G. W. F. HEGEL
CÁC NGUYÊN LÝ CỦA TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN
(GRUNDLINIEN DER PHILOSOPHIE DES RECHTS)
BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
--- o0o ---
PHẦN I
PHÁP QUYỀN TRỪU TƯỢNG
§34
Ý chí tự do tự-mình-và-cho-mình – khi còn ở trong Khái niệm trừu tượng của nó – thì mang tính quy định của sự trực tiếp. Dựa theo tính quy định này, nó là hiện thực phủ định của chính nó, chỉ quan hệ với mình một cách trừu tượng, đối lập lại với thực tại, tức: là ý chí cá biệt tồn tại-trong-mình của một chủ thể. Tương ứng với mômen của tính đặc thù [này] của ý chí, nó có thêm một nội dung gồm những mục đích nhất định, và, với tư cách là tính cá nhân loại trừ [cái khác], nó đồng thời đối diện với nội dung này như với một thế giới bên ngoài, có sẵn một cách trực tiếp.
Giảng thêm (H)
Khi tôi nói rằng ý chí tự do tự-mình-và-cho-mình – khi còn ở trong Khái niệm trừu tượng của nó – thì mang tính quy định của sự trực tiếp, điều này cần phải được hiểu như sau đây:
- Ý niệm đã hoàn tất của ý chí là tình trạng trong đó Khái niệm đã hoàn toàn thực hiện được chính mình, và trong đó sự tồn tại-hiện có (Dasein) của nó không gì khác hơn là sự phát triển của chính bản thân Khái niệm. Tuy nhiên, thoạt đầu, Khái niệm là trừu tượng, nghĩa là, mọi sự quy định tuy đều được chứa đựng bên trong nó, nhưng cũng chỉ đơn thuần “được chứa đựng” mà thôi: chúng chỉ mới là tự-mình và chưa được phát triển ở trong chính mình thành cái toàn thể (Totalität). Khi tôi nói: tôi là tự do; thì cái Tôi này mới chỉ là sự tồn tại-trong-mình một cách không có sự đối lập; trong khi đó, ngược lại, ở trong Luân lý [cấp độ sau] đã có một sự đối lập, bởi vì ở cấp độ ấy, tôi tồn tại với tư cách là ý chí cá biệt, còn sự Thiện tồn tại với tư cách là cái phổ biến, mặc dù cái phổ biến này là ở trong chính bản thân tôi. Ở cấp độ ấy, ý chí cũng đã có các yếu tố được phân biệt giữa tính cá biệt và tính phổ biến ở trong lòng nó, và, vì thế, là ý chí đã được quy định nhất định. Thế nhưng ở lúc bắt đầu thì một sự phân biệt như thế chưa có mặt, bởi ở trong sự thống nhất [hay nhất thể] trừu tượng đầu tiên thì chưa có sự tiến lên, cũng chưa có sự trung giới nào cả: vì thế, ý chí tồn tại trong hình thức của sự trực tiếp, của “Tồn tại”. [Song], sự thức nhận cơ bản đạt được ở đây là: bản thân tính không-được quy định đầu tiên này cũng là một tính quy định. Vì lẽ: tính không-được-quy-định có nghĩa chưa có sự phân biệt giữa ý chí với nội dung của nó, nhưng, bản thân tính không-được-quy-định – khi đối lập với cái được quy định nhất định – thì cũng mang đặc điểm quy định là một cái gì nhất định, đó là, ở đây, sự đồng nhất trừu tượng là cái tạo nên tính quy định [của nó]; qua đó, ý chí trở thành một ý chí cá biệt: [ta gọi đó] là Nhân thân (Person).
§35
Tính phổ biến của ý chí tự do tồn tại cho-mình này là tính phổ biến hình thức, tức là, quan hệ với chính mình một cách tự-giác (nhưng vô-nội dung) và đơn giản trong tính cá biệt [tính cá nhân] của mình; và trong chừng mực ấy, chủ thể là Nhân thân (Person). Trong tính nhân thân (Persönlichkeit), với tư cách là nhân thân [cá biệt] này, tôi hoàn toàn bị quy định về mọi phương diện (trong ý chí tùy tiện bên trong của tôi, trong động cơ bản năng và ham muốn, cũng như trong quan hệ với sự tồn tại-hiện có (Dasein) trực tiếp của tôi ở bên ngoài), và, tuy tôi là hữu hạn, nhưng lại hoàn toàn là sự quy chiếu thuần túy với chính mình, và, do đó, trong sự hữu hạn của mình, tôi biết tôi như là vô hạn, phổ biến và tự do.
Tính nhân thân chỉ bắt đầu có mặt khi chủ thể không đơn thuần có ý thức về mình nói chung như là Tự-ý thức cụ thể, được quy định nhất định bằng một cách nào đó mà là một Tự-ý thức về mình như là cái Tôi hoàn toàn trừu tượng, trong đó mọi tính hạn chế và tính hiệu lực cụ thể đều bị phủ định và làm cho mất hiệu lực. Vì thế, trong tính nhân thân, có cái biết về chính mình như là đối tượng, nhưng như là một đối tượng được tư duy nâng lên thành tính vô hạn đơn giản và, qua đó, đồng nhất một cách thuần túy với bản thân mình. Chừng nào chưa đi đến được tư duy thuần túy và cái biết về mình này thì những cá nhân và những dân tộc vẫn chưa có được tính nhân thân.
Tinh thần tồn tại tự-mình-và-cho-mình khác với Tinh thần hiện tượng [học] ở chỗ: trong cùng một sự quy định, thì cái sau chỉ là Tự-ý thức, là ý thức về mình, nhưng chỉ dựa theo ý chí tự nhiên và những sự đối lập vẫn còn ngoại tại của ý chí ấy (Xem: Hiện tượng học Tinh thần, 1807, tr. 101 và tiếp, và Bách khoa thư các Khoa học triết học, §344)[95], trong khi đó, cái trước có chính mình – như là cái Tôi trừu tượng và tự do – làm đối tượng và mục đích, và, như thế là nhân thân (Person).
Giảng thêm (H)
Ý chí tồn tại cho-mình hay ý chí trừu tượng là nhân thân. Thành tựu cao nhất của con người là trở thành một nhân thân (Person), nhưng, dù vậy, sự trừu tượng đơn thuần ngay trong thuật ngữ “nhân thân” (Person) lại nói lên một cái gì bị khinh miệt[96]. Nhân thân khác biệt cơ bản với chủ thể, vì chủ thể chỉ là khả thể của tính nhân thân, bởi bất kỳ cái gì có sự sống thì đều là một chủ thể cả! Vậy, nhân thân là chủ thể có ý thức về tính chủ thể này, vì, trong nhân thân, tôi tồn tại tuyệt đối cho-tôi: nó là tính cá biệt của sự tự do trong cái tồn tại-cho-mình thuần túy. Với tư cách là nhân thân [cá biệt] này, tôi biết tôi là tự do ở trong chính mình và có thể trừu tượng hóa [hay thoát ly] khỏi tất cả, bởi không có gì đứng đối diện với tôi ngoài tính nhân thân thuần túy. | Song, với tư cách là nhân thân [cá biệt] này, tôi lại là một cái gì hoàn toàn bị quy định nhất định: bao nhiêu tuổi, cao bao nhiêu, đang ở trong phòng này và còn bao nhiêu thứ đặc thù khác. Vậy, nhân thân vừa là cái gì rất cao, vừa là cái gì thật thấp kém: trong nó, có mặt sự thống nhất của cái vô hạn và cái tuyệt đối hữu hạn, của ranh giới nhất định và cái thực sự không-ranh giới. Sự kỳ vĩ của nhân thân là ở chỗ: nó có thể gánh vác được sự mâu thuẫn này, một mâu thuẫn mà không có gì ở trong thế giới tự nhiên có thể chứa đựng hay chịu đựng nổi.
§36
1. Tính nhân thân, nói chung, bao hàm năng lực pháp lý và tạo nên Khái niệm lẫn cơ sở (vốn bản thân cũng là trừu tượng) cho pháp quyền trừu tượng và, do đó, cho pháp quyền hình thức. Vì thế, mệnh lệnh của pháp quyền là: “Hãy là một nhân thân và tôn trọng những người khác như là những nhân thân!”.
§37
2. Tính đặc thù của ý chí tuy là một mômen trong toàn bộ ý thức về ý chí (Xem §34), nhưng nó chưa được bao hàm ở trong tính nhân thân trừu tượng xét như tính nhân thân trừu tượng. Vì thế, dù nó có mặt - như là ham muốn, nhu cầu, động lực bản năng, lòng thiên ái v.v… -, nhưng nó vẫn còn khác biệt với tính nhân thân, với sự quy định của tự do. Do đó, trong pháp quyền hình thức, vấn đề không phải là [bàn] về lợi ích đặc thù, về sự thuận lợi hay về sự sung sướng của tôi, và cũng không bàn về cơ sở quy định đặc thù của ý chí tôi, tức, không bàn về sự thức nhận và ý định [của tôi].
Giảng thêm (H)
Vì lẽ trong nhân thân, tính đặc thù chưa có mặt với tư cách là sự tự do, nên tất cả những gì liên quan đến tính đặc thù ở đây đều là một cái gì dửng dưng. Nếu ai đó chỉ quan tâm đến pháp quyền hình thức của mình, thì điều này có thể chỉ là sự ngoan cố đơn thuần như vốn thường gặp nơi những kẻ có đầu óc hẹp hòi, bởi con người thô lậu thì hầu hết luôn bám chặt lấy quyền của mình, trong khi con người khoáng đạt lại tìm cách phát hiện thêm những phương diện khác liên quan đến sự việc. Vì thế, pháp quyền trừu tượng thoạt đầu chỉ là một khả thể đơn thuần, và, trong phương diện đó, là cái gì [đơn thuần] hình thức khi so sánh với toàn bộ phạm vi của mối quan hệ. Cho nên một sự quy định của pháp luật chỉ mang lại cho tôi một thẩm quyền, nhưng không tuyệt đối tất yếu rằng tôi sẽ theo đuổi quyền ấy của tôi, bởi nó chỉ là một phương diện của toàn bộ mối quan hệ. Thật thế, khả thể là tồn tại, nhưng cũng đồng thời có nghĩa là: có thể không tồn tại.
§38
Đối với hành động cụ thể và các quan hệ luân lý và đạo đức, pháp quyền trừu tượng chỉ là một khả thể so với phần còn lại của nội dung của chúng, và sự quy định của pháp luật, vì thế, chỉ là một sự cho phép hoặc một thẩm quyền([97]). Cùng một lý do về sự trừu tượng như thế, sự tất yếu của pháp quyền này bị giới hạn ở việc phủ định - tức, không vi phạm tính nhân thân và những gì rút ra từ tính nhân thân. Cho nên, trong pháp luật, chỉ có những sự cấm đoán; và hình thức thực định của mệnh lệnh của pháp luật thì, xét đến cùng về nội dung, đặt cơ sở trên sự cấm đoán[98].
§39
3. Tính cá biệt [tính cá nhân] lấy quyết định và có tính trực tiếp của nhân thân quan hệ với một giới tự nhiên có sẵn. Như thế, tính nhân thân của ý chí đứng đối lập lại với tự nhiên với tư cách là một cái chủ quan. Nhưng, vì lẽ tính nhân thân là vô hạn và phổ biến trong chính nó, nên việc giới hạn ở tồn tại đơn thuần chủ quan này là [tự] mâu thuẫn và vô hiệu. Tính nhân thân là cái gì hành động để vượt bỏ sự giới hạn này và mang lại thực tại cho chính mình, hay, cũng đồng nghĩa như thế, để thiết định sự tồn tại-hiện có (Dasein) ấy như là sự tồn tại-hiện có của chính mình.
§40
Pháp quyền thoạt đầu là sự tồn tại-hiện có (Dasein) trực tiếp. | Đó là sự tồn tại-hiện có mà sự tự do mang lại cho chính mình bằng một cách trực tiếp,
a) như là sự chiếm hữu. | Sự chiếm hữu là sở hữu. | Ở đây, sự tự do là sự tự do của ý chí trừu tượng nói chung, hay, cũng đồng nghĩa như thế, là sự tự do của một nhân thân cá nhân chỉ quan hệ với chính mình.
b) một nhân thân, khi phân biệt mình với mình, quan hệ với một nhân thân khác; và cả hai sở dĩ có sự tồn tại-hiện có (Dasein) đối với nhau chỉ là với tư cách những người sở hữu. Sự đồng nhất tự-mình của họ nhận được sự hiện hữu (Existenz) thông qua việc chuyển sở hữu của người này sang cho người kia bởi ý chí chung và bảo tồn các quyền của cả hai bên, - nghĩa là, bằng hợp đồng [hay khế ước].
c) Ý chí – khi chỉ quan hệ với mình và tự phân biệt bên trong chính mình (như trong a) hơn là được phân biệt với một nhân thân khác (như trong b) – là một ý chí đặc thù, vừa khác biệt, vừa đối lập lại với mình xét như với ý chí tồn tại tự-mình-và-cho-mình, chính là ý chí tạo ra sự phi pháp và tội ác.
Giống như nhiều sự phân chia khác cùng loại, việc phân chia pháp quyền thành một bên là quyền về nhân thân và vật và bên kia là quyền về những hành vi trước hết nhằm mục đích áp đặt một trật tự ngoại tại lên trên khối chất liệu hỗn độn đang có. Đặc điểm chủ yếu của sự phân chia này là sự lẫn lộn khi nhập chung những quyền vốn lấy những quan hệ bản thể làm tiền đề - như gia đình và Nhà nước - với những quyền chỉ quan hệ đến tính nhân thân trừu tượng. Sự phân chia của Kant – và được nhiều người khác ưa thích – thành quyền về vật, quyền về nhân thân và quyền về hành vi trong gia đình[99] [hay quyền nhân thân-đối vật] là một ví dụ tiêu biểu về sự lẫn lộn này. Bàn sâu về sự lệch lạc và vô-khái niệm của việc phân chia thành quyền về nhân thân và quyền về vật - vốn là sự phân chia cơ bản trong Luật La Mã (quyền về hành động liên quan đến việc quản trị và thực thi công lý không thuộc về sự phân loại này) ắt sẽ dẫn ta đi quá xa. Ở đây, ít ra cũng đã sáng tỏ rằng chỉ có [tính] nhân thân mới có quyền đối với vật, và, vì thế, quyền nhân thân, về bản chất, là quyền về vật – “vật” (Sache) được hiểu theo nghĩa khái quát như là tất cả những gì ngoại tại đối với sự tự do của tôi, thậm chí kể cả thân thể và sự sống của tôi. Quyền về vật này là quyền của [tính] nhân thân xét như tính nhân thân. Trong khi đó, trong Luật La Mã, cái được gọi là quyền của nhân thân chỉ xét một con người với tư cách là một nhân thân khi có một cương vị nào đó (Xem: Heineccius, Elementa iuris civilis / Dân luật cương yếu, (1728), §75), vì thế, trong Luật La Mã, bản thân tính nhân thân cũng chỉ đơn thuần là một đẳng cấp hay tình trạng[100], đối lập lại [tình trạng] nô lệ. Ngoài quyền đối với nô lệ (trong đó có lẽ cả đối với trẻ con) và tình trạng vô quyền (capitis diminutio)[101], nội dung của cái gọi là quyền về nhân thân trong Luật La Mã liên quan đến các quan hệ gia đình[102]. Ngoài ra, nơi Kant, các quan hệ gia đình lại thuộc về các quyền nhân thân theo kiểu đối vật[103]. – Vì vậy, quyền về nhân thân trong Luật La Mã không phải là quyền của nhân thân xét như nhân thân, mà chỉ là quyền của một nhân thân đặc thù; - về sau, ta sẽ thấy rằng cơ sở thực chất của quan hệ gia đình thực ra là sự từ bỏ tính nhân thân. Vậy, quả là ngược ngạo khi bàn về quyền của nhân thân trong tính quy định đặc thù của nó trước khi bàn về quyền phổ biến của tính nhân thân.
- Với Kant, những quyền nhân thân là những quyền nảy sinh từ một hợp đồng hay khế ước, là nơi tôi cho ra một cái gì hay thực hiện một dịch vụ - trong Luật La Mã, cái ius ad rem [cũng] nảy sinh từ một obligatio[104]. Tất nhiên, chỉ có một nhân thân mới bó buộc phải thực thi các điều khoản của một hợp đồng, cũng như chỉ có một nhân thân mới sở đắc quyền được thấy chúng được thực thi. | Song, không phải vì thế mà có thể gọi một quyền như thế là một quyền nhân thân: bất kỳ quyền nào cũng chỉ có thể thuộc về một nhân thân, và, xét một cách khách quan, một quyền dựa trên hợp đồng không phải là một quyền đối với một nhân thân, mà chỉ đối với cái gì ngoại tại đối với nhân thân, hay, nói khác đi, đối với cái gì nhân thân có thể từ bỏ, tức, bao giờ cũng là một vật.
(xem tiếp kỳ 5)
Nguồn: G. W. F. Hegel. Các nguyên lý của triết học pháp quyền. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú thích. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.
[95] PhG 166-167; EG §424.
[96] PhG, §480 (Hiện tượng học Tinh thần, BVNS dịch và chú giải, tr. 975): … “Ngay trong bản thân tiến trình tạo nên hiệu lực hiện thực cho mình, ý thức về pháp quyền thực ra đã trải nghiệm sự đánh mất thực tại của mình, trải nghiệm tính vô-bản chất hoàn toàn của chính mình, và [thấy rằng] việc biểu thị một cá nhân như là một “pháp nhân” (Person) là một cách diễn tả khinh miệt”. [Trong HTHTT, “Person” được bàn như một hình thái ý thức ở cấp độ “Tình trạng pháp quyền” (Rechtszustand) của đế quốc La Mã, biểu thị “tính nhân thân” trừu tượng của sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Bây giờ, trong Triết học pháp quyền, nhân thân (Person) được xét như mômen trừu tượng và hình thức của Khái niệm pháp quyền (Xem thêm §37 tt)].
([97]) Xem thêm Nhận xét của Hegel trong các bài giảng: “Được phép làm có nghĩa là “khả hữu dựa theo pháp luật” (VPR 17 45); “Cái được phép làm thì không vi phạm ý chí tự do của tôi, còn cái được quyền làm (Befugnis) là cái mà những người khác phải thừa nhận” (VPR I, 255).
[98] “Mọi mệnh lệnh của pháp quyền đều chỉ là những sự cấm đoán” (ngoại trừ mệnh lệnh: “hãy là một nhân thân”) (VPR 17 45), PR §36.
[99] Cách phân chia truyền thống thành pháp quyền về nhân thân, về sự vật và về hành vi trong Luật La Mã, Xem Justinian, Institutes 1.2.12; Justinian Digest 1.5.1 và Gaius, Fastitutes 1.8. Với Kant, RL §10, 260: “Quyền về vật” (Sachenrecht / the right of things) là quyền sở hữu chúng (RL §§11-17); “quyền nhân thân” (persönliches Recht / the right of persons) là quyền tự nguyện thực hiện những hành vi của nhân thân do hợp đồng mang lại (RL §§18-21); “quyền nhân thân-đối vật” hay “quyền về hành vi trong gia đình” (das auf dinglicher Art persönliche Recht / personal right of a real kind) (RL §22) là quyền được thực thi trong các quan hệ gia đình: quyền của vợ chồng đối với nhau (RL §§24-27) và quyền của cha mẹ đối với con cái (RL §§28-29).
[100] Luật La Mã: “trong pháp luật, con người và nhân thân là hoàn toàn khác nhau. Con người là một hữu thể sở hữu một cơ thể người và một tinh thần có lý trí; còn nhân thân là một con người được xét như có một cương vị (status) nhất định” (J. G. Heineccius, Elementa iuris civilis (Dân luật cương yếu), Amsterdam, 1726, §75), dẫn theo H. B. Nisbet, Sđd, tr. 405. Xem thêm Chú thích (96).
[101] Caput: sở hữu một cương vị pháp lý nào đó; còn capitis diminutio là khi cương vị ấy bị thay đổi hay mất đi, chẳng hạn, khi bị bán làm nô lệ (Justinian, Institutes, I. 16.1-2; Gaius, Institutes I. 160).
[102] Có lẽ cơ sở để đồng nhất hóa quyền của nhân thân với luật gia đình đó là: trong Luật La Mã, cần ba điều để con người trở thành một “nhân thân” (Person): a) caput hay cương vị (Xem chú thích 101); b) libertas hay năng lực phục tùng các quyền và nghĩa vụ của một công dân La Mã, và c) familia hay năng lực phục tùng các quyền và nghĩa vụ làm thành viên của một gia đình La Mã (Justinian, Digest, I. 5). Nhưng, Hegel cũng thấy rằng chữ “Person” (nhân thân) có khi được dùng theo nghĩa lỏng lẻo trong Luật La Mã, khiến cho một người nô lệ có khi cũng được gọi là một “nhân thân”, Xem: Hiện tượng học Tinh thần, §477, (theo H. B. Nisbet, tr. 405).
[103] Kant, RL (Học thuyết về pháp quyền), §§ 22-30.
[104] Kant, RL (Học thuyết về pháp quyền), §§ 18-21.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Tôi có vài lời chia sẻ như vậy, chứ nhất quyết không có ý nhất bên trọng, nhất bên khinh gì ai, vậy mong mọi người hiểu cho và đồng cảm!