Chủ nghĩa Marx

Triết học về tự nhiên. Giới hữu cơ (hết)

CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC

 

Phần thứ nhất: TRIẾT HỌC

VIII.

TRIẾT HỌC VỀ TỰ NHIÊN.

 

GIỚI HỮU CƠ

(Hết)

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

     "Xin hãy cân nhắc xem... cần phải có những tri thức thực chứng nào để cho chương chúng ta nói về triết học tự nhiên có tất cả những tiền đề khoa học của nó. Làm cơ sở cho nó trước hết là tất cả những thành tựu cơ bản của toán học, rồi đến những luận điểm chủ yếu của khoa học chính xác trong cơ học, vật lý học và hoá học, cũng như những kết quả của khoa học tự nhiên nói chung trong sinh lý học, động vật học và những lĩnh vực nghiên cứu tương tự khác".

Ông Đuy-rinh nói một cách vững tin và quả quyết như vậy về sự uyên bác của ông về toán học và khoa học tự nhiên. Nhưng xét theo chính ngay cái chương nghèo nàn đó và theo những kết quả còn nghèo nàn hơn nữa của nó, người ta không thấy có cái tri thức thực chứng hết sức sâu sắc, ẩn giấu trong đó. Dầu sao, muốn đặt ra được những câu sấm truyền kiểu Đuy-rinh về vật lý học và hoá học thì trong vật lý học cũng chẳng cần biết gì hơn ngoài cái phương trình biểu hiện đương lượng cơ của nhiệt, và trong hoá học thì chỉ cần biết cái sự thật là tất cả các vật thể đều có thể chia thành những nguyên tố và thành những kết hợp nguyên tố. Ngoài ra, người nào có thể nói đến những "nguyên tử có sức hút" như ông Đuy-rinh, ở tr. 131, thì người đó chứng tỏ rằng mình hoàn toàn còn nằm "ở trong bóng tối" trong vấn đề sự khác biệt giữa nguyên tử và phân tử. Mọi người đều biết rằng người ta dùng nguyên tử không phải để giải thích sức hút hay hình thức vận động cơ học hoặc vận động vật lý, mà chỉ để giải thích tác dụng hoá học. Và khi người ta đọc chương nói về giới tự nhiên hữu cơ, với cái cách nói dông dài trống rỗng, trái ngược và trong những điểm quyết định thì lại vô nghĩa như những câu sấm truyền với cái kết quả cuối cùng hoàn toàn vô giá trị, - thì ngay từ đầu người ta cũng đã không thể kìm được cái ý kiến cho rằng ở đây ông Đuy-rinh đang nói đến những điều mà ông ta ít hiểu biết một cách kỳ lạ. ý kiến ấy trở thành một niềm tin vững chắc khi người ta thấy trong học thuyết về sinh vật hữu cơ (sinh vật học); ông Đuy-rinh đề nghị dùng sự cấu thành thay cho sự phát triển. Người nào có thể đề nghị một điều như vậy, thì người ấy chứng tỏ rằng mình không hiểu biết tí gì về sự hình thành của các thể hữu cơ.

Tất cả các thể hữu cơ, trừ những thể đơn giản nhất, đều gồm những tế bào cấu thành, tức là những hòn an-bu-min nhỏ, chỉ nhìn thấy khi được phóng đại lên rất nhiều, và có một nhân tế bào ở bên trong. Thông thường, tế bào cũng có một màng bọc ngoài và khi đó chất bên trong của nó ít nhiều là chất lỏng. Những thể tế bào đơn giản nhất gồm một tế bào duy nhất cấu thành; còn tối đại đa số các sinh vật hữu cơ thì gồm nhiều tế bào, đều là những phức hợp có tổ chức chặt chẽ gồm nhiều tế bào,- những tế bào này, trong các cơ thể thấp, thì còn giống nhau, nhưng trong các cơ thể cao hơn thì ngày càng khác nhau về hình thức, về loại và về tính năng. Ví dụ trong thân thể con người thì xương, bắp thịt, thần kinh, gân, các dây chằng, sụn, da, tóm lại tất cả các mô đều do tế bào hợp thành hoặc từ tế bào mà phát triển lên. Song ở tất cả các thể hữu cơ có tế bào, từ a-míp, - một hòn a-bu-min nhỏ giản đơn, với một nhân ở bên trong và trong phần lớn thời gian sinh sống của nó thường không có màng bọc - cho đến con người, và từ cây tảo đơn bào đê-xmi-di-xe nhỏ nhất đến một thực vật phát triển cao nhất, thì cách sinh sôi nẩy nở của tế bào đều giống nhau: bằng cách phân đôi. Thoạt đầu, nhân tế bào thắt lại ở khoảng giữa, sự thắt lại ấy - phân hai nửa hình cầu của nhân ngày càng mạnh hơn, và cuối cùng hai nửa ấy tách hẳn nhau và hình thành hai nhân tế bào. Một quá trình như vậy cũng diễn ra trong bản thân tế bào; mỗi một nhân trong hai nhân tế bào ấy trở thành một trung tâm tích luỹ chất nguyên sinh; chất nguyên sinh này gắn với nửa kia bằng một chỗ thắt lại ngày càng hẹp, cho đến khi cuối cùng, hai bộ phận này tách rời nhau và tiếp tục tồn tại dưới hình thức những tế bào độc lập. Thông qua sự phân đôi lắp đi lắp lại như vậy của các tế bào mà phôi của trứng động vật, sau khi thụ tinh, phát triển dần dần thành một động vật hoàn toàn thành thục, và ở một động vật đã phát triển, các mô bị hư hỏng cũng được thay thế theo cách ấy. Chắc chắn rằng có người nào hoàn toàn không hiểu biết gì về quá trình ấy - dẫu cho ngày nay khó mà cho rằng có một trường hợp như thế - mới dám gọi quá trình đó là sự cấu thành và coi việc dùng từ phát triển để chỉ quá trình đó là một "sự tưởng tượng thuần tuý"; ở đây chỉ xảy ra có sự phát triển, hơn nữa lại theo đúng nghĩa nhất của từ đó chứ không có chút gì là cấu thành cả!

Nói chung ông Đuy-rinh hiểu sự sống như thế nào, thì sau đây chúng ta sẽ còn phải nói thêm một cái gì đó. Còn nói riêng thì ông ta quan niệm sự sống như sau:

"Giới vô cơ cũng là một hệ thống tự kích thích; nhưng chỉ nơi nào bắt đầu có sự phân chia thực sự và sự tuần hoàn của các chất được thực hiện thông qua những con kênh đặc biệt từ một điểm bên trong và theo một sơ đồ phôi có thể chuyển được sang một cấu trúc nhỏ hơn, - thì ở đó chúng ta mới có thể nói đến sự sống thực sự, theo nghĩa chặt chẽ và đúng đắn của từ đó".

Chưa nói đến cấu trúc ngữ pháp rắc rối đến phát ngán lên được, thì câu này, theo ý nghĩa chặt chẽ và đúng đắn của nó, là một hệ thống những kích thích tự chúng diễn ra (dù điều này có nghĩa là như thế nào chăng nữa) của những điều ngu xuẩn. Nếu sự sống chỉ bắt đầu khi nào bắt đầu có sự phân chia thực sự thì chúng ta phải tuyên bố rằng toàn bộ giới nguyên sinh động vật của Hếch-ken, và có lẽ còn nhiều hơn thế nữa, tuỳ theo cách hiểu về khái niệm phân chia, đều là vật chất cả. Nếu sự sống chỉ bắt đầu khi nào sự phân chia ấy có thể truyền lại được nhờ một sơ đồ phôi nhỏ hơn thì ít nhất tất cả các thể hữu cơ bậc thấp bao gồm cả những thể hữu cơ đơn bào, đều không phải là vật sống. Nếu sự tuần hoàn của các chất thông qua những con kênh đặc biệt là dấu hiệu của sự sống, thì ngoài các sinh vật nói trên, chúng ta lại còn phải loại trừ ra khỏi hàng ngũ của sinh vật toàn bộ loài ruột khoanh cấp cao, có lẽ chỉ trừ loài sứa, tức là phải loại trừ tất cả loài san hô và thực trùng khác nữa[1]. Và nếu sự tuần hoàn vật chất thông qua những con kênh đặc biệt bắt đầu từ một điểm bên trong là dấu hiệu cơ bản của sự sống thì chúng ta lại cũng phải tuyên bố rằng tất cả các động vật không có tim hay có nhiều tim, đều là những vật chết. Như vậy có nghĩa là ngoài những sinh vật đã nói trên kia, còn phải kể thêm tất cả loài giun, loài sao bể, loài luân trùng (Annuloida và Annulosa, theo sự phân loại của Hớt-xli[2]), một phần loài giáp xác (tôm) và cuối cùng thậm chí cả một động vật có xương sống nữa là con cá kim (Amphioxus). Thuộc về số này có cả toàn bộ các thực vật nữa.

Như vậy, khi muốn nêu rõ đặc điểm của sự sống thực sự, theo ý nghĩa chặt chẽ và đúng đắn của từ đó, ông Đuy-rinh đưa ra bốn dấu hiệu của sự sống hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, trong đó một dấu hiệu đã khép vào tội chết vĩnh viễn không những toàn bộ giới thực vật mà cả gần nửa giới động vật nữa. Thật vậy, không ai có thể nói rằng ông Đuy-rinh đã lừa dối chúng ta khi ông hứa sẽ mang lại cho chúng ta "những kết luận và quan điểm hết sức độc đáo!"

Ở một đoạn khác, ông ta nói:

"Trong giới tự nhiên cũng vậy, làm cơ sở cho tất cả mọi tổ chức từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất, là một loại hình đơn giản", và loại hình ấy "trong cái bản chất phổ biến của nó, bộc lộ ra một cách hoàn toàn và đầy đủ trong sự vận động thứ yếu nhất của giống thực vật kém hoàn bị nhất".

Lời khẳng định này, một lần nữa, lại là một điều ngu xuẩn "hoàn toàn". Loại hình đơn giản nhất mà người ta thấy trong toàn bộ giới hữu cơ là tế bào; và cố nhiên, tế bào cũng làm cơ sở cho những tổ chức cấp cao nhất. Nhưng trong những cơ thể cấp thấp nhất, lại còn có rất nhiều cái thấp hơn tế bào rất nhiều như: prô-ta-míp, một hạt an-bu-min đơn giản không có một sự phân hoá nào cả, rồi cả một hệ thống nguyên trùng khác và tất cả những loài tảo hình ống (siphoneae) nữa. Tất cả những cơ thể ấy gắn liền với các cơ thể cấp cao chỉ vì thành phần cơ bản của nó là a-bu-min và do đó chúng thực hiện những chức năng của an-bu-min, tức là sống và chết.

Ông Đuy-rinh kể tiếp với chúng ta như sau:

"Về mặt sinh lý, cảm giác gắn liền với sự tồn tại của một bộ máy thần kinh nào đó, dù là rất đơn giản. Cho nên đặc trưng của tất cả mọi loại hình động vật là năng lực cảm giác, nghĩa là năng lực nhận thức chủ quan - tự giác về trạng thái của chúng. Ranh giới rõ ràng giữa thực vật và động vật là ở điểm thực hiện bước nhảy vọt sang cảm giác. Ranh giới đó chẳng những không bị xoá nhoà bởi những hình thức quá độ mà mọi người đều biết, mà nó trở thành một nhu cầu lô-gích chính là do những hình thức bề ngoài chưa dứt khoát hoặc không xác định được ấy".

Rồi ông ta lại nói:

"Ngược lại, thực vật hoàn toàn và vĩnh viễn không có một chút cảm giác nào và cũng không có bất kỳ một năng lực cảm giác nào".

Thứ nhất, Hê-ghen ("Triết học tự nhiên", Đ351, phụ lục) nói rằng,

"Cảm giác là differentia specifica*, là dấu hiệu đặc trưng tuyệt đối của động vật".

Đây lại là một "ý kiến khó tiêu" của Hê-ghen, mà chỉ nhờ có sự chiếm đoạt của ông Đuy-rinh mới được nâng lên địa vị cao quý của một chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng.

Thứ hai, đây là lần đầu tiên chúng ta nghe nói đến những hình thức quá độ, những hình thức bề ngoài không dứt khoát hoặc không xác định được (lời lẽ mới khó hiểu làm sao!) giữa thực vật và động vật. Đúng là có những hình thức quá độ đó; có những thể hữu cơ mà chúng ta không thể giản đơn nói rằng đó là thực vật hay là động vật, rằng do vậy nói chung chúng ta không thể xác định được một ranh giới rõ ràng giữa thực vật và động vật,- chính sự thực ấy đã tạo ra cho ông Đuy-rinh cái nhu cầu lô-gích phải đưa ra một dấu hiệu để phân biệt, một dấu hiệu mà bản thân ông ta cũng vội vàng thừa nhận ngay là không có cơ sở! Nhưng chúng ta cũng không cần đi ngược trở lại lĩnh vực không rõ ràng giữa động vật và thực vật làm gì; lẽ nào những cây xấu hổ hễ bị người ta đụng đến là cụp lá hay cụp cánh hoa của chúng lại, lẽ nào những cây ăn sâu bọ, - đều hoàn toàn không có một chút cảm giác nào và cũng hoàn toàn không có bất kỳ một năng lực cảm giác nào hay sao? Đó là điều mà bản thân ông Đuy-rinh cũng không dám khẳng định nếu ông ta không muốn rơi vào "thứ nửa thơ ca phi khoa học".

Thứ ba, đây cũng lại là một sản phẩm của sự sáng tạo và tưởng tượng tự do của ông Đuy-rinh, khi ông ta khẳng định rằng dường như về mặt sinh lý, cảm giác gắn liền với sự tồn tại của một bộ máy thần kinh nào đó, dù là rất đơn giản. Không những tất cả những động vật đơn giản nhất mà cả những thực trùng, - ít nhất là tối đại đa số các thực trùng, - cũng đều không có một chút dấu vết nào của bộ máy thần kinh cả. Chỉ kể từ loài giun trở đi thì thông thường người ta mới thấy có bộ máy thần kinh, và ông Đuy-rinh là người đầu tiên nói rằng những con vật đó không có cảm giác vì chúng không có thần kinh. Cảm giác không nhất định phải gắn liền với thần kinh, nhưng chắc chắn là gắn liền với một số thể an-bu-min nào đó, cho đến nay vẫn còn chưa xác định được chính xác hơn.

Vả lại, những tri thức của ông Đuy-rinh về sinh học cũng đã biểu lộ ra đầy đủ qua câu hỏi mà ông không ngại nêu ra để chống lại Đác-uyn.

"Lẽ nào động vật lại phát triển từ thực vật lên hay sao?"

Chỉ có người không hiểu chút gì về động vật và thực vật, mới có thể nêu ra những câu hỏi như vậy.

Về sự sống nói chung, ông Đuy-rinh chỉ biết nói với chúng ta như sau:

"Sự trao đổi chất được tiến hành bằng cách đồ thức hoá cấu tạo một cách uyển chuyển" (cái này là cái gì vậy?) "bao giờ cũng vẫn là một dấu hiệu đặc trưng của quá trình sống theo đúng nghĩa của từ đó".

Đó là tất cả những điều mà chúng ta biết được về sự sống, thêm nữa nhân cái "đồ thức hoá cấu tạo một cách uyển chuyển" đó chúng ta bị sa lầy đến tận đầu gối trong cái mớ những lời rối rắm vô nghĩa của cái lối tiếng lóng thuần tuý kiểu Đuy-rinh. Vì vậy, nếu chúng ta muốn biết sự sống là gì thì chúng ta phải tự mình tìm hiểu vấn đề sâu hơn một chút.

Sự trao đổi chất hữu cơ là hiện tượng phổ biến nhất và đặc trưng nhất của sự sống, điều này đã được các nhà chuyên môn về sinh hoá và hoá sinh nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần từ ba mươi năm nay và ở đây ông Đuy-rinh chỉ chuyển lời khẳng định đó thành thứ ngôn ngữ tao nhã và trong sáng của riêng ông ta. Nhưng định nghĩa sự sống là sự trao đổi chất hữu cơ, - điều đó có nghĩa là định nghĩa sự sống là... sự sống; bởi vì sự trao đổi chất hữu cơ hay sự trao đổi chất nhờ đồ thức hoá cấu tạo một cách uyển chuyển, lại chính là một biểu hiện mà đến lượt nó cũng cần được giải thích bằng sự sống, cần được giải thích bằng sự khác biệt giữa hữu cơ và vô cơ, nghĩa là giữa vô sinh và hữu sinh. Như vậy, lối giải thích đó không làm cho chúng ta tiến thêm được một bước nào cả. Sự trao đổi chất với tính cách là một sự trao đổi như vậy cũng diễn ra ở bên ngoài sự sống. Trong hoá học, có cả một loạt những quá trình mà khi có luồng nguyên liệu đầy đủ thì luôn luôn tạo ra những điều kiện để phục hồi lại những quá trình đó, hơn nữa lại tạo ra như thế nào để cho ở đây vật tiêu biểu cho quá trình là một vật thể nhất định. Ví dụ như trong việc chế tạo a-xít sun-phu-ríc bằng cách đốt lưu huỳnh. Quá trình đó tạo ra sun-phu-rơ, SO2, và nếu người ta cho hơi nước và a-xít ni-tơ-ríc vào thì an-hy-đơ-rơ sun-phu-rơ sẽ thu hút hy-đrô và ô-xy mà biến thành a-xít sun-phu-ríc, H2SO4. Trong khi đó a-xít ni-tơ-ríc mất phần ô-xy và biến thành ô-xít-ni-tơ; ô-xít-ni-tơ này lại thu hút ngay ô-xy trong không khí mà biến thành những ô-xít cao cấp của ni-tơ, nhưng chỉ là để chuyển ngay ô-xy đó cho an-hy-đơ-rơ sun-phu-rơ và bắt đầu trở lại quá trình cũ, thành thử về mặt lý luận mà nói, chỉ cần một lượng rất nhỏ a-xít ni-tơ-ríc là đủ để biến một lượng vô tận an-hy-đơ-rơ sun-phu-rơ, ô-xy và nước thành a-xít sun-phu-ríc. - Ngoài ra, sự trao đổi chất cũng xảy ra trong trường hợp các chất lỏng thấm qua những màng hữu cơ chết, thậm chí qua cả những màng vô cơ, và cả trong những tế bào nhân tạo của Tơ-rau-bơ[3]. ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy rằng sự trao đổi chất không làm cho chúng ta tiến thêm được một bước nào; bởi vì sự trao đổi chất độc đáo mà người ta dùng để giải thích sự sống, lại cũng cần được giải thích bằng sự sống. Cho nên chúng ta phải tìm một sự giải thích khác.

Sự sống là phương thức tồn tại của những thể an-bu-min, và phương thức tồn tại này, về căn bản, bao hàm ở sự thường xuyên tự đổi mới của những thành phần hoá học của những thể ấy.

Ở đây, thể an-bu-min được hiểu theo nghĩa của hoá học hiện đại, môn học này dùng cái tên gọi đó để chỉ tất cả những vật thể có thành phần tương tự như an-bu-min thông thường và cũng còn được gọi là prô-tê-in. Cái tên gọi ấy không đạt vì trong tất cả các chất tương tự với nó thì an-bu-min thông thường là chất có tác dụng kém sinh động nhất, bị động nhất: nó cùng với lòng đỏ trứng, chỉ là chất dinh dưỡng cho cái phôi đang phát triển mà thôi. Tuy nhiên, chừng nào người ta còn biết rất ít như thế về thành phần hoá học của các chất an-bu-min thì cái thuật ngữ ấy vẫn còn tốt hơn những tên gọi khác vì nó có tính chất chung hơn.

Bất cứ ở chỗ nào mà chúng ta thấy có sự sống thì chúng ta thấy rằng sự sống gắn liền với một thể an-bu-min; và bất cứ ở chỗ nào mà chúng ta thấy có một thể an-bu-min không nằm trong quá trình phân huỷ thì ở đó, không có ngoại lệ, chúng ta cũng thấy những hiện tượng của sự sống. Chắc chắn là trong cơ thể sống, cũng cần phải có những hoá hợp khác để gây nên những sự phân hoá đặc biệt của các hiện tượng ấy của sự sống; nhưng đối với sự sống đơn thuần thì những hoá hợp ấy là không cần thiết hoặc chỉ cần thiết trong chừng mực chúng được dùng làm thức ăn và biến thành an-bu-min. Những sinh vật cấp thấp nhất mà chúng ta đã biết chẳng qua chỉ là những hạt an-bu-min đơn giản thôi, thế mà chúng cũng đã biểu lộ tất cả những hiện tượng cơ bản của sự sống.

Nhưng những hiện tượng ấy của sự sống mà mọi sinh vật khắp nơi đều có, đó là gì? Trước hết là ở chỗ an-bu-min thu hút ở môi trường quanh nó những chất khác thích hợp với nó và đồng hoá những chất này, còn những bộ phận già cỗi hơn của cơ thể bị phân giải và bị bài tiết ra ngoài. Trong quá trình chuyển biến tự nhiên, những vật thể khác, những vật thể vô sinh cũng biến đổi, phân giải hay hoá hợp, nhưng đồng thời chúng không còn là những vật thể cũ nữa. Tảng đá đã phong hoá không còn là tảng đá nữa; kim loại bị ô-xy hoá, biến thành gì. Nhưng cái là nguyên nhân của sự huỷ hoại ở các vật thể chết thì lại là điều kiện cơ bản của sự sống ở chất an-bu-min. Một khi mà trong thể an-bu-min sự chuyển hoá liên tục của các thành phần, tức là sự thay thế thường xuyên của dinh dưỡng và bài tiết, ngừng lại, thì từ khi đó bản thân thể an-bu-min cũng ngừng tồn tại, nó bị phân giải, nghĩa là chết. Do đó, sự sống - phương thức tồn tại của thể an-bu-min - trước hết là ở chỗ bất cứ lúc nào nó cũng vừa là chính nó đồng thời vừa là cái khác; và như thế không phải do một quá trình nào tác động từ bên ngoài vào nó, như điều thường xẩy ra đối với các vật thể chết. Trái lại, sự sống, sự trao đổi chất, diễn ra thông qua sự dinh dưỡng và bài tiết, là một quá trình tự lực thực hiện, một quá trình vốn có bên trong, bẩm sinh của chất tiêu biểu của nó là an-bu-min, mà không có nó thì chất an-bu-min không thể tồn tại được. Từ đó rút ra kết luận rằng nếu sau này hoá học sản xuất ra được an-bu-min bằng con đường nhân tạo thì an-bu-min đó nhất định sẽ phải biểu lộ những hiện tượng của sự sống, dù là những hiện tượng rất yếu ớt đi nữa. Dĩ nhiên một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu hoá học có đồng thời phát hiện ra được một thức ăn thích hợp với an-bu-min ấy hay không.

Từ sự trao đổi chất tiến hành thông qua dinh dưỡng và bài tiết là chức năng chủ yếu của an-bu-min, và từ tính mềm dẻo vốn có của an-bu-min đã nảy sinh ra tất cả những nhân tố đơn giản nhất khác của sự sống: tính dễ bị kích thích - bao hàm trong tác dụng qua lại giữa an-bu-min và thức ăn của nó; tính co rút - biểu lộ ra ở trình độ rất thấp trong việc hấp thụ thức ăn; năng lực sinh trưởng - bao hàm ở trình độ thấp nhất sự sinh sản bằng cách phân đôi; sự vận động bên trong, - mà nếu không có sự vận động đó thì không thể hấp thụ và đồng hoá thức ăn được.

Định nghĩa của chúng tôi về sự sống tất nhiên còn rất thiếu sót, vì nó còn xa mới có thể bao gồm được tất cả những hiện tượng của sự sống, mà trái lại định nghĩa đó chỉ giới hạn ở những hiện tượng chung nhất và đơn giản nhất. Đứng về một khoa học mà nói, thì mọi định nghĩa đều chỉ có một giá trị nhỏ thôi. Muốn hiểu biết một cách thực sự thấu đáo về cuộc sống chúng ta phải khảo sát tất cả các hình thức biểu hiện của sự sống, từ hình thức thấp nhất cho đến hình thức cao nhất. Nhưng, đối với sự vận dụng thường ngày thì những định nghĩa như trên lại rất tiện lợi và đôi khi không có nó thì không được; những định nghĩa ấy cũng không thể có hại, miễn là người ta không quên những thiếu sót không sao tránh khỏi của chúng.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với ông Đuy-rinh. Khi ông ta thấy không được may mắn lắm trong lĩnh vực sinh học trên trái đất thì ông ta lại có cách tự an ủi mình: ông lánh sang bầu trời đầy sao của ông.

"Không chỉ khí quan cảm giác đặc biệt, mà toàn bộ thế giới khách quan cũng đều được tổ chức để gây ra khoái lạc và đau đớn. Trên cơ sở ấy, chúng tôi giả định rằng sự đối lập giữa khoái lạc và đau khổ, hơn nữa, sự đối lập ấy, đúng như dưới hình thức mà chúng ta đều biết - là một sự đối lập phổ biến mà phải được biểu hiện trong các thế giới khác nhau của vũ trụ bằng những tình cảm cùng loại về bản chất... Sự thích ứng ấy có một ý nghĩa không nhỏ, vì nó là cái chìa khoá để tìm hiểu vũ trụ của những cảm giác... Bởi vậy, đối với chúng ta, thế giới vũ trụ chủ quan cũng không xa lạ gì lắm so với thế giới vũ trụ khách quan. Sự cấu tạo của hai lĩnh vực đó phải được quan niệm theo một kiểu mẫu đồng nhất và như thế chúng ta mới có được những mầm mống của học thuyết về ý thức, mà sự vận dụng nó không phải chỉ riêng ở trái đất mà thôi".

Một vài sai lầm trắng trợn trong khoa học tự nhiên trên trái đất phỏng có ý nghĩa gì đối với con người đã có sẵn trong túi mình cái chìa khoá tìm hiểu vũ trụ của những cảm giác? Allons donc!*.



[1] Thực trùng (Pflanzentiere) là tên gọi từ thế kỷ XVI nhóm động vật không có xương sống (chủ yếu là sứa và xoang tràng) có một số nét được coi là dấu vết của thực vật (chẳng hạn, lối sống xác định); cho nên người ta coi thực trùng là những hình thái trung gian giữa thực vật và động vật. Từ giữa thế kỷ XIX, thuật ngữ "thực trùng" được sử dụng cùng nghĩa với chữ sinh vật xoang tràng; hiện nay người ta không dùng thuật ngữ đó nữa.

[2] Sự phân loại được nhắc đến là ở trong cuốn: T. H. Huxley. "Lectures on the Elements of Comparative Anatomy" London, 1864, lecture V (T. H. Hớt-xli. "Các bài giảng về những thành phần của cơ thể học đối chiếu". Luân Đôn, 1864, bài giảng thứ V). Sự phân loại này được đặt làm cơ sở cho cuốn sách của G. A. Ni-côn-xơn "Sách chỉ dẫn về động vật học" (lần xuất bản đầu tiên là vào năm 1870), sách này đã được Ăng-ghen sử dụng trong khi viết "Chống Đuy-rinh" và "Biện chứng của tự nhiên".

* sự phân biệt đặc trưng

[3] Những tế bào nhân tạo của Tơ-rau-bơ là những cấu tạo vô cơ và là những kiểu mẫu tế bào sống, có khả năng tái tạo lại sự trao đổi chất, sự phát triển và được dùng để nghiên cứu các mặt cá biệt của các hiện tượng sống; đã được nhà hoá học và sinh lý học Đức M. Tơ-rau-bơ tạo nên bằng cách pha lẫn các dung dịch côn-lôi-ít. Tơ-rau-bơ đã thông báo những thí nghiệm của ông tại đại hội thứ 47 các nhà tự nhiên học và bác sĩ họp ngày 23 tháng Chín 1874 ở Brê-xláp. Mác và Ăng-ghen đã đánh giá cao sự phát hiện đó của Tơ-rau-bơ (xem thư của Mác gửi P. L. La-vrốp ngày 18 tháng Sáu 1875 và gửi V. A. Phren-đơ ngày 21 tháng Giêng 1877.

* Thôi đi! Gây sự để làm gì!

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt