Thuyết Duy lý

Các quy tắc chỉ đạo trí tuệ

 

CÁC QUY TẮC CHỈ ĐẠO TRÍ TUỆ

 

RENÉ DESCARTES (1596-1650)

 

Quy tắc 1: Mục đích của học vấn phải nhằm chỉ đạo trí tuệ để có những suy xét vững chắc và đúng đắn về mọi việc mà nó cảm nhận

Con người ta hễ phát hiện thấy có sự giống nhau giữa hai sự vật, thường có thói quen nghĩ rằng một điều nào đó được thừa nhận đúng cho sự vật này ắt cũng phải đúng cho sự vật kia, ngay cả khi điều ấy thậm chí dùng để phân biệt hai sự vật. Chẳng hạn người ta nghĩ là các ngành khoa học cũng giống như các ngành nghệ thuật. Thực ra khoa học là kiến thức do trí óc nắm bắt được, còn nghệ thuật đòi hỏi một sự rèn luyện và năng khiếu nhất định của từng cá nhân. Do hồ đồ so sánh khoa học và nghệ thuật như vậy mà khi thấy một cá nhân không thể học tập tất cả các môn nghệ thuật cùng một lúc, ngược lại, kẻ nào chỉ học một môn thôi thì dễ dàng trở thành một nghệ sĩ tài ba hơn, bởi lẽ đôi bàn tay không thể vừa giỏi làm ruộng vừa giỏi chơi đàn lục huyền, hoặc giỏi nhiều công việc hết sức đa dạng cùng loại cũng dễdàng như giỏi một việc mà thôi, họ đã tin rằng điều đó cũng đúng đối với các ngành khoa học, và từ chỗ phân loại các ngành khoa học tùy theo các đối tượng nghiên cứu khác nhau, họ đã nghĩ rằng cần phải học từng môn riêng biệt, không nên bận tâm đến tất cả các môn khác. Rõ ràng nghĩ như vậy là sai lầm. Bởi lẽ, vì mọi khoa học không là gì khác ngoài trí khôn con người, một trí khôn luôn duy nhất và không thay đổi, dầu cho khoa học có đối tượng khác nhau đến mấy chăng nữa, trí khôn con người, cũng giống như ánh sáng mặt trời, soi rọi từng vật thể để thấy chúng rõ như nhau, cho nên không cần thiết phải đặt giới hạn cho trí tuệ: hiểu biết một chân lí không ngăn cản ta mà ngược lại còn giúp ta khám phá ra chân lí khác; với nghệ thuật thì khác, việc tập luyện cho một nghệ thuật khiến ta khó học thêm một nghệ thuật khác. Tôi thật kinh ngạc thấy hầu hết mọi người ra công nghiên cứu phong tục tập quán con người, tính chất các loài cây cỏ, sự chuyển động của các thiên thể, việc chế biến kim loại và nhiều đối tượng nghiên cứu tương tự khác nữa, trong khi hầu như tới việc lương tri hay trí khôn phổ quát nói trên (quy tắc 1) mặc dù mọi thứ khác cần phải được xét đoán vì chúng có liên quan phần nào đến lương tri hay trí khôn phổ quát nhiều hơn là vì chúng. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi quy tắc này là quy tắc đầu tiên trong mọi quy tắc, bởi vì không có gì làm cho ta đi trệch khỏi con đường tìm chân lí bằng việc hướng học vấn của ta đáng lẽtới mục tiêu chung nói trên, lại đến các mục đích cá biệt. Tôi không bàn đến những mục đích xấu và đáng lên án như hư danh hay hám lợi: hiển nhiên việc lường gạt và mưu mẹo vốn thuộc các đầu óc hạ tiện khiến người ta đạt tới đích xấu nhanh hơn nhiều so với sự hiểu biết chắc chắn chân lí. Nhưng tôi muốn bàn đến các mục tiêu lương thiện và đáng khen, những mục tiêu này thường làm ta lạc lối một cách khó thấy: chẳng hạn, khi ta muốn nghiên cứu các khoa học mang lại lợi ích thiết thực, hoặc để phục vụ cuộc sống, hoặc để tìm niềm sảng khoái trong việc chiêm ngưỡng cái thực, một niềm sảng khoái mà trong cuộc sống này gần như là niềm hạnh phúc duy nhất trong sáng và không bị một nỗi đau khổ nào quấy rối. Đó quả thật là những thành quả chính đáng mà ta có thể chờ mong trong việc thực thi các ngành khoa học; nhưng nếu ta nghĩ đến khía cạnh lợi ích của khoa học đang giữa chừng học tập thì chính những mục tiêu ấy thường làm chúng ta bỏ sót rất nhiều điều cần thiết cho việc mởrộng kiến thức, hoặc vì thoạt nhìn những điều này tỏ ra ít lợi ích hoặc vì chúng không đáng chú ý mấy. Do đó cần phải hiểu kĩ rằng mọi khoa học gắn bó với nhau chặt chẽ đến mức nghiên cứu chúng cùng một lúc thì dễ hơn khi nghiên cứu tách biệt từng môn một. Nếu có ai muốn đi tìm chân lí một cách nghiêm chỉnh thì người đó chớ nên nghiên cứu một ngành khoa học đơn lẻ: vì các ngành đều liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau; mà người đó chỉcần quan tâm đến việc tăng cường soi sáng lí trí, không phải để giải quyết khó khăn này hay khó khăn kia gặp trong trường, mà để trong từng hoàn cảnh cuộc sống, lương tri chỉ cho ý chí lối giải quyết thích đáng; và sau một thời gian ngắn người đó sẽ ngạc nhiên thấy rằng mình tiến bộ hơn nhiều so với những kẻ lao vào học các môn riêng lẻ, và mình đạt được không những tất cả những gì những kẻ kia thèm muốn mà cả những thành quả tốt đẹp mà người khác không dám mơ tưởng.

 


Nguồn: René Descartes và tư duy khoa hc. Trương Quang Đệ dịch và giới thiệu. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2000, tr. 91-93.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt