Amsterdam, ngày 27 tháng 5 năm 1630
THƯ GỬI MERSENNE
RENÉ DESCARTES (1596-1650)
1. Ngài hỏi tôi dựa trên quan hệ nhân quả nào mà Thượng đế đã tạo lập nên các chân lí vĩnh cửu (nguyên văn tiếng la-tinh: in quo genere causæ Deus disposuit æternas veritates). Tôi xin đáp lại rằng Thượng đế đã tạo lập nên mọi vật chỉ dựa trên một thứ hệ nhân quả mà thôi (in eodem genere causæ), tức là trên nguyên nhân hoạt động và toàn phần (ut efficiens et totalis causa). Bởi lẽ, rõ ràng Thượng đế tạo ra bản chất cũng như sự tồn tại của muôn loài: bản chất đó không là gì khác ngoài các chân lí vĩnh cửu, tôi không nắm rõ liệu các chân lí này toát ra từ Thượng đế y như ánh sáng toát ra từ mặt trời hay không; nhưng tôi biết rằng Thượng đế là Tạo hóa của mọi vật, Người ắt hẳn tạo ra các chân lí ấy, vì chúng thuộc về mọi vật. Tôi nói rằng tôi biết chứ không phải tôi quan niệm hay tôi hiểu; bởi lẽ người ta chỉ có thểbiết Thượng đế là vô biên và đầy uy lực, mặc dầu linh hồn con người do hữu hạn nên không thể hiểu hay quan niệm được Người; cũng giống như ta có thể dùng tay sờ một ngọn núi nhưng ta không thể ôm lấy nó như ta ôm một thân cây hay bất cứ vật gì khác không vượt quá vòng tay ta: bởi lẽ hiểu tức là nắm sự vật qua tư duy; còn biết sự vật thì chỉ cần lấy tư duy chạm vào sự vật mà thôi. Ngài cũng hỏi là cái gì đã thôi thúc Thượng đế tạo dựng các chân lí ấy; và tôi xin đáp rằng Người hoàn toàn tự do định đoạt rằng“những đoạn kẻ từ vòng đến đường tròn đều bằng nhau” là sai cũng như không tạo ra thế giới làm gì. Và chắc chắn là những chân lí ấy không nhất thiết gắn bó với bản thể của Người hơn muôn loài. Ngài hỏi Thượng đế đã làm gì để tạo ra các chân lí ấy. Tôi nói rằng Người đã tạo ra chúng do Người hằng mong muốn và hiểu chúng (ex hoc ipso quod illas ab æterno esse voluerit et intellexerit, illas creauit) hoặc (nếu ngài chỉ dùng từ creauit cho sự tồn tại của các vật thể thôi) đã hình thành và tạo lập chúng (illas disposuit et fecit). Bởi lẽ đối với Thượng đế thì mong muốn, hiểu và sáng tạo chỉ là một, không cái nào đi trước cái nào, ngay cả theo trật tự lí thuyết (ne quidem ratione). 2. Câu hỏi liệu việc dày dọa con người vĩnh viễn như vậy có phù hợp với lòng nhân ái của Thượng đế không (an Dei bonitati sit conveniens homines in æternum damnare), thuộc vềlĩnh vực thân học: vì vậy tuyệt đối xin Ngài làm ơn cho phép tôi được miễn bàn ở đây; không phải vì lí lẽ của những kẻ không tín ngưỡng có giá trị gì, bởi lẽ theo tôi chúng tào lao và nực cười; mà vì tôi cho rằng đem những lí lẽ nhân văn và chỉ có tính áng chừng để củng cố những chân lí thuộc về niềm tin và không thể được xác minh bằng phép chứng minh tự nhiên thì sẽlàm tổn hại chúng. 3. Còn những gì liên quan đến sự tự do của Thượng đế, tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến đã được Đức Cha Gibbieu diễn giải do Ngài cho tôi biết. Trước đây tôi không được biết Đức Cha có cho in sách, nhưng tôi sẽ cố gắng tìm đọc.
Nguồn: René Descartes và tư duy khoa học. Trương Quang Đệ dịch và giới thiệu. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2000, tr. 93-95.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC