Thuyết Duy lý

Thư gửi Đức cha Mesland

 

Leyde, ngày 2 tháng 5 năm 1644 (?)

 

THƯ GỬI ĐỨC CHA MESLAND

 

RENÉ DESCARTES (1596-1650)

 

 

Tôi chưa được thấy những gì Đức Cha Petau viết về tự do ý chí; nhưng theo cách mà Cha giải thích về vấn đề này thì tôi thấy ý kiến của tôi không khác bao nhiêu. Bởi lẽ, thứ nhất, xin Cha lưu ý rằng tôi không hề nói là con người chỉ tỏ ra thờ ơ khi thiếu hiểu biết; mà tôi nói rằng con người càng tỏ ra thờ ơ khi nắm càng ít lí do thúc đẩy nên lựa chọn cái này thay vì cái kia; điều này, theo tôi, không ai có thể phủ nhận được. Và tôi nhất trí với Cha về việc Cha cho rằng người ta có thể đình hoãn xét đoán của mình; nhưng tôi đã cố gắng giải thích làm cách nào mà người ta có thể đình hoãn xét đoán lại. Bởi lẽ, theo tôi, chắc chắn là khi có ánh sáng lớn trong lương tri thì cũng có thiên hướng lớn trong ý chí (ex magna luce in intellectu sequitur magna propensio in voluntate), cho nên khi ta thấy thật rõ ràng cái gì đó thích hợp với ta thì ta rất khó, thậm chí, theo tôi nghĩ, không thể không thèm muốn nó khi ta còn suy nghĩ theo hướng đó. Nhưng vì bản chất trí óc con người là chỉ chú ý gần như nhất thời đến cùng một sự vật, cho nên ngay khi sự chú ý của ta rời khỏi những lí lẽ cho ta thấy vật đó thích hợp với ta và chúng ta chỉ còn lưu trong trí nhớ rằng vật đó đáng ham muốn, thì trong óc ta nảy sinh ra lí lẽ khác làm ta nghi ngờ điều đó, và từ đó đình hoãn suy xét, thậm chí có khi tạo ra suy xét trái ngược. Bởi thế, vì Cha không coi tự do như thuộc tính của thờ ơ mà thuộc vềmột quyền năng thực sự và tích cực để tự định đoạt, nên sự khác biệt ý kiến giữa chúng ta chẳng qua là tên gọi sự vật mà thôi; bởi lẽ tôi thừa nhận rằng cái quyền năng đó nằm trong ý chí. Nhưng vì tôi không thấy quyền năng đó khi đi kèm sự thờ ơ có khác biệt với khi không đi kèm, sự thờ ơ mà Cha cho là một sự thiếu hoàn thiện, và vì không có gì trong lương tri ngoài ánh sáng, giống như lương tri của những người được ban phước, nên tôi gọi một cách tổng quát tự do là tất cả cái gì thuộc về ý chí còn Cha lại muốn hạn chế từ ngữ này vào quyền năng tự định đoạt, là quyền năng có kèm theo thờ ơ. Nhưng về các tên gọi, tôi không muốn gì hơn là tuân theo tập quán và khuôn mẫu.

Đối với loài vật không có lí trí, hiển nhiên là chúng không có tự do, vì chúng không có quyền năng tự định đoạt một cách tích cực; nhưng đối với chúng, không bị cưỡng bức hay bắt buộc là một sự phủ định đơn thuần.

Trước đây không có gì cản trở tôi bàn về quyền tự do theo cái tốt hay cái xấu của chúng ta, có điều tôi đã cố hết sức tránh những tranh luận thần học, và chỉ muốn giới hạn vào triết học tự nhiên. Nhưng tôi xin thú thật với Cha rằng trong mọi trường hợp phạm tội đều có sựthờ ơ; và tôi không tin rằng, để làm điều xấu, nhất thiết phải thấy rõ điều đang làm là xấu; chỉcần nhìn thấy việc làm ấy một cách mơ hồ hoặc nhớ rằng việc làm ấy ngày xưa được coi là xấu mà hoàn toàn không trông thấy nó, nghĩa là không lưu ý đến những lí do chứng minh điều ấy là xấu; bởi lẽ, nếu ta thấy rõ điều xấu thì làm sao ta phạm tội được, trong suốt thời gian ta thấy nó như vậy; vì lẽ đó mà người ta nói “bất kì kẻ nào phạm tội đều do dốt nát mà ra” (omnis peccans est ignorans). Và đáng khen biết bao những ai thấy rõ điều phải làm và thực thi chúng bằng được, không chút thờ ơ, như Đức Chúa Jésus-Christ đã từng làm trên cõi đời. Bởi lẽ con người không phải lúc nào cũng có thế quan tâm đầy đủ đến việc mình phải làm; cho nên, nếu con người làm được điều đó và, bằng cách ấy, buộc ý chí tuân thủ thật sát ánh sáng lương tri đến mức loại bỏ hoàn toàn thờ ơ thì quả là một hành động tốt. Vả lại, tôi không hề viết rằng sự ban phước của Thượng đế làm ta hết thờ ơ; mà nó chỉ làm ta nghiêng nhiều về phía này hơn phía kia mà thôi, và qua đó, làm giảm bớt thờ ơ, dầu không giảm bớt tự do; theo tôi, từ đó suy ra rằng tự do không liên quan đến thờ ơ.

Về khó khăn trong quan niệm rằng Thượng đế tự do và thờ ơ khi định rằng tổng ba góc của một tam giác là hai vuông, hoặc nói chung những điều mâu thuẫn không tồn tại cùng nhau, là sai, ta có thể khắc phục dễ dàng khi nhận định rằng quyền năng của Thượng đế là vô biên; thêm vào đó, ta cũng nhận định rằng trí tuệ của ta hạn hẹp, và về bản chất được tạo ra đểchỉ có thể quan niệm là khả dĩ những sự việc mà Thượng để muốn chúng thực sự khả dĩ, chứkhông phải để cũng có thể quan niệm là khả dĩ những sự việc mà Thượng đế có thể biến thành khả dĩ nhưng Người đã muốn chúng thành bất khả. Bởi lẽ, nhận định thứ nhất cho chúng ta thấy rằng Thượng đế không thể quyết định để những mâu thuẫn có thể tồn tại cùng nhau là đúng, và do đó, Người đã có thể làm ngược lại; còn nhận định thứ hai bảo đảm với chúng ta rằng, mặc dầu điều đó đúng, chúng ta không nên cố gắng tìm hiểu, vì bản chất ta không có khả năng. Và dầu Thượng đế muốn cho một vài chân lí nào đó là tất yếu, thì không có nghĩa là Người tất yếu muốn chúng: bởi lẽ giữa việc muốn những chân lí đó là tất yếu, và tất yếu muốn điều đó, hoặc trong hoàn cảnh tất yếu phải muốn điều đó là hoàn toàn khác nhau. Tôi công nhận rằng có những mâu thuẫn quá sức hiển nhiên khiến mỗi lần ta hình dung chúng trong đầu đều thấy chúng phi lí hoàn toàn, cũng giống như câu Cha đưa ra: “Lẽra Thượng đế đã có thể tạo nên những sinh linh không phụ thuộc vào Người”. Ta không được hình dung một điều như vậy, vì Thượng đế có quyền uy bao la vô hạn và không có gì phân định lí trí và ý chí của Người, bởi lẽ quan niệm của chúng ta về Thượng đế cho ta thấy ởNgười chỉ có một hành động duy nhất, thật đơn giản và thuần khiết, được Thánh Augustin diễn đạt rất hay như sau: Vì Người thấy sự vật, sự vật tồn tại (Quia vides ea, sunt), vì đối với Thượng đế thấy và muốn (videre, velle) chỉ là một mà thôi.

 


Nguồn: René Descartes và tư duy khoa học. Trương Quang Đệ dịch và giới thiệu. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2000, tr. 95-98.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt