Chủ nghĩa Marx

Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh. Kết luận

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC

 

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.

 

Theo những sự quan sát của bản thân và

những nguồn đáng tin cậy

______________

 

KẾT LUẬN

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 445-459. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Chúng ta đã nghiên cứu khá tỉ mỉ điều kiện sinh sống của giai cấp công nhân ở các thành phố Anh, bây giờ chúng ta có thể rút ra kết luận từ những sự kiện ấy và lại đem đối chiếu những kết luận ấy với tình hình thực tế của sự vật. Vậy chúng ta hãy xem, bản thân những người công nhân sống trong hoàn cảnh ấy đã trở nên thế nào, đã thành những con người thế nào, trạng thái thể chất, trí lực và đạo đức của họ ra sao.

Khi một cá nhân gây thiệt hại đến thân thể một người khác, và thiệt hại đó làm cho nạn nhân phải chết, thì ta gọi người đó là kẻ giết người; nếu thủ phạm biết trước rằng thiệt hại đó sẽ làm chết người, thì ta gọi hành động đó là mưu sát. Nhưng nếu xã hội 1) đặt hàng trăm người vô sản vào một tình cảnh làm cho họ nhất thiết phải chết non, không bình thường, phải chết một cách bị cưỡng bức chẳng khác gì bị giết bằng gươm hoặc bằng đạn; nếu xã hội tước của hàng nghìn thành viên của nó những phương tiện sinh hoạt cần thiết, đặt họ vào trong những điều kiện không thể nào sống được; nếu xã hội dùng bàn tay mạnh mẽ của pháp luật để ép buộc họ phải sống trong những điều kiện đó cho tới khi xảy ra hậu quả không thể tránh được là chết; nếu xã hội biết, và biết quá rõ ràng hàng nghìn người nhất định sẽ trở thành nạn nhân của những điều kiện như vậy mà vẫn để cho các điều kiện ấy tồn tại, - đó cũng là một hành động giết người, chẳng khác gì hành động giết người của một cá nhân; có điều là hành động giết người ở đây kín đáo và nham hiểm không một ai có thể tự đề phòng được, nó không giống hành động giết người, vì không ai nhìn thấy kẻ thủ phạm, vì kẻ thủ phạm đó là tất cả mọi người mà lại cũng không phải là ai cả, vì nạn nhân có vẻ chết một cách bình thường, và vì đó là một sự sơ sót có thể tha thứ được. Nhưng đó vẫn cứ là hành động giết người. Và tôi định chứng minh rằng xã hội Anh hàng ngày hàng giờ đều phạm phải một số tội mà báo chí công nhân Anh có đầy đủ lý do để gọi là tội giết người có tính xã hội; rằng xã hội Anh đã đặt người công nhân vào một tình cảnh làm cho họ không thể khoẻ mạnh và sống lâu; rằng như vậy là xã hội không ngừng huỷ hoại dần dần cơ thể của họ và sớm đưa họ xuống mồ. Sau đó tôi sẽ còn phải chứng minh rằng xã hội biết rõ tình hình ấy có hại như thế nào đối với sức khoẻ và sinh mệnh của người công nhân nhưng vẫn không làm một tí gì để cải thiện tình hình đó. Còn xã hội biết những gì, chế độ do nó thiết lập nên mang lại hậu quả như thế nào, và do đó hành động của nó không phải đơn thuần là giết người mà là mưu sát, - tôi chứng minh được điều đó dù chỉ là sử dụng những văn kiện chính thức, những báo cáo của chính phủ và của nghị viện để xác định chính thức việc giết người.

Một giai cấp gồm những người sống trong những điều kiện đã thuật ở trên và thiếu thốn những tư liệu cần thiết nhất của cuộc sống đến như thế nào, thì không thể nào khoẻ mạnh và sống lâu được, điều đó tự nó cũng đã rõ rồi. Tuy nhiên, ta hãy xem xét lại một lần nữa từng hoàn cảnh một, đặc biệt là trên quan điểm ảnh hưởng của chúng đối với tình trạng sức khoẻ của công nhân. Ngay bản thân sự tập trung dân cư vào các thành phố lớn đã có hậu quả cực kỳ tai hại; không khí ở Luân Đôn không bao giờ có thể trong sạch, có nhiều dưỡng khí bằng không khí một miền nông thôn; hai triệu rưởi lồng ngực và hai mươi lăm vạn lò bếp, tập trung trên ba bốn dặm vuông, tiêu phí một lượng dưỡng khí rất lớn, lượng dưỡng khí này rất khó được bổ sung, vì ngay cách kiến trúc thành phố tự nó đã làm cho việc thông gió rất khó khăn. Thán khí do hô hấp và do đốt than sinh ra, vì trọng lượng riêng của nó khá nặng lên lưu lại giữa nhà, còn luồng không khí chính thì lướt qua trên nóc. Bộ phổi của những người sống trong những căn nhà đó không nhận đủ lượng dưỡng khí cần thiết nên kết quả là thể chất và trí óc mệt mỏi, sức sống giảm sút. Vì vậy, dân cư những thành phố lớn, mặc dù rất ít mắc bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh viêm các loại hơn người nông thôn sống trong bầu không khí trong lành, sạch sẽ, nhưng ngược lại phần lớn họ đều mắc bệnh kinh niên. Nếu riêng việc sống ở trong các thành phố lớn tự nó đã có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, thì ảnh hưởng tai hại đó của bầu không khí ô uế trong các khu lao động - là nơi, như chúng ta đã thấy, tập trung đủ mọi yếu tố làm cho bầu không khí càng bị uế tạp hơn - sẽ phải to lớn biết chừng nào. Ở nông thôn, không khí tự do lưu thông trên mọi phía, nếu có một hố nước thối ở ngay gần nhà, có lẽ cũng không hại như thế; nhưng ở giữa thành phố lớn, trong các phố và các sân mà bốn phía đều bị xây chắn và bị cắt đứt mọi dòng không khí trong lành, thì tình hình lại khác hẳn. Mọi cặn bã động vật và thực vật thối rữa bốc lên những luồng khí rất hại cho sức khoẻ và vì không có lối thoát tự do nên những luồng khí ấy tất đầu độc bầu không khí. Như vậy thì rác rưởi và vũng tù trong các khu phố lao động của những thành phố lớn bao giờ cũng có những hậu quả tai hại nhất cho vệ sinh chung vì chính chúng bốc ra những uế khí độc hại; những hơi bốc lên từ dòng nước bẩn cũng vậy. Nhưng không phải chỉ có thế. Cái thực sự khiến người ta phẫn nộ là cách đối xử của xã hội hiện đại đối với quảng đại quần chúng nghèo khổ. Người ta lôi kéo họ về các thành phố lớn, ở đó họ hít thở không khí không trong sạch bằng ở quê hương họ. Người ta nhét họ vào những khu phố kém thông gió nhất do cách xây dựng nhà cửa gây nên. Người ta tước đoạt mọi phương tiện giữ gìn sạch sẽ; đến nước cũng bị tước đoạt, vì muốn đặt ống dẫn nước thì phải trả tiền, còn nước sông thì đã bẩn đến mức không thể nào dùng mà rửa ráy được; người ta buộc họ phải vất ngay ra ngoài đường phố mọi thứ rác rưởi, cặn bã, đủ mọi thứ nước bẩn, thậm chỉ cả những thứ bẩn thỉu nhất làm cho người ta lộn mửa, vì người ta tước đoạt của họ mọi khả năng phương tiện nào khác để vứt bỏ tất cả những thứ đó; như vậy là người ta buộc họ phải đầu độc chính ngay những khu phố họ ở. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Mọi thứ tai hại đổ lên đầu kẻ nghèo cùng. Cư dân các thành phố nói chung đã ở rất chen chúc nhưng chính họ buộc phải sống chật chội hơn. Họ phải hít thở cái không khí ô uế ngoài phố cũng chưa đủ, họ còn bị nhét hàng tá người vào một gian phòng, đến nỗi bầu không khí họ hít thở ban đêm trở nên hoàn toàn ngột ngạt. Người ta cho họ ở những căn phòng ẩm thấp, những nhà hầm nước rỉ từ dưới lên hoặc những tầng sát mái nước dội từ trên xuống. Người ta xây cho họ những ngôi nhà mà uế khí không có lối thoát. Người ta cho họ những áo quần xấu, rách tả tơi hoặc bở bục, những thứ ăn tồi tệ, làm giả và khó tiêu. Người ta gây cho họ có những tâm trạng đối lập mạnh mẽ nhất, những sự thay đổi đột ngột, lúc thì lo sợ, lúc thì hy vọng; người ta dồn đuổi họ như săn thú và không để cho họ yên thân và sống cuộc đời yên tĩnh. Người ta tước đoạt của họ mọi thú vui - trừ thú vui tình dục và rượu chè; - và hàng ngày người ta bắt họ làm việc đến kiệt sức về tinh thần cũng như về thể chất, do đó luôn luôn đẩy họ chìm đắm không sao kìm hãm được hai thú vui độc nhất mà họ có thể đạt được. Và nếu bằng ấy thứ cũng chưa đủ để huỷ hoại họ, nếu họ chống lại được tất cả những cái đó thì họ lại sa vào cảnh thất nghiệp trong thời gian khủng hoảng, cuộc khủng hoảng này đã làm cho họ mất nốt chút gì còn lại.

Trong tình trạng như vậy, những người thuộc giai cấp nghèo khổ nhất ấy làm sao còn có thể khoẻ mạnh và sống lâu được? Trong tình trạng như vậy, còn có thể trông mong gì khác ngoài tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, ngoài bệnh dịch hoành hành liên miên, ngoài sự tàn lụi không ngừng trầm trọng thêm về thể lực của nhân dân lao động? Chúng ta hãy xem thực tế như thế nào.

Đâu đâu chúng ta cũng thấy những bằng chứng xác nhận rằng nhà ở của người lao động nằm trong các khu tồi tàn nhất của thành phố, cộng với điều kiện sinh hoạt chung của họ là nguồn gốc của bao nhiêu tật bệnh. Tác giả bài báo đã dẫn ở trên đăng trên tạp chí "Artizan" khẳng định hoàn toàn đúng rằng bệnh phổi là kết quả tất nhiên của những điều kiện sinh sống ấy, và thực tế là bệnh ấy thường thấy nhất trong công nhân. Qua vẻ tiều tuỵ của rất nhiều người gặp trên các phố, chúng ta thấy rõ rằng không khí tồi tệ ở Luân Đôn, và nhất là ở các khu lao động đã làm cho bệnh lao phổi phát triển rất dễ dàng. Buổi sáng sớm, vào giờ mọi người đi làm, nếu chúng ta dạo qua các phố thì thật phải ngạc nhiên vì gặp quá nhiều người trông có vẻ bị lao phổi hoặc là gần đến tình trạng ấy. Ngay ở Man-se-xtơ người ta trông cũng không đến nỗi như thế; những bóng ma nhợt nhạt, gầy còm, ngực lép, mắt sâu đó mà người ta gặp ở mỗi bước đi, những bộ mặt tiều tuỵ, uể oải, mất hết nhựa sống ấy, tôi không thấy ở đâu nhiều như ở Luân Đôn. Tuy rằng ở các thành phố công nghiệp Bắc Anh hàng năm bệnh lao phổi cũng đã giết hại khá nhiều người. Đồng thời với bệnh lao phổi, không kể các bệnh phổi khác và bệnh sốt phát ban, trước hết phải nói đến bệnh thương hàn - là bệnh hoành hành dữ dội nhất trong nhân dân lao động. Cái tai hoạ phổ biến ấy, theo báo cáo chính thức về tình hình vệ sinh của giai cấp công nhân, là một hậu quả trực tiếp của tình trạng nhà cửa công nhân tồi tàn, không thoáng khí, ẩm thấp và bẩn thỉu. Báo cáo ấy - không nên quên rằng bản báo cáo này là do những thày thuốc bậc nhất của Anh, dựa trên tài liệu của một số thày thuốc khác mà viết ra - khẳng định rằng chỉ cần một cái sân không thoáng khí, một ngõ cụt không có cống thoát nước, là đủ gây ra bệnh sốt, và cơ hồ bao giờ cũng như vậy cả, nhất là  khi dân cư ở chật chội và có chất hữu cơ thối rữa gần đấy. Bệnh sốt này hầu như ở đâu cũng có tính chất giống nhau và hầu như trường hợp nào cũng chuyển thành bệnh thương hàn rõ rệt. Bệnh ấy thường thấy ở những khu lao động trong tất cả các thành phố lớn, thậm chí ở cả một số phố xây dựng tồi và không được bảo dưỡng chu đáo trong những điểm dân cư nhỏ hơn; và nó lan truyền mạnh mẽ nhất trong các khu nhà ổ chuột, tuy rằng tất nhiên nó cũng tìm được nạn nhân cá biệt trong những khu phố tốt hơn. Nó đã hoành hành ở Luân Đôn từ khá lâu; và do nó phát triển đặc biệt dữ dội năm 1837 mà có bản báo cáo chính thức nói trên. Theo báo cáo hàng năm của bác sĩ Xao-vu-dơ Xmít, tại bệnh viện sốt ở Luân Đôn, năm 1843 có 1 462 bệnh nhân điều trị, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó 418 người. Trong những vùng ẩm thấp và bẩn thỉu của các khu phía bắc, phía đông và phía nam Luân Đôn, bệnh ấy hoành hành đặc biệt dữ dội. Bệnh nhân phần nhiều là công nhân mới từ nông thôn ra, trên dọc đường, và ngay ở Luân Đôn họ đã chịu đủ mọi điều thiếu thốn khổ cực, ngủ ngoài đường phố, quần áo phong phanh, đói khát, không tìm được việc làm và cuối cùng đã mắc phải bệnh sốt. Lúc được mang vào bệnh viện, họ yếu đến nỗi phải dùng rất nhiều rượu vang, rượu cô-nhắc, các thuốc pha chế a-mô-ni-ác và nhiều chất kích thích khác. Số chết lên tới 16,5 phần trăm tổng số bệnh nhân. Ở Man-se-xtơ, cũng thấy có bệnh sốt ác tính ấy; trong những khu lao động tồi tàn nhất ở thành phố cũ, khu An-cốt-xơ, khu Ai-rơ-len nhỏ, v.v., bệnh ấy hầu như chưa bao giờ dứt hẳn, tuy nhiên ở đây, cũng như ở tất cả các thành phố của Anh, bệnh không lan tràn dữ dội như người ta tưởng. Nhưng ngược lại, ở Xcốt-len và ở Ai-rơ-len bệnh thương hàn hoành hành dữ dội ngoài sức tưởng tượng; ở Ê-đin-bớc và Gla-xgô năm 1817, trong thời gian vật giá cao vọt, năm 1826 và 1837, sau các cuộc khủng hoảng thương nghiệp, bệnh thương hàn hoành hành đặc biệt mãnh liệt, và mỗi lần kéo dài khoảng ba năm rồi mới hơi ngớt đi một thời gian. Ở Ê-đin-bớc, trong nạn dịch năm 1817 gồm 6 000 người và trong nạn dịch năm 1837 gần 10 000 người mắc bệnh; và cứ mỗi lần bệnh dịch tái phát thì không những số người ốm, mà cả mức độ dữ dội của bệnh và tỷ lệ người chết đều tăng1). Nhưng những tổn thất do bệnh ấy gây ra ở những thời kỳ trước kia không thấm vào đâu so với lúc bệnh hoành hành sau cuộc khủng hoảng năm 1842; một phần sáu tổng số dân nghèo ở Xcốt-len mắc bệnh và những người ăn mày lang thang đem truyền bệnh từ nơi này qua nơi khác một cách nhanh chóng lạ thường; nhưng bệnh không đụng đến các giai cấp trung đẳng và thượng đẳng của xã hội. Trong hai tháng, số người mắc bệnh nhiều hơn cả trong mười hai năm về trước. Ở Gla-xgô năm 1843, 12 phần trăm dân số, tức là 32 000 người mắc bệnh, trong số đó có 32 phần trăm không cứu chữa được, trong khi Man-se-xtơ và Li-vớc-pun, tỷ số người chết thường không vượt quá 8 phần trăm. Bệnh nguy kịch vào ngày thứ bảy và ngày thứ mười lăm; đến lúc này, da bệnh nhân thường bị vàng; tác giả của chúng ta cho là tình trạng ấy chứng tỏ rằng phải tìm nguyên nhân của bệnh cả trong sự hồi hộp và lo lắng về tinh thần2). - Ở Ai-rơ-len loại dịch này cũng thường xảy ra. Năm 1817 và 1818, trong thời gian hai mươi mốt tháng, bệnh viện Điu-blin đã nhận 39 000 bệnh nhân sốt và theo lời ông tỉnh trưởng A-li-xơn thì trong một năm sau đó (trong tập II "Những nguyên lý về dân số") con số thậm chí đã lên tới 60 000. Ở Coóc-cơ những năm 1817 - 1818, bệnh viện sốt đã phải tiếp nhận một phần bảy số dân; ở Li-mơ-rích cũng thời kỳ đó, một phần tư số dân mắc bệnh, còn trong khu nhà ổ chuột Oa-tơ-phoóc có đến 19 phần 20 toàn bộ dân cư1).

Nếu chúng ta nhớ lại những điều kiện sinh sống của người lao động, nếu ta nghĩ đến nhà cửa của họ chật chội như thế nào, mỗi xó xỉnh đều chật ních người như thế nào, trong một gian phòng trên cùng một giường, người khoẻ, người ốm nằm lẫn lộn như thế nào, thì chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên là một bệnh hay lây như bệnh sốt ấy lại không lan tràn mạnh hơn nữa. Và nếu chúng ta chú ý rằng những người hết sức thiếu thuốc men chạy chữa, rằng nhiều người hoàn toàn không được sự chỉ dẫn của thày thuốc và không biết gì đến những quy định thông thường nhất về kiêng ăn, thì chúng ta sẽ thấy số chết như vậy còn rất ít. Bác sĩ A-li-xơn, nghiên cứu kỹ bệnh này, cũng giống như tác giả của bản báo cáo dẫn ở trên, cho rằng nguyên nhân của nó là hoàn cảnh thiếu thốn và bi thảm của người nghèo: theo ông nói chính vì thiếu thốn và không thoả mãn được những nhu cầu sinh sống nên cơ thể dễ nhiễm bệnh và, nói chung, bệnh dịch trở nên đặc biệt nguy hiểm và lan truyền nhanh chóng. Ông chứng minh rằng ở Xcốt-len cũng như ở A-rơ-len, trong mỗi thời kỳ thiếu thốn do khủng hoảng thương nghiệp hoặc mất mùa gây ra, đều có dịch thương hàn và bệnh này cơ hồ chỉ hoành hành trong giai cấp công nhân. Theo lời ông, điều đáng chú ý là đa số người mắc bệnh thương hàn đều là chủ gia đình, nghĩa là chính những người đặc biệt cần thiết cho gia đình họ; nhiều thày thuốc Ai-rơ-len mà ông dẫn ra cũng xác nhận như vậy.

Nguyên nhân trực tiếp của một loạt bệnh khác là do ăn uống hơn là do điều kiện cư trú của người lao động. Thức ăn của người lao động nói chung rất khó tiêu, hoàn toàn không thích hợp với trẻ nhỏ; nhưng người lao động không có tiền và không có thì giờ để kiếm những thức ăn thích hợp hơn cho con cái. Ngoài ra, còn cần kể đến cái tập quán rất phổ biến là cho trẻ con dùng rượu hoặc thậm chí cả thuốc phiện nữa. Những cái đó, cộng với những điều kiện sinh sống khác có tác hại cho sự phát triển thể lực của trẻ con, gây ra đủ mọi thứ bệnh về đường tiêu hoá để lại vết tích suốt đời. Hầu hết mọi người lao động hoặc ít, hoặc nhiều đều mắc chứng tiêu hoá kém, vậy mà họ vẫn bắt buộc và tiếp tục dùng cái thức ăn đã gây nên chứng ấy cho họ. Vả lại họ đâu có biết được là cái ấy có hại? Mà dù cho họ có biết đi nữa, làm sao họ có thể theo được một chế độ kiêng khem thích hợp hơn trong khi điều kiện sinh hoạt và thói quen của họ chưa thay đổi ? - Nhưng chứng tiêu hoá kém ấy là nguồn gốc cho nhiều bệnh khác sinh ra ngay từ thuở thơ ấu. Hầu như tất cả những người lao động đều mắc bệnh tràng nhạc; cha mẹ mắc bệnh tràng nhạc sinh ra con cái mắc bệnh tràng nhạc, nhất là khi những đứa bé mang nọc bệnh do cha mẹ di truyền lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của những nguyên nhân ban đầu gây ra bệnh ấy. Một hậu quả thứ hai của sự ăn uống không đủ trong thời kỳ đang lớn của trẻ con là bệnh còi xương (một bệnh của người Anh, nổi cục ở các khớp xương) cũng rất phổ biến trong con cái người lao động. Xương chậm cứng, bộ xương nói chung phát triển chậm chạp, và ngoài những biểu hiện thông thường của bênh còi xương, còn thường thấy chân và cột sống cong vẹo. Chắc tôi không cần nói rằng những nỗi thăng trầm của đời sống công nhân gây nên bởi thương nghiệp đình đốn, bởi nạn thất nghiệp và bởi tiền lương giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng đã khiến những bệnh tật ấy nặng thêm. Tình trạng ăn thiếu nhất thời, mà hầu hết công nhân ít ra cũng phải trải qua một lần trong đời, càng làm trầm trọng thêm những hậu quả của chế độ ăn uống kém về chất mặc dầu về lượng thức ăn vẫn đủ no. Những đứa trẻ phải ăn lửng dạ chính vào lúc chúng cần được bồi dưỡng nhiều nhất - có biết bao nhiêu trẻ con như vậy trong mỗi kỳ khủng hoảng và ngay cả trong thời kỳ công nghiệp phồn vinh, - thì tránh sao khỏi trở thành những người yếu đuối, mắc bệnh tràng nhạc và còi xương. Mà chúng quả thực như thế, điều đó có thể thấy được qua bề ngoài của chúng. Tình trạng thiếu chăm sóc, bị bơ vơ bỏ vất của đông đảo con cái người lao động để lại những dấu vết không bao giờ mất và dẫn đến sự suy đồi của toàn bộ giai cấp lao động. Nếu thêm vào đây tình hình quần áo không thích hợp của người lao động không thể chống được cảm lạnh, tình hình phải làm việc cho đến khi cuối cùng bệnh tật vật ngã, tình cảnh khốn cùng cực độ của gia đình khi người lao động bị ốm đau, tình trạng ốm đau thông thường không được chạy chữa gì, thì sẽ có thể tưởng tượng được đại khái tình hình sức khoẻ của những người lao động Anh như thế nào. Đó là ở đây tôi còn chưa muốn nói đến những hậu quả tai hại của việc làm trong một vài ngành lao động cá biệt trong điều kiện hiện nay.

Ngoài ra, còn nhiều nhân tố khác đã làm cho sức khoẻ của một số đông công nhân kém sút dần. Trước hết là tệ nghiện rượu. Mọi thứ hấp dẫn, mọi thứ cám dỗ liên hợp lại để lôi kéo người công nhân tới chỗ rượu chè. Đối với họ, hầu như chỉ có một nguồn vui duy nhất là rượu mạnh, và tất cả những cái đó tựa hồ thông đồng nhau để đẩy người công nhân đến đó. Người công nhân khi tan tầm về nhà đã mệt mỏi và rã rời; mà nhà cửa thì thiếu đầm ấm, lạnh lùng, ẩm thấp và bẩn thỉu; anh ta nhất thiết phải được tiêu khiển, cần có một cái gì để cảm thấy còn đáng làm việc, một cái gì làm dịu được cái viễn cảnh của ngày mai khổ cực; sự mệt mỏi, tâm trạng bực dọc và ưu phiền của anh ta - một phần do sức khoẻ kém, đặc biệt là do tiêu hoá không tốt gây nên, đã tăng lên đến cực độ do tất cả các điều kiện sinh hoạt khác của anh ta: do đời sống bấp bênh, do phụ thuộc vào mọi thứ may rủi và không thể nào tự mình làm được một cái gì để cải thiện tình cảnh của mình; thân thể của anh ta, suy yếu vì không khí xấu và thức ăn kém, đòi hỏi mãnh liệt một chất kích thích nào đó từ bên ngoài; nhu cầu xã giao của anh ta chỉ có thể được thoả mãn ở quán rượu, bởi vì không còn nơi nào khác cho anh ta gặp gỡ bạn bè. Trong những điều kiện như thế, anh ta làm sao tránh được sự lôi cuốn mạnh mẽ của rượu, làm sao có thể chống lại sự cám dỗ ấy ? Ngược lại, trong hoàn cảnh ấy, phần lớn những người lao động, do nhu cầu thể xác và tinh thần không thể không sa vào rượu chè. Ngoài những nguyên nhân có thể nói là thể chất ấy, còn có hàng trăm tình huống khác đẩy người công nhân đến rượu chè: gương xấu của số đông, sự giáo dục thiếu sót, không thể giữ cho thanh niên tránh khỏi cám dỗ, nhiều khi ảnh hưởng trực tiếp của cha mẹ nghiện rượu tự mình đem rượu cho con uống, sự tin chắc rằng nhờ hơi men có thể lãng quên được ít ra cũng trong vài giờ những nỗi khổ cực và áp bức của cuộc đời; tất cả những cái đó tác động mạnh đến nỗi thật không thể nào tránh được người công nhân sao lại ham thích uống rượu mạnh. Ở đây nghiện rượu không còn là một tật xấu mà người mắc phải chịu chê trách; nó trở thành một hiện tượng tất nhiên, một hậu quả không thể tránh khỏi của những điều kiện nhất định tác động vào một đối tượng mất hết ý chí của mình, - ít ra là về phương diện ấy. Phải chịu trách nhiệm về việc này chính là những kẻ đã biến người lao động thành đối tượng như thế. Nhưng bản thân sự nghiện rượu làm cho thể xác và tinh thần của những nạn nhân của nó phải chịu tác động huỷ hoại, điều đó cũng tất nhiên như đại đa số công nhân ham mê nghiện rượu. Nó làm tăng thêm cái đà dễ mắc các loại bệnh do điều kiện sinh hoạt của công nhân gây nên; nó làm cho bệnh phổi và bệnh đường ruột phát triển, và tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho bệnh thương hàn phát sinh và lan rộng.

Một nguyên nhân khác của những nỗi đau khổ về thể xác của giai cấp công nhân là khi ốm đau họ không thể có được thày thuốc giỏi cứu chữa. Thật ra là có rất nhiều cơ quan từ thiện tìm cách bù đắp tình trạng thiếu sót ấy, ví dụ như bệnh viện Man-se-xtơ hàng năm chữa cho 22 000 bệnh nhân, trong đó có một số người được nằm điều trị ở ngay tại bệnh viện, những người khác được khám và cấp thuốc. Nhưng đối với một thành phố mà Ga-xken1) đã ước lượng là hàng năm có đến ba phần tư dân số cần được sự săn sóc của thày thuốc thì điều ấy có nghĩa lý gì? Thày thuốc ở Anh lấy tiền khám, chữa bệnh rất cao, mà người lao động thì không thể trả nổi. Do đó họ đành chịu không chạy chữa gì hoặc tìm đến những thày lang băm lấy công rẻ và những thứ thuốc bịp bợm, chung quy lợi ít hại nhiều. Trong tất cả các thành phố ở Anh có rất nhiều thày lang băm như vậy, họ kiếm khách trong những giai cấp nghèo khổ nhất bằng mọi thứ quảng cáo, áp phích và những mánh khoé khác. Ngoài ra, người ta còn bán rất nhiều loại thuốc gọi là được cấp bằng (patent medicines), trị bách bệnh: nào thuốc viên Mo-rít-xơn, nào thuốc viên bổ khí Pa-rơ, nào thuốc viên bác sĩ Men-oa-rinh và hàng nghìn loại thuốc viên, tinh dầu, dầu thơm khác, v.v., loại nào cũng có đặc tính chữa khỏi đủ mọi thứ tật bệnh trên đời. Những loại thuốc ấy, thực ra ít có chất gây hại trực tiếp, nhưng khi dùng luôn và dùng nhiều thì rốt cuộc vẫn có hại cho cơ thể và bởi vì mọi lời quảng cáo đều tuyên truyền với người lao động không thông thạo về thuốc men rằng những thuốc ấy dùng càng nhiều càng tốt, nên không lấy gì làm lạ khi thấy người lao động uống rất nhiều thuốc ấy chẳng kể có nên dùng hay không. Nhiều khi chủ xưởng thuốc viên bổ khí Pa-rơ trong một tuần bán được đến 20-25 nghìn hộp thuốc thần hiệu ấy, thứ thuốc mà người này thì dùng để trị táo bón, người kia thì dùng để trị ỉa chảy, người khác nữa thì dùng để trị bệnh sốt, bệnh suy nhược toàn thân và đủ mọi loại tật bệnh. Cũng như người nông dân Đức ở ta vốn thích đến những mùa nào đó thì đặt bầu gác hoặc chích máu, người công nhân Anh thích uống những loại thuốc được cấp bằng chỉ để làm hại sức khoẻ của mình, đồng thời làm đầy túi tiền của các chủ xưởng bào chế. Trong số những thứ thuốc được cấp bằng có hại bậc nhất ấy, có một thứ thuốc nước chế bằng các chất thuốc phiện, chủ yếu là chất lô-đa-nom, và đem bán rộng rãi với cái tên "dung dịch bổ Gốt-phrây". Những phụ nữ làm việc ở nhà và phải nuôi con mình hoặc con người khác, thường cho trẻ uống thứ thuốc ấy để cho chúng ngủ yên, hoặc là, như nhiều người trong bọn họ đã tưởng, để cho chúng khoẻ thêm. Người ta thường cho trẻ con dùng thuốc ấy ngay từ khi mới đẻ, không hề để ý đến loại thuốc "bổ" ấy có hại hay không, và cứ tiếp tục cho uống cho đến khi chúng chết. Cơ thể đứa trẻ càng ít thụ cảm với tác dụng thuốc phiện thì người ta càng tăng liều thuốc. Nếu thứ thuốc nước ấy không còn tác dụng nữa thì họ cho trẻ uống lô-đa-nom nguyên chất, thường một lần uống 15 - 20 giọt. Viên dự thẩm ở Nốt-tinh-hêm đã xác nhận trước một tiểu ban của chính phủ1) rằng theo lời tự thú của một dược sĩ, thì trong vòng một năm hắn đã dùng tới 13 tạ si-rô để chế ra "dung dịch bổ Gốt-phrây". Cách điều trị ấy gây nên những hậu quả như thế nào đối với trẻ con, điều đó cũng dễ thấy. Chúng dần dần trở nên xanh xao, uể oải, và yếu ớt, đa số chết dưới hai tuổi, Thứ thuốc này rất thông dụng trong tất cả các thành phố lớn và các khu công nghiệp ở Anh.

Hậu quả của tất cả những cái ấy là thể lực của người lao động suy yếu toàn bộ. Trong họ, rất ít người khoẻ mạnh, vạm vỡ và không tật bệnh, - ít ra là trong những công nhân công nghiệp phần lớn làm việc ở những nơi tù túng, - và ở đây cũng chỉ nói về họ thôi. Hầu hết họ đều yếu ớt, vóc người cứng chắc nhưng không vạm vỡ, gầy gò, xanh xao, bắp thịt không nở nang, trừ những bắp thịt phải đặc biệt căng sức trong khi làm việc. Hầu hết đều mắc bệnh khó tiêu hoá và vì vậy nếu ít nhiều đều mắc chứng ưu tư, buồn rầu và hay cáu gắt. Cơ thể họ suy nhược, kém sức đề kháng đối với bệnh tật và do đó lúc nào cũng có thể làm mồi cho mọi bệnh tật. Cũng vì vậy họ chóng già và chết yểu. Các bản thống kê người chết là một bằng chứng hiển nhiên không thể chối cãi về điểm ấy.

Theo báo cáo của Gi. Grê-hêm, chủ nhiệm sở đăng ký tình hình công dân, số tử vong trong toàn nước Anh và Oen-xơ hàng năm lên gần tới 2,25 phần trăm, tức là hàng năm cứ 45 người thì có 1 người chết1). Ít ra đó là con số trung bình trong những  năm 1839 - 1840; năm sau, số tử vong có thấp hơn một chút, cứ 46 người mới có 1 người chết. Nhưng ở những thành phố lớn thì tỷ lệ khác hẳn. Trong tay tôi có những bản thống kê chính thức về tử vong (công bố trên báo "Manchester Guardian" số ra ngày 31 tháng Bảy 1844), theo đó thì số tử vong ở vài thành phố lớn là như sau: ở Man-se-xtơ, kể cả Xôn-phoóc và Troóc-tơn thì cứ 32,72 người có 1 người chết; nếu không kể Xôn-phoóc và Troóc-tơn thì cứ 30,75 người có 1 người chết; ở Li-vớc-pun, kể cả vùng ngoại ô Oe-xtơ - Đớc-bi cứ 31,90 người có 1 người chết; nếu không kể vùng ngoại ô đó thì cứ 29,90 người có 1 người chết; trong khi đó theo các số liệu tổng hợp chung cho Si-sia, Lan-kê-sia và Y-oóc-sia, là vùng có nhiều khu nông nghiệp hoặc bán nông nghiệp và nhiều thành phố nhỏ, với tổng số dân là 2 172 506 người thì tỷ số người chết là 1 trên 39,80. Có thể thấy điều kiện sinh sống của người lao động ở các thành phố bất lợi thế nào qua con số tử vong ở Prét-xcốt (Lan-kê-sia); đó là khu vực cư trú của công nhân mỏ than và vì công việc trong hầm mỏ ảnh hưởng không tốt lắm đối với sức khoẻ, cho nên tình trạng sức khoẻ ở khu này kém hơn các khu nông nghiệp. Nhưng ở đây công nhân sống ở nông thôn và tỷ lệ tử vong chỉ là 1 trên 47,45, tức là so với con số tử vong trung bình của toàn bộ nước Anh thì thấp hơn đến gần 2,5 phần trăm. Tất cả những tài liệu dẫn ở trên đều lấy trong những bản thống kê tử vong năm 1843. Ở các thành phố của Xcốt-len, số tử vong hãy còn cao hơn: ở Ê-đin-bớc, trong những năm 1838 - 1839, tỷ số tử vong là 1 trên 29, thậm chí năm 1831 riêng trong khu thành phố cũ là 1 trên 22; ở Gla-xgô theo số liệu của bác sĩ Gau-en ("Thống kê số sinh đẻ và tử vong ở Gla-xgô")105 từ năm 1830 đến nay, tỷ số tử vong trung bình là 1 trên 30 và có một số năm là 1 trên 22 hoặc 1 trên 24. Tình hình tuổi thọ trung bình giảm nhiều chủ yếu là ở trong giai cấp công nhân, còn tuổi thọ trung bình của tất cả các giai cấp khác thì tương đối cao hơn, vì tỷ số tử vong ở tất cả các giai cấp thượng đẳng và trung lưu thấp hơn, sự kiện này được chứng thực từ mọi phía. Những chứng cớ gần đây nhất là lời của P.H.Hôn-le, thày thuốc ở Man-se-xtơ đã được uỷ nhiệm chính thức đi kiểm tra khu Troóc-tơn - Ôn Mết-lốc1) ở ngoại ô thành phố Man-se-xtơ. Ông ta chia các nhà và phố làm ba hạng và có được tỷ số tử vong như sau:

Phố

Nhà

Tử vong

Hạng I

Hạng I

1 trên 51

            "     I

              "      II

1   "   45

"     I

              "     III

1   "   36

"    II

              "       I

1   "   55

"    II

              "      II

1   "   38

"    II

              "    III

1   "   35

Hạng III

Hạng I

thiếu con số

     "   III

              "      II

1 trên 35

"   III

              "      II

1   "   25

Qua nhiều bản thống kê khác do Hôm-le trình bày ta thấy rõ rằng so với ở những phố hạng I, tỷ số tử vong ở những phố hạng II cao hơn 18 phần trăm, ở những phố hạng III cao hơn 68 phần trăm; so với ở những nhà hạng I, tỷ số tử vong ở những nhà hạng II cao hơn 31 phần trăm, ở những nhà hạng III cao hơn 78 phần trăm; trong những phố bẩn thỉu sau khi được quét dọn thì tỷ số tử vong giảm đi 25 phần trăm. Ông ta kết luận bản báo cáo bằng những lời như sau, những lời rất thẳng thắn đối với người tư sản Anh:

"Khi chúng ta thấy có những phố có tỷ số tử vong cao gấp bốn lần những phố khác, và có những hạng phố nọ cao gấp đôi những hạng phố kia; khi chúng ta thấy trong những phố tồi tàn, tỷ lệ tử vong có thể nói là luôn luôn cao, mà trong những phố tốt hơn thì lại luôn luôn thấp, thì chúng ta không thể không rút ra kết luận rằng đông đảo bạn đồng nghiệp của chúng ta, hàng trăm người láng giềng  gần gũi nhất của chúng ta hằng năm bị sát hại (destroyed) vì thiếu những biện pháp dự phòng sơ đẳng nhất".

 

 

Trong bản báo cáo về tình hình vệ sinh của giai cấp công nhân cũng có những tài liệu chứng minh sự thật như thế. Ở Li-vớc-pun, năm 1840 tuổi thọ trung bình trong các giai cấp thượng lưu (người thuộc giai cấp trung lưu, người làm nghề tự do, v.v.) là 35 tuổi, trong giới buôn bán và các thợ thủ công khá giả hơn là 22 tuổi, còn đối với công nhân, thợ công nhật và những người lao động làm thuê nói chung thì chỉ có 15 tuổi. Các bản báo cáo của nghị viện cũng có rất nhiều những sự thật tương tự.

Con số tử vong cao chủ yếu là do trong giới lao động tỷ số trẻ em chết rất cao. Cơ thể non yếu của đứa trẻ chống đỡ kém nhất những ảnh hưởng tệ hại của những điều kiện sống kham khổ. Tình trạng trẻ con bị bỏ vơ vất, khi cả cha lẫn mẹ đều đi làm, hoặc một trong hai người đó bị chết, đã cho người ta thấy ngay tác hại; vì vậy không lấy gì làm lạ khi thấy, như ở Man-se-xtơ chẳng hạn, theo báo cáo mới dẫn trên, hơn 57 phần trăm con cái của người lao động chết dưới 5 tuổi, trong khi ở các giai cấp thượng đẳng con số ấy chỉ là 20 phần trăm, còn ở các vùng nông nghiệp, con số trung bình về trẻ con chết dưới 5 tuổi của tất cả các giai cấp cũng chưa đến 32 phần trăm1). Trong bài đã nhiều lần dẫn ra của tạp chí "Artizan", chúng ta thấy nhiều tài liệu chính xác hơn về vấn đề này; tác giả đối chiếu con số các trường hợp tử vong ở thành phố và ở nông thôn về các bệnh riêng của trẻ con và chứng minh rằng ở Man-se-xtơ và ở Li-vớc-pun, bệnh dịch làm chết nhiều người hơn ở các vùng nông thôn, nói chung gấp ba lần; rằng ở các thành phố bệnh thần kinh nhiều hơn ở nông thôn gấp năm lần, bệnh đường ruột gấp hai lần; còn số trường hợp chết vì các bệnh phổi ở thành phố so với ở nông thôn thì gấp hai lần rưỡi. Ở các thành phố số trẻ con chết vì bệnh đậu mùa, sởi, ho gà và bệnh tinh hồng nhiệt nhiều hơn gấp bốn lần; vì bệnh tràn dịch não gấp ba lần; vì bệnh kinh giật gấp 10 lần. Để thêm một chứng cớ khó cãi nữa, tôi dẫn ra đây một biểu đồ mà bác sĩ



Tỷ số tử vong trên   10 000 người

Dưới 5 tuổi

Từ 5 đến 19

Từ 20 đến 30

Từ 40 đến 59

Từ 60 đến 69

Từ 70 đến 79

Từ 80 đến 89

Từ 90 đến 99

Từ 100 và trên 100

Ở lãnh địa Rớt-len, vùng nông nghiệp trong lành...

2 865

891

1 275

1 299

1 189

1 428

938

112

3

Ở lãnh địa     Ét-xếch, vùng nông nghiệp đất lầy

3 159

1 110

1 526

1 413

965

1 019

630

177

3

Ở thành phố Các-lây-lơ trong những năm 1779 - 1787, trước khi xuất hiện các công xưởng

4 408

911

1 006

1 201

940

826

533

153

22

Ở thành phố Các-lây-lơ sau khi xuất hiện các công xưởng

4 738

930

1 261

1 134

677

727

452

80

1

Ở thành phố công xưởng Pre-xtơn

4 947

1 136

1 379

1 114

553

532

298

38

3

 

 

Ở thành phố công xưởng Lít-xơ

 

5 286

927

1 228

1 198

593

512

225

29

2

Uyết-đơ đã trích ở bản báo cáo năm 1832 của tiểu ban nghị viện về công xưởng, trong quyển sách của ông: "Lịch sử giai cấp trung gian và giai cấp công nhân" (xuất bản lần thứ ba, Luân Đôn, 1835).

Ngoài những bệnh tật ấy là hậu quả tất nhiên của tình hình giai cấp nghèo khổ nhất bị áp bức và lợi ích của họ bị coi thường, còn có những nguyên nhân khác làm tỷ số tử vong của trẻ con tăng lên. Trong nhiều gia đình, người mẹ cũng đi làm ở ngoài như người cha, hậu quả là con cái bị bỏ vơ vất, hoặc là bị nhốt một mình trong nhà hoặc là bị giao phó cho những người giữ trẻ thuê. Cho nên không lấy gì làm lạ nếu hàng trăm đứa trẻ ấy chết vì đủ mọi thứ tai nạn. Không ở đâu có nhiều trẻ con chết vì xe chẹt, vì ngựa giẫm, không ở đâu có nhiều trẻ con bị chết đuối hoặc chết cháy bằng ở những thành phố lớn của Anh. Đặc biệt là trẻ con thường bị chết bỏng lửa hay bỏng nước sôi; ở Man-se-xtơ, trong mùa đông, hầu như tuần lễ nào cũng có một vụ; ở Luân Đôn cũng nhiều như vậy; nhưng trên báo chí rất ít thấy những tin ấy: tôi chỉ có được một tin của báo "Weekly Dispatch" ngày 15 tháng Chạp 1844 nói rằng trong tuần lễ từ ngày 1 đến 7 tháng Chạp đã xảy ra sáu vụ như thế. Những đứa trẻ bất hạnh đó chết một cách khủng khiếp như vậy, hoàn toàn là nạn nhân của tình trạng hỗn loạn trong xã hội chúng ta và của giai cấp có của có lợi trong việc duy trì tình trạng hỗn loạn ấy. Vậy mà biết đâu cái chết kinh khủng và đau đớn đó lại chẳng là một điều may mắn cho những đứa trẻ ấy, vì nó đã tránh cho chúng ta một cuộc đời đầy đau khổ và bần cùng, nhiều đau khổ và ít thú vui ! Tình hình ở Anh đã đến như vậy, còn giai cấp tư sản ngày nào cũng đọc những tin như vậy trên báo chí mà không hề quan tâm đến. Thế nhưng họ sẽ không có quyền phản đối, nếu như dựa vào những chứng cớ chính thức và không chính thức mà tôi dẫn ra, những chứng cớ mà họ không thể không biết rõ, tôi tố cáo họ đã phạm cái tội giết người có tính xã hội ấy. Họ phải chọn hoặc là tìm cách chấm dứt tình trạng kinh khủng ấy, hoặc là giao lại cho giai cấp công nhân quyền quản lý những sự nghiệp công cộng. Nhưng họ chẳng có chút ý định nào thực hiện điều thứ hai, còn điều thứ nhất thì chừng nào họ còn là giai cấp tư sản và còn bị vướng mắc trong những thiên kiến tư sản thì họ không thể thực hiện được. Thực ra, nếu ngày nay, sau khi đã để chết hàng trăm nghìn nạn nhân, rốt cuộc họ đã có chút ít biện pháp nhỏ nhặt để dự phòng cho tương lai và đã ban hành một đạo luật đặc biệt về việc chấn chỉnh xây dựng ở thủ đô106, tuy chỉ mới hạn chế một phần tình trạng nhà cửa chen chúc hỗn độn, nếu họ khoe khoang về những biện pháp không những không đụng chạm đến nguồn gốc của tội ác, mà thập chí còn không đáp ứng được những yêu cầu thông thường nhất của cảnh sát vệ sinh, thì họ vẫn không thể nhờ vậy mà rửa sạch được tội lỗi của họ. Giai cấp tư sản Anh hiện chỉ còn có một trong hai con đường: hoặc là tiếp tục nắm chính quyền bất chấp cái tội giết người không chối cãi được đang đè nặng trên vai nó, hoặc là tự rút lui khỏi chính quyền vì lợi ích của giai cấp công nhân. Cho đến nay, họ vẫn thích con đường thứ nhất.

Chúng ta hãy chuyển từ tình cảnh thể chất của người lao động sang tình cảnh tinh thần của họ. Nếu giai cấp tư sản chăm lo đến đời sống của công nhân chỉ trong chừng mực mà đời sống đó cần thiết cho chúng, thì ta cũng không nên lấy làm lạ là chúng chỉ thí cho công nhân được chút giáo dục vừa đúng đáp ứng lợi ích của chúng. Mà chút đó có được là bao. Các cơ quan giáo dục ở Anh so với số dân thì còn quá ít, không tương xứng. Các trường học ban ngày mà giai cấp công nhân có thể đến học hết sức hiếm hoi, chỉ một số ít người có thể lui tới, vả lại những trường ấy rất tồi tàn, thày giáo là những công nhân đã mất sức lao động, hoặc là những người chẳng làm được gì phải đi dạy học để kiếm ăn, phần nhiều bản thân họ còn thiếu cả những kiến thức sơ đẳng cần thiết nhất, thiếu cả phẩm chất đạo đức thiết yếu cho người làm thày và chẳng hề có sự giám sát gì của công chúng. Ở đây cũng có tình trạng tự do cạnh tranh và cũng như thường lệ, người giàu thì hưởng phần lợi còn người nghèo thì chịu thiệt thòi vì thật ra họ không còn được tự do cạnh tranh và không đủ kiến thức cần thiết để lựa chọn cho đúng đắn. Không một nơi nào có giáo dục cưỡng bách; trong công xưởng, như chúng ta sẽ thấy, sự cưỡng bách giáo dục chỉ trên danh nghĩa, và trong kỳ họp năm 1843, khi chính phủ muốn đem thực hành việc cưỡng bách trên danh nghĩa ấy thì giai cấp tư sản công nghiệp đã cực lực phản đối, mặc dầu công nhân tỏ ra kiên quyết tán thành việc cưỡng bách đi học. Ngoài ra một số rất đông trẻ con làm việc suốt tuần lễ trong công xưởng hoặc ở nhà, nên cũng không thể đi học được. Còn các trường buổi tối dành cho những người bận làm việc ban ngày, thì hầu như chẳng có ai học, và chẳng đem lại ích lợi gì. Đòi hỏi những công nhân trẻ tuổi đã làm kiệt sức suốt mười hai giờ liền, tối đến lại đi học từ tám giờ đến mười giờ, thì quả là quá đáng. Những ai đi học thì phần nhiều đều ngủ ngay trong giờ học, điều này đã được hàng trăm chứng cớ trong bản "Báo cáo của tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" xác nhận. Đành rằng người ta cũng đã tổ chức những trường học ngày chủ nhật, nhưng cũng rất thiếu thày, và chỉ có thể có lợi đôi chút đối với những người đã theo học ở trường ban ngày. Thời gian cách quãng từ chủ nhật này đến chủ nhật sau quá dài, khiến một đứa trẻ ở trình độ rất thấp, khi học bài sau không khỏi quên mất bài trước học cách đấy một tuần. "Báo cáo của tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" có hàng nghìn dẫn chứng về điều này và chính tiểu ban đã tuyên bố dứt khoát rằng cả trường học ban ngày lẫn trường học ngày chủ nhật đều không thể đáp ứng, dù chỉ phần nhỏ, yêu cầu của đất nước. Báo cáo ấy nêu lên những dẫn chứng về tình trạng dốt nát trong giai cấp lao động Anh, một tình trạng mà người ta không ngờ là có ngay cả ở những nước như Tây Ban Nha hoặc I-ta-li-a. Nhưng cũng không thể nào khác được. Sự học vấn của công nhân ít hứa hẹn điều tốt lành cho giai cấp tư sản, ngược lại có thể gây ra cho họ những nỗi lo sợ hết sức. Trong toàn bộ ngân sách khổng lồ 55 triệu pao stéc-linh, chính phủ chỉ dành một khoản kinh phí rất nhỏ là 4 vạn pao xtéc-linh cho việc giáo dục quốc dân. Và nếu không có lòng cuồng tín của các giáo phái - chí ít thì những cái hại mà nó gây ra cũng không kém những cái lợi mà nó đem lại ở một nơi nào đó - thì những chi phí về giáo dục có lẽ còn hơn nữa. Nhưng giáo hội quốc giáo Anh đã lập ra các National Schools1* của họ, và mỗi giáo phái cũng đều có những trường học của mình với mục đích duy nhất là để nắm giữ lấy con em những người đồng đạo, và nếu có thể thì phỗng lấy của các giáo phái khác một linh hồn thơ dại đáng thương. Kết quả là tôn giáo, và chính cái mặt vô hiệu quả nhất của tôn giáo - tức là bác bỏ giáo lý của những người có tôn giáo khác - đã trở thành môn học quan trọng nhất, đầu óc trẻ con bị nhồi nhét đầy những giáo lý khó hiểu và những điều phiền toái về thần học, lòng thù hằn giáo phái và lòng cuồng tín mê muội được bồi dưỡng từ tuổi thơ ấu, còn sự đào luyện trí lực, tinh thần và đạo đức thì bị bỏ lơ một cách trắng trợn. Người lao động đã nhiều lần đòi hỏi nghị viện xây dựng một hệ giáo dục quốc dân hoàn toàn trần tục, còn việc chăm lo đến giáo dục tôn giáo thì dành cho giới tu hành của từng giáo phái, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ nào đồng ý thi hành biện pháp như thế. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì bộ trưởng là tôi tớ ngoan ngoãn của giai cấp tư sản, mà giai cấp tư sản thì chia thành vô số giáo phái, mà giáo phái nào cũng chỉ chịu để cho công nhân được hưởng một nền học vấn rất nguy hiểm về các mặt khác với điều kiện là người công nhân phải đồng thời tiếp thu thêm một liều thuốc giải độc là những giáo lý riêng có của các giáo phái ấy. Vì rằng cho đến nay các giáo phái vẫn còn giành nhau quyền đứng đầu, nên giai cấp công nhân vẫn còn chưa được đi học. Thật thế, các chủ xưởng thường khoe khoang là họ đã dạy cho đại đa số công nhân biết chữ; nhưng qua bản "Báo cáo của tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" chúng ta có thể hiểu được cái gọi là biết chữ đó như thế nào. Một người thuộc được các chữ cái thì cho là mình biết đọc rồi, và các chủ xưởng cũng đã lấy thế làm yên lòng. Những phép chính tả của tiếng Anh rất dễ nhầm lẫn; nên đọc sách là một nghệ thuật hẳn hoi, đòi hỏi phải học tập lâu dài, nếu chúng ta chú ý đến điểm đó thì sự thiếu học vấn của giai cấp công nhân cũng rất dễ hiểu. Rất ít người viết thạo, còn viết cho đúng chính tả thì ngay nhiều người "có học thức" cũng không làm nổi. Những trường học ngày chủ nhật của giáo hội quốc giáo Anh, của các giáo đồ tân giáo và của một số giáo phái khác nữa, nói chung không dạy tập viết, "bởi vì ngày chủ nhật mà làm việc đó thì trần tục quá". Mấy ví dụ rút trong "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" - điều không may là báo cáo này lại không nói đến bản thân nền công nghiệp công xưởng - sẽ chỉ rõ những cách giáo dục khác dành cho công nhân là như thế nào.

Grên-giơ, uỷ viên của tiểu ban nói: "ở Bớc-minh-hêm, nói chung những trẻ em mà tôi đã kiểm tra hoàn toàn không có một chút kiến thức gì có thể tạm gọi là có ích. Mặc dầu ở hầu hết các trường đều chỉ có giáo dục tôn giáo, nhưng ngay về phương diện ấy nói chung chúng rất dốt" - Hoóc-nơ, uỷ viên tiểu ban nói: "Ở Uôn-vơ-hêm-tơn, tôi đã gặp những trường hợp như thế này: một em gái 11 tuổi đã học trường học ban ngày và trường học ngày chủ nhật mà "chưa bao giờ được nghe nói đến một thế giới khác, đến thiên đường, đến cuộc sống ở thế giới bên kia". Một thiếu niên 17 tuổi, không biết hai lần hai là bao nhiêu, không biết trong hai pen-ni có mấy phác-thinh (1/4 của pen-ni), ngay cả khi người ta đặt tiền vào tay nó. Một vài em trai chưa bao giờ được nghe nói đến Luân Đôn, và cả đến Uyn-lân-hôn là một địa điểm chỉ cách Uôn-vơ-hêm-tơn một giờ đi đường và có giao thông thường xuyên với nơi này. Một vài em chưa bao giờ nghe đến tên nữ hoàng, hoặc tên những nhân vật như Nen-xơn. Oen-linh-tơn, Bô-na-pác-tơ. Nhưng điều đáng chú ý là chính những đứa trẻ chưa bao giờ nghe nói ngay cả đến sứ đồ Pôn, Mô-i-dơ hoặc Xa-lô-mông, lại biết rất rõ về cuộc đời, về hành vi và tính nết của tên cướp đường Đích Tớc-pin và nhất là của Giắc Si-pa, kẻ trộm đã lừng danh về vượt ngục" - "Một thiếu niên 16 tuổi không biết hai lần hai là bao nhiêu và bốn phác-thinh là bao nhiêu tiền; một thiếu niên khác 17 tuổi khẳng định rằng 10 phác-thinh là 10 nửa pen-ni, còn một cậu thứ ba cũng 17 tuổi, khi người ta hỏi mấy câu rất đơn giản thì chỉ trả lời gọn lỏn là "không biết gì cả" (he was, no judge o'nothin)"" (Hoóc-nơ, "Báo cáo", Phụ lục, phần thứ II, Q. 18, số 216, 217, 226, 233, v.v.).

Những thiếu niên ấy suốt trong bốn - năm năm bị người ta nhồi cho những giáo lý tôn giáo, rốt cục chẳng biết gì hơn lúc đầu.

Một đứa trẻ "theo học đều đặn trường học ngày chủ nhật trong năm năm, không biết Chúa Giê-su là ai, tuy đã từng nghe tên đó; nó chưa bao giờ nghe nói đến 12 vị sứ đồ cũng như đến Xăm-xơn, Mô-i-dơ và A-a-rơn, v.v." (Như trên, Văn kiện, tr. q.39, I. 33). Một đứa khác "đi học đều ở trường ngày chủ nhật trong sáu năm có biết Chúa Giê-su là ai, biết chúa đã chết trên thánh giá, rỏ máu mình" để chuộc tội cho Chúa cứu thế của chúng ta, "mà chưa bao giờ nghe nói đến thánh Pi-tơ, hoặc thánh Pôn" (Như trên, tr. q. 36, I.46). Đứa thứ ba "trong bảy năm đã học ở nhiều trường ngày chủ nhật khác nhau, chỉ có thể đọc được những chữ dễ, đơn âm trong những quyển sách mỏng; đã nghe nói đến 12 sứ đồ, nhưng không rõ Pi-tơ và Giôn có trong số đó không, nếu có thì chắc đó là thánh Giôn Oe-xli" (người sáng lập giáo phái khống luận), v.v. (Như trên, tr. q. 34, I.58). Khi đặt câu hỏi Chúa Giê-su là ai, Hoóc-nơ còn được trả lời như sau: "là A-đam": "đó là một sứ đồ"; "đó là con trai Chúa cứu thế (he was the Saviour's Lord's son)"; và một thiếu niên 16 tuổi còn nói: "đó là một ông vua ở Luân Đôn, từ thuở đã lâu, lâu lắm rồi" - ở Sép-phin-đơ, Uỷ viên tiểu ban Xai-mơn-xơ bắt học sinh các trường ngày chủ nhật đọc sách; chúng đều không thể kể lại được mình đã đọc những gì, và những sứ đồ mà chúng vừa đọc chuyện là người thế nào. Sau khi ông đã lần lượt hỏi tất cả về các sứ đồ và chẳng được câu trả lời nào đúng, một đứa trẻ có vẻ láu lỉnh kêu lên một cách quả quyết. "Thưa ông tôi biết, đó là những người hủi !" (Xai-mơn-xơ, "Báo cáo". Phụ lục, phần I, tr. E 22 và tr. tiếp theo).

Ở các khu vực làm đồ gốm và ở Lan-kê-sia; tình hình cũng như vậy.

Thế là chúng ta thấy được giai cấp tư sản và nhà nước đã làm gì để giáo dục và dạy bảo cho giai cấp công nhân. May thay, chính những điều kiện sinh sống của giai cấp này đã cấp cho họ một thứ giáo dục thực tiễn không những thay thế toàn bộ cái mớ đồ bỏ đi đem dạy ở nhà trường mà còn giải độc được những quan niệm tôn giáo nhảm nhí liền với mớ đồ ấy và thậm chí còn đặt những người công nhân lên hàng đầu của phong trào toàn dân tộc ở nước Anh. Sự cùng khốn dạy người ta cầu nguyện và - điều quan trọng hơn nhiều - dạy người ta suy nghĩ và hành động. Người công nhân Anh hầu như không biết đọc, và viết thì còn kém nữa, nhưng vẫn biết rất rõ lợi ích của bản thân và lợi ích của toàn dân tộc là thế nào; họ cũng biết lợi ích riêng của giai cấp tư sản là gì và họ có thể trông đợi được gì ở giai cấp ấy. Nếu họ không biết viết thì họ biết nói và nói trước công chúng; họ không biết số học, nhưng họ hiểu khá rõ những khái niệm về kinh tế chính trị học để có thể hiểu thấu chủ trương của một người tư sản tán thành bãi bỏ các thuế ngũ cốc, và đập lại hắn; họ không hiểu gì về những vấn đề trên trời mà các cha cố cố gắng dạy họ, nhưng về những vấn đề trần thế, chính trị và xã hội thì họ lại hiểu rõ ràng. Sau đây, chúng ta còn trở lại điểm này; bây giờ chúng ta chuyển sang những đặc điểm về đạo đức của người công nhân Anh.

Điều hoàn toàn rõ ràng là nền giáo dục đạo đức trong tất cả các trường học ở Anh bị gắn chặt với giáo dục tôn giáo, không thể đem lại kết quả tốt hơn giáo dục này. Những nguyên tắc đơn giản nhất điều tiết những quan hệ giữa người với người vốn đã bị những điều kiện xã hội hiện tồn tại và bị cuộc chiến tranh của mọi người chống lại mọi người làm cho rối loạn khác thường, những nguyên tắc ấy ắt phải hoàn toàn không rõ ràng và xa lạ đối với người công nhân không có học thức, khi người ta đem trộn lẫn chúng với những giáo lý tôn giáo không thể hiểu được và trình bày chúng dưới hình thức mệnh lệnh độc đoán, chẳng có cơ sở gì cả. Theo lời thừa nhận của mọi người có uy tín, nhất là của tiểu ban điều tra về lao động trẻ em thì các trường học hầu như không có gì ảnh hưởng gì đến đạo đức của giai cấp công nhân. Giai cấp tư sản Anh ích kỷ đến mức ngu xuẩn và thiển cận, thậm chí không muốn đem truyền cho công nhân cái đạo đức hiện đại, cái đạo đức mà họ đã tạo ra vì những lợi ích của chính họ và để bảo vệ cho bản thân họ ! Ngay việc chăm lo đến lợi ích của riêng bản thân mình ấy, giai cấp tư sản ươn hèn, lười biếng cũng cho là quá tốn kém và thừa. Chắc chắn là sẽ có lúc họ phải ân hận về việc này nhưng lúc ấy sẽ quá muộn. Dù sao thì giai cấp tư sản cũng không nên phàn nàn, nếu những người lao động không biết tí gì về đạo đức ấy và không tuân theo đạo đức ấy.

Như vậy là những người lao động, không những về mặt thể chất và trí tuệ, mà cả về mặt đạo đức đều bị giai cấp thống trị bỏ rơi, và phó mặc cho số mệnh. Lý lẽ duy nhất mà giai cấp tư sản dùng để chống lại công nhân khi công nhân tiến quá gần chúng, đó là pháp luật; dường như công nhân cũng là những súc vật không có lý tính, người ta chỉ dùng có một phương thức giáo dục đối với họ - đó là cái roi, một sức mạnh thô bạo không thể thuyết phục được mà chỉ để dọa nạt. Vì vậy không lấy gì làm lạ là những người công nhân bị đối xử như súc vật, nếu không thực sự trở thành giống như súc vật thì họ chỉ có thể giữ được ý thức và tình cảm xứng đáng với con người nhờ cái lòng căm thù sôi sục và nỗi phẫn khích bên trong không gì dập tắt được đối với giai cấp tư sản giàu có đang cầm quyền. Họ chỉ còn là con người chừng nào họ lòng đầy căm giận giai cấp thống trị, một khi họ ngoan ngoãn để cho người ta tròng ách lên cổ và chỉ tìm cách sống dễ chịu hơn đôi chút dưới cái ách đó mà không nghĩ đến cách bẻ gãy nó đi, thì họ lại biến thành súc vật.

Để giáo dục cho giai cấp công nhân, giai cấp tư sản chỉ làm được có thế thôi, và nếu chúng ta xét đến những điều kiện sinh sống của giai cấp công nhân về các mặt khác, thì chúng ta sẽ không thể  mảy may trách họ sao lại thù ghét giai cấp thống trị. - Giáo dục đạo đức, mà người công nhân không hấp thụ được trong nhà trường, họ cũng không thể hấp thụ được trong những điều kiện sinh hoạt khác, ít ra là cái giáo dục đạo đức theo con mắt của giai cấp tư sản còn có một giá trị nào đó. Toàn bộ tình cảnh của người lao động, toàn bộ hoàn cảnh xung quanh họ đều đẩy họ đến chỗ mất đạo đức. Họ nghèo, cuộc sống đối với họ không có chút gì thú vị, họ hầu như không được hưởng một chút thú vui nào, đối với họ, sự trừng trị của luật pháp cũng chả còn có gì đáng sợ, như vậy thì tại sao họ phải hạn chế những thèm muốn của mình ? Tại sao họ phải để cho bọn nhà giàu hưởng những của cải của chúng, mà lẽ ra phải chiếm lấy cho mình một phần những của cải ấy ? Người vô sản vì lý do gì mà không đi ăn cắp ? Khi nói đến "quyền tư hữu tài sản là thiêng liêng" thì giai cấp tư sản nghe rất hay, rất êm tai, nhưng đối với kẻ không có chút tài sản nào thì tính thiêng liêng ấy tự nó không còn nữa. Tiền bạc là thượng đế trên đời này. Nhà tư sản lấy mất tiền của người vô sản và như vậy thực tế đã làm cho anh ta trở thành người vô thần. Có gì là lạ khi thấy người vô sản trở nên vô thần và không tôn kính tính thiêng liêng và uy lực của thượng đế trên thế gian ! Và khi sự nghèo nàn của người vô sản tăng lên đến mức hoàn toàn thiếu những cái cần thiết nhất cho cuộc sống, đến mức phải ăn xin và nhịn đói, thì khuynh hướng coi thường tất cả mọi trật tự xã hội cũng tăng lên. Điều đó chính giai cấp tư sản đã biết chắc chắn. Xai-mơn-xơ nhật xét1) rằng sự nghèo khổ gây tác động phá hoại đối với tinh thần cũng như nghiện rượu đối với cơ thể, và hơn nữa, viên tỉnh trưởng A-li-xơn đã nói rất tường tận cho giai cấp có của biết sự áp bức xã hội phải mang lại những hậu quả gì cho công nhân2). Sự cùng khổ chỉ cho người lao động được lựa chọn: hoặc chết dần chết mòn vì đói, tự sát ngay, hoặc là lấy những thứ gì anh ta cần ở nơi nào có thể lấy được, nói trắng ra là ăn cắp. Và chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi thấy đa số thích ăn cắp hơn là chịu chết đói hoặc tự sát. Đương nhiên trong số những người lao động cũng có nhiều người đạo đức khá tốt, ngay khi bị dồn đến bước đường cùng vẫn không chịu ăn cắp, đó chính là những người chết đói hoặc tự sát. Tự sát ngày xưa là một đặc quyền đáng mơ ước của các giai cấp thượng đẳng, ngày nay đã thành cái mốt ngay cả trong những người vô sản ở Anh, và rất nhiều người nghèo tự sát để thoát nỗi khốn cùng mà họ không có cách nào khác để thoát khỏi.

Nhưng cuộc sống bấp bênh, kiếm ngày nào ăn ngày ấy, tóm lại, là tất cả những cái làm cho người công nhân Anh trở thành người vô sản, đã phá hoại đạo đức của họ nhiều hơn là sự nghèo khổ. Các tiểu nông ở nước Đức phần nhiều cũng nghèo và cũng thường thiếu thốn, nhưng ít lệ thuộc vào may rủi hơn, ít ra họ cũng vẫn còn có chút gì ổn định. Nhưng người vô sản hoàn toàn không có một cái gì ngoài hai cánh tay của mình, hôm qua kiếm được gì thì hôm nay ăn nấy, phụ thuộc vào đủ mọi điều may rủi, không có gì đảm bảo để họ có thể kiếm được tiền để thoả mãn những nhu cầu cấp bách nhất, - vì rằng mỗi cuộc khủng hoảng, mỗi sự thất thường của ông chủ đều có thể làm mất miếng bánh mì của họ, người vô sản đó bị đặt vào một tình cảnh đáng phẫn uất nhất và vô nhân đạo nhất mà con người có thể tưởng tượng được. Đời sống của người nô lệ, ít ra còn được bảo đảm vì lợi ích riêng của ông chủ; người nông nô dù sao cũng có một mảnh đất nuôi sống họ; cả hai ít ra cũng còn có sự bảo đảm khỏi chết đói; còn người vô sản thì chỉ có trông cậy vào bản thân họ mà đồng thời người ta lại không cho anh ta được dùng sức lực của mình để có thể hoàn toàn trông cậy vào sức lực ấy. Tất cả những cái mà người vô sản có thể tự làm được để cải thiện tình cảnh của mình chỉ là một giọt nước trong cái dòng thác may rủi mà anh ta phải lệ thuộc và không thể khống chế được chút nào. Anh ta là đối tượng thụ động của đủ mọi sự phối hợp và tập trung các cơ hội, và có thể coi là may mắn nếu còn sống qua quít được dù là trong ít lâu. Và hiển nhiên là tính tình và cách sống của anh ta đều do những cơ hội này quyết định: hoặc là anh phải cố sức giữ mình khỏi chìm xuống đáy dòng nước xoáy, cố sức cứu vãn nhân phẩm của mình, và muốn vậy thì chỉ có cách là phản kháng1) chống giai cấp tư sản, chống giai cấp đã bóc lột anh ta tàn nhẫn đến như vậy rồi phó mặc anh ta cho số mệnh, giai cấp muốn bắt anh ta vĩnh viễn phải ở trong tình cảnh không xứng đáng với con người; hoặc là anh ta từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại tình cảnh mà anh ta bị đặt vào, coi cuộc đấu tranh này là vô hiệu quả, và chỉ tìm cách lợi dụng trong chừng mực có thể được những thời cơ thuận lợi riêng biệt. Đối với anh ta, việc để dành không có tác dụng gì cả, bởi vì tiền mà anh ta có thể tích luỹ được nhiều lắm cũng chỉ đủ nuôi thân trong vài tuần mà khi anh ta bị thất nghiệp thì không phải chỉ trong vài tuần. Anh ta không thể giữ được tài sản trong một thời gian dài, và nếu giữ được thì tất nhiên anh sẽ không còn là một công nhân nữa và một người khác sẽ thay thế chỗ anh ta. Vậy thì khi kiếm được đồng lương kha khá, hỏi anh còn làm gì khác nữa, nếu không dùng để sống dễ chịu hơn ? Người tư sản Anh ngạc nhiên và tức giận vì thấy cuộc sống của người lao động "rộng rãi" trong thời kỳ kiếm được đồng lương cao. Cần biết rằng việc người ta hưởng thụ cuộc sống chừng nào có thể hưởng được không những là điều hoàn toàn tự nhiên, mà thậm chí còn hợp lý nữa, chứ không dành dụm, vì sự dành dụm chẳng đem lại lợi ích gì và rốt cục, lại bị mọt và rỉ, tức bọn tư sản, khoét mất. Nhưng lối sống như vậy khiến người ta truỵ lạc hơn bất cứ lối sống nào khác. Lời Các-lai-lơ nói về những công nhân công nghiệp kéo sợi cũng đúng cho tất cả công nhân công nghiệp Anh:

"Nghề nghiệp của họ luôn luôn như đánh bạc, hôm nay còn thịnh vượng, ngày mai lại rủi đen; họ sống như người đánh bạc: hôm nay xa hoa, nhưng ngày mai lại túng thiếu đói khổ. Một nỗi bất mãn u uất của người phản loạn nung nấu họ - đó là tình cảm đau khổ nhất chỉ có thể chứa trong lòng một người. Nền thương nghiệp Anh, với những thăng trầm của nó lan ra toàn thế giới, với thần Prô-tê - hơi nước không gì sánh nổi của nó đã làm cho mọi con đường đối với họ đều không chắc chắn, làm cho họ sa vào một vài vòng luẩn quẩn; những hạnh phúc bậc nhất của con người như tỉnh táo, cương nghị, yên tĩnh lâu dài, họ đều không có... Thế giới này đối với họ không phải là gia đình, mà là nơi ngục tù u ám, đầy những đau khổ, vô nghĩa lý và vô hiệu quả, đầy phẫn nộ, hằn học, oán hận đối với chính mình và đối với toàn thể loài người. Đó là một thế giới xanh tươi và đầy hoa nở do Thượng đế tạo ra và trị vì hay là một địa ngục âm u sôi sục, đầy hơi lưu toan và bụi bông, đầy tiếng huyên náo của những người say rượu, đầy phẫn nộ và khổ dịch do ma quỷ sáng tạo và trị vì ?"1)

Và tiếp đó, trang 40:

"Nếu sự bất công, sự phản bội chân lý, phản bội hiện thực và trật tự thế giới là tội ác thật sự duy nhất trên đời này, nếu nhận thức được rằng mình bị đối xử bất hợp lý và bất công là một thứ cảm giác duy nhất không chịu nổi, thì vấn đề lớn của chúng ta về tình cảnh của người lao động phải là: Tất cả những cái ấy có công bằng không? Và trước hết là: bản thân người công nhân có cho tình trạng ấy là công bằng không?... Lời nói của họ đã là câu trả lời khá rõ, hành động của họ lại càng rõ hơn... Sự phẫn nộ và cái khuynh hướng báo thù ác độc chống lại các giai cấp thượng đẳng ngày càng thâm nhập vào các giai cấp bên dưới: lòng tôn trọng đối với thế quyền, lòng tin tưởng ở những giáo huấn của thần quyền ngày càng giảm sút. Tâm trạng ấy có thể chê trách, có thể trừng phạt, nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của nó; mọi người đều cần phải thấy rằng đó là một hiện tượng đáng buồn và nếu tất cả vẫn như cũ, thì sẽ thành tai hại".

Về sự kiện, Các-lai-lơ nói rất đúng; ông ta chỉ sai lầm khi ông ta chê trách mối căm thù mãnh liệt của công nhân đối với những giai cấp thượng đẳng. Mối căm thù ấy, sự phẫn nộ ấy chứng tỏ rằng công nhân cảm thấy tình cảnh của họ là vô nhân đạo, rằng họ không cam chịu để bị đối xử như súc vật, rằng sẽ có lúc họtự giải phóng khỏi xiềng xích của giai cấp tư sản. Chúng ta có thể phán đoán điều ấy ở những công nhân không còn cảm thấy sự phẫn nộ đó nữa: một số người ngoan ngoãn tuân theo số mệnh, sống như những thường dân lương thiện, buông trôi theo dòng nước, không quan tâm đến những gì xảy ra trên cõi đời, giúp giai cấp tư sản rèn đúc những xiềng xích chắc chắn hơn trói buộc công nhân, về mặt tinh thần, họ vẫn ở tình trạng lặng lẽ như trong thời kỳ tiền công nghiệp; một số người khác thì mặc cho số mệnh trớ trêu, mất sự ổn định bên ngoài, sống ngày nào hay ngày ấy, uống rượu mạnh hoặc đi ve gái; trong cả hai trường hợp, họ đều là những con vật. Loại người thứ hai này đã góp phần nhiều nhất vào "sự truyền bá nhanh chóng tật xấu", mà giai cấp tư sản đa sầu đa cảm rất lấy làm tức tối sau khi chính mình đã tạo nên những nguyên nhân của nó.

Một nguyên nhân khác của sự truỵ lạc trong công nhân là tính cưỡng bức của lao động của họ. Nếu như hoạt động sản xuất tự nguyện là thú vui cao quý nhất trong những thú vui mà chúng ta hưởng được thì lao động dưới cái gậy lại là nỗi đau khổ nặng nề nhất, nhục nhã nhất. Không gì ghê sợ bằng ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối, bị ép phải làm những việc mình chán ghét! Những tình cảm con người trong người công nhân càng mạnh mẽ thì anh ta càng phải căm ghét công việc của mình, bởi vì anh ta cảm thấy công việc đó là cưỡng bách và không có mục đích gì đối với bản thân anh ta. Anh ta làm việc để làm gì? Vì yêu thích lao động sáng tạo chăng? Vì bản năng chăng? Quyết không phải. Anh ta làm việc vì đồng tiền, vì một vật không có liên quan gì đến bản thân của lao động; anh ta làm việc vì anh ta bị bắt buộc phải làm, hơn nữa, anh ta phải làm việc một cách đơn điệu mệt lử trong nhiều giờ liền đến nỗi chỉ riêng điểm ấy đã đủ làm cho lao động đối với anh trở thành một cực hình ngay từ những tuần đầu, nếu anh còn giữ được một chút tình cảm của con người. Sự phân công lao động còn làm tăng thêm nhiều lần tác dụng làm mụ người của lao động cưỡng bách. Trong đa số các ngành lao động, hoạt động của người công nhân chỉ hạn chế ở những động tác vụn vật và hoàn toàn cơ giới, từ phút này sang phút khác, từ năm này qua năm khác vẫn lắp đi lắp lại y nguyên không thay đổi gì1). Nếu một người từ thuở nhỏ mỗi ngày liền trong mười hai giờ hoặc hơn nữa chỉ làm đầu kim găm hoặc giũa những bánh xe răng cưa, đồng thời lại sống trong một tình cảnh như của người vô sản Anh thì đến khi ba mươi tuổi, anh ta còn giữ được bao nhiêu tình cảm và năng lực của con người. Tình hình ấy vẫn không thay đổi sau khi sử dụng động lực hơi nước và máy móc. Công việc của người công nhân được giảm nhẹ, bắp thịt không phải căng thẳng, bản thân lao động trở thành không đáng kể, nhưng ngược lại đơn điệu đến cực độ. Công việc không để cho người công nhân có được chút hoạt động tinh thần nào, lại luôn luôn bắt họ phải tập trung chú ý đến mức không được nghĩ đến cái gì khác nếu muốn làm được chu đáo. Lao động bắt buộc như thế chiếm hết mọi thì giờ của công nhân, ngoài thì giờ tối cần thiết để ăn và ngủ, không để cho anh ta một chút thì giờ rảnh nào để thở hít không khí trong lành và thưởng thức cái đẹp thiên nhiên, chưa nói đến hoạt động tinh thần, một thứ lao động như vậy làm sao không hạ con người xuống hàng súc vật? Thế là người công nhân lại phải chọn lấy một trong hai con đường: hoặc là phục tùng số phận, trở thành "người công nhân tốt", "trung thành" phục vụ lợi ích của người tư sản - và như vậy chắc chắn anh ta trở thành con vật không có lý tính - hoặc là phản kháng, đem hết sức bảo vệ nhân phẩm của mình, và họ chỉ có thể làm được thế trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản.

Tất cả những nguyên nhân ấy đã dẫn đến tình trạng truỵ lạc đạo đức nghiêm trọng trong giai cấp công nhân; ngoài ra lại còn có một nguyên nhân nữa làm cho tình trạng truỵ lạc càng lan rộng thêm và lên đến cực độ: đó là sự tập trung nhân khẩu. Các nhà văn tư sản Anh kêu gào điên dại về ảnh hưởng đồi phong bại tục của các thành phố lớn, những Giê-rê-mi ấy than vãn ngược đời không phải về cảnh huỷ hoại của thành phố, mà về cảnh phồn vinh của nó. Việc tỉnh trưởng A-li-xơn hầu như đổ tội tất cả cho nguyên nhân ấy, và bác sĩ Vô-ôn tác giả quyển sách "Thời đại các  thành phố lớn" lại còn kết tội nặng hơn thế nữa. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Những nguyên nhân khác có tác dụng phá hoại đến thân thể và tinh thần của người lao động đều liên quan hết sức mật thiết với quyền lợi của giai cấp có của. Nếu những tác giả ấy thừa nhận nguyên nhân chính là sự nghèo khổ, sự không tin ở ngày mai, lao động quá sức dưới cái gậy, thì mọi người, và ngay cả bản thân họ, sẽ phải tự bảo mình rằng: nếu thế thì chúng ta hãy cho người nghèo có tài sản, hãy bảo đảm phương tiện sinh sống cho họ, hãy ban hành những đạo luật chống lao động quá sức; nhưng đó là điều mà giai cấp tư sản không thể đồng ý được. Nhưng mà, những thành phố lớn cứ tự động phát triển, mọi người đến ở đấy cũng hoàn toàn do tự nguyện; không phải trong tức khắc đã có được kết luận cho rằng những thành phố lớn được tạo nên chỉ là do công nghiệp và do giai cấp tư sản dựa vào công nghiệp mà làm giàu, cho nên giai cấp thống trị càng dễ quy mọi tai ương cho cái nguyên nhân có vẻ như không thể loại trừ được ấy. Thật ra thì những thành phố lớn chỉ tạo ra những điều kiện làm cho các tội ác đã tồn tại từ trước dù sao cũng ở trạng thái manh nha được phát triển nhanh chóng và đầy đủ hơn mà thôi. A-li-xơn ít ra còn đủ nhân đạo để công nhận điều ấy: ông ta không thuộc loại tư sản công nghiệp - đảng viên Đảng tự do hoàn toàn thành thục, mà chỉ là một người tư sản - đảng viên đảng To-ri nửa thành thục cho nên mắt ông còn có lúc nhìn thấy được rõ những sự vật mà một người tư sản thực thụ hoàn toàn không nhìn thấy. Hãy nghe ông ta nói:

"Chính các thành phố lớn là nơi sức cám dỗ của những thói xấu và thói dâm đãng đã dăng đầy lưới bẫy, chính là nơi tội ác được khuyến khích bởi hy vọng sẽ không bị trừng phạt, còn tính lười biếng được khuyến khích phát triển bởi nhiều gương xấu. Chính tại đây, những trung tâm truỵ lạc lớn này, là nơi những kẻ hư hỏng, những phường vô lại trốn tránh cuộc sống giản dị ở nông thôn đã đến ở; chính ở đây chúng có thể tìm được những nạn nhân cho những hành động hèn hạ của chúng và những việc mạo hiểm của chúng sẽ được đền bù bằng sự kiếm chác dễ dàng. Ở đây đức hạnh bị vùi dập và dìm trong bóng tối, thói xấu vì khó bị khám phá nên nảy nở sum suê và lối sống phóng đãng được khuyến khích vì vừa với túi tiền. Người nào dạo chơi ban đêm trong khu phố Xanh-Gin, trong các phố chật hẹp, đông đúc ở Điu-blin, trong các khu phố nghèo ở Gla-xgô, thì người đó sẽ tìm thấy đủ bằng chứng để xác nhận những lời nói đó và sẽ phải ngạc nhiên không phải vì có nhiều mà là vì có ít tội ác như vậy ở trên đời... Nguyên nhân chủ yếu của sự truỵ lạc trong các thành phố lớn là sự tiêm nhiễm gương xấu, là sự cám dỗ của thói xấu khó mà chống lại được, khi nó ở ngay bên cạnh và khi thế hệ đang lớn lên hàng ngày đều tiếp xúc với nó. Eo ipso1* người giàu cũng chẳng hơn gì người nghèo: ở vào hoàn cảnh tương tự, họ cũng không chống nổi sự cám dỗ; điều không may đặc biệt của những người nghèo là ở khắp mọi nơi họ đều không thể không va chạm với sự mồi chài của thói xấu, với sự cám dỗ của những lạc thú bị cấm đoán... Quả là trong những thành phố lớn không thể giữ cho thế hệ đang lớn lên của giai cấp vô sản tránh được sự cám dỗ của thói xấu - đó là nguyên nhân của sự đồi bại đạo đức".

Sau khi đã mô tả nhiều về đạo đức, tác giả của chúng ta viết tiếp:

"Tất cả những cái đó không phải là hậu quả của sự sa đoạ tột độ nào, mà là do sức mạnh hầu như không cưỡng nổi của sự cám dỗ mà người nghèo phải chịu. Người giàu thường chê bai hạnh kiểm người nghèo, nhưng nếu chính họ chịu ảnh hưởng của những nguyên nhân ấy thì họ cũng sẽ bị sa ngã nhanh chóng không kém. Tới một mức độ nghèo cùng nào đó, trước sức mạnh cám dỗ như vậy người ta khó giữ vững được phẩm hạnh của mình, nhất là đối với tuổi thanh niên. Trong những trường hợp ấy, thói xấu lan truyền không sao tránh được và thường nhanh chóng như là bệnh truyền nhiễm của cơ thể".

Vẫn tác giả ấy viết ở một đoạn khác:

"Khi những giai cấp thượng đẳng, vì lợi ích của mình, tập trung đông đảo người lao động vào một nơi chật hẹp, thì sự truyền nhiễm thói xấu bắt đầu lan tràn nhanh chóng lạ thường và không thể tránh được. Xét trình độ tôn giáo và đạo đức của những đại biểu của các giai cấp bên dưới thì nhiều khi họ ít đáng chê trách về chỗ bị cám dỗ, cũng như ít đáng chê trách về chỗ đã trở thành nạn nhân của bệnh thương hàn"1).

Nhưng thế là đủ ! A-li-xơn, con người nửa–tư sản, dù quan điểm bị hạn chế, cũng đã vạch cho ta thấy những hậu quả tai hại của những thành phố đối với sự phát triển đạo đức của người lao động. Một tác giả khác, bác sĩ En-đriu I-u-rơ2), một nhà tư sản thực thụ, là linh hồn của Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc, cho ta thấy một khía cạnh khác của những hậu quả ấy. Ông cho biết là đời sống ở các thành phố lớn làm cho các mưu đồ làm loạn nảy nở dễ dàng trong công nhân và giúp cho đám bình dân có sức mạnh. Theo ý ông ta, nếu không giáo dục người lao động một cách thích đáng (tức là phục tùng giai cấp tư sản) thì họ sẽ nhìn nhận sự vật một cách phiến diện, theo quan điểm ích kỷ ác độc và dễ nghe theo lời xúi giục của bọn mị dân giảo quyệt; họ lại còn có thể có thái độ ghen ghét và thù hằn đối với những vị ân nhân tốt nhất của họ là những nhà tư bản đạm bạc và tháo vát; chỉ có một nền giáo dục đúng đắn mới cứu vãn nổi tình hình ấy, nếu không, sẽ xảy ra sự phá sản của dân tộc và nhiều tai hoạ khác, bởi vì không thể nào tránh được cuộc cách mạng của công nhân.

Nhà tư sản của chúng ta lo sợ là phải. Nếu sự tập trung dân số làm cho giai cấp có của phồn vinh và phát triển gấp bội, thì nó còn có ảnh hưởng lớn hơn đối với sự phát triển của công nhân. Công nhân bắt đầu cảm thấy mình - về toàn thể - là một giai cấp; họ đã hiểu được rằng đứng riêng lẻ thì họ yếu, nhưng liên hợp lại thì thành một lực lượng; điều này đã giúp cho họ tách ra khỏi giai cấp tư sản và giúp cho những quan niệm về tư tưởng độc lập, đặc trưng cho công nhân và cho hoàn cảnh sinh sống của họ được hình thành; họ bắt đầu hiểu về địa vị bị áp bức của mình và công nhận có tầm quan trọng về mặt xã hội và chính trị. Các thành phố lớn là nơi bắt nguồn của phong trào công nhân: nơi đây công nhân lần đầu tiên đã bắt đầu suy nghĩ về tình cảnh của mình và đấu tranh để thay đổi nó, nơi đây sự đối lập về lợi ích giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản lần đầu đã biểu lộ ra, nơi đây những liên đoàn lao động, phong trào Hiến chương và chủ nghĩa xã hội đã ra đời. Bệnh tật của cơ thể xã hội vốn là mãn tính ở nông thôn, đã chuyển sang trạng thái cấp tính ở các thành phố lớn, và nhờ đó mà phát hiện được thực chất của căn bệnh và tìm ra được phương pháp cứu chữa. Nếu không có các thành phố lớn, nếu không có sự thúc đẩy của chúng đối với sự phát triển ý thức xã hội thì công nhân còn xa mới được tiến bộ như ngày nay. Hơn nữa, các thành phố lớn còn xoá bỏ những tàn tích cuối cùng của quan hệ gia trưởng giữa thợ và chủ, nền đại công nghiệp cũng đã góp phần vào việc này bằng cách làm tăng số lượng công nhân phụ thuộc vào một người tư sản. Giai cấp tư sản tiếc rẻ điều đó cũng hoàn toàn có căn cứ: vì rằng những quan hệ trước kia hầu như đã đảm bảo cho họ tránh được sự phản kháng của công nhân. Người tư sản đã mặc sức bóc lột và đè nén công nhân của mình bao nhiêu là tuỳ thích và thêm vào đó còn có thể hy vọng những người chất phác ấy phục tùng, biết ơn và yêu mến hắn, nếu ngoài việc trả lương, hắn còn tỏ ra ân cần đôi chút - mà làm như vậy hắn chẳng mất gì - hoặc nếu hắn thực hiện vài điều nhân nhượng không đáng kể dường như là hoàn toàn do lòng tốt đặc biệt của hắn, mặc dầu, tất cả những cái ấy chưa đáng một phần mười cái mà hắn phải làm. Thật ra, với tư cách một cá nhân riêng lẻ đặt trong hoàn cảnh không do mình tạo nên, có lẽ hắn cũng đã thực hiện một phần nào nghĩa vụ của mình; nhưng với tư cách là một thành viên của giai cấp cầm quyền, và do chỗ hắn là kẻ cầm quyền mà phải nhận thấy trách nhiệm về tình cảnh của toàn dân tộc và phải có nghĩa vụ quan tâm đến lợi ích chung thì người tư sản chẳng làm được việc gì mà tình cảnh đó buộc hắn phải làm, vả lại hắn còn bóc lột thêm nhiều hơn nữa toàn bộ dân tộc vì lợi ích riêng của hắn. Trong quan hệ gia trưởng che đậy địa vị nô lệ của người thợ một cách giả nhân giả nghĩa, người công nhân chỉ có thể là một người dân tầm thường, đã chết về mặt tinh thần, không hiểu biết về lợi ích của bản thân mình. Chỉ tới lúc xảy ra sự xa cách giữa anh ta và chủ, lúc đó rõ ràng là người chủ chỉ liên hệ với anh ta vì lợi ích riêng, vì theo đuổi lợi nhuận, lúc những quan hệ thân ái giả tạo đó không chịu đựng được chút thử thách nào, đã hoàn toàn biến mất, chỉ có lúc đó người công nhân mới bắt đầu nhận thức được về địa vị và lợi ích của mình và bắt đầu phát triển độc lập, chỉ có lúc đó về tư tưởng, về tình cảm và về nguyện vọng anh mới thôi đi theo giai cấp tư sản một cách nô lệ. Và có được kết quả này, chủ yếu là nhờ có nền đại công nghiệp và các thành phố lớn.

Một yếu tố khác đã có ảnh hưởng quan trọng tới tình hình của công nhân Anh là sự nhập cư của công nhân Ai-rơ-len mà chúng ta đã nói tới ý nghĩa của nó về mặt ấy. Sự nhập cư này, một mặt, như ta đã thấy, quả thật đã hạ thấp trình độ công nhân Anh, đã làm cho công nhân Anh xa lìa văn hoá và làm cho tình cảnh của họ thêm xấu đi, nhưng ngược lại, mặt khác nó đã đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, và do đó đã đẩy mạnh thêm cuộc khủng hoảng đang tới gần. Vấn đề là ở chỗ, căn bệnh xã hội mà nước Anh mắc phải quả thực cũng có tiến trình giống như bệnh tật của một cơ thể sống; nó phát triển theo một quy luật nhất định và có những cơn nguy kịch mà cơn cuối cùng và nặng nhất quyết định số mệnh của con bệnh. Và bởi vì dân tộc Anh không thể tiêu vong trong cơn nguy kịch cuối cùng ấy, mà ngược lại phải thoát khỏi, phục hưng và đổi mới, cho nên chỉ có thể vui mừng trước mọi sự việc làm cho tiến trình của căn bệnh ấy nguy kịch thêm. Ngoài ra sự nhập cư của người Ai-rơ-len còn góp phần vào việc này bằng cách đem vào Anh và truyền vào giai cấp công nhân Anh cái tính tình hăng say, sôi nổi của người Ai-rơ-len. Giữa người Ai-rơ-len và người Anh khác nhau về nhiều mặt, cũng như giữa người Pháp và người Đức vậy; sự tiếp xúc giữa người Ai-rơ-len có tính tình bồng bột hơn, dễ xúc động và nóng nảy hơn với người Anh có tính tình điềm đạm, tự chủ được, biết suy tính đắn đo, rốt cuộc chỉ có thể có lợi cho cả đôi bên. Tính ích kỷ tàn nhẫn cố hữu của giai cấp tư sản Anh sẽ còn được duy trì lâu hơn nhiều cả trong giai cấp công nhân, nếu như tính đó không pha trộn tính hào hiệp có thể đi đến sự hy sinh quên mình mà tính hào hiệp này trước hết là xuất phát từ tình cảm của người Ai-rơ-len, và nếu tính lãnh đạm, thuần tuý lý tính của người Anh không bị giảm đi một mặt bởi sự pha trộn dòng máu Ai-rơ-len và mặt khác bởi sự tiếp xúc thường xuyên với người Ai-rơ-len.

Sau khi đã biết tất cả những điều nói trên, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên rằng giai cấp công nhân Anh dần dần trở thành một dân tộc khác hẳn với giai cấp tư sản Anh. Giai cấp tư sản có những điểm giống nhau với tất cả các dân tộc khác trên trái đất nhiều hơn là với những người công nhân cùng sống ngay bên cạnh nó. Công nhân nói một thổ ngữ khác, có những tư tưởng và quan niệm khác, có những phong tục và nguyên tắc đạo đức khác, có tôn giáo và đường lối chính trị khác, so với giai cấp tư sản. Đó là hai dân tộc hoàn toàn khác nhau, khác biệt nhau như là thuộc hai chủng tộc khác nhau; tới nay, trên lục địa, chúng ta mới biết một trong hai dân tộc ấy: giai cấp tư sản. Nhưng trong khi đó chính một dân tộc khác, gồm những người vô sản, lại quan trọng hơn nhiều cho tương lai nước Anh1)

Sau này chúng ta sẽ còn nói về tính cách xã hội của công nhân Anh trong chừng mực nó biểu hiện ở những đoàn thể và những quan điểm chính trị của họ. Ở đây chúng ta chỉ muốn bàn tới những hậu quả của những nguyên nhân vừa kể trên trong chừng mực những hậu quả ấy có ảnh hưởng đến phẩm cách cá nhân của người công nhân. - Trong đời sống hàng ngày, người công nhân nhân từ hơn người tư sản rất nhiều. Tôi đã nói ở trên là những người ăn mày thường chỉ cầu xin công nhân và nói chung công nhân đã cứu giúp người nghèo nhiều hơn giai cấp tư sản. Sự thật đó mà người ta có thể kiểm nghiệm hàng ngày cũng đã được nhiều người xác nhận, trong đó có thày tu Pác-kin-xơn ở Man-se-xtơ. Ông nói như sau:

"Người nghèo cho nhau nhiều hơn là người giàu cho người nghèo. Để chứng minh lời nói của tôi, tôi có thể viện dẫn một trong những thày thuốc nhiều tuổi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất, giỏi quan sát nhất và nhân đạo nhất của chúng ta, bác sĩ Bác-đơ-xli. Ông đã công khai tuyên bố là toàn bộ số tiền người nghèo cho nhau hàng năm lớn hơn số tiền người giàu cho người nghèo trong cùng một thời gian ấy"2).

Lòng nhân đạo của công nhân còn thể hiện ở nhiều hình thức khác làm cho người ta rất vui thích. Chính bản thân họ cũng đã từng chịu đựng số phận ngặt nghèo cho nên họ biết cảm thông với những người khổ cực. Đối với họ thì người nào cũng là người, còn đối với người tư sản thì người công nhân chưa hoàn toàn là con người. Vì thế cho nên người công nhân nhã nhặn hơn, ân cần hơn và mặc dầu họ túng tiền hơn giai cấp có của, họ cũng vẫn không hám tiền bằng; đối với họ, giá trị của tiền bạc là ở chỗ nó mua được cái gì, con đối với người tư sản thì tiền có một giá trị cố hữu đặc biệt, một giá trị thần thánh và làm cho người tư sản trở thành "người kiếm chác tiền" nhuốc nhơ, ti tiện. Người công nhân không hề có tư tưởng sùng bái đồng tiền, không tham lam như người tư sản là kẻ sẵn sàng làm bất cứ cái gì để kiếm chác được nhiều tiền hơn, kẻ chỉ có mỗi mục đích trong đời là làm đầy thêm túi tiền của mình. Vì thế cho nên so với người tư sản, người công nhân ít thiên kiến hơn nhiều, dễ tiếp thu hiện thực hơn nhiều, và không nhìn mọi sự vật qua lăng kính lợi ích cá nhân. Sự giáo dục thiếu sót làm cho anh ta tránh khỏi những thiên kiến tôn giáo; vì không hiểu gì về những vấn đề tôn giáo nên anh ta chẳng phải nghĩ nát óc về những vấn đề ấy, anh ta rất xa lạ với thứ cuồng tín mà người tư sản mắc phải, nếu anh có theo đạo thì chỉ trên lời nói, thậm chí cũng không phải là trong lĩnh vực lý luận; trên thực tế, người công nhân chỉ sống vì những lợi ích thế tục và mong được khá hơn một chút trong thế giới này. Tất cả những văn sĩ tư sản đều nhất trí là công nhân không có tôn giáo và không đi nhà thờ. Chỉ riêng có người Ai-rơ-len, một ít người có tuổi và người nửa - tư sản: cai, thợ và những người tương tự, là ngoại lệ. Còn đại bộ phận thì hầu hết chẳng quan tâm gì đến tôn giáo; nhiều lắm cũng chỉ có thể thấy một chút màu sắc tự nhiên hoặc qua nỗi lo sợ không căn cứ trước những từ ngữ như infidel (kẻ vô đạo) hoặc kẻ vô thần. Giới tu hành của mọi phái đều bị công nhân rất coi khinh, tuy họ chỉ mới vừa bị mất ảnh hưởng đối với công nhân, nhưng ngày nay có tình hình là chỉ gọi gọn lỏn: he is a parson ! - nó là cố đạo đấy ! - thường đã đủ để đuổi một giáo sĩ ra khỏi diễn đàn những cuộc hội họp công cộng. Sự thiếu sót về giáo dục tôn giáo và về các mặt giáo dục khác, cũng như bản thân những điều kiện sinh sống, đã làm cho người công nhân khách quan hơn, ít bị ràng buộc hơn bởi những thành kiến và những nguyên tắc cũ rích, cố định, so với người tư sản. Người tư sản ngụp đầu trong những thành kiến giai cấp những nguyên tắc hắn được nhồi nhét từ thuở nhỏ; đối với hắn thì không thể làm khác được; ngay cả khi mang cái vỏ tự do, thực chất hắn vẫn là bảo thủ; lợi ích của hắn gắn liền với chế độ hiện hành và đối với mọi trào lưu tiến bộ, hắn là người đã chết. Hắn không còn đứng ở hàng đầu sự phát triển lịch sử, và những người công nhân thay thế hắn ở chỗ ấy, thoạt đầu chỉ là về mặt quyền hạn và sau này là trên thực tế.

Tất cả những điều ấy cùng với hoạt động xã hội nảy sinh từ đó của công nhân - hoạt động ấy chúng ta sẽ nói đến ở dưới - tạo nên mặt tích cực trong tính cách của giai cấp này; mặt tiêu cực có thể phác ra trên những nét chung và nẩy sinh một cách cũng hoàn toàn tự nhiên từ những nguyên nhân nói ở trên. Rượu chè, phóng đãng về mặt tình dục, thô bạo và thiếu tôn trọng quyền sở hữu, - đó là những tội chính mà người tư sản buộc cho công nhân. Công nhân uống rượu nhiều là điều hoàn toàn tự nhiên. Viên tỉnh trưởng A-li-xơn đã xác nhận rằng ở Gla-xgô mỗi tối thứ bảy, có trên ba vạn công nhân say rượu và con số ấy chắc không phải là phóng đại; cũng ở thành phố đó, trong năm 1830 cứ mười hai nhà, và trong năm 1840, cứ mười nhà có một quán rượu; ở Xcốt-len năm 1823 đã đánh thuế tiêu thụ vào 2 300 000 ga-lông rượu, và năm 1837 vào 6 620 000 ga-lông; ở Anh năm 1823 vào 1 976 000 ga-lông và năm 1837 vào 7 875 000 ga-lông1). Đạo luật về rượu bia ban hành năm 1830 đã làm cho những quán gọi  là jerry-shop bán rượu bia uống tại chỗ, dễ dàng mọc lên khắp nơi; cũng làm cho nạn say rượu lan rộng ra thêm, bởi vì gần như tại cổng mỗi nhà đều có quán bán rượu. Hầu như ở phố nào cũng có vài quán bán rượu bia như vậy, và ở ngoại ô, nơi nào có hai ba nhà liền nhau thì chắc chắn có một nhà là jerry-shop. Ngoài ra còn có nhiều hush-shops, tức là những quán bán rượu bí mật, lén lút bán không có giấy phép, và ở ngay trung tâm các thành phố lớn, trong các khu phố hẻo lánh, ít khi bị cảnh sát kiểm soát, có nhiều nơi cất trộm rượu mạnh, sản xuất rất nhiều rượu. Ga-xken, trong tác phẩm dẫn ở trên, đã ước tính là riêng ở Man-se-xtơ có tới trên một trăm nơi cất rượu mạnh như vậy sản xuất hàng năm ít ra là 156 000 ga-lông. Ngoài ra, ở Man-se-xtơ còn có trên một nghìn quán rượu, như vậy thì, tính theo tỷ lệ với số nhà cửa, ít ra cũng bằng ở Gla-xgô. Trong tất cả các thành phố lớn khác, tình hình cũng y như vậy. Chưa nói gì đến những hậu quả thường thấy của tệ nghiện rượu, nếu chỉ chú ý đến một điều là ở những nơi đó, đàn ông, đàn bà đủ mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ con, thường có cả những bà mẹ bồng con, tiếp xúc với những nạn nhân sa đọa  nhất của chế độ tư sản - bọn kẻ cắp, bịp bợm, gái điếm -, nếu chỉ nhớ lại nhiều bà mẹ cho trẻ thơ còn bồng trên tay uống rượu thì chắc cũng chẳng có ai chối cãi là các nơi đó đã làm bại hoại đạo đức những khách hàng của nó. Nhất là tối thứ bảy, lương đã lĩnh rồi, tan tầm cũng sớm hơn ngày thường một chút, toàn thể giai cấp công nhân từ các khu nhà ổ chuột của họ đã đổ ra các phố chính, thì có thể nhìn thấy tất cả cái thô bạo của tệ nghiện rượu. Ở Man-se-xtơ những tối đó, ít khi tôi ra đường mà lại không gặp rất nhiều người say rượu đi chệnh choạng hoặc ngã gục trong các rãnh nước. Tối chủ nhật, cảnh tượng giống như vậy là thường diễn ra, chỉ có khác là bớt ầm ĩ hơn. Và khi đã tiêu hết tiền, người nghiện rượu chạy tới nhà cầm đồ gần nhất - mỗi thành phố lớn đều có nhiều nhà cầm đồ như vậy, ở Man-se-xtơ có tới trên sáu mươi nhà, và riêng một phố ở Xôn-phoóc (phố Se-pen) đã có từ mười đến mười hai nhà - cầm cố tất cả những gì còn lại. Đồ đạc, quần áo ngày lễ nếu có, bát đĩa, cứ đến thứ bảy là một số lượng lớn những thứ đó được chuộc lại để rồi, trước ngày thứ tư sau, hầu hết lại trở lại đấy, cho tới lúc xảy ra chuyện bất ngờ nào đó làm cho người nghiện rượu không thể chuộc lại được nữa và hết vật này tới vật khác rơi vào tay người cho vay nặng lãi hoặc cho tới lúc người cầm đồ không còn chịu bỏ một đồng nào để cầm những đồ cũ nát, vô dụng. Người nào đã chính mắt mình nhìn thấy tệ nghiện rượu lan tràn trong công nhân Anh, thì sẽ dễ tin lời huân tước E-sli1) nói rằng công nhân đã tiêu hàng năm hai mươi lăm triệu pao xtéc-linh để uống rượu. Rất dễ hình dung được tệ nghiện rượu đã làm cho tình cảnh vật chất của công nhân sút kém bao nhiêu, đã có ảnh hưởng phá hoại đối với sức khoẻ về thể xác và tinh thần của họ, đã làm cho những quan hệ gia đình trở nên bất hoà đến như thế nào. Thật ra các hội chống nghiện rượu có hoạt động nhiều, nhưng vài nghìn "Teatotallers"1* thì có nghĩa lý gì so với hàng triệu công nhân ? Khi cha Ma-thiu, nhà tuyên truyền chống nghiện rượu người Ai-rơ-len, đi khắp các thành phố Anh, thì đã có từ ba vạn tới sáu vạn công nhân xin "pledge" (thề) nhưng chưa đầy một tháng sau, đa số những người ấy đã quên lời thề. Nếu cộng xem có bao nhiêu người ở Man-se-xtơ trong ba, bốn năm gần đây đã xin thề bỏ rượu như thế sẽ được một con số lớn hơn số dân của thành phố ấy, nhưng vẫn không thấy tệ nghiện rượu giảm đi đáng kể.

Một thói xấu lớn khác của nhiều công nhân Anh bên cạnh thói rượu chè vô độ, là tính dâm đãng trong quan hệ nam nữ. Và thói xấu ấy sản sinh với tính tất yếu sắt đá, không sao tránh khỏi từ trong tình cảnh chung của giai cấp ấy bị xã hội bỏ mặc cho tự liệu lấy mình, nhưng lại thiếu hẳn những phương tiện cần thiết để sử dụng thích đáng tự do của họ. Giai cấp tư sản đã bắt họ chịu đựng nhiều lao động nặng nhọc và đau khổ, chỉ dành cho họ có hai thú vui ấy. Vì vậy, công nhân đã dốc toàn bộ nhiệt tình vào hai thú vui ấy, đã truy hoan vô độ và hỗn loạn, để ít ra cũng được hưởng chút gì của cuộc sống. Khi con người bị đặt vào một hoàn cảnh chỉ đáng dành cho súc vật, không hơn tý nào, thì họ chỉ còn có cách hoặc là vùng lên phản kháng hoặc là thực sự trở thành súc vật. Và, hơn nữa, nếu lại chính giai cấp tư sản, ngay cả những vị đại diện có đức hạnh đáng kính của giai cấp ấy, đã trực tiếp góp phần làm cho nạn mãi dâm phát triển ? Trong số bốn vạn gái điếm, tối tối đứng đầy các phố ở Luân Đôn1) có bao nhiêu người sống nhờ vào giai cấp tư sản đức hạnh ? Có bao nhiêu người đã cám ơn kẻ quyến rũ họ lần đầu tiên là người tư sản về chỗ ngày nay phải bán thân cho mỗi khách qua đường, để khỏi phải chết đói ? Chính giai cấp tư sản lại càng ít có quyền trách cứ công nhân về thói dâm ô truỵ lạc, điều đó chẳng rõ ràng hay sao ?

Nói chung, tất cả những lời trách cứ công nhân đều quy vào tội hưởng lạc vô độ, thiếu lo xa và thiếu tôn trọng trật tự hiện hành của xã hội, tóm lại là thiếu khả năng biết hy sinh những lạc thú trước mắt cho những lợi ích xa xôi hơn. Nhưng như thế có gì là lạ ? Liệu một giai cấp gồm những người làm lụng cực nhọc mà chỉ được hưởng thụ một phần rất ít và chỉ toàn những thú vui về thể xác, có thể nào không mù quáng và đắm đuối lao vào các thú vui đó chăng ? Nếu chẳng hề có ai chăm lo đến việc giáo dục giai cấp ấy, nếu số phận của những thành viên riêng lẻ của giai cấp ấy tuỳ thuộc vào những điều may rủi muôn hình muôn vẻ, nếu họ không thể tin được ở ngày mai, thì vì lý gì, vì lợi lộc gì mà họ phải lo xa, phải sống cuộc đời "đúng đắn" và hy sinh những thú vui trước mắt cho những thú vui tương lai, cái thú vui mà thực ra đối với họ chưa có gì đảm bảo trong cái hoàn cảnh thiếu ổn định, luôn luôn bấp bênh ? Đòi hỏi một giai cấp đã phải chịu đựng tất cả những nỗi thiệt thòi của trật tự xã hội hiện tại và không được hưởng một chút lợi ích gì của trật tư ấy, đòi hỏi một giai cấp đã bị trật tự xã hội đối xử một cách thù hằn, phải tôn trọng trật tự ấy, thì thật là thái quá ! Nhưng một khi trật tự xã hội ấy còn tồn tại, thì giai cấp công nhân không thể tránh được nó, và nếu có một công nhân cá biệt nào nổi lên chống lại thì chính anh ta sẽ vì vậy mà phải chịu đựng tai hoạ lớn nhất. Chính vậy, trật tự xã hội đã làm cho công nhân hầu như không thể coi đời sống gia đình. Trong một gian nhà bẩn thỉu nhớp nháp, thậm chí chưa đáng làm chỗ ngủ, đồ đạc tồi tàn, thường không che nổi mưa gió, không được sưởi ấm, thiếu không khí và quá đông người ở, không thể có hạnh phúc gia đình được. Người chồng làm việc cả ngày, người vợ và các con lớn thường cũng như vậy, tất cả đều làm ở những địa điểm khác nhau, chỉ gặp nhau sáng sớm và buổi tối, thêm nữa, lại luôn luôn bị rượu chè lôi cuốn - trong hoàn cảnh như vậy, đời sống gia đình sẽ ra sao ? Nhưng người công nhân lại không thể tách khỏi gia đình, anh ta phải sống trong gia đình, do đó thường xuyên xảy ra bất hoà và cãi cọ trong nhà gây nên ảnh hưởng rất đồi bại không những đối với bản thân vợ chồng mà đặc biệt là đối với con cái. Lơ là mọi bổn phận gia đình, - đặc biệt là những bổn phận đối với con cái, - là một hiện tượng rất phổ biến trong công nhân Anh và chủ yếu là do chế độ xã hội hiện hành gây ra. Ấy thế mà người ta lại còn muốn rằng những đứa trẻ không ai dạy dỗ, lớn lên trong cảnh truỵ lạc mà chính cha mẹ chúng cũng thường rơi vào, về sau này trở nên những người có đạo đức tốt ! Những yêu cầu mà người tư sản tự mãn đặt ra cho công nhân quả thật quá ngây thơ !

Biểu hiện rõ rệt nhất, cực đoan nhất của sự coi thường trật tự xã hội là việc phạm tội. Nếu những nguyên nhân làm bại hoại đạo đức của công nhân, tác động mạnh hơn, tập trung hơn lúc thường, thì người công nhân ắt sẽ phạm tội ác cũng như nước đun tới 800 Rê-ô-muya chắc chắn sẽ chuyển từ thể lỏng sang thể khí. Do cách đối xử thô bạo làm ngu muội con người của giai cấp tư sản, người công nhân cũng trở thành một vật không có ý chí của mình như là nước và tất yếu cũng phải chịu sự chi phối của những quy luật tự nhiên y như vậy tới một lúc nào đó anh ta sẽ mất mọi tự do hành động. Vì vậy, số tội phạm ở Anh tăng lên đồng thời với số người vô sản và dân tộc Anh trở thành dân tộc có nhiều tội phạm nhất thế giới. Qua "những bảng thống kê tội trạng" do Bộ nội vụ công bố hàng năm, ta thấy số tội phạm ở Anh tăng nhanh một cách không thể tưởng được. Số vụ bắt giam về tội hình riêng ở Anh và Oen-xơ đã là:

Năm

1805

  4605

-

1810

  5146

-

1815

  7898

-

1820

13710

-

1825

14437

-

1830

18107

-

1835

20731

-

1840

27187

-

1841

27760

-

1842

31309

Nói cách khác, trong 37 năm, số vụ bắt giam đã tăng lên bảy lần. Trong số vụ bắt giam năm 1842, riêng ở Lan-kê-sia có tới 4 497 vụ, tức là quá 14 phần trăm và ở khu Mít-đơn-xếch (bao gồm cả Luân Đôn) tới 4 049 vụ, tức là trên 13 phần trăm. Như vậy, ta thấy rằng chỉ riêng hai khu vực có những thành phố lớn với đông đảo dân vô sản đã có tới trên một phần tư tổng số vụ phạm tội của cả nước, tuy rằng dân số ở đó còn xa mới bằng một phần tư tổng số dân cả nước. Qua các bản thống kê tội trạng, còn có thể thấy rõ là phần lớn các vụ phạm tội rơi vào giai cấp vô sản: năm 1842, 32,35 phần trăm số tội nhân hoàn toàn không biết đọc, biết viết; 58,82 phần trăm biết võ vẽ chút ít; 6,77 phần trăm đọc, viết khá; 0,22 phần trăm được học cao, còn 2,34 phần trăm thì không xác định được trình độ học vấn như thế nào. Ở Xcốt-len, số vụ phạm tội còn tăng nhanh hơn nữa; năm 1837, đã có 3 176 vụ và năm 1842, 4 189 vụ. Ở La-nác-sia - chính viên tỉnh trưởng A-li-xơn  đã làm báo cáo chính thức về vấn đề này - trong ba mươi năm dân số tăng gấp đôi, còn số vụ phạm tội thì cứ năm năm rưỡi lại tăng gấp đôi, như vậy là số tội phạm tăng nhanh hơn số dân tới sáu lần. - Phần lớn các vụ phạm tội, như ở tất cả các nước văn minh khác, là tội vi phạm quyền sở hữu, tức là những tội do thiếu thốn cái này, cái khác mà sinh ra, bởi vì chẳng ai đi ăn cắp cái mà mình đã có. Tỷ lệ giữa số tội vi phạm quyền sở hữu với số dân là 1/7 140 ở Hà Lan, 1/1 804 ở Pháp, còn ở Anh, vào khoảng thời kỳ Ga-xken viết cuốn sách của ông, là 1/799. Tỷ lệ giữa số tội hành hung người với số dân ở Hà Lan 1/28 904, ở Pháp là 1/17 573 và ở Anh là 1/23 395; tỷ lệ giữa tất cả các vụ phạm tội nói chung với số dân trong các khu nông nghiệp là 1/1 043 và trong các khu công xưởng là 1/8401); hiện nay, trong toàn nước Anh, tỷ lệ đó gần tới 1/6602), ấy là từ khi quyển sách của Ga-xken xuất bản cho tới nay mới chưa quá mười năm !

Những sự kiện ấy thật đã thừa đủ để buộc mỗi người, kể cả người tư sản nữa, phải suy nghĩ về những hậu quả của một tình trạng như vậy. Nếu sự suy đồi về đạo đức và sự phạm tội lại cứ tăng lên theo tỷ lệ như vậy trong vòng hai mươi năm nữa, - nếu trong khoảng hai mươi năm này nền công nghiệp Anh lại sút kém so với những năm về trước, thì số vụ phạm tội sẽ chỉ có tăng mà thôi, - thì kết quả sẽ đưa đến đâu? Ngay từ bây giờ chúng ta đã thấy xã hội hoàn toàn mục nát, ngay từ bây giờ chúng ta đã không thể giở một tờ báo nào mà không thấy những ví dụ rõ rệt nhất về sự lỏng lẻo của mọi quan hệ xã hội. Trong đống báo Anh để ở trước mắt, tôi chẳng lựa chọn gì, rút ra một số. Đây là tờ "Manchester Guardian" số ra ngày 30 tháng Mười 1844 đăng tin tức của ba ngày. Tờ báo đã không buồn cung cấp tỉ mỉ tin tức về Man-se-xtơ mà chỉ chọn những tin hấp dẫn nhất: trong một nhà máy, công nhân đã bãi công để đòi tăng lương nhưng viên thẩm phán hoà giải đã bắt họ trở lại làm việc; ở Xôn-phoóc có vài đứa trẻ đi ăn cắp, và một thương nhân vỡ nợ đã tìm cách lừa đảo chủ nợ. Có những tin tức tỉ mỉ hơn về các thành phố lân cận; ở A-stơn có hai vụ trộm thường, một vụ trộm phá cửa vào và một vụ tự sát; ở Bơ-ry có một vụ ăn cắp; ở Bôn-tơn có hai vụ ăn cắp và một vụ lậu thuế tiêu thụ, ở Lếch có một vụ ăn cắp; ở Ôn-đêm có một cuộc bãi công vì vấn đề lương, một vụ ăn cắp, một vụ đánh nhau giữa mấy phụ nữ người Ai-rơ-len; một người thợ mũ không gia nhập nghiệp đoàn lao động bị các đoàn viên của nghiệp đoàn này đánh đập;  một bà mẹ bị con đánh; ở Rô-sđên có một loạt vụ đánh nhau, một vụ đánh cảnh sát, một vụ cướp nhà thờ; ở Xtốc-poóc, một vụ bất mãn của công nhân về tiền lương, một vụ ăn cắp, một vụ lường gạt, một vụ đánh nhau, một người chồng đánh vợ; ở Oa-sinh-tơn, một vụ ăn cắp và một vụ đánh nhau; ở Uy-gan một vụ ăn cắp và một vụ cướp nhà thờ. Tin tức trên các tờ báo của Luân Đôn lại còn tệ hơn nữa. Ở đây thấy liên tiếp đủ mọi thứ gian lận, ăn trộm, ăn cướp, cãi nhau trong gia đình. Tôi tình cờ cầm tờ "Times" số ra ngày 12 tháng Chín 1844 cung cấp tin tức của một ngày. Ở đây có đăng về một vụ ăn cắp, một vụ đánh cảnh sát, một vụ xử một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ bơ vơ, một vụ vợ đầu độc chồng. Mọi tờ báo Anh đều đăng những sự việc tương tự như vậy. Cuộc chiến tranh xã hội ở Anh đang diễn ra kịch liệt. Mỗi người đều bảo vệ lấy mình và vì mình mà đấu tranh chống lại tất cả những người khác; mỗi người có làm hại cho tất cả những người khác; là những kẻ thù không đội trời chung của mình, hay không, điều này chỉ tuỳ thuộc vào sự tính toán ích kỷ: xem đằng nào nó lợi cho mình hơn. Chẳng ai nghĩ tới sống hoà thuận với người cạnh mình, mọi điều tranh chấp đều phải giải quyết bằng hăm hoạ, bằng tự mình trả thù hay thưa kiện. Tóm lại, mỗi người đều coi người khác như một kẻ thù cần phải gạt khỏi đường đi của mình, hoặc tốt hơn hết là như một phương tiện có thể sử dụng để đạt những mục đích của mình. Và cuộc chiến tranh ấy, như các bảng thống kê tội trạng đã chỉ rõ, mỗi năm một kịch liệt hơn, gay gắt hơn, tàn khốc hơn; các bên thù địch dần dần chia thành hai phe lớn đấu tranh với nhau: bên này là giai cấp tư sản, bên kia là giai cấp vô sản. Cuộc chiến tranh của tất cả mọi người chống lại tất cả mọi người và cuộc chiến tranh của giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản ấy không làm cho chúng ta ngạc nhiên vì chẳng qua nó chỉ là sự thực hiện triệt để cái nguyên lý đã chứa đựng trong tự do cạnh tranh. Nhưng điều làm ta ngạc nhiên lại là giai cấp tư sản vẫn thản nhiên và bàng quan mặc dù những đám mây bão táp càng ngày càng đặc kịt lại trên đầu họ; là giai cấp ấy hàng ngày đọc thấy tất cả những chuyện đó trên báo mà không hề cảm thấy - tôi chưa nói là lòng căm phẫn đối với chế độ xã hội hiện hành - ngay cả đến chút lo ngại về những hậu quả của nó, về sự bùng nổ chung của những cái đã thể hiện riêng biệt trong từng vụ phạm tội. Chính là vì nó là giai cấp tư sản và với quan điểm của nó, nó không thể nào hiểu được ngay cả những sự việc, chưa nói gì đến những hậu quả của những sự việc ấy. Thật khó mà tin được rằng những thành kiến giai cấp và những thiên kiến thâm căn cố đế đã có thể làm mù quáng toàn bộ một giai cấp đến một mức độ cao - tôi có thể nói là đến một mức độ điên rồ - như vậy. Nhưng sự phát triển của dân tộc cứ tiến theo con đường của nó, không phụ thuộc gì vào tình hình giai cấp tư sản có thấy hay không thấy điều đó và một ngày kia sự phát triển ấy sẽ đem lại cho giai cấp có của những điều bất ngờ mà những người thông minh trong bọn họ cũng không hề mơ thấy.

 



1) Ở đây cũng như ở những chỗ khác, khi tôi nói đến xã hội, hiểu theo nghĩa là một tập thể có trách nhiệm, có quyền lợi và nghĩa vụ riêng, thì dĩ nhiên là tôi muốn chỉ bộ phận của xã hội đang nắm chính quyền, tức là giai cấp lúc này đang nắm quyền thống trị về chính trị và xã hội, và cũng do đó mà phải chịu trách nhiệm về tình cảnh của những người mà nó không cho tham gia chính quyền. Giai cấp thống trị ấy, ở Anh cũng như ở các nước văn minh khác, là giai cấp tư sản. Nhưng xã hội và đặc biệt là giai cấp tư sản, có nhiệm vụ ít nhất là bảo đảm tính mệnh cho mọi thành viên của xã hội, có nhiệm vụ quan tâm đến, chẳng hạn như, làm thế nào đừng để cho ai chết đói, tình hình đó tôi không cần phải chứng minh cho các độc giả người Đức của tôi nữa. Nếu tôi viết cho giai cấp tư sản Anh thì hẳn là sẽ khác, (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản năm 1845).

Hiện nay tình hình nước Đức cũng như vậy. Năm 1886 hạnh phúc, các nhà tư bản của nước Đức chúng ta đã hoàn toàn đạt đến trình độ của nước Anh, - ít ra là về phương diện này (Lời chú thêm của Ăng-ghen cho lần xuất bản ở Mỹ năm 1887).

(Năm 1892) Từ năm chục năm nay, mọi cái đều đã thay đổi biết bao! Ngày nay có những nhà tư sản Anh đã thừa nhận xã hội có trách nhiệm đối với các thành viên riêng biệt của nó nhưng còn những nhà tư sản Đức?!!? (Lời chú thêm của Ăng-ghen cho bản bằng tiếng Đức năm 1892).

1) Bác sĩ A-li-xơn: "Biện pháp bảo trợ người nghèo ở Xcốt-len".

2) Bác sĩ A-li-xơn - trong báo cáo đọc tại phiên họp của Hội liên hiệp Bri-ten vì sự tiến bộ của khoa học ở Y-oóc, tháng Mười 1844.

1) Bác sĩ A-li-xơn: "Biện pháp bảo trợ người nghèo ở Xcốt-len".

1)  "Nhân khẩu công nghiệp ở Anh", chương 8.

1) "Report of Commission of Inquiry into the Employment of Children and Young Persons in Mines and Collieries and in the Trades and Manufactures in which Numbers of them work together, not being included under the Terms of the Factories Regulation Act". First and Second Reports. ["Báo cáo của Tiểu ban điều tra về tình hình sử dụng trẻ em và thiếu niên trong các hầm mỏ và mỏ than, cũng như trong các ngành sản xuất và trong các công xưởng có đông trẻ em làm việc nhưng không bị ràng buộc bởi đạo luật hạn chế lao động trong các công xưởng". Bản báo cáo thứ nhất và thứ hai]. Báo cáo của Grên-giơ nằm trong bản báo cáo thứ nhất. Thường được trích dưới nhan đề "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em". Đó là một trong những báo cáo chính thức tốt nhất, chứa đựng rất nhiều sự kiện có giá trị nhất, nhưng đồng thời cũng khủng khiếp nhất. Bản báo cáo thứ nhất công bố năm 1841, còn bản thứ hai công bố hai năm sau.

1) "Fifth Annual Report of Reg. Gen. of Births. Deaths and Marriages" ["Bản báo cáo hàng năm thứ năm của sở đăng ký sinh, tử và giá thú"].

105 Bài báo của R. Cau-en "Tình hình vệ sinh của dân cư qua thống kê số sinh đẻ và tử vong ở Gla-xgô" đăng trong "Journal of the Statistical Society of London" ("Tạp chí của Hội thống kê Luân Đôn") vào tháng Mười 1840.

1) Xem "Report of Commission of Inquiry into the State of large Towns and populous Districts". first Report, 1844. Appendix ["Báo cáo của Tiểu ban điều tra tình hình các thành phố lớn và các khu đông dân", báo cáo thứ nhất, 1844. Phụ lục].

1) "Báo cáo của Tiểu ban về công xưởng", tập III, báo cáo của bác sĩ Nô-kin-xơ về Lan-kê-sia. - Ở đây có dẫn ra bằng chứng của bác sĩ Rô-bớt-tơn là "người có uy tín nhất ở Man-se-xtơ về mặt thống kê".

106 Đạo luật đặc biệt về xây dựng thủ đô (Metropolitan Buildings Act) do nghị viện Anh thông qua năm 1844.

1* - Trường học quốc dân

1)  "Nghề thủ công và thợ thủ công".

2)  "Những nguyên lý về dân số", t. II. tr. 196 - 197.

1) Dưới đây, chúng ta sẽ thấy cuộc phản kháng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản ở Anh đã có được quyền tự do lập hội hợp pháp hoá.

1) "Phong trào Hiến chương", tr. 34 và tr. tiếp theo.

1) Ở đây không biết có nên đưa ra những bằng chứng của những người tư sản có uy tín hay không ? Tôi chỉ lấy một ví dụ mà ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy trong quyển sách của A-đam Xmít "Sự giàu có của các dân tộc", lần xuất bản đã dẫn, t.III, quyển 5, chương 1, tr. 297.

1* - Đương nhiên là

1)  "Những nguyên lý về dân số", t.II, tr. 76 và tr. tiếp theo, tr.135.

2)  "Philosophy of Manufactures". London. 1835 ["Triết học về công xưởng", Luân Đôn, 1835]. Sau đây, chúng ta sẽ còn nói tới cuốn sách nổi tiếng xấu ấy. Những đoạn dẫn ra ở đây lấy ở các tr.406 và tr. tiếp theo.

1)  (Năm 1892) Tư tưởng cho rằng nền đại công nghiệp đã chia người Anh thành hai dân tộc khác nhau đã được Đi-xra-e-li trình bày, như mọi người đều biết, gần như cùng lúc với tôi trong cuốn tiểu thuyết của ông "Sybil, or the Two Nations" ["Xi-bin, hay là hai dân tộc"]. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1892).

2)  "On the present Condition of the Labouring Poor in Manchester etc", By the Rev. Rd. Parkinson, Canon of Manchester 3rd. edit. London and Manchester, 1841. Pamphlet ["Về tình cảnh hiện nay của người lao động nghèo ở Man-se-xtơ v.v.". Sách của thày tu Pác-kin-xơn ở Man-se-xtơ, xuất bản lần thứ 3, Luân Đôn và Man-se-xtơ, 1841].

1) "Những nguyên lý về dân số".

1)  Diễn văn đọc ở Hạ nghị viện ngày 28 tháng Hai 1843.

 

1* - Những người không nghiện rượu.

1) Tỉnh trưởng A-li-xơn, "Những nguyên lý về dân số", t.II.

1)  "Nhân khẩu công nghiệp ở Anh", chương 10.

2)  Số tội nhân đã thành án (22 733) chia cho số dân (khoảng 15 triệu).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt