CHỦ NGHĨA HẬU CẤU TRÚC
TERRY EAGLETON
Chắc hẳn độc giả còn nhớ, F. Saussure đã cho rằng, trong hành ngôn, ý nghĩa chính là vấn đề khu biệt. “Cat” (mèo) là “cat” bởi vì nó không phải là “cap” (mũ lưỡi trai) hay bat”(con dơi). Nhưng liệu người ta có thể nhấn mạnh đến mức nào quá trình của sự khu biệt này? “Cat” có nghĩa thực của nó bởi vì nó không phải là “map”(bản đồ) hay “hat”(cái mũ). Và người ta nên dừng lại ở đâu? Dường như, trong hành ngôn, ta có thể theo đuổi quá trình khác biệt này một cách vô tận: mà nếu như thế thì điều gì đã khiến Saussure cho rằng hành ngôn đã hình thành một hệ thống chặt chẽ và ổn định? Nếu mỗi kí hiệu lại chính là nó vì nó không phải là tất cả những kí hiệu khác thì mỗi kí hiệu dường như là được tạo nên bởi một chuỗi những sự khu biệt vô tận. Do đó, việc xác định một kí hiệu hẳn là một công việc phức tạp hơn là mọi người có thể nghĩ. Ngôn ngữ họccủa Saussure đã đưa ra một cấu trúc có giới hạn của ý nghĩa; nhưng liệu trong hành ngôn bạn có thể kẻ đường gạch hết ở chỗ nào đây?
Một cách khác, khi nhìn nhận quan điểm của Saussure về bản chất khu biệt của ý nghĩa, đó là ý nghĩa bao giờ cũng là kết quả của sự phân chia hay sự khớp nối của các kí hiệu. Cái biểu đạt “boat”(con tàu) cho ta một khái niệm hay cái được biểu đạt “boat” đã được biểu đạt bởi vì nó tự tách ra từ cái biểu đạt “moat”. Vì thế ta mới nói, cái được biểu đạt là sản phẩm của sự khu biệt giữa hai cái biểu đạt. Nhưng nó cũng là sản phẩm của sự khu biệt giữa rất nhiều cái biểu đạt khác nhau: “coat” (áo choàng), “boar” (lợn đực giống), “bolt” (chốt cửa)...Điều này làm chúng ta thắc mắc quan điểm của Saussure về việc cho kí hiệu là một thể đối xứng tinh xảo giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái được biểu đạt “boat” thực sự là sản phẩm của sự tác động qua lại phức tạp của những cái biểu đạt không có điểm dừng rõ ràng. ý nghĩa là phó phẩm của trò chơi tiềm tàng vô tận của những cái biểu đạt chứ không phải là một khái niệm gắn chặt vào đằng sau của mỗi cái biểu đạt cụ thể nào đó. Cái biểu đạt không đưa ra cho chúng ta cái được biểu đạt một cách trực tiếp như tấm gương phản ánh hình ảnh: ở đây không có cặp đối xứng nhau một cách hài hoà giữa mức độ của cái biểu đạt và mức độ của cái được biểu đạt trong ngôn ngữ. Việc không có sự phân biệt cố định giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt lại càng làm cho vấn đề phức tạp hơn. Nếu bạn muốn biết ý nghĩa (hay cái được biểu đạt) của cái biểu đạt, bạn có thể tra cứu trong từ điển: nhưng tất cả những gì mà bạn có thể thấy được đó là số lượng nhiều hơn những cái biểu đạt và bạn tiếp tục lại phải tra cứu những cái được biểu đạt của chúng.... Về lý thuyết, quá trình mà chúng ta đang thảo luận không những là vô tận mà còn vòng tròn: cái biểu đạt liên tục biến đổi thành cái được biểu đạt và ngược lại, bạn sẽ không bao giờ tìm ra từ được cái biểu đạt cuối cùng mà lại không phải là chính cái biểu đạt. Nếu chủ nghĩa cấu trúc tách kí hiệu ra khỏi vật quy chiếu, loại tư tưởng này thường được biết đến như là của chủ nghĩa hậu cấu trúc. Lý thuyết này tiến thêm một bước nữa sẽ là tách cái biểu đạt ra khỏi cái được biểu đạt.
Một cách khác để diễn đạt điều chúng ta vừa nói đó là ý nghĩa không hiện diện trực tiếp trong kí hiệu. Vì một số lí do nhất định, ý nghĩa thường xuyên không hiện diện trong kí hiệu. Nó nằm rải rác, phân tán dọc theo một chuỗi những cái biểu đạt: hoàn toàn không dễ dàng nắm bắt, nó không bao giờ hiện diện một cách đầy đủ trong bất cứ một kí hiệu riêng nào mà luôn luôn lúc ẩn lúc hiện. Đọc một văn bản cũng giống như việc lần theo quá trình ẩn hiện liên tục này chứ không giống như việc đếm tràng hạt. ý tưởng ngôn ngữ là quá trình có ý nghĩa về thời gian, giúp chúng ta có thể không phải bó tay trong quá trình đi tìm ý nghĩa. Khi tôi đọc một câu, ý nghĩa của câu thường cách này cách khác đình lại, trì hoãn hoặc chưa giải mã ngay được: cái biểu đạt này đẩy tôi đến cái biểu đạt khác và cứ thế tiếp tục, những ý nghĩa đầu được xác định bởi những ý nghĩa sau, và mặc dù câu này có thể đi đến kết thúc nhưng chính quá trình của hành ngôn thì không. Bao giờ cũng có nhiều ý nghĩa hơn, điểm mấu chốt là thế đó. Tôi nắm bắt được ý nghĩa của câu không phải bằng việc dựa vào từ này vào từ kia một cách máy móc, bởi vì các từ sẽ tạo nên một ý nghĩa tương đối chặt chẽ, mỗi từ đứng sau đều có dấu vết của những từ trước đó và bản thân nó phải luôn rộng mở để đón nhận tiếp tục những dấu vết của các từ sau nó. Mỗi một kí hiệu trong chuỗi ý nghĩa được ghi lại với tất cả những kí hiệu khác để tạo thành dãy phức tạp không bao giờ kết thúc; và vì thế không có kí hiệu nào là “thuần tuý” hay “đầy đủ ý nghĩa”. Tôi có thể nhận thấy mặc dù chỉ là vô thức, trong mỗi kí hiệu dấu vết của các từ khác mà nó đã loại ra để mang đúng nghĩa của mình. “Cat” có được đúng nghĩa của nó là do đẩy lùi được các từ “cap”(mũ lưỡi trai) và “bat”(con dơi), nhưng có thể, do những kí hiệu khác này thật sự là những yếu tố cơ bản xác định đặc tính của từ nên chúng vẫn tồn tại bên trong từ này.
Do đó, chúng ta có thể nói, ý nghĩa không bao giờ được xác định bởi chính nó. ý nghĩa là kết quả của quá trình phân định và phát âm các kí hiệu. Đôi khi nó cũng đình lại, trì hoãn hoặc chưa giải mã ngay được. ý nghĩa không bao giờ được xác định bởi chính nó còn là do các kí hiệu luôn được nhắc đi nhắc lại hay sao chép nhiều lần. Chúng ta không thể gọi một “kí hiệu”là một dấu (mark) chỉ xuất hiện có một lần. Do đó, việc một kí hiệu có thể được sao chép nhiều lần là một phần đặc tính của nó; nhưng cũng chính là điểm chia rẽ đặc tính của nó, bởi vì nó luôn luôn có thể được sao chép trong ngữ cảnh khác làm thay đổi ý nghĩa của nó. Một điều rất khó có thể biết được nghĩa, ngữ cảnh “ban đầu” của một kí hiệu là gì: đơn giản là vì chúng ta gặp thấy chúng trong nhiều tình huống khác nhau, mặc dù nó cần phải duy trì tính kiên định trong suốt những tình huống đó để có thể trở thành một kí hiệu có thể nhận biết được, bởi lẽ ngữ cảnh của nó bao giờ cũng khác, không bao giờ y hệt như thế, không bao giờ hoàn toàn giống hệt như chính bản thân nó. "Cat" có thể được hiểu là một con vật có lông, bốn chân; một con người ác tâm; cái roi xoắn; người Mỹ; bàn 6 chân; que nhọn và ngắn v.v...Nhưng ngay cả khi nó chỉ có nghĩa là con vật 4 chân, thì nghĩa này cũng sẽ không còn hoàn toàn như thế trong các ngữ cảnh khác nhau: cái được biểu đạt sẽ bị thay thế bằng các chuỗi cái biểu đạt khác nhau mà trong đó nó bị nhiễu.
Tất cả những biểu hiện trên cho ta thấy ngôn ngữ không ổn định như các nhà cấu trúc luận cổ điển vẫn nghĩ. Thay bằng việc là một cấu trúc được xác định, có giới hạn rõ ràng bao gồm những cái biểu đạt và cái được biểu đạt, ngôn ngữ ngày nay có vẻ bắt đầu giống như một cái mạng nhện trải dài vô tận, nơi diễn ra sự thay thế, lưu thông liên tục của các yếu tố, nơi không có một yếu tố nào là hoàn toàn được xác định và là nơi mọi thứ đều được nắm bắt và truy xét bởi tất cả mọi thứ khác. Nếu đây là sự thực thì nó đã giáng một đòn mạnh vào một số lý thuyết truyền thống về ý nghĩa. Theo những thuyết này, chức năng của các kí hiệu là phản ánh kinh nghiệm bên trong, các vật thể trong thế giới thật để "miêu tả" những ý nghĩ và cảm giác của ai đó hay thực tế. Chúng tôi đã gặp một số vấn đề liên quan đến sự "miêu tả" trong thảo luận trước của chúng ta về cấu trúc luận, nhưng bây giờ còn nhiều vấn đề phức tạp hơn nữa được đặt ra. Như tôi đã vừa phác ra ở lý thuyết trên, không có gì được thể hiện đầy đủ trong các kí hiệu : đối với tôi thật là một ảo giác nếu tin rằng tôi có thể trình bày tất cả những gì tôi nói và viết cho bạn, bởi lẽ để sử dụng các kí hiệu với tất cả ý nghĩa đầy đủ thì ý nghĩa của tôi bao giờ cũng rải rác, phân tán và không bao giờ hoàn toàn là chính nó cả. Thật sự, cũng không chỉ riêng ý nghĩa của tôi, mà chính bản thân tôi: bởi vì ngôn ngữ tạo dựng nên tôi chứ không đơn thuần chỉ là công cụ thuận tiện cho tôi sử dụng, và toàn bộ ý tưởng rằng tôi là chủ thể ổn định và thống nhất chắc hẳn cũng chỉ là chuyện huyễn tưởng. Tôi không thể trình bày một cách đầy đủ không chỉ cho bạn mà cả cho chính tôi nữa. Tôi vẫn cần phải dùng những kí hiệu khi tôi xem xét tâm tư, lục lọi tâm hồn mình, và điều này có nghĩa là tôi sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được “sự cảm thông hoàn toàn” với chính bản thân mình. Điều này không có nghĩa tôi có thể có được một ý nghĩa, dự định hay kinh nghiệm trong sáng, không tỳ vết mà sau đó lại bị bóp méo, bị khúc xạ bởi môi trường trung tính có vết của ngôn ngữ: bởi vì ngôn ngữ chính là không khí mà tôi hít thở, tôi không thể có được một ý nghĩa hay kinh nghiệm trong sáng, không tỳ vết.
Tôi có thể thuyết phục bản thân mình rằng điều này cũng có thể thực hiện được nếu lắng nghe giọng nói của chính mình khi nói, chứ không ghi chép lại những ý nghĩ của mình vào giấy. Bởi vì, khi nói tôi dường như “đồng nhất” với bản thân mình theo một cách hoàn toàn khác với khi viết. Những ngôn từ của tôi dường như xuất hiện ngay lập tức trong tiềm thức, giọng nói của tôi trở thành công cụ thân thiết và tự phát của chúng. Ngược lại, trong khi viết, các ý nghĩa dường như đe doạ trốn thoát khỏi tầm kiểm soát của tôi, nên tôi giao phó những ý nghĩ của mình cho công cụ in ấn vô cảm, văn bản in có thể tồn tại lâu dài, lúc nào cũng có thể lưu hành, tái xuất bản, trích dẫn, hay dùng theo cách mà tôi không ngờ tới hay không dự định trước. Viết lách dường như làm mất bản thân tôi, đây là cách giao tiếp gián tiếp, là bản sao lời nói một cách yếu ớt và máy móc, và vì thế lúc nào nó cũng biến ngay khỏi tiềm thức của tôi. Chính vì lí do này mà truyền thống triết học Tây Âu từ Plato đến Lévi-Strauss đã cương quyết phỉ báng lối viết, coi nó như một hình thức thể hiện không có sức sống, xa lìa, và nhiệt liệt tán dương giọng nói sinh động. Đằng sau sự phán xét này là quan điểm cụ thể về “con người”: con người có thể ngay lập tức kiến tạo và thể hiện những ý nghĩa của chính anh ta, có thể hoàn toàn sở hữu bản thân mình, và chế ngự ngôn ngữ như một công cụ trong sáng trong sâu thẳm sự tồn tại của mình. Điều mà thuyết này không thấy được đó là “giọng nói”cũng hữu hình như in ấn. Vì những kí hiệu nói, viết hoạt động chỉ bằng quá trình phân biệt và chia tách nên nói có thể được nhìn nhận như một dạng viết và viết là dạng gián tiếp của nói.
Triết học Tây Âu đã đặc biệt chú trọng “thuyết lời nói trung tâm” và rất nghi ngờ chữ viết. ở khía cạnh rộng hơn, nó cũng thiên về biểu tượng, tin tưởng vào từ, sự thể hiện, bản chất, sự thật hay thực tế nào đó như cơ sở của tất cả ý nghĩ, ngôn ngữ và kinh nghiệm của chúng ta. Nó muốn kí hiệu sẽ truyền ý nghĩa cho tất cả các từ khác- “cái biểu đạt mơ hồ”- và muốn có một ý nghĩa chắc chắn, không thể nghi ngờ được cho tất cả các kí hiệu của chúng ta (“cái được biểu đạt mơ hồ”). Có một số lượng lớn các ứng cử viên cho vai trò này- Chúa trời, ý niệm, Linh hồn Thế giới, cái Tôi, vật chất, vấn đề v.v...- đã dần dần tự tiến lên phía trước. Vì mỗi khái niệm này đều hy vọng xây dựng cả một hệ thống tư duy và ngôn ngữ, nên bản thân nó phải vượt xa hệ thống này, không bị phương hại bởi trò chơi của những khác biệt ngôn ngữ. Nó không thể bị lôi kéo vào chính những ngôn ngữ mà nó có dự định sẽ sắp đặt và củng cố, bằng cách nào đó nó phải đi trước những bài thuyết trình này, phải xuất hiện trước chúng. Nó phải là ý nghĩa, nhưng lại không giống bất cứ ý nghĩa nào khác vốn là sản phẩm của trò chơi sự khác biệt. Nó phải thể hiện đúng là ý nghĩa của những ý nghĩa, là bản lề của cả hệ thống tư duy, là kí hiệu mà tất cả kí hiệu khác xoay quanh và được chúng phản ánh một cách ngoan ngoãn.
Ý tưởng cho rằng bất cứ ý nghĩa mơ hồ nào như thế cũng đều là tưởng tượng, mặc dầu có lẽ là tưởng tượng cần thiết,và là một hậu quả của lý thuyết ngôn ngữ mà tôi đã nói đến. Không có khái niệm nào mà không bị làm rối lên trong cái trò chơi ý nghĩa vô tận này, không bị thử nghiệm với những dấu vết và các mảnh vỡ của các ý tưởng khác. Ra khỏi trò chơi này, những ý nghĩa nhất định sẽ được những hệ tư tưởng xã hội nâng lên vị trí đặc ân hay trở thành trung tâm buộc những ý nghĩa khác phải xoay quanh. Chúng ta hãy xem xét trong chính xã hội chúng ta những ý nghĩa về Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập, Uy Quyền, Thứ Bậc và v.v... Đôi khi những ý nghĩa này được nhìn nhận như nguồn gốc của tất cả những ý nghĩa khác, khởi nguồn cho những dòng chảy. Nhưng như chúng ta thấy, đây là cách suy nghĩ kỳ lạ, bởi vì, không thể không có những kí hiệu đã tồn tại trước đó để tạo nên ý nghĩa này. Ta không thể nghĩ đến nguồn gốc mà lại không xét đến thời kỳ trước đó. Vào những thời điểm khác, những ý nghĩa như thế này có thể không được nhìn nhận như là nguồn gốc mà như mục đích cho những ý nghĩa khác đang hay phải vươn tới. “Thuyết mục đích” (suy nghĩ về cuộc sống, ngôn ngữ và lịch sử theo hướng tiến tới mục đích) là cách sắp đặt và xếp loại ý nghĩa theo thứ bậc của tầm quan trọng vì mục đích cuối cùng. Nhưng như một sự tiến hoá đơn thuần, tất cả các lý thuyết lịch sử hay ngôn ngữ như thế đều bỏ qua sự phức tạp như mạng nhện của của các kí hiệu mà tôi đã miêu tả: những chuyển động tiến lên, lùi xuống, ẩn, hiện, tiến sang các phía của ngôn ngữ trong quá trình thực tế của nó. Chính cái sự phức tạp như mạng nhện này đã được chủ nghĩa hậu cấu trúc mệnh danh là “văn bản”.
Jacques Derrida, nhà triết học Pháp, với quan điểm mà tôi đã trình bày chi tiết ở những trang trước, đã dán mác “trừu tượng” cho bất cứ hệ thống tư tưởng nào phụ thuộc vào một nền móng vững chắc. Đây là nguyên tắc đầu tiên hay là lí lẽ không thể bắt bẻ được nhờ đó mà cả hệ thống thứ bậc của ý nghĩa có thể được xây dựng lên. Derrida cho rằng công việc của chính ông không tránh khỏi đã bị “phương hại” bởi tư tưởng trừu tượng này. Nhưng nếu bạn xem xét những nguyên tắc đầu tiên này một cách kỹ lưỡng, bạn có thể thấy rằng chúng hoàn toàn có thể được “giải cơ cấu”, chúng có thể được thể hiện như những sản phẩm của hệ thống ý nghĩa cụ thể nào đó chứ không phải là được dựng lên từ bên ngoài. Những nguyên tắc đầu tiên dạng này thường được xác định bởi những gì mà chúng loại trừ: chúng là một phần của dạng “nhị phân đối kháng” quan trọng của cấu trúc luận. Do đó, trong xã hội phụ hệ, người đàn ông là nguyên tắc cơ bản và người đàn bà là nguyên tắc đối kháng bị loại, và chừng nào mà sự phân biệt này còn được duy trì một cách chặt chẽ, thì chừng đó hệ thống ấy còn có thể hoạt động một cách có hiệu quả. “Giải cơ cấu” là tiêu đề được đặt cho công việc phê bình, nó làm cho những đối kháng như thế có thể sẽ bớt đi một phần, hay vì nó mà các bên đối kháng sẽ làm hại lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa văn bản. Người phụ nữ là bên đối kháng, bên kia là đàn ông. Người phụ nữ ở đây không phải là người thường mà đóng vai trò như nhà thám tử, mà có trọng trách chính là phủ nhận nguyên tắc phụ hệ đầu tiên. Nhưng công bằng ra, người đàn ông chỉ là chính mình khi biết luôn khép lại trước giới đối kháng, nếu thể hiện mình là đối kháng thì tất cả bản tính (identity) của anh ta sẽ bị nắm bắt và sẽ bị đe doạ trong từng động thái khi anh ta tìm cách xác nhận sự tồn tại độc lập, tự trị của mình. Phụ nữ cũng không phải là cái gì đó vượt quá tầm hiểu biết của anh ta, phụ nữ là một thế giới khác, có quan hệ gần gũi với anh ta như hình với bóng, như một sự nhắc nhở cần thiết anh ta là ai. Do đó người đàn ông rất cần “nửa kia” của mình, và mặc dù anh ta bác bỏ nó, nó vẫn buộc anh ta phải công nhận đặc tính tích cực của cái mà anh ta vẫn coi không là cái gì cả. Ngoài lí do trong cuộc sống của mình, anh ta lệ thuộc vào người phụ nữ, loại trừ và hạ thấp cô ta; còn một lí do nữa khiến cho việc loại trừ trở nên cần thiết, đó là rốt cuộc cô ta có thể không hoàn toàn là phía bên kia. Có thể người phụ nữ tồn tại trong chính bản thân anh ta như một triệu chứng nào đó mà anh ta cần phải kiềm chế, loại bỏ ra khỏi mình, cho ra một lãnh địa khác để không phương hại đến anh ta. Có lẽ cái bên ngoài cũng chính là cái bên trong, xa xôi cũng là gần gũi, vì thế người đàn ông cần phải xem xét biên giới tuyệt đối giữa hai lĩnh vực một cách thận trọng, bởi vì nó luôn luôn có thể vượt quá giới hạn, vì nó đã vượt quá rồi và không còn tuyệt đối nữa như nó biểu hiện.
Vì thế nên mới nói, “giải cơ cấu luận” đã nắm bắt được vấn đề đối kháng nhị phân mà cấu trúc luận cổ điển có xu hướng nghiên cứu, đã thể hiện cách nhìn nhận thuyết không tưởng đặc trưng. Thuyết không tưởng thường có xu hướng vạch ra biên giới cứng nhắc giữa cái có thể chấp nhận được và cái không thể, giữa bản ngã và phi ngã, thật và giả, có nghĩa và vô nghĩa, có cớ và vô cớ, trung tâm và ngoại vi, bề mặt và chiều sâu. Như tôi đã nói, tư tưởng trừu tượng như thế không phải dễ dàng né tránh được: chúng ta không thể tự mình vượt qua bản chất nhị phân của tư tưởng để đến với thế giới cực siêu hình (ultra-metaphysical). Nhưng nếu phân tích văn bản “ văn học” hay “triết học” theo một cách nhất định, chúng ta có thể bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề đối kháng nhị phân, có thể diễn giải việc các bên đối kháng lại bí mật thuộc về nhau như thế nào. Cấu trúc luận nói chung là đạt yêu cầu nếu có thể chia văn bản thành hai phía đối lập (cao / thấp, sáng / tối, tự nhiên/ văn hoá v.v...) và chứng minh được tính lôgic của mình. Giải cơ cấu luận đã cố gắng chỉ ra vấn đề các bên đối lập để trụ vững được đôi khi đã đảo ngược, phương hại chính mình, hay loại bỏ một số chi tiết tỉ mỉ ngoại biên của văn bản có thể quay ngược lại và làm hại chúng. Thói quen đọc sách của Derrida là nắm bắt yếu tố ngoại biên nào đó trong tác phẩm, ví như: lời chú ở cuối trang, thuật ngữ thứ yếu được nhắc đi nhắc lại, hình ảnh, lời nói bóng ngẫu nhiên, và kiên nhẫn, kỹ lưỡng nghiên cứu xem ở chỗ nào chúng đã đe doạ phá huỷ những sự đối kháng vốn thống trị văn bản. Vì thế mới nói, chiến thuật phê bình giải cơ cấu là chỉ ra các văn bản đã gây khó khăn cho chính những hệ thống lôgíc chủ đạo của mình và giải cơ cấu luận chỉ ra điều này bằng cách tập trung vào những vấn đề “có tính chất triệu chứng”, vào sự bế tắc của ngữ nghĩa, vào chỗ mà văn bản gặp phải vấn đề rắc rối, được lột gỡ, mâu thuẫn với chính mình.
Đây không đơn thuần là sự quan sát dựa vào kinh nghiệm về những lối viết nhất định mà là lời công bố có tính tổng quát về bản chất của chính lối viết. Bởi vì, nếu như thuyết về ý nghĩa mà tôi đã dùng để mở đầu chương này là hoàn toàn có lí thì chắc chắn trong chính lối viết có cái gì đó nhất định cuối cùng sẽ lảng tránh tất cả các hệ thống và lôgic. Sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng bập bùng, tràn trề và giảm bớt của ý nghĩa - cái mà Derrida gọi là sự phổ biến -và nó cũng không dễ dàng bị kiềm chế bởi với các phạm trù kết cấu văn bản, hay các phạm trù của phương pháp tiếp cận phê phán theo quy ước. Lối viết, như bất cứ quá trình nào của hành ngôn, cũng hoạt động bởi sự khu biệt; nhưng bản thân sự khu biệt ấy lại không phải là khái niệm, không phải là một cái gì đó có thể nghĩ ra được. Văn bản có thể “chỉ” cho ta thấy điều gì đó về bản chất của ý nghĩa và tầm quan trọng mà nó không thể lập thành một lời tuyên bố được. Theo Derrida, tất cả hành ngôn thể hiện “sự thặng dư” này đối với từng ý nghĩa cụ thể, thường xuyên đe doạ vượt quá giới hạn và thoát khỏi ý muốn cố gắng kiềm chế chúng. Điều này rất rõ trong diễn ngôn “văn học”, và nó cũng đúng trong các thể loại viết khác. Sự hiện diện của khái niệm lối viết là một thử thách đối với chính ý tưởng của cấu trúc bởi vì cấu trúc vẫn luôn là trung tâm, là nguyên lí cố định, là nền móng vững chắc, là hệ thống tầng bậc của ngôn ngữ và chính những khái niệm này đang là câu hỏi cho sự khác biệt, sự bất đồng vô tận của lối viết. Nói cách khác, chúng ta đang chuyển từ kỷ nguyên của chủ nghĩa cấu trúc sang triều đại của chủ nghĩa hậu cấu trúc, một phong cách suy luận bao hàm các thao tác “giải cơ cấu” của Derrida, tác phẩm của nhà sử học người Pháp Michel Foucault, những bài tham luận của nhà phân tâm học người Pháp Jacques Lacan, nhà triết học và phê bình văn học Julia Kristeva. Tôi chưa thảo luận một cách rõ ràng về tác phẩm của Foucault trong cuốn sách này, nhưng vẫn có thể kết luận được bởi mức độ ảnh hưởng của nó rất rộng lớn.
Có một cách để đánh giá được sự phát triển đó là xem xét tác phẩm của nhà phê bình Pháp Roland Barthes. Trong những tác phẩm đầu tay như: Mythologie (Thần thoại học, 1957); On Racine (Về Racine, 1963); Elements of Semiology (Những cơ sở của kí hiệu học, 1964)và Système de la mode (Hệ thống mốt, 1967), Barthes là một nhà cấu trúc luận“cao cấp” trong việc phân tích những hệ thống biểu thị mốt, múa thoát y, bi kịch, bít tết, khoai tây chiên một cách không khó khăn gì. Bài tiểu luận quan trọng năm 1966 với tựa đề Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể là theo lối của Jakobson và Lévi-Strauss. Bài này đã phân chia cấu trúc của văn tự sự thành các đơn vị riêng biệt, các chức năng và các “chỉ số”( biểu thị tính chất, tâm lí học, “môi trường” và v.v...). Những đơn vị này theo sát nhau trong văn tự sự, và nhiệm vụ của nhà phê bình là gộp chúng vào trong một khung diễn giải nhất định. Thậm chí ngay ở giai đoạn đầu này, cấu trúc luận của Barthes tuy có bị làm mờ nhạt đi bởi các lý thuyết khác như: những lời gợi ý của hiện tượng học trong Michelet par lui-même (1954), của phân tâm học trong On Racine, nhưng rốt cuộc Barthes đã vượt lên tất cả do lối hành văn của ông. Lối viết văn xuôi lịch sự, khôi hài, dùng nhiều từ mới của Barthes chứng tỏ sự “vượt trội” của lối viết so với sự hà khắc mà cấu trúc luận yêu cầu: đây là một lãnh địa tự do, nơi ông có thể giải trí, giải thoát một phần khỏi sự bạo ngược của ý nghĩa. Tác phẩm của ông : Sade, Fourier, Loyola (1971) là sự pha trộn thú vị của cấu trúc luận và trò chơi hoa tình sau này. Chúng ta thấy được trong Sade sự hoán vị liên tục một cách có hệ thống của các tư thế hoa tình.
Hành ngôn là chủ đề của Barthes từ đầu đến cuối, và cụ thể là sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề kí hiệu học, rằng nó luôn luôn mang tính quy ước của lịch sử và văn hoá. Đối với Barthes, một kí hiệu “lành mạnh” là phải có khả năng thu hút sự chú ý đến tính chuyên quyền, độc đoán của nó, không cố gắng dỗ dành mình là “tự nhiên”, mà nên hiện vị thế tuyệt đối, không tự nhiên của chính mình khi truyền đạt ý nghĩa. Trong tác phẩm trước đó, sự thúc đẩy đằng sau đức tin này mang tính chất chính trị: những kí hiệu tự xưng là tự nhiên, những kí hiệu tự coi mình là phương pháp nhìn nhận thế giới duy nhất chính là những kí hiệu độc đoán và không tưởng. Đây là một trong những chức năng của hệ tư tưởng có ý định “tự nhiên hoá” thực tế xã hội, biến nó thành vô tội và không thay đổi như chính bản chất của Thiên Nhiên. Hệ tư tưởng này tìm cách biến đổi văn hoá thành Thiên Nhiên, và dấu hiệu “tự nhiên” là một trong những vũ khí của nó. Việc hoan nghênh hay đồng ý rằng nền dân chủ phương Tây thể hiện ý nghĩa đích thực của từ “tự do” là sự phản hồi rõ ràng và tự phát nhất trên thế giới. Theo cách nghĩ này thì thuyết không tưởng là một trong những dạng huyền thoại đương thời, một lĩnh vực tự giải thoát khỏi sự nhập nhằng, không rõ ràng và khả năng có thể thay thế.
Barthes cho rằng có một thuyết không tưởng văn học phù hợp với “quan điểm tự nhiên” này đó là thuyết duy thực (matérialisme - trước đây vẫn dịch là duy vật). Văn học duy thực có xu hướng che đậy bản chất quan hệ tương đối hay cấu trúc xã hội của hành ngôn: nó giúp cho việc xác nhận có một dạng hành ngôn “thông thường” tương đối tự nhiên. Hành ngôn tự nhiên này ban tặng cho chúng ta một thực tế theo đúng nghĩa của nó. Không giống như chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng thường bóp méo chúng, ngôn ngữ tự nhiên miêu tả thế giới đúng như Thượng đế đã ban tặng cho chúng ta. Kí hiệu không được nhìn nhận như một thực thể dễ thay đổi và được quyết định bởi các quy tắc của một hệ thống kí hiệu cụ thể; nó được nhìn nhận như cửa kính mờ đối với vật thể hay trí tuệ. Nó hoàn toàn trung tính và không màu: nhiệm vụ duy nhất của nó là trình bày một điều gì đó, trở thành phương tiện của ý nghĩa vốn được hình thành hoàn toàn độc lập, và nó phải can thiệp vào càng ít càng tốt. Trong hệ tư tưởng của thuyết duy thực, các ngôn từ dường như được nối với những tư tưởng của nó hay các vật thể một cách đúng đắn không thể tranh cãi được: ngôn từ trở thành phương tiện chính xác duy nhất trong việc nhìn nhận vật thể này hay thể hiện ý nghĩa này.
Theo Barthes, kí hiệu duy thực hay tiêu biểu đó hoàn toàn là không lành mạnh. Nó làm lu mờ chính vị thế như một kí hiệu của nó để ấp ủ một ảo giác là chúng ta sẽ nhìn nhận thực tế không cần sự can thiệp của nó. Kí hiệu như là “sự phản ảnh”, “sự thể hiện”, hay “sự biểu đạt” đã phủ nhận tính chất sinh sản của ngôn ngữ: nó bỏ qua thực tế chúng ta chỉ có một “thế giới” mà thôi. Kí hiệu “kép” của Barthes là kí hiệu có thể thể hiện sự tồn tại bản chất của mình, trong khi truyền tải một ý nghĩa, là cháu chắt của ngôn ngữ “lạ hoá” của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga và cấu trúc luận Tiệp, của ngôn từ “thơ ca” của Jakobson luôn ca tụng sự tồn tại chắc chắn về mặt ngôn ngữ của mình. Tôi nói “cháu chắt” bởi vì con cháu của các nhà hình thức chủ nghĩa càng trở nên gần gũi bao nhiêu, thì các nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa của nước cộng hoà Weimar- trong đó có Bertolt Brecht, người đã áp dụng “những ảnh hưởng lạ hoá” vào mục đích chính trị, - cũng trở nên gần gũi hơn với chủ nghĩa hình thức. Trong tay họ, những phương pháp lạ hoá của Shklosky và Jakobson có chức năng lớn hơn chức năng giao tiếp đơn thuần, chúng trở thành những công cụ thơ ca, phim ảnh và sân khấu cho một xã hội chính trị “biến chất” và “không thân thiện”. Những nghệ sĩ này cũng là hậu duệ của những người theo thuyết vị lai Bolsevik và những người tiền phong Nga khác, của Maiakovsky, “Mặt trận cánh tả trong nghệ thuật” và các nhà cách mạng văn hoá của chính quyền Xô viết những năm 1920. Barthes có một bài tiểu luận lạc quan về sân khấu Brecht trong Tiểu luận phê bình (1964).
Nhà cấu trúc luận đầu tiên Barthes vẫn tin tưởng vào khả năng “khoa học” của văn học, mặc dù như ông nói, cũng chỉ có thể là khoa học của”hình thức” chứ không phải “nội dung”. Phê bình khoa học như vậy ở góc độ nào đó là để nhận biết các vật thể “ đúng như bản chất thật” của chúng; liệu điều này có trái ngược với sự ghét bỏ của Barthes về kí hiệu trung gian không?. Nói chung, nhà phê bình phải sử dụng ngôn ngữ để phân tích văn bản văn học và không có lí gì để cho rằng ngôn ngữ sẽ thoát khỏi các cấu trúc trình bày diễn ngôn nói chung mà Barthes đã đưa ra. Vậy, những diễn ngôn phê bình có mối quan hệ gì với diễn ngôn văn học? Đối với những nhà cấu trúc luận, phê bình là một siêu ngôn ngữ, một “dạng ngôn ngữ được dùng để nói về một ngôn ngữ khác”, nó vượt lên trên vật thể, đến một tầm cao mới mà từ đó có thể quan sát kỹ lưỡng và nghiên cứu vật thể đó. Nhưng, như Barthes nhận thấy trong Système de la mode, không có sự tồn tại của một siêu ngôn ngữ khác dùng để nói về ngôn ngữ, một nhà phê bình khác có thể sử dụng phê bình của bạn để nghiên cứu và v.v.. trong sự thoái lui vô tận. Trong Tiểu luận phê bình, Barthes đã nói về phê bình như là một sự che đậy văn bản bằng chính hành ngôn của nhà phê bình. Và sự che đạy ấy càng hoàn chỉnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Trong Phê bình và sự thật, (1966) của Barthes, diễn ngôn phê bình được nhìn nhận như ngôn ngữ thứ hai “lơ lửng trên đầu ngôn ngữ của tác phẩm”. Và cũng bài tiểu luận tương tự như thế đã bắt đầu miêu tả đặc điểm của ngôn ngữ văn học theo thuật ngữ mà ngày nay được biết đến là hậu cấu trúc luận. Đây là một ngôn ngữ “không có đáy”, một cái gì đó giống như “sự mập mờ sáng tỏ”được hỗ trợ bởi “ý nghĩa nông cạn”. Nếu như thế, liệu các biện pháp cấu trúc luận cổ điển có thể đương đầu được với nó hay không?
Một nghiên cứu đáng ngạc nhiên của Barthes về truyện vừa Sarrasine của Balzac, S/Z (1970), một “tác phẩm của sự gãy nát”. Ngày nay, tác phẩm văn học không còn được nhìn nhận như một vật thể ổn định hay một cấu trúc có giới hạn. Một ngôn ngữ phê bình mới đã từ bỏ tất cả sự huyênh hoang của tính khách quan khoa học. Đối với phê bình, những văn bản hấp dẫn nhất không phải là những văn bản có thể đọc được mà là những văn bản viết được. Những văn bản khuyến khích nhà phê bình mổ xẻ chúng, chuyển đổi chúng thành những văn bản khác, thể hiện trò chơi bán võ đoán của của ý nghĩa: nhà phê bình chống lại chính tác phẩm được phê bình. Độc giả hay nhà phê bình chuyển từ vai trò của người tiêu dùng sang nhà sản xuất. Điều này cũng không hoàn toàn chính xác như câu nói “mọi điều đều có thể khi giải thích”, vì Barthes rất thận trọng khi nhận xét rằng một tác phẩm có thể sẽ không có ý nghĩa gì hết. Một văn bản “có thể đọc được” thường là một tác phẩm cách tân, không có ý nghĩa quyết định, không có cái được biểu đạt cố định, nhưng lại đa nghĩa, rườm rà, là dãy hay nhóm những cái biểu đạt biến hóa vô tận, là tấm dệt không có đường nối của các mật mã, và các chi tiết của mật mã mà qua đó nhà phê bình làm ngắn lại con đường lang thang của chính mình. Không có mở đầu và kết thúc, không có hậu quả nào mà không thể đảo ngược, không có thứ bậc của “các cấp độ” văn bản có khả năng nói cho bạn biết điều gì quan trọng, điều gì không.
Tất cả các văn bản văn học đều được xây dựng từ những văn bản văn học khác không theo quy ước , chúng mang những dấu hiệu của “sự ảnh hưởng” mà đúng hơn là mỗi một từ, một nhóm từ, một đoạn đều là tái gia công của những kiểu viết khác đứng trước hay vây quanh một tác phẩm cụ thể. Không có cái gọi là “tính chất gốc”của văn học, không có tác phẩm văn học “đầu tiên”. Văn chương là “sự hoà trộn lẫn nhau”. Do đó, một tác phẩm đặc biệt sẽ không có ranh giới rõ rệt. Nó liên tục tràn sang những tác phẩm quanh nó, tạo ra hàng trăm phối cảnh khác nhau thu nhỏ dần rồi biến mất. “Cái chết của tác giả” là khẩu hiệu mà phê bình hiện đại ngày nay có thể tự tin công bố mà không cần thỉnh cầu tác giả đột ngột đóng lại hay quyết định số phận một tác phẩm. Tiểu sử của tác giả, rốt cuộc, cũng chỉ đơn thuần là một văn bản khác mà không cần được gán cho bất cứ đặc ân nào: văn bản này cũng có thể được giải cơ cấu. Đây là ngôn ngữ dùng trong văn học với tất cả sự đa nghĩa của nó chứ không phải là bản thân tác giả. Không phải là tác giả mà là độc giả sẽ lập tức chú ý đến bất cứ một chỗ nào trong cái văn bản có sự đa nghĩa này.
Khi nói về “lối viết” hay “tính văn bản”, các nhà hậu cấu trúc luận thường nói về lối viết hay tính văn bản đã có sẵn trong tiềm thức của họ. Như Barthes đã nhận định, việc chuyển dịch từ cấu trúc luận sang hậu cấu trúc luận một phần cũng chính là chuyển từ “tác phẩm” sang “văn bản”. Đó là việc chuyển từ việc nhìn nhận thơ ca hay tiểu thuyết như một thực thể gần gũi với những ý nghĩa xác định mà nhà phê bình phải giải mã được sang việc nhìn nhận chúng như một thực thể số nhiều không thể giảm bớt, một trò chơi vô tận của những cái biểu đạt mà không bao giờ có thể gộp chúng thành một trung tâm điểm hay một ý nghĩa duy nhất. Điều này rõ ràng hướng về sự khác biệt trên thực tế của chính sự phê bình như công trình S/Z đã làm rõ. Phương pháp của Barthes trong cuốn sách này là chia câu chuyện của Balzac thành vô số các đơn vị nhỏ và gắn cho chúng năm mã khác nhau: mã “tự sự” (narrative); mã “chú giải” (hermeneutic) quan tâm đến những bí ẩn chưa tiết lộ của câu chuyện; mã “văn hoá” (cultural) nghiên cứu vốn kiến thức xã hội trên cơ sở đó mà tác phẩm phác ra; mã “nội hàm” giải quyết vấn đề nghĩa rộng về con người, địa danh, vật thể; mã “tượng trưng” (symbolic) nghiên cứu những mối quan hệ về giới tính và phân tâm học trong những ngữ cảnh cụ thể. Cho đến nay, dường như không có mã nào trong số này đi lệch quá xa thực tế cấu trúc luận chuẩn mực. Nhưng sự phân chia văn bản thành các đơn vị là tương đối độc đoán; năm mã trên đơn giản là được lựa chọn từ một số lượng không thể xác định được. Các mã phân cấp không theo bất cứ một tầng bậc nào, và đôi khi cả ba mã cùng được áp dụng cho một đơn vị theo kiểu số nhiều và chúng cản trở việc cuối cùng phải “tổng kết” tác phẩm thành bất cứ một dạng kết cấu chặt chẽ nào, đúng hơn, chúng thể hiện tính tản mạn và vụn vặt của tác phẩm. Barthes cho rằng văn bản giống như quá trình vô tận của “cấu trúc” chứ không phải là chính cấu trúc và phê phán sẽ đảm nhiệm quá trình này. Truyện vừa của Balzac là một tác phẩm thực tế, nó hoàn toàn không phục tùng hình thức bạo lực mang tính chất kí hiệu học mà Barthes đã trút cho hả giận. Sự phê bình của ông không “tái tạo” lại mà viết và tổ chức lại một cách nghiêm túc hoàn toàn không theo quy ước. Do đó, điều được làm sáng tỏ ở đây là tầm cỡ của một tác phẩm vốn cho đến nay vẫn chưa được thực sự chú trọng. Đối với thuyết duy thực, Sarrasine là “một văn bản vẫn còn hạn chế”, một tác phẩm trong đó sự tự tôn cơ bản dường như có vấn đề: văn tự thuật xoay quanh vấn đề thất bại trong tự thuật, cắt xén những đoạn nói về tình dục, những nguồn của cải bí ẩn của chủ nghĩa tư bản và sự bối rối của các vai trò giới tính nhất định. Trong A coup de grâce (Đòn kết liễu), Barthes cho rằng chính “những nội dung” của tiểu thuyết có liên quan đến phương pháp phân tích của chính ông: câu chuyện quan tâm đến sự khủng hoảng trong diễn đạt văn học, các mối quan hệ giới tính và sự thay đổi về kinh tế. Trong tất cả những ví dụ này, việc hệ tư tưởng của giai cấp trung lưu cho rằng kí hiệu có tính chất “miêu tả” đang là vấn đề cần giải đáp. Có thể nói, văn tự sự của Balzac vượt xa thời điểm lịch sử của nó tại thế kỷ XIX và ngang hàng với thời kỳ hiện đại của Barthes.
Thực tế, chính phong trào văn học hiện đại của chủ nghĩa cách tân đã đưa phê bình cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận lên hàng đầu. Một số tác phẩm sau này của Barthes và Derrida đều cách tân trong chính nó, đầy kinh nghiệm, bí ẩn và rất mơ hồ. Hậu cấu trúc luận cho rằng không có sự phân chia rạch ròi giữa “phê bình” và “sáng tác”: cả hai đều được xếp vào dạng “lối viết”. Cấu trúc luận bắt đầu sinh ra khi ngôn ngữ trở thành mối bận tâm lớn của các nhà tri thức và điều này xảy ra cũng vì vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, ngôn ngữ Tây Âu dường như đang trên ngưỡng cửa của sự khủng hoảng. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể viết được trong một xã hội công nghiệp vốn hạ thấp diễn ngôn xuống chỉ còn như một công cụ đơn thuần của khoa học, thương mại, quảng cáo và quan liêu ? Và phải viết cho độc giả nào khi công chúng đã bão hoà với thứ văn hoá “quần chúng”và kém lợi nhuận ? Liệu tác phẩm văn học ngay lập tức có thể trở thành giả tạo và thành hàng hoá trên thị trường ngỏ không? Liệu chúng ta có thể tiếp tục cùng chia sẻ niềm tin duy lí, theo kinh nghiệm của tầng lớp trung lưu giữa thế kỷ XIX rằng ngôn ngữ tự nó đã gắn với thế giới được nữa hay không? Làm sao có thể viết nếu không có niềm tin chung được chia sẻ với độc giả, và làm sao có thể có được niềm tin chung đó vào thế kỷ XX khi hệ tư tưởng đang rối bời. Những câu hỏi dạng này đã bén rễ trong những điều kiện lịch sử thực sự của lối viết hiện đại. Mối bận tâm của các nhà hình thức luận, vị lai và cấu trúc luận với sự lạ hoá và đổi mới của thế giới, với tinh thần khôi phục lại sự phong phú của ngôn ngữ đã bị tước đoạt trước đó theo các cách khác nhau đều phản hồi lại tình trạng tiến thoái lưỡng nan lịch sử này. Nhưng cũng có thể sáng tạo ngôn ngữ như một sự lựa chọn cho các vấn đề xã hội đang làm bạn phiền lòng để bác bỏ một cách buồn rầu hay hân hoan quan niệm truyền thống cho rằng ai đó đã viết về cái gì đó cho ai đó, và làm cho ngôn ngữ trở thành một mục tiêu ấp ủ. Trong tiểu luận bậc thầy đầu tiên của ông Writing’s Degree Zero (Độ không của lối viết, 1953), Barthes đã phác ra đôi nét về sự phát triển của lịch sử, theo đó, lối viết của các nhà thơ tượng trưng Pháp thế kỷ XIX trở thành hoạt động “nội quan”: viết không nhằm một mục đích nào nhất định, không theo chủ đề nào nhất định như trong văn học “cổ điển”, mà chỉ như một niềm say mê mà thôi. Nếu như các vật thể và các sự kiện trong thế giới thực cũng không có sinh khí và xa lạ, nếu lịch sử có vẻ như đã mất phương hướng và rơi vào tình trạng hỗn loạn, thì lúc nào cũng có thể cho tất cả điều này vào “ngoặc kép”. Viết lách đã tự biến mình thành hành động tự tôn sâu sắc, nhưng lại luôn bị xã hội kết tội do tính vô dụng của chính nó. Không tránh khỏi việc đồng loã với những người đã hạ thấp nó xuống như một thứ hàng hoá ế ẩm, nó đã cố gắng giải phóng bản thân khỏi sự làm ô uế của ý nghĩa xã hội bằng việc nhấn mạnh sự thanh khiết của im lặng, như là các nhà theo tượng trưng chủ nghĩa, hay bằng việc tìm kiếm trung gian mộc mạc, một “độ không của lối viết” với hy vọng vô tư, nhưng trong thực tế, theo Hemingway nhận xét, thì cũng chỉ như bất cứ lối viết văn nào khác. Không còn nghi ngờ gì, “tội lỗi” mà Barthes nói đến chính là tội lỗi của chính thể chế văn học, một thể chế, mà như ông nhận xét, đã chứng thực sự phân chia của ngôn ngữ và sự phân chia giai cấp. Trong xã hội hiện đại, để viết theo lối “văn chương” sẽ không thể tránh khỏi việc thoả hiệp với sự phân chia như thế.
Cấu trúc luận được nhìn nhận một cách điển hình nhất vừa như một triệu chứng, vừa như sự phản ứng lại sự khủng hoảng xã hội và ngôn ngữ như tôi đã nói. Nó lẩn tránh từ lịch sử sang ngôn ngữ- một hành động đáng mỉa mai bởi vì như Barthes thấy, chỉ có rất ít động thái có thể trở nên quan trọng hơn về mặt lịch sử. Nhưng khi cách ly với lịch sử, nó cũng tìm cách khôi phục lại cái gọi là “sự trái với thiên nhiên” của các kí hiệu nhờ vào nó mà những người đàn ông, những người đàn bà sống, và mở rộng sự nhận thức về tính thay đổi của lịch sử của họ. Bằng cách này, nó có thể quay trở về với lịch sử mà nó đã bỏ rơi lúc ban đầu. Với sự ra đời của hậu cấu trúc luận, mặt trái của cấu trúc luận, không phải là việc từ chối lịch sử mà không gì khác chính là khái niệm về bản thân cấu trúc. Trong tác phẩm The Pleasure of the Text (1973) (Sự khoái lạc của văn bản), tất cả lý thuyết, tư tưởng, ý nghĩa xác định, sự giao phó xã hội có vẻ như đã trở nên có tính chất khủng bố, và “viết”là câu trả lời cho tất cả chúng. Viết, hay đọc và viết là miền đất cuối cùng không bị chiếm thành thuộc địa, ở đó giới trí thức có thể vui chơi, thưởng thức sự xa hoa của ngôn ngữ mà không phải quan tâm đến bất cứ điều gì có thể xảy ra tại cung điện Elysée hay các nhà máy sản xuất xe ô tô Renault. Trong hành văn, sự bạo ngược của ý nghĩa có thể ngay lập tức bị ức chế và làm cho thay đổi bởi trò chơi tự do của ngôn ngữ; và chủ thể đọc/ viết đó có thể được giải thoát khỏi đặc tính riêng rẽ để đến với một bản ngã nổi tiếng tuyệt vời. Barthes cho rằng văn bản giống như một con người tự do đã để cho Người Cha Chính Trị “nắm được thóp” của mình.
Việc nói đến Người Cha Chính Trị không phải là ngẫu nhiên. Sự khoái lạc của văn bản đã được in năm năm sau sự bùng nổ của xã hội làm rung chuyển tận gốc những Người Cha Chính Trị Pháp. Vào năm 1968, một phong trào sinh viên đã nổ ra suốt dọc Châu Âu, chống lại chủ nghĩa độc đoán của các tổ chức giáo dục và đe doạ chính nhà nước tư bản Pháp. Vào lúc bi đát nhất, nhà nước đã bị chao đảo trên bờ vực của sự suy đổ: trên các đường phố, lực lượng cảnh sát và công an đã chiến đấu với sinh viên- những người đấu tranh để thể hiện tình đoàn kết với giai cấp công nhân. Hậu cấu trúc luận là sản phẩm của sự kết hợp trạng thái khoan khoái, sự tỉnh ngộ, sự phóng thích và tiêu mòn, lễ hội và thảm hoạ của năm 1968. Không thể phá vỡ các cấu trúc của chính quyền nhà nước, thay vào đó, hậu cấu trúc luận thấy hoàn toàn có thể phá vỡ những cấu trúc của ngôn ngữ vì ít nhất cũng không có ai gõ vào đầu bạn vì đã làm như thế. Phong trào sinh viên đã bị quét sạch trên các đường phố và ngấm ngầm chuyển sang dạng sử dụng các diễn ngôn. Kẻ thù của nó, như Barthes nói sau này, đã trở thành các hệ thống niềm tin dưới dạng lý thuyết và các tổ chức chính trị có nhiệm vụ phân tích, đối phó với các cấu trúc xã hội nói chung. Những phương thức hoạt động chính trị mang tính chất chiến lược, địa phương, khuếch tán, sau có thể được chấp nhận: làm việc với tù nhân và các nhóm tổ chức xã hội nhất định; những dự án cụ thể về văn hoá và giáo dục. Để phản đối những hình thức cổ điển của các tổ chức cánh tả, phong trào phụ nữ đã phát triển một tổ chức những người yêu tự do “phân quyền” và ở một số quận đã phản đối thuyết hệ thống của giới mày râu.
Lỗi lầm lớn nhất của những người theo hậu cấu trúc luận là tin tưởng những dự án địa phương và những lời hứa hẹn nào đó có thể song hành với nhau nếu họ thấu hiểu chủ nghĩa tư bản độc quyền vốn nó chỉ có thể áp bức như chính hệ thống mà nó đang đối kháng mà thôi. Quyền lực có ở mọi nơi, một sức mạnh di động rò rỉ qua từng mạch huyết của xã hội, nhưng nó không có được tâm điểm như bài luận đã có. “Một hệ thống toàn diện” không thể bị đánh bại, nhưng trên thực tế, thật ra không có hệ thống nào là toàn diện cả. Do đó, bạn có thể can thiệp vào đời sống xã hội và chính trị bất cứ thời điểm nào bạn muốn, như Barthes có thể cho S/Z tham gia vào trò chơi độc đoán của các mã (codes). Có một điều chưa được làm sáng tỏ là làm sao có thể nhận biết một hệ thống có toàn diện hay không và nếu những khái niệm chung là những điều cấm kỵ (taboo)thì liệu một quan điểm như thế có thể tồn tại ở những nơi khác trên thế giới ví như Paris không? Trong cái gọi là Thế Giới Thứ Ba, với những hiểu biết chung về lôgíc của chủ nghĩa tư bản, những người đàn ông và những người đàn bà đã tìm cách giải phóng đất nước mình khỏi sự thống trị của Mỹ và Châu Âu về mặt kinh tế và chính trị. Họ cũng tìm cách làm điều này tại Việt nam trong thời điểm diễn ra phong trào sinh viên Châu Âu và “những lý thuyết chung” của họ vài năm sau mới được chứng minh là thành công hơn của sinh viên Paris. Tuy nhiên, trở lại Châu Âu, những lý thuyết như thế này nhanh chóng trở thành lỗi thời.
Tôi cho rằng tình trạng như thế này nảy sinh từ một thất bại chính trị hay sự tỉnh ngộ nào đấy. “Cấu trúc tổng thể”mà nó xác định là kẻ thù là một cấu trúc cụ thể mang tính lịch sử: tình trạng đàn áp có vũ trang của chủ nghĩa tư bản độc quyền sau này và quan điểm chính trị của Stalin có vẻ như đối kháng với nó nhưng thực tế rất đồng loã với nguyên tắc của nó. Trước khi có sự có mặt của hậu cấu trúc luận, nhiều thế hệ của các nhà xã hội học đã đấu tranh với cả hai tảng đá đồ sộ này. Nhưng họ đã bỏ qua khả năng rằng cảm giác hoa tình của việc đọc sách, hay thậm chí tác phẩm giới hạn trong cái gọi là điên rồ, tội phạm là một giải pháp thoả đáng và vì thế đã có các chiến sĩ du kích Guatemala.
Trong một giai đoạn của quá trình phát triển, hậu cấu trúc luận đã trở thành con đường thuận tiện để tránh tất cả các câu hỏi chính trị dạng này. Tác phẩm của Derrida và những tác giả khác đã có nghi ngờ sâu sắc về những khái niệm cổ điển về sự thật, thực tiễn, ý nghĩa và kiến thức.Tất cả những khái niệm này đều dựa vào lý thuyết mờ đục tiêu biểu của ngôn ngữ. Nếu ý nghĩa, hay sự được biểu đạt là sản phẩm ngẫu nhiên của từ hay cái biểu đạt, luôn luôn chuyển đổi và không ổn định, lúc ẩn lúc hiện, thì liệu có sự thật hay ý nghĩa được xác định hay không? Nếu như thực tế được xây dựng lên chứ không phải là được phản ánh bởi diễn ngôn của chúng ta thì làm sao ta có thể biết được thực tế, có chăng chỉ là biết đến diễn ngôn của chính chúng ta. Liệu tất cả câu chuyện có phải chỉ là câu chuyện về câu chuyện của chúng ta không? Việc tuyên bố cách lí giải về thực tế, lịch sử hay văn bản văn học này có giá trị hơn những văn bản kia liệu có ý nghĩa gì không? Chú giải học tìm hiểu ý nghĩa quá khứ: nhưng liệu trên thực tế có quá khứ nào được nhận biết hay không hay chỉ là chức năng đơn thuần của diễn ngôn hiện tại?
Liệu tất cả những điều này có phải là do những ông tổ sáng lập ra hậu cấu trúc luận nắm giữ hay không, sự hoài nghi này nhanh chóng trở nên thịnh hành trong giới khoa học Cánh Tả. Việc sử dụng những từ như “sự thật”; “chắc chắn”,và “thật sự”ở một chừng mực nào đó bị lên án là trừu tượng. Nếu bạn phản đối ý kiến độc đoán cho rằng chúng ta không thể biết được bất cứ điều gì, thì điều này có nghĩa là bạn đã cố tình níu lấy những khái niệm về sự thật tuyệt đối, và bạn sẽ bị kết tội là hoang tưởng khi cho rằng với một số nhà khoa học giỏi giang bạn có thể nhận biết được thực tế như “chính bản thân nó”. Mô hình khoa học mà hậu cấu trúc luận thường chế giễu là một mô hình tích cực-một thỉnh cầu duy lí của thế kỷ XIX đối với sự hiểu biết trừu tượng và không có giá trị về “các sự việc”. Mô hình này thực sự là một mục tiêu vô giá trị. Nó không sử dụng hết được làm cạn kiệt thuật ngữ “khoa học” và cũng sẽ chẳng có gì đạt được bởi bức tranh biếm hoạ của sự tự phản ánh khoa học này. Nếu nói rằng hoàn toàn không có lí để sử dụng những từ như sự thật, chắc chắn, thực tế và v.v... thì cũng không có nghĩa là những từ này thiếu ý nghĩa hay không hiệu quả. Bất cứ ai cho rằng hoàn toàn có lí để sử dụng chúng thì đó là lí gì, nếu có?
Một học thuyết cho rằng chúng ta là tù nhân của diễn ngôn của chính chúng ta, không thể đề xuất một cách có nguyên cớ những thỉnh cầu thật sự bởi vì những thỉnh cầu như thế đơn giản là có liên quan đến ngôn ngữ của chúng ta; đó chính là một lợi thế, nó cho phép chúng ta lái xe hay phi ngựa “qua suốt niềm tin” của tất cả mọi người mà không cần phải đặt mình vào vị trí bất tiện phải là chấp nhận bất cứ điều gì . Nó là một vị trí không thể bị tấn công, và thực tế cũng hoàn toàn trống rỗng là cái giá ai đó phải trả vì điều này. Quan điểm cho rằng khía cạnh lớn nhất của bất cứ ngôn đoạn nào là nó không biết nói gì về sự mệt mỏi khi không thể khám phá sự thật, không liên quan gì đến sự tỉnh ngộ mang tính lịch sử hậu - 1968. Nhưng nó cũng tránh cho bạn phải tiếp tục giữ vai trò trong những vấn đề quan trọng, bởi vì điều bạn nói về những vấn đề ấy sẽ chỉ là sản phẩm tình cờ của biểu đạt cho nên không có gì là “chính xác” hay “nghiêm túc” cả. Một lợi thế nữa của quan điểm này là nó cấp tiến đối với ý kiến của bất kỳ ai, nó có thể vạch rõ mặt thật của những bản tuyên ngôn trang trọng nhất chỉ đơn thuần là trò chơi rối bời của các kí hiệu, trong khi nó hoàn toàn bảo thủ về các phương diện khác. Vì nó cũng chẳng bắt bạn phải cam kết điều gì nên nó cũng chỉ có hại cỡ như súng không có đạn mà thôi.
Trong thế giới Anh-Mỹ, giải cơ cấu nói chung đã có xu hướng đi theo con đường này. Về cái gọi là trường phái Yale của giải cơ cấu, J.Hillis Miller, Geoffrey Hartman và trong một chừng mực nào đấy cả Harold Bloom -phê bình của Paul de Man tập trung chủ yếu vào việc diễn giải rằng ngôn ngữ văn học liên tục phá hoại ý nghĩa của chính nó. Sự thực, Paul de Man trong thực nghiệm của mình không gì hơn là một cách làm mới trong việc xác định “bản chất” của chính văn học. Paul de Man cho rằng tất cả các ngôn ngữ đều ẩn ý một cách cố hữu, hoạt động bởi những phép chuyển nghĩa và những minh hoạ; một điều rất sai lầm khi cho rằng bất cứ ngôn ngữ nào theo nghĩa đen cũng đúng là nghĩa đen. Triết học, luật pháp, học thuyết chính trị cũng hoạt động với phép ẩn ý như chính thơ ca, và chính vì thế cho nên cũng giả tưởng như thế. Vì các phép ẩn ý về cơ bản là “vô căn cứ”, vì có những sự thay thế thuần khiết của cặp kí hiệu này cho cặp kí hiệu kia nên ngôn ngữ có xu hướng phản bội lại bản chất giả tưởng và độc đoán, thất thường của chính mình tại những thời điểm nó đang muốn thể hiện mình là thuyết phục nhất. Sự trừu tượng nổi lên rõ nét nhất ở lĩnh vực văn học. Trong lĩnh vực này, độc giả thường rơi vào trạng thái lưỡng lự giữa “nghĩa đen” và nghĩa bóng, không biết lựa chọn nghĩa nào, do đó hoa mắt và rơi vào một vực thẳm khôn cùng của ngôn ngữ chỉ bởi một văn bản đã trở thành “không đọc được”. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học về cơ bản ít đánh lừa độc giả hơn những dạng diễn ngôn khác, bởi vì chúng ngấm ngầm nhận thức được vị thế tu từ học của chính mình, nhận thức được một thực tế rằng điều chúng nói khác hẳn với việc chúng làm và những đòi hỏi của chúng về kiến thức đều thông qua các cấu trúc giả tưởng vốn làm chúng trở nên mơ hồ và không xác định được. Người ta có thể nói chúng rất đáng mỉa mai về bản chất. Những dạng viết khác cũng mang tính hình tượng và mơ hồ, nhưng lại tự coi mình là chân lí hiển nhiên. Đối với Paul de Man cũng như đối với đồng nghiệp Hillis Miller của ông, văn học không cần thiết phải vận đến nhà phê bình để giải cơ cấu: nó có thể tự giải cơ cấu, và hơn nữa đây chính là vấn đề của cuộc phân tích, mổ xẻ này.
Những sự mơ hồ văn bản của các nhà phê bình Yale khác với những sự mâu thuẫn trong tư tưởng thơ ca của Phê bình Mới (New Criticism). Đọc không phải là vấn đề hỗn hợp lại hai ý nghĩa xác định, hoàn toàn khác nhau như theo Phê bình Mới mà là vấn đề của việc bị nắm bắt trên bước nhảy giữa hai ý nghĩa không thể điều hoà cũng như không thể chối từ. Do đó, phê bình văn học đã trở thành một công việc mỉa mai và không dễ dàng gì, một sự đầu tư không quyết đoán vào chỗ trống bên trong của văn bản vốn thể hiện một cách trần trụi sự ảo tưởng của ý nghĩa, điều không có thể của sự thật và mưu mẹo dối trá của tất cả diễn ngôn. Tuy nhiên, về phương diện khác, việc giải cơ cấu theo kiểu Anh-Mỹ này không gì hơn là sự trở lại của Phê bình Hình thức Mới (New Criticism Formalism) cũ kỹ. Thực tế, nó quay trở lại dưới dạng được tăng cường. Văn học là sự gãy nát của tất cả sự quy chiếu, là nghĩa trang của sự giao thiệp. Phê bình Mới nhìn nhận văn bản văn học như sự trì hoãn thần thánh của niềm tin lý thuyết vào một thế giới tư tưởng càng ngày càng gia tăng. Giải cơ cấu luận nhìn nhận thực tế xã hội như những mạng nhện của sự lưỡng lự được chiếu sáng lờ mờ đang dàn trải tới chân trời hơn là có tính quyết đoán một cách bắt buộc. Với Phê bình Mới, văn học không phải là chủ đề đưa ra một sự thay thế cho lịch sử tư liệu: ngày nay nó vươn tới, chiếm giữ làm thuộc địa và viết lại lịch sử theo ý niệm của chính mình, nhìn nhận những phong trào phụ nữ, các cuộc cách mạng, những trận bóng đá và bánh kem có rượu seri của Tây Ban Nha như một “văn bản” không thể quyết định được. Vì những người đàn ông và đàn bà khôn ngoan không có xu hướng hành động trong những bối cảnh không có ý nghĩa rõ ràng nên quan điểm này chính là sự ám chỉ lối sống của xã hội và đời sống chính trị. Và cũng vì văn học là một hệ hình (paradigm) được đặc quyền của tất cả tính không xác định như thế nên sự ẩn thân của Phê bình Mới vào văn bản văn học có thể được tái diễn lại cùng lúc khi phê bình chìa bàn tay báo thù tới thế giới và làm cho nó trống rỗng về ý nghĩa. Trong khi đối với những thuyết văn hoá trước đó thì kinh nghiệm là có tính thoái thác, chóng phai mờ, rất mơ hồ, còn ngày nay người ta lại cho là ngôn ngữ có những đặc tính đó. Các thuật ngữ đã thay đổi; còn phần lớn quan điểm nhìn nhận thế giới thì hầu như không thay đổi.
Với Bakhtin, đây không phải vấn đề ngôn ngữ như là “diễn ngôn”; tác phẩm của Jacques Derrida thì hoàn toàn thờ ơ với những mối quan tâm như thế. Điều này phần lớn là do sự ám ảnh của học thuyết về “tính không thể quyết định”. ý nghĩa có thể hoàn toàn không bao giờ có thể quyết định được nếu ta quan sát ngôn ngữ một cách kỹ lưỡng như một chuỗi những cái biểu đạt trên trang giấy; nó trở thành “có thể quyết định” và những từ như “sự thật”, “thực tiễn”, “ kiến thức”, “chắc chắn” được hoàn lại một phần nào đó sự sinh động của nó, khi ta quan niệm về ngôn ngữ như sự đan xen một cách không hoà hợp với những dạng thực tiễn khác của cuộc sống chúng ta. Đương nhiên điều này không có nghĩa là ngôn ngữ sau đó sẽ trở nên cố định và rõ ràng, ngược lại, nó trở nên mâu thuẫn hơn phần lớn các văn bản văn học đã “được giải cơ cấu”. Điều này chỉ có nghĩa rằng theo cách nhìn thực tế chứ không phải lý thuyết chúng ta có thể thấy được sau đó điều gì sẽ được coi là xác định, quyết định, thuyết phục, chắc chắn, đúng đắn, giả dối và những gì còn lại, và hơn nữa, còn thấy được điều gì ngoài ngôn ngữ can dự vào những định nghĩa như thế này. Giải cơ cấu luận của trường phái Anh-Mỹ phần lớn lờ đi phạm vi thực tế này của cuộc đấu tranh và tiếp tục khuấy lên những văn bản phê bình đã đóng lại của nó. Những văn bản thế này chính xác là đã đóng lại bởi vì chúng rỗng tuếch, không có gì đáng nói về chúng ngoài việc ngưỡng mộ sự tàn nhẫn làm cho ý nghĩa tích cực của văn bản bị biến mất. Sự biến mất này là một nhu cầu trong trò chơi của giải cơ cấu luận, vì bạn có thể thấy rằng nếu bạn phê bình một văn bản của ai đó là có một chút ít ý nghĩa “chính diện” trong những nếp gấp của nó thì đến lượt cũng sẽ có người khác tới và giải cơ cấu bạn. Sự giải cơ cấu này là một trò chơi sức mạnh, một hình phản chiếu của sự cạnh tranh hàn lâm chính thống. Chỉ đến bây giờ, trong vòng xoắn của tôn giáo đối với hệ tư tưởng cũ, thắng lợi đạt được là do từ bỏ thần thánh hay tự làm trống rỗng: người thắng cuộc là người có thể thoát khỏi những con bài này và ngồi điềm đạm với đôi bàn tay không.
Nếu giải cơ cấu luận của trường phái Anh-Mỹ dường như báo hiệu giai đoạn gần đây nhất của chủ nghĩa hoài nghi tự do trong lịch sử hiện đại của cả hai xã hội nói trên thì vấn đề này ở Châu Âu có phần nào phức tạp hơn. Khi những năm 1960 nhường đường cho những năm 1970, khi những hồi tưởng hội hè của những năm 1968 đã phai nhạt và chủ nghĩa tư bản thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, một số nhà hậu cấu trúc Pháp bắt đầu tiến hành kết giao với tạp chí văn học tiên phong Tel Quel, họ chuyển từ chủ nghĩa Mao hiếu chiến sang chủ nghĩa chống cộng sản. Hậu cấu trúc luận vào những năm 1970 tại nước Pháp với tấm lòng tốt đã có thể ca ngợi những tiếng tôn xưng của Hồi giáo đối với giáo sỹ của người Iran, tán dương nước Mỹ như một ốc đảo tự do và đầy lộc thánh duy nhất còn lại trên thế giới, và cho những hình thái khác nhau của thuyết huyền bí là một giải pháp cho những điều bất hạnh của con người. Nếu như Saussure có thể thấy trước được điều mà ông gây ra thì chắc hẳn ông đã có thể bị rơi vào sở hữu cách trong tiếng Sanskrit.
Tuy nhiên, giống như tất cả các câu chuyện, câu chuyện về hậu cấu trúc luận cũng có khía cạnh khác. Nếu như các nhà giải cơ cấu Mỹ cho rằng văn bản của họ trung thành với tinh thần của Jacques Derrida, thì một trong những người không cho là thế chính là Jacques Derrida. Derrida quan sát thấy, việc sử dụng giải cơ cấu luận của người Mỹ chính là để đảm bảo “sự kết thúc thể chế”, phục vụ cho quyền lợi kinh tế và chính trị quan trọng nhất của xã hội Mỹ. Derrida rõ ràng đã làm nhiều hơn việc đưa ra những kỹ thuật đọc đơn thuần: đối với ông, giải cơ cấu luận là một thông lệ chính trị chủ yếu, một nỗ lực nhằm triệt tiêu luận lí học giúp cho một hệ tư tưởng nhất định mà đằng sau là cả một hệ thống những cấu trúc chính trị và những thể chế xã hội duy trì sức mạnh của nó. Một điều không hợp lí ở đây là ông không tìm cách phủ định sự tồn tại của những chân lí, ý nghĩa, đặc tính, dự định, sự tiếp nối lịch sử tương đối hiển nhiên mà lại xem xét những vấn đề khác như những ảnh hưởng rộng hơn, sâu hơn của lịch sử, ngôn ngữ, của những thông lệ và thể chế xã hội. Việc tác phẩm của ông hoàn toàn không mang tính lịch sử, thoái thác chính trị là không thể phủ nhận: không có sự đối kháng nhị phân rõ ràng được đưa ra giữa một Derrida “xác thực” và những sự lạm dụng của những người theo ông. Nhưng, ý kiến phổ biến cho rằng giải cơ cấu phủ nhận sự tồn tại của mọi thứ ngoài diễn ngôn hay khẳng định lĩnh vực của sự khác biệt thuần tuý trong đó tất cả ý nghĩa và đặc tính (identity) cùng biến mất là sự diễu nhại chính công việc của Derrida và phần lớn công việc theo sau nó.
Nó cũng sẽ không bác bỏ chủ nghĩa hậu cấu trúc như một chủ nghĩa vô chính phủ đơn thuần hay chủ nghĩa khoái lạc mặc dù bằng chứng là đã có những động cơ trước đó. Hậu cấu trúc luận đã đúng khi quở trách sự thất bại của quan điểm chính trị Cánh Tả chính thống vào thời điểm đó. Lí do là vào những năm 1960 và đầu những năm 1970, những hình thái chính trị mới đã nổi lên mà trước đó trường phái Cánh Tả truyền thống đã bị mê hoặc và hoàn toàn không quyết đoán. Sự phản hồi ngay lập tức của nó có mục đích hoặc làm giảm giá trị của những hình thái chính trị mới hoặc cố gắng gộp chúng vào như những phần phụ của cương lĩnh mình. Nhưng có phong trào nữ quyền nổi lên ở Mỹ và Châu Âu là không hề phản hồi lại bất cứ sách lược nào. Phong trào nữ quyền này đã phản đối sự tập trung về kinh tế hạn hẹp của phần lớn tư tưởng Marxist cổ điển, một sự tập trung rõ ràng không giải thích những điều kiện cụ thể của những người phụ nữ như một nhóm xã hội bị áp bức, hay không thể đóng góp nhiều cho sự thay đổi điều kiện sống của họ. Bởi vì, mặc dù việc áp bức phụ nữ ở đây chỉ là vấn đề về vật chất, chức năng làm mẹ, việc nhà, phân biệt đối xử trong nghề nghiệp và không công bằng lương bổng, mà nó vẫn không thể phá bỏ được. Đây cũng là vấn đề của hệ tư tưởng giới tính, của cách người đàn ông và người đàn bà tự phản ảnh mình và phản ảnh lẫn nhau trong một xã hội phụ hệ, của những nhận thức và hành vi từ thẳng thắn một cách tàn nhẫn đến hoàn toàn vô thức. Bất cứ quan điểm chính trị nào nếu không đặt những vấn đề như thế vào trung tâm điểm cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế thì coi như đang gửi mình cho đống rác của lịch sử. Vì những vai trò giới tính và thành kiến giới tính là những câu hỏi trong những khía cạnh sâu xa nhất của đời sống con người, nên bất cứ quan điểm chính trị nào nhắm mắt làm ngơ trước điều này thì đều là què quặt ngay từ đầu. Sự chuyển dịch từ cấu trúc luận sang hậu cấu trúc luận một phần nào đó là sự phản hồi đối với những nhu cầu chính trị này. Tuy nhiên, sẽ không đúng khi nói rằng phong trào phụ nữ có độc quyền về “kinh nghiệm”. Chủ nghĩa xã hội là gì nếu không phải là những niềm hy vọng và mong ước cay đắng của hàng triệu triệu những người đàn ông và đàn bà qua nhiều thế hệ, những người đã sống và đã chết vì một lí tưởng lớn lao hơn rất nhiều “học thuyết của sự tổng thể” hay “tính ưu việt của kinh tế? Và nó cũng không thích hợp trong việc xác định phong trào mang tính cá nhân hay chính trị. Cuộc đấu tranh chính trị không thể bị giảm xuống thành cuộc đấu tranh cá nhân hay ngược lại. Phong trào phụ nữ đã đúng khi từ chối những hình thái tổ chức cứng nhắc nhất định và những học thuyết chính trị “quá tổng thể”. Nhưng bằng cách đó, nó thường làm tăng thêm tính cá nhân, tính tự phát, tính thử nghiệm của phong trào này như chính những yếu tố này cung cấp một chiến lược chính trị hợp lí. Phong trào phụ nữ đã bác bỏ “lý thuyết” theo cách hầu như khác hẳn với cách chống lại thuyết chủ trí cũ kỹ, và trong một số lĩnh vực, nó dường như hờ hững với những đau khổ của tất cả mọi người, trừ phụ nữ và hờ hững với vấn đề về giải pháp chính trị, giống như những người theo chủ nghĩa Marx thờ ơ với sự áp bức đối với bất cứ giai cấp nào ngoại trừ giai cấp công nhân.
Ngoài ra còn có rất nhiều những mối quan hệ khác giữa thuyết bình quyền và thuyết hậu cấu trúc. Bởi vì, trong số tất cả những sự đối kháng nhị phân mà hậu cấu trúc luận đã tìm cách để xoá bỏ đi thì có lẽ sự đối kháng về thứ bậc giữa những người đàn ông và đàn bà là lớn lao và khó khăn nhất. Sự đối kháng này có lẽ sẽ là lâu dài nhất vì không có thời điểm nào trong lịch sử mà một nửa tốt đẹp của loài người kia lại không bị đày đoạ, lệ thuộc như một thứ khiếm khuyết, thấp kém ngoại lai. Tất nhiên, yếu tố gây sửng sốt này sẽ không thể diễn tả một cách chính xác với việc sử dụng kỹ xảo của học thuyết mới được, nhưng điều này cũng có thể thực hiện được nếu ta nhận biết được hệ tư tưởng của sự đối lập này có ảo giác trừu tượng như thế nào, mặc dù nếu nói về mặt lịch sử, mâu thuẫn giữa phụ nữ và nam giới đã không thể không xảy ra. Nếu mâu thuẫn này được duy trì bởi những lợi ích về mặt vật chất và tâm linh, thì nó cũng được duy trì bởi cơ cấu phức tạp của nỗi sợ hãi, niềm khát khao, sự gây hấn, sự thông dâm và nỗi lo lắng đang cấp bách cần được xem xét.
Thuyết bình quyền không phải là một vấn đề cô lập, một “chiến dịch” cụ thể song song với những dự án chính trị khác, mà là một khía cạnh đã tố cáo và chất vấn từng khía cạnh của đời sống cá nhân, xã hội và chính trị. Như một số người bên ngoài nhận xét, bức thông điệp của phong trào phụ nữ không chỉ đơn thuần là phụ nữ phải có quyền bình đẳng với nam giới về quyền lực và địa vị, mà sự là đòi hỏi quyền lực và địa vị đó. Trong lịch sử con người, thế giới không phải là sẽ tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn vì có sự tham gia của đông đảo đàn ông, mà vấn đề là ở chỗ thế giới đơn giản sẽ không thể tồn tại nếu như không có đàn bà.
Với thuyết hậu cấu trúc, chúng ta đã mang câu chuyện của lý thuyết văn học hiện đại để xem xét trong thời hiện tại. Trong toàn bộ hậu cấu trúc luận đang tồn tại những mâu thuẫn và sự khác biệt thật sự mà lịch sử tương lai cũng không thể dự đoán được. Có những hình thái hậu cấu trúc luận thể hiện sự rút lui khỏi lịch sử của những người theo chủ nghĩa khoái lạc, sự sùng bái tính mơ hồ hay chủ nghĩa vô chính phủ không có trách nhiệm và những hình thái khác. Có những hình thái của thuyết bình quyền “cấp tiến” đã nhấn mạnh chức vụ kiêm nhiệm, sự khác biệt, chủ nghĩa phân lập giới tính. Và cũng có những hình thái khác của thuyết bình quyền xã hội chủ nghĩa trong khi từ chối việc nhìn nhận cuộc đấu tranh của phụ nữ như một yếu tố đơn thuần hay một phần phụ của một phong trào mà có thể sau đó sẽ thống trị và nhấn chìm cuộc đấu tranh này, đã cho rằng việc giải phóng những nhóm xã hội và các giai cấp xã hội bị áp bức trong xã hội không phải chỉ là nhu cầu về đạo đức và chính trị mà là điều kiện cần thiết cho sự giải phóng phụ nữ.
Chúng ta đã đi từ sự khác biệt giữa các kí hiệu của Saussure cho đến sự khác biệt cũ kỹ nhất trên thế giới; và đây chính là vấn đề mà bây giờ chúng ta có thể tiếp tục khám phá nhiều hơn nữa.
THIỆU BÍCH HƯỜNG dịch
Nguyên bản: Literary theory, An introduction, University of Minnesota Press, Minneapolis, 1983). Bản dịch tiếng Việt in trong Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2004. Bản điện tử: http://evan.vnexpress.net
Ý KIẾN BẠN ĐỌC