HẬU SUSSURE
Y.M. LOTMAN LÃ NGUYÊN dịch
Nguồn: Лотман Ю. М. Семиосфера. – С.-Петербург: “Искусство – СПБ”, 2000, C. 153 – 155. | Phiên bản điện tử: http://phebinhvanhoc.com.vn
Mấy chục năm trở lại đây, kí hiệu học và chủ nghĩa cấu trúc ở cả Liên Xô lẫn phương Tây đều phải trải qua một thời kì đầy thử thách. Sự thật là những thử thách này rất khác nhau. Ở Liên Xô, chúng bị đàn áp và bị khép vào tội tư tưởng hệ, trong khoa học, thời kì ấy được đánh dấu bằng sự im lặng cố ý, hoặc sự thỏa hiệp rất đáng xấu hổ. Ở phương Tây, những xu hướng khoa học ấy bị mốt cuốn hút. Sự cuốn hút này diễn ra trên diện rộng, vượt ra ngoài giới hạn khoa học. Nhưng cả sự đàn áp, lẫn mốt, những điều rất quan trọng với cử tọa ngoài cuộc, đều không thể ảnh hưởng tới số phận của các tư tưởng khoa học. Ở đây, tiếng nói quyết định thuộc về chiều sâu của bản thân các quan niệm. Chiều sâu và tầm quan quan trọng của các tư tưởng khoa học chịu sự quyết định ở, thứ nhất, khả năng của chúng trong việc giải thích và nối kết thực tại mà trước đó còn rời rạc và chưa giải thích được, tức là kết hợp với các quan điểm khoa học khác, và, thứ hai, phát hiện các vấn đề yêu cầu phải giải quyết, nhất là ở những chỗ tưởng như đã rõ theo cách nhìn cũ. Đặc điểm thứ hai này chính là khả năng kết hợp các quan điểm khoa học mai sau. Cho nên, những tư tưởng khoa học có khả năng vừa duy trì quan điểm ban đầu của mình, vừa vượt qua sự biến đổi một cách năng động, tiến hóa cùng với thế giới xung quanh nó, sẽ có một đời sống khoa học khác. Bàn về kí hiệu học ở thời điểm hiện nay, vào cuối thế kỉ XX, cần lưu ý ba điểm khác nhau. Thứ nhất, nó là một bộ môn khoa học mà từ lâu F. Saussure đã dự đoán. Đó là lĩnh vực tri thức lấy đối tượng nghiên cứu là phạm vì giao tiếp kí hiệu: “…có thể xem là khoa học nghiên cứu đời sống các kí hiệu trong phạm vi đời sống xã hội; bộ môn khoa học ấy là một bộ phận của tâm lí học xã hội, vì thế, cũng là bộ phận của tâm lí học đại cương; chúng tôi gọi nó là kí hiệu học”. Saussure khẳng định việc nghiên cứu ngôn ngữ như một hệ thống kí hiệu học là cơ sở của tất cả các ngành khoa học xã hội: “Điều này không chỉ làm sáng tỏ các vấn đề ngôn ngữ học, mà, chúng tôi tin rằng, khi nghiên cứu lễ hội, phong tục v.v…như những kí hiệu, tất cả những hiện tượng ấy sẽ hiện lên dưới một ánh sáng mới, vì thế mà có nhu cầu hợp nhất tất cả chúng lại với nhau trong khuôn khổ của kí hiệu học và giả thích chúng bằng các kí hiệu của khoa học này”[1][1]. Điểm thứ hai, chúng ta xem kí hiệu học là phương pháp của các khoa học xã hội, một phương pháp có thể thâm nhập vào nhiều bộ môn khác nhau do khả năng phân tích của nó quyết định, chứ không phải do bản chất của đối tượng nghiên cứu. Với ý nghĩa như thế, cùng một đối tượng khoa học có thể xem vừa là đối tượng của kí hiệu học, vừa là đối tượng ngoài kí hiệu học. Ngôn ngữ học có thế dẫn ra rất nhiều thí dụ như vậy. Cuối cùng, điểm thứ ba, tốt nhất, nên xác định như là nếp suy nghĩ và sự độc đáo trong tâm lí khoa học của nhà nghiên cứu. Tương tự như vị đạo diễn quen nhìn thế giới xung quanh theo hình thức của các khuôn hình, cắt bức tranh chỉnh thể thành những mẩu riêng lẻ, nhà nghiên cứu – kí hiệu học quen biến đổi thế giới xung quanh nhằm làm hiện lên trong đó những cấu trúc kí hiệu học. Tất cả những gì được bàn tay của vua Midas chạm vào đều hóa thành vàng. Tương tự như thế, tất cả những gì lôi cuốn sự chú ý của nhà nghiên cứu – kí hiệu học đều được kí hiệu học hóa trong bàn tay của ông ta. Điều này liên quan tới sự tác động của người mô tả đối với đối tượng được mô tả mà chúng tôi sẽ thảo luận sau. Ba điểm nói trên trong tổng thể của nó tạo thành lĩnh vực kí hiệu học. Nhìn lại con đường kí hiệu học đã đi qua kể từ khi nó lôi cuốn được sự chú ý rộng rãi của công chúng vào nửa sau những năm 1950, một mặt, nhờ những nỗ lực vượt bậc của R.O. Jakobson, mặt khác, nhờ trào lưu tư tưởng chung, có thể xác định các xu hướng chủ đạo bằng hai chữ: tiếp tục và khắc phục. Điều này có quan hệ tới cả di sản của trường phái hình thức Nga, lẫn những công trình nghiên cứu của M.M. Bakhtin, hay V.Ja. Propp. Nhưng chủ yếu là nó có quan hệ với di sản của Saussure. Sau sự phê phán của R.O. Jakobson, người đem Saussure đối lập với tư tưởng Charles Pierce, các công trình của Saussure vẫn là những tảng đá hộc vững chắc làm nên nền móng của kí hiệu học. Trong phạm vi quan tâm của chúng tôi, cần nhấn mạnh mấy điểm quan trọng như sau từ tư tưởng của Saussure: – Đối lập ngôn ngữ (la langue) và lời nói (la parole) [resr. mã và văn bản]; – Đối lập đồng đại và lịch đại. Với Sausure, hai đối lập nói trên có ý nghĩa hết sức cơ bản. Ngôn ngữ “… là hệ thống ngữ pháp tồn tại trong não bộ hầu như của mỗi người, nói chính xác hơn, trong tổng thể hàng loạt cá nhân, bởi vì ngôn ngữ không tồn tại toàn vẹn ở mỗi cá thể, mà chỉ trong tập thể nó mới tồn tại đầy đủ. Phân chia ngôn ngữ và lời nói là cách để chúng ta tách: 1) nhân tố xã hội ra khỏi cá nhân; 2) cái cơ bản ra khỏi cái thứ yếu, ít nhiều mang tính ngẫu nhiên”. Xuất phát từ những tiền đề như thế, Saussure hình thành các luận điểm chủ đạo trong cả hành vi lời nói, lẫn khoa học ngôn ngữ: “1. Ngôn ngữ là một cái gì đó hoàn toàn xác định trong tập hợp đa dạng của thực tại hoạt động lời nói. <…> Nó là bình diện xã hội của hoạt động lời nói, nằm bên ngoài cá nhân, tự bản thân, cá nhân không thể sáng tạo, cũng không thể làm thay đổi ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉr tồn tại nhờ vào một sức mạnh kiểu như giao kèo được các thành viên của tập thể thỏa thuận <…>; 2. Khác lời nói, ngôn ngữ là đối tượng có thể nghiên cứu độc lập. Chúng ta không nói được các tử ngữ, nhưng chúng ta có thể nắm bắt hoàn hảo cơ chế của chúng. Với các yếu tố khác của hoạt động lời nói, khoa học về ngôn ngữ hoàn toàn có thể bỏ qua, hơn nữa, nó chỉ có thể là khoa học khi các yếu tố khác kia không bị lẫn vào đối tượng của nó”[2][2]. Đối lập thứ hai mà chúng tôi nhắc tới ở trên cũng có ý nghĩa không kém phần quan trọng. Chính trục đồng đại mang lại đặc điểm cấu trúc, nó là nhân tố thể hiện các quan hệ kết hợp làm nên bản chất của ngôn ngữ. Trục đồng đại mang tính hằng định, còn lịch đại là một chuỗi vi phạm bên ngoài và ngẫu nhiên của nó mà trục đồng đại phản phản ứng để thiết lập sự toàn vẹn của mình. “Ngôn ngữ là một hệ thống, mọi bộ phận của hệ thống ấy có thể và cần phải nghiên cứu trong sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính đồng bộ của nó. Không bao giờ có sự thay đổi xẩy ra ở toàn bộ hệ thống, mà chỉ ở yếu tố này hay yếu tố kia, những thay đổi này chỉ có thể nghiên cứu bên ngoài hệ thống”. “Trong viễn tượng lịch đại, chúng ta phải nghiên cứu những hiện tượng chẳng có quan hệ gì với các hệ thống, mặc dù chúng vẫn chế định các hệ thống ấy”. Ngôn ngữ đối lập với tất cả những gì ngẫu nhiên, nhất thời, ngoài hệ thống: “Ngôn ngữ là một cỗ máy liên tục hoạt động bất chấp những tổn hại mà nó phải hứng chịu”[3]. Không thể tách những tư tưởng nói trên ra khỏi tòa nhà kí hiệu học hiện đại. Chối bỏ các tư tưởng ấy cũng có nghĩa là vứt bỏ những hòn đã đã qua thử lửa làm nên nền móng của nó. Nhưng cũng chính từ đây, người ta thấy hiện lên rất rõ những luận điểm cơ bản nào đã có sự thay đổi sâu sắc và toàn bộ diện mạo của ngôi nhà kí hiệu học ở nửa sau thế kỉ XX.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC