Chủ nghĩa Marx

Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản

TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN - MỤC LỤC

C.MÁC VÀ PH.ĂNG-GHEN

_______________

 

 

TUYÊN NGÔN

CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN

 

III

VĂN HỌC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

VÀ CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

 

2. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI BẢO THỦ HAY CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TƯ SẢN

 

Một bộ phận trong giai cấp tư sản tìm cách chữa các căn bệnh xã hội, cốt để củng cố xã hội tư sản.

Trong hạng này, có những nhà kinh tế học, những nhà bác ái, những nhà nhân đạo chủ nghĩa, những người chăm lo cải thiện đời sống cho giai cấp lao động, tổ chức việc từ thiện, bảo vệ súc vật, lập ra những hội bài trừ nạn nghiện rượu, nói tóm lại là đủ loại những nhà cải lương hèn kém nhất. Và thậm chí người ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội tư sản này thành những hệ thống hoàn bị.

Lấy một ví dụ là quyển "Triết học về sự khốn cùng" của Pru-đông.

Những nhà xã hội chủ nghĩa tư sản muốn duy trì những điều kiện sinh hoạt của xã hội hiện đại, mà không có những cuộc đấu tranh và những mối nguy hiểm do những điều kiện sinh hoạt ấy nhất định phải sản sinh ra. Họ muốn duy trì xã hội hiện tại nhưng được tẩy trừ hết những yếu tố làm đảo lộn và làm tan rã nó. Họ muốn có giai cấp tư sản mà không có giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản tất nhiên quan niệm cái thế giới mà nó đang thống trị là thế giới tốt đẹp hơn cả. Chủ nghĩa xã hội tư sản đem hệ thống hóa ít nhiều triệt để cái quan niệm an ủi lòng người ấy. Khi chủ nghĩa xã hội tư sản bắt giai cấp vô sản phải thực hiện những hệ thống ấy của nó và bước vào thành Giê-ru-da-lem mới, thì thực ra, nó chỉ kêu gọi giai cấp vô sản bám lấy xã hội hiện tại, nhưng phải bỏ hết quan niệm thù hằn của họ đối với xã hội ấy.

Một hình thức khác của chủ nghĩa xã hội, ít có hệ thống hơn nhưng lại thực tiễn hơn, cố làm cho công nhân chán ghét mọi phong trào cách mạng, bằng cách chứng minh cho họ thấy rằng không phải sự cải biến chính trị này khác, mà chỉ có sự cải biến về điều kiện sinh hoạt vật chất, về quan hệ kinh tế mới có thể có lợi cho công nhân mà thôi. Song khi nói sự cải biến điều kiện sinh hoạt vật chất, chủ nghĩa xã hội ấy không hề hiểu đó là sự xóa bỏ những quan hệ sản xuất tư sản, một sự xóa bỏ mà chỉ có cách mạng mới có thể làm nổi; nó chỉ hiểu đó là sự thực hiện những cải cách về hành chính ngay trên cơ sở những quan hệ sản xuất tư sản, những cải cách do đó không làm thay đổi chút nào

những quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê mà nhiều lắm thì cũng chỉ làm cho giai cấp tư sản giảm được những chi phí cho việc thống trị của nó và làm cho ngân sách nhà nước được nhẹ gánh mà thôi.

Chủ nghĩa xã hội tư sản chỉ đạt được biểu hiện thích đáng của nó, khi nó trở thành một lối nói từ chương đơn thuần.

Mậu dịch tự do, vì lợi ích của giai cấp công nhân! Thuế quan bảo hộ, vì lợi ích của giai cấp công nhân! Nhà tù xà lim, vì lợi ích của giai cấp công nhân! Đó là cái đích tột cùng của chủ nghĩa xã hội tư sản, điều duy nhất mà nó nói ra một cách nghiêm túc.

Vì chủ nghĩa xã hội tư sản nằm gọn trong lời khẳng định này: sở dĩ những người tư sản là những người tư sản, đó là vì lợi ích của giai cấp công nhân.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt