Thuyết Duy lý

Duy vật luận nước Pháp (kỳ 3)

 

DUY VẬT LUẬN NƯỚC PHÁP

TRẦN VĂN GIÀU

(NXB. BỘ GIÁO DỤC, VIỆT BẮC, 1949)

 


BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  1. Triết học của Descartes (1596-1650)
  2. Những nghịch lý trong triết học Descartes
  3. Duy vật luận thế kỷ XVIII của Pháp

 

III. DUY VẬT LUẬN THẾ KỶ XVIII CỦA PHÁP

1. Cội rễ lịch sử của duy vật luận Pháp

Chúng ta đã nói rằng sau Descartes, có hai xu hướng, hai môn phái triết học trái nhau, mà cả hai đều tự xưng là tiếp nối Descartes, Leibniz, Malebranche, tiếp nối những ý duy tâm của Descartes, gạt bỏ căn bản duy vật của thầy, và đi đến một nền triết học duy tâm mà ta khó tìm được cái gì giống với học thuyết của bực thầy. Trái lại, những nhà triết học mà ta sắp nói đến đây tiếp nối vật lý học của ông Descartes, mà duy vật, nhà khoa học, nhà triết học của lẽ “sáng suốt”. Họ đều sống và hoạt đông trọng thế kỷ XVIII. Trong thế kỷ này, về mặt quân sự Pháp bị thua mãi, thua to, nhưng về mặt tư tưởng, Pháp dẫn đẩu cho nhơn loại, cho nên Engels đã nói rằng “thế kỷ thứ XVIII  là một thế kỷ Pháp trước hết”.

Sau một thời thống trị của siêu hình và thần học, tư tưởng duy vật của thế kỷ 18, là cả một cuộc cách mạng tư tưởng, cuộc cách mạng tư tưởng ấy là một trong những dấu hiệu của cuộc cách mạng chính trị, xã hội 1789 - 1793. Marx nói:

“Phải giải thích phong trào lý luận ấy bằng tình hình thực tế của xã hội lúc bấy giờ” 1.

Xét cho đến gốc rễ, ta thấy rằng căn nguyên sâu xa của duy vật luận pháp chánh là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong lòng của chế độ phong kiến. Đời sống kinh tế thay cũ đổi mới, thì đời sống tinh thần cũng lấy mới thay cũ. Thần học, siêu hình học của Malebranche, Leibniz bị duy vật luận cơ giới đánh đổ, đó là triệu chứng của cuộc cách mạng tư bản đánh đổ phong kiến sắp đến và sẽ thành công.

a. Kinh tế phát triển, chánh trị bảo thủ

Hồi thế kỷ 17, phần quan trọng nhất của công nghệ và thương mại là ở trong tay của nhà vua chuyên chế, cũng như hầu hết đất cát là ở trong tay của phong kiến. Trong một nước từ tỉnh này qua tỉnh nọ, bao nhiêu trở ngại về thuế vụ, đo lường, hàng hóa khó lưu thông. Chánh phủ nhà vua lại là trụ cột của những công ty thương thuyền trên mặt biển. Nhà vua cũng đặt ra nhiều luật lệ bó hẹp sự phát triển của tiểu công nghệ. Các thủ công xưởng đáng kể đều là của triểu đình, làm việc cho triều đình, lời thì vua ăn, lỗ thì dân chịu.

Chánh trị chuyên quyền, dân chúng nghẹt hơi nín thở. Thành Bastille chờ đón kẻ cứng đầu.

Kinh tế không tự do, sáng kiến bị kìm hãm.

Chánh sách kinh tế này bị thất bại. Lúc ấy, Hà Lan, Anh phát triển mau hơn Pháp. Nhà tài chánh Law thất bại hoàn toàn, giấy bạc lụn bại mất giá mãi, dân chúng khổ sở than oán. Nhà vua gặp phải thất bại liên tiếp trên mặt kinh tế, nên buộc lòng phải rút lui về địa hạt chính trị và xã hội, vô tình hơn là cố ý để cho tư bản phát triển mau hơn trước, cho cá nhơn được nhiều sáng kiến hơn. Công nghệ dệt và kim khí phát triển đồng thời với việc giao thông với các thuộc địa Á châu và Mỹ châu, Nantes, Bordeaux, La Rochelle, St.Malo trở thành những kinh đô của con buôn chạy cuồng theo lợi; buôn bán đường và buôn bán người da đen là hai nguồn lợi chánh. Trong một thế kỷ, nguồn thương mại phát triển lên 5 lần.

Người ta đã bắt đầu dùng máy để kéo chỉ, dệt vải.

Người ta đã bắt đầu mở mang kỹ nghệ kim khí bằng cách dùng than đá mà nấu sắt. Đường cái lớn nối liền tỉnh này với thành nọ, hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn trước.

b. Giai cấp phân hóa thêm rõ rệt

Nói kinh tế phát triển, tức là nói một giai cấp tư bản đã thành hình và càng ngày càng mạnh, càng giác ngộ, càng tin cậy vào sức mạnh của nó, song lúc bấy giờ, tư bản, vô sản, nông dân đều là những lớp người của hàng thứ dân, đối lập với hạng quý tộc phong kiến và giáo sĩ.

Tư bản là giai cấp tiên tiến nhất trong hàng thứ dân, nó đại diện cho tương lai xã hội lúc bấy giờ, nó bực dọc dưới kèm chế chính trị của phong kiến mạnh hơn nó về chính trị mà yếu hơn nó về kinh tế, nó kịch liệt chống độc tài, đòi tự do, tự do đó, nó cho là tự do chung cho mọi người, kỹ thuật là tự do kinh doanh với tự do lưu thông hàng hóa. Nó chống với giáo sĩ nhà thờ, vì nhà thờ, giáo sĩ đứng bên cạnh phong kiến bảo thủ: lạ gì tư bản chống phong kiến, bắt đầu chống nó ở chỗ yếu nhất mà quan trọng nhất là thần bí, siêu hình, mê tín.

Hầu hết các nhà triết học duy vật Pháp hồi thế kỷ thứ 18 đều là con cháu của những người thuộc giai cấp tư bản đương pháp triển mạnh mẽ ấy:

Voltaire là người hằng ca tụng xóm nhà băng Luân đôn, ca tụng sở “Hối đoái” như một cái Đền Thờ Mới, ông xem đám con buôn như những “nghị sĩ” của tứ phương, của các nước tụ họp lại để “làm lợi ích cho con người”. Ông vừa là một văn sĩ, vừa là một tay buôn bán rất thạo nghề.

Maupertius là con của một ông lái buôn hàng hải ở Saint - Malo.

La Mettrie là con của một nhà thương mại Saint - Malo.

Helvétius là một nhà đại phú cũng như Holbach.

Diderot là con của một nhà kỹ nghệ làm dao ở Langres.

Buffon làm chủ một lò nấu sắt ở Montbard.

Điều kiện sanh hoạt vật chất, quyền lợi giai cấp quyết định tư tưởng của họ.

Tranh đấu tư tưởng giữa siêu hình và khoa học, giữa mê tín và duy vật hồi thế kỷ thứ 18 ở Pháp là một hình thái giai cấp tranh đấu giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến. Giai cấp tư sản, đã có ý thức về sức mạnh kinh tế, nổi lên đòi cho được chánh quyền.

c. Khoa học phát triển

Nếu Pierre Bayle có công truyền chủ nghĩa vô thần, lấy triết lý mà đả phá tôn giáo, dị đoan, thì ông Fontenelle có công truyền bá khoa học, dùng khoa học làm cho người ta tin rằng không có ông Thượng đế nào tạo thành và chỉ huy vạn vật; ông đánh đổ thành kiến của những ai xem lời nói và tin tưởng của người xưa đúng hơn là nhận thức mới, ông gieo lòng tín nhiệm đối với tiến bộ của cuộc đời, đối với khoa học.

Ông Newton ra đời với lý thuyết về “vạn vật hấp dẫn”, ông chỉ rằng một vật rơi trên mặt đất với sự vận động của các tinh tú đều cùng một nguyên nhân, cùng theo một quy luật chung.

Tất cả vật lý học và toán học của Newton được đem ra phổ biến, nhất là dưới ngòi bút tinh anh của Voltaire, triết học của Anh được “văn minh hóa” rất nhiều, nghĩa là được người Pháp trình bày có văn chương nghệ thuật, khôn khéo dễ hiểu và nhiều tính chiến đấu.

Học giả Pháp áp dụng nguyên tắc của Newton mà nghiên cứu hình dạng của Trái đất, tìm hiểu trước những nhật thực, nguyệt thực, phát triển cơ giới học (D᾿Alembert), phát triển toán học (Lagrange).

Cũng trong thời ấy, ông Lavoisier sáng tạo ra môn hóa học cận đại, thí nghiệm những sự phân tích và hỗn hợp không khí, đo lường rõ ràng các chất hóa học xưa nay không đo lường được, tìm ra nguyên tắc bảo tồn của vật chất: “không có gì mất đi, không có gì thêm vào”. Ông lại nghiên cứu sự hô hấp của con người và nối liền sự hô hấp (hiện tượng của sinh học) với sự cháy lần của dưỡng khí trong cơ thể (hiện tượng cơ giới và hóa học).

Ông Buffon trong khi nhậm chức vụ giám đốc vườn Bách thảo hoa viên của nhà vua, đã quan sát và mô tả các loài cây cỏ, cầm thú, tìm biết tuổi của Trái đất, biến chuyển của các giống loài, ông dọn đường cho Darwin, ông mở cửa cho khoa học tự nhiên.

Ông Denis Papin nghiên cứu hơi nước sôi và dùng hơi nước sôi cho tàu chạy, mặc dầu các ông chủ quyền sợ sự cạnh tranh của tàu hơi, ta có thể nói rằng D.Papin đã thành công về nguyên tắc và sau đó ông Jeoffroy lại áp dụng ý của D.Papin một cách vẻ vang. Ông Cugnot làm ra chiếc ô-tô đầu tiên. Anh em ông Montgolfier, vốn làm nghề làm giày, đã bom khinh khí nóng vào quả bóng to, bay lên trên không trung lần đầu ở Paris (1783), nghề hàng không bắt đầu từ đó.

Nói chung, các khao học đua nhau phát triển của chủ nghĩa tư bản còn trẻ tuổi. Khoa học phát triển với tư bản phát triển. Tư bản phát triển giúp phần rất lớn vào sự phát triển của khoa học, của sự nhận thức tự nhiên xã hội và con người.

Chính trình độ phát triển của khoa học thời ấy quyết định trình độ phát triển của duy vật luận Pháp hồi thế kỷ 18.

2. Các nhà triết học duy vật Pháp thế kỷ 18

Pierre Bayle (1647 - 1708): Pierre Bayle là người có công lao trước tiên và quan trọng nhất trong công trình đả phá mê tín, duy tâm, dọn đường cho phong trào tư tưởng của thế kỷ 18, cho duy vật luận Pháp, cho phong trào bách khoa. Sanh năm 1647, ông thuộc một gia đình theo đạo Tin lành. Ai cũng biết rằng đạo này lấy tên là “Đạo của những người phản đối”. Trải hàng mấy trăm năm, Thiên Chúa giáo và Giáo hoàng làm bá chủ tâm hồn, trí não của người Âu; như ở Pháp, đạo Thiên Chúa là đạo chánh thức của nhà nước phong kiến. Giai cấp tư bản nảy nở từ trong lòng phong kiến, làm nền tảng xã hội cho phong trào “Phục sinh” trong nghệ thuật và “Cải cách” trong tôn giáo. Ai cũng nhớ phong trào “Cải cách” tôn giáo làm đổ biết bao máu của cả hai phe chánh thống và phản đối, tức là Công giáo và Tin lành. Pierre Bayle là người của đạo Tin lành, ông bị nhà cầm quyền thống trị khủng bố, ông phải trốn qua Hà Lan, ở đó đến chết (1708).

Trong quyển “Tư tưởng gửi cho một ông bác sĩ trường Sorbonne”, viết trong dịp ngôi sao chổi hiện ra hồi tháng 12 năm 1680, ông P.Bayle can đảm công kích những tư tưởng dị đoan. Theo ý người ta lúc bấy giờ, ngôi sao chổi xuất hiện là điểm không lành, là điềm báo tin tai họa lớn sắp xảy ra, ông nhơn cơ hội ấy nhắc đến những “mầu nhiệm” trong đạo Thiên Chúa, ông công kích những cái gọi là mầu nhiệm và công kích luôn tôn giáo nữa. Ông nói:

“Lý trí là tòa án tối cao, nó xử xét lần cuối cùng, xử xét không còn kêu nài, không còn chống án về đâu nữa, xử xét tất cả những vấn đề gì đặt ra trước mắt ta”.

Ông chống lại ý kiến của nhà cầm quyền chánh trị và tâm hồn tức là vua chúa và cha cố, theo các hạng người này, tôn giáo tức là luân lý, ai chống với tôn giáo là chống với luân lý. Trái lại, P.Bayle nói rằng tôn giáo và luân lý là hai điều phân biệt nhau, người theo tôn giáo không nhất thiết là người có đạo đức luân lý, còn người theo chủ nghĩa vô thần, người không theo một tôn giáo nào, rất có thể là người có luân lý đạo đức chân chánh, chủ nghĩa vô thần đâu có hạ thấp phẩm giá con người như cha cố, vua chúa thường nói, trái lại, chính tư tưởng hữu thần, tôn giáo, dị đoan, lễ bái làm bớt hay là mất phẩm giá của con người.

Một xã hội của con người vô thần rất có thể sống theo nguyên tắc đạo đức luân lý cao; tôn giáo không phải là một sợi dây kềm hãm được dục vọng của chúng ta, người ta có thể vừa là một người rất mộ đạo vừa là một người rất tồi bại. Bayle nói như vậy.

Tôn giáo bị đả phá kịch liệt lần đầu tiên.

Quyển sách quan trọng nhất, nhiều ảnh hưởng nhất của P.Bayle là quyển “Tự điển lịch sử và phê bình”, trong đó ông vạch những sai lầm và thiếu sót về tư tưởng tín ngưỡng của thời đó. Ông viết một cách rất khôn khéo, một mặt là không thể để kẽ hở cho nhà vua và nhà thờ cấm xem hay đem thiêu hủy, một mặt làm cho độc giả, sau khi đọc xong quyển sách, thế nào cũng nghi ngờ tôn giáo và đạt được tới ý chánh là các tôn giáo đều phải rộng lòng tha thứ lẫn nhau để ai nấy được tự do tín ngưỡng hay tự do không tín ngưỡng. Theo ngày nay thì ý ấy không có gì lạ, song vào thời cuối thế kỷ 17, đầu 18, lúc cả hai đạo đều thi nhau hẹp lượng, cho đến chém giết nhau, thì một tư tưởng tự do rộng lượng như tư tưởng của P.Bayle, có thể gọi là cách mạng rồi. (Hồi những năm 30 của thế kỷ 20 ở Việt-nam, nhà sư Lê Khánh Hòa của Lưỡng xuyên Phật học tỉnh Trà Vinh thường hay trích dẫn P.Bayle một cách kính trọng).

Marx nói:

“Người Pháp trình bày, giải thích duy vật luận Anh một cách có nghệ thuật, họ làm cho duy vật luận Anh có thịt có máu, và hùng biện”.

Locke phản đối “ý kiến trời cho” của Descartes, ông nghĩ rằng con người mới sanh ra, trí não trống không, như một tờ giấy trắng. Kinh nghiệm của cảm giác là một, suy xét của tự mình là hai, cả hai sanh ra ý kiến và tư tưởng, trước có cảm giác sau mới có nhận thức. Nếu ta đi tới một bước nữa thì có vật chất mới có cảm giác và mới có nhận thức.

Condillac (1744 – 1780): Tiến tới trước một cách triệt để hơn Locke, nhà khoa học và triết học Anh. Theo Locke, ý kiến và tư tưởng chỉ bắt nguồn ở một chỗ mà thôi, ấy là cảm giác, vì suy tưởng cũng do cảm giác mà ra, hay nói khác hơn, suy tưởng là một thứ cảm giác biến hình. Theo ông, trong siêu hình học cũng như trong luận lý học, chúng ta có thể suy luận một cách chắc chắn, đúng đắn như trong hình học .

Condillac tiến xa hơn Locke ở chỗ ông nghiên cứu quá trình sanh ra trí nhớ, trí tưởng tượng, óc suy luận, ngôn ngữ v.v… chứng tỏ rằng sở dĩ con người có trí khôn là nhờ cả một kho kinh nghiệm do hoàn cảnh tạo ra, hoàn cảnh tự nhiên và nhất là hoàn cảnh xã hội.

Nếu quả như thế thì con người có thể cải tạo được con người; trí tuệ, tính tình của ta nào phải là bất di bất dịch, nó thay đổi tùy theo sự thay đổi của hoàn cảnh. Vậy ta phải tạo được hoàn cảnh ấy ta mới có thể cải tạo ta được, ta mới có thể cải tạo được con người. Về sau Marx nói:

“Nếu nhận thức, cảm giác v.v… đều do thế giới vật chất và do kinh nghiệm của thế giới vật chất ấy mà ra, thì ta cần phải tổ chức thế giới kinh nghiệm làm sao cho trong thế giới ấy ta tìm thấy và tiếp nhận những cái gì thật là nhơn đạo, làm sao cho con người tự nhận thức là con người. Nếu quả cơ hội đã tạo ra con người thì ta phải đào tạo ra cơ hội một cách nhơn đạo”.

Nói khác hơn, tánh tình, trí tuệ của con người tốt hay xấu, hay hay dở, đều là do hoàn cảnh xã hội trước hết, cho nên muốn cho con người tiến bộ theo đường tốt, thì trước hết phải cải tạo xã hội theo đường tốt.

Marx bảo cần cải tạo hoàn cảnh “một cách nhơn đạo”. Đây là lối dạy bảo của nhà cách mạng, một vị thánh hiền. Phải động cũng biết cải tạo con người theo đường xấu bằng cách cải tạo hoàn cảnh một cách vô nhơn đạo. Trái lại, mục đích của nhà tư tưởng duy vật là lam sao nâng cao giá trị của con người.

D᾿Holbach (1723 - 1789): Nếu Condillac trước là một thầy tu sau làm gia sư dạy con của bá tước De Parme, thì Holbach là một người giàu có lớn, tiếp đãi bạn bè rất trọng hậu, như Mạnh thường quân, đến đỗi người lúc đó đặt cho ông cái mỹ danh là “ông chủ quán của các nhà triết học”. Ông viết nhiều sách chống tôn giáo, quyển trứ danh hơn hết là quyển “Hệ thống tự nhiên”, ông lấy tên một văn sĩ đã chết để ký vào tác phẩm cho khỏi bị truy nã; trong sách ấy, công trình bày có đầu đuôi cả triết học duy vật luận của ông.

Cứ theo Holbach thì, nếu nhà tư tưởng vẽ vời ra một hệ thống triết học theo ý tưởng tượng của mình thì không khỏi bị sai lầm mãi mãi. Muốn nhận thức chắc chắn, thì phải căn cứ vào kinh nghiệm thực tế, phải tìm hiểu sự vật bằng cách nghiên cứu sự vật, không nên tìm giải thích sự vật bằng một lực lượng nào bên ngoài sự vật. Có người trông thấy trật tự, thời tiết trong tự nhiên, rồi tưởng rằng đó là bằng chứng có Thượng đế sắp đặt khôn khéo như vậy; nhưng nếu ta giải thích trật tự, thời tiết của tự nhiên bằng bản tánh của vật chất, bằng luật vạn vật hấp dẫn thì Thượng đế sẽ không còn lý do tồn tại nữa.

Cũng theo ông, nguyên tắc của tôn giáo trái với nguyên tắc của luân lý tự nhiên; tôn giáo muốn cho người ta đừng muốn cái gì mà người ta tự nhiên phải muốn, tôn giáo bày đặt ra những hình phạt và khen thưởng tưởng tượng để giữ những nguyên tắc trái với luân lý tự nhiên; tôn giáo chẳng những tiêu biểu cho sự bất lực của con người trước tự nhiên, nó cũng là một sáng chế tai hại của các thầy tu, ông nói:

“Luân lý thật sự, cũng như chánh trị thật sự, là luân lý nào tìm cách làm cho con người hiệp lực để cùng nhau làm việc cho hạnh phúc chung”.

Helvétius (1715 – 1771): Cũng như D᾿Holbach, ông là một nhà đại phú và cũng như D᾿Holbach, ông hết lòng bảo trợ các nhà triết học trong nhóm bách khoa. Quyển “Luận về tinh thần” của ông bị nhà vua bắt phải thiêu hủy. Ông muốn nghiên cứu luân lý như người ta nghiên cứu các khao học khác. Ông muốn dựng luân lý học trên một nền tảng khoa học, khác với “nền tảng” tôn giáo của luân lý xưa nay. Nói tôn giáo là nền tảng của luân lý thì khác nào nói bãi cát lớn là nền tảng của nhà lầu. Người sanh ra, ai cũng tốt, tại xã hội, tại giáo dục mà con người hóa ra hay thêm hoặc dở xuống, tinh thần có tánh cách xã hội trước hết. Hạnh phúc xã hội trước hết là tùy lối giáo dục, tuy pháp luật, pháp luật không tốt, giáo dục hư hỏng thì con người khổ sở; ông giáo sư và người lập luật là hai người có trách nhiệm hơn ai cả về sướng, khổ của loài người, ông nói:

“Gần hết nhơn loại bị khổ sở là tại pháp luật của họ chưa hoàn mỹ, tại của cải chia phân quá bất đồng; gần hết mọi nơi, xã hội chia ra làm hai hạn công dân: một hạng thiếu đồ cần dùng, một hạng thì dư dả… Làm sao để lập lại hạnh phúc?. Phải bớt cái giàu có của hạng này, tăng của cải của hạng kia, làm cho kẻ nghèo khổ đủ ăn, đủ mặc, chỉ làm 7, 8 giờ mà cả gia đình sống đầy đủ”.

La Mettrie (1709 - 1851): Là một vị y sĩ, ông bị trục xuất ra khỏi Pháp, ông sang Hà Lan, rồi lại bị trục xấut ra khỏi Hà Lan, rốt cùng, ông qua trú ngụ ở Bá Linh với vua Frédérie II. Cũng như y sĩ Leroy, ông La Mettrie tin rằng conn người chỉ là một chiếc máy phức tạp và tinh xảo mà thôi. Ta nhớ rằng Descartes tin rằng con thú là một chiếc máy. Theo ông, hành động, cơ năng, hoạt bát, cho đến tư tưởng tư tưởng của con người đều do những nguyên nhân cơ giới.

Lúc đó có nhà kỹ sư Vancanson chế ra con người máy, cử động được cho nên có nhiều người tin vào ý kiến táo bạo của La Mettrie.

Montesquieu (1689 - 1755): Chuyên nghiên cứu những quan hệ giữa người và người, tức là quan hệ xã hội. Trước ông làm chủ tịch nghị viện Bordeaux, ông bán chức vụ của ông để có thời giờ du lịch khắp Âu châu, quan sát tình hình chính trị các nước và nghiên cứu các hình thức chánh quyền. Hai quyển sách nổi tiếng của ông là: “Luận về những nguyên nhân hưng vong của La Mã” và “Tinh thần của pháp luật”. Ông muốn nghiên cứu sự tổ chức và phát triển của xã hội loài người. Ý kiến quan trọng của ông là thế giới biến hóa không phải một cách ngẫu nhiên, mà tùy theo quy luật.

“Có những quy luật chung, hoặc quy luật luận lý (logic), hoặc quy luật vật lý (physique), nó chi phối mỗi vương quốc, làm cho vương quốc ấy phát triển, ngưng trệ hay là suy vong”.

Ông tìm, ông cố tìm biết những ảnh hưởng bên ngoài đến sự tổ chức của chánh quyền, ảnh hưởng của tập quán, phong thổ, tôn giáo và thương mại v.v... ông rất tán thành chánh thể quân chủ lập hiến và tự do dân chủ của nước Anh, mà công kích chánh thể quân chủ độc tài của nước Pháp, ông nói rằng chánh thể nước Anh tốt hơn chánh thể nước Pháp, nhờ sự phân quyền giữa lập pháp, tư pháp và hành chánh, quyền này kìm hãm và kiểm soát quyền kia, không sanh ra độc tài được. Tư tưởng của Montesquieu ảnh hưởng rất lớn tới hành động của những nhà cách mạng Pháp hồi 1789.

Voltaire (1694 - 1778): Không có tư tưởng triết học gì sâu sắc lắm. Song văn chương của thức tỉnh rất nhiều người và bọn độc tài, mê tín, cầm quyền đều phải kính nể ông. Thật ra ông tin có Thượng đế song Thượng đế của ông không còn là ông Thượng đế nữa, mà chỉ là một lực lượng huyền bí, ông ghét bất cứ là thứ tôn giáo nào có tổ chức, ông kịch liệt bài bác tính ích kỷ, mê muội, hẹp hòi của nhà thờ. Ông là viên kiện tướng của tự do tính ngưỡng và tự do tư tưởng. Bênh vực kẻ yếu, ủng hộ người thất thế (vụ Calas, De la Barre). Ông bực tức với cái mâu thuẫn giữa sự phát triển cao của khoa học và triết học, với số thành kiến dị đoan còn nặng trong tâm trí của mỗi người do nhà thờ vun trồng và duy trì mãi. Theo ông, trước hết phải giải phóng con người khỏi gông xiềng của thành kiến và mê tín, đưa đẩy đời sống xã hội lên thăng bằng với mức phát triển của khoa học.

Tinh thần tự do, cương nghị và chỉ trích không kiêng nể của Voltaire rất được công chúng hoan nghênh, và ảnh hưởng rất lớn đến tri thức chung của Pháp. Người lúc ấy gọi là “Vua Voltaire”, “vua Ferney” (chỗ ông cất nhà, giữa biên cương Pháp – Thụy Sĩ).

Về mặt triết học, Voltaire rất tán dương duy vật luận của Locke, nhưng, về mặt lịch sử xã hội, ông là một nhà duy tâm rõ rệt. Trong những quyển “Lịch sử của Charles XII”, “Thế kỷ của Louis XIV”, “Thử bàn về phong tục và tinh thần của các quốc gia”, ta thấy ý chánh của ông về lịch sử là: Thượng đế, vĩ nhân với vô số việc ngẫu nhiên, giải thích “được” những sự biến đổi trong xã hội. Nhưng chỗ tiến bộ của Voltaire là ông xem lịch sử của nhân dân quan trọng hơn là lịch sử của vua chúa; viết sử, ông chú trọng vào phát triển của khoa học, nghệ thuật, công nghệ mà xưa nay sử gia ít để ý đến, ông đổ phần nhiều các tội lỗi, bất bình cho mê tín hẹp hòi, cho tôn giáo và các ông cha cố [1].

J.J.Rousseau (1712 - 1778): Đi ngược lại với trào lưu khoa học. Theo ông, sự tiến triển của khoa học và mỹ thuật nào có cải thiện phong tục của con người?. Trái lại, khoa học càng cao, mỹ thuật càng đẹp thì phong tục càng suy đồi, ông cho sự suy đồi đó là một hình phạt đối với ý muốn thoát ly khỏi cảnh dốt nát an nhàn và hạnh phúc. Người ngu dốt mới hạnh phúc và an nhàn, đừng tham vọng hiểu biết quá cao, vì hiểu làm sao được những bí mật vô cùng của tạo hóa?. Người tự nhiên là tốt lành hiền hậu; chính xã hội làm cho người xấu xa đi, hung tợn lên.

Theo ông, khi xưa, con người ta bình đẳng, rồi nông nghiệp tiến bộ sanh ra sự chia nhau ruộng đất, sanh ra tư hữu tài sản, ban đầu thì ai mạnh, ai khéo là hơn, rồi sau ai có quyền hành thì hơn, xã hội chia nhau hạng giàu và hạng nghèo đối lập. Nhà giàu họp nhau lại để giữ đặc quyền của họ, đặt ra pháp luật để kiềm chế kẻ nghèo, để thêm sức cho kẻ giàu, như vậy là quyền bình đẳng tự nhiên bị hủy bỏ, sự bất bình đẳng được pháp luật ủng hộ, tư hữu tài sản được pháp luật bênh vực.

Xã hội sẽ cứ bất công mãi nếu con người cúi đầu theo quyền lực của kẻ mạnh, nếu kẻ yếu bó tay chịu khổ nhục. Muốn có công bằng, cần có một “khế ước xã hội” giữa mọi người mạnh và yếu, giàu và nghèo; khi khế ước ấy đã lập xong thì ai nấy đều phải thuân theo.

Trong một xã hội có khế ước, việc giáo huấn công dân là việc quan trọng nhất. Cha mẹ và thầy giáo đừng khép đứa trẻ vào khuôn khổ của mình định sẵn, mà cứ để cho đứa trẻ phát triển một cách tự nhiên, để nó quan sát tự nhiên, suy luận theo tự nhiên, nó gần tự nhiên và phát triển một cách tự nhiên thì bao giờ cũng tốt.

Morelly và Mably” Đi xa hơn Montesquieu, Voltaire và Rousseau.

Với họ, những xấu xa bất bình đều do tư hữu tài sản mà ra cả. Morelly nói:

“Thế giới là một bữa cỗ đầy đủ thức ăn cho tất cả mọi người dự tiệc, có lúc thì những món ăn là của chung của tất cả bởi vì tất cả đều đói bụng, có lúc là của riêng cho vài người vì các người khác đã no rồi. Như thế thì không có ai làm chủ hoàn toàn, mà cũng không có ai là không có quyền làm chủ”.

Cứ thủ tiêu tư hữu tài sản đi, phải lập những pháp luật đúng theo tự nhiên, thì cả thế giới sẽ được hạnh phúc. “Bộ luật Tự nhiên” ấy có câu: “Mỗi người làm tùy theo sức mình, mỗi người lấy tùy theo lao động của mình”, đó là nguyên tắc của xã hội chủ nghĩa. Về sau, trong cuộc cách mạng Pháp, Babeuf là đại diện rất xứng đáng cho tư tưởng của Morelly.

Mably, xem văn chương, khoa học, nghệ thuật, công nghệ như là nguyên nhân của trụy lạc, giàu nghèo gì cũng là nạn nhơn của chuyên quyền, và xâm lược, phải cứu vớt mỗi con người và cả xã hội bằng cách thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Người sanh ra nào phải xấu tốt trước hết tại bản chất của người đâu?. Tốt xấu là tại giáo dục, cho nền, nền giáo dục đồng đều thì bất bình đẳng sẽ giảm bớt đi hay là bị thủ tiêu nữa là khác.

Trong số các nhà triết học chúng ta vừa kể qua, khối óc thông minh nhất, tinh thần vững chãi nhất là Diderot, trụ cột của phái bách khoa, ngôi sao bắc đẩu trong thế kỷ 18. Chúng ta sẽ nói đến Diderot trong một bài khác.

3. Ý nghĩa lịch sử của duy vật luật Pháp

Trông qua những ý chánh của các nhà tư tưởng Pháp hồi thế kỷ thứ 18, ta chú ý đến những đặc sắc sau đây:

Nói chung:

a. Những nhà tư tưởng này thừa hưởng được bộ phận duy vật trong triết học của Descartes, đặc biệt là của Locke. Duy vật luận ấy, trước hết là một triết học phê bình siêu hình học và thần học, chiến đấu chống cường quyền, chống nhà thờ phản động, chống các tục lệ hữu bạ, mê tín, dị đoan. Tất cả những nhà tư tưởng kia đều không tự giam mình trong tháp ngà tư tưởng, xa cuộc đời, trái lại, họ lăn lộn với cuộc đời, họ là những chiến sĩ tiền phong dọn đường cho cách mạng dân quyền sắp đến, nhiều vị đã mến mùi tù tội và đầy đọa.

Họ hơn những ông Locke đương thời, hơn cả ông Fueurbach về sau, Locke, Fueurbach cũng đều là theo triết lý duy vật, nhưng triết lý duy vật của họ ít có tính chất chiến đấu, chiến sĩ. Một phần nào vì tình thế xã hội mỗi nơi một khác; cuối thế kỷ 18, nước Pháp đương thai nghén một cuộc cách mạng dân quyền, độc tài của triều đình Versailles lại gớm ghiếc không đâu bằng, những điều ấy không khỏi in sâu vào tánh chất của triết học duy vật luận Pháp. Ở Anh thì cách mạng tư sản, nói chung đã qua rồi, còn ở Đức thì cách mạng tư sản còn xa, đến thế kỷ 19 mới nổ.

b. Nói chung, thời ấy khoa học tuy khá, nhưng cơ giới học là phát triển hơn cả, nên chúng ta không lấy gì làm lạ mà thấy rằng, đại thể, duy vật luận của Pháp là duy vật cơ giới, mà nơi khác chúng ta sẽ trình bày và phê phán. Tuy nhiên, một đôi người như Diderot đã bước chân vào duy vật biện chứng.

c. Khi những nhà triết học đi vào vấn đề xã hội, lịch sử, thì họ theo tư tưởng duy tâm, họ chưa tìm được những nguyên nhân sâu xa của sự phát triển xã hội mà chỉ trông thấy ý kiến vĩ nhân (Voltaire), luật pháp hay là hoàn cảnh địa dư (Montesquier), hoặc có khi chống lại với khoa học (J.J.Rousseau).

d. Trong luồng tư tưởng chiến đấu chống phong kiến ấy, chúng ta đã bắt đầu trông thấy tư tưởng chưa thành hệ thống của nhân dân lao động, thấy tinh thần xã hội chủ nghĩa đã ứng lên xa xa rồi (Mably, Morelly), giai cấp vô sản lúc ấy mới nảy nở với công nghiệp, tức nhiên chưa giác ngộ, chưa có một ý thức rõ rệt như từ 1848 trở về sau, chưa có thể có một triết học riêng của mình được. Dù sao đi nữa, sau Mably, Morelly thì có Babeuf, và khi tư bản đã thay phong kiến mà cầm quyền, thì duy vật luận cơ giới thiếu sót của thế kỷ 18 đã mở một cửa ngõ cho duy vật biện chứng phát triển. Giai cấp vô sản đang trên đường trở thành một lực lượng cách mạng độc lập.

Marx và Engels cũng đã khuyên những người Nga sau Cách mạng 1917, nên dịch lại những sách vở của những nhà triết học Pháp hồi thế kỷ thứ 18, nhất là những đoạn chống siêu hình, thần bí, mê tín.

Cho đến ngày nay, chúng ta ôn lại lịch sử này cũng không phải chỉ bổ ích về mặt kiến thức lịch sử mà thôi, nhất là trong lúc đế quốc tìm đủ cách lợi dụng các tôn giáo để chống lại cáh mạng dân tộc giải phóng.

IV. DIDEROT (1725 - 1784)

Xét chung duy vật luận Pháp hồi thế kỷ XVIII, chúng ta nhận thấy rằng các nhà tư tưởng đều căn cứ vào ba ý chính sau này:

- Không có ý kiến tiên thiên, nhận thức nào cũng do cảm giác mà xuất phát cả.

- Không tin có Thượng đế tạo ra vạn vật. Chống mê tín, thần bí, siêu hình; khoa học muốn thành khoa học phải thoát ly tôn giáo.

- Khoa học phải căn cứ vào thí nghiệm, khoa học là sự nhận thức đáng tin cậy.

Trong số các nhà triết học duy vật Pháp của thế kỷ 18, Diderot là nhà tư tưởng thâm trầm hơn hết, cũng là người cương quyết hơn hết, lúc bị nhà vua đe dọa, những người cộng sự với ông để làm rõ bộ “Bách khoa tự điển” đều rút lui, riêng ông trì tiếp tục đến cùng bộ “Bách khoa tự điển”, bộ sách này tập họp tất cả các hiểu biết của con người lúc đó và cũng là một vũ khí chiến đấu của những người tiến bộ.

Sinh ở Laugres, con một nhà kỹ nghệ làm dao, ông đi học ở Paris và sớm theo nghề văn chương, ông học đủ thứ: toán học, vật lý, y khoa. Ông viết nhiều sách: “Tư tưởng triết học”, “Bức thư về người mù cho các ông sáng mắt đọc”. Hồi đó ông đã có tư tưởng duy vật rồi, và tư tưởng ấy càng rõ rệt, hoàn chi3ng trong những quyển sách sau như: “Tư tưởng về giải thích tự nhiên”, “Giấc mơ của D᾿Alembert”.

Câu sau đây chứng tỏ rằng Diderot tiếp nối ý của Descartes là phải đem tất cả các tư tưởng, các nhận thức ra trước tòa án của lẽ phải:

“Phải xem xét tất cả, phải xáo trộn tất cả không chừa một điều gì và không nương tay một chút nào. Phải đạp đổ tất cả những sách thánh nào không phải là sách thánh của lý trí xây nên”.

1. Triết học của Diderot

a. Chống thần bí

Triết học duy vật luận Pháp hồi thế kỷ 18 nói chung, và triết học của Diderot nói riêng, là một thứ triết học phê bình, chiến đấu. Trong sự phê bình tiêu cực những tư tưởng hữu bại mê tín, tôn giáo, các nhà triết học bày giải tích cực những ý kiến duy vật của họ, bày giải thiếu hệ thống, nhưng rất mạnh bạo. Trong “Tư tưởng triết học” Diderot công kích tôn giáo rất dữ dội. Ông viết:

“Nếu nói rằng Trời cho ta lý trí, cũng cho ta lòng tín ngưỡng mộ đạo, thì tức là Trời cho ta hai điều mâu thuẫn nhau, hai điều không dung thứ nhau được. Muốn phá bỏ cái khó khăn ấy, ta phải nói rằng lòng tín ngưỡng là một nguyên tắc mơ hồ, không có trong tự nhiên”.

Vậy thì nếu ta có lý trí, nếu ta biết suy xét thì ta không thể tin vào tôn giáo được: mê tín, tôn giáo là một điều trái với tự nhiên, trái với lý trí, trái với lẽ phải. Mà theo Diderot cũng như theo Descartes, cái gì trái với lý trí thì cái đó là sai lầm, hư hỏng, có hại, cần phải gạt bỏ đi. Trái lại với tín ngưỡng mơ hồ, lý trí là một ngọn đèn, dầu là ngọn đèn nhỏ, soi đường cho chúng ta trong đêm tối, rừng sâu:

“Đi lạc trong rừng mênh mông, trới tối mù, tôi chỉ có một ngọn đèn nhỏ để tìm đường. Một kẻ lạ mặt chờ tôi, nói với tôi: anh bạn ơi, thổi tắt ngọn đèn của anh đi anh mới đi đúng đường hơn. Người lạ mặt ấy là một người thần học”.

Nói một cách khác hơn, thần học, tôn giáo là đen tối, mê muội, làm hư lạc lý trí của con người, phải đánh đổ nó. Tất cả bất cứ điều gì, gồm luôn tôn giáo, đều phải được kiểm thảo lại, tôn giáo không ra ngoài lệ. Nếu nó đúng với lý trí thì nó còn, nếu nó trái với lý trí thì phải vứt nó đi.

“Nếu một tôn giáo thật lỡi ích cho tất cả mọi người, cho tất cả các thời đại, cho khắp mọi nơi, thì nó phải vĩnh hằng, toàn thế giới và tất nhiên; nhưng, không có một tôn giáo nào có đủ ba tính chất ấy; thì như thế mỗi tôn giáo là ba lần sai”.

Thật vậy, nói Thượng đế lập ra tôn giáo cho người tín mộ, hỏi có mấy ông Thượng đế mà có nhiều tôn giáo như thế?. Tôn giáo nào cũng nói mình là chính, tôn giáo khác là tà, mỗi tôn giáo đều mới thành lập trong lịch sử chẳng bao xa, trước nó tại sao lại không có?. Và tại sao được lòng dân chỗ này mà không được ở chỗ kia, tại sao chia phạm vi thế lực như thế?. Tại sao Thượng đế toàn lượng toàn năng mà lắm người không tin ông, còn ai cũng tin rằng hai cộng với hai là bốn?. Vậy, thiếu tánh chất tất nhiên, phổ biến, vĩnh hằng, tôn giáo là điều bất ngờ, không thể tin được.

Diderot tiếp tục công trình của P.Bayle để chứng thật rằng tôn giáo trái với luân lý tự nhiên.

“Hễ làm sao cho người tín đồ công giáo hết sợ địa ngục thì người ấy sẽ không mộ đạo nữa”.

Theo Diderot, các ông giáo hoàng, các cha cố đem địa ngục tưởng tượng mà hăm dọa người ta như vua chúa dùng ngục Bastille thật sự dọa nạt người tiến bộ. Lúc đầu, Diderot nói rằng con người có thể chỉ dùng một thứ “tôn giáo tự nhiên” – cái thứ mà Voltaire đã nói khi ông viết rằng ở xứ Eldorado tưởng tượng, dân không có cha cố, nhà thờ, mỗi buổi sáng hát mừng Thượng đế với những câu hát nổi lên tự đáy lòng – nghĩa là tin mơ màng vào một Thượng đế chung cho tất cả các tôn giáo. Sau đó, ông Diderot thêm rằng nhờ sự tìm hiểu của các nhà bác học ngày nay:

“Thế giới không còn là một ông Thượng đế nữa, nó là một cái máy có bánh xe, có dây, có kèo, cột, có lò xo”.

Người ta không còn cần dùng đến ông Thượng đế nữa. cần dùng để làm gì? Nếu chúng ta không hiểu một hiện tượng gì mà lại cắt nghĩa nó bằng một ông Thượng đế thì khác nào là thêm một cái không thể hiểu nổi vào một cái chưa hiểu được, khác nào là muốn mở một nút dây mà lại nút thêm một nút nữa, hay là muốn gỡ một nút dây mà lại chặt đứt ngón tay của người ta đi.

b. Ngoại giới là thực tại

Diderot công kích duy tâm chủ quan luận của Berkeley, Diderot cho rằng học thuyết của ông này là vô lý hơn bất cứ học thuyết duy tâm nào nhưng lại khó đánh đổ hơn cả, ông bảo rằng chỉ có người mù mới có ý nghĩ như Berkeley, chỉ có người mù mới nhận rằng ngoài cảm giác và tồn tại của bên trong của họ, không có cái gì là thực tại ở bên ngoài cả. Diderot gọi duy tâm những người triết học nào không thừa nhận có thế giới khách quan.

c. Thế giới là vật chất

Quyển “Tư tưởng về giải thích tự nhiên” rất có giá trị, trong đó Diderot tỏ ra ông là một nhà duy vật tiến bộ hơn bất cứ nhà triết học nào của thời ấy.

Vật chất bên ngoài gây ra cảm giác của ta, vì đó ta mới có tư tưởng. Những nguyên tố rời rạc trong tự nhiên hợp lại sinh ra các loài vật, lần lượt mới có sinh vật, cảm giác, ý kiến, tư tưởng, suy nghĩ, tri giác, cảm tình, ước vọng, luật pháp, khoa học và nghệ thuật.

“… Le philosophe abandonné à ses conjectures, ne pourrait – il pas soupconner que l᾿animalité avait de toute éternité ses éléments particuliers éparses et confondus dans la masse de la matière, qu᾿il est arrivé à ces éléments de se réunir parce qu᾿il était possible que cela se fit, que l᾿embryon formé de ces éléments à passé par une infinité d᾿organisations et de développements, qu᾿il y a eu, par successions, du mouvement, de la sensation, des idées, de la passé, de la réflexion, de la conscience, des sentiments, des passions, des signes, des gestes, des sens, des sons, articules, une langue, des lois, des sciences et des arts, qu᾿il s᾿est écoulé des millions d᾿années entre chacun de ces développements…”.

Vậy Diderot quả quyết rằng thế giới là vật chất trong căn bản của nó, vật chất sinh ra tâm hồn, tồn tại là có trước, tư tưởng là có sau, và tất cả đều trải qua hàng triệu năm biến chuyển của vật chất mà sinh ra, chớ không phải tại Thượng đế nào tạo ra, mà cũng phải xưa sao nay vậy.

Lênin khen Diderot thấy đúng, nói đúng, khi Diderot không tìm căn nguyên của cảm giác trong vận động của vật chất hay là quy cái cảm giác vào những sự vận động ấy, mà xem cảm giác như một trong những thuộc tính của vật chất vận động.

“Mỗi con vật có ít nhiều cái gì của người, mỗi cây cỏ có ít nhiều cái gì của con vật, và mỗi cây cỏ đều có ít nhiều cái gì của vật vô sinh, tất cả đều có một nguồn cõi thống nhất, duy nhất là vật chất”.

Vật chất là gì?

Diderot trả lời một cách rất triết học, nghĩa là không dựa vào trí tưởng tượng của mình mà dựa vào sự phát triển của khoa học; như thế, ông nối liền triết học với khoa học, ông xem triết học như là sự tổng kết tất cả kinh nghiệm của các môn khoa học.

Vật chất là gì? “Chúng ta chỉ biết cái gì mà khao học dạy ta”.

Cấu tạo của vật chất ra sao?. “Nếu người ta hỏi anh vấn đề kho khăn ấy thì tôi khuyên anh đi tìm câu trả lời ở một môn đồ nào của Newton, vì tôi thú nhận rằng tôi không hiểu người ta giải quyết cách nào”.

Thật ra, Diderot tiến bộ hơn Newton, khác với Newton, Diderot tìm giải thích sự vận động của vật chất không phải bằng một “lực lượng” bên ngoài vật chất, mà bằng thuộc tính bên trong của vật chất. Hay và đúng ở chỗ đó.

d. Tin cậy vào khoa học để biết được vũ trụ

Khoa học phải rời xa khỏi tôn giáo và thần học, một người nông dân nhìn cái một đồng hồ đang chạy, anh không biết tại sao đồng hồ chạy, nên anh cho rằng có tinh thần, có ma quỷ, có ai đó kéo cây kim của đồng hồ, anh nông dân ấy ngốc không hơn mà không kém cái ngốc của một nhà thần học.

Phải dùng khoa học mà tìm cách giải thích tất cả; phải căn cứ vào kinh nghiệm trước hết; không khi nào thoát ly kinh nghiệm cả, và không khi nào theo lối Leibniz đặt vấn đề “nguyên nhân cuối cùng”. Cũng không giải thích sự vật bằng mục đích luận đã chẳng ăn thua gì với kinh nghiệm cả, lại trái hẳn với nguyên tắc tự nhiên và cốt yếu của các khao học, tức là nguyên nhân luận.

Chẳng những Diderot liên kết mật thiết triết học với khoa học (lúc nào ông cũng bảo người ta tìm giải đáp những khó khăn về tưởng tượng bằng cách hỏi những nhà khoa học thực nghiệm), ông lại còn muốn liên kết khoa học với công nghiệp. Ta hãy nhớ rằng trước lúc đó, nhà triết học như Malebranche, Leibniz định ngồi trong phòng của họ mà sáng tạo ra triết học, lập ra hệ thống tư tưởng, còn nhiều nhà khoa học thì lại cô lập đối với công nghiệp, họ nuôi ý tìm kiếm để tìm kiếm, họ nghiên cứu để nghiên cứu. Và họ cũng không có tổ chức làm việc chung với nhau, họ rất ít liên lạc với nhau cho nên khó tiến bộ lắm, Diderot thì khác.

e. Diderot đi gần đến biện chứng pháp

Duy vật luận của Diderot ít bị mắc bệnh cơ giới của thời đại so với duy vật luận của La Mettrie hay là của những người khác đương thời.

Có một điều khác với những người khác là, ngay hồi đó, Diderot đã chú trọng đến yếu tố thời gian, và ông nghĩ rằng vật chất có thể có hơn ba bề, và thời gian có thể xem như là bề thứ tư của vật chất.

“J᾿ai dit plus haut qu᾿il était impossible de concevoir plus de trois dimensions. Un homme d᾿ esprit de ma connaissance croit cependant qu᾿on pourrait cependant regarder la durée comme une quatrième dimension et que le produit du temps par la solidité serait, en quelque manière, un produit à quatre dimensions”.

Cái bóng của Einstein đã bắt đầu ló dạng từ xa, ở chân trời kia rồi.

Trong quyển “Những nguyên tắc triết học của vật chất và vận động”, Diderot nhận thấy rõ ràng sự quan trọng của biến chuyển, ông cho rằng vận động với vật chất là một, vật chất nào cũng vận động, không có vật chất nào yên tĩnh, cả vũ trụ đều chuyển động, yên tĩnh tuyệt đối là một khái niệm không có trong tự nhiên.

“Je ne sais en quel les philosophes ont supposé que la matière était indifférente au mouvement et au repos. Ce qu᾿il y a de bien certain c᾿est que les corps gravitent les uns sur les autres, c᾿est que dans cet univers, tout est translation… Le repos absolu est un concept qui n᾿existe pas dans la nature”.

Lúc bấy giờ các nhà triết học và khoa học, lấy chung, phân biệt vật sống và vật chết. Vật sông thì vận động, vật chết thì im lìm. Trái lại, Diderot nghĩ rằng vật chất dầu sống, dầu chết đều là vật chất, đều thống nhất, đều vận động, khác chăng là hai bên cấu tạo khác nhau, và một bên vận động trong thấy rõ, một bên vận động trông thấy không rõ.

“Y a-t-il quelqu᾿autre différence assignable entre la matière morte et la matière vivante que l᾿orbanisation et que la spontanéité, réelle ou apparente du mouvement?”.

Cái gì cũng biến chuyển, chính nhờ sự biến chuyển của vật chất đó mà sinh ra muôn loài, và muôn loài vẫn còn biến chuyển luôn. Cái gì cũng phải có lúc chết, nhưng chết mà không mất, chết là tiếp tục tồn tại với hình thức khác, với quan năng khác.

Diderot mở đường cho học thuyết của Darwin, cho biện chứng pháp về sau.

Ông không xem sự vật trên đời như riêng rẽ nhau, mà quan hệ lẫn nhau, tất cả đều là bộ phận của toàn thể ấy mới có triết học.

“L᾿indépendance absolue d᾿un seul fait est incompatible avec l᾿idée de tout, et sans l᾿idée de tout, pas de philosophie”.

Như thế Diderot đã tìm và dùng được hai trong bốn luật căn bản của biện chứng pháp, luật tương quan và luật vận động. Diderot bắt đầu vượt qua duy vật cơ giới của La Mettrie: “Hãy luôn luôn nhớ rằng tự nhiên không phải là Thượng đế, con người không phải là chiếc máy, một giả thuyết không phải là một sự thực”. Marx khen quyển “Cháu ông Rameua” (Le neveu de Rameua) như “một kiết tác có một không hai”, Engels khen quyển ấy như “một kiệt tác về biện chứng pháp”.

2. Tư tưởng xã hội của Diderot

a. Về con người và hoàn cảnh

Ý kiến căn bản của Diderot là: con người cảm xua1c, tư tưởng và hành động tùy hoàn cảnh, tùy giáo dục, tùy tổ chức xã hội của nó, cho nên muốn cải tạo con người phải cải tạo xã hội, cải tạo sự giáo dục, cải tạo hoàn cảnh. Không thể có hạnh phúc cá nhân nếu không có hạnh phúc của toàn thể, cho nên muốn cho cá nhân được hạnh phúc, trước hết phải lo làm hạnh phúc của toàn thể. Như thế Diderot tuy bênh vực cho tự do cá nhân mà đặt cá nhân trong tất cả mọi người, ông không đem cá nhân mà đối chọi với toàn thể.

Đặt con người trong hoàn cảnh, tùy hoàn cảnh, có phải là làm giảm gí trị của con người chăng? – Không!. Trái lại: con người là mức khởi đầu mà mức chung kết là tất cả các hành động; làm gì cũng chung quy là để nâng cao hạnh phúc của con người.

L᾿homme est le terme unique d᾿òu il faut partir et auquel il faut tout ramener. Abstraction faite de mon existence et du bonheur de mes semblables, que n᾿importe le reste de la nature?”.

Luận lý của Diderot là một thứ luận lý tự nhiên.

Có học giả Pháp hiện đại nói rằng “Diderot là nhà triết học Pháp gần gũi nhất với Spinoza”, có lẽ đúng. Chúng tôi thêm rằng có một “cái màn thần bí” bao bọc nội dung triết học tiến bộ của Spinoza, còn trong triết học của Diderot, tuy Diderot lắm lúc phải khéo léo, nhưng khác với nhiều bạn đồng song, ông là một nhà vô thần triệt để, kịch liệt. Diderot lập một luận lý cao hơn ý niệm cũ về phải, trái, tốt , xấu trừu tượng mà ông cho là sản phẩm của những chính trị độc tài, tôn giáo mê muội, luận lý của ông căn cứ vào ý niệm “ có hạnh phúc chung mới có hạnh phúc riêng”, lấy cái hạnh phúc làm gốc, mà hạnh phúc ấy thì không mang tính chất ích kỷ.

Về mặt giáo dục, Rousseau dắt Emile đi vào tự nhiên, còn Diderot thì đòi cho vào xem các công xưởng, coi lao động làm việc, hỏi thăm thầy thợ, về các kiểu công cụ, về máy móc và nhà cửa. Cả hai ý của Diderot và Rousseau nhập lại đều hay, ý của Diderot cơ bản hơn.

b. Chống cường quyền; truyền bá dân chủ

Về mặt chính trị¸ Diderot đại diện cho tư tưởng của giai cấp tư bản đương lên, giai cấp ấy đòi phá hủy chế độ phong kiến để cho nó tự do phát triển.

Ông kịch liệt chống vua chúa, xem “vua chúa như những con ác thú đáng cho chư hầu giết chết đi”. “Không đời nào mà một người có thể là của riêng của ông vua, tớ của riêng của chủ, anh da đen của riêng của ông thực dân. Không thể có nô lệ, không thể có quyền chinh phục, mua bán người. Thế thì con người đã là những ác thú, và những kẻ nô lệ nổi lên chống lại họ là điều rất đúng công lý”.

Vậy, công lý không phải ở trong luật pháp của kẻ áp chế, của con ác thú đặt ra, trái lại công lý ở chỗ kẻ bị áp chế nổi lên đánh giết những con ác thú ấy.

Chính quyền phải về tay ai?. Cứ theo luật thiên nhiên, thì chính quyền phải về tay hạng người nào có ích lọi nhất cho xã hội, quan trọng nhất trong lịch sử, nói một cách khác hơn, theo hồi đó, là về tay giai cấp tư bản. Nếu lúc ấy chính quyền còn trong tay của vua chúa ở không, vô dụng, đó là điều trái tự nhiên, trái công lý, nó đã trái tự nhiên, trái công lý, thì hễ ai chống lại nó, tức là người ấy làm một việc đúng công lý, một việc thiêng liêng.

“Không người nào sinh ra là trời cho có quyền chỉ huy người khác; tự do là điều tự nhiên ban cho mỗi người; mỗi người đều có quyền hưởng tự do khi nào người ấy lớn lên có trí khôn”.

Ta hãy nhớ lại rằng Louis XV tự xưng là “làm vua do trời ban cho chức vụ cao cả ấy” và bọn phong kiến thì tự xung là có máu làm chúa thứ dân, những chức vụ áp chế lớn đều cha truyền con nối.

Cái quyền trước tiên của con người, theo Diderot là quyền tự do; con người sinh ra tự do, cái tự do ấy không đem bán được. Tự nhiên cho ta cái quyền làm gì thì làm, tùy ý ta, tự do dùng tài sản của mình, tự do hành động, miễn là đừng trái với luật lệ của chính phủ nào mà ta tự do phục tùng.

Chính quyền nào đồng tình với con người hợp thành xã hội thì chính quyền ấy mới có giá trị. Khi lập ra xã hội, quả con người có giảm đi một phần quyền hạn tự nhiên của mình, nhưng, đầu khác con người lại được thêm những quyền lợi khi họ phục tùng một chính quyền phải lý và phải phép, con người không bao giờ chịu bó tay trước mặt các ông chủ độc đoán, không bao giờ giao cho kẻ khác cái quyền làm cho mình khổ sở.

c. Bênh vực quyền tư hữu

Diderot nói: con người ta có hoan nghênh vua chúa đi nữa cũng không bao giờ cho vua chúa có quyền hành vô hạn, tuyệt đối về của cải của người ta. Con người không bao giờ có ý nghĩ là chịu làm mọi cho vua chúa. Bon quan trong triều nịnh bợ tâu ra tâu vào cho vua chúa tưởng đâu họ là con trời, là chủ nhân của cà người lẫn của dân. Chính quyền nào lập trên vũ lực phải bị vũ lực lật đổ. Trong xứ nào mà người ta theo lẽ phải thì tài sản của tư nhân được bảo hộ.

Thì đó, nước là nước của vua, quyền tư hữu chưa được hoàn toàn thừa nhận, cũng như không có quyền tự do, mỗi người nông dân nào có đất cũng phải nộp đủ thứ sưu thuế cho phong kiến, con số đông nông dân cầm cố đất của họ, phải trả đủ thứ địa tô tiền bạc, địa tô sản vật, địa tô lao động cho chủ.

Cho nên Diderot đã tranh đấu chống cường quyền lại bênh vực luôn tư hữu tài sản; đó là hai mặt khác nhau của một cuộc đấu tranh chống phong kiến độc tài. Giai cấp tư bản lúc đó lãnh đạo nông dân, và nếu nông dân được giải phóng khỏi xiềng xích phong kiến, đó cũng là điều lợi cho tư bản rất nhiều.

3. Diderot, một chiến sĩ tiền phong của thời đó

Diderot là một khối óc thông minh nhất của nước Pháp hồi thế kỷ thứ 18.

Chẳng những là một nhà tư tưởng thâm uyên, Diderot còn là một chiến sĩ rất can đảm. Ông liên hiệp tất cả những nhà tư tưởng tiên tiến lúc bấy giờ, phổ biến triết học duy vật, khoa học, truyền bá tư tưởng chống cường quyền, bênh vực tự do. Nhiều người so sánh bộ sách “Bách khoa” mà ông là người viết chính, như một sở binh công xưởng chế tạo vũ khí tư tưởng cho cuộc đại cách mạng 1789 – 1793. Thật vậy, những diễn văn của chính khách, bản tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền, hành động của nhân vật trong những năm 1789 – 1793, nhắc lại từng chữ của Diderot đã viết mấy mươi năm về trước.

Trong mười mấy năm trời, mặc dầu khó khăn, khủng bố, anh em bạn lo sợ và bỏ rơi, nhà in cắt đầu cắt đuôi bàn vở, Diderot đã trì chí kiên quyết hoàn thành một nhiệm vụ khổng lồ.

o0o

Giai cấp tư bản Pháp trong những ngày tàn tạ của nó, đã bỏ rơi và công kích vị đại diện xứng đáng nhất của nó lúc nó còn tiến bộ. Nó cần Diderot để đánh đổ phong kiến, lên nắm chính quyền. Ngày nay, nó chuyên quyền, phản động, giãy chết như phong kiến ngày xưa thì nó sợ, nó ghét tư tưởng của Diderot. Trái lại nhân dân Pháp vẫn xem Diderot là một nhân vật mà nhiều ý tưởng, cả cái gương chiến đấu, đều là những bài học còn áp dụng được hiện giờ.

Descartes, Diderot, Langevin, luôn một dòng tư tưởng tiến bộ nối tiếp nhau, mỗi tầng cao hơn trước.

Nhà duy lý, nhà duy vật, nhà cộng sản, cả ba đều tin rằng: con người phải làm chủ vận mạng của mình và sẽ thắng được tạo hóa.

 


Nguồn: Trần Văn Giàu. Duy vật luận nước Pháp, Nxb. Bộ Giáo dục, Việt Bắc, 1949. Phiên bản điện tử của TS. Lê Sơn.



1  Marx, Gia đình thần thánh

[1] Ảnh hưởng của Voltaire trong các tầng lớp nhân dân ở Pháp và ở Âu châu rất mạnh. Một hôm, một cụ già không dắt Voltaire đi Paris được, nhờ một kẻ bề dưới ông đi đưa Voltaire và dặn người ấy rằng: “chú được vinh dự đưa đường bậc vĩ nhân này, Âu châu có 10 ông vua, nhưng cả nhân loại chì có Voltaire”.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt