SỰ KHAI SÁNG
a CUỘC ĐẤU TRANH CỦA SỰ KHAI SÁNG CHỐNG LẠI SỰ MÊ TÍN
[III. Quyền hay cái Lý của sự Khai sáng:]
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự Khai sáng - cuộc đấu tranh của sự khai sáng chống lại sự mê tín” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.
§ 563 Lòng tin có quyền [hay có cái lý] (Recht) thiêng liêng để chống lại sự Khai sáng, đó là cái lý của tính tự-đồng nhất tuyệt đối hay là của tư tưởng thuần túy; và thấy sự Khai sáng rõ ràng là vô lý [sai lầm] (Unrecht), vì nó đã xuyên tạc mọi yếu tố của Lòng tin, biến chúng thành những cái gì khác hẳn so với khi chúng ở trong Lòng tin. Thế nhưng ngược lại, sự Khai sáng cũng đơn thuần có quyền [hay có cái lý] của con người khi chống lại Lòng tin, và đấu tranh cho chân lý của chính mình, vì cái vô lý [sai lầm] mà nó phạm phải lại là cái lý của sự không-đồng nhất, của sự đảo ngược và biến đổi, một cái lý thuộc về bản tính tự nhiên (Natur) của Tự-ý thức đối lập lại cái bản chất đơn giản, hay là đối lập lại tư tưởng. Song, vì cái lý của sự Khai sáng là lý của Tự-ý thức, nó cũng sẽ không chịu đơn thuần rút lại cái lý của mình, khiến cho hai cái lý đều có giá trị như nhau của Tinh thần sẽ vẫn đứng đối lập lại với nhau, không bên nào chịu thỏa mãn yêu sách của bên nào; trái lại, sự Khai sáng sẽ vẫn giữ vững cái lý [hay quyền] tuyệt đối của mình, bởi Tự-ý thức là [chức năng mang] tính phủ định của Khái niệm, một chức năng không chỉ vận hành độc lập “cho-mình” mà còn nắm quyền kiểm soát cả cái đối lập với nó. | Và, bởi bản thân Lòng tin cũng là [một thể cách của] ý thức, nên nó vẫn sẽ không thể bác khước cái lý [hay cái quyền] này của sự Khai sáng. § 564 [a) Sự tự-vận động của tư tưởng:] Bởi vì [thật ra], sự Khai sáng không tiến hành việc chống lại Lòng tin bằng những nguyên tắc của riêng mình, trái lại, bằng những nguyên tắc vốn có sẵn [mặc nhiên] trong bản thân Lòng tin. Sự Khai sáng chỉ tập hợp lại những tư tưởng của chính Lòng tin, những tư tưởng ấy vốn nằm phân tán, bị tách rời ngay bên trong Lòng tin nên không được Lòng tin biết đến. | Sự Khai sáng chỉ đơn thuần gợi cho Lòng tin nhớ rằng: khi một hình thức của nó hiện diện thì nó cũng còn có những hình thức khác nữa, chỉ có điều nó luôn quên những hình thức này mỗi khi có sự hiện diện của một hình thức nhất định. Sự Khai sáng tự chứng tỏ với Lòng tin rằng mình là sự Thức nhận thuần túy ở chỗ luôn nhìn thấy cái toàn bộ ở nơi một yếu tố nhất định được mang lại, do đó, luôn mang lại cái đối lập và đặt cái đối lập này vào trong quan hệ với yếu tố nhất định kia, đảo ngược yếu tố này thành yếu tố nọ, thúc đẩy sự hình thành của nguyên tắc phủ định vốn là cái bản chất của cả hai tư tưởng: đó chính là Khái niệm (Begriff). Vì thế, sự Khai sáng xuất hiện ra trước Lòng tin như là sự xuyên tạc và dối trá, bởi nó vạch trần cái tồn tại-khác [phương diện khác] trong những yếu tố của Lòng tin. | Kết quả là: sự Khai sáng có vẻ như đã trực tiếp biến những yếu tố ấy thành những gì khác với chúng khi chúng tồn tại riêng lẻ, nhưng cái khác này cũng có tính thiết yếu, bản chất giống như thế, và, trong sự thật, vốn đã có sẵn trong bản thân Lòng tin, chỉ có điều, ý thức có lòng tin này không suy nghĩ về nó, tưởng nó là ở nơi xa lạ nào khác. | Cho nên, cái khác này vừa không xa lạ với Lòng tin, vừa không thể bị Lòng tin chối bỏ được. § 565 Thế nhưng, sự Khai sáng, khi gợi cho Lòng tin nhớ đến cái đối lập của những yếu tố bị tách rời của nó, thì bản thân cũng chẳng được “khai sáng” gì hơn về chính mình. Sự Khai sáng hành xử thuần túy phủ định chống lại Lòng tin, trong chừng mực nó loại trừ chính nội dung của mình ra khỏi tính [hoạt động] thuần túy của mình và nắm lấy nội dung ấy làm cái phủ định của chính mình. Vì thế, nó vừa không nhận ra chính mình trong cái phủ định này – tức trong nội dung của lòng tin –, vừa, vì lý do đó, không tập hợp được hai tư tưởng lại làm một, tức một bên, là tư tưởng do nó mang lại, và bên kia, là tư tưởng mà nó chống lại bằng tư tưởng trước. Vì nó không nhận ra rằng những gì nó lên án ở trong Lòng tin cũng trực tiếp là những tư tưởng của chính nó, nên nó tồn tại ngay trong sự đối lập của hai yếu tố, trong đó nó chỉ thừa nhận một yếu tố thôi, – yếu tố đối lập lại với Lòng tin –, nhưng lại tách rời yếu tố còn lại với yếu tố này, giống hệt như cách làm của Lòng tin. Do vậy, sự Khai sáng không tạo ra được sự thống nhất của cả hai như là nhất thể của chúng, nghĩa là không tạo ra được Khái niệm; trái lại, Khái niệm ra đời (entsteht) trước mặt nó một cách độc lập, “cho-mình”, hay nói khác đi, sự Khai sáng chỉ tìm thấy Khái niệm như cái gì có sẵn đấy. [Điều này không gì lạ] vì về mặt tự-mình, việc hiện thực hóa của sự Thức nhận thuần túy chính là ở chỗ: sự Thức nhận – mà bản chất của nó là Khái niệm – thoạt đầu hình thành [trong hình thái của] một cái khác tuyệt đối đối với bản thân nó và tự chối bỏ chính mình, vì cái đối lập của Khái niệm là cái đối lập tuyệt đối, rồi sau đó mới từ cái tồn tại-khác ấy đi đến với chính mình, hay nói cách khác, đi đến Khái niệm. Vậy, sự Khai sáng chỉ đơn thuần là tiến trình vận động này; nó là hoạt động còn [ở giai đoạn] vô-ý thức của Khái niệm thuần túy; một hoạt động tuy đi đến chính mình với tư cách là đối tượng nhưng vẫn còn nắm lấy đối tượng này như một cái khác, và không nhận biết bản tính tự nhiên của Khái niệm, nghĩa là, không biết rằng nó là cái bất phân biệt, tự phân chia chính mình một cách tuyệt đối[1]. Như thế, khi chống lại Lòng tin, sự Thức nhận chính là sức mạnh của Khái niệm, trong chừng mực nó là tiến trình vận động và làm cho những yếu tố nằm tách rời trong Lòng tin quan hệ lại với nhau, một sự quan hệ (Beziehen) làm cho sự mâu thuẫn bên trong những yếu tố ấy bộc lộ ra. Chính việc làm này là quyền thực hiện sức mạnh của sự Thức nhận đối với Lòng tin; nhưng [chất liệu] hiện thực để sự Thức nhận dùng sức mạnh của mình tác động vào lại chính là ở chỗ: bản thân ý thức của Lòng tin cũng là Khái niệm, và do đó, bản thân nó cũng thừa nhận cái đối lập do sự Thức nhận mang lại cho nó. Sở dĩ sự Thức nhận [sự Khai sáng] giữ vững quyền [hay cái lý] ấy để chống lại Lòng tin là do nó [muốn] khẳng định giá trị hiệu lực ở ngay trong Lòng tin về những gì là thiết yếu (notwendig: tất yếu và cần thiết) cho bản thân Lòng tin và về những gì Lòng tin vốn hàm chứa sẵn trong chính mình. § 566 [b) Phê phán các lập trường của Lòng tin:] Trước tiên, sự Khai sáng nhấn mạnh đến yếu tố Khái niệm và cho rằng đó là một hành vi của ý thức; nó khẳng định trước Lòng tin rằng: Hữu thể-tuyệt đối của Lòng tin [thực chất] là một Hữu thể của ý thức của Lòng tin như là của một Tự ngã [có ý thức], hay nói cách khác, Hữu thể ấy là do ý thức tạo ra. Đối với ý thức của Lòng tin, Hữu thể-tuyệt đối – trong khi tồn tại như thể là cái tự mình [tồn tại khách quan] – thật ra cũng không tồn tại như một sự vật xa lạ mà không ai rõ từ đâu và bằng cách nào lại đến được với Lòng tin. | Trái lại, “lòng tin cậy” [hay “tin tưởng”][2] chính là ở chỗ tìm thấy chính mình như là một ý thức cá nhân riêng lẻ [được nằm] ở bên trong Hữu thể-tuyệt đối; và sự tuân phục cũng như sự phụng hiến của Lòng tin là ở chỗ tạo ra Hữu thể-tuyệt đối ấy như là Hữu thể tuyệt đối của riêng mình thông qua việc làm [sùng bái] của mình. Nên nói đúng ra, sự Khai sáng chỉ nhắc nhở Lòng tin về điều này, khi Lòng tin khẳng định một cách đơn giản [thiếu cơ sở] rằng cái tự-mình (das Ansich) của Hữu thể-tuyệt đối là cái gì nằm ở phía bên kia việc làm của ý thức [không do ý thức tạo ra]. Nhưng, vì lẽ khi phản đối lại tính phiến diện của Lòng tin, sự Khai sáng quả đã lưu ý [Lòng tin về] yếu tố đối lập, tức yếu tố việc làm trái ngược lại với yếu tố tồn tại – ở đây, mọi Lòng tin đều chỉ mới nghĩ đến [mặt] tồn tại [của Hữu thể tuyệt đối] thôi –, song, khi làm như thế, vẫn chưa hợp nhất những tư tưởng đối lập ấy lại với nhau, nên sự Khai sáng cô lập yếu tố thuần túy của việc làm và tuyên bố rằng: điều được Lòng tin nắm lấy như là cái tồn tại tự-mình (Ansich) chỉ đơn thuần là một sản phẩm [của việc làm] của ý thức[3]. Tuy nhiên, việc làm bị cô lập hóa, việc làm được xét như đối lập lại với cái tồn tại tự-mình (Ansich) này, thì chỉ là một việc làm ngẫu nhiên, bất tất, và, với tư cách là một việc làm của việc hình dung bằng biểu tượng, chỉ là một sự sản sinh ra những sản phẩm tưởng tượng (Fiktionen), mà những sản phẩm tưởng tượng – tức những biểu tượng (Vorstellungen) [tư tưởng mang tính hình tượng] – ắt không thể có sự tồn tại tự-mình được. | Và đó chính là cách nhìn của sự Khai sáng về nội dung của Lòng tin. Tuy nhiên, sự Thức nhận thuần túy cũng sẵn sàng nói điều trái ngược lại. Khi sự Thức nhận này còn duy trì yếu tố của sự “tồn tại-khác” nằm ngay bên trong Khái niệm, thì [trong thực tế] nó phát biểu về cái Hữu thể [tuyệt đối] của Lòng tin như thể về một cái gì không hề liên quan đến ý thức, nằm bên ngoài ý thức, xa lạ với ý thức và, do đó, không [thể] nhận thức được. Tình hình cũng tương tự như thế ở nơi Lòng tin. | Một mặt, Lòng tin đặt trọn niềm tin tưởng (Vertrauen) vào Hữu thể tuyệt đối, và khi làm như vậy, có được sự xác tín về chính mình, nhưng mặt khác, [xem] mọi con đường dẫn đến Hữu thể ấy là không thể dò tìm được, còn sự tồn tại của Hữu thể ấy thì không thể nào vươn đến nỗi[4]. § 567 Thêm nữa, sự Khai sáng giữ vững cái lý của mình trước Lòng tin, – và cũng được Lòng tin thừa nhận –, khi nó xem đối tượng được Lòng tin sùng bái chỉ như là hòn đá, khúc gỗ, hay, nói ngắn, như bất kỳ một cái hữu tận nào khác mang tính nhân hình [hóa] (anthropomorphisch). Bởi lẽ, ý thức này [của Lòng tin] là ý thức bị phân đôi trong bản thân nó: vừa có một “cái bên kia” xa cách hiện thực, vừa có một [sự hiện thân nơi] “cái bên này” [trực tiếp, hiện thực] của “cái bên kia” ấy, cho nên, trong ý thức ấy, thực tế vẫn có một cách nhìn rằng những sự vật cảm tính, hữu tận cũng có giá trị tự-mình và cho-mình. | Nhưng, ý thức [Lòng tin] không hợp nhất được hai tư tưởng về cái gì là “tự-mình và cho-mình”, nghĩa là, không hợp nhất được cái khi thì “tự-mình và cho-mình” như là Hữu thể tuyệt đối của Lòng tin, khi khác lại là một sự vật cảm tính bình thường. Ngay chính ý thức thuần túy của bản thân Lòng tin cũng bị tác động bởi cách nhìn này, bởi lý do là: vì thiếu vắng Khái niệm nên những sự dị biệt của thế giới siêu-cảm tính của nó cũng là một chuỗi những hình thái độc lập, và sự vận động của những hình thái ấy là một sự kiện xảy ra ngẫu nhiên, nghĩa là, chúng chỉ đơn thuần tồn tại ở trong [sự hình dung thành] biểu tượng, và mang đặc điểm của sự tồn tại cảm tính [bất tất, hữu tận][5]. Về phía mình, sự Khai sáng cô lập hiện thực theo cách tương tự, xem nó như là một hiện thực đã bị Tinh thần rời bỏ [hiện thực không có Tinh thần], cô lập đặc điểm quy định của hiện thực thành một tính hữu tận cố định, không thể dịch chuyển, như thể tính hữu tận này không phải [chỉ] là một yếu tố trong [toàn bộ] tiến trình vận động mang tính Tinh thần của bản thân hiện thực, [nghĩa là] như một cái gì tuy không phải là hư vô, nhưng cũng không phải là cái gì có sự tồn tại tự-mình [tồn tại một cách tuyệt đối], mà là một cái gì [giả tạm, nhất thời] đang bị tiêu biến đi (ein verschwindendes Etwas)[6]. § 568 Rõ ràng, tình hình cũng diễn ra tương tự như thế ngay nơi cơ sở của cái biết. Ý thức của Lòng tin cũng thừa nhận một cái biết bất tất, bởi ý thức ấy có một mối quan hệ với những sự vật bất tất, ngẫu nhiên; và bản thân Hữu thể-tuyệt đối cũng tồn tại cho Lòng tin trong hình thức của một hiện thực thông thường được hình dung bằng biểu tượng. | Do đó, Lòng tin cũng là một sự xác tín [nhưng] không có được chân lý ngay bên trong nó, và Lòng tin tự thú nhận mình là một loại ý thức không có tính bản chất (unwesentliches Bewusstsein), nằm ở phía “bên này”, cách biệt với Tinh thần vừa mang lại cho mình sự xác tín lẫn chân lý về chính mình[7]. Thế nhưng, Lòng tin quên mất yếu tố này trong cái biết trực tiếp của nó về Hữu thể-tuyệt đối. Còn phía sự Khai sáng, khi nhắc nhở Lòng tin về tất cả những điều này, lại một lần nữa, chỉ nghĩ đến cái biết bất tất và quên đi cái khác, – tức chỉ suy tưởng về tiến trình trung giới diễn ra thông qua một cái [hạn từ] thứ ba xa lạ, chứ không suy tưởng về tiến trình trung giới, trong đó bản thân cái trực tiếp chính là cái hạn từ thứ ba, qua đó cái trực tiếp tự trung giới chính nó với cái khác, tức với bản thân [Tự ngã của] nó[8]. § 569 Sau cùng là cái nhìn của sự Khai sáng về việc làm của Lòng tin, theo đó sự vứt bỏ hưởng thụ và tài sản là sai lầm và vô-mục đích. Về điểm cho sự vứt bỏ này là sai lầm, sự Khai sáng nhất trí với Lòng tin ở chỗ: bản thân Lòng tin cũng thừa nhận hiện thực của việc sở hữu tài sản, gìn giữ và thụ hưởng nó. | Trong việc bảo vệ sở hữu, Lòng tin càng tỏ ra độc chiếm và ngoan cố hơn, cũng như trong việc hưởng thụ, càng tỏ ra ham hố hơn, bởi hành vi tôn giáo – từ bỏ sở hữu và hưởng thụ – là diễn ra bên ngoài lãnh vực hiện thực và được đánh đổi bằng sự tự do tha hồ trong lãnh vực này[9]. Chính do sự đối lập này mà sự phụng hiến – tức sự hy sinh những hoạt động và hưởng thụ tự nhiên – không có sự đúng thật trong thực tế. | Sự chiếm giữ và sự hy sinh cùng tồn tại bên nhau. | Sự hy sinh chỉ đơn thuần là một “dấu hiệu” [tượng trưng], thực hiện một phần nhỏ sự hy sinh thực sự và vì thế, trong thực tế, chỉ là một sự hy sinh trong tưởng tượng mà thôi. § 570 Về điểm cho là vô-mục đích, sự Khai sáng thấy rằng việc vứt bỏ một vật sở hữu để tự biết và để chứng tỏ được giải thoát khỏi mọi sự sở hữu; việc từ chối một sự hưởng thụ để tự biết và để chứng tỏ được thoát ly khỏi mọi sự hưởng thụ là việc làm không thích đáng. Bản thân ý thức của Lòng tin cũng hiểu hành vi tuyệt đối [phải] là một hành vi mang tính phổ biến. | Không chỉ hành động của Hữu thể-tuyệt đối – như của đối tượng của Lòng tin – mới xuất hiện ra cho Lòng tin như là một hành động phổ biến, mà cả ý thức cá nhân cũng phải tự chứng tỏ là thoát ly hoàn toàn và phổ biến khỏi bản chất cảm tính của mình[10]. Thế nhưng, vứt bỏ một vật sở hữu riêng lẻ, từ khước một sự hưởng thụ cá biệt không phải là hành vi có tính phổ biến như thế. | Và vì lẽ, trong hành động thì mục đích là mục đích phổ biến, nhưng thực hiện thì lại là tiến trình riêng lẻ, hành động ấy nhất thiết là không tương thích khi xuất hiện trước ý thức. | Nó tự cho thấy là một hành động trong đó không có phần đóng góp của ý thức, và cách hành động như thế quả là quá ngây thơ để được gọi là một hành động. | Thật quá ngây thơ khi nhịn ăn để chứng tỏ rằng mình được giải thoát khỏi lạc thú của việc ăn uống; thật quá ngây thơ khi tước bỏ những lạc thú khác ra khỏi thân xác – như Origines[11] chủ trương – nhằm chứng minh những khoái lạc thân xác đều đã bị xóa bỏ. Bản thân hành vi ấy chỉ chứng minh một động tác ngoại tại, cá biệt. | Còn sự ham muốn lại là cái bám rễ rất sâu ở đời sống bên trong, và là một yếu tố có tính phổ biến; [sự ham muốn] khoái lạc không biến mất cùng với [sự biến mất của] dụng cụ [phương tiện] để đạt được khoái lạc, cũng như thông qua việc thiếu vắng những khoái lạc cá biệt. § 571 Nhưng ở đây, về phía mình, sự Khai sáng cô lập cái bên trong [nội tâm], cái không-hiện thực như cái gì đối lập lại với hiện thực; giống như khi chống lại thái độ trực cảm và phụng hiến có tính nội tâm của Lòng tin, sự Khai sáng đã bám chặt vào tính ngoại tại của sự vật cảm tính. Sự Khai sáng đặt yếu tố chủ yếu [của Lòng tin] vào trong ý đồ, trong tư tưởng, và qua đó thấy không cần thiết phải hoàn thành trong hiện thực việc giải thoát ra khỏi những mục đích tự nhiên. | Trái lại, bản thân lãnh vực bên trong nội tâm này [chỉ] là yếu tố mô thức (das Formale) được lấp đầy về nội dung trong những động lực tự nhiên; những động lực được biện minh bằng sự kiện [đơn giản] rằng chúng rơi vào bên trong [Tự nhiên]; rằng chúng thuộc về cái tồn tại phổ biến, tức thuộc về Tự nhiên. § 572 [c) Lòng tin bị làm rỗng về nội dung:] Như thế, sự Khai sáng làm chủ một sức mạnh không thể cưỡng lại được trên Lòng tin, bởi Lòng tin cũng tìm thấy ngay trong ý thức của mình đúng những yếu tố đang được sự Khai sáng mang lại cho ý nghĩa và giá trị. Xét kỹ hơn về tác động của sức mạnh này, có vẻ thái độ chống lại Lòng tin của sự Khai sáng là nhằm phá vỡ sự thống nhất đẹp đẽ giữa lòng tin cậy với sự xác tín trực tiếp, làm mất đi sự thuần khiết của ý thức tinh thần của Lòng tin bằng những tư tưởng thấp kém, tầm thường của hiện thực cảm tính, và phá hủy cái tâm thức bình yên và an toàn có được từ sự hạ mình tuân phục của Lòng tin bằng sự tự phụ của lý trí, của ý chí cá nhân và sự tự thực hiện bản thân. Nhưng, đúng hơn, trong thực tế, sự Khai sáng mở đầu tiến trình vượt bỏ (Aufhebung) sự phân cắt vô-tư tưởng, hay nói chính xác hơn, sự phân cắt vô-khái niệm vốn hiện diện bên trong Lòng tin. Ý thức của Lòng tin cân đo bằng thước đo có hai mặt, nhìn bằng hai loại mắt, nghe bằng hai loại tai, nói bằng hai loại giọng lưỡi và ngôn ngữ; nó đã nhân đôi mọi biểu tượng mà không chịu so sánh tính hai mặt về ý nghĩa này. Hay, có thể nói, Lòng tin sống với hai loại tri giác [đều có tính vô-Khái niệm], một bên là tri giác của những tư tưởng ngái ngủ [tiền phê phán], hoàn toàn vô-khái niệm, và bên kia là ý thức tỉnh táo, hoàn toàn chỉ sống trong thế giới cảm tính; và, trong mỗi loại, Lòng tin đều có sự quản lý riêng cho “ngôi nhà” ấy của mình. Sự Khai sáng soi sáng[12] thế giới thiên đình ấy bằng những ý tưởng được rút ra từ thế giới cảm tính, vạch rõ tính hữu hạn mà Lòng tin không thể phủ nhận, bởi nó [cũng chính] là Tự-ý thức, và, do đó, là cái nhất thể, nơi đó cả hai phương cách biểu tượng nói trên đều thuộc về, và ở trong đó, chúng không bị tách rời nhau ra nữa, vì chúng cùng thuộc về một Tự ngã đơn giản, không thể bị phân lìa, một Tự ngã mà [từ nay] Lòng tin đã chuyển hóa vào. § 573 Như vậy, kết quả là Lòng tin đã đánh mất hết nội dung vốn đã lấp đầy môi trường (Element) của nó và bị sụp đổ vào trong tình trạng ngột ngạt, u sầu, nơi đó Tinh thần chỉ còn âm thầm đan dệt trong chính bản thân mình thôi. [đời sống của xúc cảm cảm tính]. Lòng tin đã bị xua đuổi ra khỏi vương quốc của mình, hay nói khác đi, vương quốc này đã bị cướp bóc hết sạch, bởi ý thức tỉnh táo [sự Khai sáng] đã giành hết về tay mình mọi sự phân biệt và bày biện ở trong vương quốc ấy, đòi lại quyền làm chủ đối với mọi bộ phận của nó để trả về cho mặt đất là người chủ sở hữu của chúng. [Trút bỏ mọi thứ ấy] nhưng Lòng tin cũng không vì thế mà được thỏa mãn, bởi việc soi sáng ấy [từ nay] chỉ cho ra đời những gì có bản chất cá biệt, và kết quả là chỉ còn có những hiện thực không có thực thể và chỉ còn có tính hữu tận thiếu vắng Tinh thần là còn nói chuyện được với Tinh thần. Vì Lòng tin không [còn] có nội dung và cũng không thể tiếp tục ở mãi trong tình trạng trống rỗng ấy, hay nói cách khác, vì khi đi ra bên ngoài cái hữu tận – cái hữu tận là nội dung duy nhất của nó [hiện nay] – nó chỉ tìm thấy sự trống rỗng, nên Lòng tin [chỉ còn] là một sự khao khát thuần túy: chân lý của nó bây giờ là một cái Bên kia trống rỗng, không còn có thể tìm một nội dung tương ứng nào được nữa, bởi mọi vật đều đã được đánh giá và áp dụng bằng những cách khác hẳn rồi. Như thế, trong thực tế, Lòng tin đã trở thành giống hệt như sự Khai sáng: [chỉ còn] là ý thức về mối quan hệ của cái hữu tận tồn tại-tự-mình với một cái Tuyệt đối không có thuộc tính, không được nhận thức và không thể nhận thức được; chỉ có điều: sự Khai sáng là sự Khai sáng đã được thỏa mãn, còn Lòng tin là sự Khai sáng không được thỏa mãn. Tuy nhiên, sự Khai sáng sẽ còn tiếp tục cho thấy liệu nó có thể ở mãi trong trạng thái thỏa mãn này được hay không: sự khao khát nói trên kia của Tinh thần sầu não, đang bi ai về sự đánh mất thế giới tinh thần của mình vẫn đang lẩn khuất phía sau lưng. Bản thân sự Khai sáng đang mang theo mình vết chàm của sự khao khát không được thỏa mãn này: ở trong Hữu thể-tuyệt đối trống rỗng của nó, vết chàm này mang hình thức của đối tượng [trừu tượng] thuần túy; ở trong việc vượt ra khỏi bản chất cá biệt của nó để vươn tới cái Bên kia không được thỏa mãn, vết chàm xuất hiện ra như là hành động và tiến trình vận động; ở trong tính không có tự ngã của sự vật “có ích”, nó mang hình thức của một đối tượng có nội dung [đối tượng cảm tính cụ thể]. Sự Khai sáng sẽ xóa bỏ vết chàm này: nhưng khi xem xét kỹ hơn kết quả tích cực tạo nên sự thật của sự Khai sáng [tiết b, §§574-581], sẽ thấy rằng trong đó, vết chàm này, một cách tự mình [về nguyên tắc], đã [mặc nhiên] được xóa bỏ[13]. [1] Vận động của Khái niệm luôn luôn là sự đối lập tuyệt đối về mặt hình thức của cái gì tuyệt đối là một. Có bản tính của Tự-ý thức, khái niệm là tiến trình quay trở lại với chính mình từ cái tồn tại-khác (của chính mình). [2] “Lòng tin cậy” hay “Lòng tin tưởng” (Vertrauen): tức cái “fiducia” nói ở §549. [3] Xem thêm phép biện chứng giữa “tồn tại” (sản phẩm được tạo ra) và “việc làm” (hay “tính hoạt động thuần túy” của Tự-ý thức tạo ra sự tồn tại) trong §708. Hai yếu tố này phải được hợp nhất lại. [4] Sai lầm của Lòng tin là ở chỗ tách rời những tư tưởng của chính mình. Sự Khai sáng thì biết tập hợp chúng lại, nhưng sai lầm của sự Khai sáng là chỉ thấy tính phủ định và cũng không thể hòa giải được giữa cái hữu tận và cái vô tận. Khi Lòng tin xem Thượng đế như cái gì ở “bên kia”, thì sự Khai sáng lại xem đó là sản phẩm của ý thức; ngược lại, khi Lòng tin xem Thượng đế như gắn liền với ý thức bằng “lòng tin cậy”, “lòng tin tưởng”, thì sự Khai sáng lại xem đó như là một Hữu thể xa lạ. Trong khi đó, Lòng tin cũng chao đảo giữa “Lòng tin cậy nói trên vào Thượng đế và sự tuyệt vọng, vì xem Thượng đế “là không thể dò tìm, không thể nào vươn đến nỗi”, tức vẫn phân ly triệt để cái hữu tận với cái vô tận. Vấn đề là phải suy tưởng bằng Khái niệm về sự thống nhất của hai yếu tố này; nếu không, trong “Lòng tin tưởng”, Thượng đế thiếu yếu tố “tự-mình”, chỉ là sản phẩm tưởng tượng; còn trong sự phân ly, lại thiếu yếu tố hợp nhất và hoàn toàn xa lạ với ý thức. [5] tức sự “phân chia” rành mạch được hình dung bằng hình tượng giữa ba Ngôi (ba “vương quốc” của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần [hay Thánh linh]) và việc Thượng đế nhập thể như một “sự cố cảm tính”. [6] Xem: Lời Tựa: §47: “Sự xuất hiện ra [hay “Hiện tượng”] là tiến trình ra đời và mất đi, nhưng bản thân tiến trình này không ra đời và mất đi mà là tự mình và chính nó tạo ra hiện thực và sự vận động cho sự sống của Chân lý”. [7] “des sich selbst vergewissernden und bewährenden Geistes”: “Tinh thần vừa mang lại cho mình sự xác tín lẫn chân lý về chính mình”, vì Tinh thần là cái gì hợp nhất trong chính mình hai yếu tố vốn bị tách rời khỏi nhau trong bình diện Hiện tượng học: đó là hai yếu tố: sự xác tín (chủ quan) và chân lý (khách quan). [8] "Trung giới giữa chính mình (Tự ngã) với chính mình (Tự ngã), tức sự trung giới trực tiếp thoạt nghe có vẻ nghịch lý này chính là điều sẽ được Hegel gọi là “Tri thức tuyệt đối” (Absolutes Wissen) ở cuối sách. [9] Sự Khai sáng cho thấy Lòng tin rơi vào sự giả-đạo đức do không hợp nhất được hai mặt của cuộc sống của mình: cuộc sống trong việc thờ phượng và cuộc sống trong đời thường. [10] Việc tu hành, thờ cúng là sự vận động hai chiều: từ Thần đến người và từ người hướng lên Thần, tức con người cá nhân phải tự nâng lên khỏi bản tính cảm tính và xấu xa của mình. [11] Origines [Origen] (185-254): nhà triết học và thần học trường phái Alexandria, thuộc thời kỳ các “giáo phụ” (Patristik), quan niệm rằng: Thoạt kỳ thủy, Thượng đế sáng tạo ra mọi hữu thể có linh hồn với sự hoàn hảo như nhau. Chính ý chí tự do – qua đó có khả năng chọn lựa cái ác – mới làm nảy sinh sự dị biệt. Những hữu thể ở bên cạnh Thượng đế là những thiên thần, còn hoàn toàn sa đọa thì thành quỷ dữ. Ở giữa là con người. Hình phạt cho tội lỗi của con người là gắn linh hồn con người với thân xác, và qua việc điều ngự thân xác, con người có khả năng đạt được sự thanh tẩy. Sau cuộc sống trần gian, tất cả được giải thoát khỏi cái ác và lại trở về hợp nhất với Thượng đế. Quan niệm này của Origines, sau đó, bị kết tội là dị giáo. [12] “beleuchten: soi sáng. Ở đây, Hegel chơi chữ: sự Khai sáng soi sáng thế giới ở phía “bên kia” của ý thức ngái ngủ. [13] Khi Lòng tin bị làm rỗng hết về nội dung, hay nói khác đi, bị sự Khai sáng “cướp đoạt” hết nội dung, nó sẽ giống hệt như sự Khai sáng, đó là sự tách rời triệt để giữa cái hữu tận với cái vô tận. Trong khi Lòng tin sầu não vì không được thoả mãn, tiếp tục “đan dệt” âm thầm, ngột ngạt trong sự khao khát cái thế giới đã mất (ám chỉ triết học của Jacobi), thì sự Khai sáng – được thỏa mãn – sẽ rơi vào sự mâu thuẫn, tranh chấp ngay trong chính mình về “chiến lợi phẩm” đã giành được: cái “Hữu thể tuyệt đối” (của Lòng tin trước đây) phân hoá thành “tư duy thuần túy” (ám chỉ thuyết duy tâm) và “vật chất thuần túy” (ám chỉ thuyết duy vật cơ giới). Cả hai xoay quanh Khái niệm “tính hữu ích”, vì tất cả đều chỉ còn là mối quan hệ với lợi ích của con người. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC