Thuyết Duy tâm Đức

Kant và chủ nghĩa duy tâm Đức

 

KANT VÀ CHỦ NGHĨA DUY TÂM ĐỨC

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM KHÁI QUÁT

 

JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)

 


Johannes Hirschberger. The History of Philosophy. Volume 2. USA: The Bruce Publising Company, 1959. || Vũ Hoàng Lan Phương dịch | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính


 

(1) Công cuộc phục hưng triết học khởi đầu từ Kant và chủ nghĩa duy tâm Đức. Triết học quay trở lại với việc thăm dò bản chất cốt yếu của vạn vật, tìm kiếm những nguyên lý cơ bản, và nỗ lực nhận thức toàn bộ thực tại dưới sự soi rọi của một nguyên tắc thống nhất duy nhất, phát triển thành một hệ thống triết học mạch lạc. Kant đã cung cấp cho ta một cấu trúc triết học được phát triển chặt chẽ, hoàn thiện đến từng chi tiết. Tuy nhiên, nơi Kant, tinh thần phê phán giữ vai trò chủ đạo, có sức nặng vượt trội so với tất cả mọi sự suy xét và cân nhắc khác. Trong chủ nghĩa duy tâm Đức, ta tìm thấy những hệ thống triết học đầy mãnh lực được dự phóng nơi Fichte, Schelling và Hegel, những hệ thống triết học này được quan niệm rõ ràng và khẳng định một cách tích cực, với trình độ tư biện vượt xa những hệ thống triết học vĩ đại thế kỉ XVII và XVIII. Họ đã đặt nền tảng cho thứ mà ta quen gọi là “Triết học Đức”: một triết học điển hình của tinh thần, của tư biện trừu tượng, của những sự cấu tạo được cải tiến đầy táo bạo, với những quá trình lý luận phức tạp cùng những thuật ngữ mơ hồ thường xuyên được sử dụng, nhưng bất luận thế nào, đó vẫn luôn là một triết học được nâng đỡ bởi một chủ nghĩa duy tâm mang tính đạo đức học và siêu hình học cao quý.

(2) Thời kỳ này gắn liền chặt chẽ với truyền thống siêu hình học vĩ đại của phương Tây, bắt nguồn từ Heraclitus và Plato, và du nhập tư tưởng hiện đại thông qua Cusanus, Leibniz và nền siêu hình học trường ốc thế kỷ XVII và XVIII. Kant và những người đi đầu khác của chủ nghĩa duy tâm Đức đã nhận thức được tầm quan trọng của những thành tựu khoa học hiện đại và tận dụng chúng một cách triệt để. Ngoài ra, họ cũng đánh giá cao giá trị đích thực của những tri thức siêu hình học và đạo đức học trong truyền thống giảng dạy triết học phương Tây. Về mặt này, họ là những người bảo thủ và theo một ý nghĩa nào đó họ lại là những kẻ phản động. Mối quan tâm chủ yếu của họ là bảo tồn những giá trị thời cổ đại, cụ thể là những giá trị của chân lý, luân lý, và tôn giáo. Những giá trị này đang đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng của chủ nghĩa hoài nghi, thuyết vị lợi, và chủ nghĩa duy vật, chúng chính là những hiện tượng phát sinh kèm theo chủ nghĩa duy nghiệm. Kant đã đặt một nền tảng hoàn toàn mới mẻ và độc đáo cho chân lý, luân lý và tôn giáo, và những nhà duy tâm theo đuổi đường lối tư tưởng của ông thậm chí còn chủ tâm và hăng hái hơn. Họ nhiệt tình đến mức vài người trong số họ không còn cảm thấy cần thiết phải đặt sự chú ý của mình vào những chủ đề truyền thống nữa, và có xu hướng từ bỏ hoàn toàn những vấn đề truyền thống này để theo đuổi những quan điểm mới mẻ của mình.

(3) Việc họ có thực sự hoàn thành được những mục tiêu mình đặt ra hay không là một vấn đề tùy thuộc vào quan điểm cá nhân mỗi người. Hiện tại, điều quan trọng nhất cần phải làm, trước hết là xem xét kỹ lưỡng toàn bộ bối cảnh lịch sử hình thành nên tư tưởng của Kant và chủ nghĩa duy tâm Đức. Như M. Wundt đã nói, “Đây là một câu hỏi cũ, thường được mang ra bàn luận kể từ khi thời cổ đại suy tàn, đó là: liệu ta có thể tích hợp thành công học thuyết truyền thống về kinh nghiệm giác quan như một yếu tố có giá trị vào trong tâm lý học triết học hay không. Những nhà tư tưởng Tây Âu bất kể bị ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào bởi truyền thống Plato thời Phục hưng thì đối với họ, dường như tự nhiên mới là nội dung và đích đến thực sự của toàn bộ tri thức; và theo thời gian, họ càng ngày càng bị bó chặt trong cách nhìn hạn chế này. Một sự phát triển phiến diện như vậy cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa duy vật… Các nhà tư tưởng Đức đã phản đối sự phát triển này: Leibniz thông qua công việc thực tế của mình; Kant, trong giai đoạn sau của cuộc đời mình đã nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của tình huống này. Vì thế, khi đối lập với xu hướng này, họ nhấn mạnh lại những giá trị của các khái niệm thời cổ đại hiện diện ngay cả trong triết học hiện đại, thứ triết học mà giờ đây đã được giao phó chủ yếu, nếu không muốn nói là trọn vẹn vào tay những người Đức. Họ không hài lòng với việc chỉ đơn thuần nhận thức thế giới thông qua sự tồn tại của nó bên ngoài Thiên chúa; mà họ quan tâm nhiều hơn đến việc hòa giải giữa Thiên chúa và thế giới hay đến sự mặc khải của Thiên chúa được chứa đựng bên trong thế giới.”

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mai công Định - 18:06 07/11/2019
Thượng đế (Thiên) sáng tạo ra vũ trụ trên cơ sở chất liệu vật chất (Địa). Thống nhất Thiên - Địa thành NHẤT LÝ LƯỠNG KHÍ.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt