Thuyết cấu trúc

Derrida "đọc" Saussure hay sự kết hợp thuyết cấu trúc với hiện tượng học trong triết học ngôn ngữ

 

DERRIDA “ĐỌC” SAUSSURE 

HAY SỰ KẾT HỢP THUYẾT CẤU TRÚC VỚI HIỆN TƯỢNG HỌC 

TRONG TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Hội thảo kỷ niệm 100 năm Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure. Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí MInh, tháng 12 năm 2016. Bài viết đăng trên trang triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của tác giả.


 

 

VÀI NÉT BỐI CẢNH

“Bước ngoặt ngôn ngữ học” (“linguistic turn”) không chỉ xác lập triết học ngôn ngữ như một bộ môn triết học độc lập từ đầu thế kỷ 20, mà còn đánh dấu một sự “thay đổi hệ hình” (paradigm schift)của tư duy triết học nói chung, nếu mượn thuật ngữ của Thomas Kuln trong “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học”. Điểm xuất phát của hệhình  tư duy mới này là nghi ngờ và phê phán nền triết học về ý thức đã thống trị từ thời Descartes. Người ta không còn tin rằng việc quy chiếu duy nhất đến tinh thần con người (“ý thức”) có thể giúp ta nắm bắt được thế giới một cách khách quan. Do đó, ngôn ngữ được nhìn từ một ánh sáng mới. Từ nay, nội dung của những diễn đạt ngôn ngữ là cơ sở độc lập với ý thức chủ quan trong quan hệ với thế giới. Công đầu ở đây là nhà lô gichọc Gottlob Frege và, khá bất ngờ, là nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure với Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (1916), thoạt nhìn tưởng như không có liên quan gì đến triết học.

Có thể nói rằng “bước ngoặt ngôn ngữ học” đã nối kết cả ba trào lưu lớn của triết học thế kỷ 20: triết học phân tích (ngôn ngữ), triết học thông diễn học và triết học hiện tượng học-cấu trúc luận. Cả ba đều nhất trí rằng ngôn ngữ nhất thiết phải trở thành trung tâm của suy tưởng triết học.Bước ngoặt ấy vừa có ý nghĩa thực thể lẫn phương pháp. “Thực thể” theo nghĩa xem ngôn ngữ là cơ sở cho mọi hoạt động nhận thức của con người, bởi lẽ giản dị: nó là môi trường và phương tiện của mọi suy tưởng và lập luận. Về mặt “phương pháp”, đó là câu hỏi trung tâm: thông qua sự phản tư về ngôn ngữ, bản thân triết học có thể tiến hành công việc tự phê phán đến mức độ nào? Ta biết rằng ở buổi đầu của triết học phân tích, viễn tượng phương pháp này đã được đẩy đến chỗ cực đoan (và lạc quan!), khi xem triết học không gì khác hơn là phê phán ngôn ngữ. Nhưng lập tức có nhiều phiên bản khác phê phán sự cực đoan này của “bước ngoặt”,cho rằng ngôn ngữ cần được xem xét chung với các kích thước khác trong quan hệ của con người với thế giới. Theo đó, nội dung và ý nghĩa ngôn ngữ, xét đến cùng, không hoàn toàn độc lập với những viễn tượng tinh thần của người nói. Cách nhìn này chủ yếu đến từ các lập trường thông diễn học, không quy giản mọi kích thước vào ngôn ngữ theo nghĩa hẹp. Trong yêu sách phê phán triết học và siêu hình học, từ nửa sau thế kỷ 20 đến  ngày nay, không thiếu những cách tiếp cận mới, với nhiều “bước ngoặt” đến mức lạm phát, nào là “bước ngoặt hình hiệu” (“iconic turn”), “bước ngoặt ngôn hành” (“performativeturn”), “bước ngoặt tri nhận” (“cognitive turn”) v.v. Nhưng, tất cả vẫn không dẫn đến chỗ đẩy ngôn ngữ ra khỏi trung tâm của suy tưởng triết học, mà chỉ cho thấy ngôn ngữ cần chia sẻ vị trí trung tâm ấy với những “đại lượng” khác, được hiểu như có cùng vai trò kiến tạo trong mối quan hệ của con người với thế giới.

Một truyền thống quan trọng trong việc kết hợp nhiều viễn tượng được quan tâm ở đây chính là truyền thống bắt nguồn từ hai nguồn gốc: một bên là thuyết cấu trúc thoát thai từ ngôn ngữ học của Saussure, và bên kia là hiện tượng học  Husserl, cùng chia sẻ tinh thần phản đối thuyết duy tâm lý của triết học phân tích ngôn ngữ.

Vào giữa thế kỷ 20, thuyết cấu trúc và hiện tượng học có sự kết hợp và pha trộn thật đặc sắc.Chính sự gặp gỡ giữa nhà nhân học cấu trúc Claude Lévi-Strauss (1908-2009) và nhà hiện tượng học Maurice Merleau-Ponty (1908-1961) đã mang lại sự kết hợp ấy.Thuyết cấu trúc hiện tượng học kích thích sự hình thành tư tưởng của Gilles Deleuze (1925-1995), Jacques Derrida (1930-2004), Emmanuel Levinas (1906-1995) và Roland Barthes (1915-1980).

Đặc biệt, việc tiếp tục phát triển hiện tượng học dưới ánh sángtư duy cấu trúc luận của Derrida là phiên bản độc đáo và triệt để trong việc tiếp thu và phê phán cả hiện tượng học lẫn cấu trúc luận, mở ra chân trời tư duy mới, gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Thoạt nhìn, hiện tượng học và cấu trúc luận khác hẳn nhau như là hai nỗ lực muốn vượt khỏi những tiên kiến hay giả định ngây thơ của triết học truyền thống để có cái nhìn chính xác hơn về thực tại. Hiện tượng học thì tập trung vào cấu trúc bên trong của ý thức. Ngược lại, thuyết cấu trúc muốn cung cấp một phân tích khách quan hơn về những cấu trúc bên ngoài của ngôn ngữ, văn hóa và xã hội. Cả hai cũng đi đến những kết luận khác nhau: Husserl xem trọng hành vi “ý hướng tính” của ý thức cá nhân,trong khi Saussure cho rằng đối tượng chỉcó  ý nghĩa thông qua vị trí tương quan của chúng bên trong hệ thống ngôn ngữ hay văn hóa tổng quát hơn. Nếu hai trào lưu lớn này trong tư tưởng hậu chiến tỏ ra xung đột với nhau, thì, dưới mắt Derrida, cả hai thật ra đều cùng dựa trên một truyền thống chung, đó là nền siêu hình học cựu truyền. Như Derrida sẽ chứng minh, cả hai truyền thống - hay đúng hơn, cùng một truyền thống - đều lấy ngữ âm làm trung tâm (“logocentric”), tức xem lời nói, chứ không phải chữ viết, mới là nơi thể hiện đích thực sự hiện diện hay sự “có đó” (“Vorhandenheit/présence”) vốn là mối quan tâm cốt lõi của tư duy siêu hình học, trong khi chữ viết chỉ là lớp vỏ ngoài, phụ thuộc, bị gạt sang bên lề. Derrida muốn “vượt bỏ” cả hiện tượng học lẫn thuyết cấu trúc qua ba công trình lớn vào cùng năm 1967: “La voix et le phénomène/ Spreech and Phenomena and other Essays on Husserl’s Theory of Signs”, “L’Écriture et la différence/Writing and Difference”và nhất là “De la grammatologie/Of Grammatology”. Quyển thứ nhất tiếp thu và phê phán Husserl. Quyển thứ hai tiếp thuvà phê phán nhân học cấu trúc của Claude Lévi-Strauss. Quyển thứ ba là nơi thể hiện rõ nhất cách Derrida “đọc” Saussure, một lối đọc “gần” hay đọc “xáp lá cà” hết sức độc đáo, nổi danh sau này là cách đọc “giải cấu trúc” hay “hủy tạo”(“déconstruction”), một phiên bản sáng tạo từ nỗ lực “tháo dỡ” (Destruktion/Abbau) của Heidegger, hay, theo cách nhìn của chúng tôi, một bước nhảy vọt từ tinh thần “phê phán siêu nghiệm” (tra hỏi về điều kiện khả thể) do Kant khởi xướng từ hơn 200 năm trước. Do khuôn khổ và mục đích của bài viết nhân kỷ niệm 100 năm “Giáotrình” nổi tiếng của Saussure, xin giới hạn vào hai chươngđầu của De la grammatologie (“Về Văn từ học”) của Derrida, nơi ôngtập trung bàn về Saussure, xoay quanhhai câu hỏi: Derrida đã “đọc” Saussure như thế nào? Những hệ quả nào từ cách “đọc” ấy,liên quan đến cấu trúc của ngôn ngữ và cấu trúc của thế giới, đồng thời, vềviệc tiếp nhận cách đọc của Derrida trong nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn hiện nay?

GIỮA HIỆN TƯỢNG HỌC VÀ (NHÂN HỌC) CẤU TRÚC

Nhận định phê phán của Derrida đối với hiện tượng học Husserl và nhân học cấu trúc của Claude Lévi-Strausstrong hai tác phẩm đầu tựu trung quy về mấy điểm chính sau đây:

-         Cả hai thể hiện lô gic của sự “hoặc là/hoặc là” vốn ngự trị nền siêu hình học về sự hiện diện. Hoặc làta chỉ xem xét những hiện tượng đúng như chúng xuất hiện ra cho ta và “đặt trong vòng ngoặc” mọi tư biện về thế giới bên ngoài ý thức, hoặclà loại bỏ thiên kiến chủ quan của bản thân ý thức để mang lại một sự phân tích chặt chẽ và có hệ thống về các cấu trúc xã hội. Nhưng, hai cách tiếp cận đối lập - một bên từ triết học, có tính siêu nghiệm, một bên từ các ngành khoa học xã hội có tính thường nghiệm và thực chứng - lại gặp nhau ở giữa đường, hay, nói một cách hình tượng, cả hai chuyển hóa sang nhau;

-         Cả hai đều dựa vào ý niệm siêu hình học về sự hiệndiệntrọn vẹn và không cần trung giới: hiện tượng học dựa vào tính nội tạithuần túycủa ý thức; thuyết cấu trúc dựa vào tính hình thức thuần túy của những hệ thốngngôn ngữ hay văn hóa. Cả hai cho rằng có thể xác định sự hiện diện thuần túy, dù không nhất trí về việc có thể tìm nó ở đâu;

-         Cả hai đều là những diễn ngôn logocentrictiếng nói (voix/voice) là môi trường ưu tiên để truyền thông về sự hiện diện. Husserl xem lời nói gần gủi với sự tự diễn đạt của ý thức hơn là chữ viết, trong khi Lévis-Strauss xem trọng sự hồn nhiên và đích thực của văn hóa truyền khẩu so với văn hóa văn tự.

-         Điều nghịch lý là: việc xác lập cái “hiện diện” - dù là linh hồn hay thân xác, cái siêu nghiệm hay cái thường nghiệm, ý thức hay ngôn ngữ - đều mặc nhiên dựa vào chính cái yếu tố hay giá trị bị xem là “vắng mặt”. Hiện tượng học, với tham vọng về một lý thuyết siêu nghiệm trong nhận thức, luôn lấn sang lĩnh vực thường nghiệm (vai trò quan trọng của văn tự, ngôn ngữ, văn hóa trong sự cấu tạo ý thức) vốn là lĩnh vực của thuyết cấu trúc. Ngược lại, thuyết cấu trúc không tránh khỏi những giả định mang tính triết học mà nó định vượt bỏ: những ý niệm về chân lý, sự hiện diện, tính phổ quát v.v. khi muốn nói về ngôn ngữ.

Qua hai tác phẩm phê phán - rất khó đọc vì tính chuyên môn cao -, Derrida nhìn ra nhiệm vụ mới và bao quát hơn nhiều đang chờ đợi ông: tìm ra trạng thái căn nguyên của sự trung giới, tương quan hay của sự khác biệt nằm ẩn sâu bên dưới mọi siêu hình học về sự hiện diện. Kỳ cùng, không thể đơn giản tách rời hiện tượng học và thuyết cấu trúc, không thể đơn giản chọn lựa một trong hai, trái lại, cần tìm cách tiếp cận triết họcđể khám phá chỗ gặp gỡ của cả hai, đồng thời chỗ ấy cũng không thuộc về bên nào cả.Chỗ “ở giữa” ấy không đến từ bên ngoài, mà là nội tại, từ ngay “bên trong”, giống như bản thân sự phê phán cũng được tiến hành một cách nội tại (immanent).Như ta sẽ thấy, trong De lagrammatologie, phong cách (có lẽ thích hợp hơn từ “phương pháp”) phê phán ấy sẽ gọi là “déconstruction”.

“ĐỌC” SAUSSURE

De la grammatologie có tham vọng rất lớn là “đọc lại” toàn bộ truyền thống tư duy Tây phương, qua việc nghiên cứu mấy khuôn mặt tiêu biểu: Saussure, Lévi-Strauss và Rousseau, đồng thời du nhập một số thuật ngữ mới lạ: déconstruction (“giải cấu” hay “hủy tạo”), écriture (“viết”), trace (“dấu vết)…

Truyền thống triết học, theo Derrida, là siêu hình học về sự hiện diện, theo nghĩa nó xác lập một cách giáo điều về một sự hiện diện thuần túy và trực tiếp (không được trung giới) - của cái gì “có đó”- như là giá trị tối cao và phổ quát. Thứ hai, phương thức của siêu hình học ấy là thuyết ngữ ngôn trung tâm: lời nói trực tiếp diễn đạt sự hiện diện, trong khi chữ viết là sự trung giới hay triển hạn của sự hiện diện ấy. Thứ ba, và quan trọng nhất, niềm tin ấy dựa trên một sự mâu thuẫn nền tảng: mọi ngôn ngữ - dù nói hay viết –thật ra đều mang đặc điểm của sự trung giới (médiation) vốn tưởng rằng chỉ dành riêng cho “viết”. Như thế, bản thân khái niệm về sự hiện diện thuần túy và trực tiếp trở nên khả nghi: ta không thể tiếp cận sự hiện diện - cái có đó - mà không qua trung gian của ngôn ngữ. Chính “ký hiệu ngôn ngữ” nói lên điều ấy, khi nó là cửa ngõ để đi vào lô gic của toàn bộ siêu hình học. Ký hiệu ngôn ngữ dựa trên sự đối lập giữa “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”, nói theo ngôn ngữ ngày nay (Derrida, trong chương dẫn nhập, phân tích cặn kẽ lịch sử lâu dài của sự đối lập này, từ Aristoteles, thần học Ki Tô giáo, đến Descartes, Rousseau, Hegel, Nietzsche…). Sự đối lập này, đến lượt nó, dẫn đến mạng lưới những sự đối lập sâu rộng, chi phối toàn bộ tư duy siêu hình học: hồn/xác,vô hạn/hữu hạn, siêu nghiệm/thường nghiệm, khả giác/khả niệm… Do đó, nỗ lực “déconstruction”đối với lý thuyết về ký hiệu sẽ cho phép ta “tháo dỡ” và “tái tạo” toàn bộ hệ thống lấy ngữ ngôn làm trung tâm.“Déconstruction”,theocách hiểu ấy, không “xử lý” hay phê phán văn bản từ bên ngoài, cho bằng phát hiện hay phơi bày cách thức văn bản được kiến tạo từ bên trong, tức từ chính những mâu thuẫn nội tại của nó. Có thể nói, Husserl, Saussure, Lévis-Straussđược phê phán không bởi ai khác ngoài chính bản thân họ!

-         Trước hết, Derrida cho thấy ngôn ngữ học của Saussure vẫn còn bị thống trị bởi thuyết lấy ngữ ngôn làm trung tâm qua những sự phân biệt và loại trừ tiêu biểu: nói/viết, bên trong/bên ngoài,khả niệm/khả giác, tự nhiên/phản tự nhiên v.v. Saussure xem nói chứ không phải viết mới là thể cách bản chất của ký hiệu ngôn ngữ (Aristoteles: “Lời nói là biểu trưng của kinh nghiệm tinh thần, còn chữ viết là biểu trưng của lời nói”[1], Saussure hầu như chỉ lặp lại: “Nói và viết là hai hệ thống ký hiệu hoàn toàn khác nhau; cái sau chỉ hiện hữu với mục đích duy nhất là thay mặt cho cái trước”[2]). Nói khác đi, chỉ cái điễn đạt bằng lời mới thực sự quy chiếu đến cái được diễn đạt. Câu hỏi đặt ra: trong khi Saussure nhấn mạnh “sự võ đoán” của ký hiệu, tức không thừa nhận mối quan hệ tự nhiên nào giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, tại sao ông lại còn giả định một sự gần gủi như thế giữa lời nói và ý nghĩa?

-         Thứ hai, hệ quả rút ra là Saussure đẩy chữ viết vào vị trí hạng nhì hay phái sinh, là ngoại tại so với hệ thống bên trong của ngôn ngữ. Không chỉ thế, nó còn đứng bên ngoài trạng thái tự nhiên giữa lời nói và ý nghĩa, thậm chí trở nên “nguy hiểm”.

-         Saussure đồng hóa lời nói với cái gì tự nhiên, hiện diện, trong khi xem chữ viết là phản tự nhiên, đồng nhất với cái vắng mặt, cái được trung giới, cái “bên ngoài” hệ thống ngôn ngữ. Với những tiền đề đậm mùi siêu hình học ấy, làm sao có thể xây dựng một khoa “văn từ học” (“grammatologie”) mới mẻ?

Derrida lại đặt tiếp câu hỏi: tại sao Saussure dành nhiều trang để bàn về chữ viết đến thế, khi xem nó là thứ yếu, không quan trọng? Chỉ có thể giải thích từ sự lo ngại của Saussure rằng chính cái bị xem là ngoại tại này sẽ đe dọa toàn bộ hệ thống lấy lời nói làm trung tâm của ông.Chữ viết có nguy cơ sẽ giành vị trí trung tâm của ngôn ngữ và đảo lộn trật tự tự nhiên. Sự lo ngại có cơ sở: chữ viết là cách biểu nghĩa lâu bền hơn lời nói, sẽ dần dần được xem là cái đại diện cho ngôn ngữ nói chung. Saussure thậm chí còn xem “kịch bản” ấylà “thảm họa”, phá hủy trạng thái tự nhiên thuần túy giữa lời nói và ý nghĩa, không khác gì quỷ Satan xuất hiện giữa vườn địa đàng đầy hạnh phúc của Adam và Eva! Tại sao đến mức như thế? Derrida cho rằng sự đe dọa ấy không đến từ bên ngoài mà chính làtrạng thái tự nhiên căn nguyên của bản thân ngôn ngữ. Sự “soán ngôi” này vốn đã bắt đầu từ lâu! Sự nguy hiểm của chữ viết - tức cũng của sự trung giới và khác biệt - không gì khác hơn là “thân phận” không thuần khiết nguyên thủy của ngôn ngữ nói chung. Nếu cơ sở của Saussure thiếu ổn định, thì sự thiếu ổn định này tự phơi bày “lô gic mâu thuẫn” của chính ông. Thật thế, Saussure, một mặt, khẳng định trật tự thứ bậc tự nhiên giữa lời nói và chữ viết, mặt khác, lại nhấn mạnh tính võ đoán, quy ước và khác biệt - tức phản tự nhiên - của mọi ký hiệu ngôn ngữ. Nói khác đi, chính lý thuyết ngôn ngữ học của ông đã mở cửa mời đón quan niệm triệt để hơn về chữ viết! Vậy, làm sao hòa giải giữa nỗ lực giáng cấp chữ viết thành “ cái biểu đạt đơn thuần của cái biểu đạt” với bên kia là luận cứ mạnh mẽ về tính khác biệt(“differential”) của mọi ngôn ngữ, trong đó mọi ký hiệu chỉ vận hành khi quy chiếu đến những ký hiệu khác bên trong hệ thống?

ARCHE-ÉCRITURE” (“VIẾT-CĂN NGUYÊN”)

Như thế, theo Derrida, Saussure, dù muốn hay không, ngày càng vượt ra khỏi những “thông số” siêu hình học còn tàn dư trong lý thuyết ngôn ngữ của mình để thiết lập cơ sở cho một “khoa học đại cương về việc viết”, hay một môn “văn từ học” (“grammatologie”). Trong khi minh nhiên tìm cách gạt chữ viết ra bên lề, thì những quan niệm cốt lõi của ông đã mặc nhiên trở về lại với những gì ông ra sức đè nén, mà nổi bật là quan niệm về tính võ đoán của ký hiệu, tính khác biệt của cái biểu đạt, và, triệt để hơn, luận điểm về “dấu vết” căn nguyên hay việc “viết căn nguyên” (“arche-écriture”) “đi trước” cả sự đối lập giữa lời nói và chữ viết.

-         Với tính võ đoán trong mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, Saussure tự mình vướng vào sự mâu thuẫn khi cả hai mệnh đề sau đây không thể cùng đúng: có hoặc không có mối quan hệ tự nhiên giữa cái biểu đat và cái được biểu đạt! Nếu, như Saussure thừa nhận, mọi ký hiệu ngôn ngữ là võ đoán, thì có nghĩa mọi ngôn ngữ - cả ký hiệu được nói và viết - đều thuộc phạm trù được Saussure gọi là “viết” (écriture).

-         Khẳng định cực kỳ quan trọng khác của Saussure: ngôn ngữ bao gồm một chuỗi những “sự khác biệt mà không có những hạn từ khẳng định”[3]. Với luận điểm này, Saussure hầu như tiến hành một loại “quy giản hiện tượng học” đối với cái diễn đạt ngữ âm: điều quan trọng là cái biểu đạt trình hiện như thế nào trước ý thức của ta, hơn là mối quan hệ có thể có nào đó của nó với một thanh âm hiện thực. Ký hiệu, trước hết và trên hết, là một hiện tượng tâm lý, độc lập với hiện thân vật chất (thanh âm) khi được nói ra, như chính Saussure nhìn nhận: “Cái biểu đạt ngôn ngữ…không mang tính ngữ âm mà là phi vật chất, không được cấu tạo bởi bản thể vật chất của nó”[4]. Nếu vậy, cái biểu đạt nhận được ý nghĩa từ đâu? Saussure trả lời: chỉ từ sự khác biệt của nó với những ký hiệu khác: “…Ý tưởng hay bản thể thanh âm của ký hiệu không quan trọng bằng những ký hiệu khác chung quanh nó”[5].

Nói cách khác, ký hiệu có ý nghĩa không phải vì nó có một nội dung hay thực thể tự thân, mà bởi nó khác biệt - về thanh âm lẫn khái niệm - với những ký hiệu khác trong hệ thống ngôn ngữ (ký hiệu “bàn” trong mạng lưới quan hệ với những ký hiệu khác như “bản”, “bạn” v.v.). Rõ ràng, bất kỳ ký hiệu cá biệt, độc lập, đang “hiện diện” nào đó đều nhất thiết mang theo mình những “dấu vết” của những ký hiệu khác bên trong hệ thống. Luận điểm này gây nhiều hệ quả đối với lý thuyết ký hiệu “logocentric”.

Hệ quả đầu tiên: việc xác lập tính ưu tiên hay tính thứ nhất của lời nói đối với chữ viết không thể đứng vững được nữa. Lý do đơn giản: ta không thể nói hay nghe bản thân “sự khác biệt”; cái cho phép ta nói ra một thanh âm từ sự khác biệt với những thanh âm khác thì bản thân nó không phải là một thanh âm!

Đó là lý do tại sao Saussure kỳ cùng phải quay sang việc “viết”như là ẩn dụ hay cái tương tự cho sự vận hành của ngôn ngữ nói chung: “ta sẽ dùng việc viếtđể phác họa những sự so sánh sẽ làm sáng tỏ toàn bộ vấn đề”[6].

Vậy, ngôn ngữ có thể được mô tả như một chủng loại của việc viết nói chung. Từ đó hình thành ý tưởng cực kỳ quan trọng, dù thoạt nghe khá nghịch lý, trong thuật ngữ của Derrida: arche-écriture (“việc viết căn nguyên”).

Theo Derrida, cần phân biệt “việc viết căn nguyên” với quan niệm thông thường về viết như là một chuỗi những dấu hiệu, mẫu tự hay chạm khắc. “Viết căn nguyên” không đặt chữ viết lên trên lời nói theo kiểu đảo lộn trật tự như thể cần học viết trước khi học nói, hay cho rằng viết thì “tốt” hơn nói. Không, Derrida chỉ muốn nói: “viết” là “khuôn khổ chung cho mọi hệ thống biểu nghĩa”, cho dù được nói, viết, vẽ hay truyền tải điện tử, là “thân phận’ chung của bất kỳ hệ thống nào có sự trung giới và khác biệt.

“L’ARCHI-TRACE” (“DẤU VẾT CĂN NGUYÊN”)

Nếu mọi ký hiệu trong hệ thống chỉ đượ nhận diện hay có được tính đồng nhất từ mọi ký hiệu khác, thì có nghĩa rằng ký hiệu được “đánh dấu” bằng cái không phải là bản thân nó. Nó luôn mang theo mình những dấu vết của những ký hiệu khác để có thể có ý nghĩa. Tiến trình này được Derrida gọi là “dấu vết căn nguyên”.Nhận định này tác động mạnh mẽ đến cách hiểu của ta về sự hiện diện nói chung. Từ Saussure, ta học được rằng không ký hiệu nào “hiện diện” một cách đơn giản, theo nghĩa hiện hữu tự mình hay chỉ quy chiếu với chính mình trong không gian lẫn thời gian. Cái dấu vết căn nguyên hay thuần túy (“la trace pure”)ấy được Derrida mệnh danh bằng thuật ngữ độc đáo và lừng danh là “différance”: “Với thuật ngữ différance, chúng tôi biểu thị sự vận động, nhờ đó bất kỳ ngôn ngữ hay mã nào, bất kỳ hệ thống quy chiếu nào nói chung sẽ được cấu tạo “một cách lịch sử” như là lò đúc nên những sự khác biệt”[7]. Sự “vận động” nào vậy?Trong tiếng Pháp, ta không nghe được a khi phát âm từ différance.Nói khác đi, ta không thể làm cho a “hiện diện” được.Nó giống với phương cách mà sự khác biệt trong không gian và thời gian trở nên hiện diện (trong giây phút này, của sự vật này) mà bản thân nó không mang hình thức của sự hiện diện. Sự “vận động” ấy mang trong lòng nó cả hai nghĩa của động từ différer:kích thước khônggian của sự“khác biệt”, “dị biệt hóa” khi nhất thiết phải quy chiếu đến những ký hiệu hay yếu tố khác cùng tồn tại trong hệ thống, lẫn kích thước thời gian của sự “triển hạn”, “dời lại đến thời điểm sau”, theo nghĩa bản thân nó sẽ chỉ được xác định khi luôn phải quy chiếu đến những yếu tố hiện hữu trước hoặcsau nó trong hệ thống ngôn ngữ. Derrida còn mở rộng chân trời ngôn ngữ học của Saussure: ngôn ngữ là tiến trình “bổ sung” vô tận; vì thế, một ý nghĩa hoàn toàn “hiện diện” là luôn ngoài tầm tay với. Không có gì  - từ “cái được biểu đạt” của Saussure (ý tưởng hay khái niệm) đến “cái được biểu đạt siêu nghiệm”: Thượng Đế, tự nhiên, ý thức, cấu trúc, sự hiện diện…- có thể thoát khỏi “cuộc chơi” của quan hệ tương hỗ, của những sự trung giới và khác biệt vốn cấu tạo nên ngôn ngữ. Trong chiều hướng ấy của Derrida, mọi tư tưởng đều vướng vào mạng lướicủa sự dị biệt hóa trong không gian và thời gian, đó chính là “dấu vết căn nguyên” như đúc kết của ông: “We think only in signs” (tiếng Anh trong nguyên bản)[8].

Từ đó, ta dễ dàng thấy rằng “dấu vết căn nguyên” của Saussure không chỉ bao quát lĩnh vực ngôn ngữ mà còn có thể mở rộng sang cả lĩnh vực của tư tưởng, ý thức và tri giác. Derrida đã đẩy lô gic nghiên cứu của Saussure đến tận cùng nhằm “giải cấu” (“déconstruit”) toàn bộ tư duy siêu hình học, tức “toàn bộ lĩnh vực của tồn tại (“étant”) hiểu như “tồn tại đang hiện diện” (“étant-présent”)theo định nghĩa cựu truyền của siêu hình học.

Với Derrida, cần xóa bỏ cách hiểu “dấu vết căn nguyên” như dấu vết của cái gì đó đang hiện diện, trong khi nó không gì khác hơn là bản thân sự tạo sinh thuần túy ra những sự khác biệt. Do đó, dấu vết căn nguyên là không thể suy tưởng được bên trong khung khái niệm của siêu hình học về sự hiện diện. Bởi nó không hiện diện lẫn vắng mặt, không phải khả giác lẫn khả niệm, không thuộc về chủ thể lẫn đối tượng, không phải thường nghiệm như biến cố lịch sử, cũng không phải nguyên nhân hay điều kiện khả thể như Ý niệm của Plato hay các phạm trù của Kant. Nói cách nghịch lý, dấu vết căn nguyên không bao giờ là “có-đó”, bởi nó “đã từng luôn có-đó” (“toujours déjà-là”): “Dấu vết không là cái gì hết, không phải là một thực thể, nó vượt quá câu hỏi [cố hữu của siêu hình học]: Nó là cái gì?”[9]

Vì thế, dù ta vẫn phải dùng những thuật ngữ từ kho tàng siêu hình học (xóa bỏ “logocentrisme” không khác gì xóa bỏ chính bản thân tư tưởng!) nhưng phải luôn cẩn trọng biết “xóa bỏ” chúng (“écriture sousrature”),như một “chiến lươc” lập ngôn vay mượn nhưng không hoàn toàn theo kiểu Heidegger.

VIỄN CẢNH TỪ MỘT CÁCH “ĐỌC”

Từ Aristoteles đến Saussure, triết học Tây phương xem lời nói như là phương tiện đảm bảo cho sự truyền thông về sự hiện diện, bởi lời nói dường như gần gủi nhất với ý thức con người, trong khi chữ viết là sự trì hoãn, trung giới hay chỉ là sự bổ sung. Qua cách “đọc gần” Saussure (và tiếp theo là “đọc” Lévi-Strauss, Rousseau), Derrida cho thấy quan niệm “logocentric” cựu truyền ấy tự vướng vào những mâu thuẫn nền tảng. Khi cho thấyrằng sự hiện diện được giả định ấy - tức lời nói - cũng mang tính trung giới, không thuần khiết, thì quan niệm về bản thân sự hiện diện thuần túy, trực tiếp cần phải xem xét lại. Việc “viết” nói chung không chỉ là “thân phận” hay “hoàn cảnh” của ngôn ngữ, mà của toàn bộ lĩnh vực của ý thứcvà kinh nghiệm của con người trong quan hệ với thực tại nói chung. Nhờ đó, từ mô hình biểu nghĩa của ngôn ngữ học Saussure, ta có quyền nói đến“ngôn ngữ” của văn hóa (Lévis-Strauss), “cấu trúc tạo nghĩa” của cái vô thức (Lacan) v.v. Chính trong ý nghĩa ấy, “văn từ học” (“grammatologie”) không chỉ là khoa học về “việc viết”, mà là khoa học về…mọi thứ, bởi ta không thể trải nghiệm điều gì mà không qua sự trung giới và dị biệt hóa. Qua con đường vòng của hiện tượng học và thuyết cấu trúc, Derrida gặp gỡ thông diễn học của Gadamer trong quan niệm nổi tiếng về “lịch sử tác động” (Wirkungsgeschichte).

Bên cạnh sự tiếp nhận nồng nhiệt trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong nghiên cứu văn học (chẳng hạn Paul de Man ở đại học Yale),takhông quên giác độ đạo đức học sâu sắc củadéconstruction, lấy cảm hứng từ triết học đạo đức của Emmanuel Levinas. Theo đó, ta chỉ bắt đầu có cảm thức về tính chủ thể thông qua việc thấy mình gắn bó với “người khác”, vượt quá mọi ý tưởng vốn có của ta về khái niệm này. Với Derrida, lô gic của dấu vết căn nguyên cũng mang đậm những hàm ý đạo đức giống như trong gợi ý của Levinas: cấu trúc của “dấu vết” cũng là cấu trúc của mối quan hệ với “người khác”. Từ viễn tượng ấy, ta sẽ có cái nhìn mới về thế giới chung quanh, về người và vật, về muôn loài: không ai có thể sống như một vũ trụ cô lập, riêng tư cả!

Trên bình diện chính trị-xã hội, cách đọc “giải cấu trúc” phản đối việc thiết lập những hệ thống dựa trên “sự hiện diện thuần túy” nào đó, đè nén sự khác biệt, sự liên đới và sự tương thông.“Để cho tương lai có tương lai” (“de laisser de l’avenir à l’avenir”), là tín niệm về một tương lai để mở của Derrida trong một cuộc phỏng vấn gần cuối đời. Điều này cũng đúng trong việc đọc, nhất là đọc Derrida: tác phẩm mời gọi và thách thức việc đọc, đọc lại, suy tưởng và khám phá đến vô tận.

 



[1]Aristoteles: De interpretatione, 1, 16a 4-6

[2]Saussure: Course in General Linguistics, 1974, tr 23

[3] Như trên, tr 117-118

[4] Như trên, tr 118-119

[5] Như trên, tr117-118

[6] Như trên, tr 165

[7] Derrida: Spreech and Phenomena, tr 141

[8] Derrida; Of Grammatology, tr 50

[9] Như trên, tr 75

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt