Thuyết Duy tâm Đức

Các nguyên lý của triết học pháp quyền (kỳ 5)

G. W. F. HEGEL

CÁC NGUYÊN LÝ CỦA TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN

(GRUNDLINIEN DER PHILOSOPHIE DES RECHTS)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

--- o0o ---

PHẦN I

PHÁP QUYỀN TRỪU TƯỢNG

(tiếp theo kỳ 4)

 

CHƯƠNG I

SỞ HỮU

 

§41

Nhân thân phải mang lại cho mình một lĩnh vực của sự tự do ngoại tại để hiện hữu như là Ý niệm[95]. Trong sự quy định đầu tiên còn hoàn toàn trừu tượng này, nhân thân là ý chí vô hạn tồn tại tự-mình-và-cho-mình. | Do đó, cái còn bị phân biệt với ý chí, [tức] cái có thể tạo nên lĩnh vực của sự tự do này cũng bị quy định nhưcái khác biệt một cách trực tiếpcó thể tách rời với ý chí.

 

Giảng thêm (H):

Cái [phương diện] lý tính của sở hữu không nằm ở chỗ thỏa mãn các nhu cầu mà ở chỗ thủ tiêu [thải hồi] tính chủ quan đơn thuần của tính nhân thân. Chừng nào có sở hữu thì nhân thân mới hiện hữu như là lý tính. Cho dù thực tại đầu tiên này của sự tự do của tôi mới là một vật bên ngoài, và, vì thế, là một thực tại tồi tàn, thế nhưng, tính nhân thân trừu tượng trong sự trực tiếp của nó không thể có một sự tồn tại-hiện có (Dasein) nào khác hơn là ở trong sự quy định của tính trực tiếp này cả.

 

§42

Cái khác biệt một cách trực tiếp với Tinh thần tự do chính là cái ngoại tại nói chung, tồn tại cho Tinh thần và tự-mình, đó là: một vật, một cái gì không-tự do, không-nhân cách và vô quyền.

Giống như chữ “khách quan”, chữ “vật hay sự vật” có các nghĩa trái ngược nhau[96]:

1.         Một mặt, khi ta bảo đó là sự việc!”, hay “vấn đề là ở sự việc chứ không phải ở con người!” thì nó có nghĩa là cái gì thực chất.

2.         Ngược lại, khi đối chiếu với nhân thân (tất nhiên, nhân thân ở đây không phải là chủ thể đặc thù) thì vật lại là cái đối lập với cái thực chất; tức là cái, theo định nghĩa [hay: theo sự quy định của nó] là cái đơn thuần ngoại tại. – Cái gì là ngoại tại đối với Tinh thần tự do (cần phân biệt Tinh thần tự do với ý thức đơn thuần) thì tồn tại tự-mình-và-cho-mình; vì thế, định nghĩa hay sự quy định khái niệm về [giới] Tự nhiên là: nó là cái ngoại tại tự-nơi-nó[97].

 

Giảng thêm (H):

Vì lẽ vật (Sache) không có tính chủ thể, nên nó là cái ngoại tại, không chỉ là ngoại tại đối với chủ thể mà cả đối với chính bản thân nó. Không gian và thời gian là ngoại tại theo cách này. Với tư cách là [đối tượng] cảm tính, bản thân tôi là ngoại tại về không gian và thời gian. Trong chừng mực tôi có những trực quan cảm tính, tôi có những trực quan ấy về cái mà bản thân là ngoại tại. Thú vật có thể trực quan, nhưng linh hồn của thú vật không lấy linh hồn, không lấy chính bản thân nó, mà lấy một cái ngoại tại làm đối tượng.

 

§43

Với tư cách là Khái niệm trực tiếp, và, do đó, về bản chất, cũng là Khái niệm cá biệt, nhân thân có một sự hiện hữu (Existenz) tự nhiên, một phần tự-nơi-mình và một phần như cái gì mà nhân thân hành xử như với một thế giới bên ngoài. - Vậy, những vật (Sachen) được bàn ở đây trong quan hệ với tính nhân thân (vốn bản thân cũng còn ở trong tính trực tiếp ban đầu) thì chỉ là những vật tồn tại trực tiếp chứ chưa phải là những vật có được những sự quy định thông qua sự trung giới của ý chí.

Những thành tựu tinh thần, khoa học, nghệ thuật và thậm chí cả những lễ tiết tôn giáo (như thuyết giáo, lễ misa, cầu nguyện, ban phước), những phát minh v.v… trở thành những đối tượng của hợp đồng hay khế ước bằng cách được bán hay được mua v.v… và được đối xử tương đương với những vật được thừa nhận. Ta có thể hỏi liệu nhà nghệ thuật, nhà học giả v.v… có sự chiếm hữu pháp lý đối với nghệ thuật, khoa học, năng lực tiến hành một bài thuyết giáo, chủ trì một lễ misa v.v…, nghĩa là, phải chăng những đối tượng như thế là những vật. Ta ngần ngại khi gọi những thành tựu, kiến thức, năng lực v.v… như thế là những vật, bởi một mặt, việc chiếm hữu chúng là đối tượng của việc thương lượng và thỏa thuận thương mãi, nhưng mặt khác, chúng có bản tính nội tâm, tinh thần. Chính vì thế, giác tính có thể thấy lúng túng khi định nghĩa phẩm chất pháp lý của chúng, bởi giác tính chỉ thấy sự đối lập: cái gì đó là hoặc không là vật (cũng như là vô hạn hoặc hữu hạn)[98]. Kiến thức, khoa học, tài năng v.v… tất nhiên là các thuộc tính của Tinh thần tự do, là nội tại hơn là ngoại tại đối với nó, nhưng Tinh thần cũng đồng thời có năng lực – qua việc diễn đạt chúng – mang lại cho chúng một tồn tại-hiện có (Dasein) và từ bỏ chúng (Xem: dưới đây), khiến chúng được định nghĩa là những vật. Như vậy, chúng không phải là một cái trực tiếp ngay từ đầu mà chỉ trở thành như thế thông qua sự trung giới của Tinh thần, là cái quy giản những thuộc tính nội tâm của mình thành tính trực tiếp và tính ngoại tại.

-   Theo quy định phản công chính và vô-đạo đức của Luật La Mã, con cái là những vật, từ quan điểm của người cha. Do đó, người cha có sự sở hữu hợp pháp đối với con cái, mặc dù ông ta cũng có quan hệ đạo đức – tình yêu thương – đối với chúng (tất nhiên, tình yêu thương cũng bị suy yếu rất nhiều vì quy định phản-công chính nói trên). Như thế, trong trường hợp này, cũng đã có một sự hợp nhất – tuy là một sự hợp nhất hoàn toàn phản công chính – của hai sự quy định: là và không phải là một [đồ] vật.

-   Pháp quyền trừu tượng chỉ liên quan đến nhân thân xét như nhân thân, và vì thế, cũng liên quan đến cái đặc thù vốn thuộc về sự tồn tại-hiện có (Dasein) và lĩnh vực của sự tự do của nhân thân. Nhưng, nó chỉ liên quan đến cái đặc thù trong chừng mực cái đặc thù là có thể tách rời và khác biệt một cách trực tiếp với nhân thân: hoặc sự tách rời này tạo nên sự quy định bản chất của cái đặc thù, hoặc cái đặc thù nhận được sự quy định này thông qua ý chí chủ quan. Như thế, những thành tựu tinh thần, những khoa học v.v… chỉ được xét ở đây dựa theo sự sở hữu pháp lý, còn việc sở hữu thân thể và tinh thần thông qua giáo dục, học tập, thói quen v.v… và những gì tạo nên sở hữu bên trong của Tinh thần thì sẽ không được bàn đến. Nhưng, bước chuyển của sở hữu trí tuệ như thế sang tính ngoại tại, trong đó nó mang định nghĩa hay sự quy định của sở hữu pháp lý và hợp pháp sẽ chỉ được đề cập khi ta đi đến phần xuất nhượng hay từ bỏ sở hữu [§65 và tiếp]*.

 

§44

Nhân thân có quyền đặt ý chí của mình vào bất kỳ vật nào. | Vật, qua đó, là của tôi và nhận được ý chí của tôi như là mục đích bản thể của nó, vì nó không có một mục đích như thế bên trong chính mình, như là sự quy định và linh hồn của nó; - quyền chiếm làm của riêng tuyệt đối của con người đối với mọi vật.

Cái gọi là triết học chuyên gán thực tại – theo nghĩa độc lập-tự tồn và tự-mình-và-cho-mình đích thực – cho những vật cá biệt trực tiếp, cho lĩnh vực phi-nhân cách, cũng như nền triết học bảo đảm với ta rằng Tinh thần không thể nhận thức được chân lý và không thể biết vật-tự thân là gì[99] bị chính thái độ của ý chí tự do đối với những vật này trực tiếp bác bỏ. Nếu cái gọi là những sự vật bên ngoài có vẻ có sự độc lập tự tồn đối với ý thức, trực quan và tư duy biểu tượng thì ngược lại, chính ý chí tự do mới là thuyết duy tâm và là chân lý của hiện thực như thế.

 

Giảng thêm (H):

Tất cả mọi vật đều có thể trở thành sở hữu của con người, vì con người là ý chí tự do, và, với tư cách ấy, hiện hữu tự-mình-và-cho-mình, trong khi cái đối vật không có được phẩm tính ấy. Do đó, ai ai cũng có quyền biến ý chí của mình thành vật hay biến vật thành ý chí của mình, nghĩa là, nói khác đi, thủ tiêu vật, cải biến nó thành vật của mình, bởi vật, như là tính ngoại tại, không có mục đích tự thân, không phải là mối quan hệ vô hạn của mình với chính mình mà là cái gì ngoại tại với chính mình. Một cái ngoại tại như thế cũng có thể là một sinh thể (ví dụ: con vật) và, trong chừng mực đó, bản thân là một vật. Chỉ duy có ý chí là cái vô hạn, là cái tuyệt đối so với mọi cái khác, trong khi cái khác, về phía nó, chỉ là tương đối. Như thế, chiếm cái gì đó làm của riêng có nghĩa cơ bản là: biểu lộ chủ quyền của ý chí của tôi đối với vật và chứng minh rằng vật không phải tự-mình-và-cho-mình, không phải là mục đích tự thân. Sự biểu lộ này diễn ra bằng cách tôi đặt vào vật một mục đích khác hơn là mục đích mà vật có một cách trực tiếp; tôi ban cho cái sinh thể - như là sở hữu của tôi - một linh hồn khác hơn là linh hồn nó đã có trước đó; tôi ban cho nó linh hồn của tôi.

Vì thế, ý chí tự do chính là thuyết duy tâm không xét vật như chính bản thân chúng, không xem chúng là tự-mình-và-cho-mình, trong khi thuyết duy thực lại tuyên bố rằng chúng là tuyệt đối, cho dù chúng chỉ có thể được tìm thấy trong hình thức của sự hữu hạn. Ngay cả con vật cũng đã vượt ra khỏi triết học duy thực này, bởi nó tiêu thụ ngấu nghiến vật, và, qua đó, chứng minh rằng vật không phải là độc lập-tự tồn một cách tuyệt đối.

 

§45

Khi tôi có cái gì đó ở trong quyền lực ngoại tại của tôi, thì điều này tạo nên sự chiếm hữu, cũng như phương diện đặc thù làm cho tôi biến một cái gì đó từ những nhu cầu tự nhiên, động lực ham muốn và sự tùy tiện của tôi thành cái của tôi, chính là sự quan tâm đặc thù của việc chiếm hữu. Còn phương diện làm cho tôi - với tư cách là ý chí tự do - trở thành khách quan trong việc chiếm hữu, và, qua đó, mới là ý chí hiện thực, tạo nên cái yếu tố đích thực và hợp pháp trong việc chiếm hữu: đó là tạo nên sự quy định của sở hữu.

Đối với nhu cầu, nếu xét nhu cầu như là yếu tố tiên khởi, thì sở hữu tỏ ra là phương tiện; nhưng, lập trường đúng thật lại là: xét từ quan điểm của sự tự do thì sở hữu – như là tồn tại-hiện có (Dasein) đầu tiên của sự tự do - lại là một mục đích cơ bản nơi bản thân nó (für sich).

 

§46

Khi ý chí của tôi - với tư cách là ý chí nhân thân và, do đó, là ý chí của một cá nhân - trở thành khách quan trong sở hữu, thì sở hữu có được tính cách của sự tư hữu[100]. | Còn sở hữu tập thể - theo bản tính của nó là cái gì có thể được phân chia giữa những cá nhân – thì, về phía nó, có được sự quy định của một cộng đồng có thể được phân giải một cách tự mình, trong đó việc tôi nhường lại phần của tôi là công việc của sự tùy tiện (Willkür) của tôi.

 

Việc sử dụng những đối tượng cơ bản[101] – do bản tính của nó – không thể được đặc thù hóa thành sở hữu tư nhân.

-   Các luật đất đai ở La Mã bao hàm một cuộc đấu tranh giữa cộng đồng và sự tư hữu về đất đai; sự tư hữu này – như là mômen hợp lý tính hơn – đã chiếm ưu thế, dù tổn hại đến [các] quyền khác[102].

-   Gia tài được ủy thác có chứa một mômen đi ngược lại quyền của tính nhân thân, và qua đó, đi ngược lại quyền tư hữu([103]). Nhưng những sự quy định liên quan đến sự tư hữu có thể phải phục tùng các lĩnh vực pháp quyền cao hơn như cộng đồng hay Nhà nước; đó là tư hữu khi trở thành sở hữu của cái gọi là pháp nhân, hay sở hữu bất dịch. Tuy nhiên, những ngoại lệ như thế không thể dựa trên sự ngẫu nhiên, sự tùy tiện riêng tư hay lợi ích riêng tư mà chỉ có thể dựa vào cơ cấu hữu cơ của Nhà nước. 

-   Ý niệm Nhà nước Cộng hòa của Platon có một nguyên tắc phổ biến, đó là sự bất công chống lại nhân thân, không cho nhân thân có quyền tư hữu[104]. Ý tưởng về tình hữu ái ngây thơ, thân thiện hay thậm chí bị cưỡng ép giữa những con người với sự cộng đồng về tài sản và sự xóa bỏ nguyên tắc tư hữu có thể dễ dàng tạo nên tâm thế không biết đến bản tính của sự tự do của Tinh thần và của pháp quyền và không hiểu bản tính này trong những mômen nhất định của nó. Về phương diện luân lý hay tôn giáo, khi các bằng hữu của Epikur dự định thành lập một cộng đồng với tài sản tập thể, ông đã can ngăn với lý do giản dị rằng kế hoạch của họ chỉ chứng tỏ một lòng bất tín với nhau, và, khi người ta không tin cậy nhau thì không phải là bạn của nhau được (Diogenes Laertius, I. X. 6).

 

Giảng thêm (H):

Trong sở hữu, ý chí của tôi là có tính nhân thân. | Nhưng, nhân thân là một thực thể cá biệt này, vì thế sở hữu trở thành cái nhân thân của ý chí cá biệt ấy. Vì lẽ thông qua sở hữu, tôi mang lại sự tồn tại-hiện có (Dasein) cho ý chí của tôi, nên sở hữu cũng phải có sự quy định là thực thể cá biệt này, là cái của tôi. Đó là học thuyết quan trọng về sự cần thiết của sở hữu tư nhân. Nếu có thể có những ngoại lệ do Nhà nước đặt ra thì cũng chỉ duy nhất Nhà nước mới có thể làm như thế, nhưng, thường khi, nhất là trong thời đại của chúng ta, sở hữu tư nhân được Nhà nước khôi phục. Chẳng hạn, nhiều nước đã có lý khi thủ tiêu các tu viện, vì kỳ cùng, một cộng đồng ắt không có cùng một quyền sở hữu như là nhân thân.

 

§47

Với tư cách là nhân thân, bản thân tôi là cá nhân trực tiếp; trong quy định rõ hơn, điều này trước hết có nghĩa: tôi đang sống trong thân thể hữu cơ này, đó là sự tồn tại-hiện có (Dasein) bên ngoài, không thể phân chia của tôi, xét về nội dung, là khả thể hiện thực của mọi sự tồn tại-hiện có nhất định khác. Nhưng, là nhân thân, tôi chỉ đồng thời có cuộc sống và thân thể của tôi, như những [đồ] vật khác, trong chừng mực đó là ý chí của tôi.

Sự kiện rằng: từ phương diện tôi hiện hữu không phải như Khái niệm tồn tại cho-mình mà như là Khái niệm trực tiếp, rằng tôi đang sống và có một thân thể hữu cơ, là dựa trên Khái niệm về sự sống và về Tinh thần như là Linh hồn - tức như là các mômen được rút ra từ phần Triết học về Tự nhiên (Bách Khoa thư các Khoa học triết học, §§259 và tiếp; Xem thêm §§161, 164 và 298) và từ phần Nhân học (như trên, §318)[105]. Tôi có các bộ phận cơ thể này và có cuộc sống của tôi chỉ trong chừng mực tôi muốn; con vật không thể tự làm tàn phế cơ thể hay tự sát, trong khi con người có thể.

 

Giảng thêm (G):

Thú vật tất nhiên cũng sở hữu chính bản thân chúng: linh hồn của chúng sở hữu cơ thể của chúng, nhưng chúng không có quyền nào đối với sự sống của chúng, bởi chúng không muốn điều ấy.

 

§48

Trong chừng mực là cái tồn tại-hiện có (Dasein) trực tiếp, thân thể là không tương ứng với Tinh thần. | Để là cơ quan của ý chí và là công cụ có linh hồn của Tinh thần, thân thể trước hết phải được Tinh thần chiếm hữu đã (Xem thêm: §57). – Nhưng, đối với những người khác, tôi, về bản chất, là một thực thể tự do trong thân thể của tôi như là tôi đang sở hữu nó một cách trực tiếp.

Chỉ với lý do rằng tôi đang sống như một thực thể tự do bên trong thân thể của tôi, nên cái tồn-tại-hiện có (Dasein) đang sống thực này không cho phép ai lạm dụng nó như một con vật khổ sai. Trong khi tôi đang sống thì linh hồn của tôi (Khái niệm, hay, ở một cấp độ cao hơn, thực thể tự do) và thân thể của tôi là không tách rời nhau; thân thể của tôi là cái tồn tại-hiện có (Dasein) của sự tự do, và tôi cảm nhận thông qua nó. Vì thế, chỉ có một cách hiểu ngụy biện, vô-ý niệm mới có thể đưa một sự phân biệt, theo đó vật-tự thân, tức linh hồn, là không bị xúc phạm hay bị tác động khi thân thể bị lạm dụng và khi sự hiện hữu (Existenz) của nhân thân phải phục tùng bạo lực của người khác. Tôi có thể rút khỏi sự hiện hữu (Existenz) của tôi để quay vào nội tâm và biến sự hiện hữu ấy thành cái gì ở bên ngoài tôi, - [chẳng hạn] tôi có thể gạt những tình cảm đặc thù ra bên ngoài tôi và là tự do ngay khi ở trong xiềng xích. Nhưng, đó là ý chí của tôi; còn đối với những người khác, tôi hiện hữu ở trong thân thể của tôi. Tôi là tự do đối với người khác chỉ trong chừng mực tôi là tự do ở trong sự tồn tại-hiện có (Dasein) của tôi: đó là một mệnh đề đồng nhất (Xem quyển Khoa học Lôgíc của tôi, tập I [ấn bản I, 1812], tr. 49 và tiếp). Bạo lực của người khác đối với thân thể tôi là bạo lực đối với chính tôi.

Chính bởi vì tôi cảm nhận, nên sự đụng chạm và bạo lực chống lại thân thể tôi thì cũng đụng chạm chính tôi một cách trực tiếp, nghĩa là một cách hiện thựchiện tiền. | Và điều này tạo ra sự phân biệt giữa việc mạ lị nhân thân tôi và việc làm tổn hại đến sở hữu bên ngoài của tôi, vì, đối với việc sau, ý chí của tôi không có mặt trong tính hiện thực và tính hiện tiền trực tiếp này.

 

§49

Trong quan hệ với vật bên ngoài, điều hợp lý tính là: tôi sở hữu tài sản, còn phương diện đặc thù lại bao gồm những mục đích, nhu cầu chủ quan, sự tùy tiện, tài năng, những hoàn cảnh bên ngoài v.v… (Xem: §45). | Sự chiếm hữu xét như là sự chiếm hữu - phụ thuộc vào các yếu tố này, nhưng, trong lĩnh vực này của tính nhân thân trừu tượng, phương diện đặc thù này chưa được thiết định nhưđồng nhất với sự tự do. Vì thế, tôi chiếm hữu cái gì và chiếm hữu bao nhiêu là một sự bất tất về pháp lý.

Nếu ở đây ta có thể nói về nhiều nhân thân khi không có sự phân biệt nào khác thì, xét về tính nhân thân, những nhân thân ấy đều bình đẳng với nhau. Nhưng, đó là một mệnh đề lặp thừa, trống rỗng, vì nhân thân – xét như một cái gì trừu tượng – chính là cái chưa được đặc thù hóa và chưa được thiết định trong một sự phân biệt nhất định.

-   Bình đẳng [hay sự ngang bằng nhau] là sự đồng nhất trừu tượng của giác tính, là cái mà tư duy phản tư, và, cùng với nó là sự xoàng xĩnh của Tinh thần nói chung, gặp phải đầu tiên, khi xuất hiện mối quan hệ giữa sự thống nhất [nhất thể] với một sự khác biệt. Sự bình đẳng, trong trường hợp này, chỉ là sự bình đẳng giữa những nhân thân trừu tượng xét như là những nhân thân trừu tượng, chưa tính đến tất cả những gì liên quan đến sự chiếm hữu vốn là cơ sở của sự bất bình đẳng[106].

-   Thường có yêu sách về sự bình đẳng trong việc phân chia đất ruộng hay thậm chí cả những nguồn tài nguyên có sẵn khác. | [Loại] Giác tính đòi hỏi điều này lại càng tỏ ra trống rỗng và hời hợt hơn nữa, khi không biết rằng sự đặc thù này không chỉ bao hàm sự bất tất ngoại tại của Tự nhiên mà còn cả toàn bộ phạm vi của bản tính tự nhiên của Tinh thần trong tính đặc thù, tính khác biệt vô hạn của nó cũng như trong lý tính đã được phát triển một cách hữu cơ.

-   Ta không thể nói về một sự bất công của Tự nhiên trong việc phân phối tài sản và nguồn lực, bởi Tự nhiên là không tự do và vì thế, không công bằng mà cũng không bất công. Bảo rằng mọi người cần phải có thu nhập hay nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu của mình thì, một mặt, là một nguyện vọng luân lý, và, khi nguyện vọng này được diễn đạt theo kiểu bất định như thế, nó quả là một nguyện vọng tốt đẹp, nhưng, như mọi nguyện vọng đơn thuần, nó không có hiện thực khách quan. | Mặt khác, nguồn thu nhập là cái gì khác với sự chiếm hữu và thuộc về một lĩnh vực khác, lĩnh vực của xã hội dân sự. [Xem: §§182-256].

 

Giảng thêm (H):

Sự bình đẳng mà người ta muốn du nhập [vào xã hội], chẳng hạn trong việc phân phối của cải, ắt sẽ lại nhanh chóng bị tiêu tan, vì mọi nguồn lực phụ thuộc vào sự chuyên cần. Và, điều gì không thể thực hiện được thì cũng không nên mang ra thi hành làm gì. Con người tuy là bình đẳng với nhau, nhưng chỉ là bình đẳng với tư cách là nhân thân, nghĩa là, về phương diện nguồn gốc của sự chiếm hữu. Theo đó, bất kỳ ai cũng phải có sở hữu[107]. Vì thế, nếu ta muốn nói về sự bình đẳng, thì đấy chính là sự bình đẳng cần xem xét. Nhưng, sự bình đẳng này là khác với sự quy định về tính đặc thù, tức khác với câu hỏi: tôi sở hữu bao nhiêu. Trong bối cảnh ấy, thật sai lầm khi khẳng định rằng sự bình đẳng đòi hỏi sở hữu của mọi người đều phải ngang nhau, vì [như đã nói] sự bình đẳng chỉ đòi hỏi rằng ai ai cũng phải có sở hữu mà thôi. Thật ra, tính đặc thù là nơi diễn ra sự không bình đẳng, và ở đây, sự bình đẳng lại là phản công lý. Hoàn toàn đúng là con người thường thèm khát của cải của người khác, nhưng đó chính là việc phản công lý, bởi công lý hay pháp quyền (Recht) là cái dửng dưng đối với tính đặc thù.

 

§50

Bảo rằng một vật thuộc về nhân thân nào ngẫu nhiên là kẻ đầu tiên chiếm hữu nó về mặt thời gian[108] là một sự quy định hiển nhiên trực tiếp và thừa thãi, vì kẻ thứ hai không thể chiếm hữu những gì đã là sở hữu của một người khác.

 

Giảng thêm (H):

Các sự quy định trước nay đã chủ yếu liên quan đến nguyên tắc rằng tính nhân thân phải có sự tồn tại-hiện có (Dasein) trong sở hữu. Nay bảo rằng nhân thân chiếm hữu đầu tiên cũng là kẻ sở hữu nó thì chỉ là một hệ luận của những gì đã nói. Người đầu tiên là kẻ sở hữu hợp pháp, không phải vì người ấy là kẻ thứ nhất, mà vì người ấy là một ý chí tự do, bởi: chỉ do việc có một ý chí tự do khác [nhân thân khác] đến sau người ấy, nên mới làm cho người ấy thành kẻ đầu tiên.

 

§51

Sự hình dung trong nội tâm và ý muốn rằng cái gì đó phải là của tôi là không đđể tạo nên sở hữu hiểu như là tồn tại-hiện có (Dasein) của tính nhân thân; trái lại, điều này đòi hỏi phải có sự chiếm hữu nó. Sự tồn tại-hiện có (Dasein) – mà ý chí của tôi có được qua việc làm ấy – bao gồm cả việc nó được thừa nhận bởi những người khác nữa. - Bảo rằng một vật mà tôi có thể chiếm hữu phải là vô chủ (Xem §50) chính là một điều kiện phủ định [hay tiêu cực] hiển nhiên, hay, nói đúng hơn, điều ấy quy chiếu đến mối quan hệ được dự đoán với những người khác.

 

Giảng thêm (H, G):

Khái niệm sở hữu đòi hỏi rằng một nhân thân cần phải đặt ý chí của mình vào một vật; và bước tiếp theo chính là việc thực hiện Khái niệm ấy. Như thế, hành vi ý chí nội tâm của tôi bảo rằng cái gì đó là của tôi mới trở nên có thể được nhìn nhận bởi những người khác. Khi tôi biến một cái gì đó thành của tôi, tôi ban cho nó thuộc tính này, là thuộc tính phải xuất hiện nơi nó thành một hình thức bên ngoài, chứ không được phép chỉ tồn tại đơn thuần trong ý chí nội tâm của tôi. Trẻ em thì thường nhấn mạnh đến ý muốn tiên khởi của chúng khi chống lại sự chiếm hữu của người khác, nhưng, đối với người lớn chúng ta, ý muốn ấy là không đủ, bởi hình thức của tính chủ quan phải được dẹp bỏ đi và phải nỗ lực để thể hiện thành tính khách quan.

 

§52

Việc chiếm hữu biến chất liệu [vật chất] của vật thành sở hữu của tôi, vì chất liệu không sở hữu bản thân nó.

Chất liệu vật chất đề kháng lại tôi (và nó chỉ làm mỗi một việc là đề kháng lại tôi), nghĩa là, nó bày tỏ cái tồn tại-cho mình trừu tượng của nó cho tôi như là cho một Tinh thần [cũng] trừu tượng, tức cho Tinh thần cảm tính (điều ngược đời là: sự hình dung cảm tính xem cái tồn tại cảm tính của Tinh thần là cái cụ thể trong khi lại xem cái lý tính là cái trừu tượng!). | Nhưng, trong quan hệ với ý chí và sở hữu thì cái tồn tại-cho mình này của chất liệu vật chất là không có chân lý. Việc chiếm hữu một cái gì đó – xét như là việc làm ngoại tại, qua đó quyền chiếm lĩnh phổ biến đối với sự vật tự nhiên được hiện thực hóa - thể hiện ra trong những điều kiện như là: sức mạnh thể chất, sự ranh mãnh, tài khéo…, tức tất cả những phương tiện nhờ đó ta chiếm hữu thể chất của vật. Dựa theo sự khác biệt về chất của những vật tự nhiên thì việc khống chế và sở hữu chúng có vô số những ý nghĩa đa dạng và cũng có vô số những sự hạn chế và ngẫu nhiên. Dù sao, những đối tượng sơ đẳng [nước, không khí, đất, lửa…] cũng không phải là đối tượng cho tính cá biệt nhân thân [cá nhân]; để có thể trở thành một đối tượng như thế và được chiếm hữu, chúng trước hết phải được cá biệt hóa đã (ví dụ: một hơi thở, một ngụm nước). Việc không thể chiếm hữu những đối tượng sơ đẳng ấy nói chung kỳ cùng không phải là do không thể làm được về mặt thể lý bên ngoài mà bởi vì nhân thân, như là ý chí, tự quy định mình như là một cá nhân, và, như là nhân thân, nó đồng thời là tính cá nhân trực tiếp, cho nên, với tư cách là nhân thân, nó quan hệ với thế giới bên ngoài như với những sự vật cá biệt (Xem: §13, phần Nhận xét; và §43).

-   Chính vì thế, việc khống chế và chiếm hữu ngoại tại [đối với vật] bằng vô số phương cách đều ít hay nhiều có tính bất định và không toàn vẹn. Thật thế, chất liệu vật chất không bao giờ lại không có một hình thức bản chất, và chỉ nhờ hình thức này mà nó trở thành một cái gì đó. Tôi càng chiếm lĩnh hình thức này nhiều bao nhiêu thì tôi càng đi đến chỗ thực sự chiếm hữu vật ấy bấy nhiêu. Việc tiêu thụ thức ăn là việc thâm nhập và làm biến đổi bản tính về chất của vật, tức biến đổi bản tính của thức ăn trước khi chúng được tiêu thụ. Việc huấn luyện thân thể hữu cơ của tôi để trở nên khéo léo cũng như việc đào tạo Tinh thần của tôi [qua giáo dục] ít hay nhiều đều là việc chiếm hữu và thâm nhập toàn vẹn, [bởi] Tinh thần chính là cái mà tôi có thể chiếm hữu cho tôi một cách toàn vẹn nhất. Trong khi đó, hiện thực này của việc chiếm hữu là khác xa so với việc sở hữu, là cái được hoàn tất bằng ý chí tự do. Đối diện với ý chí tự do, vật không giữ lại cho mình bất kỳ một thuộc tính riêng biệt nào, cho dù việc chiếm hữu – xét như một quan hệ ngoại tại – vẫn còn lưu lại một phương diện ngoại tại nào đó. Trong sở hữu, sự trừu tượng trống rỗng về một chất liệu vật chất không có thuộc tính nào cả tồn tại ở bên ngoài tôi và vẫn là thuộc tính của bản thân vật ấy là điều mà tư tưởng phải khắc phục.

 

Giảng thêm (H):

Fichte đã đặt ra câu hỏi: liệu chất liệu vật chất [của vật] cũng thuộc về tôi khi tôi ban cho nó hình thức?[109] Theo ý ông, khi tôi đã tạo ra được một cái cốc bằng vàng, thì ai cũng có quyền lấy vàng đi, miễn là qua đó không làm hỏng công trình của tôi! Tách biệt như thế là khả thi ở trong đầu óc, nhưng, trong thực tế, sự phân biệt ấy là chẻ sợi tóc làm tư rỗng tuếch, vì khi tôi chiếm hữu một thửa ruộng và canh tác thì không chỉ những luống cày là sở hữu của tôi, mà cả cái khác nữa, đó là đất. Nghĩa là, tôi muốn chiếm hữu cả chất liệu vật chất, cả cái toàn bộ này: vì vậy, nó không phải là vô chủ, cũng không phải là sở hữu của chính nó! Vì tuy chất liệu vật chất tồn tại bên ngoài hình thức mà tôi đã ban cho đối tượng, thì chính hình thức ấy lại là một dấu hiệu cho thấy rằng vật ấy phải là của tôi; vì vậy, nó không tồn tại ở bên ngoài ý chí của tôi, hay không ở bên ngoài cái tôi đã muốn. Cho nên không còn có gì ở đó cả để cho một ai khác có thể chiếm hữu lấy.

 

§53

Các sự quy định chính xác hơn về sở hữu là ở trong mối quan hệ giữa ý chí và vật. | Quan hệ này là:

a. sự chiếm hữu trực tiếp, trong chừng mực ý chí có sự tồn tại-hiện có (Dasein) của mình ở trong vật như là cái gì có tính khẳng định;

b. trong chừng mực vật là một cái gì phủ định đối với ý chí, nghĩa là, ý chí có cái tồn tại-hiện có của mình trong vật như trong một cái gì phải được phủ định: tức trong việc sử dụng nó; và

c. sự phản tư của ý chí đi từ vật quay về lại trong mình: tức việc xuất nhượng nó. [Đấy chính là ba hình thức] phán đoán khẳng định, phủ địnhvô hạn của ý chí về vật[110].

 

(xem tiếp kỳ 6)


Nguồn: G. W. F. Hegel. Các nguyên lý của triết học pháp quyền. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú thích. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.



[95] Xem: Fichte, GNR 41-44/63-68.

[96] Xem lại §26.

[97] Xem thêm: EL (Bách khoa thư II: Triết học về Tự nhiên, §247): “Giới Tự nhiên là Tinh thần trong cái tồn tại-khác. Được mang lại theo cách như thế, Ý niệm tồn tại giống như cái phủ định của chính nó, nói cách khác, như là ngoại tại với chính mình. | Giới Tự nhiên không phải chỉ là ngoại tại một cách tương đối [hay tương quan], tức không phải đối lập với Ý niệm này (và đối lập với sự hiện hữu chủ quan của Ý niệm hay của Tinh thần), trái lại, chính sự ngoại tại tạo nên sự quy định, trong đó Tự nhiên có mặt như là Tự nhiên”.

[98] Ám chỉ cách đặt vấn đề của Kant về “Nghịch lý” (Antinomie) của lý tính thuần túy như là sự lựa chọn bất khả của cái hoặc là-hoặc là (PPLTTT A524-532/B552-560). Hegel thì cho rằng, vật chất hay vũ trụ chẳng hạn, vừa có thể phân chia được một cách hữu hạn vừa một cách vô hạn trong chừng mực Khái niệm về lượng bao hàm cả hai sự quy định: sự bất liên tục và sự liên tục (EL §100; WL V, 216-227/190-199).

* Ghi chú bằng tay của Hegel ở ngoài lề: “Veräuβerung”: ở đây, tốt hơn nên nói như là một kiểu ngoại tại hóa – Veräuβerung [nghĩa đen: ngoại tại hóa] ở đây là việc từ bỏ một cái gì vốn đã là ngoại tại, tức cái vốn là sở hữu của tôi, chứ không phải bây giờ mới là “ngoại tại hóa”. [Vì thế chúng tôi sẽ dịch chữ Veräuβerung và chữ đồng nghĩa với nó là Entäuβerung (§65 và tiếp) là sự xuất nhượng. BVNS].

[99] Rõ ràng ám chỉ luận điểm của Kant rằng ta có thể suy tưởng nhưng không thể nhận thức vật-tự thân.

[100] Ở nhiều chỗ khác, Hegel theo Fichte (Xem Fichte, GNR (Grundlage des Naturrechts / Cơ sở của pháp quyền tự nhiên) (1796)) khi cho rằng sở hữu trở thành tư hữu khi những người khác thừa nhận việc chiếm hữu của tôi (NP 237; VPR 17 56-57; EG §490; PR §71 Nhận xét).

[101] Theo T. M. Knox trong một bản dịch tiếng Anh của ông, đây là bốn yếu tố của vũ trụ luận Hy Lạp: đất, không khí, nước và lửa (dẫn theo R. D).

[102] Ám chỉ cuộc đấu tranh chung quanh công cuộc cải cách ruộng đất do Tiberius Sempronius Gracchus và người em kế vị là Gaius Gracchus thực hiện vào thế kỷ II trước C.N. Cuộc cải cách liên quan đến ager publicus, tức đất đai do đế quốc La Mã chinh phục được và việc tư nhân chiếm hữu số đất đai

([103]) “Gia tài được ủy thác” (fideicommissa) giới hạn các quyền của những người thừa kế đối với tài sản được thừa kế, đòi họ phải giữ trong phạm vi gia đình: “gia tài được ủy thác là khi một mảnh đất hay một số vốn phải được giữ vĩnh viễn trong gia đình hay cho một số các thế hệ nào đó” (Luật nước Phổ năm 1794, Phần 2, Mục 4.2, §23; Xem thêm: Justinian, Institutes 2.23; Gaius, Institutes 2. 246-247). Hegel xem các quy định như thế là giới hạn quyền tư hữu một cách không chính đáng (Xem thêm: §180). Nhưng, Hegel cũng cho rằng tài sản gia đình thực sự là tài sản chung, và người chủ gia đình chỉ là người quản thủ, tức Hegel cũng muốn hạn chế quyền của người cha không được bán tài sản cho người ngoài, bởi đó trước hết không phải là tư hữu của riêng người cha (Xem thêm §§178-180). (theo H. B. N).

[104] Trong “Cộng hòa”, Platon chủ trương: các “vệ binh” phải sống theo phương châm “mọi vật đều chung trong bạn bè”, kể cả vợ, con, tài sản (“Cộng hòa”, 424 a, 449 c). Điều khoản riêng cho các “vệ binh” là phải sống trong những khu vực của nhà nước, không sở hữu tiền bạc và chỉ có tư hữu “nếu thật cần thiết” (nt, 416 e), thậm chí không sở hữu gì ngoài thân thể của mình (nt, 464 d-e). Nhưng, quy định này chỉ dành riêng cho thiểu số “vệ binh”, tức những người cai trị, còn những người khác (không tham gia cai trị) thì có quyền tư hữu tài sản: “có đất ruộng, nhà cửa to lớn, đẹp đẽ, vàng bạc và mọi thứ sở hữu được cho rằng sẽ làm con người hạnh phúc” (nt, 417 b).

[105] Trong Ấn bản 3 (1830), đó là các tiểu đoạn: Bách khoa thư II: §§337-352; Bách khoa thư I: §§213, 216; Bách khoa thư II: §376 và Bách khoa thư III: §399.

[106] Xem thêm Nhận xét sau đây của Hegel trong VPR 17: “Nhân thân có một thân thể là nhờ Tự nhiên, con người chỉ có quyền bình đẳng theo nghĩa trừu tượng đối với toàn bộ những sự vật bên ngoài khác, ví dụ: trái đất… Nói cách nào đó, ai ai cũng có một quyền ngang nhau đối với toàn bộ trái đất. Nhưng, một sự phân phối như thế có vô số những khó khăn to lớn, và, với mỗi thành viên mới sinh ra đời, việc phân chia ắt lại phải được tiến hành lại từ đầu. Sự bình đẳng là một thuộc tính diễn tả một sự quy chiếu ngoại tại. Mọi người đều có quyền bình đẳng đối với thế giới, nhưng, pháp quyền trừu tượng phải hiện thực hóa chính nó, và trong việc hiện thực hóa này, pháp quyền tiến dần từng bước vào lĩnh vực của sự ngẫu nhiên, chẳng hạn: lòng yêu thích, nhu cầu…, và, vì thế, bước vào lĩnh vực của sự không-bình đẳng” (VPR 17 47). Xem thêm: “Quyền bình đẳng là quyền của sự không-bình đẳng trong nội dung của nó, giống như mọi quyền khác” (Karl Marx, Phê bình cương lĩnh Gotha, Tuyển tập Marx / Engels, New York, International Publishers, 1968), tr. 324 (dẫn theo H. B. N).

[107] Đòi hỏi này bắt nguồn từ Fichte. Fichte cho rằng nếu có ai đó không có tài sản tư hữu, người ấy ắt có quyền đối với sở hữu của những người khác: “Mỗi người sở đắc sở hữu dân sự của mình chỉ trong chừng mực và với điều kiện rằng mọi công dân của Nhà nước có thể sống từ những gì là của họ; và, trong chừng mực họ không thể sống được, sở hữu ấy biến thành sở hữu của họ” (GNR 213 / 293; Xem thêm: SL 295 / 311-312). Theo Fichte, Nhà nước vừa có quyền vừa có trách nhiệm tái phân phối tài sản sao cho mọi thành viên của nó đều có thể tiến hành một cuộc sống sản xuất dựa trên những gì họ sở hữu (dẫn theo H. B. N).

[108] Một quy tắc của Luật La Mã: res nullius occupanti cedit [vật vô chủ được nhường cho kẻ chiếm hữu] (Gaius, Institutes 2.66). Ở đây, Hegel có lẽ nhớ đến cách nói của Fichte: “res nullius cedit primo occupanti” [vật vô chủ nhường cho kẻ chiếm hữu đầu tiên] (GNR 133 / 185). Trong Luật La Mã, một res nullius không nhất thiết phải là cái gì chưa bị chiếm hữu, mà cả các tự khí linh thiêng, được xem là không thuộc sở hữu của con người và không được phép bán hoặc thế chấp (Justinian, Institutes 2.1.8). Giống như Kant và Fichte, Hegel bác bỏ loại res nullius này (Kant, RL §2, 246-247 / 52-53; Fichte, GNR 133 / 185; Hegel, PR §44). (dẫn theo H.B.N).

[109] Xem: Fichte, GNR §19, 217-219 / 299-300.

[110] Phán đoán khẳng định có hình thức “X là F” (ví dụ: “hoa hồng là màu đỏ”); phán đoán phủ định có hình thức “X không phải là F” (ví dụ: “hoa hồng không phải là màu đỏ”; còn phán đoán vô hạn (unendliches Urteil / infinite judgement / jugement infini) có hình thức “X là không-F”, nghĩa là: X có một thuộc tính bổ sung cho F (ví dụ: “hoa hồng có một màu khác với màu đỏ” [và ta chưa biết nó là màu gì và có thể là màu gì] (Xem: Kant, Phê phán lý tính thuần túy, A71-73 / B97-98). Sự phân biệt này thường được những ai muốn bảo vệ quy luật bài trung (loại trừ cái thứ ba) khi phủ nhận cả loại phán đoán khẳng định (ví dụ: “con số 7 là màu xanh”) lẫn phán đoán vô hạn (ví dụ: “con số 7 là không-xanh”), để bảo vệ phán đoán phủ định rằng “con số 7 không phải là màu xanh”, bởi điều này không hề ngụ ý rằng con số 7 có thể có một “màu” nào khác. Hegel bàn các hình thức phán đoán này trong WL VI, 311-326 / 630-643 và trong EL §§172-173 (Bách khoa thư I, BVNS dịch và chú giải, NXB Tri thức 2008, tr. 723-732). Ở đây, Hegel cho rằng phán đoán khẳng định của ý chí về vật là tuyên bố rằng nó là của tôi; phán đoán phủ định của ý chí là tiêu thụ hay sử dụng nó; và phán đoán vô hạn là tuyên bố rằng nó là sở hữu một người khác (Xem thêm: §65 A). Chữ “Veräuβerung” / alienation / aliénation: được dịch là sự “xuất nhượng”, tức từ bỏ quyền sở hữu để nhường lại cho người khác.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt