỹ: “ấy mới là mấu chốt của vấn đề”. Và cũng bởi cái “mấu chốt của vấn đề” của người Mỹ nhiều khi là tiền bạc, điều đó rõ ràng cho thấy rất nhiều công dân của mãnh đất tự do này đã trở thành những người theo chủ nghĩa Mác mà không hay biết. Đối với bản thân tôi, thực tế đã giúp tôi thấy rõ điều này nhờ vào một câu chuyện xảy ra cách đây vài năm. Hôm đó, tôi lái xe đi cùng với một vị Trưởng khoa Nghệ thuật của một trường đại học ở vùng Trung Tây nước Mỹ, lướt qua một cánh đồng ngô trải dài, nở rộ hoa vàng óng ả. Đưa mắt liếc nhìn cảnh tượng ấy, bất giác vị Trưởng khoa thốt lên: “Năm nay chắc sẽ được mùa. Chắc sẽ phải trốn mấy tay giáo sư ra đây mới được”.
Những người duy vật không phải là những người không có cảm xúc. Và giả sử họ không có thì cũng không phải vì họ là những người duy vật. Bản thân Các Mác vốn được nuôi dưỡng và giáo dục một cách vô cùng khắt khe theo truyền thống trung Âu vĩ đại. Khi đó, ông chỉ mong sao cho chóng xong cái mà ông gọi một cách khinh miệt là “đồ thổ tả kinh tế” (economic crap) trong bộ Tư bản để bắt tay viết một cuốn sách về Balzac. Thật đáng tiếc cho ông, nhưng lại là may mắn cho chúng ta là Các Mác đã không bao giờ thực hiện được ước muốn đó. Các Mác đã có lần nói rằng, ông đã hy sinh tất cả sức khỏe, hạnh phúc riêng tư và gia đình khi viết Tư bản; nhưng có lẽ ông chỉ là một “con bò đực” nếu ông quay lưng lại nỗi thống khổ của con người[20]. Ông cũng bình phẩm, không ai viết nhiều về tiền bạc như vậy mà lại chẳng có đồng xu dính túi. Các Mác là một con người rất giàu cảm thông, châm biếm và hóm hỉnh, nhưng có một tâm hồn bất khuất, ẩn sau đó là một nội tâm phong phú, nhạy cảm, biết thưởng ngoạn song cũng là một cây bút chiến không khoan nhượng, trong khi phải chống chọi kiên cường với hoàn cảnh bần hàn và bệnh tật kinh niên[21]. Dĩ nhiên, Các Mác là một người theo chủ nghĩa vô thần, nhưng nên nhớ rằng không phải kẻ mộ đạo nào cũng là người biết hướng về tâm linh. Và những giá trị tinh thần cao cả được đề cao trong đạo Do Thái (công bằng, giải phóng con người, sự ngự trị hòa bình và sung túc vật chất, ngày đền tội; lịch sử loài người như bài tự sự về giải phóng mà sự cứu rỗi không chỉ một cá nhân mà còn là với bất cứ ai bị tước đoạt) đã được tái hiện lại sinh động và cụ thể trong các tác phẩm của Các Mác. Ông còn là người kế thừa truyền thống của đạo Do Thái khi phản đối thói sùng bái thần tượng, sùng bái cá nhân và những ảo tưởng có thể làm nô dịch con người.
Cần lưu ý rằng, nói đến tôn giáo thì cũng có những nhà Mác-xít Do Thái, Mác-xít Hồi Giáo, và Mác-xít Thiên Chúa giáo để gọi tên những người cổ súy cho cái gọi là “thần học tự do”. Tất cả họ đều là những nhà duy vật theo nghĩa từ này của Các Mác. Con gái của Các Mác, bà Eleanor Marx, kể lại rằng, Các Mác từng khuyên vợ mình rằng, nếu như muốn thỏa mãn mong muốn tìm hiểu về siêu hình học, thì nên tìm đọc chúng trong sách tiên tri Do Thái giáo, thay vì tìm hiểu trong Hội những người ủng hộ Chủ nghĩa thế tục (Secular Society) mà bà thỉnh thoảng tham dự[22]. Chủ nghĩa duy vật Mác-xít không phải tập hợp những lời tuyên bố về vũ trụ kiểu như “Mọi thứ được cấu tạo từ nguyên tử”, hay “Thượng đế không tồn tại”. Mà đó là lý luận về các sinh vật hoạt động ra sao trong lịch sử.
Kế thừa truyền thống Do Thái giáo từ gia đình, Các Mác là một nhà tư tưởng đạo đức xuất chúng. Nếu Các Mác từng có ý định viết một cuốn sách về Balzac sau khi hoàn thành bộ Tư bản thì ông cũng còn dự định viết một cuốn sách về Đạo đức. Nếu vậy thì chẳng còn gì để nói với cái định kiến cho rằng ông là người phi luân lý một cách nhẫn tâm với cách tiếp cận xã hội chỉ mang tính khoa học thuần túy. Thật khó mà hình dung con người này lại viết rằng chủ nghĩa tư bản đã xé nát tát cả những mối liên hệ ràng buộc chân thực nhất giữa con người với con người, và thay vào đó là thói ích kỷ, nhu cầu chỉ biết đến bản thân, và phân hủy thế giới con người thành thế giới của những “cá nhân nhỏ bé, thù địch lẫn nhau”[23]. Các Mác tin rằng cái thứ đạo đức đang thống soái trong xã hội tư bản – cái tư tưởng cho rằng “tôi sẽ chỉ phục vụ anh chừng nào tôi được lợi” – là phong cách sống đáng ghê tởm. Chúng ta sẽ không hành xử như vậy với bạn bè, hay với con cái theo cách ấy, vậy thì cớ sao chúng ta lại đi chấp nhận đó là điều hoàn toàn hiển nhiên khi đối xử như vậy với người khác trong xã hội?
Đúng là Các Mác thường xuyên lên án giáo lý (morality). Tuy nhiên, khi lên án giáo lý, Các Mác muốn nói đến những nghiên cứu về lịch sử bỏ qua các yếu tố vật chất mà chỉ chú trọng đến các yếu tố tinh thần. Do đó, sự nghiên cứu loại này phải được gọi là “giáo điều” (moralism) chứ không phải là “giáo lý”. Chủ nghĩa giáo điều trừu tượng hóa một thứ nào đó là “các giá trị đạo đức” từ trong bối cảnh lịch sử tổng thể mà những giá trị này được đặt vào, và do đó thường dẫn tới những nhận định thuần túy đạo đức. Trong khi đó, một nghiên cứu mang tính đạo đức đúng nghĩa luôn xem xét cân nhắc tất cả mọi mặt liên quan đến một hoàn cảnh con người cụ thể. Nó tuyệt đối không tách biệt những giá trị, hành xử, các mối quan hệ và phẩm chất cá nhân của con người ra khỏi những yếu tố xã hội và lịch sử hình thành nên chúng. Nhờ đó mới tránh khởi sự phân tách sai lầm giữa một bên là những nhận định mang tính đạo đức và một bên là những phân tích khoa học. Một nhận định đạo đức đúng nghĩa cần xem xét tất cả những sự vật, hiện tượng có liên quan một cách nghiêm khắc nhất. Xét theo nghĩa này thì Các Mác chính là một nhà đạo đức học đúng nghĩa theo truyền thống của Aristotle, cho dù Các Mác không bao giờ biết mình là như vậy.
Hơn nữa, Các Mác thuộc về truyền thống Aristotle vĩ đại, theo đó giáo lý không đơn thuần chỉ là một vấn đề của luật pháp, bổn phận chuẩn mực, những điều răn mà là làm thế nào để sống tự do nhất, trọn vẹn nhất và tự đáp ứng được nhiều nhất. Giáo lý trong quan niệm của Các Mác rốt cục là hạnh phúc với chính mình. Nhưng vì không ai có thể sống cuộc sống biệt lập, nên đạo đức cũng phải kéo theo sự tham gia của chính trị. Tư tưởng Aristotle cũng hoàn toàn như vậy.
Vấn đề tâm linh lại thuộc về một thế giới khác nữa. Nhưng không phải về một thế giới khác như các giáo sĩ vẫn thường quan niệm. Đó là một thế giới khác mà những người cộng sản muốn xây đắp nên trong tương lai, thay thế cho cái thế giới hiện tại rõ ràng đã trở nên không còn cần thiết nữa. Và nếu ai đó không quan niệm một thế giới khác theo nghĩa này thì hẳn là người đó chưa hề biết suy xét những gì xung quanh mình.
ĐINH XUÂN HÀ và PHƯƠNG SƠN dịch
Nguồn: http://www.doi-mat.vn
[1] Etienne Balibar: Triết học Mác (The Philosophy of Marx), London, 1995, p.2.
[2] Xem Alfred Schmidt: Khái niệm bản chất ở Marx (The Concept of Nature in Marx), London, 1971, p.24.
[3] Alfred Schmidt. Sđđ. p.26
[4] Alfred Schmidt. Sđđ. p.25
[5] Tác giả sử dụng hình ảnh tháp ngà để chỉ tình trạng sống khép kín không liên hệ với thực tế bên ngoài, chủ yếu là những triết gia thời xưa (ND).
[6] Jurgen Habermas: Kiến thức và những quan tâm của con người (Knowledge and Human Interests), Oxford, 1987, p.35.
[7] Kabbalah là một hệ thống triết học tôn giáo khẳng định sự thấu hiểu được bản chất của thần thánh (ND).
[8] Xem Alex Callinicos: Những tư tưởng cách mạng của Các Mác (The Revolutionary Ideas of Karl Marx), London và Sydney, 1983, p.31.
[9] “Hệ tư tưởng Đức” tập 1, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.1995, t3, tr43.
[10] Dĩ nhiên câu này không có nghĩa là "đặt ra quá nhiều vấn đề". Những bạn đọc nào hiểu như vậy nên tham khảo Từ điển tiếng Anh Oxford.
[11] John Macmurray: Bản thân là tác nhân (The Self as Agent), London, 1957, p.101.
[12] John Elster: Tìm hiểu Mác (Making Sense of Marx), Cambridge, 1985, p.64.
[13] Muốn biết hai nghiên cứu lý thú về những quan hệ giữa hai nhà tư tưởng này, xem David Rubinstein, Mác và Wittgenstein: Tri thức, Giáo lý và Chính trị (Marx and Wittgenstein: Knowledge, Morality and Politics), London, 1981, và G.Kitching và Nigel Pleasants (Chủ biên): Mác và Wittgenstein, London, 2006.
[14] “Hệ tư tưởng Đức”, tập 1, trong Các Mác và Ph,Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.1995, t.3, tr.37.
[15] Trong tác phẩm Những ghi chép về Vácnơ (Notes on Wagner), Mác sử dụng những thuật ngữ của Freud khi viết rằng con người trước tiên phân biệt các đối tượng trong thế giới nhờ đau đớn và sung sướng, sau đó mới phân biệt cái nào trong đó thỏa mãn nhu cầu và cái nào không. Kiến thức, như theo Nietzche, bắt đầu dưới hình thức kiểm soát những đối tượng này. Bởi vậy, theo cả Mác và Nietzche, nó có quan hệ với khả năng.
[16] William Empson: Một số phác họa đồng quê (Some Versions of Pastoral), London, 1966, p.114.
[17] Theodor Adorno: Lăng kính (Prisms), London, 1967, p.260
[18] Hannah Arendt (Chủ biên): Walter Benjamin: Illuminations, London, 1973, pp.256-257.
[19] Xem “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa”, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.1993, t13, tr.15.
[20] G.A.Cohen: Lịch sử, lao động và tự do (History, Labour and Freedom), Oxford, 1988, p.178.
[21] Xem S.H.Rigby: Ăngghen và sự hình thành chủ nghĩa Mác (Engels and the Formation of Marxism), Manchester, 1992, p.233.
[22] Xem Francis Wheen: Karl Marx, London, 1999.
[23] Xem Max Beer: Năm mươi năm chủ nghĩa xã hội quốc tế (Fifty year of International Socialism), London, 1935, p.74.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC