Thuyết Duy lý

Thư Descartes gửi Quận chúa Élisabeth

 

Egmond du Hoef, ngày 28 tháng 6 năm 1643

 

THƯ GỬI QUẬN CHÚA ÉLISABETH

 

RENÉ DESCARTES (1596-1650)

 

Thưa Quận chúa,

Trước đây Quận chúa có nhã ý hỏi tôi về một vấn đề và tôi đã giải thích khá vụng vềtrong những thư trước. Vì vậy tôi hết sức biết ơn thấy Quận chúa lần này hạ cố kiên nhẫn nghe tôi nói cũng về chủ đề ấy, và tạo cho tôi cơ hội thấy được những điều còn bỏ sót. Trong số những điều này, theo tôi, điều chủ yếu đầu tiên là sau khi phân biệt ba loại ý tưởng hay khái niệm nguyên thủy, mỗi thứ được nhận biết theo một cách riêng, không so sánh cái này với cái kia, ấy là các khái niệm về linh hồn, về thể xác và về sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác, tôi cần phải giải thích sự khác biệt giữa ba loại khái niệm đó, và giữa những bước đi của linh hồn làm ta nhận ra các khái niệm đó và nêu lên các cách thức làm cho từng khái niệm trở nên quen thuộc và dễ dàng; điều chủ yếu kế tiếp là sau khi nêu lên lí do tại sao tôi đã so sánh linh hồn với trọng lực tôi phải vạch ra rằng, dầu người ta muốn coi linh hồn có tính vật chất đi nữa (tức là nhận thức sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác), thì người ta không khỏi từ đó biết rằng linh hồn có thể tách rời khỏi thể xác. Đây là điểm mà tôi cho là Quận chúa có ý nhắc nhở tôi.

Vậy trước hết tôi nhận thấy giữa ba loại khái niệm nói trên có một sự khác biệt lớn, ở chỗlinh hồn chỉ được nhận thức qua lương tri đơn thuần, thể xác bao gồm ngoại diên, hình dáng và vận động cũng có thể do lương tri đơn thuần nhận biết, nhưng sẽ được nhận biết tốt hơn nhiều nếu ngoài lương tri còn thêm trí tưởng tượng còn những điều thuộc về sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác, thì chúng chỉ được nhận biết một cách mập mờ qua lương tri đơn thuần, cũng như qua lương tri cộng thêm trí tưởng tượng; nhưng chúng lại được nhận biết một cách rất rõ rệt qua các giác quan. Vì lẽ đó mà những người chưa hề lí luận, mà chỉ dùng giác quan, thì chẳng nghi ngờ gì việc linh hồn làm chuyển động thể xác, và thể xác có tác động đến linh hồn; nhưng họ coi linh hồn và thể xác là một, nghĩa là để họ nhận thức được sựhợp nhất vì nhận thức được sự hợp nhất giữa hai vật nghĩa là nhận thức hai cái chỉ là một. Còn những tư duy siêu hình tạo nên lương tri đơn thuần sẽ làm cho khái niệm về linh hồn trởnên quen thuộc; và việc học toán học, chủ yếu tạo nên trí tưởng tượng trong việc xem xét các hình dáng và các vận động, tập cho ta quen tạo ra những khái niệm thật rõ rệt về thể xác; và cuối cùng chỉ cần vận dụng cuộc sống và những đàm thoại bình thường, và từ bỏ suy ngẫm cũng như xem xét những gì tạo ra trí tưởng tượng, mà ta học cách nhận biết sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác.

Tôi lấy làm lo là Quận chúa cho rằng ở đây tôi nói năng không nghiêm túc; thực tình tôi rất kính trọng Quận chúa và luôn tìm dịp thể hiện lòng kính trọng đó. Tôi có thể nói một cách thành thực rằng quy tắc chủ yếu mà tôi luôn tuân thủ trong học tập và tôi tin nó đã giúp tôi nhiều nhất trong việc tạo dựng kiến thức là chỉ dùng rất ít thời giờ hàng ngày vào việc tư duy theo trí tưởng tượng, và cũng rất ít thời giờ mỗi năm cho việc xét đoán dựa vào lương tri đơn thuần, còn tôi dành tất cả thời gian còn lại để giác quan thư giãn và đầu óc nghỉ ngơi; tôi cũng xếp vào loại tư duy theo trí tưởng tượng mọi cuộc đàm thoại nghiêm túc và tất cả những thứ gì đòi hỏi sự chú ý. Do vậy mà tôi lánh về ở chốn đồng quê; bởi lẽ dầu trong một thành phố nhộn nhịp nhất thế giới tôi cũng có thể có thời gian rộng rãi cho mình ngang với thời gian tôi dùng lúc này cho nghiên cứu, nhưng tôi khó mà sử dụng nó thật hữu ích khi đầu óc tôi mệt mỏi với những lo toan cho cuộc sống. Tôi mạn phép viết thư này để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi tới Quận chúa, người thuộc tầng lớp có đầu óc cao cả lại sinh ra nơi quyền quý, luôn bận rộn với bao nhiêu công việc và trách nhiệm, lại có thể chú tâm vào những suy ngẫm cần thiết để nhận biết rõ sự khác biệt giữa linh hồn và thể xác.

Nhưng tôi đã có lần nghĩ rằng chính các suy ngẫm ấy chứ không phải những tư tưởng ít đòi hỏi chú ý hơn làm cho Quận chúa thấy khái niệm mà chúng ta có về sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác còn mập mờ; theo tôi làm sao mà đầu óc con người có thể nhận biết thật rõ ràng và đồng thời sự khác biệt giữa linh hồn và thể xác, cũng như sự hợp nhất của chúng; bởi lẽ muốn vậy, cần phải nhận biết chúng như một, đồng thời phải nhận biết chúng như hai, điều đó quả là mâu thuẫn. Và về chủ đề này (giả thử Quận chúa vẫn giữ nguyên trong đầu những lí lẽ chứng minh sự khác biệt giữa linh hồn và thể xác và tôi không muốn yêu cầu Quận chúa từ bỏ những lí lẽ đó để hình dung khái niệm về sự hợp nhất mà mỗi người luôn cảm thấy nơi mình không cần lí luận, ấy là mình là một con người có đồng thời một thể xác và một tư duy, thể xác và tư duy ấy có bản chất thế nào đó để tư duy có thể làm chuyển động cơ thể và cảm nhận những gì xảy ra với nó), trước đấy tôi đã dùng sự so sánh trọng lực và các tính chất khác mà chúng ta thường hình dung hợp nhất với những vật thể nào đó, cũng giống như tư duy gắn liền với cơ thể ta; và tôi đã không băn khoăn rằng sự so sánh này khập khiễng ở chỗ những tính chất này không có thực, như người ta hình dung chúng, bởi vì tôi đã tin rằng Quận chúa đã hoàn toàn nắm rõ linh hồn là một thể khác biệt với thể xác.

Nhưng vì Quận chúa lưu ý rằng gán cho linh hồn tính vật chất và một ngoại diên dễ hơn là gán cho nó khả năng làm chuyển động thể xác và tự vận động mà không có vật chất, tôi xin Quận chúa cứ tự do gán vật chất và ngoại diên đó cho linh hồn; bởi lẽ làm như vậy không khác gì quan niệm linh hồn hợp nhất với thể xác. Rồi sau khi đã quan niệm rõ điều đó, và đã thử nghiệm trong bản thân mình, Quận chúa sẽ dễ dàng thấy rằng cái vật chất mà mình đã gán cho tư duy không phải là chính tư duy, và rằng ngoại diên của vật chất này thuộc một bản thể khác với ngoại diên của tư duy, vì ngoại diên vật chất được xác định tại một địa điểm nào đó mà bất cứ ngoại diên thể xác nào khác cũng đều bị nó loại ra, trong khi ngoại diên tư duy thì không. Và như vậy Quận chúa ắt nhận biết rõ ràng sự khác biệt giữa linh hồn và thể xác dầu đã xuất phát từ tính hợp nhất của chúng.

Cuối cùng vì tôi tin là việc hiểu được các nguyên lí siêu hình một lúc nào đó trong cuộc sống là rất cần thiết, vì chúng cho phép ta nhận thức được Thượng đế và linh hồn con người, tôi cũng tin là nếu để lương tri thường xuyên bận rộn suy ngẫm những nguyên lí đó sẽ rất có hại, vì lương tri không thể gánh vác tốt những chức năng của trí tưởng tượng và các giác quan; tốt nhất là nên giữ lại trong trí nhớ và lòng tin những kết luận mà ta đã một khi rút ra được từ đó, rồi dùng phần thời gian học tập còn lại để suy nghĩ những điều mà lương tri hoạt động thông qua trí tưởng tượng và các giác quan.

Lòng trung thành tuyệt đối của tôi đối với Quận chúa khiến tôi hi vọng rằng sự thẳng thắn của tôi không làm Quận chúa phật lòng và nó đã thúc đẩy tôi nói kĩ hơn nhằm làm sáng tỏ lần này tất cả những khó khăn của vấn đề được nêu ra hiềm vì một tin xấu vừa nhận được từUtrecht buộc tôi phải chấm dứt ở đây; nguyên là ông quan tòa ở đó triệu tôi đến để xem xét bài tôi viết đúng sai ra sao về một ông bộ trưởng, cái ông đã vu cáo tôi một cách rất đê tiện, và xem những gì tôi viết về ông để thanh minh cho bản thân có được mọi người biết đến quá rõ không. Tôi đành phải lên đường để tìm cách xoay xở thoát khỏi bước gian lao này càng sớm càng tốt.

Xin gửi đến Quận chúa lòng cảm phục sâu sắc của tôi.

Descartes

 


Nguồn: René Descartes và tư duy khoa hc. Trương Quang Đệ dịch và giới thiệu. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2000, tr. 103-107.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt