G. W. F. HEGEL
CÁC NGUYÊN LÝ CỦA TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN
(GRUNDLINIEN DER PHILOSOPHIE DES RECHTS)
BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
--- o0o ---
LỜI TỰA
1. Cơ hội trực tiếp để tôi công bố quyển Cương yếu(a) này là nhu cầu cung cấp cho người nghe một bản hướng dẫn khi theo dõi các bài giảng về Triết học pháp quyền được tôi trình bày theo đúng chức trách của mình([1]). Giáo trình này là một sự quảng diễn rộng hơn và nhất là có hệ thống hơn về cùng các khái niệm cơ bản thuộc về bộ phận này của triết học đã có trong công trình trước đây – cũng nhằm giúp theo dõi các bài giảng – đó là bộ Bách khoa thư các khoa học triết học (Heidelberg, 1817) của tôi([2]).
2. Việc bộ Cương yếu này được in và, như thế, được xuất hiện trước cử tọa rộng rãi, đã cho tôi cơ hội làm rõ hơn một số Nhận xét mà mục đích hàng đầu là bình luận ngắn gọn về một số quan niệm gần gũi hoặc khác biệt với các quan niệm của tôi, về những hệ luận xa hơn của lập luận của tôi và về nhiều vấn đề khác ắt sẽ chỉ có thể minh giải thực sự trong bản thân các bài giảng. | Đây là cơ hội để tôi làm rõ các nội dung trừu tượng hơn của văn bản và nghiên cứu kỹ hơn về các quan niệm có liên quan đang thịnh hành hiện nay. Kết quả là, một số các Nhận xét này đã trở nên dài hơn so với mục đích và văn phong của một bộ Cương yếu như người ta vẫn thường chờ đợi. Vả chăng, một bộ Cương yếu đúng nghĩa có nội dung là tất cả những gì được xem là toàn bộ phạm vi của một môn khoa học, và đặc điểm hàng đầu của nó – không kể những chỗ thêm bớt nhỏ ở đây đó – là phương thức tập hợp và sắp xếp các mômen [các yếu tố] cơ bản của nội dung đã quen thuộc và được chấp nhận từ lâu, cũng như hình thức trình bày cũng tuân theo những quy tắc và cung cách đã được nhất trí. Song, sở dĩ một bộ Cương yếu triết học lại không được chờ đợi đúng theo các khuôn khổ ấy chỉ là vì người ta cứ tưởng rằng công trình triết học là một công trình chóng vánh như tấm vải dệt của Penelope, mỗi ngày lại bắt đầu lại từ đầu!([3]).
3. Tuy nhiên, bộ Cương yếu này khác với [các] bộ Bách khoa thư bình thường khác trước hết là ở phương pháp dẫn đạo nó. Ở đây, tôi tiền-giả định rằng phương thức triết học để đi từ một chủ đề này tiến lên một chủ đề khác cũng như trong việc chứng minh khoa học – tức toàn bộ phương thức nhận thức tư biện – là khác cơ bản với các phương thức nhận thức khác([4]). Chỉ duy có sự thức nhận về tính tất yếu của một sự khác biệt như thế mới có thể cứu vớt triết học ra khỏi sự suy đồi đáng hổ thẹn mà nó đang lâm vào hiện nay. Người ta quả đã nhận ra rằng các hình thức và quy tắc của Lôgíc học cổ truyền – nào là định nghĩa, phân loại và suy luận, bao gồm cả các quy tắc của nhận thức giác tính – là không phù hợp với khoa học tư biện. | Hay nói đúng hơn, sự không thích hợp này đã không được nhận ra cho bằng chỉ đơn thuần được cảm nhận, và rồi người ta vứt bỏ hết các quy tắc ấy đi như thể chúng chỉ đơn thuần là những xiềng xích để tha hồ tuyên bố tùy tiện, xuất phát từ “trái tim”, từ sự tưởng tượng, từ trực quan ngẫu nhiên bất tất; và, dầu vậy, do không thể tránh khỏi phải dùng đến sự phản tư và các quan hệ của tư duy, nên người ta sử dụng trở lại phương pháp suy luận và lý sự quen thuộc nhưng đã bị khinh rẻ ấy một cách vô-ý thức.
4. Tôi đã khai triển đầy đủ bản tính của nhận thức tư biện trong bộ Khoa học Lôgíc([5]), nên tôi chỉ thỉnh thoảng bổ sung một ít lời giải thích về tiến trình và phương pháp trong quyển Cương yếu này mà thôi. Do đối tượng nghiên cứu ở đây là cụ thể và tự nó có tính chất rất đa tạp, nên tất nhiên tôi tránh việc chứng minh và trình bày cặn kẽ diễn trình lôgíc trong từng mỗi chi tiết. Một mặt, có lẽ việc này là thừa vì tôi đã giả định một sự quen thuộc [của người đọc] với phương pháp khoa học [tư biện], và mặt khác, người đọc thừa biết rằng công trình này, xét như một toàn bộ, giống như một công trình kiến trúc gồm nhiều bộ phận, đặt nền tảng trên Tinh thần lôgíc. Và tôi mong rằng quyển sách này sẽ được hiểu và được đánh giá chủ yếu từ cách nhìn ấy. Bởi vì, quyển sách không làm việc với điều gì khác hơn là với khoa học, và, trong khoa học, nội dung thiết yếu gắn liền với hình thức.
5. Đúng là ta đã từng nghe nhiều người tỏ ra sâu sắc trong việc nghiên cứu khi bảo rằng hình thức là cái gì ngoại tại, không ăn nhập đến bản thân Sự việc, và chỉ có [nội dung] Sự việc mới là điều quan trọng; rồi lại bảo thêm rằng nhiệm vụ của tác giả, nhất là của tác giả triết học là phải phát hiện những chân lý, nói ra những chân lý và phổ biến những chân lý và những Khái niệm đúng đắn([6]). Nhưng, nếu ta thử xem nhiệm vụ ấy đã thường được thực hiện trong thực tế như thế nào thì một mặt chỉ là hâm đi hâm lại món cháo cũ, rồi đem ra chào mời tứ phương – một công việc có lẽ có đóng góp trong việc giáo dục và nâng cao tâm hồn gì đấy, dù ai cũng sớm nhận ra rằng đó chỉ là sản phẩm thừa thãi của một sự hăng say quá đáng: “bởi họ có ông Moses và các nhà tiên tri, thôi cứ mặc họ lắng nghe các vị ấy!”([7]). Nhưng, trên hết, ta lại có vô số dịp để kinh ngạc về giọng điệu và tham vọng khó che giấu của các tác giả ấy, làm như thể cả thế giới cho đến nay vẫn còn thiếu những kẻ hăng say đi gieo rắc những chân lý, và làm như thể món cháo hâm đi hâm lại của họ có chứa đựng những chân lý mới mẻ, chưa từng được nghe nói tới, cho nên – như họ khuyến cáo – mọi người phải đặc biệt lắng tai nghe “bây giờ hơn lúc nào hết”. Song, mặt khác, ta có thể thấy những chân lý được phái này đưa ra thì lập tức bị những chân lý cũng thuộc loại tương tự của phái khác thế chỗ và quét sạch như thế nào. Và nếu giả sử trong mớ bòng bong của những chân lý như thế có điều gì đấy không cũ, không mới, nhưng có giá trị lâu bền, thì thử hỏi làm sao có thể chiết xuất ra được từ mớ phản tư lung tung, vô-hình thức như thế, hay, nói cách khác, làm sao có thể phân biệt và kiểm chứng nó bằng cách nào khác ngoài [phương tiện] khoa học?
6. Vả chăng, chân lý liên quan đến pháp quyền, đời sống đạo đức và Nhà nước cũng cũ xưa không khác gì việc trình bày và ban bố nó một cách công khai trong luật pháp, luân lý công cộng và tôn giáo. Vậy, chân lý này đòi hỏi điều gì hơn thế nữa, trong chừng mực Tinh thần [suy tưởng của con người] không chịu vừa lòng với việc sở hữu nó một cách trực tiếp như thế? Điều nó cần chính là nó cũng phải được nắm bắt hay thấu hiểu bằng Khái niệm, khiến cho nội dung vốn đã là tính hợp-lý tính một cách tự-mình [mặc nhiên] cũng có thể đạt tới một hình thức hợp-lý tính, và, qua đó, tỏ ra được biện minh trước tư duy tự do. | Bởi lẽ: tư duy tự do không chịu dừng lại ở cái gì được mang lại – cho dù cái được mang lại này được sự hỗ trợ bởi quyền lực thực định bên ngoài của Nhà nước, hay bởi sự đồng thuận của con người, bằng quyền uy của tình cảm và “trái tim”, hay bằng sự “làm chứng” của Tinh thần trực tiếp tán đồng với nó –, trái lại, phát xuất từ chính mình, và, qua đó, đòi hỏi phải biết chính mình như là được hợp nhất với chân lý trong chỗ sâu thẳm nhất của mình.
7. Thái độ hành xử của tâm thức ngây thơ là dành trọn lòng xác tín đầy tin cậy cho chân lý đã được thừa nhận công khai và đặt hành vi lẫn thế đứng trong cuộc đời mình trên cái nền tảng vững chắc ấy. Nhưng, cách phản ứng giản đơn ấy ắt sẽ gặp phải sự khó khăn là làm sao phân biệt và phát hiện những gì đã được thừa nhận một cách phổ biến và có giá trị trong mớ ý kiến đa tạp đến vô tận như thế, và người ta có thể dễ dàng xem sự khó khăn, lúng túng này như là mối quan tâm đích thực và nghiêm chỉnh đối với bản thân Sự việc. Nhưng, trong thực tế, những ai tự hào về sự lúng túng này của mình là những kẻ thấy cây mà không thấy rừng(a), và sự khó khăn, lúng túng này chính là do họ tự tạo ra; thật thế, sự khó khăn, lúng túng này đúng hơn là bằng chứng cho thấy họ cần một điều gì khác hơn là cái được thừa nhận và có giá trị, nghĩa là, cần cái gì khác hơn là thực thể [hay bản thể] của pháp quyền và của đời sống đạo đức. Bởi, nếu họ thực sự quan tâm đến pháp quyền và đời sống đạo đức chứ không phải sự huênh hoang và tính đặc thù của tư kiến và tồn tại, ắt họ sẽ giữ vững pháp quyền thực thể, tức giữ vững những mệnh lệnh của đời sống đạo đức và của Nhà nước, và điều chỉnh cuộc sống của mình theo chúng. Tuy nhiên, một khó khăn khác cũng nảy sinh từ việc con người suy tưởng và đi tìm sự tự do của mình và cơ sở của đời sống đạo đức ở trong [lĩnh vực] tư tưởng. Nhưng, cho dù quyền hạn này là cao xa, là thần linh đến mấy đi nữa, thì nó cũng sẽ đảo ngược thành phi pháp(b), nếu tiêu chuẩn duy nhất của tư duy và con đường duy nhất để tư duy có thể nhận biết mình tự do là ở mức độ đi lệch khỏi những gì được thừa nhận và có giá trị phổ biến và cứ tìm cách phát kiến ra một cái gì đặc thù cho riêng mình.
8. Trong thời đại chúng ta, quan niệm thâm căn cố đế nhất liên quan đến Nhà nước là cho rằng sự tự do của tư tưởng và của Tinh thần nói chung chỉ có thể thể hiện trong việc đi lệch khỏi hay thậm chí thù địch lại với cái gì được công khai thừa nhận. | Chính vì thế, dường như nhiệm vụ cơ bản của một môn triết học về Nhà nước là phải phát minh và mang lại một lý thuyết khác, nhất là một lý thuyết mới mẻ và đặc biệt. Nếu ta thử theo dõi quan niệm ấy và những gì nó làm, ắt ta có thể tưởng rằng chưa từng có một Nhà nước và một chính thể Nhà nước nào hết trong quá khứ lẫn trong hiện tại, trái lại, như thể ngay từ bây giờ –và cái bây giờ này kéo dài vô định! – ta phải làm lại tất cả ngay từ đầu, và thế giới đạo đức ắt chỉ còn phải ngồi chờ những phát kiến, những luận chứng “bây giờ” này mà thôi! Đối với giới tự nhiên, ai cũng phải thừa nhận rằng triết học phải nhận thức nó đúng như nó đang là, rằng “viên đá hiền minh”(a) không nằm ở đâu khác mà nằm ngay trong bản thân tự nhiên, rằng tự nhiên là hợp-lý tính ngay trong bản thân nó, và chính cái lý tính hiện thực đang hiện diện trong tự nhiên này là cái mà triết học phải nghiên cứu và nắm bắt bằng Khái niệm, chứ không phải những hình thái và những sự bất tất hiển hiện trên bề mặt, nói khác đi, chính sự hài hòa vĩnh cửu của tự nhiên là cái phải được nhận thức như là quy luật và bản chất nội tại ở trong tự nhiên. Trong khi đó, ngược lại, thế giới đạo đức, Nhà nước hay lý tính khi tự hiện thực hóa trong môi trường của Tự-ý thức thì lại không hưởng được niềm hạnh phúc để nhận thức được rằng chính bản thân lý tính, trong thực tế, đã có được sức mạnh và quyền uy của mình ở trong môi trường này, cũng như tự khẳng định và cư lưu trong đó.
* Giảng thêm (H)*: Có hai loại quy luật, quy luật của tự nhiên và quy luật của pháp quyền: các quy luật của tự nhiên chỉ đơn thuần có sẵn đó và có giá trị đúng như bản thân chúng; chúng không bị suy giảm, dù con người có lúc có thể vi phạm chúng. Để biết quy luật của tự nhiên là gì, ta phải làm quen với chúng, vì các quy luật này là đúng đắn, chỉ có những biểu tượng của ta về chúng là có thể sai mà thôi. Thước đo hay tiêu chuẩn của các quy luật này là ở bên ngoài ta, và nhận thức của ta không thêm gì vào cho chúng, cũng không tăng tiến chúng; chỉ có nhận thức của ta về chúng là có thể được mở rộng. Kiến thức về pháp quyền một mặt cũng giống như thế, nhưng mặt khác lại không phải thế. Ta cũng làm quen với chúng đúng như bản thân chúng: người công dân biết đến chúng ít hay nhiều bằng cách này và nhà luật học thực định cũng dừng lại ở những gì đã có sẵn. Nhưng, sự khác biệt là ở chỗ: với các điều luật của pháp quyền, tinh thần của sự phản tư có tham gia vào và chính sự khác nhau của chúng khiến ta lưu ý rằng chúng không phải là tuyệt đối. Những đạo luật của pháp quyền là cái gì “được thiết định”, là cái gì được rút ra từ con người. Điều tất yếu xảy ra là tiếng nói nội tâm của ta có thể đi đến chỗ xung đột hoặc tán đồng với chúng. Con người không dừng lại ở cái đang có sẵn đó, mà yêu sách rằng trong bản thân mình cũng có thước đo thế nào là sự công chính; con người có thể phải phục tùng sự tất yếu và sức mạnh của quyền uy bên ngoài, nhưng không bao giờ theo cùng một kiểu phục tùng sự tất yếu tự nhiên, bởi cái tự ngã bên trong của mỗi người luôn nhắc bảo con người rằng sự việc phải nên như thế nào, và tìm thấy trong chính mình sự xác nhận hoặc sự không xác nhận điều được chấp nhận như là có giá trị hiệu lực. Trong giới tự nhiên, chân lý cao nhất là có sự tồn tại của một quy luật, còn trong các đạo luật của pháp quyền, Sự việc không có giá trị chỉ vì nó tồn tại, trái lại, ai ai cũng đòi hỏi rằng nó phải tương ứng với tiêu chuẩn của chính mình. Vì thế, một sự xung đột có thể nảy sinh giữa cái đang là và cái phải là, giữa pháp quyền [hay công lý] tồn tại tự-mình-và-cho-mình luôn luôn bất biến và sự quy định tùy tiện của cái được chấp nhận như là pháp quyền. Một sự phân ly và xung đột như thế chỉ diễn ra trên miếng đất của Tinh thần, và vì lẽ tính ưu việt của Tinh thần dường như chỉ dẫn đến sự bất hòa và bất hạnh, nên ta thường quay lưng lại với sự tùy tiện của cuộc đời, hướng đến sự chiêm nghiệm giới tự nhiên và có xu hướng lấy tự nhiên làm mẫu mực. Nhưng, chính các sự đối lập này giữa pháp quyền tự-mình-và-cho-mình với sự tùy tiện được tuyên xưng là pháp quyền buộc ta phải tìm cách nhận ra một cách thấu đáo thế nào là pháp quyền. Trong pháp quyền, con người phải đối diện với lý tính của chính mình; vì thế cần phải xem xét tính hợp-lý tính của pháp quyền, và đó chính là công việc của môn khoa học này của chúng ta, trái với môn luật học thực định thường chỉ làm việc với những sự mâu thuẫn. Ngoài ra, thế giới hiện nay còn có một nhu cầu cấp bách hơn nữa để tiến hành việc xem xét như thế, vì ở các thời trước, người ta chỉ biết tôn trọng và kính sợ luật pháp hiện hành, trong khi đó, nền văn hóa của thời hiện đại đã đi theo một hướng khác, và tư tưởng đã giữ vai trò lãnh đạo trong việc tạo ra các giá trị. Các lý thuyết đặt mình đối lập lại với những gì đã có sẵn và muốn xuất hiện ra như cái gì tất yếu, tự-mình-và-cho-mình. Kể từ nay, đã có một nhu cầu đặc biệt hơn nhiều để nhận thức và thấu hiểu các tư tưởng về pháp quyền. Và vì lẽ tư tưởng đã tự nâng mình lên thành hình thức cơ bản, nên ta cũng phải nỗ lực nắm bắt pháp quyền bằng tư tưởng. Nếu tư tưởng được xem là có thế ưu trội hơn pháp quyền, thì dường như đã mở toang cửa cho những tư kiến bất tất, song, tư tưởng đích thực không phải là một tư kiến về Sự việc, mà là Khái niệm về/của bản thân Sự việc. Khái niệm về Sự việc không đến với ta một cách tự nhiên. Ai ai cũng có bàn tay, có thể cầm cọ và vẽ, nhưng không phải nhờ thế mà thành họa sĩ được. Cũng đúng hệt như thế với công việc tư duy. Tư tưởng về pháp quyền không phải là cái gì mà ai ai cũng biết ngay từ đầu, trái lại, tư duy đúng đắn là biết và nhận thức [thấu triệt] về Sự việc, và, vì thế, nhận thức ấy của chúng ta phải là nhận thức có tính khoa học.
9. Thế là vũ trụ tinh thần được xem là phó mặc cho sự ngẫu nhiên và tùy tiện, bị Thượng đế từ bỏ, khiến cho cái đúng thật – dựa theo thuyết vô thần này về thế giới đạo đức – nằm bên ngoài thế giới ấy, và đong thời, vì lẽ lý tính là cái gì cũng phải nên tồn tại ở trong đó, nên cái đúng thật [hóa ra] không gì khác hơn là một vấn đề [còn phải tranh cãi](a). Nhưng, người ta lại bảo ta rằng, chính tình hình ấy biện minh, thậm chí, đòi hỏi bất kỳ nhà tư tưởng nào cũng phải tự mình đề ra sáng kiến, mặc dù không phải là để đi tìm “viên đá hiền minh”, vì, với lối triết lý hiện nay của chúng ta, việc “đi tìm” ấy là việc làm thừa thãi, nhất là khi ai ai cũng nghĩ rằng mình đã nắm chắc “viên đá” ấy trong tay! Quả thật, những ai đang sống ngay bên trong hiện thực của Nhà nước và thấy thỏa mãn với cái biết và cái muốn của mình bên trong nó – số này nhiều hơn là họ tương, vì, về cơ bản, ai cũng thế cả –, hay ít ra là những người tìm thấy sự thỏa mãn bên trong Nhà nước một cách có ý thức, ắt sẽ cười vào mũi những sáng kiến và những điều cam kết như thế và xem chúng là một trò chơi trống rỗng, khi thì buồn cười, khi thì nghiêm chỉnh, khi thì thích thú, lúc lại nguy hiểm. Hoạt động phản tư vô bổ và không mệt mỏi ấy – cùng với sự tiếp thu và phản hồi mà nó gặp phải – là một câu chuyện độc lập, cứ phát triển theo kiểu của nó, chỉ có điều cách làm ấy đã khiến cho triết học nói chung phải gánh chịu bao nhiêu sự khinh nhờn và bị làm mất uy tín. Sự khinh nhờn tệ hại nhất, như đã nói, là cho rằng ai ai, bất kể trình độ như thế nào, đều tự tin rằng mình thông thạo mọi điều về triết học nói chung và có đủ sức phát biểu về nó. Không có ngành nghệ thuật và khoa học nào lại bị đối xử bằng một cách khinh miệt đến như thế, đó là cho rằng ai ai cũng có thể làm chủ triết học ngay lập tức. Thật thế, khi nhìn triết học trong thời gian gần đây khẳng định đủ điều về Nhà nước, rõ ràng nó cho phép bất cứ ai có hứng thú chõ miệng vào vấn đề này đều tin rằng mình muốn làm gì thì làm và tự chứng tỏ rằng mình là chủ nhân ông của triết học. Trong mọi trường hợp, thứ triết học tự phong này công khai tuyên bố rằng bản thân chân lý thì không thể nhận thức được, nhưng chân lý ấy lại cư ngụ trong trái tim, trong sự xúc cảm và nhiệt tình của mỗi cá nhân liên quan đến các vấn đề thuộc đời sống đạo đức, nhất là với Nhà nước, chính quyền và hiến pháp [hay chính thể]. Còn điều gì mà không được nói ra, nhất là để chiều chuộng lớp trẻ?([8]) Và lớp trẻ quả đã nghe theo lời họ. Câu nói [trong Kinh Thánh]: “Vì Thượng đế đã mang lại cho các con cưng của Ngài ở trong giấc ngủ” đã được áp dụng vào trong khoa học, khiến cho mọi người ngủ mê đều cứ tưởng mình được “Chúa chọn”, nhưng điều được trao truyền trong giấc ngủ, tất nhiên, chỉ là những cơn mơ mà thôi!([9])
BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Nguồn: G. W. F. Hegel. Các nguyên lý của triết học pháp quyền. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú thích. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.
(a) dieser Grundri (Kompendium) / outline / abrégé.
([1]) Trong quá trình giảng dạy của mình, Hegel đã giảng về chủ đề Triết học pháp quyền bảy lần:
- tại Heidelberg, 1817-1818. Văn bản: EH (Xem chú thích 2). Ghi chép: P. Wannenmann, một sinh viên luật, VPR 17 35-202).
- tại Berlin, 1818-1819. Văn bản: EH. Ghi chép: C. G. Homeyer, VPR I, 217-352; VPR 17 203-285). Vào thời gian này, Hegel có lẽ đã hoàn tất một bản thảo cho quyển Triết học pháp quyền (PR) này, nhưng ông rút lại và chỉnh sửa trước lệnh kiểm duyệt nghiêm ngặt (Xem Chú thích 18).
- tại Berlin, 1819-1820. Văn bản: EH. Ghi chép: vô danh (VPR 19). Quyển Triết học pháp quyền hoàn tất năm 1820 và công bố nào năm 1821.
- tại Berlin, 1821-1822. Văn bản: PR. Ghi chép: mới tìm được bản chép tay không rõ nguồn gốc, được Hansgeorg Hoppe ấn hành, NXB Suhrkamp, Frankfurt/M 2005.
- tại Berlin, 1822-1823. Văn bản: PR. Ghi chép phần Giảng thêm: H. G. Hotho (viết tắt trong bản dịch này: Giảng thêm (H)), VPR III, 87-841.
- tại Berlin, 1824-1825. Văn bản PR. Ghi chép phần Giảng thêm: K. G. vom Griesheim (viết tắt trong bản dịch này: Giảng thêm (G)), VPR IV, 67-752.
- tại Berlin, 1831. Văn bản: PR. Ghi chép: David Friedrich Strauss (nhà thần học thuộc phái Hegel trẻ) (VPR IV, 905-925).
Trong thập niên 1820, Hegel không đích thân giảng về triết học pháp quyền nữa, mà nhường lại cho môn đệ và cũng là đồng nghiệp trẻ của mình là Eduard Gans (1798-1839). Sau đó, do có bất đồng với các môn đệ, Hegel giảng trở lại vào lục cá nguyệt mùa đông 1831/32, nhưng đột ngột qua đời ngày 14.11.1831. E. Gans đã sử dụng các ghi chép của Hotho (1822-1823) và Griesheim (1824-1825) làm cơ sở để soạn phần Giảng thêm (Zustze) cho sách này (tức phần giảng thêm bằng miệng của Hegel), được công bố lần đầu tiên trong Ấn bản năm 1833, nhưng có đôi chỗ có thể do Gans thêm vào vì không thấy có trong bản gốc của Hotho và Griesheim như chúng tôi sẽ lưu ý ở những phần có liên quan. Chúng tôi dịch phần Giảng thêm này theo bản của NXB Suhrkamp (Hegel: Tác phẩm 20 tập, tập 7). Phần Giảng thêm giúp người đọc dễ hiểu hơn phần Chính văn, nhưng thường được sử dụng một cách thận trọng, vì đó là ghi chép của các môn đệ chứ không phải tự tay Hegel viết ra. Năm 1973, Karl-Heinz Ilting đã tập hợp các bài giảng của Hegel và các ghi ghép của môn đệ từ 1818-1831 thành 6 tập. Đây là nguồn tham khảo quan trọng và quý báu khi muốn nghiên cứu đầy đủ về GPR như đã liệt kê ở trên (K. H. Ilting, G. W. F. Hegel, Vorlesungen ber Rechtsphilosophie 1818-1831, Edition und Kommentar in sechs Bnden, Stuttgart 1973). Cách giảng dạy của Hegel như sau: đọc phần Chính văn của mỗi tiểu đoạn (§) (in đậm trong sách này), rồi đọc phần Nhận xét (in lùi trong sách này), sau đó giảng thêm bằng miệng (in nghiêng trong sách này).
([2]) Hegel công bố Bách khoa thư các khoa học triết học lần đầu tiên vào năm 1817 ở Heidelberg. Phần bàn về triết học pháp quyền khá ngắn gọn theo kiểu phác thảo mang nhan đề “Tinh thần khách quan” (EH §§400-452). Phần này được mở rộng hơn trong các ấn bản lần 2 (1827) và lần 3 (1830) (EG §§483-552) và được triển khai chi tiết trong quyển PR này.
([3]) Penelope, do chồng là Odysseus đi vắng lâu ngày khỏi Ithaca, buộc phải hứa sẽ cưới một trong những người cầu hôn sau khi nàng dệt xong tấm vải liệm cho cha chồng là Laertes. Nàng lập mưu bằng cách mỗi đêm lại tháo tấm vải đã dệt trong ngày khiến công việc không bao giờ hoàn tất (Homer, Odyssey 19. 137-155).
([4]) Hegel xem “phương pháp nhận thức tư biện” là đặc điểm của triết học của mình: Hegel phân biệt “phương pháp tư biện” (spekulative Methode) với các cách tiếp cận khác trong phần Dẫn nhập được ông viết sau này trong Bách khoa thư 1827 (EL §§1-83; Xem: Bách khoa thư I. Khoa học Lôgíc, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. NXB Tri thức, 2008).
([5]) Trước 1820, Hegel trình bày phương pháp tư biện của mình chủ yếu trong Lời Tựa quyển Hiện tượng học Tinh thần (1807) (Xem: Hiện tượng học Tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri thức, 2006), và trong các Lời Tựa và Lời dẫn nhập cho bộ Khoa học Lôgíc (WL V, 13-56/25-59) và Bách khoa thư các khoa học triết học I (EL I): Khoa học Lôgíc, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri thức, 2007.
([6]) Ám chỉ Jacob Friedrich Fries (1773-1843), đối thủ và đối tượng đả kích chủ yếu của Hegel trong Lời Tựa này (Xem thêm Chú thích (8), (10), (11), (12)). Hegel và Fries là địch thủ lâu năm. Từ 1801 đến 1805, cả hai làm trợ giảng ở Đại học Jena, sau đó Fries được thăng tiến và làm giáo sư ở Đại học Heidelberg (1806) và cả hai tìm mọi cách ngăn cản sự tiến thân của nhau. Năm 1818, Hegel giữ ghế giáo sư triết học danh giá ở Đại học Berlin. Năm 1820, Fries bị mất chức giáo sư ở Jena do tham gia vào lễ hội Wartburg nổi tiếng (Xem chú thích 11-12) và được phục hồi vào năm 1824. Nhiều môn đệ của Hegel cũng bị liên lụy trong cao trào phản động này của chính quyền Phổ. Vì thế, trong Lời Tựa này, Hegel cố biện minh rằng tác phẩm này không nguy hại cho nhà nước để hy vọng thoát khỏi lệnh kiểm duyệt nghiêm ngặt.
([7]) Xem: Kinh Thánh, Luca 16: 29.
(a) “den Wald vor lauter Bume nicht sehen”: hình ảnh ví von nổi tiếng xuất phát từ Christoph Martin Wieland, Musarion (1768); (b) Unrecht / wrong / injustice.
(a) der “Stein der Weisen” / the philosopher’s stone / la pièrre philosophale: (Latinh: Lapis philosophorum): từ cuối thời cổ đại, được xem là chất quan trọng nhất trong môn giả kim, nhờ đó các vật liệu thô có thể được biến thành những vật liệu quý (vàng, bạc…).
* “Giảng thêm” là phần ghi chép lời giảng thêm bằng miệng của Hegel. (H) là viết tắt phần ghi chép của Hotho. Các phần “Giảng thêm” này sẽ được in nghiêng. (N.D).
(a) ein Problema: nghĩa đen: vấn đề còn tranh cãi, từ chữ Hy Lạp: tò próblema.
([8]) Trong đoạn này, Hegel lại ám chỉ đến Fries với quan điểm mà Hegel cho rằng gần gũi với trào lưu phản-lý tính của phái lãng mạn do ảnh hưởng của quyển Kitô giáo hay Châu Âu (1799) (được gán cho “Novalis”, tức Friedrich von Hardenberg) và tư tưởng chính trị hậu kỳ của Fichte (1762-1814), chẳng hạn tác phẩm di cảo “Học thuyết về Nhà nước” (1813). Xem thêm: Reinhold Aris, History of Political Thought in Germany 1789-1815 (London: Allen & Unwin, 1936, các chương 6-12) và H. S. Reiss (chủ biên): The Political Thought of the German Romantics (Oxford: Blackwell, 1955). Trong HPP 6-73, Fries viết: “Các niềm xác tín tôn giáo về nguồn gốc thiêng liêng của vạn vật, về sự hiện hữu của Thượng đế và cuộc sống đời đời không phải là những vấn đề có thể dùng khoa học để bảo vệ và chứng minh, cũng không thể được sử dụng như những nguyên tắc để chứng minh một cách khoa học, trái lại, chúng thực sự là những tư tưởng trực tiếp và nền tảng của những cảm xúc sống thực về chân lý vĩnh cửu thông qua sự hứng khởi và dâng hiến cho cái đẹp của những hiện tượng tự nhiên, và trên hết, là cho cái đẹp tinh thần của cuộc sống con người”.
([9]) Kinh Thánh, Psalms 127: 2.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC