TIẾNG RÌ RÀO CỦA NGÔN NGỮ
ROLAND BARTHES
Roland Barthes, “Le bruissement de la langue”, Essais critiques IV, Le bruissement de la langue, Paris: Le Seuil, 1984. pp 85 – 89. Bản dịch tiếng Việt đã đăng trên Tạp chí Cửa Biển, số 166/2016, pp.120-122.
Lời nói là thứ không thể thay đổi, tựa như định mệnh. Chúng ta không thể sửa lại những gì đã được nói ra, trừ trường hợp bổ sung thêm cho nó: sửa lại, một cách kỳ cục, đó là sự thêm vào. Trong khi nói, tôi không bao giờ có thể tẩy phết, xóa đi, hủy bỏ; tất cả những gì tôi có thể làm, đó là nói “tôi xóa đi, tôi hủy bỏ, tôi đính chính”, thực ra lại là tiếp tục nói. Sự xóa bỏ bởi sự thêm vào rất đặc biệt này, tôi gọi đó là “lời nói lắp”. Lời nói lắp là một thông điệp khiếm khuyết đến hai lần: một mặt người ta khó khăn để hiểu nó, mặt khác, với sự nỗ lực, người ta mới có thể hiểu được nó; thực ra, nó không thuộc về ngôn ngữ, cũng chẳng phải ở ngoài ngôn ngữ: đó là một tiếng động của ngôn ngữ tựa như một chuỗi kế tiếp nhau, mà bởi chúng, một nỗ lực hành ngôn diễn ra nhưng lại thất bại ngay trong lúc hành ngôn; như vậy đích thị là sự thất bại về mặt ý nghĩa, ký hiệu âm thanh không thành công này đã tự tạo dựng nên bản thân nó trong sự vận hành của đối tượng. Lời nói lắp (của sự vận động hoặc của chủ thể), quy chung lại đó là nỗi sợ: tôi sợ rằng sự tiến triển sẽ đến lúc ngưng lại.
*
Cái chết của cỗ máy: nó có thể là nỗi đau xót của con người, nếu nó được phác họa như [cái chết – ND] của một con vật (xin đọc tiểu thuyết của Zola). Tóm lại, ngay cả khi người ta không hề có chút thiện cảm với cỗ máy (bởi vì nó gây dựng, dưới bộ dạng của rô-bốt, một sự đe dọa nghiệm trọng nhất: sự mất mát của thân thể), thì ngược lại, trong nó, vẫn hiện tồn khả năng của một trạng thái hoan hỉ: sự vận hành hoàn hảo của nó; chúng ta sợ hãi cỗ máy trong khi nó hoạt động riêng lẻ, chúng ta vui thích trong khi nó hoạt động một cách trôi chảy. Nhưng mà, y như những sự loạn năng của ngôn ngữ mà ở một khía cạnh nào đó có thể tóm lược trong một ký hiệu âm thanh: lời nói lắp, cũng giống như sự vận hành hoàn hảo của cỗ máy được biểu thị trong một dạng thức của âm nhạc: tiếng rì rào.
*
Tiếng rì rào là âm thanh của những sự vận động hoàn hảo. Nó làm nảy sinh một nghịch lý: tiếng lao xao tỏ rõ một âm thanh có giới hạn, âm thanh bất khả, âm thanh của những sự vận động lý tưởng, không phải là tiếng động; làm nên tiếng rì rào, tức là làm cho nhận biết sự phát âm như chính tiếng rì rào đó: sự vi tế, nhiễu, sự rúng động được thu nhận như những ký hiệu của một sự hủy bỏ âm thanh.
Đó là những cỗ máy đang rì rào trong hoan hỉ. Khi cỗ máy là tác nhân kích thích, như vô vàn lần tưởng tượng và mô tả bởi Sade, ngưng kết “tư tưởng” của hữu thể, những cảnh huống tình tứ được sửa sang lẫn nhau một cách kỹ càng, khi cỗ máy này bắt đầu, bởi những vận hành tác động đến các thành tố tham gia, nó run lên và tạo ra âm thanh một cách nhẹ nhàng: tóm lại, nó vận hành, vận hành tốt. Ngày nay, ở Nhật Bản, khi những người Nhật mải mê trong đám đông, ở những đại sảnh, với trò chơi máy tiền xu (ở đó người ta gọi là Pachinko), những đại sảnh này ngập ngụa những tiếng ồn của những hòn bi, và những tiếng rì rào này báo hiệu điều gì đó, tất cả là, chạy tốt: sự khoái chí (một cách bí ẩn bởi nhiều lí do khác) của cuộc chơi, phản ứng của thân thể với sự đúng đắn. Bởi tiếng rì rào này (chúng ta thấy bằng những ví dụ về tác phẩm của Sade và về những người Nhật) kéo theo một sự đồng nhất của thân thể: trong những tiếng ồn của niềm khoái chí đang diễn ra, không có một giọng điệu nào được cất lên, không được dẫn dắt hoặc không được khơi gợi, không một giọng điệu nào được lập thành; tiếng rì rào, đó là tiếng ồn y hệt như sự lạc thú được nhân lên gấp bội – nhưng không có tính chất tập thể (đám đông, một cách hoàn toàn ngược lại, ở đó chỉ có một giọng điệu duy nhất, và mạnh mẽ một cách kinh khủng).
*
Và ngôn ngữ, nó có thể làm nên tiếng rì rào không? Lời nói, dường như bị kìm hãm ở giới hạn của sự nói lắp; sự viết, trong im lặng và ở sự khu biệt của các ký hiệu: dù sao đi nữa, nó luôn luôn tồn tại quá nhiều ý nghĩa đến mức để cho sự hành ngôn tạo ra một niềm hân hoan đặc trưng ở chất liệu của nó. Nhưng sự bất khả ở đây không phải là điều khó có thể quan niệm: tiếng rì rào của ngôn ngữ đã tạo ra một ảo tưởng. Ảo tưởng nào? Đó chính là nhạc điệu của ý nghĩa; qua đó, tôi nghe thấy ngôn ngữ như được nới rộng ra trong trạng thái ảo tưởng của nó, tôi nói ra ngay cả khi nó bị biến tính, cho đến lúc tạo ra được một cấu âm vô hạn mà trong đó cấu tạo ngữ nghĩa được cho là không có thực; mặt biểu đạt ngữ âm, sóng âm, âm thanh, tự phơi bày trong tất cả sự lộng lẫy của nó mà không bao giờ cần đến việc ký hiệu phải tách biệt khỏi nó (đạt tới việc đồng hóa bề mặt thuần túy của niềm hân hoan này), nhưng đây là chỗ biểu thị một sự ngăn trở, ý nghĩa bị xua đuổi một cách tàn nhẫn, phế truất một cách độc đoán, qui chung lại là bị hủy triệt. Tiếng rì rào phó thác cho mặt biểu đạt bằng một động thái khác thường, xa lạ với diễn ngôn lý tính của chúng ta, vì thế, ngôn ngữ không rời bỏ phạm vi của các chiều kích: về nghĩa, sự không phân tách, tính chất bí hiểm, không thể định danh, tuy nhiên lại được đặt ở một nơi xa y như một ảo tưởng, trong lúc nó thực thi về mặt âm thanh một dạng thức nhân đôi, được trang bị một “nền tảng”; nhưng trong khi nhạc điệu của các âm vị như là “nền tảng” của những thông điệp của chúng ta (giống như điều đã xẩy ra trong nền Thi ca của chúng ta), thì ở đây, ý nghĩa sẽ là điểm tụ của niềm hoan hỉ. Và cũng vậy, gắn vào cỗ máy, tiếng rì rào không phải là âm thanh của sự thiếu vắng âm thanh, chiếu vào ngôn ngữ, nó là ý nghĩa làm nên sự lĩnh hội, một sự miễn trừ của ý nghĩa, hoặc là – cũng giống vậy – ký hiệu của cái không có ý nghĩa này làm nên sự lĩnh hội từ xa một ý nghĩa, mà từ nay, nó giải phóng cho tất cả những sự xâm lấn, được tạo nên trong “lịch sử ảm đạm và hoang dã của loài người”, là chiếc hộp của Pandora[1].
Có thể là một ảo tưởng; nhưng ảo tưởng thường xuyên dẫn dắt những tìm kiếm của thế hệ tiền phong [l’avant-garde]. Nó hiện hữu nơi đây và nơi kia, trong khoảnh khắc, những gì mà người ta có thể xem là những kinh nghiệm của tiếng rì rào: những sáng tạo nào đó của hậu âm nhạc chuỗi [musique post-sérielle][2] (nó biểu lộ rõ rằng loại hình âm nhạc này tương hợp với một giọng điệu cực độ có tính chất cốt yếu: chính giọng điệu là đối tượng mà nó thực thi, trong khi tìm kiếm để làm biến tính trong nó về mặt ý nghĩa, nhưng không phải là âm lượng), một số nghiên cứu về sự truyền tiếng vô tuyến; cả những văn bản của Pierre Guyotat hoặc của Philippe Sollers nữa.
*
Hơn nữa, truy vấn xung quanh tiếng rì rào này, giúp chúng ta có thể dẫn dắt nó bởi chính chúng ta, trong đời sống, trong những cuộc phiêu lưu của đời sống; trong những gì mà đời sống mang lại cho chúng ta một phương cách ứng biến. Một đêm nọ, trong khi xem bộ phim của Antonioni về Trung Quốc, đột nhiên tôi cảm nghiệm được ở một cảnh trí tiếng rì rào của ngôn ngữ: trên con đường làng, những đứa trẻ dựa lưng vào bức tường, đọc lớn giọng, mỗi chúng một cuốn sách khác nhau, tất cả cùng nhau; đó là cách làm nên tiếng rì rào thật hữu hiệu, như một cỗ máy vận động hoàn hảo; ý nghĩa xuyên thấm vào tôi được nhân đôi lên một cách bí hiểm, bởi sự xa lạ về đất nước này và bởi sự nhiễu loạn của việc đọc cùng lúc này; nhưng tôi đã nghe, theo cách cảm nhận có tính chất ảo giác, mạnh mẽ đến nỗi nó thu nhận được tất cả những sự tinh tế của cảnh tượng một cách mãnh liệt, tôi đã nghe giai điệu, hơi thở, độ căng, sự gắn kết, quy chung lại là điều gì đó tựa như sự đạt đến một mục đích. Sao! Phải chăng chỉ cần tất cả cùng nhau nói để làm nên tiếng rì rào của ngôn ngữ, với một cách thức lạ thường, dấu ấn của niềm hoan hỉ, mà chúng ta vừa đề cập đến? Tuyệt đối không, dĩ nhiên; cần một tác nhân kích thích trong một cảnh tượng âm thanh (với nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này), nỗ lực, hay sự khám phá, hay một sự dẫn dắt thuần túy của một mối xúc động, đó là những gì đã góp phần tạo nên một cách đích xác khuôn mặt của những đứa trẻ Trung Quốc.
*
Giờ đây, tôi tự tưởng tượng hơi giống với cách của người Hy Lạp cổ đại, như Hegel từng phác họa: họ tự vấn, trong mê đắm, không hề buông lơi, tiếng xào xạc của cành lá, của nguồn suối, của gió, quy chung lại là sự rùng mình của Tự nhiên, để nhận lấy đường nét, màu sắc của minh triết. Và tôi, qua sự rùng mình của ý nghĩa, trong khi nghe, tôi tự vấn về cái rì rào của hành ngôn – từ sự hành ngôn này gợi nên cái Tự nhiên ở tôi, con người hiện đại.
NGUYỄN QUỐC THẮNG dịch
Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn
[1] Thần thoại Hy Lạp. Cụm từ “mở chiếc hộp Pandora” trong văn hóa phương Tây dùng để chỉ một việc gây ra một điều không lành, khó có thể hàn gắn [ND].
[2] Âm nhạc chuỗi là trào lưu đổi mới ngôn ngữ âm nhạc của nhiều nhạc sĩ đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là A.Schönberg, Alban Berg và Anton Webern. Xu hướng hậu âm nhạc chuỗi ảnh hưởng từ trào lưu này [ND].
Ý KIẾN BẠN ĐỌC