Phong trào Khai minh

Phong trào Khai minh

 

KỶ NIỆM 300 NĂM IMMANUEL KANT VÀ PHONG TRÀO KHAI MINH

----- o0o -----

 

PHONG TRÀO KHAI MINH

 

Khai minh, thuật ngữ chỉ phong trào trí thức và văn hóa lớn của thế kỷ 18, đặc trưng bởi niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của tri thức con người để giải quyết các vấn đề cơ bản của sự tồn tại. Các học giả không thốngnhất việc xác định chính xác thời điểm bắt đầu và kết thúc của phong trào Khai minh. Hiện nay hầu hết đều chấp nhận năm 1680 như như một mốc khởi đầu tương đối. Một số học giả tin rằng thời kỳ này kết thúc vào năm 1789 với sự khởi đầu của Cách mạng Pháp, trong khi những người khác kéo dài thời kỳ qua các giai đoạn cách mạng và Napoléon đến năm 1815. Một luận cứ cũng có thể được đưa ra để mở rộng nó, ít nhất là trong thế giới trí tuệ Đức, vượt ra ngoài năm 1815.

Enlightenment [Khai minh] là chữ dịch tiếng Anh của từ lumière trong tiếng Pháp, nghĩa là "những ánh sáng". Lumières xuất hiện thường xuyên trong các cuộc thảo luận của thế kỷ 18, nó chỉ tới cả một chương trình trí tuệ lẫn những người đang tạo ra chương trình ấy. Mọi người đều tuyên bố sở hữu ánh sáng, một biểu tượng mà các trí thức thế kỷ 17 đã vay mượn từ triết học cổ đại vì nó ám chỉ sự khôn ngoan. Thuật ngữ tiếng Đức tương ứng với lumières là Aufklärung. Các nhà trí thức Khai minh được gọi là Aufklärer ở các vùng nói tiếng Đức và Illuministi ở bán đảo Ý.

Phong trào Khai minh có những phức tạp đã làm nảy sinh nhiều cách diễn giải học thuật khác nhau kể từ thế kỷ 18. Ngày nay, trên hết, các học giả nhấn mạnh phạm vi quốc tế của nó. Các biểu hiện của Khai minh có thể được tìm thấy không chỉ ở Anh và Pháp, nơi nó ra đời, mà còn trên khắp châu Âu: ở các vùng lãnh thổ Đức của Đế chế La Mã Thần thánh, ở Áo, Milan và các vùng khác của Đế chế Habsburg, ở Thụy Sĩ, Vương quốc Hai Sicilia, Nga, Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Scotland và các thuộc địa Bắc Mỹ. Nếu Paris là trung tâm không thể chối cãi của phong trào Khai minh, môi trường trí tuệ ở thành phố này được phản chiếu ở những nơi xa xôi như Berlin, London, Vienna, Geneva, Milan, Naples, Rome, Florence, Edinburgh, Saint Petersburg và Philadelphia.

Các nhà trí thức trong phong trào Khai minh đã nhìn nhận một cách phê phán gần như tất cả các truyền thống đã được chấp nhận ở châu Âu. Các truyền thống chính trị; cấu trúc xã hội và kinh tế; thái độ đối với quá khứ; các ý niệm về bản chất con người; các lý thuyết về tri thức, khoa học, triết học, mỹ học và đạo đức; và trên hết là các học thuyết và thể chế của Kitô giáo đều bị đưa ra phân tích. Các tác gia Khai minh nhằm mục đích phá hủy các cấu trúc cũ, xây dựng lại xã hội loài người, các thể chế và tri thức, và cung cấp cho chúng nền tảng vững chắc trong trật tự tự nhiên được cho là của sự vật.

Tinh thần tìm hiểu phê phán không được thực hiện bởi các học giả cô lập, nhốt mình trong những phòng học bụi bặm với những cuốn sách của họ. Thay vào đó, các cuộc nghiên cứu diễn ra trong một khuôn khổ giao tiếp đáng chú ý. Các trí thức, nhà báo, nhà văn, quan chức chính phủ và những người quan tâm khác gặp nhau để thảo luận về ý tưởng của họ ở những nơi như phòng khách, quán cà phê và các viện hàn lâm khoa học. Ở Pháp và Anh, các trường đại học đóng vai trò nhỏ; nhưng ở các khu vực khác như Scotland và Đế chế La Mã Thần thánh, các trường đại học đóng vai trò là những trung tâm Khai minh quan trọng.

Các hình thức giao tiếp xã hội khác nhau đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp khai minh vĩ đại trong việc phổ biến kiến thức vượt ra ngoài ranh giới của xã hội có trình độ học vấn cao. Các tạp chí chuyên ngành, báo chí và ấn phẩm định kỳ, cùng với hoạt động xuất bản sách sôi nổi cũng giúp lan truyền tư tưởng. Các hoạt động của các hội khoa học địa phương, câu lạc bộ chính trị, câu lạc bộ đọc sách và thư viện cho mượn sách cũng đóng góp vào việc này. Các hội kín như Hội Tam Điểm, Illuminati Bavaria và thậm chí cả Hội Hồng Thập Tự đã kết hợp các khía cạnh của tư tưởng Khai minh vào các nghi lễ và tổ chức của họ. Những hội nhóm này đã cung cấp một con đường khác để truyền bá ý tưởng và đóng vai trò là cơ sở tổ chức quan trọng cho phong trào Khai minh ở một số khu vực.

Cuộc Cách mạng Khoa học của thế kỷ 17 đã tạo ra môi trường trí tuệ cơ bản mà trong đó Khai minh được sinh ra. Những thay đổi rộng lớn trong quan niệm về trật tự của thế giới tự nhiên đã đặt ra vô số câu hỏi không chỉ cho khoa học, mà còn cho hầu hết các lĩnh vực khác của sự tìm hiểu trí tuệ của con người. Triết học cơ giới và chủ nghĩa duy lý đã cung cấp các lời giải thích về các hiện tượng tự nhiên thậm chí có thể mở rộng đến hành vi và chức năng của con người. Triết học cơ giới đề xuất giải thích tất cả các hiện tượng tự nhiên về mặt vật chất và chuyển động, và diễn đạt mối quan hệ giữa các sự vật bằng ngôn ngữ toán học. Chủ nghĩa duy lý gán cho lý tính con người những sức mạnh to lớn, miễn là nó hoạt động theo các quy tắc của logic diễn dịch như được chứng minh trong các chứng minh của hình học.

Vào cuối thế kỷ 17, triết học cơ giới nhận được một hình thức mới đầy sức mạnh trong công trình của Isaac Newton, và thuyết duy lý được kết hợp với một hệ thống đối lập gọi là thuyết duy nghiệm. Thuyết duynghiệm khẳng định rằng việc thực thi lý tính mang lại tri thức, nhưng dựa vào một phương pháp lập luận rút ra từ logic quy nạp. Quan sát các sự kiện từ kinh nghiệm và thực nghiệm, cách tiếp cận kinh nghiệm cho phép con người sử dụng lý tính để áp đặt trật tự và cuối cùng để khám phá cấu trúc cơ bản của sự vật.

Ba luồng tư tưởng này – triết học cơ giới, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm – tạo nên những nền tảng cơ bản cho cấu trúc trí tuệ của thời kỳ Khai minh. Những hàm ý có thể rút ra từ chúng và những căng thẳng vốn có trong chúng đã định hình diễn ngôn của Khai minh khi mọi người đấu tranh để cụ thể hóa các khái niệm chính: lý tính và tự nhiên.

Nhưng tại sao lại là hai khái niệm này? Lý tính vừa cung cấp một công cụ trí tuệ để thu nhận kiến thức, vừa là một sự tương tự cho trật tự cơ bản của vũ trụ. Một thế giới được cấu trúc theo lý tính là một thế giới của luật tự nhiên, của các mối quan hệ trật tự, có thể khám phá và thao tác. Tự nhiên cung cấp ẩn dụ cơ bản mà trên đó tất cả các hình thức xã hội loài người được xây dựng một cách nhân tạo phải dựa vào. Tự nhiên cần phải được phân tích, hiểu và bắt chước để các hình thức tự nhiên có thể được xây dựng trong các lĩnh vực của con người.

Vậy nên, lý tính và tự nhiên cung cấp hai mô hình, phép ẩn dụ và tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá mọi lý thuyết và thể chế, dù có được khai minh hay không. Nhưng điều này không bao giờ nên được hiểu là đã tồn tại những định nghĩa đồng nhất về hai khái niệm này. Thực tế không phải vậy! Trên thực tế, cả lý tính lẫn tự nhiên đều mang nhiều ý nghĩa đa dạng thường gây ra sự nhầm lẫn và mâu thuẫn. Để làm phức tạp thêm vấn đề, một sự chuyển dịch đáng kể từ một định nghĩa chung về tự nhiên sang một định nghĩa khác đã xảy ra giữa năm 1740 và 1760. Điều này đã dẫn đến những cuộc điều tra mới về bản chất của lý tính, giới hạn và sức mạnh của nó. Trên thực tế, khi thời kỳ Khai minh khép lại, Immanuel Kant đã một lần nữa tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về nền tảng cơ bản của kiến thức con người về mọi khía cạnh của sự tồn tại.

Mặc dù sự chuyển dịch vào giữa thế kỷ đã tạo ra những sự phân chia rõ rệt trong tư tưởng khai minh, sự căng thẳng và thậm chí nghịch lý đã tồn tại ngay từ đầu. Trên thực tế, một số học giả thích mô tả Khai minh như là một thời đại của phép biện chứng giữa các cặp cực đối lập trong tư tưởng. Các tác gia có thể chọn một cực này hay cực kia; hoặc họ có thể cố gắng tìm một số điểm trung gian giữa các thái cực. Phép biện chứng khai minh đầu tiên chủ yếu liên quan đến lý tính và cảm xúc. Cả các mô hình cơ học, vật chất của sự vật và sự tônsùng cảm tính đều cùng tồn tại trong phong trào Khai minh. Cảm giác, kết quả của trải nghiệm giác quan, được John Locke coi là nguồn gốc của tất cả các ý niệm cơ bản. Phong trào Khai minh đã khai triển ý niệm cơ bản này - khám phá cảm giác và ý nghĩa rộng hơn của nó, cảm xúc, và thường ưu tiên chúng hơn lý tính. Phép biện chứng thứ hai giữa lý tính và trực giác có ý nghĩa quan trọng vào giữa thế kỷ. Lý tính phân tích một vấn đề, tạo ra một chuỗi các phát biểu về nó cuối cùng giải quyết nó (tư duy diễn dịch); trong khi đó, trực giác ngay lập tức nắm bắt toàn bộ vấn đề và tất cả các khía cạnh của nó, mang lại sự hiểu biết mà không cần quá trình phân tích.

Phong trào Khai minh cũng đưa khái niệm "lịch sử" vào nhiều ngành học bằng cách nhấn mạnh rằng sự trôi qua của thời gian mang theo những thay đổi. Trái đất, Kitô giáo, Kinh thánh, loài người và các cá nhân đều có một khía cạnh lịch sử nhấn mạnh các quá trình thay đổi và phát triển có định hướng (tiến bộ hoặc suy thoái).Liên quan chặt chẽ với khái niệm lịch sử, ý tưởng Bildung [đào luyện văn hóa] của Đức bàn về sự xuất hiện của các hình thức cụ thể trong quá trình phát triển lịch sử. Bildung không chỉ áp dụng cho sinh học và địa chất học mà còn cho giáo dục và bản tính con người.

Các cuộc điều tra phê phán do các trí thức khai sáng tiến hành không loại trừ lĩnh vực tôn giáo. Trên thực tế, các câu hỏi thường được đề cập trong giáo lý và thần học tôn giáo đã trở thành vấn đề cấp bách đối với phongtrào Khai minh. Nếu Kitô giáo bị phân tích gay gắt và thỉnh thoảng phải đối mặt với chủ nghĩa bài giáo sĩ mạnh mẽ, nó cũng nhận được sự ủng hộ ở một số khu vực khai minh. Lý tính và sự điều tra phê phán có thể được sử dụng để phá hủy tôn giáo hoặc để tăng cường nền tảng cho đức tin. Chúng cũng có thể tạo ra những cách mới để kiểm tra Kinh thánh và các tác phẩm của các giáo phụ, giúp chúng trở nên dễ chấp nhận hơn đối với những tín đồ khai minh.

Nhiều trí thức Khai minh tìm kiếm những sự thay thế tôn giáo cho các truyền thống được mặc khải của Kitô giáo. Họ chuyển sang chủ nghĩa đa thần, thay thế các giá trị Kitô giáo bằng các giá trị của triết học Epicurus hay của thuyết Khắc kỷ phi Kitô giáo. Một số người cố gắng phát triển các mô hình tôn giáo tự nhiên, chẳng hạn như thuyết hữu thần và thần học vật lý, làm cho các chân lý tôn giáo có thể tiếp cận được với lý trí con người và do đó là phổ quát, có khả năng vượt lên trên các tranh chấp về giáo lý. Những người cấp tiến nhất trong số các triết gia Khai minh đã hoàn toàn chấp nhận chủ nghĩa vô thần và các tương đương khoa học và đạo đức của nó là chủ nghĩa duy vật và thuyết tất định.

Tôn giáo tự nhiên và triết học cơ giới cho phép những người khai minh loại bỏ Thượng đế của Kitô giáo rakhỏi vị trí nổi bật của Ngài trong vũ trụ. Thay vì tham gia mật thiết vào việc định hướng các sự kiện và cuộc sống của con người, Thượng đế trở thành đấng sáng tạo xa xôi nhưng vẫn toàn năng và khôn ngoan. Trongtrường hợp tốt nhất, Ngài thỉnh thoảng can thiệp vào thế giới của mình để điều chỉnh các cơ chế của nó (Thượngđế người thợ đồng hồ).

Mặc dù quan điểm này tỏ ra hấp dẫn đối với những người đã mệt mỏi với xung đột và không khoan dung tôn giáo, nó đặt ra một loạt câu hỏi nghiêm trọng về các phẩm chất đạo đức của thế giới. Thế giới Kitô giáo biến Thượng đế thành đấng sáng tạo ra các tiêu chuẩn đạo đức và là người phán xét tối hậu về sự tuân thủ chúng. Tôn giáo tự nhiên cần thay thế các lối giải thích tự nhiên cho đạo đức, nếu đạo đức đó được giữ lại trong các khái niệm về thế giới. Và phải nhấn mạnh rằng đối với hầu hết các trí thức khai minh, việc bảo tồn các phẩm chất đạo đức là tối quan trọng. Các câu hỏi được đặt ra về bản chất của cái thiện, cái mĩ và cái chân, những phẩm chất gắn bó không thể tách rời trong triết học đạo đức Khai minh. Chúng có tồn tại trong thế giới bên ngoài như những thứ có thật hay không? Hay chúng tương đối theo thời gian, địa điểm và con người? Nguồn gốc của hành vi đạo đức là gì; loại cơ chế tâm lý tự nhiên nào có thể giải thích các quyết định đạo đức ở con người? Tất cả những vấn đề này đòi hỏi sự chú ý và đã nhận được những câu trả lời mang tính đổi mới trong phong trào Khai minh.

Các vấn đề của triết học đạo đức bộc lộ cho ta thấy phép biện chứng Khai minh thứ ba, giữa tự do và tất yếu, hay sự lựa chọn và thuyết tất định. Mọi người tự hỏi, hành động của con người được lựa chọn tự do đến mức nào và được quyết định bởi các quy luật tự nhiên chi phối chức năng của con người đến mức nào. Câu hỏi đòi hỏi phải có câu trả lời, đặc biệt là vì hầu hết mọi người cho rằng hành vi đạo đức không có ý nghĩa trừ khi nó được lựa chọn tự do. Một số xung đột gay gắt nhất trong cộng đồng các trí thức khai minh xoay quanh vấn đề này, và những nỗ lực để giải quyết nó thường xuyên bị các cơ quan kiểm duyệt can thiệp.

Nếu có bất kỳ mô hình nào của phong trào Khai minh đã chi phối các ý niệm truyền thống của chúng ta, thì đó là mô hình biến Khai minh thành một kỷ nguyên được chi phối bởi niềm tin vào lý trí, tiến bộ, chủ nghĩa cá nhân, tình huynh đệ phổ quát và các giá trị nhân bản. Nhưng những khái niệm này không có nghĩa là đại diện cho toàn bộ tư tưởng khai minh. Hơn nữa, chúng có các định nghĩa khác nhau đôi khi tạo ra những khác biệt và các lý thuyết và thực hành loại trừ lẫn nhau.

Trên hết, các trí thức thời Khai minh tin tưởng và cố gắng hành động theo ý niệm rằng tri thức nên được đưa vào phục vụ nhân loại. Tri thức được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả thực tế – các thể chế mới, các thực hành mới, các công nghệ mới – tất cả đều góp phần vào sự tiến bộ chung của con người. Được thể hiện một cách tuyệt đẹp trong nội dung của tác phẩm tiêu biểu của phong trào Khai minh, Bách khoa toàn thư, giá trị này thúc đẩy các hoạt động trên khắp châu Âu vì cải cách xã hội, chính trị, giáo dục, kinh tế và trí tuệ.

Khai minh tạo ra các cải cách thực tiễn ở mọi cấp độ của cuộc sống. Dù được thúc đẩy từ dưới lên bởi hành động của các trí thức hoặc các nhóm xã hội khác hay được thiết lập từ trên xuống bởi các bộ trưởng hoàng gia và những người thực hành chế độ chuyên chế khai minh, những cải cách này đã thay đổi cách thức tổ chức của một số hoạt động cơ bản trong cuộc sống con người. Cuộc cách mạng công nghiệp, kinh tế tự do, các nhà nước cảnh sát được kiểm soát ở Trung Âu, các nền cộng hòa chính trị được tạo ra trong cuộc Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, tất cả đều lấy cảm hứng từ các lý tưởng Khai minh.

Cuối cùng, phong trào Khai minh đã đưa thế giới châu Âu bước vào kỷ nguyên hiện đại, mặc dù sau này nó bị chủ nghĩa lãng mạn thay thế. Trong quá trình diễn ra, các thể chế cũ của xã hội châu Âu đầu thời kỳ hiện đại biến mất hoặc được chuyển đổi thành các thể chế có thể nhận diện được trong mắt người hiện đại. Vì lý do này, và vì nó chứa đựng rất nhiều tài liệu kích thích tư duy và hấp dẫn, phong trào Khai minh xứng đáng được nghiên cứu.

 

Đọc thêmRobert Anchor, The Enlightenment Tradition (Berkeley: University of California Press, 1967); Ernst Cassirer, The Philosophy of the Enlightenment, tr., Fritz C. A. Kolln and James P. Pettegrove (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1951); Norman Hampson, The Enlightenment, vol. 4 of the Pelican History of Human Thought (Baltimore: Penguin Books, 1968); Roy Porter, The Enlightenment (London: Macmillan Education, 1990); Roy Porter and Mikulas Teich, The Enlightenment in National Context (Cambridge: Cambridge University Press, 1981). 

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Peter Hanns Reill, Ellen Judy Wilson. 2004. Encyclopedia of the Enlightenment. Facts on File, tr. 179-181


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt