Tạp chí Nam Phong, số 3, tháng 9 năm 1917 PHƯƠNG PHÁP LUẬN Sách triết lý của Pháp nho Descartes nhất danh là “Sách dạy dùng trí tuệ cho phải đường cùng tìm chân lý trong các khoa học”[1] PHẠM QUỲNH dịch nôm
CHƯƠNG THỨ NHẤT TÓM LƯỢC ĐẠI Ý – Người ta ai cũng có nhẽ phải, cốt là dùng cho phải đường. – Bởi vậy sự hơn kém nhau chỉ bởi cách dùng nhẽ phải, không ở ở nhẽ phải. – Mỗi người nên đặt lấy một cái phương pháp để khiến nhẽ phải mình cho phải đường. – Ông Descartes muốn thuật cái phương pháp riêng của ông, trước kể nguyên do thế nào mà ông sáng nghĩ ra phương pháp ấy. – Ông theo văn học từ thuở nhỏ, thấy văn học thực là không đủ giúp cho sự luyện tập cái nhẽ phải của mình. – Các khoa học, các sách vở, ông thiệp liệp hết cả. Nhưng ông nhận ra học rộng, đọc sách nhiều, mà không đối chiếu với sự thực thì cái học ấy cũng là viễn vông mà thôi. – Ông kể tội riêng của mỗi môn học thời bấy giờ: hùng biện, thi học, số học, thần học, triết học, v.v., không thấy môn nào là đủ hết tin được. – Nên hết tuổi đi học, ông quyết chí đi chơi, cho rộng thêm kiến thức, định đến khi đã lịch duyệt sự đời thì quay về mà tự nghiệm trong người mình.
Nhẽ phải là vật ở đời chia đều hơn cả; vì thiên hạ ai cũng tự nghĩ mình có đủ nhẽ phải, thậm chí những người về các khoản khác rất là khó cho bằng lòng được mà đến khoản ấy cũng không muốn ước hơn cái phần mình có. Không phải rằng thiên hạ có nhầm cả đâu, nhưng thực là chứng rằng cái nhẽ phải là cái sức biết xét đoán phân biện điều phải điều trái vốn nó ở trong người ta ai cũng như ai; vì thế ý kiến người ta khác nhau không phải bởi người này có nhiều nhẽ phải hơn người kia, chỉ là bởi mỗi người khiến cái tư tưởng mình ra một cách khác mà không quan sát một sự vật như nhau. Vì có cái trí tốt cũng chưa đủ, cốt là phải dùng nó cho phải đường. Người cao thượng làm nên công đức nhớn cũng có thể phạm phải tội lỗi to được; mà người đi rất trậm[2] nếu phải đường có thể đi nhanh hơn là người hoặc chạy đi sai đường. Về phần tôi, tôi không dám tự phụ rằng tôi có cái trí hoàn toàn gì hơn người thường. Thường có khi tôi lại ước được cái tư tưởng cũng nhanh nhẹn, cái tưởng tượng cũng rõ ràng phân minh, cái ký ức cũng rộng rãi mẫn tiệp như kẻ nọ người kia, vì tôi thiết tưởng người ta có gồm được mấy nhiêu điều mới gọi là có cái trí hoàn toàn vậy. Đến như nhẽ phải là cái nó phân biệt người ta với giống vật chỉ bởi đó, thì tất nhiên người nào cũng phải có đủ bấy nhiêu nhẽ phải mới là người, thực là hợp với ý kiến chung của các nhà triết học nói rằng phàm sự hơn kém chỉ thuộc về “ngoại hình”, không thuộc về “nội thể” của mỗi người trong một giống. Nhưng tôi cũng chẳng ngại gì mà dám nói rằng từ thủa nhỏ tôi đã may mắn quá được bước vào con đường chính, nhân đấy suy nghĩ mà dựng được một cái phương pháp riêng. Tôi vốn tài hèn trí mọn, lại sống ở đời có hạn, không biết sự tri thức của tôi tăng tiến được đến đâu là cùng, nhưng cái sức tới được đến đâu tôi cũng có thể dùng cái phương pháp ấy mà tơi đến đấy được. Vì tuy tự xét mình tôi vẫn không dám cậy mình chút nào, chớ không những là dám tự phụ nữa, vả lại lấy con mắt nhà triết học mà xét những sự nghiệp của người ta thì thấy không có một việc gì là không uổng công vô ích cả, song nhờ cái phương pháp ấy tôi đã thu hoạch được nhiều sự kết quả, nên nghĩ đến công theo đuổi cái chân lý cũng có tiến bộ mà tôi lấy làm thỏa dạ vô cùng, lại hi vọng đến sự tương lai mà dám chắc rằng trong các công việc người ta ví còn có một việc là hay là trọng thì cái việc ấy tức là việc tôi làm này vậy. Dù vậy cũng có nhẽ tôi nhầm, đồng tôi cho làm vàng mà thủy tinh cho làm kim cương. Tôi vẫn biết rằng người ta xét cái gì quan hệ đến mình thường sai nhầm là chừng nào, cùng bạn bè mình xét hay cho mình cũng lại không đáng tin là chừng nào nữa. Nhưng tôi cũng lấy làm một sự khoái trí mà muốn bầy tỏ ra trong bài luận này cái đường lối tôi đã theo, cùng vẽ cái đời tôi ra như bức tranh, để cho ai nấy có thể xét đoán được, mà tôi thì nghe nhời thiên hạ bình phẩm lại được một cách học mới thêm vào với những cách tôi thường dùng xưa nay. Như thế thì chủ ý tôi trong bài này không phải là dạy cái phương pháp cho mọi người phải theo để dùng trí tuệ mình cho phải đường, nhưng chỉ là giải cái cách tôi dùng trí tuệ của tôi thế nào mà thôi. Người nào đã làm ra mặt khuyên dạy kẻ khác tất tự cho mình là khôn khéo hơn người, nếu còn khiếm khuyết điều gì thì đáng lỗi điều ấy. Nhưng tôi chỉ định làm sách này như kể một truyện vui hay làm một bài ngụ ngôn, trong có một vài điều nên bắt chước, cùng có lắm điều không nên theo, thì tôi mong rằng sẽ có ích cho một vài người mà không hại cho ai, ai cũng sẽ biết lượng cho cái lòng thành thực của tôi. Tôi theo học văn chương từ thủa nhỏ, bởi người ta khuyên tôi có học văn mới am hiểu được những sự có ích cho đời, nên tôi rất ham muốn học lắm. Nhưng đến khi đã hết cái thời kỳ học mà người đời thường cho liệt vào bực danh sĩ, thì bấy giờ thôi đổi hẳn ý kiến; tôi thấy trong bụng có nhiều điều nghi ngờ nhầm hoặc, tưởng như cái công phu học vấn không được ích lợi gì, chỉ thấy càng học càng dốt mà thôi. Song mà trường tôi học ấy thực là trường danh tiếng nhất ở Âu châu, tưởng trong hoàn cầu còn nơi nào có người tài giỏi thì tất là ở đấy vậy. Người ta học cái gì tôi cũng học, thậm chí học các khoa dạy ở nhà trường còn chưa lấy làm phỉ chí, gập[3] quyển sách gì bàn về những sự rất kỳ rất lạ cũng xem qua cả. Bởi thế nên tôi cũng tự biết người ngoài xét tôi thế nào, thấy người ta không đến nỗi cho tôi là kém các bạn đồng học, tuy trong bọn ấy đã có vài người sắp lên bực làm thầy vậy. Lại thêm thời đại ta là một đời văn vẻ, nhiều những bực tài giỏi, chẳng kém gì các đời trước. Bởi thế tôi mới dám tự tiện suy tôi mà xét đến kẻ khác, thiết nghĩ rằng ở đời không có một cái học thuyết nào sứng đáng với lòng mình hi vọng xưa nay. Song không phải là tôi không thích những sự học tập ở nhà trường. Tôi biết rằng cần phải học cổ ngữ mới hiểu được cổ thư; tôi biết rằng sách truyền kỳ xem thường vui thú, tỉnh táo được tinh thần; tôi biết rằng những việc hiển hách trong sử ký làm cho cao cái trí người ta lên, nếu biết đọc cẩn thận thì có thể giúp mà luyện được cái trí phán đoán; tôi biết rằng phàm đọc quyển sách hay cũng tựa hồ như ngồi đàm luận với những bực danh sĩ đời xưa đã làm ra sách ấy, mà đàm luận một cách lọc lõi, vì những bực ấy chỉ cho ta biết cái tư tưởng hay nhất của mình mà thôi; tôi biết rằng thuật hùng biện có cái sức mạnh, cái vẻ đẹp vô cùng; tôi biết rằng thi học có lắm vẻ thanh tao mà êm đềm tuyệt thú; tôi biết rằng số học có lắm sự biến báo tối diệu, vừa có thể giúp được cho những người hiếu kỳ, mà vừa tiện lợi cho các nghệ thuật, đỡ được công cho người đời; tôi biết rằng những sách bàn về phong tục có nhiều điều dạy điều răn về sự đạo đức, thực là có ích; tôi biết rằng môn thần học dạy cho người ta lên được thiên đường; tôi biết rằng triết học cho ta cái thuật muốn nói gì cũng y như thực, khiến cho người ngu cũng phải cảm phục; tôi biết rằng luật học, y học, cùng các môn học khác làm cho người học được vẻ vang phú quí, mà nói tóm lại thì môn học nào cũng nên nghiên cứu cả, dù những môn học rất mê hoặc, rất giả dối cũng nên biết để rõ cái chân giá của nó cũng biết giữ mình cho khỏi nhầm. Nhưng tôi thiết tưởng tôi học cổ ngữ, đọc cổ thư, xem truyền kỳ, xem sử ký, đã đủ lâu rồi, mà ngồi đàm luận với người đời trước cũng tức là đi du lịch vậy. Nên biết qua phong tục các nước khác, để xét đoán phong tục nước mình cho chính đáng hơn, mà đừng tưởng rằng cái gì trái với tục mình là nhầm là sấu[4] cả, như những người không trông thấy gì bao giờ thường tưởng như thế. Nhưng đi du lịch nhiều quá, rồi đối với nước mình thành như khách; cũng như hay thóc mách những việc đời xưa thường không am hiểu những việc đương thời. Ấy là không kể những sách truyền kỳ hay bịa đặt ra nhiều việc lạ, cho là có thực mà thực thì không có; sách sử ký rất đích thực cũng vậy, không thay đổi, không tô điểm thêm cho việc hay hơn thì cũng bỏ bớt đi những việc tầm thường không hiển hách, thành ra các việc thuật lại không được y như sự thực, người nào lấy gương lịch sử mà đặt phép xử thế tất mắc vào những sự quái đản bất kinh như trong sách tiểu thuyết, mà mưu toan những công việc quá sức mình. Tôi rất chuộng nghề hùng biện, mà tôi cũng yêu nghề làm thơ, nhưng tôi thiết tưởng hai nghề ấy là cái tài riêng trong trí, không phải là kết quả của sự học. Người nào biết suy lý mạnh, biết dung hóa cái tư tưởng của mình mà sếp đặt cho phân minh rõ ràng, thì người ấy nói gì tất cũng dễ lam cho người ta hiểu được, dù nói tiếng bas-breton (tức như ta gọi “tiếng kẻ noi”) mà không từng học từ chương bao giờ cũng chẳng hề gì. Lại những người biết khéo sáng nghĩ ra những sự vui thú, biết diễn những sự ấy ra cho văn vẻ thật êm đềm, thì người ấy tức là nhà làm thơ giỏi, dù không thuộc thi pháp cũng chẳng hề gì. Tôi thích học nhất là số học, vì cái nguyên lý nó chắc thực mà sác nhiên, nhưng tôi chưa thấy nó thực dụng việc gì, chỉ thấy giúp được các nghề máy móc mà thôi; tự lấy làm lạ rằng cái nền gốc nó vững vàng chắc chắn như thế mà làm sao từ xưa đến nay chưa ai sây dựng được cái gì cao đích hơn. Chẳng bì với những sách vở nói về phong tục của các nhà “ngoại giáo”[5] ngày xưa, tôi thường ví cái lâu đài to nhớn đẹp đẽ, nhưng sây lên trên đống cát đống bùn. Những sách ấy tán dương các đức hạnh, cho là những điều đáng kính đáng chuộng hơn cả mọi sự ở đời, nhưng không dạy cho biết những đức hạnh ấy thế nào, lắm khi lấy tên tôn trọng ấy mà che lấp những sự sấu sa bại hoại. Tôi kính trọng môn thần học của ta, mà tôi cũng mong mỏi được lên Thiên đường như ai; nhưng tôi đã từng nghiệm mà biết chắc rằng cái đường lên thiên đường ấy, không phải là cứ người học giỏi, dẫu người chí ngu cũng bước lên được; đến như những nhẽ mầu nhiệm của tôn giáo để dạy cho cái phép lên Thiên đường, thì là những sự cao quá cái trí tuệ của người ta, tôi không dám đem sự suy lý hèn mọn của tôi mà xét đến, thiết tưởng rằng muốn xét những nhẽ ấy tất phải có Giời giúp sức cho một cách lạ lùng, hay là phải là bực thần thánh hơn người mới được. Đến như triết học thì cũng lại không đủ tin nữa. Cứ xét một điều từ xưa đến nay biết bao nhiêu người tài giỏi chuyên trị triết học, mà hiện nay chưa có một sự gì là không còn nghi ngờ, không còn cãi cọ nhau, thì tôi cũng đủ biết mà không dám tự phụ mong học được hơn các ngườI trước. Lại xét khi nào nhiều nhà triết học cùng bàn về một sự gì, cái ý kiến khác nhau là chừng nào, mà trong bấy nhiêu ý kiến không có một cái nào là thực cả, thì phàm cái gì mới có bề ngoài là thực thôi, tôi cũng cho là hư cả. Còn như các môn học khác, nguyên lý nó cũng do triết học mà ra, thì tôi thiết tưởng rằng cái nền ở dưới đã không được vững vàng, cái nhà sâu trên cao có bền chặt được. Tuy học các môn ấy thường được phú quí lợi lộc, nhưng cái đó cũng không đủ khiến cho tôi học, vì nhờ giời tôi không đến nỗi phải dùng sự học vấn làm một nghệ nghiệp để kiếm tiền. Tuy tôi không dám lên mặt khinh đời mà bỉ[6] những sự vinh dự của đời, song tôi cũng không trọng cái vinh dự vì giả dối mà được. Sau nữa, đến những cái học thuyết sằng, thì tôi tưởng đã đủ biết cái giá trị nó rồi, không sợ hoặc phải những sự giả dối lừa gạt người của bọn luyện đan, bọn chiêm tinh, bọn yêu thuật, cùng đại để những kẻ phô phang làm ra mặt mình biết những sự thực không biết. Thế cho nên đến tuổi thoát ly được cái quyền áp chế của thầy học, lập tức tôi bỏ hẳn nghề văn học. Định chỉ nghiên cứu cái học ở trong người mình cùng cái học trong quyển sách nhớn của thế giới, tôi bèn dùng hết tuổi thanh niên của tôi để đi du lịch: xem chơi những nơi triều miếu quân doanh; giao du với những người các hạng các cách; kinh nghiệm nhiều việc; tùy cái cơ hội đưa rủi đến cho mình mà tự thí nghiệm lấy mình; dù việc gì sẩy ra ở nơi nào cũng suy nghĩ để mong ích lợi cho sự học của mình. Vì tôi xét ra rằng phàm người nào suy xét việc gì quan hệ đến mình, sự lợi hại đến ngay mình, mình xét nhầm việc xảy ra tất phải chịu thiệt, thì sự suy xét ấy thường chắc thực hơn là cái người văn nhân ngồi trong buồng giấy đàm luận những sự cao kỳ, không thành hiệu nghiệm gì, chỉ được một cái kết quả là có nhẽ sự đàm luận ấy càng viển vông bao nhiêu lại càng lấy làm tự cao bấy nhiêu, vì đã phải dùng mất nhiều trí thuật mới làm cho ra vẻ sự thực được. Mà tôi thì tôi chỉ ham biết phân biệt được điều phải điều trái để xét công việc tôi cho khỏi nhầm, cùng cư xử ở đời cho chắn chắn. Chắc rằng trong khi tôi quan sát những thói ăn cách ở của người ngoài, tôi cũng chưa thấy cái gì là chắc chắn cả, chỉ thấy phong thói người ta cũng mỗi người một khác như ý kiến các nhà triết học tôi xét khi xưa vậy. Thành ra chỉ được một sự ích lợi, là trông thầy nhiều sự mình thường cho là trái nhẽ thường, các dân tộc khác lại công nhận là hợp nhẽ phải, thì mới biết rằng phàm cái gì theo tục, theo thói quen, là không nên quá tin vậy. Nhờ đó tôi mới dần dần giải thoát được nhiều sự sai nhầm, nó làm cho mờ ám cái trí sáng suốt tự nhiên của mình, khiến cho mình không thấu được nhẽ phải. Nhưng sau khi tôi đã học xong quyển sách của thế giới như thế trong mấy năm rồi, cùng đã thu hoạch được ít nhiều sự kinh lịch, thì một ngày tôi mới quyết chí quay về học trong người tôi, mà dùng hết tinh lực để kén chọn lấy đường lối nên theo, thiết tưởng thế còn thành hiệu hơn là khi chân chưa kịp bước ra khỏi nước, mắt chưa trông ra ngoài quyển sách vậy. * * * NHỜI BÀN CỦA NGƯỜI DỊCH. – Ông Descartes gọi “nhẽ phải”, tức tiên nhi ta gọi là “thiên lý”. Thiên lý là của giời phú dữ cho mọi người, không ai là không có. Nhưng cái thiên lý thường bị vật dục mờ ám mà không được thập phần sáng suốt. Công phu sự học vấn, sự giáo dục là phải phát minh cái thiên lý ra mà đè nén cái vật dục lại. Như thế thì đông nho với tây nho cũng cùng một tư tưởng vậy. Nhưng đông nho có ý thiên về một bề đạo đức, mà không chủ sự học vấn như tây nho, nên chưa từng dụng tâm tìm một phương pháp chính đáng để cứu xét cái chân lý. Vả tiên nho ta cũng không có cái quan niệm về hai chữ “chân lý” như tây nho. Tây nho gọi “chân lý” thì ta gọi là “chí đạo”, là cái bực cao nhất trong đạo đức, không phải là cái nhẽ sác nhiên trong sự vật. Bởi thế cho nên về đường cách vật, tây nho nói tường hơn đông nho nhiều. Cứ dọc một chương thứ nhất sách “Phương pháp luận” của ông Descartes này thì đủ biết vậy. Ông đối với sự học thực là mang một lòng thành thực vô cùng. Ông thường nhận người ta ai cũng có nhẽ phải mà không mấy người biết dùng, nên ông khái nhiên muốn tự tìm lấy một phương pháp để dùng cái nhẽ phải cho phải đường. Ông đã thiệp liệp kinh sử, ông lại dụng công du lịch, ông lại chú ý quan sát trong nội tâm mình, nhất cử, nhất động, nhất quan, nhất niệm, đều là chỉ vị một sự học, sứ thế trong mấy mươi năm mới tìm được cái đường lối chân chính để giúp cho sự học của mình cùng giúp cho kẻ học về sau. Trong chương thứ nhất này ông kể cái lịch sử sự học vấn của ông, cùng bởi sao cho ông tận tín, không đủ khiến cho ông mãn nguyện; nhời văn thực là chiều miên mà uyên áo vậy. PHẠM QUỲNH Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 3, tháng 9 năm 1917, tr. 169-173. Phiên bản điện tử: triethoc.edu.vn thực hiện [1] Xem bài bàn về ông Descartes trong Nam Phong, số 2, trang 100-104. [2] tức là chữ “chậm” (triethoc.edu.vn). [3] tức là chữ “gặp” (triethoc.edu.vn) [4] tức chữ “xấu” (triethoc.edu.vn). [5] Ngoại giáo, là không thuộc về đạo Thiên chúa (nguyên chú) [6] “Bỉ” có nghĩa là “khinh thường” (Hội Khai trí Tiến Đức. Việt Nam tự điển. tr. 46) (triethoc.edu.vn) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC