Phong trào Khai minh

Phong trào Khai minh ở Anh và Pháp

 

PHONG TRÀO KHAI MINH Ở ANH VÀ PHÁP

 

JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)

Vũ Hoàng Lan Phương dịch

 


Vũ Hoàng Lan Phương trích dịch từ Johannes Hirschberger. The History of Philosophy. Volume 2. USA: The Bruce Publising Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

PHONG TRÀO KHAI MINH ANH

Những trào lưu trí tuệ chủ đạo chi phối phong trào Khai minh Anh là thần luận và chủ nghĩa tự do.

Thần luận (deism)

Mặc dù thuật ngữ “thần luận” ban đầu biểu thị đức tin vào Thượng đế, nhưng ý nghĩa của nó cũng bao gồm nhiều đặc điểm cốt yếu khác nữa. Trong thực tế, thần luận tự tạo nên một Thượng đế đặc biệt cho riêng mình. Từ sau sự ra đời của vật lý học hiện đại, các nhà tư tưởng đã bắt đầu suy tư về cỗ máy vũ trụ, về quan hệ nhân quả và sự phù hợp tuyệt đối tất yếu của nó với những quy luật xác định. Cụ thể, họ đã nỗ lực chỉ ra cách thức quan hệ nhân quả này ảnh hưởng đến diễn trình sự kiện của con người bên trong khuôn khổ của diễn trình vũ trụ. Tất cả những dòng tư tưởng này đã bóp méo quan niệm về Thượng đế đến mức đối với nhiều người, Ngài đơn thuần chỉ còn là Thượng đế của một cỗ máy. Các triết gia vẫn công nhận rằng Thượng đế là người đã sáng tạo nên cỗ máy thế giới, nhưng thế giới cơ giới này tự mình vận hành không bị gián đoạn và hoàn toàn hợp quy luật. Họ tin rằng họ có lý do chính đáng để hình thành nên khái niệm này, vì họ xem đó là khái niệm duy nhất về Thượng đế phù hợp với khoa học hiện đại. Bất kỳ khái niệm nào khác đều bị cho là không xứng với sự vĩ đại của “vị kiến trúc sư của thế giới”. Do đó, Thượng đế bị tước đoạt sự tự do để làm nên những điều kỳ diệu, để thực hiện bất cứ hành động nào gắn với cấp độ siêu nhiên, để tạo nên những phép màu và trao cho con người sự mạc khải về đời sống nội tại của Ngài. Chỉ có cấp độ tự nhiên là được phép tồn tại.

Ngay từ Herbert xứ Cherbury (mất năm 1648), ta thấy rằng tôn giáo tự nhiên đã được giảng dạy, và trong suốt thời kỳ Khai minh, tôn giáo này đã trở thành tinh thần của thời đại. Điều này được chứng thực qua nhan đề của những tác phẩm được viết bởi các nhà thần luận. Năm 1696, John Toland đã viết tác phẩm Kitô giáo Không Màu nhiệm (Christianiy Not Mysterious); và vào năm 1730, Matthew Tyndal viết tác phẩm Kitô giáo Cũng Lâu đời như sự Sáng tạo (Christianity As Old As Creation), hay Phúc âm – một sự Tái bản của Tôn giáo Tự nhiên (The Gospel, a Republication of the Religion of Nature). Sự phát triển của tôn giáo tự nhiên dưới bàn tay của các nhà thần luận Anh có nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Đôi khi, nó được quan niệm theo cách thức hoàn toàn duy lý; có lúc, nó lại được xem là việc của tình cảm và cảm xúc.

Ngay từ năm 1697, những người ủng hộ tôn giáo tự nhiên được gọi là “những nhà tư tưởng tự do”. Cụ thể là Hội Tam Điểm đã dùng các gọi này để mô tả về chính mình. Không như một số học giả thân tôn giáo đã cáo buộc chống lại họ, Hội Tam Điểm không lấy tên gọi này nhằm tạo ấn tượng rằng họ là những người phi tôn giáo hay chống lại tôn giáo. Mà ngược lại, họ khẳng định rằng tôn giáo thuần lý mới là tôn giáo đích thực và rằng tất cả những thứ còn lại đều là mê tín, dị đoan. May mắn thay, tôn giáo tự nhiên này bị giới hạn gần như hoàn toàn chỉ trong tầng lớp thượng lưu. Chẳng hạn như Lord Bolingbroke (mất năm 1715) đã cho phép dân thường giữ lại đức tin và tôn giáo truyền thống của mình; chỉ những cá nhân được chọn lọc và đã được khai minh mới có thể trở thành những nhà tư tưởng tự do. Nếu phong trào này không bị hạn chế, nó ắt đã trở thành một bệnh truyền nhiễm thực sự.

Chủ nghĩa tự do (liberalism).

Trường phái tư tưởng nổi bật thứ hai trong phong trào Khai minh ở Anh là chủ nghĩa tự do, và chủ nghĩa tự do này được hiểu theo nghĩa mang đậm tính cá nhân điển hình cho tinh thần Anh. Con người đã học được nhiều điều quý giá từ Locke. Ông tin rằng những quyền tự nhiên của cá nhân là không thể chối bỏ; chúng không thể bị tước đoạt ngay cả bằng khế ước xã hội, chúng là những quyền không thể chuyển nhượng thuộc về mỗi con người. Ông kêu gọi sự phân chia quyền lực dân sự nhằm tránh mọi sự xâm phạm có thể xảy ra đối với cá nhân. Trong giáo dục, ông cho rằng nên để cho tính cá nhân được tự do phát triển mà không gặp phải trở ngại từ việc bị thúc ép và buộc phải phù hợp một cách vô ích với những quy chuẩn đã được thiết lập. Tất cả những ý tưởng này được gieo trên mảnh đất màu mỡ là Quần đảo Anh, nơi vốn là chiến trường đấu tranh cho tự do kể từ Đại Hiến chương (Magna Charta) năm 1215. Thông qua Locke, nước Anh đã trở thành người thầy của Thế giới phương Tây theo đúng ý nghĩa đích thực của danh xưng này trong vấn đề giữ gìn và bảo vệ sự tự do. Montesquieu tiếp tục phát triển các lý thuyết của Locke về khoa học chính trị ở Lục địa, và chính Rousseau là người đã thúc đẩy những quan điểm giáo dục của Locke. Những ý tưởng của Locke được truyền bá nhanh đến mức tác giả thực sự của chúng mau chóng bị lãng quên. Những ý tưởng này đã chinh phục châu Âu, xâm chiếm nước Mỹ, nơi chủ nghĩa tự do của Locke đạt đến hình thái thuần túy nhất của nó. Nhưng ở Mỹ, lý tưởng này lại không bị giới hạn; khái niệm tự do thống lĩnh suốt thời kỳ Khai minh và những quan điểm về quyền con người được thúc đẩy không ngừng trong thời kỳ đó, ít nhất, ở mức độ nào đó, đã trở thành những ý niệm nền tảng cho sự hiểu biết về thời hiện đại. Chúng tạo nên cái gọi là những quyền cơ bản của con người.

PHONG TRÀO KHAI MINH PHÁP

Phong trào Khai minh ở Pháp diễn ra triệt để hơn ở Anh. Thuyết vô thần và chủ nghĩa duy vật được du nhập đầy táo bạo như là những yếu tố chính yếu trong ý hệ của phong trào Khai minh Pháp. Về tôn giáo, những phê phán sáng suốt, có cân nhắc bị thay bằng sự phù phiếm giả dối luôn tìm cách diệt trừ tận gốc thay vì tiến hành cải cách Kitô giáo. Ở địa hạt chính trị, người Pháp không đủ kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi dần dần mà vội vã tiến đến cách mạng. Cách mạng đã thực sự diễn ra, nhưng lại theo kiểu ngay cả những người được hưởng lợi từ đó cũng không hiểu được tầm quan trọng đích thực của những khẩu hiệu mà mình sử dụng. Tất cả đã được thực hiện vì lý tính, tự do và sự tiến bộ.

Bayle.

Pierre Bayle (1647-1705) là người tiên phong của phong trào Khai Minh Pháp, ông là tác giả của tác phẩm được nhiều người đọc và bàn luận rộng rãi: Từ điển Lịch sử và Phê phán (Dictionnaire historique et critique). Ông trang bị kho vũ khí cho toàn bộ phong trào, thúc đẩy tinh thần hoài nghi và phê phán chống lại siêu hình học theo một cách thức đặc biệt. Ông là tác giả của khẩu hiệu nổi tiếng: “Không thể hòa giải lý tính và tôn giáo”. Leibniz đã viết tác phẩm Biện thần luận để phản đối Bayle với Lời tựa “Về sự Phù hợp giữa Đức tin và Lý tính”. Ở Pháp, những tuyên bố của Bayle về ánh sáng của lý tính đã thổi bùng lên ngọn lửa sáng ngời. Những nỗ lực lao động của ông đã tạo nên hình mẫu cho các tác giả của tác phẩm Bách Khoa thư nổi tiếng, công trình thể hiện tinh thần Khai minh Pháp nhiều hơn bất kỳ tác phẩm nào khác, được công bố bởi d’Alembert và Diderot. Với niềm tin rằng mình đã đạt đến đỉnh cao của nhận thức khoa học, những người này hy vọng có thể bảo tồn vĩnh viễn những tiến bộ trí tuệ đã đạt được thông qua công trình được xem là chung quyết này.

D'Alembert.

Jean Leonard d'Alembert (mất năm 1783) không phải là người vô thần; trong thực tế, ông xem sự vô thần là phi lý và ngu xuẩn. Song, ông lại là nhà thần luận. Do đó, ông đã phản bác cái gọi là sự cuồng tín của phái chính thống – ông có ý nói đến những tu sĩ dòng Tên và dòng Jan-sen – cũng như sự cuồng tín của những người vô thần. Theo quan điểm của ông, sự cuồng tín của phái chính thống gắn với siêu hình học và do đó là “trái với lý tính”. (Ở đây, ta cần nhớ lại những lý giải về siêu hình học do Hume, bạn của ông, đề xuất). Mặt khác, ông cho rằng đức tin của những người vô thần là không có cả cơ sở lẫn nội dung. Những mục tiêu d'Alember tìm cách đạt được là lòng khoan dung và sự tự do tín ngưỡng. Trong lá thư viết cho Frederick Đại đế (ngày 30 tháng 11 năm 1770), ông đưa ra phác họa riêng của mình về tôn giáo lý tưởng: đó là một Kitô giáo bao gồm chủ nghĩa nhân đạo và tình yêu thiêng liêng dành cho Thượng đế như đức Kitô đã dạy, được thanh lọc khỏi những tín điều của Thánh Paul, các đức Giáo phụ và các Công đồng. Tôn giáo nên được đặt trên nền tảng xã hội học nhằm đáp ứng nhu cầu và xoa dịu những đau khổ, vất vả của con người, nâng cao mức sống bằng cách phân phối hàng hóa vật chất một cách công bằng và tự nguyện. Trong một lá thư khác (viết ngày 1 tháng 2 năm 1771), ông muốn Frederick Đại đế xây dựng một thánh đường đơn sơ dành cho “việc tôn sùng tính nhân văn và sự công chính chỉ xứng với riêng mình Thượng đế”.

Diderot và những nhà duy vật.

Denis Diderot (mất năm 1784) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Hume và những nhà tâm lý học về sự liên tưởng ở Anh, những người có khuynh hướng theo chủ nghĩa tự do. Do đó, ông có vẻ như là “một người vô thần được khai minh”. Ông cũng trở thành người lãnh đạo trường phái duy tự nhiên của phong trào Khai minh Pháp với những trước tác đã gây xôn xao không nhỏ trong giới trí thức đương thời. Các thành viên thuộc trường phái này gồm có Julien de la Mettrie (mất năm 1751), tác giả của tác phẩm Người Máy (L'Homme Machine) (1748); Paul Henri (mất năm 1789) với tác phẩm Hệ thống Tự nhiên (Système de la Nature) (1770); Claude-Adrien Helvetius (mất năm 1771), người viết tác phẩm Về Tinh thần (Sur l’Esprit) (1758); Etienne Bonnot de Condillac (mất năm 1780), một nhà duy cảm, với tác phẩm Khảo luận về những Cảm giác (Traité des Sensations); và người cực đoan nhất trong tất cả những nhà tâm lý học duy vật, Georges Cabanis (mất năm 1808), người đã tuyên bố rằng: thân xác và tinh thần đồng nhất một cách tuyệt đối; chỉ có một khoa học duy nhất – đó là khoa học về con người; tâm lý học, sinh lý học, và đạo đức học chỉ là những phân nhánh của khoa học này. “Những dây thần kinh: đó là tất cả con người có” (Les nerfs: voilà tout l'homme). Do đó, linh hồn là quan năng, không phải là bản thể. Cabanis đã thúc đẩy mạnh mẽ tư tưởng của những thời đại tiếp theo. Ông là người mở đường trực tiếp cho thuyết tâm-thể học cũng như thuyết nhất nguyên hiện đại. Toàn bộ trường phái duy cảm Pháp đều tiếp thu quan điểm của ông và nhân vật nổi tiếng nhất trong trường phái này là Antoine-Louis-Claude Destutt de Tracy (mất năm 1836) cũng đi theo dòng tư tưởng của ông.

) Voltaire.

Tuy nhiên, François-Marie Arouet (1694-1778) mới chính là hiện thân tuyệt đối cho phong trào Khai minh Pháp, ông là một trong những thiên tài văn chương vĩ đại nhất của Pháp từ xưa đến nay, và là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho tự do, công bằng và quyền con người. “Ông mang đến những xung lực mạnh mẽ cho tinh thần con người; ông đã trải đường cho ta đến với tự do”, đây là những dòng tưởng nhớ đề trên bia mộ ông. Qua những câu chữ này, ta có thể cảm nhận được trọn vẹn đà tiến sục sôi (élan) của phong trào trí tuệ mà ông chính là linh hồn của nó suốt hai thế hệ. Voltaire – tên thường gọi của Arouet – không phải là nhà tư tưởng sáng tạo, cũng không phải là nhà tư tưởng chính xác, nhưng ông biết cách quyến rũ và làm say đắm lòng người. Ông mạnh mẽ chống lại chế độ chuyên chế của vua Louis XV và cái gọi là sự hà khắc thiếu khoan dung của Giáo hội cùng những tín điều của họ. Trong cả hai định chế này, Voltaire thấy được gốc rễ của sự mê tín dị đoan và khuynh hướng khủng bố tàn bạo gây trở ngại cho sự tiến bộ vẻ vang của thời đại khai minh của lý tính. Những tu sĩ dòng Tên và dòng Jansen là đối tượng đặc biệt trong những lời châm biếm đầy chua cay của ông, nhưng ông không chỉ công kích riêng mình họ. Kết luận thường thấy trong nhiều lá thư của ông là: Aimez moi et écrlinf = écrasez l'infame. “Hãy yêu tôi và écrlinf” (écrlinf là viết tắt các mẫu tự đầu của “écraser l’infâme”: nghiền nát sự ô nhục, ám chỉ Giáo hội Công giáo và Tin lành). Qua câu nói trên, ta có thể hiểu rõ hơn về sự thái quá trong tính cách của ông. Điều này đã ngăn cản ông đưa ra phán đoán một cách khách quan và phân biệt được lòng khoan dung có tính cách giáo điều với lòng khoan dung dân sự, giữa những hiện tượng cá biệt và tinh thần của cái toàn bộ.

Mặt khác, những người phản đối, công kích ông có lẽ cũng không thực sự công bằng khi không chút đắn đo quy kết ông là người vô thần. Về mặt lý thuyết, ông là một nhà thần luận, và theo xu hướng của những nhà tự do tư tưởng Anh, ông thể hiện sự ưa thích rõ ràng dành cho tôn giáo tự nhiên, một tôn giáo của lý tính xem Thượng đế siêu việt, sống động là điều hiển nhiên – và điều này dựa trên cơ sở những luận cứ chứng minh vũ trụ học, mục đích luận và luân lý học quen thuộc về sự hiện hữu của Thượng đế. Ông từng viết: “Toàn bộ giới tự nhiên thốt lên rằng Ngài hiện hữu”. Trong cùng câu nói mà ông biểu đạt sự xác tín rằng “nếu Thượng đế không hiện hữu, ta ắt phải phát minh ra Ngài”, ông đã chỉ rõ một tình huống đã từng được nêu lên trong lịch sử triết học: tôn giáo là việc của đức tin, và đức tin thì không còn là tri thức nữa; nó là nhu cầu hay cái “như thể” hay bất cứ điều gì ta có thể lựa chọn. Thêm nữa, bàn luận của ông về tôn giáo gây trở ngại nhiều hơn là giúp ích cho nó, vì ông đã tước bỏ sự vững chắc của tôn giáo vốn ngầm ẩn trong luận cứ chứng minh, như ta có thể tự mình đánh giá trong tư biện sau này của Kant.

Tất cả những điều trên đều là sự phản ánh của thuyết duy nghiệm Anh. Chính tại Anh (1726-1729), Voltaire đã tìm thấy bản ngã đích thực của mình. Chính ở đó, ông đã làm quen với thơ ca, khoa học và sự khai minh chính trị Anh. Qua tác phẩm Những Nguyên lý Cơ bản của Triết học Newton (Eléments de la philosophie de Newton) (1738), ông đã tạo dựng nền tảng cho triết học Pháp thế kỷ XVIII từ những nguyên lý của Newton và Locke. Sự thán phục, ngưỡng mộ không che giấu của ông dành cho tinh thần tự do thể hiện qua những biến động chính trị ở nước Anh đã được ông bộc lộ trong tác phẩm Những Bức thư về người Anh (Lettres sur les Anglais) của mình.

Montesquieu.

Joseph François de Montesquieu (1689-1755) đã viết tác phẩm lừng danh Tinh thần Luật pháp (L’Esprit des Lois/ The spirit of Law) (1748) của mình với nguồn cảm hứng từ Voltaire. Ở đây, với tinh thần rộng mở, không thiên vị, Montesquieu đã cung cấp nhiều thông tin thực tế và bổ ích về thực hành pháp lý. Ông đã sử dụng phương pháp so sánh để diễn giải về mọi sự lập pháp dựa vào những điều kiện địa phương, khí hậu, xã hội và tôn giáo ảnh hưởng đến mỗi dân tộc. Đối với ông, nguyên tắc tối cao của đời sống dân sự chính là phúc lợi chung và sự tự do của toàn thể công dân. Ông cho rằng chế độ quân chủ lập hiến là hình thức tốt nhất cho nhà nước. Để bảo vệ tự do thiết yếu, quyền chủ quyền của nhà nước cần được phân chia cho các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Montesquieu cũng từng có thời gian ở Anh và học hỏi những khái niệm này từ các học giả Anh, nhất là những khái niệm được tìm thấy trong các công trình của Locke. Tinh thần Luật pháp được dịch sang mọi ngôn ngữ văn minh trên thế giới và đã thành công trong việc truyền bá những ý tưởng của Locke hơn cả những nỗ lực của chính bản thân Locke. Tuy nhiên, đối với người Pháp, Montesquieu lại là người đánh dấu cho sự khởi đầu của nền giáo dục chính trị và sự chuyển đổi hoàn toàn khái niệm về chủ quyền của nhà nước.

Rousseau.

Một trong những nhân vật thực sự vĩ đại của phong trào Khai minh Pháp là Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), kình địch của Voltaire và là đối thủ của những nhà Bách khoa thư. Trong thực tế, chính Rousseau là người cuối cùng đã mang lại sự sụp đổ cho phong trào Khai minh ở Pháp. Ông cũng nỗ lực thúc đẩy “sự tiến bộ”, tự do và phúc lợi của con người, nhưng để đạt được các mục tiêu này, ông lựa chọn những phương pháp hoàn toàn khác so với Voltaire. Voltaire là nhà duy lý; còn Rousseau lại là con người của cảm xúc và của trái tim. Câu chuyện tình cảm đầy lãng mạn, say đắm dưới hình thức tiểu thuyết của ông: Julie hay nàng Héloise mới (Julie ou la nouvelle Héloise) (1761) đã mở đường cho tác phẩm Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther) của Goethe; trong mọi sáng tác của Rousseau, trái tim luôn cất lên nói với trái tim.

Những học giả đã gọi ông là nhà tiên tri trong lịch sử văn hóa thế giới ở thời kỳ bước ngoặt của “bão tố và xung kích”. Họ cho rằng ông “đã cất lên tiếng nói cho tất cả những khao khát không tên của con người” vốn luôn bị vùi dập, che lấp bởi những lý thuyết ảm đạm của thuyết duy lý cũng như của chủ nghĩa duy vật ở thời đại ông. Vì thế, ông trở thành sứ giả đích thực của cuộc Cách mạng Pháp và lời kêu gọi cho quyền con người của nó. Rousseau đã tóm tắt mọi phản bác của ông đối với phong trào Khai minh bằng câu nói: “Hãy quay trở về với tự nhiên”. Rousseau mơ tưởng về một tự nhiên hồn nhiên, đầy phúc lành, và gợi nhớ đến Thiên đường. Tự nhiên này hoàn hảo ở mọi mặt và con người ắt sẽ bị quyến rũ bởi nó nếu họ khao khát được hạnh phúc và mong muốn trở nên hoàn thiện. Do đó, “tự nhiên” là khẩu hiệu không ngừng được nhắc lại trong triết học văn hóa và xã hội của Rousseau.

1) Văn hóa và cộng đồng.

Ông lên án gay gắt rằng văn hóa đã trở nên suy đồi bởi sự tinh tế hóa quá mức, sự ngụy biện cường điệu, tính nhu nhược và sự hào nhoáng, xa hoa của nó. Ông khuyến khích con người quay trở về với sự giản dị, mộc mạc của tự nhiên, với những đức hạnh công dân hồn nhiên, với việc đắm mình trọn vẹn trong hạnh phúc của quê hương và gia đình. Những tương phản áp đảo giữa các ngành nghề và các tầng lớp cũng như những hình thức truyền thống của những nhóm dân sự và giáo sĩ đã cản trở hạnh phúc và sự thịnh vượng lẽ ra phải tràn ngập cuộc sống con người. Tất cả những sáng tạo này của văn hóa đều chỉ là sự ngụy trang che đậy bản tính nguyên thủy đích thực của con người, gây trở ngại cho sự phát triển những khuynh hướng và tình cảm tự nhiên tốt đẹp nơi con người.

Tuy nhiên, Rousseau không hài lòng với việc chỉ đơn giản phát động cuộc tấn công chống lại nền văn hóa suy đồi: ông còn công kích văn hóa xét như là văn hóa và xã hội như là chỗ dựa của văn hóa. Ông cho rằng tất cả chúng đều là những thứ xấu xa. Rousseau nói: Hãy quay trở về với tự nhiên! Vì nơi đó, mọi con người đều tự do, bình đẳng, tốt đẹp và là những người anh em thực sự của nhau. Đây chính là những lý tưởng được Robespierre – lãnh đạo của cuộc Cách mạng Pháp – liên tục viện dẫn sau này. Rousseau đã phát triển những nội dung này chủ yếu trong tác phẩm Khế ước Xã hội (Du Contrat social/ Social Contract) (1762) của ông. Để bảo vệ tự do và bình đẳng, ông ủng hộ nền dân chủ triệt để và chủ quyền nhân dân [quyền tối cao thuộc về nhân dân. ND.] đối lập với nhà nước chuyên chế của Hobbes và chế độ quân chủ lập hiến được Montesquieu tán thành. Rousseau tuyên bố không cần phải có hệ thống chính phủ đại diện nào cả; nếu người dân thực sự có tất cả quyền lực chính trị trong tay, họ phải thường xuyên bỏ phiếu cho một cuộc trưng cầu dân ý. Nếu không, nhà nước ắt sẽ không còn bao gồm những con người đang ở trong trạng thái tự nhiên của mình nữa mà chỉ còn là những định chế văn hóa, những đảng phái, ngành nghề và những đoàn thể trì trệ tước đoạt tự do của người dân như kinh nghiệm đã chỉ rõ. Nhà nước chính là nhân dân. Nó không gì khác hơn là khế ước xã hội được tự do ký kết và ủng hộ bởi thiện chí của các công dân, những con người bình đẳng, tự do và đức hạnh chính trong vai trò công dân của mình. Ý chí hướng đến cộng đồng lý tưởng những con người tự do này chính là ý chí đích thực của nhà nước chứ không phải là ý chí của số đông, ngay cả khi có rất nhiều người cùng tham gia tạo nên nó. Nếu so sánh “trạng thái tự nhiên” và tính cách dã man của con người “tự nhiên” được hình dung bởi Hobbes với tính hồn nhiên đơn thuần của con người “tự nhiên” trong tư tưởng của Rousseau, ta sẽ dễ dàng nhận ra nhà tư tưởng Pháp này (tức Rousseau) quả thật là một người lý tưởng cực đoan và lãng mạn biết bao.

2) Giáo dục.

Sự hồn nhiên giống như vườn Địa đàng của tự nhiên cũng chính là nền tảng cho giáo dục học của Rousseau. Đi xa hơn cả Locke – rất nhiều ý tưởng của Rousseau được rút ra từ Locke – Rousseau chủ trương rằng học sinh nên được tự do trưởng thành mà không bị gò bó bởi bất kỳ sự thúc ép đến từ bên ngoài nào, chỉ nghe theo những khuynh hướng bẩm sinh của bản thân, luôn thành thật với những tình cảm của mình và luôn trong trạng thái hoàn toàn “tự nhiên”. Vì tự nhiên, Rousseau bác bỏ tất cả những gì “phi tự nhiên” trong các nguồn lực văn hóa như phong tục tập quán và luật lệ, cũng như học thuyết Kitô giáo về tội lỗi nguyên thủy.

“Tất cả những điều tốt đẹp đều bắt nguồn từ bàn tay của đấng Sáng tạo vạn vật, tất cả những thứ suy đồi đều xuất phát từ bàn tay con người”, đây chính là phát biểu đầu tiên trong kiệt tác về giáo dục Emile hay là về Giáo dục (Emile ou de l'éducation) của ông. Kiệt tác này nửa là tiểu thuyết, nửa là sách giáo khoa. Thành công của nó thật phi thường. Goethe gọi kiệt tác này là “Phúc âm về tự nhiên” dành cho giáo dục; với Pestalozzi, nó là một trong những nguồn suối quan trọng nhất cho những lý thuyết về giáo dục của ông. Theo T. Ziegler, thậm chí “đến ngày nay, ta vẫn đang đi theo dòng chảy bắt nguồn từ kiệt tác này”. Dòng chảy này dạy ta cách hiểu và giáo dục trẻ em như chính bản thân chúng với tất cả những khuynh hướng tự nhiên của chúng.

3) Tôn giáo.

Trong tác phẩm Emile hay là về Giáo dục, Rousseau cũng trình bày quan điểm của ông về triết học tôn giáo. Tự nhiên một lần nữa trở thành nguyên tắc từ đó rút ra mọi kết luận. Trong giáo dục, tôn giáo được liệt kê vào trong số những nhân tố phi tự nhiên. Ở tuổi mười lăm, Emile không biết liệu mình có linh hồn hay không và khi Emile mười tám tuổi, vẫn còn quá sớm để bàn luận với cậu ta về vấn đề này. “Nếu muốn mô tả về sự ngu ngốc một cách tượng trưng, tôi sẽ phác họa hình ảnh một người ra vẻ mô phạm dạy giáo lý cho trẻ em”. Đức tin được hầu hết mọi người tuyên xưng chỉ đơn thuần là vấn đề về địa lý học; nó phụ thuộc vào việc liệu họ được sinh ra ở Mecca hay ở Roma.

Rousseau phản đối mạnh mẽ việc giảng dạy những chân lý không thể hiểu được. Ngay cả ở thời đại cũ, những chân lý thô thiển và khó hấp thụ như vậy vẫn được biết đến như là nguyên nhân gây ra những hậu quả tai hại. Do đó, Emile không nên là thành viên của bất kỳ hội nhóm tôn giáo nào mà nên được toàn quyền tự lựa chọn hội nhóm tôn giáo mình muốn tham gia chỉ dựa trên cơ sở lý tính. Ở đây, Rousseau một lần nữa nỗ lực tổ chức cuộc tấn công dưới sự che chở của tự nhiên. Cuộc tấn công này, được phát động trong “lời tuyên xưng Đức tin” của ông, nhằm chống lại thuyết vô thần cùng chủ nghĩa tự do của Diderot và trường phái của ông, cũng như chống lại siêu hình học ngầm ẩn trong những luận cứ chứng minh cho sự hiện hữu của Thượng đế được trình bày trong thần học. Thượng đế không phải là đối tượng của sự thông thái và nhận thức mà là đối tượng của cảm xúc và tình cảm. Yếu tố quan trọng trong cuộc sống không phải là sự khao khát tri thức, không phải là trí tuệ mà là sự xác tín đến từ đức tin. Đức tin tình cảm dành cho Thượng đế loại bỏ mọi kỹ xảo, tài khéo của giác tính. Nó trực tiếp, thẳng thắn và gần gũi. Tôn giáo đích thực cốt ở đức tin tình cảm dành cho Thượng đế và ở khao khát mãnh liệt đối với đức hạnh và sự bất tử.

Vì lý thuyết của Rousseau hoàn toàn trái ngược với những điều kiện và quy ước hiện tồn, nên ta không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng tác phẩm của ông đã bị tiêu hủy công khai theo lệnh của pháp viện tối cao. Ngôn ngữ đam mê, đầy cảm xúc của ông cũng gây phản ứng dữ dội từ những người phản đối ông.

4) Đánh giá về Rousseau.

Trước khi bày tỏ lập trường về hệ thống của Rousseau, trước tiên, ta cần xem xét về sự cuồng tín và phiến diện thể hiện rõ ràng trong tính cách của ông. Những khẳng định về tự nhiên cùng sự chỉ trích, lên án nền văn hóa của ông là quá đáng. Mặc dù việc Voltaire cho rằng Rousseau – trong sự ca ngợi, đề cao tự nhiên của ông – đã khiến ta trải nghiệm những ham muốn thú tính thẳm sâu trong lòng ta là có phần cường điệu quá mức, nhưng ta phải biết rằng tự nhiên của Rousseau là sự quái dị và suy thoái của con người. Nó quái dị bởi lẽ ta không thể tách rời con người khỏi xã hội, như thuyết duy nhiên đã khẳng định. Vì con người về bản chất là một tồn tại mang tính xã hội, như Aristotle đã quan sát vô cùng tinh tế. Nó còn là sự suy thoái bởi lẽ sự sùng bái dành cho cái gọi là tự nhiên chính là nguyên nhân làm mất đi những giá trị cốt yếu của con người theo cách thức không thể phục hồi.

Những giá trị bị Rousseau bác bỏ gồm có: giá trị văn hóa, phong tục tập quán, luân lý, pháp luật, giáo dục và tôn giáo. Nói ngắn, Rousseau loại bỏ hoàn toàn những giá trị của thế giới tinh thần. Như Rousseau đã chỉ rõ: con người là một hữu thể trong vương quốc tự nhiên. Nhưng con người còn nhiều hơn thế khi đồng thời cũng là một hữu thể có tính cách tinh thần. Rousseau hoàn toàn đúng khi ông chỉ trích kịch liệt sự suy đồi của văn hóa; nhưng ông đã sai lầm khi loại bỏ văn hóa xét như là văn hóa. Điều này cũng giống với sự phóng đại không mục đích mà Klages vẫn còn đắm chìm cho đến ngày nay khi ông chống đối quyết liệt tinh thần xét như là tinh thần. Việc ngăn cản trẻ em tiếp cận với những giá trị này cũng sai lầm không kém việc để cho trẻ em tiếp cận với chúng như thể trẻ đã là người trưởng thành. Người thầy nên truyền đạt những giá trị này cho trẻ em theo cách thức phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ em về chúng. Trong thực tế, người thầy có thể làm được điều này mà không gặp quá nhiều khó khăn. Bởi vì có thể, nên nghệ thuật giáo dục cho phép trẻ em phát triển và trưởng thành là một nhu cầu xã hội đích thực và có lợi cho sự tiến bộ của xã hội loài người. Mọi nhà giáo dục đều biết rằng khả năng đạt được mục tiêu này xuất hiện nhiều trong khoảng mười lăm năm đầu đời của học sinh. Thêm nữa, ta cần nhớ rằng trẻ em không bị buộc phải trở thành mục đích tự thân, bất kể đòi hỏi được đối xử như một cá nhân với những năng lực và tài năng đặc biệt của trẻ lớn đến thế nào, bất kể quyền được đối xử theo cách phù hợp với độ tuổi của trẻ mạnh mẽ ra sao. Giáo dục là sự chuyển giao, truyền đạt những chân lý và giá trị từ người này sang người khác. Do đó, không nên để trẻ em điều khiển, chỉ đạo người lớn mà phải là người lớn hướng dẫn cho trẻ, vì người lớn là hiện thân của những mục tiêu luân lý và tinh thần mà trẻ em phải đạt đến vào lúc này hay lúc khác. Khẩu hiệu “trẻ em là trung tâm của sự giáo dục” có thể được diễn giải theo ý nghĩa tốt đẹp, nhưng nó cũng có thể được hiểu như một nhóm những từ ngữ vô lý, không có ý nghĩa. Đối với Rousseau, đó rõ ràng là một khẩu hiệu vô nghĩa. Kỳ cùng, điều khôi hài là những giá trị bị Rousseau đánh giá sai và loại bỏ lại thuộc về những giá trị của tự nhiên vốn được ông nhiệt tình ca ngợi trong những ngữ cảnh khác.

Đặc biệt nguy hiểm là sự quy giản đáng sợ mọi con người thành sự bình đẳng tuyệt đối của ông. Lý tưởng về sự bình đẳng có thể mang ý nghĩa tốt đẹp: sự bình đẳng của tất cả trước pháp luật. Tuy nhiên, Rousseau lại phóng đại vấn đề quá mức và ủng hộ sự công bằng “tự nhiên” tuyệt đối. Song, sự công bằng như vậy lại chính là cái ta không thể có được; bởi lẽ bản tính con người vốn khác biệt nhau do tính cách cá nhân và dân tộc của mình. Và đây lại là may mắn của con người. Vì thiếu sự đánh giá đúng đắn về những sự kiện và lịch sử cụ thể, nên thuyết duy lý của phong trào Khai minh không thể đối diện với bất kỳ sự phát triển tự nhiên nào thật đáng thán phục vì tính đa dạng của nó còn hơn cả kinh ngạc vì sự thống nhất của nó trong sự phát triển của con người và những giá trị có tính lịch sử. Thuyết duy lý này ưa chuộng kiểu người bị sơ đồ hóa vốn không có khả năng tồn tại.

Mặc dù Rousseau liên tục sử dụng thuật ngữ “tự nhiên” và biến nó thành lời hiệu triệu cho triết học của mình, nhưng ý nghĩa được ông gán cho thuật ngữ này có phần mơ hồ, không chắc chắn. Thông qua nó, thiên tài văn chương của ông được thể hiện rõ ràng hơn so với sự phê phán triết học và tính chính xác tư biện của ông. Ngay từ ban đầu, khái niệm về tự nhiên của Rousseau đã hàm hồ; khái niệm này càng trở nên tối tăm khi ông bàn luận sâu hơn về nó. Cách ông sử dụng thuật ngữ này làm nổi bật một cách sống động yếu tố đặc trưng của thời kỳ này, điều đã được ta lưu ý ở phần trên, đó là việc thiếu sự nghiên cứu về những khái niệm triết học cơ bản.

Trong thực tế, Rousseau đã gây trở ngại cho sự tiến bộ của phong trào Khai minh. Ta có thể gọi ông một cách chính đáng là kẻ chinh phục nó. Ông xứng với danh tiếng này, nhưng không phải vì ông đã cho thấy sự cần thiết của cái phi lý tính bên cạnh cái thuần lý, nhất là trong cơ sở ông đặt ra cho tôn giáo. Việc này đã được thực hiện bởi những người đi trước ông là Hume và Locke; và trong phong trào Khai minh ở nước Đức, ta cũng phát hiện thấy xu hướng lớn mạnh của phái mộ đạo. Rousseau đánh bại phong trào Khai minh chủ yếu vì ông đã đặt nghi vấn về toàn bộ phong trào này. Những học giả khác liên tục nói về sự tiến bộ do ánh sáng của lý tính đã và sẽ tiếp tục mang lại; qua đó, tạo nên sự lạc quan về tương lai của văn hóa, nhưng Rousseau thì khác, ông đã khẳng định điều hoàn toàn ngược lại. Ông nghi ngờ về những thành tựu của cả lịch sử lẫn văn hóa, thay vào đó, ông kêu gọi quay trở về với tự nhiên. Mặc dù phần lớn chủ nghĩa bi quan của ông bắt nguồn từ sự oán giận và tính cách cá nhân của ông, nhưng ít nhất ông đã khiến những người cùng thời với mình tạm dừng lại để đánh giá về lập trường của họ.

5) Ảnh hưởng của Rousseau.

Cứ cho rằng ta có thể đặt nghi vấn về nhiều học thuyết và quan điểm của ông, nhưng sự thật vẫn là Rousseau có ảnh hưởng vô cùng to lớn, nhất là đối với sự phát triển của tư tưởng Đức. Ta đã thấy được Goethe ca ngợi về Rousseau như thế nào. Bất chấp sự phản đối Rousseau gặp phải do quan niệm “tự nhiên” về tôn giáo của mình, Schiller thời trẻ vẫn đứng về phía Rousseau trong bản cáo trạng đanh thép của ông về thời đại: “Socrates bị tiêu diệt bởi những Biện sĩ; Rousseau đau đớn, khổ sở, Rousseau rơi vào tay của những tín đồ Kitô giáo, cũng chính Rousseau là người đã giúp con người thoát khỏi những tín đồ Kitô giáo”. Lessing, Mendelssohn, và Tieck cũng bênh vực ông, và chủ nghĩa Lãng mạn hàm ơn ông. Rousseau, cũng như Hume, đã tô điểm tư tưởng của Kant sau này. Điều này được thấy trong những luận cứ của Kant về tôn giáo dựa trên đức tin đối lập với nhận thức, cũng như sự xác tín mãnh liệt của Kant về tính thứ nhất của lý tính thực hành vượt trên lý tính lý thuyết.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt