Thuyết Duy lý

Leibniz

 

LEIBNIZ

 

JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)

Vũ Hoàng Lan Phương dịch

 


Vũ Hoàng Lan Phương trích dịch từ Johannes Hirschberger. The History of Philosophy. Volume 2. USA: The Bruce Publising Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.


 

Gottfried Wilhelm Leibniz 

 

Vào ngày 10, tháng 1, năm 1714, Leibniz đã viết cho Remond rằng: “Trong một thời gian dài, tôi đã nỗ lực đưa chân lý vốn từ lâu bị chôn vùi trong những quan điểm phân tán của các trường phái triết học khác nhau ra ánh sáng, và cố gắng hòa giải chúng với nhau”. Mô tả ông đưa ra về bản thân mình qua những lời này trùng khớp với mô tả của lịch sử triết học về ông: nhà tư tưởng vượt thời gian và vượt trên mọi trường phái, người đã xem xét chân lý vĩnh hằng với tính đơn giản cổ điển.

Leibniz là một thiên tài toàn diện, thông thạo về mọi loại tri thức có thể nhận thức được và sáng tạo trong hầu hết mọi lĩnh vực. Trong địa hạt toán học, ông khám phá ra những phép tính vi phân; trong vật lý, ông là người đầu tiên nói về định luật bảo toàn năng lượng; trong lĩnh vực lôgic học, ông được công nhận là một trong những người sáng lập nên lôgic học biểu trưng hay lôgic học toán học; trong tâm lý học, ông phát hiện ra cái “vô thức”; trong lĩnh vực lịch sử, ông là một mẫu mực vì cách thức sử dụng nguồn tư liệu chỉn chu và hàn lâm của mình; trong thần học, ông biên soạn công trình bênh vực cho Thượng đế có chất lượng tốt hơn nhiều so với những công trình của các nhà thần học chuyên nghiệp; trong kinh tế học, ông phát triển một loạt những khuyến nghị cho ngành công nghiệp mỏ, thủy lợi, nông nghiệp và những ngành khác. Ngoài ra, ông còn là nhà luật học lỗi lạc quan tâm đến việc mang lại một nền tảng triết học sâu sắc hơn cho ngành luật học. Để thúc đẩy khoa học, ông bận rộn với những kế hoạch lớn lao về văn hóa và về việc sáng lập các học viện, và ông chính là viện trưởng đầu tiên của Viện Hàn lâm nước Phổ do ông thành lập.

Giữa những mối bận tâm đa dạng của mình, ông tìm cách trao đổi thư từ trên diện rộng với những nhân vật quan trọng nhất trong thời đại của ông, đó là những nhà ngoại giao, các bộ trưởng và những vị quan tòa. Ông góp phần làm phong phú đời sống chính trị bằng những ý tưởng của mình, và không giống bất kỳ người nào khác, ông đấu tranh cho sự thống nhất của phương Tây chủ yếu thông qua những nỗ lực mang lại sự hợp nhất giữa hai cộng đồng Kitô giáo lớn.

Song, con người đích thực của Leibniz không phải là nhà thông thái hay nhà ngoại giao quốc tế, mà là một nhà triết học. Ông có cùng quan niệm về triết học với Aristotle, coi nó như là “yêu sự minh triết”. Ông xem triết học như sự thông thái tìm kiếm những nguyên lý nền tảng và đầu tiên cho mọi thực tại vì chân lý và sự thiện. Do đó, Leibniz ở trong truyền thống siêu hình học và đạo đức học của phương Tây như là người thừa kế hợp thức của Thales và Plato. Ông là một trong những mắt xích vững chắc nhất trong chuỗi lý luận triết học bắt đầu từ thời cổ đại kéo dài qua thời Trung cổ đến thời hiện đại. Chính Leibniz là người đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của Nicholas xứ Cusa (xem tập I, phần II, mục 2, chương 22: Phái Kinh viện giai đoạn sau: Từ Ockham đến Cusanus, tiểu mục II: Nicholas xứ Cusa), và cũng chính Leibniz là người đã trao truyền thức nhận của các triết gia Kinh viện cho những nhà tư tưởng sau này. Vì thế, triết học của ông xứng đáng được gọi là triết học vĩnh cửu (philosophia perennis).

Gottfried Wilhelm Leibniz sinh năm 1646 tại Leipzig. Năm mười lăm tuổi, ông nhập học tại Đại học Leipzig, nơi ông sớm bắt đầu nghiên cứu về siêu hình học khi khoa học này được phát triển bởi những triết gia Kinh viện giai đoạn sau (xem tập 2, mục 1, chương 5: Chủ nghĩa Kinh viện thời Phục hưng). Những bài giảng của E. Weigel tại Đại học Jena đưa ông tiếp xúc với các khoa học tự nhiên hiện đại lấy cảm hứng từ siêu hình học. Năm 1663, ở tuổi mười bảy, ông thực hiện một luận văn đáng chú ý cho bằng cử nhân của mình tại đại học Leipzig với nhan đề Tranh luận Siêu hình học về Nguyên tắc của cái Cá thể (Metaphysical Disputation on the Principle of the Individual/ Latinh: De Principio individui). Khi lựa chọn nhan đề này, Leibniz đã bộc lộ mối quan tâm ban đầu với vấn đề trung tâm cho toàn bộ triết học của ông, đó là bản tính của cái cá thể, một vấn đề bị Spinoza bỏ qua một cách triệt để. Ở tuổi hai mươi, ông lấy bằng tiến sĩ luật học của Đại học Aldorf và được mời trở thành giáo sư của đại học này. Tuy nhiên, ông từ chối lời mời này, và theo lời khuyên của Nam tước Johann von Boineburg, người ông đã giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết trong suốt cuộc đời mình, ông tham gia phục vụ cho Tuyển hầu tước xứ Mainz (Mayence), Giám mục Johann Philip Schӧnborn, người có vai trò nổi bật trong đời sống chính trị ở thời đại của ông.

Ngay từ đầu, Leibniz tỏ ra rất hứng thú với vị trí mới của mình. Thông qua sự bảo trợ của Tuyển hầu tước, ông tham gia cả vào đời sống văn hóa lẫn đời sống chính trị của thời đại. Năm 1672, ông đến Paris theo lời khuyên của Boineburg và ở đó, ông nỗ lực thuyết phục vua Louis XIV cho tiến hành dự án nghiên cứu về Ai Cập với hy vọng rằng đức vua sẽ từ bỏ kế hoạch chống lại người Hà Lan và người Đức. Song, Leibniz đã không thành công trong việc thuyết phục đức vua. Trong giai đoạn lưu lại nước Anh, ông làm quen với một nhóm các nhà khoa học, toán học và vật lý học quan trọng như là Huyghens và Mariotte, các triết gia trường phái Descartes và Augustinus, Malebranche và Arnauld, và nhiều đại diện của thuyết nguyên tử mang tính cơ giới và thuyết duy vật theo kiểu Gassendi và Hobbes. Khi ở Anh, ông cũng giao du với những người trong Hội Hoàng gia và làm quen với các ngành khoa học tự nhiên như Boyle và Newton. Năm 1676, khi quay về Đức sau thời gian ở Pháp, ông đi qua Hà Lan, ghé thăm Spinoza ở đó. Tất cả những điều này đã kích thích ông một cách mạnh mẽ. Tại Paris, Leibniz khám phá ra phép tính vi phân. Tuy nhiên, Newton đã đi trước ông một bước trong khám phá này, song Leibniz không biết gì về việc đó. Dù thế nào, ông cũng đã xuất bản công trình của mình về chủ đề này vào năm 1684 trong khi đến năm 1687 thì Newton mới công bố công trình của mình. Hiển nhiên sau đó đã xảy ra sự tranh chấp gay gắt liên quan đến thứ tự trước sau của khám phá.

Từ năm 1676 về sau, Leibniz đảm nhận cả vị trí thủ thư và cố vấn cho triều đình Hanover. Bất chấp những nhiệm vụ của mình, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu về lịch sử của dòng họ Welfs, và cũng dành thời gian cho những nghiên cứu lịch sử. Ông xuất bản rất nhiều và viết còn nhiều hơn. Ông gác điều này qua một bên và nhanh chóng quên đi. Ông giữ liên lạc với nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, nhất là với những người bạn và người quen của ông ở Berlin, Vienna, và St. Petersburg, tiếp tục trao đổi trao đổi thư từ với số lượng khổng lồ, dự tính hết kế hoạch này đến kế hoạch khác. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông với triều đình ngày càng trở nên lạnh nhạt và bất hòa. Trước khi qua đời vào năm 1716, ông gần như trở thành người sống ẩn dật, và sự nghiệp đời ông vẫn còn dang dở. Thậm chí cho đến ngày nay, ta vẫn không có được ấn bản hoàn thiện về các tác phẩm của ông. Viện Hàn lâm Khoa học nước Phổ đã bắt đầu thực hiện một ấn bản hoàn chỉnh, quan trọng về những tác phẩm của Leibniz, nhưng dự án lại được tiến hành với tốc độ rất đáng thất vọng. Ấn bản Tất cả trước tác và thư từ (Sämtliche Schriften und Briefe) (1925) này bao gồm bốn mươi tập, nhưng hiện nay mới chỉ có bốn tập trong các lĩnh vực lịch sử và chính trị được xuất bản mà thôi.

Những công trình triết học quan trọng nhất của Leibniz là: Luận văn về Siêu hình học (Discourse on Metaphysics) (1686); Hệ thống mới của Tự nhiên và Sự giao tiếp của những Bản thể (New System of the Nature and Communication of Substances) (1695); tác phẩm Những Tiểu luận mới Liên quan đến Giác tính của Con người (New Essays Concerning the Human Understanding) (được biên soạn năm 1704, xuất bản năm 1765) chứa đựng phân tích phê phán của ông về thuyết duy nghiệm của Locke; trong tác phẩm Những Tiểu luận về Biện thần luận (Essays on Theodicy) (1710), ông đáp trả thách thức của Bayle rằng cái thiện và quyền năng của Thượng đế không thể được hòa giải kiểu duy lý theo quan điểm về cái ác; tác phẩm Những nguyên tắc của Tự nhiên và Ân sủng (Principles of Nature and Grace) (1714), là một tóm tắt về triết học ông dành tặng riêng cho Hoàng tử Eugene; và cuối cùng là tác phẩm Đơn tử luận (The Monadology) (bản dịch tiếng Đức xuất bản năm 1720, bản gốc tiếng Pháp xuất bản năm 1840).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt