SỰ THẬT CỦA VIỆC XÁC TÍN VỀ CHÍNH MÌNH
[I. Tự-ý thức, tự-mình:]
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. “Sự thật của việc xác tín về chính mình.” Trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.
§ 167 Vậy, với Tự-ý thức, bây giờ ta đã bước vào nguyên quán của chân lý. Công việc của ta là hãy thử xem hình thái đầu tiên của Tự-ý thức xuất hiện ra như thế nào. Khi ta xem xét hình thái mới này của cái biết – tức cái biết về chính mình [biết về cái mình biết] trong quan hệ [so sánh] với cái biết trước đây – tức cái biết về một cái khác [mình] –, ta thấy rằng dù cái khác này tuy đã biến mất [bị phủ định], nhưng các yếu tố của nó đồng thời vẫn được bảo lưu lại và cái bị mất đi chỉ là ở chỗ các yếu tố ấy [đã] hiện diện ở đây như là các yếu tố tự-mình. Cái tồn tại [thuần túy] của việc “cho rằng” [xác tín cảm tính], tính cá biệt và tính phổ biến đối lập lại với nhau của tri giác, cũng như cái Bên trong trống rỗng của giác tính đều không còn tồn tại như các cái bản chất [có thực thể] nữa, mà chỉ như là các yếu tố của Tự-Ý thức, nghĩa là chỉ như là các sự trừu tượng hay các sự phân biệt đồng thời không có tính thực tại cho bản thân ý thức, hay nói khác đi, chúng không hề là các sự phân biệt và đều là các cái bản chất tiêu biến đi một cách thuần túy. Vậy, dường như chỉ có bản thân yếu tố chủ yếu là bị mất đi, đó là sự tự tồn độc lập, đơn giản [của các yếu tố] cho ý thức. Nhưng, trong thực tế, Tự-ý thức là sự phản tư từ cái tồn tại [đơn thuần] của thế giới cảm tính của giác quan và của tri giác và, về bản chất, là sự quay trở ngược lại chính mình từ cái tồn-tại-khác. Với tư cách là Tự-ý thức, nó là tiến trình vận động. | Nhưng, vì cái nó phân biệt với chính nó chỉ là chính nó như là chính nó, nên sự phân biệt, như một cái tồn tại khác, bị vượt bỏ một cách trực tiếp đối với nó; sự phân biệt không tồn tại, và Tự-ý thức chỉ là sự lặp thừa [Tautologie: trùng ngôn] không có vận động của cái “Tôi Là Tôi”[1]. | Đối với Tự-ý thức, khi sự phân biệt không có hình thái của sự tồn tại thì nó không phải là Tự-Ý thức. Vậy là, cho Tự-ý thức, cái tồn-tại-khác phải hiện diện như là một cái Tồn tại [một sự kiện] hay như yếu tố được phân biệt rõ ràng; nhưng cho ý thức cũng còn có sự thống nhất của bản thân nó với sự phân biệt này như là yếu tố thứ hai được phân biệt rõ ràng. Với yếu tố thứ nhất, Tự-ý thức mang hình thức của Ý-thức và toàn bộ phạm vi của thế giới cảm tính được bảo tồn [như là đối tượng] cho nó, nhưng đồng thời chỉ như là trong mối quan hệ với yếu tố thứ hai, [tức với] sự thống nhất của Tự-ý thức với chính nó. | Và do đó, thế giới cảm tính được Tự-ý thức xem như là có một sự tự tồn, tuy nhiên, sự tự tồn này chỉ như là hiện tượng (Erscheinung = thế giới cảm tính), hay như là sự phân biệt mà về mặt tự-mình không có sự tồn tại nào cả. Tuy nhiên, sự đối lập này giữa hiện tượng và tính chân lý của nó chỉ tìm thấy bản chất của nó ở trong sự thật, đó là sự thống nhất của Tự-ý thức với chính nó. | Sự thống nhất này phải trở thành có tính bản chất đối với Tự-Ý thức, có nghĩa là, Tự-Ý thức là sự HAM MUỐN nói chung. Từ nay, Ý thức – với tư cách là Tự-ý thức, có một đối tượng nhị bội [nhân đôi]: thứ nhất là đối tượng trực tiếp của sự xác tín cảm tính và của tri giác nhưng ở đây nó lại có tính cách của cái phủ định cho Tự-ý thức; còn đối tượng thứ hai là chính bản thân nó [ý thức], là cái bản chất đúng thật nhưng thoạt đầu chỉ hiện diện như là đối lập lại với đối tượng thứ nhất. Ở đây, Tự-ý thức tự biểu hiện ra như tiến trình vận động, qua đó sự đối lập này được khắc phục [được vượt bỏ – aufgehoben] và sự ngang bằng [đồng nhất] của mình với chính mình sẽ hình thành [trở thành minh nhiên] cho bản thân Tự-ý thức. [1] “Tôi là Tôi” (“Ich bin Ich”): Trong sách này, Hegel dùng hình thức “Tôi là Tôi” hay “Tôi = Tôi” thường để chỉ “Nguyên lý” đầu tiên trong “Học thuyết khoa học” của Fichte. Xem: Fichte: “Grundlage der Wissenschaftslehre” (Cơ sở của Học thuyết khoa học), 8, §1, Nguyên lý thứ 1. Ngụ ý phê phán Fichte, Hegel cho rằng: Tự-ý thức là chân lý của ý thức, là sự quay trở lại của ý thức vào trong chính mình từ cái tồn tại-khác, nên nó là một tiến trình vận động. Nhưng, nếu Tự-ý thức chỉ là sự lặp thừa của Tôi = Tôi, nếu cái tồn tại-khác bị thủ tiêu trực tiếp, tức thủ tiêu cả ý thức trong chính mình, Tự-ý thức không còn là sự vận động, không còn là Tự-ý thức. Do đó, cái tồn tại-khác (thế giới cảm tính và tri giác) được bảo lưu (yếu tố thứ nhất), đồng thời bị phủ định và Tự-ý thức là sự vận động trở về với chính mình thông qua sự phủ định này (yếu tố thứ hai). Hegel sẽ gọi Tự-ý thức là sự Ham muốn, vì đối tượng của sự ham muốn (“Hiện tượng” = thế giới cảm tính) vừa tồn tại (được bảo lưu) vừa bị phủ định (để thỏa mãn sự ham muốn).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC