Thuyết Duy lý

Phương pháp luận (kỳ 2)

Tạp chí Nam Phong, số 4, tháng 10 năm 1917 

PHƯƠNG PHÁP LUN

Sách triết lý ca Pháp nho Descartes nht danh là “Sách dy dùng trí tu cho phi đường cùng tìm chân lý trong các khoa hc”[1]

PHM QUỲNH dịch nôm

(tiếp theo kỳ 1)

 

CHƯƠNG THỨ II

TÓM LƯỢC ĐẠI Ý. – Nhân khi ngồi không, tư tưởng một mình, ông nhận rằng phàm việc gì bởi tay một người làm, nghĩ sao làm vậy, thường tốt hơn là bởi nhiều người làm, mỗi người một ý. – Ông suy tự cái nhà, cái phố, cho đến pháp luật trong một nước, cho đến việc học vấn, sự suy xét nghĩa lý, đều thấy như thế cả. – Ông tự nghĩ phàm sự tư tưởng sai nhầm là bởi những ý kiến bất nhất tích lũy trong óc, làm sai trí người ta đi; nếu ai từ thủa nhỏ cũng đã biết dùng nhẽ phải của mình, tự suy xét lấy, không phải chịu ý kiến ở ngoài (thầy học, thói quen, v.v.) thì có nhẽ ai cũng có thể đạt chân lý được. – Bởi vậy, muốn đạt được chân lý, ông định nhất luật bỏ hết những ý kiến nhận được ở ngoài, mà tự lực suy xét lấy. Ông tự nghĩ sự “phá hoại” ấy tuy thi hành ra việc chung thì không được, nhưng mỗi người làm riêng trong việc tư tưởng của mình thì được. – Song không phải là việc dễ ai ai cũng làm được; nhất là khi có hai hạng người quyết không thể làm được việc ấy: một là những người nóng nẩy tự phụ, hai là những người nhu nhược tự khiêm. – Ông cũng muốn tự liệt vào hạng người sau ấy, ông lại từng kinh lịch[2] nhiều việc, thấy ý kiến người ta thực là bất nhất, có khi cùng một người mà tùy cái cảnh ngộ mỗi lúc một khác, không biết nên theo ai bỏ ai; bất nhược không theo ai cả, tự mình suy nghĩ một mình là hơn. – Dù vậy, ông cũng không dám khinh xuất, trước khi xét kỹ chưa dám bỏ hẳn một cái ý kiến nào. – Ông còn vụ tìm lấy một cái phương pháp chắc chắn, để làm đường lối mà theo. Thủa trước ông đã chuyên trị triết học số học, ông muốn cho cái phương pháp của ông cũng phân minh như khoa luận lý học (Logi       que), cũng đích sác như khoa kỷ hà học (Géométrie)[3], cũng dản tiện như khoa đại số học (Algèbre) mà không mắc phải những điều khuyết điểm của ba khoa ấy. – Ông bèn đặt ra bốn cái phép tắt như sau này: 10 Cái gì có đích sác mới chịu nhận là thực; 20 Xét xái gì phải chia ra từng phần nhỏ mà xét; 30 Tư tưởng phải có thứ tự lần lượt; 40 Xét sự gì phải đếm cho khắp, cộng cho đủ. – Muốn thi hành cái phương pháp ấy thì ông tưởng không gì bằng theo lối các nhà số học, phàm xét vấn đề gì, trước khi phân tách ra từng phần nhỏ, bắt đầu xét từ cái dễ rồi dần dần đến cái khó, xong rồi tổng cộng lại mà kết luận vậy. – Tức là ông muốn lợi dụng những điều hay của hai khoa kỷ hà học, đại số học, mà không mắc phải những sự khuyết điểm của hai khoa ấy. – Ông thí nghiệm cái phương pháp của ông đặt ra ấy thì thấy kiến hiệu lắm, cũng đúng như làm một cái tính cộng vậy. – Ông bèn quyết chí đem ra ứng dụng, không những là về số học mà về cả các khoa học khác nữa, nhất là về triết học, vì triết học là gồm cả các khoa.

--- o0o ---

 

Bấy giờ tôi đương ở nước Đức, tôi sang đấy là nhân vì việc trận mạc chưa xong. Khi đi xem lễ gia miện Hoàng đế rồi trở về quân doanh, thì tiết giời vừa sang đông, tôi bèn đình lại ở trọ trong một phố ở đấy, không có ai chuyện trò vui vẻ, lại nhờ Giời trong bụng cũng không có sự gì lo lắng, cả ngày ngồi một mình trong buồng đốt lò sưởi, được thư thái mà nghiền ngẫm những sự tư tưởng của mình. Trong bấy nhiều cái tư tưởng cái tư tưởng có một cái xuất hiện ra trước nhất là thế này: tôi thường xét phàm những công trình bởi nhiều phần nhỏ họp lại, bởi tay nhiều người mà làm ra, vẫn không được hoàn toàn bằng bợi một người dựng thành nên, Như cái nhà do tay một nhà kiến chúc[4] khởi công sây dựng từ đầu đến cuối, trông vẫn đẹp, vẫn chỉnh đốn hơn là cái nhà bởi nhiều người chữa sửa lại, chắp nối những mảnh tường cũ trước sây để việc khác. Lại trông như những nơi thành thị cổ kia, lúc khởi thủy mới là những xóm nhỏ, rồi đời nọ sang đời kia dần dần thành tỉnh nhớn, đem sánh với những đường phố ngay ngắn do tay một nhà kỹ sư tùy ý vạch ra ở giữa cánh đồng, thì thấy nhà cửa trong tỉnh sếp đặt xấu biết chừng nào; không phải rằng cứ xét từng cái một lại không có lắm cái cũng đẹp bằng, có khi đẹp hơn những nhà khác nữa, nhưng trông cái cách nó sếp đặt, chỗ này cái to, chỗ kia cái nhỏ, làm cho đường phố sô sếch cong queo, thì ai chẳng tưởng rằng tình cờ mà họp lại đấy, không phải là bởi ý người đã suy nghĩ mà sếp đặt ra như thế. Lại thử nghĩ tuy vậy trong tỉnh bao giờ cũng có mấy ông quan trách nhiệm phải coi sóc việc nhà cửa của người riêng cho trong tỉnh thành được đẹp chung, thì mới biết rằng phàm làm phụ thêm vào công trình của người khác, khó lòng mà làm cho được tốt lắm vậy. Tôi lại tự nghĩ rằng những dân tộc khi trước còn vào bực bán khai, sau dần dần mới văn minh hơn lên, thấy trong xã hội sẩy ra những sự tranh dành[5] phạm tội, bách phải đặt ra pháp luật để ngăn ngừa, thì dân ấy cai trị không được khéo bằng những dân tộc kia lúc mới họp thành xã hội đã biết chọn nhà lập pháp khôn ngoan đặt hiến pháp cho mà theo; cũng tức như trong Giáo hội kỷ luật định tự Thiên chúa tất được chỉnh bị hơn là trong các đoàn thể khác. Ấy là nói về tôn giáo, nói đến sự nghiệp người ta thì tôi thiết tưởng như thành Sparte (Ti Ba Đạt) ngày xưa sở dĩ được thịnh trị như thế, không phải là bởi pháp luật trong nước cái nào cũng tốt cả đâu, vì có nhiều cái rất là kỳ lạ mà trái với luân lý thường, nhưng thực là bởi những pháp luật ấy do tay một người làm ra, mà cùng là khuynh hướng về một mục đích vậy. Cũng bởi thế mà tôi lại thiết nghĩ rằng cái học thức trong sách vở - là nói sách vở bàn về những nhẽ chưa được sác nhiên, không có chứng cứ - là bởi ý kiến nhiều người thêm thắt họp tập lại mà thành ra, không được gần chân lý bằng sự suy xét dản dị[6] của một người bình thường, lấy nhẽ tự nhiên mà quan sát các sự vật sẩy ra. Cũng lại bởi thế nữa mà tôi nghĩ rằng phàm người ta ai cũng trước là trẻ con đã rồi sau mới thành người nhớn, ai cũng từng trong lâu năm bị cái tình dục ở trong người với ông thầy dạy ở ngoài chế ngự, mà hai đằng thường phản trái nhau, vị tất đằng nào đã khuyên nhủ được cho ta điều hay, như thế thì những sự phán đoán của ta thể nào mà được thuần chính, được chắc chắn bằng giá từ khi mới sinh ra ta đã được tận dụng cái nhẽ phải của ta mà chỉ bị một cái nhẽ ấy nó chế ngự ta mà thôi.

Chắc rằng không thấy ai đem phá đổ cả nhà trong một tỉnh đi, chỉ chủ để sây lại ra cách khác cho đường phố được đẹp hơn; nhưng mà thường cũng không thấy nhiều người phá nhà riêng của mình để sây lại, cũng có khi nhà sắp đổ nát hoặc nền nhà không được vững mà bị bách phải phá nữa; cứ suy đấy thì tôi hiểu rằng không có nhẽ nào một người riêng lại mong cải cách được một nước, biến đổi cả từ gốc giở lên, phá đổ đi mà sây dựng lại được; và cũng không có nhẽ nào biến đổi được cái thể chế các khoa học cùng chương trình dạy trong các trường; nhưng về phần tôi thì tôi định rằng phàm những ý kiến tôi đã nhận ở ngoài từ xưa đến nay không gì bằng đem bỏ cả đi một lượt, để tìm lấy cái khác tốt hơn, hay là cũng cùng những cái ấy nữa, nhưng đem so sánh cho nó thích hợp với nhẽ phải của tôi trước đã. Tôi rất tin rằng cứ dùng kế ấy tôi có thể khiến đời tôi khéo hơn là chỉ sây lên cái nền cũ, chỉ tựa vào những phép nhẽ của người ngoài đã “cám dỗ” tôi từ thủa nhỏ, mà chưa từng xét xem những phép nhẽ ấy thực hư thế nào. Vì tuy sự đó kể cũng có một đôi chút khó khăn, song không phải là khó bằng sự cải cách những điều quan hệ đến công chúng. Cái gì thuộc về công chúng ví như những hình thể to nhớn, đã đổ xuống rồi khó lòng mà cầm giữ, mà rơi xuống tất là phải mạnh. Vả đến như những điều khuyết điểm của nó – cứ xét nó tạp nhạp như thế cũng đủ biết rằng nhiều cái khuyết điểm – thì thói quen tất đã làm cho giảm bớt đi nhiều, có khi cứ tự nhiên cũng sửa đổi chữa tránh được nhiều nữa, người ta dẫu muốn cẩn thận vị tất đã chữa sửa được khéo hơn; sau nữa những sự khuyết điểm ấy cứ để vậy còn dễ chịu hơn là đem biến đổi đi. Cũng ví như những con đường nhớn đi vòng quanh núi, người ta đi lại luôn, dần dần thành ra vừa phẳng vừa tiện, đi đấy còn tốt hơn là muốn theo đường thẳng mà phải chèo lên tận đỉnh núi, bước xuống tận đáy khe.

Bởi thế nên tôi rất là không ưng một chút nào những kẻ tính nóng nẩy sung săng, không phải ngôi thứ, không phải địa vị mình được xử trí những việc công, mà bao giờ trong bụng cũng nghĩ muốn cải cách sự này sự khác; nếu trong bài này tôi tự nghĩ có một điều khiến cho người ta ngờ tôi cũng điên cuồng như thế, thì tôi thực là lấy làm ân hận đã đem sách này xuất bản vậy. Mục đích tôi chỉ là cố sửa sang lấy cái tư tưởng riêng của tôi, mà kết cấu bằng cái vốn riêng của tôi mà thôi. Còn như tôi lấy cái công trình của tôi ấy là vừa ý mà tôi muốn bầy cái mẫu ra cho các ông xem, không phải rằng nhân thế mà tôi muốn khuyên ai bắt chước tôi đâu. Những người bẩm sinh ra được chịu ơn Giời nhiều hơn tôi, dễ còn có cái mục đích cao hơn nữa, nhưng mà tôi e rằng cái mục đích của tôi này nhiều người cũng đã cho là quá bạo rồi. Cứ quyết chí rằng phải bỏ hết cả những ý kiến nhận được ở ngoài từ trước, cũng đã là một sự không phải là ai ai cũng nên theo vậy. Mà ở trong đời hầu như chỉ có hai hạng người, quyết là không thể theo được một chút nào: một là hạng người tưởng mình khôn khéo hơn mình, dù khi phán đoán cũng không khỏi hấp tấp vội vàng, dù khi tư tưởng cũng không thể kiên nhẫn mà sấp đặt cho thứ tự, thành ra nếu một lần đã dám tự do nghi ngờ những phép nhẽ nhận được từ trước mà đi ra ngoài con đường thường, thì không bao giờ lại biết theo đường chính để đi cho được thẳng hơn, tất sai lạc cả đời; hai là hạng những người biết suy xét, biết tự khiêm, tự nghĩ rằng mình chẳng đủ tài mà phân biệt điều phải điều trái được bằng những kẻ đã dậy mình, thì bất nhược cứ theo ý kiến của những kẻ ấy còn hơn là muốn tự mình tìm lấy ý kiến tốt hơn.

Về phần tôi, giả sử từ xưa tôi chỉ được theo học một ông thầy, mà tôi không được biết những ý kiến của các ông thầy thực giỏi xưa nay vẫn phản trái nhau là chừng nào, thì dễ tôi cũng tự liệt vào hạng người sau ấy. Nhưng mà từ khi ở nhà trường tôi đã từng nhận rằng không có một sự gì quái đản bất kinh đến đâu mà không có nhà triết học nói đến, lại từ đấy đi du lịch các nơi tôi thường thầy những kẻ tính tình thực là phản trái với mình mà không phải là giã man mọi dợ gì, có lắm kẻ cũng biết suy xét nhẽ phảo bằng ta, có khi hơn ta nữa; lại xét cứ đem một người cùng một tâm tính ấy mà nuôi từ thủa nhỏ cùng với người Pháp hay người Đức, nhớn lên tất khác hẳn với người Tàu hay người Phi châu; lại xét đến cách ăn mặc của ta nữa, cái lối mười năm trước ta thích, dễ mười năm sau ta lại thích nữa, hiện nay ta cho là nhố nhăng dị thường; thành ra chính là thói quen tục thường nó dạy ta hơn là sự tri thức đích sác; như thế thì đến những nhẽ huyền bí khó giải, nhiều người đồng ý với nhau cũng chưa cho là một cái chứng cớ đích thực được, vì rằng có nhẽ chỉ một người mà giải được những nhẽ ấy hơn là cả một dân tộc một nước; vậy thì tôi không thể mong tìm được ai có cái ý kiến nên theo hơn người khác, mà hình như bị bách phải tự mình tìm lấy cái đường lối cho sự tư tưởng của mình vậy.

Nhưng mà tôi làm như thế cũng tựa hồ như người đi một mình trong đám tối, phải cố ý đi rất thong thả, rất cẩn thận, để cho dù có chỉ bước được ít, cũng không được đến nỗi phải ngã. Nên phàm những ý kiến tôi nhận được ở ngoài từ xưa, chưa từng lấy nhẽ phải suy xét bao giờ, tôi cũng không muốn bác bỏ hẳn một cái nào, trước khi đã ngẫm nghĩ chín về cái công trình tôi định làm, mà cố tìm lấy phương pháp chân chính để thấu hiểu các sự vật mà cái trí tôi có thể hiểu được.

Thủa trẻ tôi đã học qua triết học số học, về triết học thì khoa lý luận[7] mà về số học thì khoa kỷ hà, khoa đại số, ba khoa học ấy tưởng cũng có thể giúp được ít nhiều cho cái việc tôi mưu toan vậy; nhưng xét kỹ ra thì tôi thấy những lối “tam đoạn luận”[8] cùng các phép tắc khác của khoa lý luận bất quá chỉ là dùng để thuyết minh cho người ta nghe những điều mình đã biết, hay là nói phiếm những điều mình không biết như cái thuật lý luận của Lulle,[9] ngày xưa, chớ không phải là dùng để học cho biết được; vả tuy trong khoa lý luận cũng có nhiều điều rất thực rất hay, nhưng cũng có nhiều điều nữa hoặc hoặc hoang phiếm lẫn lộn vào, khó lòng mà phân biệt được, chẳng khác gì như súc đá chưa phác mà muốn lấy ra được một tượng Diante hay một tượng Minerve[10] vậy. Đến như lối phân tích số học của người đời xưa với khoa đại số của người đời nay, thì không kể rằng những môn học ấy thuộc về những sự vật siêu hình, không dùng được việc gì thực lợi, nhưng xét ra môn thứ nhất là môn phân tích số học thường thường chỉ khu trong sự quan sát các hình tượng, luyện được cho trí tuệ thì làm nhọc tưởng tượng nhiều, mà môn thứ nhì là môn đại số thì đặt ra nhiều những phép tắc số mục rất phiền phức, thành một cái thuật bối rối trí khôn, chớ không phải là sự mở mang trí khôn nữa. Bởi thế tôi mới nghĩ phải nên đặt lấy một phương pháp khác, vừa gồm được những điều lợi mà lại vừa không mắc phải những sự khuyết điểm của ba khoa học ấy. Vả như trong một nước pháp luật phiền phức thì dễ sinh ra tệ, pháp luật ít mà tuân theo đúng thì việc nước mới được chỉnh đốn; vậy tôi không muốn đặt ra nhiều phép tắc như trong khoa lý luận làm gì, thiết tưởng như bốn điều sau này cũng là đủ, miễn là phải kiên tâm chú ý mà tuân theo không được sai một chút nào vậy.

Điều thứ nhất là phàm sự gì tôi chưa biết đích sác là thực thì không được bao giờ nhận cho là thực vội, nghĩa là phải giữ gìn cẩn thận đừng hấp tấp vội vàng, sự gì có trình bầy ra phân minh rõ ràng trong trí tôi mà tôi không còn nghi ngờ một chút nào nữa thì mới chịu phán đoán cho là phải;

Điều thứ nhì là phàm những vấn đề khó giải phải phân tách ra từng phần nhỏ để giải quyết cho dễ;

Điều thứ ba là phải khiến cái tư tưởng tôi cho có thứ tự, bắt đầu từ vật dản dị dễ biết trước, rồi dần dần lên từng bực mà xét đến những vật phiền phức hơn, dẫu vốn nó không phải là liên tiếp nhau cũng nên đặt cho nó thành thứ tự;

Điều thứ tư là điều cuối cùng thì phàm xét sự vật gì cũng phải đếm cho thực khắp, cộng cho thực đủ, cho chắc không bỏ sót tí gì.

Tôi từng trông thấy những nhà kỷ hà học muốn thuyết minh điều gì rất khó hiểu, thường dùng những nhẽ rất dản dị mà sếp lại thành giây dài; tôi bèn nhân thế tự nghĩ rằng phàm sự vật gì người ta có thể suy biết được cũng là liên tiếp nhau như thế cả, mà miễn là sự gì chưa đích sác mình đừng nhận vội, miễn là trong khi suy diễn sự nọ ra sự kia phải nên giữ thứ tự luôn, như thế thì những nhẽ sâu xa đến đâu mà chẳng khám phá được. Mà tôi cũng chẳng phải khó lòng tìm nên bắt đầu từ đâu, vì tôi biết nên bắt đầu từ những nhẽ dản dị dễ biết trước nhất. Tôi xét phàm những người từ xưa vụ tìm chân lý trong các khoa học, chỉ có những nhà số học là tìm được mấy điều minh chứng, nghĩa là những nhẽ chắc thực chính sác, thì tôi chắc rằng như thế cũng là bởi đã bắt đầu xét những nhẽ dản dị dễ biết trước nhất. Không phải tôi mong rằng cái cách học ấy có ích lợi gì khác nữa đâu, nhưng được một điều là nó luyện tập cho trí tôi quen chỉ nhận những nhẽ chân chính, không chịu những nhẽ giả dối. Nhưng không phải vì thế mà tôi mưu muốn học cả các khoa người ta thường gọi tổng danh là số học; tôi thường thấy những khoa ấy tuy mỗi khoa học một thứ khác, nhưng cũng là giống nhau cả, vì chẳng qua là xét những tỉ lệ sai lệ trong hình số, tôi bèn thiết nghĩ rằng như thế thì cứ xét chung về các tỉ lệ sai lệ còn hơn, phàm sự gì có thể giúp để hiểu được thì hẵng xét đến, mà cũng không cần phải câu nệ lắm, để về sau có sự gì nên dùng đến lại có thể đem ra ứng dụng được. Tôi lại từng nhận rằng muốn biết những tỉ lệ sai lệ về số học ấy có khi cần phải xét gồm nhiều cái, mà thiết nghĩ muốn xét riêng từng cái không gì bằng xét theo đường hoạch tuyến, vì không gì dản dị và xuất hiện ra phân minh trong trí bằng cái đường vạch thẳng; nhưng muốn xét gồm nhiều cái làm một thì phải cần dùng mấy chữ số rất dản dị mới có thể thuyết minh được.[11] Cứ như cách ấy thì tôi lợi dụng được cả những điều hay của hai khoa kỷ hà học và đại số học, mà tôi lại tránh được những sự khuyết điểm của hai khoa ấy, lấy đằng nọ bổ cứu đằng kia.

Quả như thế, tôi cứ theo đúng như mấy cái phép tắc tôi đã định trên kia thì thấy phàm những vấn đề thuộc về hai khoa học ấy phân giải được dễ lắm, dụng công xét có trong hai ba tháng, bắt đầu tự những điều dản dị dễ hiểu trước nhất, tìm được cái chân lý nào thì dùng phép tắc để lại tìm cái khác, cứ như thế không những là tôi giải được nhiều vấn đề trước tôi vẫn cho là rất khó, mà đến những cái tôi không biết nữa tôi cũng có thể lượng nên dùng cách gì mà biết được, cùng biết được đến chừng nào. Nếu các ông thử xét rằng phàm sự vật gì cũng có một cái chân lý mà thôi, ai đã tìm được cái chân lý ấy tức là biết được khắp, cũng ví dụ như một đứa trẻ con giỏi về toán pháp, biết làm một cái tính cộng phải phải phép, thì cái số cộng được ấy, đứa trẻ con cũng tìm được đúng chẳng kém gì các ông bác học: nếu xét như thế thì tất các ông không cho tôi là người tự phụ; vì cái phương pháp của tôi dạy rằng phàm xét sự gì cũng phải theo thứ tự, phải kiểm điểm cho đích sác, như thế thì có khác gì phép làm tính vậy.

Nhưng mà trong cái phương pháp ấy có một điều tôi lấy làm bằng lòng hơn cả, là nhờ đó mà về việc gì tôi cũng có thể dùng được nhẽ phải của tôi, không dám nói rằng dùng được hết, nhưng cái sức đến đâu được cũng có thể tới được; không kể rằng trong khi tôi dùng cái phương pháp ấy thấy trong trí tôi dần dần biết quan niệm phân minh rõ ràng về các sự vật hơn trước; lại cái phương pháp ấy tôi không định đặt riêng về một môn gì, nên tôi mong còn đem dùng rộng ra các khoa học khác được, không những một khoa đại số mà thôi vậy. Không phải rằng tôi dám đem cái phương pháp ấy mà xét hết thẩy các khoa học đâu, vì thế thực là trái với thứ tự trong phương pháp; nhưng tôi đã từng xét phàm nguyên lý của các khoa học ấy đều do triết học mà ra cả, mà nguyên lý của triết học thì tôi chưa thấy được cái nào là chắc chắn, nên tôi tưởng rằng trước nhất phải đặt cái nguyên ấy ấy đã, mà việc đó là việc quan trọng nhất ở đời, rất là không nên vội vàng hấp tấp; vả tôi bấy giờ mới có hai mươi ba tuổi, phải đợt cho đến ngày đứng tuổi hơn mới có thể khởi công làm cho trọn được, trước phải dùng nhiều thì giờ mà tự luyện tập đã, một là gột rửa hết những ý kiến sằng trong trí tôi đã nhận được ở ngoài từ xưa đến nay, hai là kinh nghiệm cho thật nhiều để làm cái tài liệu mà suy lý, bao giờ cũng theo cái phương pháp tôi đã định, cho mỗi ngày một vững thêm lên.

(Chương thứ ba đến kỳ sau)

*

*     *

NHỜI BÀN CỦA NGƯỜI DỊCH – Người ta thường gọi cái triết học của ông Descartes là triết học “phá hoại”[12], hay là triết học “hoài nghi”[13]. Người ta thường ví cái phương pháp của ông như là bộ máy. Đọc chương thứ hai này thì mới giải rõ được mấy câu ấy.

Gọi là “phá hoại” thì cái tên khí dữ dội, nhưng xét kỹ chẳng qua là một sự thành thực đối với mình, đối với sự tư tưởng vậy. Nhà triết học có cái thành thực ấy ở trong lòng thì mới thực là đáng tên triết học. Vì triết học là gì? Là xét cái lý do của muôn sự muôn vật. Vậy thì phàm sự gì chưa giải được lý do chưa nên nhận là phải vội. Như thế thì trong óc ta biết bao là ý kiến ta nhận được ở ngoài từ thủa nhỏ bởi sự giáo dục, bởi thói quen trong xã hội, v.v., mà ta chưa từng giải được cái lý do nó thế nào. Những ý kiến ấy lâu ngày tích lũy thành một cái vỏ đầy nó che lấp mất cái trí sáng của ta; bởi thế nên tuy người ta ai cũng có nhẽ phả mà sự xét đoán thường hay sai nhầm. Muốn cho xét đoán được sáng suốt, thế tất phải bãi bỏ hết những ý kiến mập mờ ấy đi, phải phá hoại cái vỏ đầy những thiên kiến của đời mà phát biểu cái nhẽ phải thiên nhiên ở mọi người. Vậy thì sự “phá hoại” ấy thực là một việc cần của các nhà triết học. Chỉ khác là ông Descartes lấy việc ấy làm việc cốt yếu hơn cả, là ông có y phản đối với cái tư tưởng áp chế của đời Trung Cổ, bấy giờ vẫn còn ảnh hưởng trong học giới Âu châu. – Song ông lại từng nhận rằng không thể bãi bỏ hẳn, phá hoại hết được. Ví như cái nhà sây không hợp cách muốn phá đi mà sây lại; nhưng phá rồi cần phải giữ lấy những vật liệu còn dùng được, không nên bỏ đi cả. Bởi thế, phàm những ý kiến nhận được ở ngoài, ông khuyên không nên tận tín, nhưng ông cũng không khuyên khuyên nên bác hẳn, ông muốn bình tâm mà sát hạch trước đã, nếu hợp với nhẽ phải thì lại nhận, nếu quả là không hợp thì mới đành bỏ. Nên cái triết học của ông còn gọi là cái triết học “hoài nghi”, nghĩa là nhất thiết tư tưởng không nên tin vội, phải ngờ trước đã, nếu xét thực là sác nhiên bấy giờ hẵng nên tin. Bởi vậy phải là người có cái nghị lực phi thường mới có thể thành thực mà can đảm đến bực ấy vậy.

Nhưng thành thực can đàm cũng chưa đủ, phải biết cái phương phép nên theo mới mới được.

Ông bình sinh chuyên trị số học mà từng nhận rằng trong các khoa học không khoa nào có cái tính cách sác nhiên bằng số học. Hai với hai là bốn thì dẫu đứa trẻ con hay ông bác học cũng phải chịu như thế. Cái chân lý cũng vậy: cái chân lý có một mà thôi. Nếu biết phép tìm thì dẫu ai tìm cũng có thể thấy được. Bởi vậy ông muốn phỏng theo những phép tắc của số học để dựng ra một cái phương phép có thể dùng mà tìm chân lý trong các khoa học. Theo phương pháp ấy thì phàm xét một cái vấn đề nào phải chia nhỏ ra mà xét từng bộ phận một, xét cho rất kỹ, khiến cho không còn nghi ngờ một chút nào nữa, rồi mới tổng hợp lại mà kết luận vậy. Như thế thì không thể nào nhầm được. Nên người ta vì cái phương phép của ông như một bộ máy, trước phải tháo ra từng mảnh, rồi sai mới lắp lại thành bộ. Ta cũng có thể ví thô lược như một bài tính cộng: trước phải liệt hết các số ra, biên cho thực đúng, rồi mới cầm bút cộng lại, nếu trong khi làm tính không sai nhầm. không quên sót tí nào thì cái số cộng được ấy thực là nhất định mà sác nhiên vậy.


Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 4, tháng 10 năm 1917, tr. 231-237. Phiên bản điện tử: triethoc.edu.vn thực hiện



[1] Xem Nam Phong, số 3, trang 169-173.

[2] “kinh lich”: trải qua (triethoc.edu.vn)

[3] “Kỷ hà học”: nay gọi là môn Hình học (triethoc.edu.vn)

[4] Kiến trúc, chắc do lối phát âm của Phạm Quỳnh (triethoc.edu.vn)

[5] Tranh giành (triethoc.edu.vn)

[6] Giản dị (triethoc.edu.vn).

[7] Lý luận (logique); kỷ hà (géométrie); đại số (algèbre). – Xem TỰ VỰNG. (nguyên chú)

[8] Là lối lý luận có ba đoạn. Tiếng Tây là syllogisme. – Xem TỰ VỰNG. (nguyên chú)

[9] Nhà học giả người Tây-ban-nha. Làm sách về những môn bí thuật (1235-1315). (nguyên chú).

[10] Tên hai vị thần Hi-lạp, chỉ cái tượng đẹp (nguyên chú).

[11] Đoạn này là bàn về số học, nhời văn khí trúc trắc khó hiểu. Đại khái nên nhớ rằng ông Descartes muốn đem những phép tắc của số học để xét rộng ra các sự vật. Trong số học thì ông chuyên trị hai khoa kỷ hà học (géométrie) và đại số học (algèbre). Kỷ hà học thì so sánh các hình tượng, nên lấy cái “hoạch tuyến” (la ligne) làm cốt; muốn xét tách bạch ra từng phần phải mượn đến phép của kỷ hà học. Đại số học thì so sánh các số hiệu, nên dễ tính ít nhiều hơn kém; muốn xét tổng hợp lại làm một, phải mượn đến phép của đại số học. (nguyên chú).

[12] Philosophie de la table rase (nguyên chú).

[13] Philosophie du doute (nguyên chú).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt