Phong trào Khai minh

AUFKLÄRUNG

 

KỶ NIỆM 300 NĂM IMMANUEL KANT VÀ PHONG TRÀO KHAI MINH

------ o0o ------

 

AUFKLÄRUNG

 


Peter Hanns Reill, Ellen Judy Wilson. Encyclopedia of The Enlightenment. Facts on File, 2004, pp. 27-28 | Đinh Hồng Phúc dịch


 

Aufklärung là từ tiếng Đức chỉ phong trào Khai minh (Enlightenment). Trong các văn bản lịch sử, Aufklärung đề cập cụ thể đến các hình thức của phong trào Khai minh phát triển ở các vùng nói tiếng Đức khác nhau. Nó có hai hình thức rất rộng được phân biệt dựa trên địa lý và tôn giáo: hình thức của các công quốc Đức phía bắc, chủ yếu theo đạo Tin Lành, và hình thức của các vùng đất Đức phía nam theo đạo Công giáo.

Là một nền văn hóa chung, Aufklärung có những nét tương đồng với các phong trào Khai minh ở Pháp và châu Âu. Các định chế nằm ở trung tâm của phong trào Khai minh như quán cà phê, phòng khiêu vũ, câu lạc bộ đọc sách, viện hàn lâm khoa học và báo chí định kỳ đều phát triển mạnh ở các vùng lãnh thổ Đức khác nhau. Hội Tam điểm đặc biệt mạnh ở Đức và chương trình của họ được hỗ trợ bởi nhóm Illuminati Bavaria. Tuy nhiên, các trường đại học ở Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và phổ biến tư tưởng khai minh. Đặc điểm này khiến nước Đức có phần khác biệt so với Pháp và Anh, nơi các trường đại học có xu hướng bảo thủ, bảo vệ trật tự tiền-Khai minh.

Các nhà tư tưởng khai minh Đức, được gọi là Aufklärer, nghiên cứu và sử dụng thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm của phong trào Khai minh Pháp và Anh. Họ tin vào sức mạnh của lý tính như một công cụ hỗ trợ tiến bộ của con người; họ kêu gọi khoan dung tôn giáo, không chỉ với tất cả các hình thức của Kitô giáo mà còn cả với Do Thái giáo; họ mong muốn tự do trí tuệ, cải cách nhân đạo, giáo dục phổ cập, và một loạt các cải cách khác thường gắn liền với phong trào Khai minh. Nhưng các Aufklärer đã thêm vào những yếu tố được rút ra từ di sản triết học, chính trị và tôn giáo riêng của họ để tạo nên một phong trào Đức độc đáo.

Có lẽ đặc điểm phân biệt cơ bản nhất của Aufklärung nằm ở sự ảnh hưởng lớn từ triết học của Gottfried Wilhelm Leibniz và môn đệ của ông là Christian Wolff. Triết học này đưa ra một cái nhìn có hệ thống về thế giới dựa trên các hình thức đặc trưng của thuyết duy lý và triết học cơ giới. Nó khác biệt rõ rệt với triết học của Newton và Descartes, vốn là nền tảng cho hầu hết các khía cạnh của tư tưởng khai minh Anh và Pháp. Triết học Leibniz-Wolff kích thích tư tưởng Đức trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ khoa học đến tâm lý học và lý thuyết chính trị.

Bốn tập hợp các thực hành tôn giáo và chính trị của Đức cũng bổ sung những yếu tố độc đáo vào sự pha trộn các ý niệm tạo nên Aufklärung: thuyết kính tín (pietism), học thuyết về quản lý nhà nước (cameralism), chế độ chuyên chế khai minh và chủ nghĩa địa phương (sự tồn tại của hàng trăm nước độc lập nhỏ bé trong Đế chế La Mã Thần thánh). Mỗi truyền thống này đều có xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy lợi ích chung của xã hội hơn là chủ nghĩa cá nhân thiếu kiểm soát. Giá trị của tự do tư tưởng cá nhân được công nhận nhưng phải phục tùng nhu cầu cộng đồng trong lĩnh vực hành vi công cộng.

Do đó, Aufklärung thường thiếu các yếu tố đối lập chính trị mạnh mẽ và tiềm năng cách mạng đặc trưng cho giai đoạn cuối phong trào Khai minh ở Pháp. Các Aufklärer thường là thành viên của bộ máy quan liêu chính phủ làm việc trong các văn phòng khác nhau hoặc trong các trường đại học do nhà nước điều hành như Halle và Göttingen. Họ thường thành công hơn trong việc đảm bảo cải cách so với các đồng nghiệp quan liêu khai minh ở Pháp hoặc Anh. Hoạt động của họ được hỗ trợ và thúc đẩy bởi các nhà chuyên chế khai minh như Frederick II (Đại đế) của Phổ, Joseph II của Áo, công tước xứ Weimar và Elector Dalberg của Mainz.

Cuối cùng, mặc dù phong trào Aufklärung, giống như các phong trào tương đương ở các nền văn hóa châu Âu khác, ca ngợi vai trò của lý tính trong việc đạt được những chân lý về tự nhiên, nó đặc biệt phủ nhận sứcmạnh của mỗi mình lý tính trong việc đạt đến những đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật hay các chân lý tôn giáo. Các nhà tư tưởng Đức đã tạo ra một lý thuyết mỹ học mới đầy sức ảnh hưởng, gán vai trò sáng tạo chủ đạo cho các quá trình tinh thần của trực giác và trí tưởng tượng. Các Aufklärer cũng duy trì vai trò của sự mặc khải nội tâm, trực giác và cảm xúc trong thực hành tôn giáo. Họ thường giữ sự tôn trọng đối với niềm tin tôn giáo và tránh các thái cực của chủ nghĩa chống giáo sĩ được khuyến khích bởi Voltaire và các triết gia Pháp đồng nghiệp của ông.

Người Đức trong thế kỷ 18 đã tiến hành một cuộc thảo luận công khai sôi nổi về phong trào Khai minh. Họ tự hỏi làm thế nào để định nghĩa thuật ngữ này, liệu hiện tượng này có tồn tại ở Đức hay không, và liệu các ý tưởng hoặc hành động cụ thể có thể được gọi là "khai minh" hay không.

Câu hỏi cơ bản "Was ist Aufklärung" (Khai minh là gì?) có nhiều câu trả lời. Một định nghĩa nổi tiếng đến từ Immanuel Kant, người cho rằng Aufklärung cuối cùng đề cập đến tự do đạo đức và trí tuệ, không nhất thiết phải đi đôi với tự do chính trị. Một câu trả lời khác, của Moses Mendelssohn, đã biến Aufklärung thành quá trình đạt được lý tính, từ đó liên kết nó với khái niệm Bildung (phát triển thông qua giáo dục). Mendelssohn, giống như hầu hết các đương thời người Đức của ông, lo ngại về những nguy hiểm tiềm ẩn đối với xã hội trong việc tạo ra những cá nhân khai minh hoàn toàn độc lập.

Hai định nghĩa này về Aufklärung chứa đựng các yếu tố chính của cách tiếp cận của người Đức: nhấn mạnh vào quá trình, giáo dục hay Bildung và thái độ lưỡng lự đối với tự do không giới hạn dẫn đến sự côngnhiên phủ nhận mục tiêu bình đẳng chính trị. Kết quả là một Aufklärung tận tâm tìm kiếm cải cách, cải thiện điều kiện sống của con người và nâng cao trình độ giáo dục, nhưng cũng gắn liền với việc sửa đổi chứ không phải phá hủy trật tự xã hội và chính trị hiện có.

Khi chú ý đến sự khác biệt giữa các hình thức Aufklärung của Tin lành và Công giáo, một điểm phân biệt nổi lên với tầm quan trọng chính: Ở khu vực nước Đức theo Công giáo, quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước chi phối các cuộc thảo luận khai minh. Nguồn cảm hứng cho tư tưởng miền nam nước Đức về vấn đề này xuất phát nhiều hơn từ các nhà tư tưởng khai minh Ý (Illuministi) hơn là từ chủ nghĩa chống giáo sĩ của Pháp.

Nhìn chung, các cải cách ở miền nam nước Đức nhằm mục đích xác định lại các lĩnh vực thích hợp cho sự can thiệp của nhà thờ. Các nhà cai trị thế tục của nhà nước cố gắng khẳng định quyền kiểm soát giáo dục, hôn nhân và các lĩnh vực khác trước đây thuộc phạm vi của nhà thờ. Ví dụ, khi dòng Tên bị giải thể, các trường đại học được tái cơ cấu và đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Chương trình giảng dạy của họ được sửa đổi để bao gồm các môn học khai minh đương thời được các nhà cai trị thế tục chấp thuận.

Aufklärung Công giáo cũng tạo ra các phong trào cải cách trong nhà thờ. Ví dụ, phong trào Febronius kêu gọi tái cấu trúc chính quyền của Giáo hội Công giáo để phân chia quyền lực giữa giáo hoàng và các giám mục.Phong trảo Jansen góp phần thúc đẩy việc quay trở lại với giáo lý đơn giản và các thực hành sùng đạo.

Mặc dù phong trào Aufklärung Công giáo có sức sống mạnh mẽ, chính phong trào Tin lành phương Bắc đã để lại di sản khai minh nổi tiếng nhất của người Đức. Những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Moses Mendelssohn và Gotthold Ephraim Lessing về sự khoan dung; những lý thuyết mỹ học mới đầy sức ảnh hưởng do Lessing đề xuất; những cải cách giáo dục của Johann Bernhard Basedow và Hội phái Kính tín Halle; những cải cách y tế của Johann Christian Reil; và những đổi mới khoa học và văn học của Johann Wolfgang von Goethe trẻ tuổi, tất cả đều bắt nguồn từ nền tảng của Đạo Tin Lành Đức.

Trong các công trình nghiên cứu trước đây, phong trào Khai minh Đức dưới cả hai hình thức Công giáo và Tin Lành thường được coi là một hiện tượng yếu ớt và phần lớn không đáng kể, nhanh chóng bị lu mờ bởi phong trào văn học Sturm und Drang [Bão táp và Xung kích] và chủ nghĩa Lãng mạn. Ngày nay, quan điểm này đã bị bác bỏ, và phong trào Aufklärung được công nhận vì những đóng góp phong phú và đa dạng của nó cho tư tưởng khai minh.

 

Đọc thêm: Peter Hans Reill, The German Enlightenment and the Rise of Historism (Berkeley: Univer-sity of California Press, 1975); Hajo Holborn, A History of Modern Germany (1648–1840) (New York: Alfred A. Knopf, 1967).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt