Phong trào Khai minh

Cuộc đấu tranh của sự khai sáng chống lại sự mê tín (2)

 

SỰ KHAI SÁNG

 

a

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA SỰ KHAI SÁNG

CHỐNG LẠI SỰ MÊ TÍN

1 2 3  

 

[II. Lập trường của sự Khai sáng:]  

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự Khai sáng - cuộc đấu tranh của sự khai sáng chống lại sự mê tín” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.


 

§ 551

Bây giờ ta hãy tiếp tục xem Lòng tin trải nghiệm về sự Khai sáng như thế nào trong những yếu tố khác nhau của ý thức của nó; tức về kinh nghiệm của Lòng tin mà điều vừa vạch ra trên đây mới chỉ là nét khái quát. Những yếu tố này là: [1] tư tưởng thuần túy, hay, với tư cách là đối tượng, đó là Hữu thể-tuyệt đối [xét như là] tự-mình và cho-mình, [2] sau đó, là mối quan hệ của Lòng tin – như một hình thức của cái biết – với Hữu thể-tuyệt đối này, tức với cơ sở tối hậu của Lòng tin; và sau cùng, [3] là mối quan hệ của nó với Hữu thể-tuyệt đối thể hiện trong việc làm của lòng tin, tức trong việc sùng bái và phục vụ (Dienst) của nó[1]. Cũng giống như sự Thức nhận thuần túy đã không nhận ra chính mình và đã chối bỏ chính mình trong Lòng tin nói chung, ta sẽ thấy rằng sự Thức nhận thuần túy [sự Khai sáng] – trong những yếu tố kể trên – cũng sẽ lấy thái độ trái ngược (verkehrt) [hay “đảo điên”] tương tự như vậy.

§ 552

 [1] [Trước hết], sự Thức nhận thuần túy có thái độ phủ định đối với Hữu thể-tuyệt đối của loại ý thức có lòng tin. [Đối với nó], Hữu thể này là tư tưởng thuần túy, và tư tưởng thuần túy [này] được thiết định bên trong ý thức như là đối tượng hay như là bản chất; ở trong ý thức có lòng tin, cái tồn tại “tự mình” (das Ansich) này của tư tưởng đồng thời tiếp nhận – đối với cái ý thức tồn tại cho-mình – hình thức của tính đối tượng [khách quan] nhưng chỉ là hình thức trống rỗng, [bởi] nó chỉ tồn tại trong tính quy định của một cái gì được “hình dung thành biểu tượng” (ein Vorgestelltes). Đối với sự Thức nhận thuần túy, bởi nó là ý thức thuần túy xét theo phương diện của cái Tự ngã tồn tại-cho-mình, nên cái khác này xuất hiện ra như một cái phủ định của Tự-ý thức. Cái khác này có thể được nắm lấy như là cái tồn tại tự-mình thuần túy của tư tưởng hoặc cũng có thể như là cái tồn tại của sự xác tín cảm tính [đối tượng của kinh nghiệm cảm tính]. Nhưng, vì lẽ cái khác này đồng thời tồn tại cho Tự ngã, và Tự ngã này – với tư cách là Tự ngã – có một đối tượng, tức là một ý thức hiện thực, nên đối với sự Thức nhận, đối tượng riêng biệt này, xét như là đối tượng, là một sự vật (ein Ding) tồn tại thông thường của sự xác tín cảm tính. Đối tượng này của sự Thức nhận xuất hiện ra cho nó nơi hình ảnh biểu tượng (Vorstellung) của Lòng tin. Nó lên án biểu tượng này và khi làm như vậy, nó lên án đối tượng của chính nó. Tuy nhiên, ngay trong việc làm này, nó đã phạm sai lầm đối với Lòng tin khi hiểu đối tượng của Lòng tin như thể đó là đối tượng [cảm tính] của chính nó [của sự Khai sáng]. Dựa theo cách hiểu này, nó phát biểu về Lòng tin rằng, Hữu thể-tuyệt đối của Lòng tin là một hòn đá, một khối gỗ, có mắt như mù[2], hoặc chẳng qua là một nhúm bột mì lớn lên trên ruộng lúa, được bàn tay người nhào nặn [thành một ngẫu tượng] rồi lại trở về lòng đất, hoặc bằng bất kỳ phương cách nào khác do Lòng tin nhân hình hóa cái Hữu thể-tuyệt đối này, làm cho Hữu thể ấy mang tính đối tượng [khách quan] và có thể hình dung được[3].

§ 553

Ở đây, sự Khai sáng – tự cho mình là thuần túy[4] – đã biến cái, đối với Tinh thần, – là sự sống đời đời và là Chúa thánh thần thành một sự vật hiện thực, vô thường, và làm ô uế cái thiêng liêng ấy bằng một quan niệm tự nó là vô giá trị của sự xác tín cảm tính, – bằng một quan niệm không hề có mặt nơi thái độ sùng bái của Lòng tin, khiến cho khi nêu ra phương diện này, sự Khai sáng chỉ hoàn toàn bịa đặt và phỉ báng Lòng tin mà thôi. Điều được Lòng tin sùng bái thì, đối với Lòng tin, không phải là đá, là gỗ, cũng không phải là bột mì hay bất kỳ loại vật thể cảm tính, vô thường nào cả. Nếu sự Khai sáng nhận ra điều ấy rồi bảo rằng dù sao đối tượng của Lòng tin “cũng là” sự vật cảm tính ấy, hoặc thậm chí bảo rằng, chính đó mới là cái bản chất và sự thật, thì, Lòng tin, một phần, vẫn biết rõ cái “cũng là” ấy, nhưng cái này hoàn toàn không nằm trong nội dung được Lòng tin sùng bái; phần khác, đối với Lòng tin nói chung, đó không phải là một hòn đá hay một vật gì đấy v.v.. có sự tồn tại “tự mình”, trái lại, với Lòng tin, cái “tự-mình” chỉ duy nhất là cái Bản chất của tư tưởng thuần túy [được nắm bắt bởi tư duy thuần túy].

§ 554

 [2] Yếu tố thứ hai là mối quan hệ của Lòng tin như là [một hình thức của] ý thức nhận thức đối với Hữu thể-tuyệt đối này. Với tư cách là ý thức thuần túy đang tư duy, Lòng tin có Hữu thể này trực tiếp trước mặt mình. | Nhưng, ý thức thuần túy cũng đồng thời là quan hệ được trung giới [gián tiếp] của sự xác tín với chân lý, một quan hệ cấu tạo nên cơ sở [hay căn cứ] (Grund) của Lòng tin. Đối với sự Khai sáng, cơ sở này cũng được xem như là một cái biết bất tất về những sự kiện bất tất [ngẫu nhiên]. Tuy nhiên, cơ sở của cái biết là cái phổ biến được nhận thức (das wissende Allgemeine), và trong tính chân lý của nó là Tinh thần-tuyệt đối. | Tinh thần-tuyệt đối này, – ở trong ý thức thuần túy trừu tượng hay trong tư tưởng xét như tư tưởng – chỉ đơn thuần là cái Hữu thể-tuyệt đối, nhưng với tư cách là Tự-ý thức thì lại là cái biết về chính mình (Wissen von sich). Sự Thức nhận thuần túy thiết định [xem] cái phổ biến được nhận thức này, [tức] Tinh thần tự-nhận thức đơn giản [và thuần túy] này cũng tương tự như thiết định cái [yếu tố] phủ định của Tự-ý thức. Tuy rằng bản thân sự thức nhận này là tư tưởng thuần túy được trung giới, nghĩa là, tư tưởng trung giới chính mình với chính mình, nó là cái biết thuần túy; nhưng vì lẽ nó là sự Thức nhận thuần túy, hay cái biết thuần túy, là cái chưa có cái biết về chính mình, tức là, đối với nó, chưa có được ý thức rằng nó chính là tiến trình thuần túy của sự trung giới, nên tiến trình trung giới này có vẻ xuất hiện ra cho sự Thức nhận, – giống như tất cả những gì vốn bản thân [mang tính chất] là sự Thức nhận – như là một cái khác nó [xa lạ, ở bên ngoài nó]. Song, khi hiện thực hóa được Khái niệm [nguyên tắc] của mình, sự Thức nhận phát triển được yếu tố bản chất này của mình, nhưng yếu tố ấy lại xuất hiện ra cho nó có vẻ như thuộc về Lòng tin và – với tính chất của một cái khác ở bên ngoài sự Thức nhận thuần túy – yếu tố ấy xuất hiện như là cái biết ngẫu nhiên của những câu chuyện kể về những sự kiện lịch sử “có thật” theo nghĩa thông thường của chữ “có thật”. Vậy là ở đây, nó lại quay sang chê trách Lòng tin tôn giáo là đặt sự xác tín của mình trên cơ sở một số “chứng từ” lịch sử cá biệt nào đó, và, vì là những “chứng từ” lịch sử, nên chắc chắn không thể nào đảm bảo được độ chính xác về nội dung sự việc, giống như ta xem bất kỳ sự cố nào được tường thuật trên báo chí. | Thêm nữa, nó lại đổ lỗi rằng sự xác tín trong Lòng tin tôn giáo còn tùy thuộc vào yếu tố ngẫu nhiên là sự lưu trữ những chứng từ ấy: một phần là sự lưu trữ bằng vật liệu bằng giấy, phần khác là tùy vào tài nghệ và sự trung thực trong việc sao chép để lưu truyền văn bản, và sau cùng, là tùy thuộc vào việc có hiểu đúng ý nghĩa của những từ và những lời của tử ngữ ấy không. Thế nhưng, trong thực tế, Lòng tin [tôn giáo] không bao giờ ràng buộc sự xác tín của mình với những chứng từ và những tình huống ngẫu nhiên như thế. | Trong sự xác tín của mình, Lòng tin giữ một quan hệ hồn nhiên đối với đối tượng tuyệt đối của mình, là một cái biết thuần túy [trong sáng] không bao giờ trộn lẫn với văn tự, văn bản và bản sao trong ý thức của mình về Hữu thể-tuyệt đối và không thông qua trung gian của những sự vật thuộc loại ấy. Trái lại, ý thức này là cơ sở tự-trung giới [tự-liên hệ] cho cái biết của mình; nó là bản thân Tinh thần tự “làm chứng” cho mình trong nội tâm của từng ý thức cá nhân cũng như thông qua sự hiện diện phổ biến [rộng khắp] của Lòng tin của mọi người vào đó. Nếu Lòng tin cần viện dẫn đến những sự kiện lịch sử để đặt được cơ sở kiểu ấy hay ít nhất để được xác nhận về nội dung mà sự Khai sáng đề cập, và thật sự nghiêm chỉnh khi suy nghĩ và hành động như thể đó là một công việc hệ trọng, thì như thế, trong thực tế, nó đã để cho sự Khai sáng quyến dụ; và những nỗ lực của Lòng tin nhằm đặt cơ sở hay nhằm cũng cố chính mình bằng cách như thế chỉ là những bằng chứng cho thấy nó đã bị sự Khai sáng [tác động và] lây nhiễm[5].

§ 555

 [3] Còn sót lại phương diện thứ ba cần xét tới, đó là quan hệ của ý thức đối với Hữu thể-tuyệt đối như là một việc làm [phục vụ, thờ cúng]. Việc làm này là sự thủ tiêu (Aufheben) tính đặc thù của cá nhân, hay là thủ tiêu hình thức tự nhiên của sự tồn tại-cho-mình của cá nhân, từ đó làm nảy sinh cho cá nhân sự xác tín về sự tồn tại như là Tự-ý thức thuần túy; sự tồn tại – tương ứng với việc làm của mình, – như là ý thức cá nhân tồn tại-cho-mình [độc lập, tách rời] – trở thành một với Hữu thể-tuyệt đối.

Vì lẽ trong việc làm, tính hợp mục đích (Zweckmässig-keit) và mục đích (Zweck) phân biệt với nhau, và sự Thức nhận thuần túy, trong quan hệ với việc làm này, cũng giữ thái độ phủ định, và tự chối bỏ mình giống như nó đã làm trong những yếu tố khác, nên, đối với tính hợp mục đích, nó phải tự thể hiện ra như là sự ngu xuẩn, thiếu sáng suốt, bởi sự Thức nhận – hợp nhất với ý đồ, tức với sự tương ứng giữa mục đích và phương tiện – xuất hiện ra như cái khác, hay đúng hơn, như cái đối lập của cái gì đúng là sự Thức nhận. | Còn đối với mục đích, nó phải lấy cái xấu, sự hưởng thụ và sở hữu làm mục đích, và qua đó, chứng tỏ chính mình là loại ý đồ không trong sạch nhất, bởi ý đồ trong sạch, với tư cách là cái khác, cũng là ý đồ không trong sạch.

§ 556

Theo đó, ta thấy rằng, đối với tính hợp mục đích, sự Khai sáng cho là khờ khạo khi cá nhân có lòng tin tìm cách đạt được ý thức cao hơn về tự do, thoát khỏi sự ràng buộc của hưởng thụ và khoái lạc bằng cách từ bỏ trong hiện thực sự hưởng thụ tự nhiên và khoái lạc, và bằng việc làm [tu trì] chứng tỏ rằng ở đây không có sự dối trá trong việc khinh bỉ chúng, trái lại, sự khinh bỉ là đúng thật. Cũng thế, sự Khai sáng cho là khờ khạo khi cá nhân muốn đạt được phẩm cách của mình như là cá nhân tồn tại một cách tuyệt đối cá biệt, loại trừ mọi người khác và chiếm hữu chính mình bằng cách tự từ bỏ tư hữu của mình, vì qua đó, trong sự thật, cá nhân chứng tỏ rằng sự cô lập của mình là không thực sự nghiêm chỉnh, mà đúng hơn, tự cho mình là cái gì có thể đứng lên trên sự tất yếu tự nhiên về việc cá thể hóa và, trong việc cô lập tuyệt đối của cái cá nhân tồn tại-cho-mình này, phủ nhận việc những cá nhân khác cũng là một và cũng như là chính mình.

Sự Thức nhận thuần túy thấy rằng cả hai điều nói trên vừa không hợp mục đích, vừa sai lầm. | Nó là “không hợp mục đích” [vô mục đích] khi từ bỏ khoái lạc và sở hữu nhằm chứng tỏ rằng mình độc lập với khoái lạc và sở hữu, bởi nếu vậy, trong trường hợp ngược lại, ắt phải bảo kẻ nào muốn ăn và dùng phương tiện để thực sự ăn là một kẻ điên. Nó cũng thấy là sai lầm [về ý nghĩa luân lý] khi từ chối bữa ăn và trao bơ và trứng không phải để lấy tiền, cũng không trao tiền để lấy bơ và trứng mà chỉ đơn thuần vứt bỏ chúng và không nhận lại gì cả; như thế, là đã xem bữa ăn hay sự sở hữu những vật ấy là một mục đích tự thân, và vậy là, trong thực tế, cho thấy chính mình là ý đồ rất không trong sạch bởi đã gán giá trị bản chất cho việc thụ hưởng và sở hữu những sản vật thuộc loại [không bản chất] ấy. Với tư cách là ý đồ trong sạch, nó vẫn tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải nâng mình lên khỏi sự tồn tại tự nhiên, lên trên sự thèm muốn những phương tiện cho sự tồn tại như thế, nhưng nó chỉ thấy là khờ khạo và sai lầm khi sự nâng mình lên [trong nội tâm] này phải được chứng minh bằng việc làm. | Nói cách khác, ý đồ trong sạch này, trong thực tế, là sự lừa mị, vì nó giả vờ và đòi hỏi một sự nâng cao tâm hồn, nhưng lại cho thấy là thừa thãi, khờ khạo và cả sai lầm nữa khi biến thành việc làm thực sự, nghiêm chỉnh và muốn chứng minh sự thật của mình [biến những mục đích hữu hạn thành những mục đích duy nhất của hành động].

Vậy, sự Thức nhận thuần túy tự phủ nhận chính mình với cả hai tư cách: với tư cách là sự Thức nhận thuần túy, vì nó phủ nhận việc làm hợp mục đích một cách trực tiếp; và với tư cách là ý đồ trong sạch, vì nó phủ nhận ý đồ muốn chứng minh rằng nó [có thể] tồn tại độc lập mà không cần có những mục đích của sự tồn tại cá thể.

§ 557

Trở lên là cách thức sự Khai sáng để cho Lòng tin hiểu về nó. Sở dĩ sự Khai sáng xuất hiện ra trong vẻ ngoài xấu xa ấy, bởi chỉ khi quan hệ với một cái khác nó, nó mới mang lại cho mình tính thực tại phủ định, hay nói khác đi, nó thể hiện chính mình như là cái đối lập với chính mình. | Vả lại, sự Thức nhận thuần túy và ý đồ phải chọn [thái độ] quan hệ này vì đó chính là sự hiện thực hóa của chúng [để chúng có thể trở thành hiện thực].

 [Như đã thấy], sự hiện thực hóa này, thoạt đầu, đã xuất hiện ra như một thực tại phủ định [chối bỏ tiêu cực]. Vậy, thực tại khẳng định [tích cực] của nó có lẽ sẽ có tính chất tốt hơn. | Ta hãy thử xem tình hình thế nào. [Bây giờ], giả thử mọi tiên kiến và mê tín đều được xóa bỏ, câu hỏi sẽ nảy sinh là: rồi sao nữa đây? Sự Khai sáng đã truyền bá chân lý nào thay thế cho chúng? [Thật ra], sự Khai sáng đã phát biểu nội dung tích cực, khẳng định của mình ngay trong quá trình tiêu trừ sai lầm, bởi sự tha hóa ấy của chính nó cũng đồng thời là thực tại tích cực, khẳng định của nó.

Khi bàn về cái mà đối với Lòng tin là Tinh thần-tuyệt đối, sự Khai sáng hiểu bất kỳ đặc điểm nào nó phát hiện ra ở đó, chẳng hạn [ngẫu tượng bằng] gỗ, đá v.v.. như là những sự vật hiện thực, riêng lẻ, [cảm tính]. | Vì lẽ, bằng cách ấy, nó quan niệm mọi đặc điểm nói chung, tức mọi nội dung được lấp đầy [trong Tinh thần-tuyệt đối/Hữu thể-tuyệt đối] là một [sự kiện mang] tính hữu hạn, là một bản chất của con người, một biểu tượng của đầu óc, nên, đối với nó, Hữu thể-tuyệt đối trở thành một chân không (ein Vakuum) đơn thuần, không thể được gán cho bất kỳ đặc điểm, thuộc tính nào cả. Một sự gán ghép [tùy tiện] như vậy tự nó là đáng trách, và chính trong việc làm ấy đã khiến tạo ra bao nhiêu sản phẩm quái đản của sự mê tín. Lý tính, sự thức nhận thuần túy hẳn nhiên bản thân không phải là trống rỗng vì lý do cái phủ định của chính nó là tồn tại [một cách có ý thức] cho-nó và là nội dung của nó; trái lại, là rất phong phú, nhưng chỉ phong phú trong tính cá biệt và trong những [hình thức bị] giới hạn mà thôi. | Phong thái khai sáng của lý tính và của sự Thức nhận thuần túy là ở chỗ không cho phép bất kỳ thứ gì thuộc loại bị giới hạn ấy thuộc về Hữu thể-tuyệt đối cũng như được gán ghép vào cho Hữu thể tuyệt đối như là những thuộc tính: phong thái ấy biết phải đặt bản thân mình và sự phong phú của tính hữu hạn vào đúng chỗ của chúng, và [như thế là] biết đối xử với cái Tuyệt đối một cách trọng thị[6].

§ 558

Đối lập lại với cái Hữu thể trống rỗng ấy là phương diện thứ hai của chân lý tích cực [khẳng định] của sự Khai sáng, đó là: tính cá biệt nói chung của ý thức [của đời sống có ý thức] và của toàn bộ những gì là tồn tại, một tính cá biệt đã thoát ly [đã bị loại trừ] ra khỏi một Hữu thể-tuyệt đối, và mang hình thức của một sự tồn tại tự-mình và cho-mình tuyệt đối. Ý thức, - trong tính hiện thực [biểu hiện] sơ khởi nhất của nó là sự xác tín cảm tính và tư kiến đơn thuần [sự “cho rằng”: das Meinen, xem: Chương I] – sau toàn bộ quá trình kinh nghiệm, đã quay trở về lại với hình thức này, và cũng lại là một cái biết về cái phủ định một cách thuần túy của chính nó [cái biết], hay một cái biết về những sự vật cảm tính, tức là, về những gì đơn thuần hiện hữu (seiend), đứng đối lập dửng dưng với cái tồn tại-cho-mình của nó. Thế nhưng, ở đây, ý thức ấy không phải là ý thức tự nhiên, trực tiếp nữa, mà là ý thức đã trở thành ý thức cho chính mình [một ý thức đã phát triển]. Thoạt đầu, bị bỏ mặc và bị cuốn hút vào mọi cuộc phiêu lưu để tự phát triển mình, ý thức bây giờ – nhờ thông qua sự Thức nhận thuần túy – đã được đưa trở về lại với hình thái đầu tiên của nó, và đã trải nghiệm việc được đưa trở lại hình thái đầu tiên này như là kết quả (Resultat) của cả quá trình. Sự xác tín cảm tính này – dựa trên sự thức nhận về tính hư vô, phủ định (Nichtigkeit) của mọi hình thái khác của ý thức, và do đó dựa trên việc xem mọi cái gì ở phía bên kia của sự xác tín cảm tính đều là hư vô [không đúng thật], nên nó không còn là tư kiến [sự “cho rằng”] đơn thuần nữa, mà đúng hơn, [tự cho mình] là chân lý tuyệt đối. Tính hư vô của tất cả những gì vượt ra khỏi sự xác tín cảm tính [kinh nghiệm cảm tính] tuy chỉ là một bằng chứng tiêu cực về chân lý này, nhưng nó không thể chấp nhận cũng như không thể có một bằng chứng hay sự chứng minh nào khác. | Bởi vì, chân lý tích cực [khẳng định] của sự xác tín cảm tính tự nó chính là sự tồn tại-cho-mình [trực tiếp] không [cần] được trung giới (unvermittelt) của bản thân Khái niệm với tư cách là đối tượng [khách quan] và là một đối tượng trong hình thức của cái tồn tại-khác; chân lý tích cực là ở chỗ khẳng định rằng: điều tuyệt đối xác tín [chắc chắn] đối với bất kỳ ý thức nào, đó là: ý thức tồn tại; và có những sự vật hiện thực tồn tại ở bên ngoài ý thức; và rằng: trong sự tồn tại tự nhiên của ý thức, ý thức cũng như những sự vật này đều là tồn tại tự-mình và cho-mình, hay nói cách khác, đều là tuyệt đối.

§ 559

Sau cùng, yếu tố thứ ba của chân lý của sự Khai sáng là mối quan hệ của những tồn tại cá biệt đối với Hữu thể-tuyệt đối, [tức] mối quan hệ của hai yếu tố đầu tiên với nhau. Sự Thức nhận, với tư cách là sự Thức nhận thuần túy về cái gì đồng nhất và không bị giới hạn cũng vượt ra ngoài cái không đồng nhất [cái đa tạp], tức là, vượt ra ngoài hiện thực hữu hạn, hay, vượt ra khỏi bản thân nó với tư cách là cái tồn tại-khác đơn thuần. Nó lấy cái “ở bên kia” của cái tồn tại-khác này làm cái trống rỗng[7], do đó, nó liên hệ hiện thực cảm tính [những sự kiện cảm tính] với cái trống rỗng này. Trong việc xác định mối quan hệ này, cả hai phía đều không đi vào mối quan hệ như là nội dung, bởi một phía là cái trống rỗng, và do đó, một nội dung chỉ có thể có là thông qua cái khác, tức thông qua hiện thực cảm tính. Tuy nhiên, hình thức của mối quan hệ, – phương diện của cái [nội dung] tự-mình (das Ansich) góp phần vào việc xác định hình thức này – có thể mang hình thái nào tùy thích, bởi hình thức là cái gì có tính phủ định tự-mình, và vì thế, là cái tự-đối lập với chính nó, là cái có thể tồn tại cũng như không-tồn tại, có thể là cái tự-mình (Ansich) cũng như có thể là cái đối lập; hay cùng một cách nói đồng nghĩa như thế, mối quan hệ của hiện thực với cái tự-mình như là cái “ở bên kia” vừa là một sự phủ định (ein Negieren), vừa là một sự thiết định (ein Setzen) hiện thực ấy. Cho nên, nói đúng ra, [những] hiện thực hữu hạn có thể được nắm lấy ngay trong phương cách người ta cần đến chúng. Như vậy, cái cảm tính [những sự vật hiện thực] nay được quan hệ một cách tích cực [được khẳng định, được thiết định] với cái tuyệt đối như là với cái tự mình (Ansich) và hiện thực cảm tính bản thân cũng là tự-mình [được khẳng định như là tồn tại độc lập]; nó được cái tuyệt đối tạo ra, chăm chút và săn sóc. Nhưng rồi, nó lại quan hệ với cái tuyệt đối như là với một cái đối lập, như là với sự không-tồn tại của chính mình; và xét theo mối quan hệ này, nó không phải là tự-mình nữa, mà chỉ là tồn tại cho-một-cái khác (für ein anderes). Trong khi ở hình thái trước đây của ý thức, những Khái niệm [đi vào] trong sự đối lập nhau đã mang hình thái như [sự đối lập giữa] cái Tốt và cái Xấu, thì, trong sự Thức nhận thuần túy [hiện nay], chúng chuyển hóa thành những hình thức trừu tượng hơn của cái tồn tại tự-mình (an sich Sein) và cái tồn tại cho-một-cái khác (für ein anderes Sein)[8].

§ 560

Nhưng, trong thực tế, cả hai cách xem xét, tức xem xét mối quan hệ khẳng định lẫn phủ định của cái hữu hạn với cái tự-mình (das Ansich) đều là thiết yếu như nhau, và như vậy, mọi sự vật đều là tự-mình, đồng thời là cho-một-cái khác: nói khác đi, mọi vật đều là “có ích” (nützlich).

Mọi sự vật bây giờ đều phó mặc mình cho những sự vật khác, để cho những cái khác sử dụng và tồn tại cho những cái khác, rồi đến lượt mình, lại tự đứng trên đôi chân của mình, nếu có thể nói như thế, cũng như hành xử thô bạo với cái khác, tồn tại cho bản thân mình và lại sử dụng cái khác[9].

Kết quả là, con người, [xét] như là “sự vật” có ý thức về mối quan hệ này, rút ra từ đó bản chất và chỗ đứng của mình[10]. Khi tồn tại một cách trực tiếp, con người là tốt với tư cách là ý thức tự nhiên tự-mình; là tuyệt đối với tư cách là cá nhân riêng lẻ, và mọi cái khác là tồn tại cho con người. | Thêm nữa, vì lẽ những yếu tố ấy đều có ý nghĩa của tính phổ biến cho con người với tư cách là sinh vật có ý thức về mình, nên mọi vật đều tồn tại để làm cho con người sung sướng và hài lòng; và, khi lần đầu tiên rời khỏi bàn tay của Thượng đế, con người ngao du trên mặt đất như trong một ngôi vườn được vun trồng dành sẵn cho mình. Rồi con người cũng đã phải hái quả từ cây tri thức về điều Thiện và điều Ác [xem: Kinh Thánh, Moses 2,8]; con người tìm được nơi đây một điều hữu ích để được phân biệt với mọi tồn tại khác, bởi vì, một cách ngẫu nhiên, “tính bản thiện” tự-mình của con người có đặc điểm cấu tạo là sẽ bị tổn hại bởi sự sung sướng quá mức độ; hay nói đúng hơn, tính cá biệt, đơn lẻ của con người chứa đựng một nguyên lý cấu tạo là luôn có “cái bên ngoài” của nó ở ngay trong lòng nó; tính cá biệt ấy có thể vươn ra khỏi chính mình và hủy diệt chính mình. Để ngăn chặn điều ấy, con người tìm thấy nơi lý tính một phương tiện có ích để giới hạn và thuần phục sự vươn ra khỏi chính mình này, hay đúng hơn, để bảo tồn chính mình khi con người đi ra bên ngoài cái được hạn định, bởi đó chính là sức mạnh của ý thức. Bản thân sự hưởng thụ của hữu thể có ý thức và có tính phổ biến tự-mình này – để được đa dạng và lâu dài – cũng phải có tính phổ biến chứ không phải là cái gì nhất định [hạn hẹp]. | Do đó, nguyên tắc điều độ (Mass) có [chức năng] quy định là ngăn cản không để cho sự sung sướng khoái hoạt – trong tính phong phú đa dạng và lâu bền của nó – bị cắt đứt đột ngột; nghĩa là: chức năng quy định [điều tiết] sự điều độ chính là sự vô độ[11]

Giống như mọi sự vật là có ích cho con người, con người cũng có ích tương tự như vậy; và đặc điểm quy định của con người là ở chỗ làm cho mình trở thành một thành viên của cộng đồng người, một thành viên vì lợi ích chung đồng thời cũng là hữu dụng cho tất cả. Vì lợi ích riêng bao nhiêu thì con người cũng phải vì lợi ích cho những người khác bấy nhiêu; và phục vụ cho người khác bao nhiêu cũng là vì mình bấy nhiêu: bàn tay này rửa bàn tay kia. Con người đang ở chỗ nào là đang ở đúng chỗ của mình ở đấy: hưởng lợi từ người khác và được người khác hưởng lợi từ mình[12]

§ 561

Những sự vật khác nhau cũng có ích cho nhau bằng nhiều cách. | Nhưng, sở dĩ mọi sự vật có tính tương hỗ về lợi ích này là nhờ thông qua bản chất của chúng, tức nhờ có quan hệ hai mặt với cái Tuyệt đối: mặt khẳng định, qua đó chúng có được sự tồn tại tự-mình và cho-mình; mặt phủ định, qua đó trở thành sự tồn tại cho-cái-khác. Do đó, mối quan hệ với Hữu thể-tuyệt đối, hay nói khác đi, Tôn giáo là cái có lợi cao nhất trong mọi cái có lợi, bởi đây là bản thân sự ích lợi thuần túy; là [chỗ nhờ đó có] sự tự tồn lâu dài (Bestehen) của mọi sự vật, hay để chúng có sự tồn tại tự-mình và cho-mình và cũng là [chỗ bởi đó có] sự sụp đổ (Fallen) của mọi sự vật hay để chúng trở thành sự tồn tại-cho-cái-khác[13].

§ 562

Tất nhiên, Lòng tin nhìn kết quả khẳng định [tích cực] này của sự Khai sáng với sự kinh tởm, căm ghét không kém gì khi nhìn thái độ phủ định của nó chống lại Lòng tin. Đối với Lòng tin, sự Thức nhận [Khai sáng] này nhìn vào Hữu thể-tuyệt đối mà không thấy gì khác hơn là một “Hữu thể-tuyệt đối”, là một cái “Être suprême” [nguyên văn bằng tiếng Pháp: “Hữu thể tối cao”, thuật ngữ của Descartes biểu thị “Thượng đế của triết gia”. N.D] hay cái Trống rỗng; cũng như ý đồ nhìn mọi sự vật trong sự tồn tại trực tiếp của chúng là “tự-mình”, là “tốt”, và sau cùng, thấy rằng mối quan hệ của tồn tại cá nhân có ý thức với Hữu thể-tuyệt đối, với tôn giáo rút cục được diễn tả trọn vẹn bằng Khái niệm về tính hữu ích (Begriff der Nützlichkeit), tất cả những điều ấy quả là [sự báng bổ] đáng ghê tởm[14]. Đối với Lòng tin, sự khôn ngoan đặc biệt và đặc trưng này của sự Khai sáng đồng thời cũng là biểu hiện tất yếu của bản thân sự nông cạn và là sự thú nhận về sự nông cạn, bởi nó tựu trung là sự không biết gì cả về Hữu thể-tuyệt đối, hay cũng đồng nghĩa như thế, chỉ biết điều hoàn toàn nông cạn về Hữu thể này, tức chỉ biết rằng đó là Hữu thể-tuyệt đối đơn thuần thôi, còn ngoài ra, chỉ biết về cái hữu tận, xem cái hữu tận là chân lý và nghĩ rằng sự hiểu biết về cái hữu tận như là sự hiểu biết về chân lý là sự hiểu biết tối cao [mà con người có thể đạt đến được].



[1] Theo đó, sự Khai sáng đả kích Lòng tin (Tôn giáo) ở cả ba phương diện: đối tượng, cơ sở và các hình thức sùng bái của nó.

[2] “có mắt và không nhìn thấy”: mượn hình ảnh trong Kinh Thánh, Ca Vịnh, 115, 4 và tiếp.

[3] Ở tiết trước (“Lòng tin và sự Thức nhận thuần túy”) ta biết rằng, đối với Lòng tin, cái Bản chất hay Hữu thể tuyệt đối (Thượng đế) xuất hiện ra như đối tượng, nhưng tính đối tượng khách quan này chỉ là một hình thức trống rỗng. Trong khi đó, sự Thức nhận chỉ xem xét hình thức khách quan này, thậm chí xem nó là Tự ngã hiện thực, nên hình thức này chỉ có thể là cái tồn tại cảm tính. Do đó, bây giờ sự Khai sáng chỉ xem đối tượng của Lòng tin như một tính khách quan cảm tính, một hòn đá, một khúc gỗ, một ngẫu tượng cảm tính nào đó. Như vậy, một trong các đặc điểm của sự Khai sáng là tách rời cái cảm tính với tư tưởng, tách rời cái hữu tận với cái vô tận. Theo Hegel, nó còn phải “khắc phục” chỗ hạn chế này. (Xem: Hegel: “Tin và Biết”/“Glauben und Wissen”: bản Lasson, I, tr. 225).

[4] “Thuần túy”: yêu sách của sự Khai sáng là tách rời cái hữu tận với cái Vô tận; từ đó dẫn tới thái độ đối lập là “không thuần túy” (theo nghĩa chơi chữ của Hegel: “không trong sạch”) khi phê phán Lòng tin.

[5] Ám chỉ những ý kiến của G. E. Lessing (1729-1781) khi tranh luận với phương pháp lý giải Kinh Thánh của H. S. Reimarus (quyển “Apologie oder Schutzschrift für die vernünftigen Verehrer Gottes”/“Biện hộ hay tác phẩm bảo vệ cho những người tôn thờ Thượng đế một cách có lý tính” của Reimarus được Lessing chọn lọc và công bố với nhan đề: “Fragmente eines Ungenannten”/“Văn tuyển của một người không nêu tên”). Theo Lessing, các sự thật lịch sử có tính bất tất không thể dùng để chứng minh các chân lý tất yếu của lý tính: cần phải phân biệt giữa văn tự và tinh thần của Kinh Thánh, giữa Kinh Thánh và tôn giáo; các phê phán đối với Kinh Thánh không thể được xem như các phê phán chống lại bản thânTinh thần của Kinh Thánh cũng như chống lại tôn giáo. Mặt khác, dùng các luận cứ thần học-giáo điều để phản bác lại cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế. Vì thế, tham gia vào việc đánh đồng “các chân lý của lý tính” (“vérités de raison”) với “các sự thật của sự kiện” (“vérités de fait”) theo kiểu Reimarus là “không khỏi bị lây nhiễm” bởi chủ trương phi-chính thống của đối phương (Lessing phê phán phương pháp phản bác của J. M. Goeze thuộc phái Luther chính thống). Xem: Gotthold Ephrain Lessing: “Sämtliche Schriften”/ “Toàn tập”, 23 tập, Berlin 1886-1924 (in lại: Berlin 1968), tập 13. 1-8 (dẫn theo bản Meiner). Ngoài ra, ở đây ta thấy Hegel sử dụng phép biện chứng quen thuộc: sự phê phán của Khai sáng “thâm nhập” đến mức nào đó sẽ buộc Lòng tin chấp nhận chiến đấu trên “chiến trường” do sự Khai sáng dọn sẵn. “Chiến đấu” trên đất của đối phương là “tự mình” đã chịu thất bại, nếu không biết đặt vấn đề trên chính “mảnh đất” của chính mình. (dẫn theo bản Meiner).

[6] Như thế, chủ trương đầu tiên của sự Khai sáng (trong chừng mực nào đó, giống với phong trào Cải cách của Martin Luther) là tách biệt triệt để cái hữu tận (và vĩnh viễn là hữu tận) với cái Vô tận (vĩnh viễn là bất khả tri, là không có quan hệ với trực quan). Trong “Tin và Biết”/“Glauben und Wissen”, Hegel xem triết học của Kant, Fichte, Jacobi là đứng trên quan điểm này, và chưa “hòa giải” được giữa cái hữu tận và cái vô tận.

[7] “Cái trống rỗng”: Hữu thể tối cao bất khả tri (hay “Vật-tự thân”) của thuyết Thượng đế luận thế kỷ 18. Ta không thể nói gì về “Hữu thể này” ngoài việc nó tồn tại “tự-mình” (hay “tự thân” kiểu Kant) và không-tồn tại-cho-một cái khác (sein für anderes).

[8] Mọi tính quy định cảm tính đều có thể gán cho cái Tuyệt đối và là “tự-mình”, nhưng vì cái Tuyệt đối là cái hình thức trống rỗng, nên không thể dừng lại ở yếu tố này. Tính quy định cảm tính bị phủ định với tư cách là tính quy định tuyệt đối mà trở thành “cho-một cái khác”. Nên yếu tố thứ ba sẽ là “tồn tại-cho mình”, dẫn tới Khái niệm về “tính hữu ích” sau đây.

[9] Tiến trình vận động này không gì khác hơn là sự vận động của tính quy định hay của sự tri giác trước đây, nhưng được chuyển sang thế giới của Tinh thần, thể hiện ở Khái niệm “tính hữu ích” vốn chưa xuất hiện trong bình diện “tri giác”.

[10] Ám chỉ “triết học về con người” (“Philosophie de l’homme”) theo quan niệm của thế kỷ 18, đặc biệt của các nhà “Bách khoa Pháp”. Đó là quan niệm con người như là “tồn tại của Tự nhiên” (“être de la nature”), đối lập lại với quan niệm tôn giáo về con người (theo J.H).

[11] Có lẽ ở đây Hegel muốn ám chỉ thuyết của J. O. de Lamettrie (1709-1751) thuộc phong trào Khai sáng Pháp, thường được gọi là sự cách tân triết học Epikur (thế kỷ 3 tr. TL.). Theo Lamettrie, Tự nhiên tạo ra con người để được hưởng hạnh phúc. Mỗi người có thể đạt được hạnh phúc phù hợp với mình. Để bảo đảm hạnh phúc, cần có một “nghệ thuật hưởng thụ”, tức biết xác định đúng “mức độ”. Do đó, nhiệm vụ của Đạo đức học là dạy về sự điều độ như là nguồn gốc của mọi đức hạnh. Ngoài ra, khác với Descartes, Lamettrie không thừa nhận có sự dị biệt cơ bản nào giữa người và thú vật. Con người là con vật nhưng có khả năng phát triển đặc biệt năng lực biểu tượng của mình. Xem: La Mettrie: “Oeuvres”/ “Các tác phẩm”, tập 2, Luận văn về hạnh phúc, tr. 223; tập 3, Người máy, tr. 145 và tiếp; “Nghệ thuật vui chơi”, tr. 225 và tiếp (dẫn theo bản Meiner).

[12] Ở đây, Hegel có lẽ ám chỉ thuyết của các nhà Khai sáng Pháp (nhất là Helvétius và Holbach) về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội xét ở giác độ “có ích” cho nhau. Helvétius cho rằng hành vi của một người có “đức hạnh” vừa có lợi cho mình lẫn cho xã hội. Ngoài ra, hảo ý dành cho người khác tùy thuộc vào tính hữu ích mà người khác mang lại cho mình. Vì mọi hành vi đều dựa trên lợi ích và mục đích vị kỷ, nên không ai hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác. Do đó, nhiệm vụ của việc lập pháp sáng suốt là kết hợp lợi ích riêng với lợi ích của nhà nước và đặt “đức hạnh” trên nền tảng lợi ích của mỗi cá nhân. (Xem: M. Helvétius: “De l’esprit”/“Về Tinh thần”, tập I, Zweibrücken 1784, tr. 67). Holbach – và trước đó, Lamettrie – đều tán đồng quan niệm này. Xem: Holbach và Lamettrie, Sđd (dẫn theo bản Meiner).

[13] Xem thêm về triết học thời Khai sáng: Hegel: Các bài giảng về Lịch sử triết học, 1884, t. III, tr. 456 và tiếp.

[14] Ở đây chủ yếu ám chỉ quan niệm “duy lợi” của Helvétius (xem chú thích cho tiểu đoạn 560), theo đó bất kỳ tôn giáo nào cũng phải dựa trên nguyên tắc “hữu ích chung”. Tôn giáo nào đặt cơ sở trên nguyên tắc vĩnh cửu, bất biến này mới là tôn giáo của mọi người. Trong tôn giáo ấy, không có “thần linh” nào hơn là những kẻ “có ích” cho xã hội và không có “ác quỷ” nào hơn là những kẻ “có hại” cho xã hội. Thượng đế của tôn giáo này là tốt và công bình; Ngài muốn mọi người đều được hưởng hạnh phúc phù hợp với lợi ích công cộng. (Xem: Helvétius, Sđd, tr. 192). Ngoài ra, có thể Hegel cũng ám chỉ câu trả lời tán thành của F. de Castillon trước câu hỏi: sự lừa mị có lợi cho quần chúng hay không (câu hỏi có treo giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học Berlin năm 1778, xem chú thích cho tiểu đoạn 550), theo đó, lòng tin vào sự tồn tại của Thượng đế, sự bất tử của linh hồn và sự thưởng, phạt sau khi chết – bất kể đúng hay không – là rất có lợi cho quần chúng (dẫn theo bản Meiner).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt