Tạp chí Nam Phong, số 5, tháng 11 năm 1917
PHƯƠNG PHÁP LUẬN Sách triết lý của Pháp nho Descartes nhất danh là “Sách dạy dùng trí tuệ cho phải đường cùng tìm chân lý trong các khoa học”[1] PHẠM QUỲNH dịch nôm
CHƯƠNG THỨ III TÓM LƯỢC ĐẠI Ý. – Trước khi đem ứng dụng cái phương pháp của ông, ông muốn định cách cư xử ở đời thế nào. – Ông bèn đặt ra một cái luân lý riêng có ba điều sau này: - 10 Đối với xã hội thì phần nhiều người ăn ở thế nào thì mình nên theo mà ăn ở như thế: đừng trái luật lệ nước nhà, vâng theo tôn giáo tổ tiên. – Dù vậy, cũng phải tùy nghi châm chước, không nên quá theo người mà bỏ mất cái tự do của mình. – 20 Đối với mình thì đã quyết định làm sự gì phải nhất tâm mà làm cho được, không nên do dự. – Thí dụ như người đi rừng lạc đường, không đi rấn lên thì không bao giờ ra khỏi rừng được. – 30 Đối với sự họa phúc, cái may rủi, cuộc thăng trầm ở đời, thì mình nên trị trong lòng trước, mà cố giữ lấy cái thái độ bình tĩnh trang nghiêm. – Làm thế nào mà trị được trong lòng? Cái “chí muốn” (volonté) là do cái “trí biết” (entendement) mà ra. Trong bụng mình có “biết” sự gì là có thể mong được thì mình mới muốn sự ấy, nhưng khi có “biết” nhầm, “biết” nhầm là do “xét” nhầm. Như thế thì trước nhất phải chữa lấy cái trí “phán đoán” (jugement” của mình đã. Mình “xét” phải đường thì mình “muốn” cũng phải đường, “muốn” phải đường tất “muốn” sao được vậy, “muốn” sao được vậy tất được mãn ý mà không phải khổ sở. - Ấy là cái cách cư xử ở đời như thế, những muốn cho đời mình được hoàn toàn thì phải đặt cho nó cái mục đích cao thượng. Mục đích ấy là dùng đời người để học cho tới chân lý. – Muốn học cho tới chân lý không thể học bằng sách được, phải du lịch cho rộng kiến văn. – Bởi vậy ông lại bắt đầu đi du lịch trong chín năm nữa, đến khi giở về tìm nơi tĩnh mịch mà tổ chức cái tư tưởng mình thành một nền triết học mới.
Vả sau nữa, như muốn sây lại cái nhà mình ở, trước phải phá nó đi, phải trử sẵn tài liệu, phải thuê người đặt kiểu nhà, hoặc tự mình đặt lấy, rồi lại phải vẽ nó ra cho cẩn thận; nhưng bấy nhiêu thứ cũng chưa đủ, còn phải kiếm lấy một cái nhà khác có thể ở được tiện lợi trong khi chữa cái kia. Bởi thế nên tuy về đường tư tưởng tôi còn phải do dự không dám quyết đoán sự gì, tôi muốn cho về đường thực sự không đến nỗi phải do dự như thế, mà được sống ở đời cũng sung sướng như ai, tôi bèn đặt sẵn lấy một cái luân lý riêng, chỉ gồm lại có ba bốn điều như sau này, xin kể ra để các ông biết. Điều thứ nhất là phải tuân theo pháp luật lề thói trong nước tôi, nhất tâm giữ lấy cái đạo mà Giời đã cho tôi được học từ thủa nhỏ và phàm xử trí việc gì cũng theo lấy cái ý kiến trung bình, chớ nên thái quá bao giờ, xét trong những người mình phải ăn ở cùng, xem người nào là phải chẳng hơn thì mình theo; vì rằng bấy giờ tôi đã bắt đầu không coi cái ý kiến riêng của tôi vào đâu rồi mà muốn đem ra sát hạch lại cả, như thế thì tưởng không gì bằng cứ lấy cái ý kiến của người nào là người phải chẳng hơn mà theo. Mà những người khôn ngoan phải chẳng thì dẫu ở nước Ba-tư hay nước Chi-na cũng chẳng kém gì nước ta, song tôi thiết nghĩ rằng muốn cho ích lợi hơn thì phải theo những người nào là người mình phải ăn ở cùng hơn là người khác, mà muốn biết cái ý kiến thực của những người ấy thì nên xét việc họ làm hơn là nhời họ nói; vì rằng ở thời phong hóa suy đồi này không những là ít người nói rõ cho người biết cái ý mình nghĩ thế nào, mà lại cũng không mấy người biết chính trong bụng mình nghĩ thế nào nữa, là bởi cái bụng tin một sự gì với cái trí biết rằng mình tin sự ấy, hai cái thực là khác nhau, thường có cái nọ mà không có cái kia vậy. Lại trong nhiều cái ý kiến nên theo thì tôi chỉ chọn lấy cái trung bình mà thôi, bởi thường là cái dễ theo hơn cả, có nhẽ là cái hay hơn cả nữa, vì phàm ý kiến quá đáng vẫn không tốt bao giờ; không những thế, lại còn bởi là tôi có ý giữ gìn cho phòng khi nhầm nhỡ khỏi đến nỗi sai lạc quá, vì đứng nước giữa còn hơn là đứng về đầu này mà thành ra đầu kia mới phải; nhất là những khi theo người mà đến nỗi mất cái tự do của mình thì tôi cho là sự thái quá cả: không phải là tôi không ưng những pháp luật muốn chữa lại cái tính bất chắc của những kẻ nhu nhược, khiến cho khi nào có cái mưu gì tốt, hoặc là chỉ có cái mưu tầm thường thôi, nhưng muốn cho sự giao dịch được chắc bằng, thì phải nguyện ước, hoặc làm khế văn, bắt phải nhất tâm mà theo như thế. Nhưng thực là bởi tôi trông thấy ở đời không có một sự gì là không thay đổi, mà về phần riêng tôi thì tôi tự ước muốn sửa sang lại cái trí phán đoán của tôi cho mỗi ngày một hay hơn lên, chớ không phải là một ngày một hư đi, nên tôi thiết tưởng rằng nếu phàm cái gì trước tôi đã cho làm phải, đến sau hoặc nó không được như thế nữa, hoặc tôi không tin như thế nữa, mà tôi vẫn cứ phải cho là phải mãi, thì tôi tự lấy thế làm phạm lỗi to với cái nhẽ như vậy. Điều thứ hai là phàm làm việc gì tôi cũng cố cho rất kiên nhẫn quả quyết, dù là cái ý kiến rất hồ nghi nữa, đã định theo cũng phải nhất tâm mà theo như là cái ý kiến đã chắc bằng vậy, khác nào như người khách lữ hành kia đương khi lạc ở giữa rừng, không nên đi quanh quẩn, đi ngược rồi lại đi suôi, cũng không nên đứng quanh co một chỗ, phải cứ đi thẳng về một phía nào đó mà đừng có vì cái cớ nhỏ gì đổi sang phía khác, dù cái phía mình đi ấy là tình cờ mà đi nữa cũng mặc lòng; vì cứ như thế nếu không đi được đến cái nơi mình định đi, cũng là đến được một chỗ nào, chắc còn hơn là ở giữa rừng. Việc đời cũng vậy, nhiều khi không thể trì hoãn được; ta đã không có cái tài biện biệt được cái ý kiến nào là chân chính, thì cái nào xem ra có nhẽ phải hơn ta nên theo, hoặc trong bấy nhiêu cái không có cái nào là có nhẽ phải hơn cái nào, ta cũng phải quyết theo một cái nào đó, mà từ đấy coi cái ấy là về đường thực hành không còn hồ nghi gì nữa, cho là chắc bằng chân thực, vì cái nhẽ nó khiến ta theo ấy cũng là chân thực vậy. Nhờ đó mà trong lòng tôi khỏi những sự ăn năn hối hận là cái vạ thường của những kẻ nhù nhờ nhu nhược, khí khí bất chắc, đã lấy việc gì là phải mà làm, đến sau lại cho là không phải. Điều thứ ba là phải cố tự thắng đoạt lấy mình, hơn là mong thắng đoạt cái vận mệnh, tự thay đổi cái lòng dục vọng của mình hơn là mong thay đổi cái trật tự của thế giới; cùng đại để phải tự tin trong bụng rằng không có cái gì nó thuộc hẳn về quyền ta bằng cái tư tưởng của ta, như thế thì đối với những sự vật ở ngoài nến ta đã hết sức mà không được là những sự quyết nhiên không được, ta không nên mong mỏi làm gì. Cứ như thế cũng đủ khiến cho tôi về sau chỉ mong mỏi những sự gì là có thể được mà thôi, mà biết an phận, vì rằng cái chí muốn của ta thường chỉ mong những sự mà cái trí biết ta nó vẽ ra cho là có thể được, như thế thì nếu ta biết quan niệm những sự ở ngoài ta là không thuộc về quyền ta, thì sự gì ta tưởng là cái địa vị ta được, không vì lỗi ta mà thành ra không được, ta cũng không lấy làm tức giận gì, cũng như là ta không lấy làm tiếc giận rằng ta không được làm vua nước Chi-na hay nước Mạc-tây-kha; như thế thì như tục ngữ nói: “Chẳng được tha làm phúc”, đương khi ốm ta không mong khỏe sao được, đương khi ở ngục ta không mong tự do sao được, cũng như là ta không thể ước cho cái thân thể ta cũng thành một chất bất hủ như ngọc kim cương, cũng mọc cánh mà bay lên không, như con chim vậy. Nhưng tôi cũng phải thú thật rằng cần phải tập luyện nhiều, cần phải ngẫm nghĩ nhiều lần, mới có thể quen mà xét sự vật theo phương diện ấy, mà tôi thiết tưởng rằng cái bí thuật của các nhà hiền triết đời xưa, tựa hồ như đã biết thoát khỏi ra ngoài cái quyền vận mệnh giữa lúc đau khổ bần hàn vẫn tự coi mình được khoái lạc hơn bực thần tiên, cũng là bởi đó vậy; vì các nhà ấy bao giờ cũng chăm chỉ nghĩ đến cái giới hạn của Tạo vật đã khu định cho mình, trong bụng đã chắc hẳn rằng ngoài cái tư tưởng mình không có cái gì thuộc quyền mình cả, như thế cũng đủ khiến cho không bận lòng yêu chuộng sự gì cả; mà cái tư tưởng mình thì mình được quyền hoàn toàn mà xử khiến, như thế thì tự coi mình là giầu hơn, mạnh hơn, tự do hơn, sung sướng hơn các người khác, chẳng phải là là nhẽ lắm dư? Những người kia dù giầu sang tài giỏi đến đâu mà không có cái triết học ấy, cũng là không bao giờ được mãn nguyện vậy. Sau hết, tôi muốn tìm một cái kết luận cho cái luân lý của tôi, tôi bèn sát hạch cả cái công việc thường của người đời, để cố chọn lấy việc nào là hay hơn mà theo. Tuy tôi không có ý bình phẩm gì những công việc của người khác, tôi thiết tưởng về phần tôi thì không gì bằng cứ theo cái việc tôi đương làm này, nghĩa là dùng cả cái đời tôi để mà luyện tập lấy cái nhẽ phải của tôi, hết sức mà tiến lên cho gần được cái Chân lý, cứ tuân theo cái phương pháp tôi đã định vậy. Từ ấy, tôi đã được hưởng lắm sự chân lạc lạ thường, thiết tưởng nhân sinh không còn gì sướng bằng. Nhờ cái phương pháp ấy, mỗi ngày tôi tìm được một vài điều chân lý, tôi lấy làm quan trọng mà người thường không mấy người biết, nên trong lòng trong trí tôi rất là khoan khoái, không thiết gì đến các sự khác nữa. Không kể rằng ba điều trên kia tôi đặt ra cũng chỉ là chủ một cái ý muốn học biết thêm, vì Giời đã cho ta chút sáng láng để phân biệt điều phải điều trái, thì tôi tưởng rằng tôi không nên cứ an nhiên mà theo cái ý kiến của người ngoài, phải nên dụng tâm mà sát hạch xem nó thực hư thế nào; dù tôi có theo những ý kiến ấy nữa, tôi cũng mong rằng không vì đấy mà mất cái dịp tìm được những ý kiến hay hơn, có thế thì trong lòng tôi mới khỏi hối hận; sau nữa, nếu tôi có biết theo một con đường nó đủ khiến cho trong bụng tôi vừa mong rộng thêm được tri thức, mà lại vừa mong được hưởng những sự hạnh phúc ở đời, thì tôi mới có thể cầm giữ được cái lòng tham dục của tôi mà mong được bằng lòng thỏa dạ; vì rằng cái chí muốn của người ta, hoặc muốn hoặc không muốn sự gì, cũng là tùy theo cái trí biết nó vẽ ra sự ấy là hay, hay là dở, như thế cứ xét đoán phải bao nhiêu thời càng làm được hay bấy nhiêu, nghĩa là được đủ điều đức hạnh, đủ sự hạnh phúc ở đời; đến kho trong bụng đã chắc hẳn như thế rồi, thì có gì mà chẳng được bằng lòng, mãn ý? Tôi đã cân nhắc mấy điều ấy như thế rồi, cùng đem để riêng ra với những điều giáo lý trong đạo ta là những điều tôi vẫn tin trọng đệ nhất, tôi bèn nghĩ rằng còn đại phàm các ý kiến khác của tôi, tôi có thể tự do mà bãi bỏ đi được cả; muốn khởi hành việc ấy cho dễ thì tôi lại tưởng nên giao thiệp với người đời, hơn là cứ ngồi mãi ở trong cái buồng đốt lò sưởi, là nơi tôi đã bắt đầu khởi ta những cái tư tưởng này; bởi vậy mùa đông chưa hết, tôi lại khởi hành đi du lịch. Từ đấy cho đến suốt chín năm về sau, tôi cứ luân chuyển hết nơi này đến nơi khác, cố ý giữ cái địa vị khách quan mà không muốn ra đóng một vai trong bài tuồng của người đời; cốt nhất là phàn sự gì tôi cũng cố suy nghĩ để xét xem có bề nào là không đủ tin mà đáng nghi ngờ, như thề thì tôi có thể tiệt được hết những sự sai nhầm nó đã lọt vào trong trí tôi từ trước vậy. Không phải là tôi muốn bắt chước cái phái hoài nghi kia, họ lấy sự nghi ngờ làm chủ nghĩa, làm ra mặt bao giờ cũng do dự bất quyết; cái chí tôi quả không phải như thế, tôi chỉ mong tìm được nơi chắc bằng mà nương tựa vào, bỏ chỗ sa lầy mà vào nơi đất dắn. Mà tôi tưởng tôi mong như thế tôi cũng làm được như thế, vì phàm những ý kiến tôi sát hạch lại tôi cố tìm xem vì đâu mà sai nhầm, không phải là ước lượng mà xét, thực là đã suy lý rõ ràng cẩn thận, như thế thì không có ý kiến nào hồ nghi đền đâu mà tôi không suy ra được một câu kết luận chắc bằng, dù câu kết luận là cái ý kiến ấy không có gì đáng tin nữa cũng mặc lòng vậy. Vả khác nào như khi phá một cái nhà cũ, thường vẫn giữ lấy vôi gạch phá ra để dùng vào nhà mới; vậy tôi cũng làm như thế, phàm những ý kiến xét không được chắc bằng mà tôi đem phá hoại đi thì nhân đó tôi nghiệm được nhiều ích lợi có thể dùng mà sáng lập ra những ý kiến khác chính đáng hơn; vả lại tôi vẫn cứ theo một cái phương pháp tôi đã đặt ra đấy: không những là tôi vẫn chăm dùng những phép tắc của cái phương pháp ấy để xử khiến cái tư tưởng của tôi, mà thỉnh thoảng tôi lại để dành một vài giờ, để đem cái phương pháp ấy mà thi hành cho những vấn đề khó giải về số học, cùng cả mấy cái vấn đề khác nữa, tôi trích ở các môn học khác ra mà đem xét theo như số học; tôi có giải một vài cái ở trong sách này. Như thế thì tuy cái cách tôi sống ở đời xem bền ngoài cũng không khác gì những người an nhàn vô sự kia, ngồi không mà phân biệt cái sướng với cái khổ, muốn cho đỡ buồn thì dùng những cách tiêu khiển chân chính, song tôi vẫn không hề quên cái mục đích riêng của tôi là gắng sức cho đạt tới chân lý, mà tôi thiết tưỡng tôi làm như thế có phần lại ích lợi hơn là chỉ biết đọc sách hay là giao du với những người văn sĩ mà thôi vậy. Dù vậy hết chín năm giời ấy, tôi cũng còn chưa quyết định điều gì về những cái vấn đề của các nhà bác sĩ[2] thường tranh biện nhau, mà tôi cũng chưa bắt đầu dựng cơ sở cho một nền triết học mới chắc bằng hơn là một cái triết học thường; lại trông thấy cái gương của nhiều người tài giỏi trước tôi đã mưu việc ấy mà xem ra không thành, tôi tưởng rằng tất nó có nhiều sự khó khăn lắm, nên giả sự tôi không có người phao truyền lên rằng tôi đã giải quyết được cả những vấn đề ấy rồi thì dễ thường tôi cũng chưa dám khởi hành việc ấy vội. Tôi không biết rằng những người đồn như thế là bằng cứ ở đâu, nếu có phải vì nhời nghị luận của tôi mà họ khởi ra cái ý kiến ấy thì thực là trong khi nghị luận tôi thường chỉ lấy lòng thực thà mà thú thật những điều tôi không biết chớ không dám ra mặt học giả, cùng là kể cái nhẽ sở dĩ làm sao mà tôi nghi ngờ những sự mà các người khác cho là chắc bằng cả, chớ tôi không có hề phô phan rằng tôi có một cái học thuyết nào riêng vậy. Nhưng tôi không phải là người có cái bụng sằng, mình chưa được thế mà muốn cho người ta tưởng mình thế, nên tôi tự nghĩ phải hết sức mà làm cho xứng đáng với cái danh tiếng của người ta cho tôi vậy; cũng bởi cái lòng sở muốn như thế mà đến nay vừa đúng tám năm giời tôi quyết định tránh xa những nơi có bè bạn giao du mà đến ngụ cư ở xứ này (đất Hà-lan), là nơi chiến tranh đã lâu thành ra có nền nếp chật tự, quân lính tựa hồ như chỉ nuôi để dùng mà giữ cho người dân được vững lòng mà hưởng sự hòa bình, mà dân thì thực là một dân to nhớn, cần mẫn siêng năng, chỉ chăm chút việc mình, không thóc mách đến việc ngoài; như thế thì mình vừa được hưởng sự tiện lợi những nơi đô thị phiền hoa, lại vừa được hưởng cái thú vắng vẻ những chốn lâm tuyền khoán dã. (Chương thứ tư đến kỳ sau)
NHỜI BÀN CỦA NGƯỜI DỊCH. – Chương sách này là chương hay nhất trong sách Phương pháp luận. Ông Descartes kể cái phép xử thế của ông thế nào. Đọc chương trên thì tưởng như ông thuần giữ hai cái chủ nghĩa “hoài nghi” và “phá hoại”, muốn nhất thiết đạp đổ cả, không biết tin trọng cái gì. Bản tâm ông quả không phải như thế. Ông phá đổ là chủ để dựng thành, không phải là để ngồi ngắm cái cảnh đồ địa làm một sự khoái lạc riêng. Nên sau khi xướng suất sự phá hoại, trước khi khởi hành sự kiến thiết, ông hẵng đặt một cái luân lý tạm thời, tóm lại có mấy điều rất giản dị, rất phải chẳng mà rất khôn ngoan. Ông tự nghĩ rằng người ta đối với cái linh tính mình thì phải cầu cho thực hoàn toàn, không muốn cho hoàn toàn không thể một mai mà đến ngay được. Nếu đợi cho đến ngày cái công tư tưởng học vấn đã thành tựu mới định cái phép xử thế cho đích đáng, thì e rằng hết đời cũng chưa kịp vậy. Mà trong khi mình tư tưởng học vấn ấy thì mình không thể ra ngoài xã hội, ra ngoài nhân loại được. Hằng ngày phải giao tiếp với người đồng loại mình. Làm thế nào cho sự giao tiếp ấy được thích đáng, ích lợi cho mình, mà ích lợi cho người? Thứ nhất là phải cứ theo cái lề lối trong xã hội mình, không nên cưỡng điều gì, phần nhiều người làm thế nào mình cũng làm như thế, miễn là biết tùy nghi châm chước mà đừng nên thái quá bao giờ. Thứ nhì là đã định làm điều gì phải nhất tâm mà làm cho kỳ được: hoài nghi trong tư tưởng thì được, nhưng do dự ở thực sự thì hại, không những là hại đến sự nghiệp, mà lại sinh ra ăn năn áy náy trong lòng. Thứ ba là sự gì cũng nên cầu ở trong lòng mình, không nên mong ở ngoài, vì chỉ có cái tư tưởng mình là mình có thể xử khiến được, ví biết khiến cái tư tưởng mình cho phải đường thì cái lòng dục vọng mình cũng nhân đó mà tiết độ, lòng dục vọng đã tiết độ thì không có mong mỏi những sự quá đáng, không bao giờ phải khổ vì sự thất vọng. Cái phép xử thế ấy chẳng phải là khôn ngoan lắm dư? Trong khi mình đối đãi với người đời một cách thuần cẩn như thế, thì trong óc mình cứ việc mà tư tưởng, lấy công việc mình làm cái đầu bài mà suy nghĩ, coi cuộc đời như một bài tuồng mà đứng xem. Như thế chẳng phải là cái chân khoái lạc của nhà hiền triết dư? Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 5, tháng 11.1917, trang 301-306. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC