Phong trào Khai minh

Sự thật của việc xác tín chính mình [III. Cái Tôi và sự Ham muốn]


 

SỰ THẬT CỦA VIỆC XÁC TÍN VỀ CHÍNH MÌNH

1

2

3

4

 

[III. Cái Tôi và sự Ham muốn:]

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. “Sự thật của việc xác tín về chính mình.” Trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 172

Vì lẽ [ta] đã xuất phát từ cái nhất thể đầu tiên, trực tiếp và thông qua các yếu tố của việc kiến tạo hình thái và của cả tiến trình vận động dẫn đến sự thống nhất của hai yếu tố này để quay trở lại với bản thể đơn giản đầu tiên, [ta thấy rằng] sự thống nhất [nhất thể] được phản tư này là một sự thống nhất khác với cái ban đầu. Đối lập lại với cái nhất thể trực tiếp, hay với cái nhất thể được phát biểu như một cái tồn tại [đơn thuần] thì cái nhất thể thứ hai này là nhất thể phổ biến bao hàm bên trong nó tất cả mọi yếu tố đã được vượt bỏ ở đây. Cái nhất thể [phổ biến] này là LOÀI đơn giản (die einfache Gattung), không hiện hữu bên trong tiến trình vận động của bản thân Sự sống một cách cho-mình như là cái đơn giản này; trái lại, ở trong Kết quả này, Sự sống chỉ ra một cái gì khác với bản thân nó, tức, hướng đến Ý thức mà Sự sống – như là cái nhất thể này, hay là như LOÀI – tồn tại cho Ý thức[1].

§ 173

Tuy nhiên, Sự sống khác này – chính là Tự-Ý thức – là cái mà Loài, xét như Loài, tồn tại cho nó và bản thân nó là Loài tồn tại cho chính mình, – thoạt đầu chỉ hiện hữu cho Tự-ý thức như là cái bản chất đơn giản này và lấy chính nó – với tư cách là “cái Tôi” thuần túy – làm đối tượng. | Trải qua tiến trình kinh nghiệm – mà ta sẽ khảo sát sau đây – đối tượng trừu tượng này sẽ tự phát triển phong phú hơn lên cho nó [cho “cái Tôi”][2] và sẽ chứa đựng sự triển khai như ta đã thấy trong Sự sống.

§ 174

 “Cái Tôi” đơn giản [sẽ] là Loài này hay là cái phổ biến đơn giản, và đối với nó các sự phân biệt đều không phải là các sự phân biệt chỉ khi cái Tôi này là bản chất phủ định đối với các yếu tố đã được hình thành như các hình thái độc lập-tự chủ. | Và như vậy, Tự-ý thức chỉ tự xác tín về chính mình thông qua việc thủ tiêu cái khác này, tức thủ tiêu cái xuất hiện ra cho Tự-ý thức như là có sự sống độc lập; [và chính vì thế], Tự-ý thức là sự ham muốn[3]. Xác tín về tính hư vô [tính có thể bị thủ tiêu, bị tiêu thụ] của cái-khác này, Tự-ý thức khẳng định minh nhiên cho-mình rằng tính hư vô ấy là sự thật [tính chân lý] của cái khác này; nó tiêu hủy [phủ định bằng cách tiêu thụ] đối tượng độc lập-tự chủ đi và qua đó tự mang lại sự xác tín về chính mình như là sự xác tín đúng thật, một sự xác tín đã trở thành minh nhiên cho bản thân Tự-ý thức trong một thể cách khách quan.

§ 175

Thế nhưng, trong sự thoả mãn [ham muốn] này, Tự-ý thức [sẽ] trải nghiệm sự độc lập-tự chủ của đối tượng của nó. Sự ham muốn và sự xác tín về chính mình đạt được từ sự thoả mãn ham muốn là bị điều kiện hóa bởi đối tượng [của ham muốn], bởi lẽ sự tự-xác tín hiện hữu thông qua việc thủ tiêu cái khác này, và để cho việc thủ tiêu có thể thực hiện được thì cái khác này phải tồn tại đã. Vậy, thông qua mối quan hệ phủ định, Tự-ý thức không thể thủ tiêu được đối tượng, nó chỉ lại càng tạo ra đối tượng cũng như tạo ra ham muốn [mới] bởi chính mối quan hệ này. Trong thực tế, một cái khác với Tự-ý thức mới là cái bản chất của sự ham muốn; và qua kinh nghiệm này, sự thật ấy trở thành hiển nhiên đối với Tự-ý thức[4]. Nhưng, đồng thời, Tự-ý thức cũng giống như thế, là tuyệt đối cho-mình và nó chỉ là cho-mình qua việc thủ tiêu đối tượng và nó phải đi đến [cảm nhận] sự thoả mãn vì đó là sự thật [tính chân lý]. Vì thế, do sự độc lập tự chủ của đối tượng, Tự-ý thức chỉ có thể đạt được sự thoả mãn khi bản thân đối tượng này thực hiện sự phủ định ngay bên trong bản thân nó. | Đối tượng phải tiến hành sự phủ định này đối với bản thân nó trong chính nó, vì tự-mình  đối tượng là cái gì có tính phủ định và phải tồn tại như là tồn tại cho cái-khác. Vì đối tượng là sự phủ định nơi bản thân nó và trong khi tồn tại như vậy, nó đồng thời là độc lập-tự chủ, nên đối tượng là Ý-thức. Trong lãnh vực Sự sống, – là đối tượng của sự ham muốn –, sự phủ định hoặc nằm trong một cái khác, đó là trong sự ham muốn; hoặc có hình thái của một cái gì được xác định đối lập lại với một hình thái [cá thể bên ngoài] dửng dưng đối với nó; hoặc là xuất hiện ra như [bản tính] tự nhiên vô cơ phổ biến của nó [của Sự sống này]. Nhưng, [bản tính] tự nhiên độc lập phổ biến này – trong đó sự phủ định hiện diện như là sự phủ định tuyệt đối – là Loài xét như Loài hay Loài với tư cách là Tự-ý thức. TỰ-Ý THỨC CHỈ ĐẠT ĐƯỢC SỰ THOẢ MÃN TRONG MỘT TỰ-Ý THỨC KHÁC[5].

§ 176

Khái niệm về Tự-ý thức chỉ hoàn tất trọn vẹn trong ba yếu tố sau đây:

a)   “Cái Tôi” thuần túy, chưa được phân biệt là đối tượng trực tiếp đầu tiên của nó;

b)   Nhưng bản thân tính trực tiếp này là sự trung giới tuyệt đối; nó chỉ tồn tại như là sự thủ tiêu đối tượng độc lập-tự chủ, hay nói cách khác, nó là sự ham muốn. Sự thoả mãn ham muốn đúng là sự phản tư của Tự-ý thức vào trong chính nó, hay là, sự xác tín đã trở thành sự thật.

c)   Nhưng, sự thật của sự xác tín này đúng ra là sự phản tư nhị bội [nhân đôi, hai lần], là sự nhân đôi của Tự-ý thức. Tự-ý thức là một đối tượng cho Ý thức, một đối tượng thiết định nơi chính mình cái tồn tại-khác của mình hay thiết định sự phân biệt như là một sự phân biệt không có thật và khi làm như thế, đối tượng là độc-lập-tự chủ. Còn hình thái được phân biệt, chỉ đơn thuần sống thực [“sinh thể hữu cơ”] đúng là cũng nhất định sẽ thủ tiêu tính độc lập-tự chủ của nó trong tiến trình của Sự sống, nhưng cùng với sự phân biệt của nó, nó ngưng không còn là chính nó. | Tuy nhiên, [trong khi đó], đối tượng của Tự-ý thức vẫn có tính độc lập-tự chủ ở trong tính phủ định này của chính nó, và vì thế, nó là Loài cho chính nó, là dòng chảy phổ biến [hay sự liên tục] trong tính riêng biệt của sự hiện hữu tách rời của nó: nó [cũng] là một Tự-ý thức sống thực.

§ 177

[Vậy là] có một Tự-ý thức hiện hữu cho một Tự-ý thức. Chỉ như thế và chỉ khi ấy, Tự-ý thức mới là Tự-ý thức trong thực tế; bởi chỉ bằng cách này, sự thống nhất của chính nó trong cái tồn-tại-khác của nó mới trở thành minh nhiên cho nó. “Cái Tôi” – là đối tượng của Khái niệm về cái Tôi – trong thực tế không phải là “đối tượng”. Nhưng, đối tượng của sự ham muốn chỉ độc lập tự chủ bởi nó là cái bản thể phổ biến không thể nào tiêu hủy được, là cái bản chất trôi chảy ngang bằng với chính mình[6]. Khi một Tự-ý thức là đối tượng, thì đối tượng vừa là “cái Tôi” vừa là “đối tượng”.

Với điều này, đã hiện diện ở đây cho ta Khái niệm về TINH THẦN. Những gì tiếp tục diễn ra cho Ý thức sẽ là kinh nghiệm về việc: TINH THẦN là gì ?; tức về cái Bản thể tuyệt đối này, đó là sự Thống nhất của những Tự-ý thức độc lập khác nhau, được hưởng sự tự do và độc lập hoàn hảo ở trong sự đối lập giữa chúng với nhau: cái TÔI là cái CHÚNG TA và cái CHÚNG TA là cái TÔI[7]. Chỉ ở trong Tự-ý thức – như là trong Khái niệm về TINH THẦN – mà ý thức lần đầu tiên mới có được BƯỚC NGOẶT, đó là, ý thức rời bỏ cái vỏ ngoài (Schein) đầy màu sắc sặc sỡ của cái Bên này cảm tính [cái “Ở đây” và “Bây giờ” của xác tín cảm tính và tri giác] vượt qua bóng đêm trống rỗng của cái Bên kia siêu-cảm tính [của giác tính] để thẳng bước tiến vào ánh sáng ban ngày rạng rỡ TINH THẦN của Hiện Tại.

 



[1] “Loài đơn giản” và “Loài tồn tại “cho” Ý thức”: xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.3.2

[2] “Cho nó”: “wird sich ihm dieser abstrakte Gegenstand bereichern...”: bản tiếng Pháp của J. Hyppolite dịch là: “pour elle” (không rõ “cho” cái gì); bản tiếng Anh của Baillie dịch là: “this abstract object will grow in richness...”, vậy “nó” là “đối tượng trừu tượng này”, (tức cái Tôi). Bản của Miller dịch rõ là “for the “I” ” (“cho cái “Tôi” ”). Tôi thấy cách dịch của Miller rõ ràng hơn. Về ý nghĩa, Tự-ý thức mới xuất hiện ở đây một cách trực tiếp; đối tượng của nó – cái Tôi – chỉ mới là một đối tượng trừu tượng (Tôi = Tôi). Đối tượng này còn phải tự phát triển và thể hiện tất cả sự phong phú của tiến trình biện chứng trước đây. Sự phát triển này sẽ diễn ra khi Tự-ý thức có đối tượng là một Tự-ý thức khác (sự nhân đôi của Tự-ý thức), xem: §§175-176.

[3] Sự ham muốn/Begierde: xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.2.

[4] Tự-ý thức trải nghiệm rằng mình bị điều kiện hóa bởi đối tượng mà mình phủ định. Bản chất của sự ham muốn xuất hiện ra cho Tự-ý thức như một “cái khác”.

[5] Xem: Chú giải dẫn nhập” 6.1.2.

[6] Theo một cách lý giải (xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.4), bản chất của sự ham muốn là bản thân bản thể của Sự sống. Nhưng chỉ có Tự-ý thức mới vừa là cái Tôi, vừa là Bản thể ấy; cho nên Tự-ý thức chỉ tìm được thỏa mãn ở trong một Tự-ý thức sống thực [một Tự-ý thức khác “ngang bằng với chính mình”], bởi nếu không, đối tượng hoặc là cái khác tuyệt đối hoặc cái Tôi trừu tượng không phải là đối tượng.

[7] Tinh thần mới hiện diện ở đây “cho ta”, đó là sự thống nhất của những Tự-ý thức trong những sự dị biệt giữa chúng. “Tinh thần” này sẽ là “Tinh thần khách quan” ở trong cộng đồng xã hội; điều này mới được báo hiệu và sẽ trở thành sự thật trong Chương VI. (Xem: §438 và tiếp).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt