Phong trào Khai minh

Luận về nguồn gốc của bất bình đẳng

 

KỶ NIỆM 300 NĂM IMMANUEL KANT VÀ PHONG TRÀO KHAI MINH

------ o0o ------

 

LUẬN VỀ NGUỒN GỐC CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG

 


Peter Hanns Reill, Ellen Judy Wilson. Encyclopedia of the Enlightenment. Facts on File, 2004, pp. 162-3 | Đinh Hồng Phúc dịch


 

 

Một bài luận của nhà triết học Geneva Jean-Jacques Rousseau, được viết năm 1755 cho một cuộc thi do Viện Hàn lâm Dijon tài trợ. Trong tác phẩm này, Rousseau nổi lên như một nhà tư tưởng độc đáo, người từ chối chấp nhận các kết luận được các đồng nghiệp khai minh đương thời của ông coi là đương nhiên. Tuy nhiên, việc ông bác bỏ những ý niệm cụ thể của họ về sự bình đẳng con người và mối quan hệ của nó với nền văn minh không có nghĩa là ông từ chối các giá trị cơ bản của thời kỳ khai minh.

Giống như các đồng nghiệp khai minh của mình, Rousseau hướng về tự nhiên như nguồn suốicủa sự hiểu biết và sự khôn ngoan sáng suốt nhất cho con người. Nhưng ông tin rằng nhiệm vụ khám phá sự hiểu biết như vậy là khó khăn đối với những người sống trong xã hội văn minh. Ông cho rằng nền văn minh thực sự đã tách con người ra khỏi năng lực tự nhiên của họ trong việc đọc "cuốn sách tự nhiên."

Rousseau xác định nguồn gốc của những khó khăn này trong lịch sử loài người. Lịch sử này không phải là sự tiến bộ liên tục hướng tới sự hoàn hảo, mà đúng hơn là một mô hình tiến bộ theo sau là suy thoái.

Ba giai đoạn phát triển lịch sử khác nhau đã đưa xã hội châu Âu đến tình trạng đáng tiếc của thế kỷ 18. Lúc đầu, con người đã sống như những người hoang dã trong một trạng thái không khác nhiều so với các loài vật khác. Họ chỉ vượt trội hơn các loài vật khác ở việc sở hữu ý chí tự do và năng lựcliên quan đến việc đưa ra lựa chọn về hành vi. Con người cũng sở hữu ba đặc điểm cơ bản khác: khả năng hoàn thiện, khả năng đồng cảm, và sự quan tâm đến cá nhân. Sự tương tác của những đặc điểm cơ bản này đã khởi động một quá trình phát triển con người theo hướng đi lên nhất định, một quá trình tất yếu đưa con người đến giai đoạn thứ hai của lịch sử.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn nguyên thủy hay man dã, đối với Rousseau đây là trạng thái lý tưởng của loài người. Các đặc điểm ban đầu đã được điều chỉnh phần nào, nhưng chúng không bị bóp méo đến mức không thể nhận ra. Trạng thái nguyên thủy mang lại một sự cân bằng tinh tế giữa các đặc điểm tự nhiên của con người và nhu cầu của các nhóm lớn hơn.

Sự phát minh đáng tiếc và thực sự bi thảm ra quyền sở hữu tư nhân đã chấm dứt trạng thái lý tưởng này. Một người đã chiếm một mảnh đất và nói: "Đây là tài sản của tôi." Kết quả là, nền tảng đã được đặt ra cho sự xuất hiện của bất bình đẳng dựa trên tài sản vật chất và địa vị xã hội hoặc quyền lực chính trị mà những tài sản đó có thể mang lại. Rousseau tin rằng một số phát minh trước đó của con người đã tạo nền móng cho việc tạo ra quyền sở hữu tư nhân: các thể chế như gia đình, ngành luyện kim, nông nghiệp, và khái niệm về lòng tự trọng.

Vì vậy, quyền sở hữu đã tạo ra giai đoạn thứ ba của lịch sử, giai đoạn xã hội mà trong đó bất bình đẳng trở nên được thể chế hóa. Tài sản phải được bảo vệ, và do đó luật pháp được tạo ra cùng với các thẩm phán và tòa án để thực thi chúng. Hơn nữa, quyền lực hợp pháp có xu hướng trở nên tha hóa và biến thành sự chuyên chế độc đoán. Giai đoạn thứ ba của lịch sử này chứng kiến sự suy thoái chậm chạp của con người trở lại trạng thái hoang dã vô chính phủ ban đầu.

Ẩn chứa trong tầm nhìn bi quan về lịch sử này là một sự phê phán đối với nghệ thuật, khoa học hiện đại, và công nghệ. Rousseau cũng lên án sự xa hoa, tuyên bố rằng nó làm tha hóa con người vì nguồn gốc của nó nằm trong khái niệm về quyền sở hữu.

Cái nhìn của Rousseau song hành với cái nhìn của John Locke khi cho rằng nền tảng của xã hội dân sự bắt nguồn từ quyền sở hữu tài sản. Nhưng trong khi Locke xem quyền sở hữu là sự bảo đảm cho tự do và bình đẳng chính trị, Rousseau lại thấy nó tạo ra bất bình đẳng và sự phân chia giữa chủ nhân và nô lệ. Sự tiến bộ đáng ca ngợi của nhân loại mà những người đương thời tin rằng họ nhìn thấy trong các phát triển của thế kỷ 18 chỉ là một ảo tưởng trong mắt Rousseau.

Vì vậy, Rousseau đứng ra như một người chỉ trích gay gắt đối với thế giới đương thời của ông và là một người bi quan về tiến trình lịch sử cho đến thời đại của ông. Tuy nhiên, toàn bộ tác phẩm của ông thể hiện cùng một niềm tin vào tiềm năng con người, điều mà đặc trưng trong các tác phẩm của bạn bè và người quen khai minh của ông. Để nhận thấy cái nhìn tích cực đó, người đọc phải nhìn xa hơn Luận về nguồn gốc của bất bình đẳng đến Khế ước xã hội và Émile. Nếu không có sự cân bằng do những tác phẩm sau này cung cấp, người đọc có thể dễ dàng có một cái nhìn méo mó về tư tưởng của con người phức tạp và sáng tạo này.

Đinh Hồng Phúc dịch

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt