LÚT-VÍCH PHOI-Ơ-BẮC VÀ SỰ CÁO CHUNG CỦA TRIẾT HỌC CỔ ĐIỂN ĐỨC III
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C.Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 21. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
Chủ nghĩa duy tâm thực sự của Phoi-ơ-bắc lộ rõ ra khi chúng ta nghiên cứu tới triết học tôn giáo và đạo đức học của ông. Phoi-ơ-bắc hoàn toàn không muốn xóa bỏ tôn giáo; ông muốn hoàn thiện tôn giáo. Bản thân triết học cũng phải hòa vào tôn giáo. “Các thời đại của loài người chỉ khác nhau bởi những thay đổi về phương diện tôn giáo. Chỉ có những cuộc vận động lịch sử đi thẳng vào trái tim con người mới là những cuộc vận động đạt tới nền tảng của mình. Trái tim không phải là hình thức của tôn giáo, vì vậy không thể nói rằng tôn giáo cũng phải ở trong trái tim; trái tim là bản chất của tôn giáo”326 (do Stác-cơ trích dẫn, tr.168). Theo học thuyết của Phoi-ơ-bắc, tôn giáo là mối quan hệ thương yêu giữa người với người; mối quan hệ này, cho đến nay, vẫn đi tìm chân lý của nó ở sự phản ánh huyền ảo của hiện thực - ở sự trung gian của một ông thần hay nhiều ông thần, tức là những hình ảnh huyền ảo của các thuộc tính của con người - nhưng ngày nay đã tìm thấy chân lý ấy, một cách trực tiếp không cần có trung gian, trong tình thương yêu giữa “Tôi” và “Anh”. Và chính vì thế mà theo Phoi-ơ-bắc thì cuối cùng tình yêu nam nữ là một trong những hình thức cao nhất, nếu không phải là hình thức cao nhất, của việc thực hành tôn giáo mới của ông. Nhưng những quan hệ tình cảm giữa người và người, nhất là giữa nam và nữ, đã có ngay từ khi có con người. Đặc biệt là tình yêu nam nữ đã phát triển suốt trong tám thế kỷ gần đây và đã giành được một vị trí làm cho nó trở thành một cái trục mà toàn bộ nền thi ca bắt buộc phải xoay xung quanh nó. Những tôn giáo tích cực hiện hành chỉ đóng khung trong việc ban sự tôn phong tối cao cho quy định của nhà nước về tình yêu nam nữ, tức là cho luật hôn nhân. Những tôn giáo ấy, ngày mai đây, có thể biến đi hết mà việc thực hành tình yêu và tình bạn cũng vẫn sẽ không biến đổi chút nào. ở Pháp, trong khoảng thời gian từ 1793 đến 1798, chính đạo Cơ Đốc thực ra cũng đã biến mất đến nỗi bản thân Na-pô-lê-ông cũng không thể du nhập nó trở lại mà không gặp khó khăn và phản kháng; và trong khoảng thời gian đó, không thấy xuất hiện yêu cầu đòi có sự thay thế bằng một cái gì đó đại loại như tôn giáo mới của Phoi-ơ-bắc cả. Ở đây, chủ nghĩa duy tâm của Phoi-ơ-bắc là ở chỗ ông xét các mối quan hệ giữa người và người, dựa trên cảm tình đối với nhau, như tình yêu nam nữ, tình bạn, lòng thương xót, tinh thần tự hy sinh v.v., không đơn giản theo đúng ý nghĩa mà bản thân chúng có, không liên quan đến hồi ức về một tôn giáo đặc biệt mà chính Phoi-ơ-bắc cũng cho là đã thuộc về dĩ v•ng; nhưng trái lại, Phoi-ơ-bắc cho rằng những quan hệ ấy chỉ có giá trị đầy đủ, khi người ta đem lại cho chúng một sự tôn phong tối cao bằng cái tên là tôn giáo. Đối với ông, điều chủ yếu không phải ở chỗ những quan hệ thuần túy giữa người với người tồn tại, mà là ở chỗ những quan hệ ấy phải được coi là một thứ tôn giáo mới, chân chính. ông đồng ý thừa nhận những quan hệ ấy có giá trị đầy đủ khi người ta đóng vào nó một con dấu tôn giáo. Từ tôn giáo là bắt nguồn từ từ religare1* mà ra, và lúc đầu có nghĩa là liên hệ. Do đó, mọi liên hệ giữa hai người đều là một tôn giáo. Chính những thủ thuật từ nguyên như vậy là phương kế cuối cùng của triết học duy tâm chủ nghĩa. Danh từ không được hiểu theo nghĩa mà nó có được trong quá trình phát triển lịch sử của việc sử dụng nó trong thực tế, mà lại được hiểu theo nghĩa mà nó phải có theo nguồn gốc của nó. Như thế là người ta đã nâng tình yêu nam nữ và quan hệ nam nữ lên ngang hàng một “tôn giáo” để cho từ tôn giáo, quý giá đối với ký ức duy tâm chủ nghĩa, không biến khỏi ngôn ngữ. Trong những năm 40, các nhà cải lương chủ nghĩa ở Pa-ri theo xu hướng Lu-i Blăng cũng đã từng phát biểu đúng như vậy, họ cho rằng một người không có tôn giáo thì cũng như một con quái vật và nói với chúng ta rằng: Donc, l’athéisme, c’est votre religion!2*. Nếu Phoi-ơ-bắc muốn xây dựng một tôn giáo chân chính trên cơ sở một quan điểm căn bản là duy vật chủ nghĩa về tự nhiên thì như vậy, chẳng khác gì quan niệm hóa học hiện đại là giả kim thuật chân chính. Nếu tôn giáo có thể tồn tại không cần đến Thượng đế của nó thì giả kim thuật cũng không cần đến viên đá triết học của nó. Vả lại, giữa thuật giả kim và tôn giáo còn có một mối liên hệ rất chặt chẽ. Viên đá triết học có nhiều đặc tính gần như thần thánh, và các nhà giả kim ở Hy Lạp và Ai Cập, trong hai thế kỷ đầu thuộc kỷ nguyên của chúng ta, cũng đã góp một phần nào đó vào việc xây dựng học thuyết Cơ Đốc giáo, như những tài liệu do Cốp-pơ và Bét-tlô dẫn ra, đã chứng minh. Lời khẳng định của Phoi-ơ-bắc cho rằng “các thời đại của loài người chỉ khác nhau bởi những thay đổi về phương diện tôn giáo” là hoàn toàn sai. Chỉ có thể nói đến những bước ngoặt lịch sử lớn có kèm theo những sự thay đổi về tôn giáo, khi nói đến ba tôn giáo lớn trên thế giới đã tồn tại cho đến ngày nay: đạo Phật, đạo Cơ Đốc, đạo Hồi. Những tôn giáo cũ, nảy sinh một cách tự nhiên trong các bộ lạc và các dân tộc không hề có tính chất tuyên truyền và mất hết sức đề kháng một khi nền độc lập của các bộ lạc và của các dân tộc đó bị phá vỡ; ở người Giéc-manh thì chỉ một sự tiếp xúc đơn giản với đế chế thế giới La Mã đang tan rã và với đạo Cơ Đốc toàn thế giới mà đế chế La Mã vừa mới thừa nhận và phù hợp với tình trạng kinh tế, chính trị và tinh thần của nó, cũng đã đủ để đưa đến tình trạng đó. Chỉ có với các tôn giáo toàn thế giới xuất hiện một cách ít nhiều nhân tạo ấy và nhất là với đạo Cơ Đốc và đạo Hồi thì chúng ta mới nhận thấy rằng những phong trào lịch sử phổ biến nhất đều mang dấu ấn tôn giáo. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực đạo Cơ Đốc, dấu ấn tôn giáo ấy, đối với các cuộc cách mạng có ý nghĩa thế giới, thật ra cũng chỉ giới hạn ở các giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp tư sản, suốt từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII. Và ta không thế giải thích điều đó bằng trái tim con người và nhu cầu tôn giáo của con người như Phoi-ơ-bắc tưởng, mà phải giải thích bằng toàn bộ lịch sử trước đây của thời Trung cổ, thời mà người ta không thấy có hình thức tư tưởng nào khác ngoài tôn giáo và thần học. Song đến thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản đã khá mạnh để lập nên một hệ tư tưởng riêng của nó, phù hợp với quan điểm giai cấp của nó, thì lúc đó, nó làm cuộc cách mạng vĩ đại và triệt để của nó, cuộc Cách mạng Pháp, mà chỉ dựa hoàn toàn vào những tư tưởng pháp luật và chính trị, và chỉ quan tâm đến tôn giáo trong chừng mực tôn giáo cản đường nó. Nhưng nó không nghĩ đến việc thay tôn giáo cũ bằng tôn giáo mới: ai nấy đều biết là Rô-be-xpi-e đã thất bại trong việc đó như thế nào. Khả năng có được những tình cảm thuần túy con người trong quan hệ với đồng loại của chúng ta vốn đã là quá thảm hại bởi cái xã hội được xây dựng trên sự đối kháng giai cấp và sự thống trị giai cấp, xã hội trong đó chúng ta buộc phải sống nên chúng ta không có chút lý do nào để làm cho khả năng đó càng trở nên thảm hại thêm nữa, bằng cách nâng những tình cảm ấy lên thành một tôn giáo. Và cũng vậy, sự hiểu biết của chúng ta về các cuộc đấu tranh giai cấp lịch sử vĩ đại đã bị lối viết sử thông dụng - nhất là ở Đức - làm cho tối mò khá đủ rồi, nên chúng ta không cần làm cho sự hiểu biết đó trở thành hoàn toàn không thể có được bằng cách biến lịch sử các cuộc đấu tranh đó thành một bộ phận phụ thuộc giản đơn của lịch sử giáo hội. Ngay ở đây, rõ ràng là ngày nay chúng ta đã bỏ xa Phoi-ơ-bắc biết bao rồi. Những “đoạn hay nhất” của ông ca tụng tôn giáo mới của ông về tình yêu, ngày nay đã trở thành hoàn toàn không thể đọc được nữa. Tôn giáo duy nhất mà Phoi-ơ-bắc nghiên cứu nghiêm túc là đạo Cơ Đốc, tôn giáo toàn thế giới của phương Tây và được xây dựng trên chủ nghĩa độc thần. Ông chứng minh rằng Chúa của đạo Cơ Đốc chỉ là sự phản chiếu hư ảo con người. Song, bản thân ông Chúa đó lại là sản phẩm của một quá trình trừu tượng hoá lâu dài, là tinh hoa của nhiều ông thần của các bộ lạc và các dân tộc trước kia. Và do đó, con người mà Chúa chỉ là một hình ảnh, cũng không phải là con người hiện thực mà là tinh hoa của một số lớn những con người hiện thực, là con người trừu tượng, vậy cũng lại chỉ là một hình ảnh trong quan niệm. Và cũng Phoi-ơ-bắc, người mà trên mỗi một trang sách của mình đều tuyên truyền khoái lạc nhục dục và kêu gọi đi sâu vào cái cụ thể, vào hiện thực, thì nay lại trở thành hoàn toàn trừu tượng khi ông bắt đầu nói đến không chỉ những quan hệ tính giao, mà cả những quan hệ khác giữa người với người. Trong những quan hệ ấy, Phoi-ơ-bắc chỉ thấy có một mặt: đạo đức. Và ở đây, chúng ta lại một lần nữa ngạc nhiên về sự nghèo nàn quá đỗi của Phoi-ơ-bắc so với Hê-ghen. đạo đức học của Hê-ghen, hay học thuyết về đạo đức, là triết học pháp quyền và gồm có: 1) pháp quyền trừu tượng; 2) luân lý; 3) đạo đức. Đạo đức này lại bao gồm: gia đình, xã hội công dân, nhà nước. Ở đây, hình thức là duy tâm chủ nghĩa bao nhiêu thì nội dung lại là hiện thực bấy nhiêu. Toàn bộ lĩnh vực pháp quyền, kinh tế, chính trị đều được bao gồm trong nội dung đó, bên cạnh đạo đức. Song, với Phoi-ơ-bắc thì ngược hẳn lại. Về hình thức, ông là một người hiện thực chủ nghĩa, ông lấy con người làm xuất phát điểm; song ông hoàn toàn không nói đến thế giới trong đó con người ấy sống, vì vậy con người mà ông nói, luôn luôn là con người trừu tượng vẫn chiếm cứ lĩnh vực triết học về tôn giáo. Chính là vì con người đó không ra đời từ bụng mẹ, mà lại sinh ra từ ông thần của các tôn giáo độc thần, như con bướm bay ra từ cái kén, bởi thế con người đó cũng không sống trong một thế giới hiện thực, một thế giới phát triển trong lịch sử và xác định về mặt lịch sử; đúng là người đó có quan hệ với những người khác, song, mỗi một người trong số những người khác đó cũng đều là trừu tượng như bản thân người đó mà thôi. Trong triết học tôn giáo, dù sao chúng ta cũng còn thấy đàn ông và đàn bà, nhưng trong đạo đức học, sự phân biệt đó lại biến mất. Đành rằng đôi khi Phoi-ơ-bắc cũng có những câu như: “Trong một cung điện, người ta suy nghĩ khác trong một túp lều tranh”327 - “Nếu như vì đói, vì nghèo, mà trong cơ thể anh ta không có chất dinh dưỡng, thì trong đầu óc anh, trong tình cảm anh và trong trái tim anh cũng không có chất nuôi đạo đức”328 - “Chính trị phải trở thành tôn giáo của chúng ta”329 v.v.. Song, Phoi-ơ-bắc hoàn toàn không biết dùng những câu nói đó để làm gì; những câu nói ấy vẫn chỉ là những câu nói suông, và bản thân Stác-cơ cũng phải thú nhận rằng đối với Phoi-ơ-bắc, chính trị là một lĩnh vực không với tới được, còn “Khoa học về xã hội, tức xã hội học, là một terra incognita3*”330 đối với ông”. Ngoài ra, Phoi-ơ-bắc cũng nông cạn so với Hê-ghen, khi bàn về sự đối lập giữa cái thiện và cái ác. Hê-ghen nhận xét: “Một số người tưởng nêu ra được một điều vĩ đại khi nói: con người xét về bản chất là thiện, song người ta quên rằng người ta còn nêu ra được một điều còn vĩ đại hơn nếu nói: con người xét về bản chất là ác”331. Theo Hê-ghen, ác là hình thức, dưới có động lực của sự phát triển lịch sử tự biểu hiện ra. Câu đó có hai nghĩa: một mặt, mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa, và mặt khác, từ khi đối lập giữa các giai cấp xã hội xuất hiện thì chính những dục vọng xấu xa của con người, - lòng tham lam và sự thèm muốn quyền lực - đã trở thành cái đòn bẩy cho sự phát triển lịch sử. Điều đó, lịch sử của chế độ phong kiến và của giai cấp tư sản, chẳng hạn, là bằng chứng liên tục. Song, Phoi-ơ-bắc chưa hề nghĩ đến nghiên cứu vai trò lịch sử của điều ác về mặt đạo đức. Đối với ông, lịch sử, nói chung, là một lĩnh vực không được dễ chịu lắm và đáng ngại. Thậm chí câu châm ngôn sau đây của ông: “Khi con người mới vừa sinh ra từ giới tự nhiên, chỉ là một sinh vật tự nhiên đơn thuần chứ không phải là người. Con người là sản phẩm của con người, của văn hóa, và của lịch sử”332, ở ông, thậm chí câu đó cũng hoàn toàn không đưa đến kết quả gì cả. Vì thế, những điều mà Phoi-ơ-bắc nói với chúng ta về đạo đức chỉ có thể là hết sức nghèo nàn. Lòng mong muốn hạnh phúc là bẩm sinh ở con người, do đó, nó phải là cơ sở của mọi đạo đức. Song, lòng mong muốn hạnh phúc phải chịu hai sự uốn nắn. Thứ nhất, của những hậu quả tự nhiên của hành vi của chúng ta: sau trác táng thì đến chán chường, sau thói quen chơi bời quá độ thì đến bệnh tật. Thứ hai, của những hậu quả xã hội của những hành vi đó: nếu như chúng ta không tôn trọng lòng mong muốn hạnh phúc đó của những người khác thì những người đó sẽ phản kháng lại và phá hoại lòng mong muốn hạnh phúc của chúng ta. Do đó, nếu như chúng ta muốn thỏa mãn lòng mong muốn hạnh phúc của chúng ta, chúng ta phải biết đánh giá đúng những hậu quả của hành vi của chúng ta, và ngoài ra, chúng ta phải tôn trọng những người khác cũng có quyền bình đẳng với chúng ta trong việc mong muốn hạnh phúc. Do đó, sự tự hạn chế một cách hợp lý bản thân, và tình yêu - lại tình yêu! - trong quan hệ với những người khác, là những quy tắc cơ bản của đạo đức của Phoi-ơ-bắc, mà từ đó rút ra những quy tắc khác. Những lời trình bày hết sức tài tình của Phoi-ơ-bắc, cũng như những lời khen hết sức mạnh mẽ của Stác-cơ không thể che đậy được sự nghèo nàn và sự trống rỗng của mấy câu nói trên. Nếu như con người chỉ chăm lo đến bản thân mình thì lòng mong muốn hạnh phúc của họ chỉ được thỏa mãn trong những trường hợp rất hãn hữu và hoàn toàn không có lợi cho họ hay cho người khác. Con người cần phải giao lưu với thế giới bên ngoài, phải có những phương tiện để thỏa mãn yêu cầu của mình: nghĩa là cần phải có thức ăn, một người thuộc giới tính khác mình, sách vở, giải trí, tranh luận, hoạt động, vật dụng và đối tượng lao động. Một trong hai điều: hoặc là đạo đức học của Phoi-ơ-bắc giả định rằng những phương tiện và những vật để thoả mãn yêu cầu đó thì hiển nhiên mọi người đều có, hoặc là nó chỉ mang lại cho con người nhiều lời dạy bảo tốt nhưng không áp dụng được; và như vậy thì đạo đức học đó không đáng giá một xu đối với những người thiếu những phương tiện nói trên. Và đó là điều mà chính Phoi-ơ-bắc cũng đã giải thích bằng lời lẽ thẳng thắn: “Trong một cung điện người ta suy nghĩ khác trong một túp lều tranh. Nếu như vì đói, vì nghèo, mà trong cơ thể anh không có chất dinh dưỡng, thì trong đầu óc anh, trong tình cảm của anh và trong trái tim anh cũng không có chất nuôi đạo đức”. Tình hình có gì tốt hơn trong lĩnh vực quyền bình đẳng của tất cả những người khác về hạnh phúc? Phoi-ơ-bắc coi yêu sách đó là có tính bắt buộc tuyệt đối trong mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh. Song, quyền đó được mọi người thừa nhận từ bao giờ? Trong thời cổ, giữa nô lệ và chủ nô, trong thời Trung cổ, giữa nông nô và bá tước, có bao giờ vấn đề bình đẳng về hạnh phúc được đặt ra chăng? Há chẳng phải là lòng mong muốn hạnh phúc của các giai cấp bị áp bức bao giờ cũng bị hy sinh một cách tàn nhẫn và “chính đáng” vì lòng mong muốn hạnh phúc của giai cấp thống trị đó sao? Phải, trước kia như thế là vô đạo đức, nhưng ngày nay, quyền bình đẳng ấy đã được thừa nhận rồi. - Được thừa nhận trên lời nói, từ khi giai cấp tư sản, trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và để phát triển nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, buộc phải thủ tiêu hết mọi đặc quyền đẳng cấp, tức đặc quyền cá nhân, và trước hết là buộc phải thi hành quyền bình đẳng của cá nhân trong lĩnh vực tư pháp và sau đó dần dần cả trong lĩnh vực công pháp nữa. Nhưng lòng mong muốn hạnh phúc chỉ cần một phần hết sức nhỏ đến những quyền tinh thần, mà lại cần một phần hết sức lớn đến những tư liệu vật chất. Thế nhưng sản xuất tư bản chủ nghĩa chú ý làm sao cho tuyệt đại đa số người có quyền bình đẳng chỉ có được chút ít cái tối cần thiết cho cuộc sống. Như thế, nó cũng chẳng tôn trọng quyền bình đẳng về lòng mong muốn hạnh phúc của đa số, không hơn gì chế độ chiếm hữu nô lệ hay chế độ nông nô. Còn về những phương tiện tinh thần của hạnh phúc, về những phương tiện giáo dục thì tình hình có tốt hơn không? Há chẳng phải là bản thân “ông giáo trường tiểu học đã chiến thắng ở Xa-đô-va”333 là một nhân vật thần thoại đó sao? Như thế chưa phải đã hết. Theo học thuyết của Phoi-ơ-bắc về đạo đức thì sở giao dịch chứng khoán là ngôi đền cao nhất của đạo đức, nếu như ở đó người ta luôn luôn đầu cơ một cách có trí tuệ. Nếu như lòng mong muốn hạnh phúc của tôi dẫn tôi đến sở giao dịch và nếu như ở đó, tôi biết cân nhắc thật đúng đắn những hậu quả của hành động của tôi sao cho những hành động đó chỉ đem lại cho tôi những điều lợi, chứ không đem lại một sự bất lợi nào, nghĩa là nếu tôi luôn luôn có lợi thì điều căn dặn của Phoi-ơ-bắc đã được hoàn thành. Và đồng thời, tôi hoàn toàn không làm hại đến lòng mong muốn hạnh phúc của người khác, vì người ấy cũng đi tới sở giao dịch một cách tự nguyện như tôi, và khi người đó giao dịch đầu cơ với tôi, thì cũng như tôi, người đó đã theo đuổi lòng mong muốn hạnh phúc của mình. Nếu như anh ta mất tiền thì chính do hành động của anh ta tỏ ra là vô đạo đức vì tính toán sai, và bằng cách buộc anh ta phải chịu sự trừng phạt xứng đáng, tôi có thể tự hào rằng mình là một Ra-đa-man-tơ hiện đại. Tình yêu cũng thống trị cả ở sở giao dịch trong chừng mực nó không phải chỉ là một lời nói tình cảm, vì ở sở giao dịch, mỗi người đều nhờ vào người khác mà thỏa mãn lòng mong muốn hạnh phúc của mình. Chính đó là điều mà tình yêu phải làm và là cách nó biểu hiện hành động của nó trong thực tiễn. Do đó, nếu như tôi đầu cơ mà đoán trước được đúng kết quả công việc của tôi, nghĩa là đầu cơ có kết quả, thì như thế là tôi đã theo đúng những yêu cầu nghiêm ngặt nhất của đạo đức học của Phoi-ơ-bắc và tôi sẽ còn giàu thêm. Nói một cách khác, đạo đức học của Phoi-ơ-bắc được gọt giũa cho thích hợp với xã hội tư bản chủ nghĩa hiện nay, dù ông có những mong muốn như thế nào và những ý định như thế nào đi chăng nữa. Nhưng tình yêu! Vâng, đối với Phoi-ơ-bắc thì tình yêu, ở đâu và bao giờ, cũng là một ông thần lắm phép lạ có thể giúp vượt mọi khó khăn của đời sống thực tiễn, và điều đó diễn ra trong một xã hội chia thành những giai cấp có những lợi ích đối lập hẳn với nhau! Do đó, những vết tích cuối cùng của tính chất cách mạng trong triết học của ông đều biến mất hết và chỉ còn lại cái điệp khúc cũ kỹ: Hãy yêu nhau đi, hãy ôm nhau đi, không cần phân biệt nam nữ và đẳng cấp. - Thật là giấc mơ thiên hạ thuận hòa! Tóm lại, học thuyết của Phoi-ơ-bắc về đạo đức thì cũng giống như tất cả những học thuyết trước đó. Nó được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi dân tộc, mọi hoàn cảnh, và chính vì thế mà không bao giờ nó có thể đem áp dụng được ở đâu cả. Và đối với thế giới hiện thực, nó cũng bất lực như cái mệnh lệnh tuyệt đối của Can-tơ vậy. Trong thực tế, mỗi giai cấp và ngay cả mỗi nghề nghiệp đều có đạo đức riêng của mình, và đều vi phạm đạo đức ấy, mỗi khi thấy có thể vi phạm mà không bị trừng phạt, và thứ tình yêu phải đoàn kết tất cả mọi người, thì lại biểu hiện bằng chiến tranh, xung đột, kiện tụng, bất đồng trong gia đình, ly dị và tình trạng người ra sức bóc lột người. Nhưng làm sao mà đà kích thích mạnh mẽ do Phoi-ơ-bắc tạo ra lại có thể hoàn toàn vô hiệu ngay cả với bản thân Phoi-ơ-bắc? Chỉ là vì Phoi-ơ-bắc không tìm thấy con đường thoát khỏi vương quốc của sự trừu tượng, mà bản thân ông ghét cay ghét đắng, để đi tới hiện thực sinh động. Ông bám hết sức chặt lấy giới tự nhiên và con người; song đối với ông, cả tự nhiên lẫn con người vẫn chỉ là những danh từ mà thôi. Ông không biết nói với chúng ta một cái gì chính xác về tự nhiên hiện thực, cũng như về con người hiện thực. Nhưng người ta chỉ đi được từ con người trừu tượng của Phoi-ơ-bắc đến những con người hiện thực, sinh động, nếu người ta xét những con người đó trong hành động lịch sử của họ. Nhưng Phoi-ơ-bắc lại từ chối làm như vậy, và vì thế mà đối với ông, cái năm 1848 mà ông không hiểu được, chỉ có nghĩa là sự đoạn tuyệt vĩnh viễn với thế giới hiện thực, là sự rút lui vào cảnh sống ẩn dật. Một lần nữa, chịu trách nhiệm chủ yếu về việc đó, lại vẫn là những quan hệ xã hội ở nước Đức hồi ấy, những quan hệ đã đưa ông đến kết cục đáng thương đó. Song, bước đi mà Phoi-ơ-bắc không thực hiện được thì vẫn phải thực hiện; sự sùng bái con người trừu tượng, cái hạt nhân đó của tôn giáo mới của Phoi-ơ-bắc, tất phải được thay thế bằng khoa học nghiên cứu những con người hiện thực và sự phát triển lịch sử của họ. Sự phát triển tiếp tục ấy của quan điểm của Phoi-ơ-bắc, vượt ra ngoài giới hạn của triết học của Phoi-ơ-bắc, đã được Mác mở đầu năm 1845 trong tác phẩm “Gia đình thần thánh”.
326 Đoạn trích này lấy trong tác phẩm của Phoi-ơ-bắc “Grundsọtze der Philosophie. Nothwendigkeit einer Verọnderung” (“Những nguyên lý cơ bản của triết học. Sự cần thiết phải thay đổi”), công bố trong cuốn: K.Grỹn. “Ludwig Feuerbach”. Bd.I, Leipzig und Heidelberg, 1874, S.407. 1* liên hệ 2* Vậy thì chủ nghĩa vô thần, đó là tôn giáo của các anh! 327 Đoạn trích này lấy trong tác phẩm của Phoi-ơ-bắc “Wider den Dualismus von Leib und Seele, Fleisch und Geist” (“Chống thuyết nhị nguyên về thể xác và linh hồn, nhục thể và tinh thần”). Xem “Ludwig Feuerbach’s sammtliche Werke”. Bd.II, Leipzig, 1846, S.363 (“Toàn tập Lút-vích Phoi-ơ-bắc”. T. II, Lai-pxích, 1846, tr.363). 328 Đoạn trích này được dẫn trong sách của Stác-cơ “Ludwig Feuerbach”. Stuttgart, 1885, ở tr.254, trong tác phẩm của Phoi-ơ-bắc “Noth meistert alle Gesetze und hebt auf” (“Sự cần thiết vượt qua mọi quy luật và thủ tiêu chúng”) được công bố trong cuốn: K.Grun. “Ludwig Feuerbach”. Bd.II, Leipzig und Heidelberg, 1874, S.285 – 186. 329 Đoạn trích này được dẫn trong cuốn sách của Stác-cơ “Ludwig Feuerbach”. Stuttgart, 1885, ở tr. 280, lấy trong tác phẩm của Phoi-ơ-bắc “Grundsatze der Philosophie. Nothwendigkeit einer Verọnderung” (“Những nguyên lý cơ bản của triết học. Sự cần thiết phải thay đổi”), công bố trong cuốn: K.Grỹn. “Ludwig Feuerbach”. Bd.I, Leipzig und Heidelberg, 1874, S.409. 3* miền đất chưa biết tới. 330 C.N.Starcke. “Ludwig Feuerbach”. Stuttgart, 1885, S.280. 331 Ăng-ghen tóm tắt ở đây những ý tưởng của Hê-ghen phát biểu chủ yếu trong những tác phẩm của ông ta: “Grundlinien der Philosophie des Rechts”. ĐĐ18, 139, và cả trong “Vorlesungen ỹber die Philosophie der Religion”. Dritter Theil, II, 3 (“Những bài giảng về triết học tôn giáo”. Phần ba, II, 3). Tác phẩm này xuất bản lần đầu ở Béc-lin năm 1832. 332 Xem tác phẩm của Phoi-ơ-bắc “Fragmente zur Charakteristik meines philosophischen Curriculum vitae” (L.Phoi-ơ-bắc. “Những đoạn trình bày tiểu sử triết học của tôi”) trong cuốn: “Ludwig Feuerbach’s sammtliche Werke”. Bd.II, Leipzig, 1846, S.411. 333 Thành ngữ quen thuộc của chính luận tư sản Đức sau thắng lợi của người Phổ ở Xa-đô-va (trong cuộc chiến tranh áo – Phổ năm 1866), theo ý tứ của nó thì thắng lợi của Phổ là do những ưu điểm của hệ thống giáo dục quốc dân Phổ tạo nên; bắt nguồn từ những ý kiến phát biểu của O.Pê-sen, chủ bút tạp chí “Ausland” xuất bản ở Au-xbuốc, trong bài báo của ông ta “Die Lehren der Jỹngsten Kriegsgeschichte” (“Những bài học lịch sử của cuộc chiến tranh vừa qua”) đăng ở số 29 của tạp chí này, ra ngày 17 tháng Bảy 1866. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC