CHỦ NGHĨA DUY TÂM CỦA KANT
JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)
Johannes Hirschberger. The History of Philosophy. Volume 2. USA: The Bruce Publising Company, 1959. || Vũ Hoàng Lan Phương dịch | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
Ở những thời kỳ khác nhau, các học giả đều công nhận Kant chính là triết gia người Đức vĩ đại nhất, hay ông là triết gia vĩ đại nhất của thời hiện đại, hay ông chính là triết gia của nền văn hóa hiện đại. Cho dù rốt cuộc ta đánh giá triết học của ông như thế nào thì vẫn có một điều hiển nhiên không thể chối cãi: Kant đã mở ra một kỷ nguyên mới, ít nhất là đối với nền triết học Đức. Sự nghiệp của ông đã làm lu mờ tất cả những thành tựu trước đó và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi triết học về sau. Ảnh hưởng của ông vẫn còn mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Điều gì đã làm nên thành tựu vĩ đại này? Kant đã cống hiến cho ta những gì? Triết học của ông đầy ắp những tư tưởng vĩ đại. Ý niệm của ông về nghĩa vụ, quan niệm của ông về tự do, phê phán của ông về mọi mặt của con người, được truyền cảm hứng từ một tình yêu chân lý bất diệt, gây ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí tất cả những người tìm hiểu và nghiên cứu về ông. Hơn nữa, triết học Kant bao trùm tất cả, gắn kết mạch lạc và mong muốn “đi vào con đường vững chắc của khoa học”. Với những người cùng thời của mình, ông đại diện cho triết học “hiện đại”, vì ông đã du nhập những sự đổi mới của tư biện Anh và Pháp vào triết học Đức. Ở Tây Âu, lý luận phê phán do Descartes khởi xướng bao quát tất cả những phân môn của triết học có từ trước nó như: tâm lý học, đạo đức học, khoa học chính trị và pháp lý, xã hội học, và triết học tôn giáo. Ở Đức, mặc dù có Thomasius và những người theo trường phái của ông, nhưng sự Khai minh vẫn không gây được nhiều ảnh hưởng tiến bộ. Wolff và trường phái của mình đã dựng nên những rào cản ngăn trở ảnh hưởng của sự Khai minh. Tuy nhiên, Kant đã hoàn thành việc phát triển tinh thần phê phán này đến mức độ hoàn thiện nhất có thể. Ông mở rộng và phát triển thành hệ thống những tư tưởng của Hume và Rousseau. Với những đóng góp của Kant, triết học Đức phát triển đạt đến một trạng thái ổn định mới. Tuy nhiên, trong tiến trình này, điều đáng chú ý là Kant không từ bỏ hoàn toàn những xu hướng và động cơ tiềm ẩn trong truyền thống cũ, như là: Thượng đế, linh hồn, sự bất tử, luân lý, thế giới, và thế giới khả niệm (mundus intelligibilis). Kant hoàn toàn không làm gián đoạn sự phát triển của triết học Đức được truyền lại từ Leibniz. Trái lại, tất cả những vấn đề này đều tái xuất hiện nhưng được cải biến và thay đổi. Mặc dù Kant thấm nhuần tinh thần phê phán đặc trưng của thuyết duy nghiệm, nhưng ông lại được xem như là một trong những người đứng đầu vĩ đại nhất của siêu hình học phương Tây, và vì thế, cũng chính là đối thủ của thuyết duy nghiệm và những xu hướng của nó. Như những nhà phê bình Kant đã chỉ ra, triết học của ông có một sự hàm hồ nhất định: ông giữ lại những sơ đồ, thuật ngữ và chủ đề cũ của truyền thống Kinh viện, mặc dù chúng không hề phù hợp với lý thuyết của ông, điều này khiến ta nhiều lần phải đối mặt với sự xáo trộn các khái niệm cùng những nhầm lẫn trong tư tưởng. Như Bertrand Russell đã lưu ý, nếu cân nhắc tổng thể một cách thận trọng, ta có thể phát hiện bên trong đặc trưng này của tư tưởng Kant là một sự thông thái vĩ đại hay một sự hiểu nhầm to lớn, một sự tổng hợp ở một trình độ mới, hay một sự thỏa hiệp đầy tính nghệ thuật, tùy thuộc vào cách thức ta diễn giải về ông. Mặc dù vậy, có một thực tế là trong những công trình của mình, Kant tiếp thu cả cái cũ và cái mới theo một cách thức thực sự ấn tượng, và nhiệm vụ của ta là phân tích một cách đơn thuần và tỉnh táo những thành phần nào đã cấu tạo nên triết học Kant và cách thức mà triết học ấy ra đời. Cách tốt nhất để đưa ra được một đánh giá có hệ thống về tư biện của Kant là trung thành với các sự kiện.
CUỘC ĐỜI Immanuel Kant là con của một người thợ làm yên ngựa lành nghề, ông sinh năm 1724 tại Königsberg. Ông lớn lên trong một môi trường chịu ảnh hưởng rõ ràng và nghiêm ngặt của thuyết Luther chính thống và phái Mộ đạo, điều này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lý giải phong cách sống của ông, mặc dù Kant ngày càng trở nên xa cách với nhà thờ thời niên thiếu của mình, nhất là khi ông bước vào tuổi xế chiều. Sự kiên định trong ý chí giúp Kant đạt đến đỉnh cao sự nghiệp đã để lại dấu ấn rõ nét trong thế giới quan của ông. Năm 1740, ông theo học đại học tại quê nhà; năm 1755, ông nhận bằng tiến sĩ triết học và đồng thời chính thức được bổ nhiệm làm giảng viên nhờ vào luận án về những nguyên lý thứ nhất của siêu hình học của mình. Trước đó, ông tự trang trải cuộc sống bằng cách nhận làm gia sư và làm giảng viên không lương (Privatdozent) trong suốt mười lăm năm. Trong một lá thư đề năm 1759, ông viết: “Hằng ngày, tôi đều ngồi trước cái đe bàn giáo viên và liên tiếp vung chiếc búa nặng nề của mình lên những bài giảng cùng loại, với cùng một nhịp điệu duy nhất. Thỉnh thoảng, tôi cảm nhận được một xu hướng cao quý hơn lôi kéo mình rẽ bước vượt ra bên ngoài những ranh giới chật hẹp này; nhưng cơm áo, với giọng điệu quát tháo ầm ỹ của nó, luôn sẵn sàng tấn công đôi tai tôi, và sự đe dọa của nó khiến tôi phải vội vàng quay trở lại với công việc của mình. Cùng lúc ấy, tôi cố gắng tự thỏa mãn mình bằng sự tán thưởng mà người ta chiếu cố cho cùng với thù lao mà tôi kiếm được từ đó, và vì thế, tôi bừng tỉnh giấc mơ về cuộc đời mình”. Sự “tán thưởng” mà ông an ủi chính mình không phải là một sự tự lừa dối. Những bài giảng của ông gây nhiều sự chú ý và được đón nhận nồng nhiệt; chúng mang đến danh tiếng cho ông với tư cách là một diễn giả tài ba, lịch thiệp và dí dỏm. Ta sẽ bắt gặp những đặc điểm này ở khắp các công trình nghiên cứu của ông. Chỉ đến năm 1770, khi đã bốn mươi lăm tuổi, ông mới may mắn được nhận chức giáo sư chính thức môn logic học và siêu hình học tại đại học Königsberg. Tuy vậy, người ta bắt đầu quan tâm đến ông lần đầu tiên sau khi ông nhận được lời mời từ hai trường đại học khác là Erlangen và Jena. Từ đó, sinh kế của ông mới được đảm bảo. Kant rất hiếm khi đi khỏi thành phố của mình và gần như không bao giờ rời khỏi tỉnh Königsberg. Bất chấp việc bị giới hạn về không gian này, ông chính là giáo sư người Đức đầu tiên đưa ra những bài giảng về địa lý học tự nhiên. Kant có kiến thức vô cùng uyên bác vì ông đọc sách rất hăng say và có khả năng đáng kinh ngạc trong việc ghi nhớ, đánh giá và biến những tri thức đã đọc thành của mình. Ông sắp đặt công việc thường nhật của mình theo một trật tự nổi tiếng về mức độ chính xác; ông sống cuộc đời đơn giản, đạm bạc, và trung thành. Đời sống cá nhân của Kant được dẫn dắt bởi hai khái niệm cơ bản trong hệ thống đạo đức học của ông, đó là: ý thức về nghĩa vụ và sự tự trị luân lý. Mặc dù cư xử đậm tính khắc kỷ như thế, ông lại là một người bạn đồng hành tốt bụng và vô cùng đáng mến. Ông chưa bao giờ kết hôn. Tuy là người có thể trạng yếu ớt, nhưng ông vẫn sống đến tuổi già nhờ vào lối sống mực thước của mình. Sau khi Phê phán lý tính thuần túy ra mắt vào năm 1781, ông trở nên nổi tiếng. Đến năm 1793, đã có hơn 200 cuốn sách liên quan đến triết học Kant ra mắt công chúng. Đọc Kant đã trở thành xu hướng thời trang lúc bấy giờ. Năm 1790, người ta đồn rằng những tác phẩm của Kant được tìm thấy trong khuê phòng của phụ nữ và rằng các tư tưởng của ông được bàn thảo trong tiệm cắt tóc. Nhưng cũng không thiếu những người phản đối ông. Vua Friedrick Wilhelm II đàn áp triết học tôn giáo của Kant bằng một sắc lệnh của hội đồng hoàng gia ban hành vào ngày 1 tháng 10 năm 1794. Ở Hesse, việc giảng công khai về học thuyết của Kant bị cấm. Ở Heidelberg, một giáo sư đã bị cách chức vì liều lĩnh giảng về Kant, người bị cho là theo học thuyết Spinoza và là một kẻ vô thần với những tuyên bố ngớ ngẩn lố bịch. Tuy vậy, tất cả những công kích này chỉ do sự thiếu hiểu biết của người đời mà hầu hết những bậc vĩ nhân thường phải đối diện trong đời mình. Cuối cùng, sự vĩ đại thực sự của ông đã được công nhận. Khi nhà triết học qua đời vào ngày 12 tháng 2 năm 1804, ông đã để lại một hệ thống triết học cho phép ông xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại.
SỰ NGHIỆP Sự nghiệp của Kant có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn tiền phê phán và giai đoạn phê phán. Việc chuyển đổi từ giai đoạn tiền phê phán sang giai đoạn phê phán diễn ra vào khoảng năm 1769 – 1770. Giai đoạn tiền phê phán. Ở giai đoạn tiền phê phán, Kant đã sử dụng tri thức và triết học của thời kỳ Khai minh. Trong những vấn đề liên quan đến khoa học tự nhiên và toán học, ông xem Newton như là một thiên tài được công nhận và là một nhà giáo mẫu mực. Leibniz và Wolff đã mang đến cho Kant triết học thuần lý mà ông theo đuổi lúc ban đầu. Một xu hướng khác biểu lộ trong các tác phẩm của Kant ở giai đoạn này là triết học phi lý tính về tình cảm và cảm giác, ông trở nên quen thuộc và hiểu được giá trị của triết học này thông qua Rousseau. Trong giai đoạn tiền phê phán này, bất chấp những sự lệch hướng thỉnh thoảng xảy ra, Kant cho rằng siêu hình học được Leibniz và Wolff thúc đẩy là hoàn toàn khả thi, và theo nghĩa truyền thống này, Kant đã bênh vực cho siêu hình học của Leibniz và Wolff. Do đó, chẳng hạn, trong tác phẩm quan trọng nhất của cả giai đoạn tiền phê phán là Một lịch sử tự nhiên phổ quát và lý thuyết về bầu trời (1755), ông đã đưa ra những chứng minh mục đích luận cho sự hiện hữu của Thượng đế, được nhiều nhà tư tưởng ưa thích trong suốt thời kỳ Khai minh. Vào năm 1763, Kant một lần nữa cố gắng đưa ra một chứng minh hoàn hảo về sự hiện hữu của Thượng đế dựa trên lập luận tiên nghiệm trong tác phẩm Luận cứ duy nhất khả hữu để ủng hộ cho sự chứng minh về sự hiện hữu của Thượng đế. Từ những bàn luận triết học diễn ra trước đó, Kant đã đạt được những hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của thuật ngữ “sự chứng minh”. Mặc dù vậy, ông tỏ ra ủng hộ lập luận thuần lý trong việc chứng minh. Ở giai đoạn này, ông vẫn chưa bắt đầu nghi ngờ khái niệm về tính nhân quả, và vẫn cho rằng một siêu hình học đặt nền tảng trên tính nhân quả là khả hữu. Do đó, Kant đã suy luận từ một hiện hữu bất tất đến một hiện hữu tất yếu, giống như cách thức mà chứng minh vũ trụ học về sự hiện hữu của Thượng đế trong siêu hình học cổ truyền đã quen làm. Chứng minh vào năm 1763 cũng đề xuất luận cứ mục đích luận. Tuy nhiên, Kant cho rằng: “Ta luôn luôn có thể kết luận rằng một Đấng sáng tạo vĩ đại không thể quan niệm được đã sáng tạo nên tất cả mọi thứ hiện diện trước giác quan của ta là thực sự hiện hữu”; chứ ông không nói rằng, đó là “một Hữu thể hoàn hảo nhất”. Trong mọi trường hợp, Kant đều giả định nguyên tắc nhân quả và để phù hợp với siêu hình học cổ truyền, ông tin rằng người ta có thể đi từ một tri thức khả giác đến thực tại siêu việt. Về mặt này, khi đó, Kant đã lập luận một cách thiếu phê phán. Tuy nhiên, trong cùng một tác phẩm của Kant, ta phải đối mặt với tinh thần trái ngược với chủ nghĩa duy lý điển hình của thời Khai minh, cụ thể là triết học phi lý tính của tình cảm hay cảm giác. Mặc dù Kant đề xuất các luận cứ chứng minh về sự hiện hữu của Thượng đế, nhưng điều đáng lưu ý là Kant cũng cam đoan với độc giả của mình rằng ta thực sự không cần đến những chứng minh như vậy: “Trong khi ta tin rằng Thượng đế hiện hữu là tuyệt đối tất yếu, thì việc chứng minh sự hiện hữu của Ngài lại không tất yếu”. Ông xem sự xác tín này là một loại bản năng theo kiểu của Rousseau. “Thiên hựu không bao giờ dự định rằng những thức nhận của ta, cho dù vô cùng cần thiết cho hạnh phúc, lại phải dựa trên lời lẽ ngụy biện tinh vi của những kết luận, trái lại, đã gửi gắm chúng cho nhận thức tự nhiên của ta, nếu ta không để bị lạc lối bởi một phương cách sai lầm, không thất bại trong việc hướng đến những gì đúng đắn và hữu ích”. Đây chính là quan điểm của Rousseau: cảm xúc mạnh mẽ hơn nhận thức, và nó ban cho con người sự xác tín tuyệt đối rằng Thượng đế thực sự hiện hữu, rằng ta tự do, và linh hồn con người là bất tử. Rousseau đã “đưa Kant đến với những điều đúng đắn” như chính Kant đã thừa nhận. Bên cạnh việc cho rằng hiện hữu của Thượng đế là vấn đề thuộc về sự xác tín bản năng, Kant lúc này đưa ra luận điểm rằng giá trị của cá nhân thể hiện thông qua hành động chứ không phải ở tri thức của anh ta. Mặc dù trung thành với con đường phi lý tính dẫn đến Thượng đế trong thời kỳ tiền phê phán này, Kant vẫn giữ lại những phương pháp chứng minh thuần lý được phát triển bởi siêu hình học; cả hai được kết hợp một cách chặt chẽ trong tư tưởng của ông. Giai đoạn phê phán. Ở giai đoạn này, Kant tiếp tục đánh giá các yếu tố phi lý tính trong đời sống con người – cho đến cuối đời, ông vẫn tán thành quan điểm cho rằng lý tính thực hành có ưu thế vượt trội so với lý tính lý thuyết. Tuy nhiên, ông từ bỏ quan điểm trước đó của mình về khả thể của siêu hình học. Từ 1769 – 1700 trở đi, những phát biểu bày tỏ sự hoài nghi của ông đối với siêu hình học bắt đầu gia tăng. Trong suốt giai đoạn này, Kant luôn cho rằng cảnh báo của Hume về nguyên tắc nhân quả là hợp lý. Bản thân Kant thừa nhận chủ nghĩa hoài nghi của Hume đã đánh thức ông khỏi “giấc ngủ giáo điều” và buộc triết học của ông chuyển sang một hướng khác. Tư tưởng của Hume có thể được tóm tắt như sau: khi ta kết hợp hai sự kiện với nhau bằng quan hệ nguyên nhân – kết quả, ta không nhất thiết phải kết luận rằng mối quan hệ này là tất yếu, như siêu hình học cổ truyền cùng nguyên tắc về tính nhân quả của nó đã luôn giả định. Một cách tiên nghiệm, có nghĩa là, thuần túy từ khái niệm về một nguyên nhân nhất định nào đó, ta không thể diễn dịch ra một kết quả tương ứng, bởi những sự vật hiện thực đều tồn tại ở trạng thái thuần túy vô mục đích, không có bất kỳ sự phụ thuộc thiết yếu nào đối với sự vật khác. Chỉ từ kinh nghiệm thôi thì ta không thể rút ra kết luận rằng có một “mối ràng buộc” hay một “liên kết” nào giữa những sự vật đó; tất cả những gì ta thực sự nhận thức được chỉ là việc chúng cùng tồn tại mà thôi. Vì lẽ đó, siêu hình học cổ truyền đã bị đánh lừa khi khẳng định tất yếu rằng mọi sự vật đều phải có nguyên nhân, và khi dựa trên cơ sở của niềm tin này để giả định một Đệ nhất Nguyên nhân không do bất kỳ nguyên nhân nào khác tạo thành, đó chính là Thượng đế. Bây giờ, Kant nhận ra rằng sự hoài nghi của Hume cần phải được mở rộng thêm nữa. Ta có thể hình dung nhiều sự kết hợp các khái niệm hơn nữa ngoài sự kết hợp theo kiểu quan hệ nhân quả. Mỗi khi suy tưởng về những đối tượng, ta kết nối một vài hoặc nhiều ý niệm lại với nhau thành một thể thống nhất. Liệu ta có nhận thấy được mối ràng buộc của sự thống nhất hay liệu ta có thể diễn dịch ra sự nối kết hay không? Nếu không, thì sự nối kết có thể được truy nguyên từ đâu? Nói một cách tổng quát hơn, kinh nghiệm và khoa học được đặt nền tảng trên cơ sở nào khi ta cố gắng hình dung nội dung của chúng trong những khái niệm, phán đoán và quy luật? Vào năm 1769, Kant đã viết một lá thư cho Marcus Herz, trong đó ông đặt ra vấn đề phê phán bằng cách nói như sau: “Cái gì đã tạo nên mối quan hệ giữa những ý niệm của ta và các đối tượng của chúng?”. Lưu ý rằng, ông phát biểu vấn đề này bằng cách nói chung chung. Kant cho rằng, Hume đã không bao giờ đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Dù sao, nhà tư tưởng tài tình này cũng đã thắp lên một ngọn lửa dễ dàng bốc cao thành một đám cháy dữ dội. Tư tưởng của Hume ắt sẽ đạt đến sự phát triển toàn diện khi vấn đề về nhận thức được tiếp cận ở tất cả những khía cạnh phức tạp của nó. Theo những gì đã được đề cập, vấn đề này về cơ bản là tương tự với vấn đề liên quan đến khả thể của siêu hình học. Để giải quyết vấn đề, Kant đã cho ra đời kiệt tác của mình, đó là tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy, ấn bản đầu tiên của tác phẩm này xuất hiện vào năm 1781, ấn bản thứ hai được xuất bản vào năm 1787. Như chính tiêu đề tác phẩm đã chỉ rõ, Kant giờ đây đã trở thành một nhà phê phán, một triết gia quan tâm đến việc bảo đảm nền tảng và thiết lập các ranh giới cho lý tính con người; và đây cũng chính là mục tiêu mà ông sẽ theo đuổi. Kant tiếp tục theo đuổi xa hơn đường hướng lý luận này. Phê phán lý tính thuần túy bận tâm với khía cạnh lý thuyết của tâm trí con người. Ngoài nhận thức, ta còn sở hữu ý chí và có khả năng hành động. Tác phẩm Phê phán lý tính thực hành (1788), một kiệt tác về đạo đức học, được Kant dành để xem xét khía cạnh này của đời sống. Phê phán thứ ba của Kant giải quyết các vấn đề cơ bản về những phán đoán của con người, dựa trên tình cảm hay cảm xúc. Quan điểm của Kant về những chủ đề này được tìm thấy trong tác phẩm Phê phán năng lực phán đoán (1790), nội dung cuốn phê phán này bao gồm phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ và phê phán năng lực phán đoán mục đích luận. Trong số những công trình khác của ông, ta sẽ chọn tác phẩm Sơ luận về bất kỳ môn siêu hình học nào trong tương lai muốn có thể xuất hiện như một khoa học (1783), đây là một tác phẩm viết tiếp sau cuốn Phê phán lý tính thuần túy, đưa ra cùng một vấn đề nhưng rõ ràng và theo cách dễ hiểu hơn. Cuốn Sơ luận (Prolegomena) này đặc biệt phù hợp để dẫn nhập về Kant. Điều này thậm chí càng đúng hơn nữa đối với tác phẩm Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý mà Kant lấy làm tiền đề cho Phê phán lý tính thực hành của mình. Để hiểu rõ hơn về triết học tôn giáo của Kant, một tác phẩm quan trọng khác phải kể đến đó là Tôn giáo bên trong ranh giới của lý tính đơn thuần (1793); đối với học thuyết về công lý và luân lý của ông, phải kể đến Siêu hình học về đức lý (1797). Để hiểu được giai đoạn phát triển sau cùng của Kant và đặc biệt là để hình thành được ý niệm về sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa duy tâm của Kant sang chủ nghĩa duy tâm Đức, ta có Tác phẩm di cảo (Opus Postumum) (1936-1938), được in thành hai tập, thuộc ấn bản của Viện Hàn Lâm Berlin và được A. Buchenau biên tập. Ta sẽ tìm hiểu triết học Kant thông qua việc phân tích tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy của ông, tiếp theo đó là Phê phán lý tính thực hành và sau cùng là Phê phán năng lực phán đoán. Phân tích này tương ứng với sự phân chia những năng lực của linh hồn thành nhận thức, ý chí và xúc cảm (tình cảm) của Kant. Ngoài ra, phân tích này cũng tương ứng với tiêu đề của những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC