Thuyết Duy tâm Đức

Ngôn ngữ Hegel

 

NGÔN NGỮ HEGEL

MICHAEL INWOOD

 

Hegel viết và giảng dạy bằng tiếng Đức. Ông làm như thế vào cuối một thời kỳ khi ngôn ngữ Đức - trong tay của Goethe, Schiller, Lessing v.v.. - đã trở thành công cụ chuyên chở cho cả một nền văn học dân tộc lớn lao, có thể sánh với nền văn học Pháp, Anh và Ý, đồng thời được sử dụng để diễn đạt những ý tưởng khoa học, văn hoá và triết học như chưa từng có trước đó. Hegel không xem triết học của ông là triết học Đức đặc thù, theo nghĩa nó chỉ có giá trị cho ngôn ngữ Đức hoặc chỉ có thể diễn đạt thích hợp bằng tiếng Đức, trái lại, ông cho rằng điều quan trọng cho sự phát triển của một dân tộc là phải sở hữu cho được những sản phẩm văn học và văn hoá bằng tiếng mẹ đẻ, và rằng cấu trúc và từ vựng của tiếng Đức là thích hợp đặc biệt cho việc diễn đạt nhiều chân lý hệ trọng: tiếng Đức có “tinh thần tư biện” (KHLG, Lời Tựa II). Vì thế, mục tiêu của ông là “dạy cho triết học biết nói tiếng Đức”, cũng giống như “Martin Luther đã làm cho Kinh Thánh nói tiếng Đức và Ngài [Voss] cũng làm giống hệt như thế đối với Homer”[1].

Trong bài này, trước hết, tôi phác họa vài đặc điểm khái quát cần ghi nhớ về ngôn ngữ Đức khi đọc Hegel cũng như khi sử dụng Từ Điển này. Thứ hai, tôi xét một số phương diện của sự phát triển của tiếng Đức như là một ngôn ngữ triết học, nhất là vào thế kỷ 18. Sau cùng, tôi khảo sát một ít đặc điểm trong việc Hegel sử dụng tiếng Đức và khái quát về những đóng góp của ông cho tiếng Đức triết học.

NGÔN NGỮ ĐỨC

Cùng với tiếng Frisian, tiếng Hòa Lan và tiếng Anh, tiếng Đức thuộc về nhóm các ngôn ngữ Giéc-manh phía Tây, và, vì thế, có quan hệ gần gũi với tiếng Anh. Nhưng, tiếng Đức khác với tiếng Anh ở một số phương diện quan trọng. Đáng chú ý nhất, tiếng Đức là ngôn ngữ biến hình cao độ: cấu trúc ngữ pháp của một câu tiếng Đức thể hiện ở phần cuối của danh từ và động từ, cũng như ở trình tự của từ. Mỗi danh từ (và đại danh từ) có bốn Cách (danh cách, đối cách, sinh cách hay sở hữu cách và dữ cách*), thường được biểu thị bằng phần cuối của từ và chuyển tải vai trò của danh từ trong câu (chủ ngữ của câu, chẳng hạn, là thuộc danh cách). Thêm nữa, mọi danh từ tiếng Đức đều được chia thành một trong ba giống: giống đực, giống cái và trung tính. Giống của danh từ không nhất thiết tương ứng với giới tính của đối tượng được biểu thị: vì thế, Mensch (“đàn ông”, “con người”) là giống đực và Frau (“phụ nữ”, “vợ”) là giống cái, nhưng Weib (“phụ nữ”, “vợ”) và Fräulein (“cô gái trẻ”) lại là trung tính, và Kunst (“nghệ thuật”, “tài khéo”) là giống cái. Phần cuối của danh từ theo Cách (cũng như của tính từ, quán từ, đại từ liên hệ v.v.. đi theo hay xác định chúng) thay đổi tùy theo giống của danh từ. (Sự phức tạp bề ngoài này lại thường cho phép tiếng Đức tránh được sự hàm hồ dễ dàng hơn là trong tiếng Anh). Mọi danh từ (nhưng thường không phải các đại danh từ) trong tiếng Đức đều bắt đầu với một chữ cái viết hoa. Vì thế, thói quen thông thường khi dịch những danh từ quan trọng bằng cách viết hoa chữ cái (vd: “Lý tính”/Anh: “Reason”), “Khái niệm”/Anh: “Notion, Concept”, không có sự tương ứng trong tiếng Đức, vì tiếng Đức không phân biệt các danh từ theo cách này.

Giống như tiếng Anh, tiếng Đức có quán từ xác định: der, die, das (Anh: “the”) và quán từ không xác định: ein v.v.. (Anh: “a”, “an”). Chúng thay đổi tùy theo giống và cách của danh từ đi kèm theo, vì thế, trong danh cách, ta có der Mensch, die Frau, die Kunstdas Weib. Quán từ không xác định, ein, cũng có nghĩa là “một” [theo số lượng]: eine Frau có thể có nghĩa là “người phụ nữ” hay “một người phụ nữ”. Hegel đôi khi tiếp thu cách dùng quen thuộc này trong việc phân biệt hai ý nghĩa nói trên bằng cách dùng chữ cái viết hoa cho nghĩa “một” về số lượng: eine Frau là “người phụ nữ”, trong khi Eine Frau là “một người phụ nữ”. (Việc cố tái hiện điều này trong các bản dịch tiếng Anh: “One woman” v.v.. là không biện minh được). Cũng giống như tiếng Anh, tiếng Đức có nhiều cách chuyển một phần của lời nói thành danh từ. Vì thế, một tính từ như schön (“đẹp”) thường xuất hiện (bổ ngữ) giữa quán từ và danh từ (“một bức tranh đẹp”) hay để vị từ hóa một danh từ (“bức tranh này [là] đẹp”). Việc bổ sung một tiếp vĩ ngữ, nhất là -heit-keit chuyển tính từ thành một danh từ trừu tượng. Do đó, Schönheit là “vẻ đẹp”, “tính đẹp”. (Khác với tiếng Anh, tiếng Đức thường đòi phải có quán từ xác định cho các trường hợp này). Nhưng, lại giống với tiếng Anh, tiếng Đức cũng có thể chuyển tính từ thành danh từ một cách trực tiếp hơn bằng cách đơn giản thêm vào một quán từ cho tính từ. Ví dụ, tính từ einzeln có nghĩa “cá biệt”, “đơn nhất”, trong khi der/ein Einzelne là “cái cá biệt”, “cái đơn nhất”, “cá nhân”/Anh: “the/an individual”. Thông thường hơn, quán từ và tính từ ở thể trung tính: das Schöne là “cái đẹp”; das Allgemeine là “cái phổ biến”, das Sinnliche là “cái cảm tính”; das Wahre: “cái đúng thật” và v.v.. Những cách biểu đạt ấy là hàm hồ: vd: das Schöne có thể biểu thị một số sự vật đẹp hay những sự vật đẹp nói chung (vd: “Cái đẹp thường cao giá”) hoặc biểu thị tính trừu tượng của cái đẹp (vd: “Cái đẹp khác với cái chân”).

Phần khác của lời nói cũng có thể chuyển thành danh từ, đó là động từ. Tiếng Anh thường làm điều này bằng cách thêm vào tiếp vĩ ngữ “-ing” cho động từ gốc: “run” thành “running” (“chạy” thành “việc chạy”) v.v.. Tiếng Đức cũng thêm -ung vào: vd: erklären (“giải thích”, “định nghĩa”) thành (die) Erklärung (“sự giải thích”, “định nghĩa”, “tuyên bố”), aufheben (“thủ tiêu”, “thải hồi” v.v..) thành (die) Aufhebung (“việc thủ tiêu, thải hồi, vượt bỏ” v.v..), bestimmen (“xác định”, “quy định” v.v..) thành (die) Bestimmung (“việc xác định, quy định” v.v..)… Tiếng Anh cũng đôi khi dùng động từ nguyên thể như là ngữ đoạn-danh từ: “to be is to be perceived” (“tồn tại là được tri giác” [Berkeley]), “to hear is to obey” (“nghe là vâng lời”) v.v.. Tiếng Đức, hay ít nhất là tiếng Đức của Hegel, dùng cách này nhiều hơn hẳn, bằng cách (thường) thêm quán từ xác định, trung tính cho hình thức động từ nguyên thể: das Erklären (“việc giải thích” v.v../Anh: “explaining”, “explanation”, hiểu như một hoạt động; danh từ das Aufheben (“việc thủ tiêu” v.v..), das Bestimmen (“việc xác định, quy định” v.v..). Các tính từ và ngữ đoạn trạng ngữ có thể được tích hợp thành những danh từ có gốc động từ như thế. Ví dụ, bestimmt sein là “được quy định, xác định” trở thành das Bestimmtsein (“cái được quy định”, “tồn tại được quy định” v.v..). Trong Hegel, an und für sich sein (“tự mình và cho mình”) trở thành das Anundfürsichsein (“sự tồn-tại-tự-mình-và-cho-mình”) hay đơn giản hơn, “das Anundfürsich”, dù từ này cũng có thể có nghĩa là “cái tồn-tại-tự-mình-và-cho-mình”, tương đương với das Anundfürsichseiende, trong đó seiend(e) là hiện tại phân từ của động từ sein (“là”).

Những điều nói trên cho thấy tiếng Đức thuận tiện hơn tiếng Anh (và càng thuận tiện hơn nhiều so với tiếng Pháp) trong việc kết hợp các từ để hình thành những từ phức hợp hơn, mà nghĩa của chúng thường khó có thể suy ra từ nghĩa của các bộ phận cấu thành[2]. Dấu hiệu rõ rệt hơn cả của điều này là số lượng lớn của những động từ phức hợp, gồm động từ gốc và tiếp đầu ngữ là giới từ hay trạng từ. Các ví dụ trong tiếng Anh là “outdo”, “overcome”, nhưng tiếng Anh thường hình thành các động từ mới bằng trạng từ hay giới từ tiếp theo sau: “put off, over, up with” v.v.. Trong tiếng Đức, chẳng hạn, động từ đơn setzen (“đặt”, “để”, “thiết định”…) hình thành các động từ phức hợp: festsetzen (“thiết lập”), entgegensetzen (“đối lập”, “đặt thành đối lập”), voraussetzen (tiền-giả định”, “giả định”…) và nhiều từ khác nữa. Trong câu, động từ gốc và tiền tố của nó thường tách rời nhau, với tiền tố đi theo động từ, nhưng lại thường đặt cách xa động từ gốc (vd: setzen… voraus, hơn là voraussetzen), nhưng không thay đổi nghĩa của động từ phức như trong tiếng Anh (vd: “overcome” và “outride” trong tiếng Anh khác với “come over” và “ride out”). Các động từ này, cùng với việc mỗi thành tố của động từ thường có nghĩa riêng nhưng thân thuộc, cho phép Hegel rút ra những sự liên kết giữa các từ vốn không dễ dàng chuyển tải trong bản dịch tiếng Anh. Chẳng hạn, voraus có nghĩa là “phía trước”, “đi trước”, và Hegel có thể gợi ý rằng “voraussetzen” (“tiền-giả định”) một điều gì đó có nghĩa là “thiết định” nó hay “đặt” nó (setzen) lên trước. Các danh từ cũng thường gồm những từ đơn giản hơn. Vd: (der) Gegenstand (“đối tượng”, vd: của ý thức) được tạo ra từ gegen (“hướng tới”, “ngược lại”) và Stand (“đứng”, “vị trí” v.v..) và, vì thế, theo nghĩa đen là “cái gì đứng đối lập, đối diện với”… Các ví dụ đơn giản hơn là: Kunstwerk (“tác phẩm nghệ thuật”/Anh: “work of art”); das Kunstschöne (“cái đẹp nghệ thuật”/Anh: “artistic beauty, the beauty of art”), das Naturschöne (“cái đẹp tự nhiên”, “cái đẹp của giới tự nhiên”/Anh: “natural beauty, the beauty of nature”), v.v..

Gắn liền với sự thuận tiện của tiếng Đức trong việc cấu tạo từ là sự kiện (hay giả thuyết) rằng tiếng Đức, giống như tiếng Hy Lạp cổ, và khác với tiếng Anh và tiếng Pháp, là một “ngôn ngữ căn nguyên” (ursprünglich). Ý tưởng này bắc đầu từ Vico, khi ông cho rằng tiếng Đức là một “ngôn ngữ anh hùng ca đang còn sống”, nhưng ý tưởng này trở nên phổ thông ở nước Đức, đặc biệt là nơi Herder và Fichte[3]. Luận cứ này cho rằng, vào lúc khởi đầu, ngôn ngữ được chi phối bởi “Lôgíc thi ca” (Vico) và dựa trên hình tượng và ẩn dụ cụ thể. Người nguyên thủy không nói rằng họ giận dữ, mà nói rằng máu sôi trong tim. Mọi ngôn ngữ đều khởi nguyên theo cách này, nhưng trong một số ngôn ngữ, chẳng hạn như trong tiếng Anh, các nguồn gốc nguyên thủy này của ngôn ngữ đã bị che mờ do sự phát triển về sau của chúng, nhất là bởi sự du nhập những từ nước ngoài mà ý nghĩa nguyên thủy của chúng không còn hiển hiện đối với những người nói ngôn ngữ này. Chẳng hạn, từ “object” trong tiếng Anh đến từ quá khứ phân từ “objectum” của động từ Latinh obicere (ob-icere), “ném ngược lại”, và, vì thế, có nghĩa nguyên thủy là “cái gì được ném ngược lại”, nhưng điều này lại không hiển hiện đối với người nói tiếng Anh, vì “object” được tiếp thu một cách toàn bộ từ tiếng Latinh, và các thành tố ob, jecticere không có nghĩa độc lập trong tiếng Anh. Trái lại, tiếng Đức ít vay mượn từ tiếng nước ngoài hơn (nhất là vì người Đức ít chịu các cuộc xâm lược từ nước ngoài hơn người Anh), và vì thế, vẫn bảo tồn được những nguồn gốc nguyên thủy của nó. Vì thế, đối với người Đức thì Gegenstand rõ ràng là cái gì đứng đối diện, đối lập, vì cả hai từ gegenStand đều có nghĩa quen thuộc trong tiếng Đức. Một ví dụ khác: nghĩa nguyên thủy của Augenblick (nghĩa đen: “chớp mắt”) rất rõ ràng đối với người Đức, trong khi nghĩa tương đương trong các từ tiếng Anh - “moment” - lại đến từ động từ Latinh movere (“to move”) và “instant” từ động từ Latinh instare (“to stand on”) - không dễ dàng được người nói tiếng Anh nhận ra ngay.

Tuy nhiên, như ta sẽ thấy ở phần sau, tiếng Đức cũng đã vay mượn và lưu giữ nhiều từ có nguồn gốc nước ngoài, nhất là từ tiếng Latinh. Chẳng hạn, thêm vào cho từ Gegenstand, ta có từ Object, hay Objekt, hình thức đậm nét Giéc-manh hơn. Một số nhà chủ trương thuyết “trong sáng” đòi loại bỏ các từ vay mượn và thay thế chúng bằng những từ bản địa tương đương. Nhưng, nhiều khuôn mặt có ảnh hưởng như Leibniz và Hegel lại nhấn mạnh rằng những sự du nhập hữu ích thì đều nên giữ lại[4]. Chúng thường có nghĩa khác đôi chút so với các từ bản ngữ tương đương.

Cho dù có giả thuyết về tính “căn nguyên” của ngôn ngữ Đức, nhiều người Đức, kể cả bản thân Hegel, cũng thường gán ghép những lý giải có tính từ nguyên một cách không chính xác ngay cả cho các từ bản địa. Điều này đã xảy ra, chẳng hạn, đối với tiền tố ur-, có mặt trong các từ như Urteil (“phán đoán”) và Ursache (“nguyên nhân”). Do có sự hiện diện của tiền tố ur- trong các từ như Ursprung (“nguồn gốc”) và tính từ ursprünglich (“có tính căn nguyên, nguồn gốc”), nên nó được hiểu như là “căn nguyên, sơ thủy, nguyên sơ”, và thế là nhiều từ được hình thành dựa trên giả định này: (das) Urbild, từ được hình thành từ thế kỷ 17 để biểu thị “nguyên mẫu, cổ mẫu”; (die) Urpflanze, “cây nguyên thủy, cây căn nguyên” mà theo Goethe, là nguyên mẫu từ đó suy ra mọi loài cây khác; (das) Urphänomen, “hiện tượng nguyên thủy, căn nguyên”, cũng theo quan niệm của Goethe, là nguồn gốc của những hiện tượng phái sinh khác. Trong khi đó, trên thực thế, tiền tố ur- thật ra chỉ là một dạng của tiền tố er- như trong từ Erscheinung (“hiện tượng”) và nghĩa nguyên thủy của nó là “xuất phát từ”, hay “từ bên trong ra”. Vậy, nghĩa nguyên thủy của Ursprung chính là “tuôn ra”, nhất là của nước [do đó, có nghĩa: “suối”, “nguồn suối”]. Tuy vậy, niềm tin lan truyền rằng tiếng Đức là một “ngôn ngữ căn nguyên” và các nguồn gốc nguyên thủy của nó là hiển hiện rõ ràng đối với người bản ngữ đã có ảnh hưởng lớn lao đối với việc sử dụng, diễn giải và phát triển của tiếng Đức trong thời kỳ này. Việc Hegel khám phá và khai thác từ nguyên - có thật hay tưởng tượng - sẽ là đề tài thường trực trong Từ Điển này.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG ĐỨC TRIẾT HỌC

Leibniz đề cao các ưu điểm của tiếng Đức và ủng hộ sự phát triển cũng như việc sử dụng tiếng Đức trong các mục đích giáo dục, khoa học và triết học. Nhưng, Leibniz, giống như hầu hết các học giả Đức khác vào cuối thế kỷ 17, đã viết và công bố phần lớn bằng tiếng Pháp hay tiếng Latinh. Tiếng Đức không được sử dụng như một ngôn ngữ học thuật.

Dù vậy, sự hình thành thuật ngữ Đức triết học có một lịch sử lâu dài[5]. Khuôn mặt quan trọng xuất hiện rất sớm là Notker (khoảng 950-1022), người đã dịch bản Latinh của “Các phạm trù”, “Về sự diễn giải” của Aristoteles và “Về sự an ủi của Triết học” (De Consolatione Philosophiae) của Boethius sang tiếng Đức. Ông đã đề nghị dùng từ Giéc-manh tương đương cho nhiều thuật ngữ triết học Latinh: một số đề nghị của ông (vd: ewig cho aeternus, “vĩnh hằng”, “vĩnh cửu”) đã sống sót, trong khi những từ khác (vd: mitewist cho accidens, “tùy thể” (của bản thể) thì không. Nhưng, yếu tố quan trọng nhất trong sự lớn mạnh của tiếng Đức triết học suốt thời Trung đại (khi triết học dòng chính, giống như nhiều nơi khác, thường được viết bằng tiếng Latinh) lại chính là phái huyền học Đức (Mystik), phái này cũng chịu ơn rất nhiều từ phái Plato-mới[6] cũng như phái ngộ đạo (gnosticism) và Kitô giáo. Đại diện chủ yếu đầu tiên của huyền học Đức là tu sĩ dòng Đa Minh Meister (Johann) Eckhart (khoảng 1260-1327). Mục đích của Eckhart, cũng như của các nhà huyền học khác, là sự hợp nhất linh hồn với Thiên Chúa, là thức nhận về Thiên Chúa trong đáy sâu của linh hồn mỗi người. Trước khi có sự Sáng tạo, Thiên Chúa là “hư vô trong hư vô”. Chỉ trong giới tự nhiên được Ngài sáng tạo nên (genaturte Natur, tức natura naturata trong tiếng Latinh), Thiên Chúa mới trở nên có ý thức về chính mình. Vạn vật sinh ra ở trong và cùng với Thiên Chúa và rồi lại tiêu trầm vào trong Thiên Chúa. Các nhà huyền học đã phát triển một hệ thuật ngữ nhằm diễn đạt những quan niệm này, và sử dụng nhiều từ đã được xác lập từ đó đến nay: những từ kết thúc bằng -heit như anderheit (“tính khác”), menschheit (“nhân loại”, “nhân văn”), và würklichkeit (“hiện thực”, ngày nay là Wirklichkeit), và eigenschaft, theo nghĩa “sở hữu” và “đặc điểm riêng” hơn là nghĩa hiện đại của “tuỳ thể, thuộc tính (của sự vật)”.

Martin Luther (1483-1546) có ảnh hưởng to lớn lên sự lớn mạnh của thuật ngữ thần học và triết học. Một khuôn mặt khác chịu ảnh hưởng của huyền học và lại gây ảnh hưởng lên sự phát triển về sau là Paracelsus (1493-1541), một bác sĩ đã viết về các vấn đề triết học và giảng dạy y khoa tại Basle vào khoảng năm 1526 bằng tiếng Đức. Paracelsus đã dùng từ Erfahrung (“kinh nghiệm”) vừa theo nghĩa là toàn bộ dữ kiện hiểu như một đối tượng của nhận thức, vừa theo nghĩa là bản thân hoạt động nhận thức. Ông cũng xác lập từ Verstand (“giác tính”) như là cái đối ứng với từ Latinh intellectus, nhưng (khác với Hegel), ông đặt nó lên trên Vernunft (“lý tính”, Latinh: ratio) (Eckhart cũng đã dùng nhiều biến thể của Verstand như verstandnisse, nhưng lại không dùng chính từ Verstand. Thuật ngữ huyền học thông dụng cho hoạt động cao nhất của tâm trí hay tinh thần là gemuet, tức Gemüt (“tâm thức”) ngày nay.

Paracelsus đã ảnh hưởng lên tư tưởng của Jacob Böhme (1575-1624), một thợ đóng giày và nhà huyền học, được Hegel xem là “triết gia Đức đầu tiên”, nhờ đó “triết học xuất hiện ở nước Đức với tính cách riêng biệt của nó”. Böhme có xu hướng đảo ngược các từ được vay mượn (vd: qualitas, “chất”) bằng cách liên kết chúng về mặt từ nguyên với các từ bản địa (vd: với Qual: “đau đớn”, “tra tấn”). Nhưng, ông cũng phát triển nhiều thuật ngữ và khái niệm triết học khác nữa: vd: Zweck cho “mục đích”, “cứu cánh”, và Auswicklung cho “sự phát triển” (chỉ mới được thay thế bằng Entwicklung từ thế kỷ 18).

Leibniz xem trọng huyền học giống như Böhme, và khuyến khích xem huyền học như là nguồn suối cho thuật ngữ triết học Đức. Böhme cũng được các nhà lãng mạn đánh giá cao, nhất là Novalis, còn F. Schlegel thì khẳng định rằng không một ai khác có “sự hình dung bằng phúng dụ và biểu trưng phong phú đến như thế”. Böhme có ảnh hưởng mạnh mẽ lên Schelling, và nhất là lên triết học về Tự nhiên của Schelling.

Dù Leibniz ít viết bằng tiếng Đức, nhưng ông cũng có một số đóng góp đối với thuật ngữ triết học Đức. Một thuật ngữ còn sống mạnh đến ngày nay là cách sử dụng từ Urteil (“phán đoán”) theo nghĩa lôgíc học; trong khi từ khác lại không sống sót được, đó là Selbstand (nghĩa đen: “đứng vững tự mình”) dịch chữ Latinh substantia (“bản thể”, ngày nay trong tiếng Đức là (die) Substanz). Leibniz không có chức vụ trong đại học, nên ông không giảng dạy. Christian Thomasius (1655-1728), một giảng viên ở đại học Leipzig, đã gây chấn động vào năm 1687 khi công bố sẽ có loạt bài giảng bằng tiếng Đức. Rút cục, ông đã bị đẩy ra khỏi Leipzig, một phần vì ông cương quyết giảng dạy và công bố bằng tiếng Đức, và chuyển sang đại học Halle, nơi không phản đối hành động vượt ra khỏi truyền thống của ông. Trong các tác phẩm được công bố, Thomasius tiếp tục sử dụng các từ vay mượn cùng với các từ bản địa, và phản đối việc tạo ra những từ Giéc-manh một cách giả tạo để thay thế cho những từ vay mượn nhưng đã ổn định[7]. Vì thế, ông vừa dùng từ Materie vay mượn và từ Stoff bản địa, cũng như vừa dùng từ Object lẫn Gegenstand.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho việc viết triết học bằng tiếng Đức không phải chủ yếu ở chỗ thiếu các từ bản địa để sử dụng (hay các từ vay mượn được chấp nhận), mà ở chỗ chưa có một hệ thuật ngữ được xử lý và chấp thuận rộng rãi. Một số cây bút vẫn giữ lại các từ Latinh, những người khác thì dịch chúng sang tiếng Đức bản ngữ. Nhưng vẫn chưa có sự nhất trí về việc dịch thuật. Thomasius không làm được bao nhiêu để cứu chữa tình trạng này, một phần vì các tác phẩm của ông vẫn còn đầy rẫy các từ vay mượn từ tiếng Latinh, phần khác vì các đề nghị về mặt thuật ngữ của ông lại thiếu sự sáng sủa, thẩm quyền và sự chặt chẽ vốn cần thiết cho sự chấp nhận rộng rãi. Bước đi có ý nghĩa nhất theo hướng này sẽ được triết gia hàng đầu của phong trào Khai minh Đức là Christian Wolff (1679-1754) đảm trách. Wolff nguyên là nhà toán học và ông tin rằng triết học cần được trình bày với sự sáng sủa và chặt chẽ toán học. Khi du nhập một từ, theo ông, cần phải định nghĩa thật rõ ràng, và không được dùng theo nghĩa khác với nghĩa nguyên thủy đã dành cho nó. Ta không được phép sử dụng hai hay nhiều từ đồng nghĩa với nhau: các từ đồng nghĩa ở bề ngoài phải được dành cho các nghĩa được xác định thật chính xác và rành mạch. Vì thế, Wolff phân biệt giữa từ Grund (“cơ sở”, “lý do”/Anh: “ground, reason”) và từ Ursache (“nguyên nhân”/Anh: “cause”): “Cơ sở là cái nhờ đó ta có thể hiểu tại sao sự vật lại như thế, còn nguyên nhân là sự vật chứa đựng trong mình cơ sở cho sự vật khác” (TTTL §29). Và phân biệt giữa một Vermögen (“năng lực”, “quan năng”/Anh: “ability, power”) và Kraft (“lực”, “sức mạnh”/Anh: “force, power”): “Năng lực hay quan năng chỉ là khả thể để làm điều gì đó, trong khi lực là nguồn gốc của sự biến đổi, nên nó phải bao hàm cả nỗ lực để làm điều gì đó” (TTTL §117). Wolff viết phần lớn bằng tiếng Đức, và ông đã mang lại một từ tiếng Đức tương đương cho hầu hết những từ Latinh hay có gốc Latinh. Từ tiếng Đức hiếm khi là sáng tạo của riêng ông, nhưng ông chỉ dẫn cách sử dụng ổn định và rành mạch cho những từ vốn trước đó chưa có được điều ấy. Chẳng hạn, ông mang lại cho Begriff nghĩa hiện đại của nó là “khái niệm” (Anh: “concept”) và cố phân biệt nó với Vorstellung (“biểu tượng, quan niệm”/Anh: “representation, conception”): khái niệm là biểu tượng về giống (Gattungen/Anh: genera) và loài (Art/Anh: species) của những sự vật (TTTL §273). (Wolff dường như cũng đã tạo ra nhiều từ gốc Latinh, và trở thành tiếng Đức, vd: genetische Definition, Monist, Monismus, Teleologia v.v..).

Nhờ sự sáng sủa và đơn giản của văn phong, các tác phẩm của Wolff trở nên hết sức phổ thông và có ảnh hưởng lên cách sử dụng văn học cũng như triết học. Việc dùng từ Begriff trở nên rộng rãi là nhờ sự sáng sủa và ổn định của nó. Hegel dành ít thời gian cho Wolff với tư cách là triết gia, nhưng ông thừa nhận trong LSTH rằng chính Wolff là “người đầu tiên làm cho tư duy trong hình thức của tư duy trở thành tài sản chung”, “đã có đóng góp bất tử cho sự phát triển của trí tuệ Đức [Verstand/Anh: “understanding”]”, và “đã làm cho triết học trở thành một khoa học thuộc về quốc gia Đức”.

Một số triết gia trong truyền thống của Leibniz và Wolff đã có những đóng góp thực chất cho tiếng Đức triết học: Baumgarten đã cho ta từ Ästhetik (“cảm năng học, mỹ học”) v.v.. Lambert tạo ra chữ “Phänomenologie” (“Hiện tượng học”); và Tetens tinh lọc bộ từ vựng tâm lý học, chẳng hạn, phân biệt giữa Empfindung (“cảm giác”/Anh: “sensation”), như là “bản sao” của đối tượng, với Gefühl (“tình cảm, xúc cảm”/Anh: “feeling”) như là “sự biến đổi trong chính mình” nhưng có thể tri giác được. Herder, đầy sáng tạo nhưng vô-kỷ luật, đã mang lại ý nghĩa rộng lớn hơn về mặt lịch sử cho từ Kultur, EntwicklungFortschrift (“tiến bộ”/Anh: “progress”); trong khi Jacobi du nhập sự tương phản giữa mechanisch (“tính cơ giới”) và organisch (“tính hữu cơ”).

Kant (1724-1804) không chỉ quan tâm đến ngôn ngữ nói chung, mà - nhờ vào mãnh lực, sự sáng sủa và tính chất hệ thống của tư duy của ông - đã có ảnh hưởng lâu bền lên từ vựng và phong cách triết học Đức, và, trong thực tế, đã giúp cho nhiều thuật ngữ từ nay có được ý nghĩa chuẩn mực[8]. Khác với Hegel, Kant không dành phần lớn công sức để thách thức cách sử dụng của Wolff, trái lại, tinh lọc, phát triển và mở rộng nó. Đôi khi, Kant tự ví mình với nhà hoá học làm công việc phân tích các chất hóa học và tách biệt những gì đã bị pha trộn, hỗn tạp. Vì thế, ông rút ra những sự phân biệt giữa các từ, vd, giữa Schein (“ảo tượng”/Anh: “illusion”) và Erscheinung (“hiện tượng”/Anh: “appearance”) và giữa analytisch - synthetisch (“phân tích - tổng hợp”) và a priori - a posteriori (“tiên nghiệm - hậu nghiệm”). Kant thường dùng một từ nước ngoài cùng với từ đối ứng bản địa, nhưng ông có xu hướng phân biệt ý nghĩa của chúng: vd: giữa Notio(n)Begriff, EmpirieErfahrung, PhaenomenonErscheinung. Ông cũng tư duy hết sức có hệ thống, và trình bày từ vựng của mình trong những cấu trúc có trật tự như trong bảng các phạm trù. Vào thời Hegel, nghĩa chuẩn mực của thuật ngữ triết học thường là nghĩa đã được Kant sử dụng. [Xem thêm: “Từ Điển Triết học Kant”, Howard Caygill, Tập thể dịch giả, NXB Tri thức, 2014. (N.D)].

NGÔN NGỮ CỦA HEGEL

Sự phát triển của tiếng Đức triết học trong tay của Wolff và Kant có thể xem như sự trỗi dậy của Verstand, “giác tính”/Anh: “understanding”, với sự sáng sủa và chặt chẽ có tính phân tích trong lĩnh vực thuật ngữ. Người ta rút ra những sự phân biệt và phân giới rõ ràng, chẳng hạn, giữa “cơ sở lôgíc” (Grund) và “cơ sở thực tồn”, giữa cơ sở khách quan và cơ sở chủ quan v.v.. Trong khi đó, ngược lại, các nhà duy tâm Đức [Fichte, Schelling, Hegel v.v..] lại đại diện cho phản ứng của lý tính biện chứng (Vernunft/Anh: “reason”). Trong khi không muốn thay thế giác tính bằng cảm xúc đơn thuần hay quay trở lại với thời kỳ trước Wolff, họ làm nhòe đi hay ít ra là phức tạp hóa những sự phân biệt vốn trước nay được xem là rõ ràng và chính xác. Các chức năng của tư duy, chẳng hạn Idee (“Ý niệm”/Anh: “idea”), Begriff và lý tính trở thành những lực tích cực thực tồn, tham gia vào trong thế giới cũng nhiều như tham gia vào trong tư duy của ta về thế giới. Những cách sử dụng ngôn ngữ trong đời thường thâm nhập vào trong những cách sử dụng triết học. Có mối quan tâm lớn đối với vị trí của một sự vật, một khái niệm hay một từ trong cái toàn bộ mà nó thuộc về, và luôn nhấn mạnh rằng các từ ngữ và khái niệm không thể được hiểu theo kiểu phân mảnh, thoát ly khỏi vị trí của chúng trong một hệ thống như thế. Theo Fichte, một cách lý tưởng, một hệ từ vựng triết học cố định là điều đáng mong muốn, nhưng điều này chỉ có được ở chỗ kết thúc của hệ thống, khi lý tính đã hoàn tất công việc của nó. Còn hiện tại, ông tránh một “hệ thuật ngữ cố định”, “vốn là cách dễ nhất để người cầm bút tước bỏ hết tinh thần ra khỏi hệ thống và biến nó thành một bộ xương khô” (HTKH 87). Nhờ đó, hệ thuật ngữ trở nên trôi chảy hơn và phát triển cùng với tư duy của ông.

Tuy vậy, Fichte vẫn có một bộ từ vựng rành mạch, được đánh dấu, chẳng hạn, bằng việc thường dùng từ absolute(-s, -r) (“tuyệt đối”) như một tính từ, phân biệt với cách dùng thông thường của nó: “cái Tôi tuyệt đối” là khác - dù có quan hệ - với tôi, bạn và người thứ ba. Wissenschaftslehre (“Học thuyết Khoa học”) được Fichte đề nghị sử dụng thay thế cho từ Philosophie (“triết học”), dù về sau ông thú nhận rằng không nhận được sự ủng hộ. Nhờ Fichte, ta có sự phát triển thêm đối với từ đã được Kant dùng trước đó: intellektuelle Anschauung (“trực quan trí tuệ”), cũng như việc sử dụng thường xuyên và dường như ít phân biệt của động từ setzen (“thiết định”/Anh: “to posit”), và cặp ba “chính đề - phản đề - hợp đề” thường bị gán nhầm cho Hegel.

Giống như Hegel, Schelling minh nhiên bác bỏ những phản đề gay gắt vốn là đặc trưng của triết  học trước đó. Theo ông, điều còn thiếu trong triết học hiện đại là những “khái niệm trung gian hay trung giới” (mittleren Begriffe). Do sự vắng mặt của chúng, nên ta thường cho rằng cái gì không tồn tại thì đều là hư vô, rằng nếu cái gì không hoàn toàn mang tính tinh thần thì chỉ có thể mang tính vật chất thô lậu, cái gì không tự do về mặt đạo đức thì là cơ giới, và nếu nó không phải là trí tuệ, thì ắt hoàn toàn thiếu vắng tâm trí. Một đặc điểm của hệ thuật ngữ Schelling là ông hay dùng các thuật ngữ từ các bộ môn khoa học tự nhiên cho các mục đích triết học rộng lớn hơn: Organismusorganish, Polarität, PotenzMetamorphose. Giới tự nhiên, nhất là tự nhiên hữu cơ, là nguồn suối của những sự tương tự cho những gì có tính tinh thần và siêu hình học. (Hegel phê phán khuynh hướng này, vì nó vừa làm rối, vừa đồng hoá cấp độ cao với cấp độ thấp. Nhưng bản thân Hegel cũng không hoàn toàn được miễn nhiễm trước xu hướng này).

Nhưng, người có ảnh hưởng nhiều nhất và có tinh thần sáng tạo nhất trong số các nhà duy tâm chính là Hegel. Ông tiến hành một cuộc cải cách triệt để tiếng Đức triết học, và tuy không thay thế cho truyền thống Wolff-Kant, sự cải cách ấy vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến diễn ngôn triết học, không chỉ trong tiếng Đức mà còn trong các ngôn ngữ Âu châu khác. Ông không tiến hành bằng cách tạo ra những từ mới, mà bằng cách khai thác nguồn lực hiện có trong tiếng Đức, cả trong hình thức bản địa lẫn vay mượn từ nước ngoài. Trong Lời Tựa cho ấn bản II của KHLG, ông cho rằng tiếng Đức rất phong phú về “những diễn đạt lôgíc”, về những giới từ v.v.. và có thể tận dụng chúng cho các mục đích triết học. (Ví dụ nổi tiếng là an sich, für sichan und für sich: “tự mình”, “cho mình”, “tự mình và cho mình”).

Vì thế, bất kỳ từ nào được Hegel dùng thì hầu như trước hết đều có cách sử dụng trong diễn ngôn thông thường, và thứ hai, có sự sử dụng, hay đúng hơn, có một dãy nghĩa và cả lịch sử những sự sử dụng trong các triết gia tiền bối. Hegel rất thường dùng từ ngữ theo những cách này, chẳng hạn, dùng an sich một cách không tự giác trong nghĩa thông thường, hay, khi ông bàn về các triết gia quá khứ, dùng từ theo cách mà triết gia trước đã dùng. Nhưng, ông thường gán cho từ ngữ một nghĩa tương đối mới mẻ, có quan hệ, nhưng lại tách biệt với các nghĩa thông thường và các nghĩa triết học trước đó. Sau đây là một số đặc điểm trong sự cách tân của Hegel:

Nhiều từ và ngữ đoạn khác nhau thường có nghĩa gần như tương tự nhau. Vì thế, trong cách dùng thông thường, an sich, für sichan und für sich không thực sự khác nhau về ý nghĩa một cách rành mạch hay sáng sủa; Sittlichkeit (“đạo đức (học)”/Anh: “ethics”) và Moralität (“luân lý”/Anh: morality) hầu như là đồng nghĩa nơi Kant và các triết gia khác. Dasein (“tồn tại nhất định”, “tồn tại hiện có”, “hiện hữu”) có thể hoán đổi với Existenz, và v.v.. Cũng giống như Wolff, Hegel không thích những sự đồng nghĩa, và ông tiến hành một cuộc đấu tranh không thương tiếc chống lại sự “đồng nghĩa hoá”[9]. Vì thế, SittlichkeitMoralität được ông ban cho các ý nghĩa khác nhau, một bên là “đời sống đạo đức” hay “luân lý xã hội”, còn bên kia là “luân lý cá nhân”, “luân lý của lương tâm”. Tuy nhiên, xét toàn cục, Hegel dành những nghĩa khác nhau cho các từ thoạt nhìn là đồng nghĩa không phải vô mục đích, mà nhằm tạo ra sự phân biệt quan trọng về mặt khái niệm mà chỉ có sự dị biệt hoá về nghĩa mới cho phép ông làm được. Do vậy, ông dị biệt hoá để tạo nên sự phân biệt giữa ideal (“có tính lý tưởng”) và ideell (“có tính ý thể, ý niệm”), nhưng lại không thấy có sự phân biệt tương tự giữa realreell, và có xu hướng dùng chúng thay thế cho nhau. [Xem: các mục  từ “Ý NIỆM”, “Ý THỂ”… trong Từ Điển này. (N.D)] (Khi dị biệt hoá các từ, không phải lúc nào Hegel cũng cẩn trọng hay nhất quán trong việc dùng chúng, nhất là - và cũng dễ hiểu - trong các bài giảng của ông).

Nghĩa được Hegel gán cho một từ không bao giờ không có quan hệ với cách sử dụng thông thường hay trong cách sử dụng triết học trước đó. Ông thường thấy có mối liên kết giữa từ nguyên (có thật hay giả định) của một từ, biểu thị cách dùng (có thật hay giả định) trong quá khứ với nghĩa được gán cho nó. Vì thế, Sittlichkeit có quan hệ với từ thông dụng là Sitte (“tập tục”), và vì thế, có thể giả định rằng nghĩa nguyên thủy của nó là luân lý “tập thể” hơn là luân lý “cá nhân”. Hegel thường có xu hướng tìm tòi từ nguyên của những từ bản địa hơn là của những từ vay mượn, vì Moralität cũng được rút ra từ tiếng Latinh mos (số nhiều: mores), nghĩa là “tập tục”. Nhưng ông lại viện đến nghĩa từ nguyên của tiếng nước ngoài nếu có cơ hội. Chẳng hạn, ông nhấn mạnh đến sự phái sinh của từ Existenz (“hiện hữu”) từ động từ Latinh existere, “tiến lên, đi tới trước”.

Khi những từ đồng nghĩa bề ngoài được dị biệt hoá theo cách ấy, Hegel hiếm khi giả định rằng chúng chỉ đơn thuần khác nhau. Trái lại, chúng thường có quan hệ với nhau một cách có hệ thống theo một cách nào đó. Vì thế, an sich, für sich, an und für sich thường được xem, dù không phải lúc nào cũng thế, như là đánh dấu ba giai đoạn trong sự phát triển của một thực thể. Moralität thường được xem như một giai đoạn mà sự không thích đáng của nó dẫn đến sự lớn mạnh hay dẫn đến sự hình thành của Sittlichkeit, và Moralität hiện vẫn còn tồn tại như một giai đoạn, ít nhất bên trong hình thức hiện đại của Sittlichkeit. (So với những gì Hegel suy nghĩ về Sittlichkeit trong Hy Lạp cổ đại, trình tự có vẻ như bị đảo ngược lại). Tương tự như thế, DaseinExistenz quan hệ với nhau một cách có hệ thống trong Lôgíc học, dù ít nhiều có khoảng cách với nhau. Mối quan hệ qua lại giữa các khái niệm, và, do đó, giữa các từ diễn đạt chúng, thành một hệ thống chính là chức năng trung tâm của phương pháp biện chứng của Hegel.

Trong sử dụng thông thường, từ ngữ thường không có một nghĩa hay một cách dùng rõ ràng duy nhất, mà có một dãy nghĩa nối kết với nhau một cách lỏng lẻo, hay thậm chí có hai hay nhiều nghĩa khác biệt nhau. Các ví dụ trong tiếng Đức là: Begriff (“khái niệm”, v.v..); Reflexion (“phản chiếu, phản tỉnh, phản tư”…); Urteil (“phán đoán”); aufheben (“thủ tiêu, bảo lưu, nâng cao” v.v..); wahr (“đúng thật”, vd: phán đoán đúng thật, người bạn đúng thật/đích thực v.v..); Freiheit (“tự do”). Cách trả lời chuẩn mực về mặt triết học trước sự kiện này, nhất là nơi Wolff, là dành một nghĩa rõ ràng cho từ đang bàn, cố ý không xét đến các cách sử dụng và các nghĩa bóng khác, và từ đó, chỉ sử dụng duy nhất một nghĩa này mà thôi. Hegel bác bỏ phương thức chuẩn mực này. Ông không thay thế nó bằng một phương thức duy nhất nào khác, trái lại, sử dụng nhiều chiến lược khác nhau cho các trường hợp khác nhau. Đối với một từ hàm hồ, đa nghĩa như từ aufheben, Hegel công khai và thường xuyên dùng đồng thời cả hai nghĩa đối lập của nó: “bảo lưu và thủ tiêu, tức, vượt bỏ nó”. Nhìn chung, khi Hegel dùng một từ, ngay cả khi một trong các nghĩa của nó có vẻ chiếm ưu thế hay thậm chí loại trừ các nghĩa khác, thì các nghĩa khác hay các cách dùng khác vẫn ảnh hưởng đến cách dùng của ông. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi nghĩa và mọi cách sử dụng một từ đều có vai trò và phạm vi ngang bằng nhau. Ông xử lý sự hàm hồ trong ngôn ngữ ông gặp phải bằng nhiều cách khác nhau. Đối với các từ đa nghĩa, vd: Freiheit, Reflexion, Urteil v.v.., ông tìm cách liên hệ các nghĩa khác nhau của từ một cách có hệ thống, chẳng hạn, cho rằng một phán đoán (Urteil) theo nghĩa “tuyên án, phán quyết” mới là loại hình cao nhất của việc phán đoán theo nghĩa rộng. Hoặc ông thường phân biệt các nghĩa khác nhau của từ bằng cách dùng một tính từ bổ nghĩa cho từ ấy, vd: “tự do chủ quan”, “tự do khách quan”; “tinh thần (Geist) chủ quan”, “tinh thần khách quan” v.v.. Đôi khi ông thẳng thừng bác bỏ một nghĩa nào đó của từ, đồng thời ủng hộ và phát triển một nghĩa khác của nó, chẳng hạn, ông cho rằng một phán đoán thì không thể là “đúng thật” (wahr/Anh: “true”) mà chỉ có thể là “đúng đắn” (richtig/Anh: “correct”) mà thôi, và đồng hoá cách dùng từ wahr (“đúng thật”/“đích thực”) của ông với cách dùng của nó trong “người bạn đúng thật/đích thực” [hay “tác phẩm nghệ thuật đúng thật/đích thực”]. Đôi khi, ông còn phân biệt giữa nghĩa “tốt” hay nghĩa “đúng thật” với nghĩa “xấu”, “tồi” hay “sai lầm” của từ: vd: sự vô tận đúng thật và sự vô tận tồi. Trường hợp của từ “chân lý”/“sự thật” và từ “sự vô tận”/“vô hạn” khác nhau ở chỗ: trong khi cách diễn đạt “phán đoán đúng thật” hay “mệnh đề đúng thật” (Satz) thật sự không giữ vai trò gì trong diễn ngôn của Hegel, thì “sự vô tận tồi” hay “cái vô tận tồi” lại xuất hiện thường xuyên, và quan niệm về “sự vô tận tồi” giữ vai trò hệ trọng trong việc xuất hiện quan niệm về “sự vô tận đúng thật”. (Tuy nhiên, một phiên bản, hay ít ra là một phiên bản khá gần gũi, của định nghĩa về chân lý của phán đoán dựa trên sự tương ứng - rằng chân lý là sự “nhất trí hay tương ứng giữa một khái niệm với thực tại” - cũng giữ một phần trong nghiên cứu của Hegel về chân lý). [Xem các mục từ: “VÔ HẠN”/“VÔ TẬN”; “CHÂN LÝ”/“SỰ THẬT”, “SAI LẦM” và “ĐÚNG ĐẮN”… trong Từ Điển này. N.D].

Như thế, trái với lý tưởng của Wolff, Hegel không có sự quan tâm chung đến việc dùng một từ trong cùng một nghĩa xuyên suốt các công trình của mình hay thậm chí trong một văn bản riêng lẻ. Có nhiều lý do cho điều này. Lý do rõ ràng nhất là vì ông luôn quan tâm đến lịch sử, nhất là lịch sử triết học, nên một từ phải được ta tiếp cận trọn vẹn trong các nghĩa được các triết gia tiền bối sử dụng, chẳng hạn, từ Idee (“ý niệm”/Anh: “idea”) phải hiểu theo nghĩa của Plato cũng như theo nghĩa của Hegel.

Thứ hai, việc gán nghĩa cho một từ không phải là việc dễ dàng, ngay cả khi có thể đơn giản gán nghĩa hoàn toàn mới cho các từ đã cũ, vì chính quan niệm của Hegel rằng triết gia cần phải đắm mình hoàn toàn trong “bản thân Sự việc” [trong “chủ đề nghiên cứu”] của mình, đã ngăn cấm triết gia làm điều ấy: hầu như triết gia phải “quan sát” từ ngữ tự phát triển các nghĩa riêng của chúng hơn là tùy tiện tuyên bố rằng ta có ý định sử dụng chúng theo cách này hay cách nọ. Vả lại, theo Hegel, vì triết học không có những tiền-giả định, nên việc một từ sở đắc được ý nghĩa cũng là một bộ phận không thể tách rời của triết học, chứ không đơn thuần là điều kiện khởi đầu được ta giả định là đã hoàn tất ngay khi ta bắt đầu làm triết học. Vì thế, một cách chuẩn mực, Hegel bắt đầu bằng cách dùng một từ theo một hay nhiều nghĩa đã quen thuộc của nó, và rồi phát triển nghĩa hay các nghĩa của riêng ông từ nó. Nghĩa mới của từ luôn bao hàm các nghĩa trước đó - trong hình thức đã được “vượt bỏ” -, vì, theo Hegel, kết quả của một diễn trình thời gian hay lôgíc bao giờ cũng bao hàm cả tiến trình đã dẫn đến kết quả ấy. (Đó là lý do tại sao một từ, dù được cải biến, vẫn sẵn sàng có thể được dùng theo các nghĩa trước đó).

Thứ ba, nghĩa của một từ không chỉ đơn độc phụ thuộc vào từ ấy, mà vào vị trí của nó trong một hệ thống những từ, nhất là những từ tương phản với nó. (Hegel tán thành châm ngôn của Spinoza: “Khẳng định là phủ định”). Để lấy một ví dụ đơn giản trong tiếng Anh: nghĩa của từ “man” thay đổi khi nó tương phản với (1) “beast” or “animal”, và có lẽ tương phản cả với “God” và “angel”; (2) với “woman”; (3) với “boy”; (4) với “officer” v.v.., hay (5) với “mouse”. Điều này ngụ ý rằng một từ như từ Sein (“tồn tại”/Anh: “being”), từ đầu tiên được xem xét một cách minh nhiên trong Lôgíc học, không thể giữ nguyên nghĩa ban đầu được gán cho nó, một khi các thuật ngữ khác được du nhập vào. Nghĩa của từ này, và của những từ khác, phát triển khi hệ thống triển khai ra.

Sau cùng, có ba học thuyết của Hegel cho thấy một từ thay đổi nghĩa của nó khi tư duy của ông tiến lên:

(1) Trong một mệnh đề chẳng hạn “Thượng đế* là tồn tại”, “Thượng đế là vĩnh hằng” hay “Cái hiện thực là cái phổ biến”, chủ ngữ (“Thượng đế” v.v..) không có nghĩa độc lập, cố định, mà được gán nghĩa bởi vị ngữ (“tồn tại” v.v..) (HTHTT, Lời Tựa; BKT I §31). Như thế, chủ ngữ phát triển ý nghĩa khi ta tiếp tục áp dụng các vị ngữ khác vào cho nó, hay, nói khái quát hơn, khi ta nói nhiều hơn về nó.

(2) Tư tưởng của Hegel thường tiến lên theo nhịp ba; hay, nói khác đi, từ thứ ba của nó là sự khôi phục hạn từ thứ nhất ở cấp độ cao hơn. Cùng một từ thường được dùng cả trong hạn từ thứ nhất lẫn trong hạn từ thứ ba của một bộ ba, trong các nghĩa tách biệt nhau, nhưng liên hệ với nhau một cách có hệ thống: Xem các mục từ “TUYỆT ĐỐI”, “TRỰC TIẾP” (tính, sự) trong Từ Điển này v.v..

(3) Cái phổ biến tự đặc thù hoá thành cái phổ biến, cái đặc thù và cái cá biệt (hay đơn nhất). Như thế, cái phổ biến xuất hiện vừa như là giống (Gattung/Anh: genus), vừa như là loài (Art/Anh: species) của giống ấy. Vì thế, cùng một từ thường được dùng theo nghĩa “giống” hay “tổng loài” và theo nghĩa riêng biệt (Xem: vd. mục từ “TỒN TẠI” v.v.. trong Từ Điển này).

Việc Hegel tái định nghĩa hay “tái cấu trúc” từ ngữ bao hàm một sự tương tác phức tạp giữa nghĩa chuẩn mực hay thông dụng của một từ (trong triết học lẫn trong ngôn ngữ thường ngày), nghĩa đen có thực hay giả định của từ, thường ở thì quá khứ (được phát lộ do từ nguyên có thực hay giả định của từ) và luận cứ triết học. Vì thế, từ unendlich (“vô hạn”, “vô tận”) có nghĩa cốt lõi là “không (“un-”) có một kết thúc hay ranh giới (Ende, finis)”. Nó được áp dụng đúng chuẩn mực cho cả một chuỗi vô tận (vd: 1, 2, 3 v.v..) hay phạm vi vô tận (không gian vô tận, không có ranh giới v.v..) và cả cho thần tính vô hạn, phân biệt với thế giới hữu hạn. Thế nhưng, theo Hegel, các cách áp dụng này lại xung đột với nghĩa gốc của từ, vì một Thượng đế mà tách biệt với cái hữu hạn thì cũng bị giới hạn bởi cái hữu hạn, và ta có thể xử lý một chuỗi hay một phạm vi vô tận bằng cách chia nhỏ nó thành những phần tử hữu hạn. (“1, 2, 3, v.v..” là hữu hạn và bị giới hạn không khác gì “1, 2, 3”). Hegel cũng lưu ý rằng để trở nên vô hạn/vô tận hay không bị giới hạn, cái gì đó không cần phải “cứ tiếp tục mãi như thế”, theo cách nói quen thuộc. Vậy, chỉ có chu vi của một vòng tròn (hay mặt ngoài của hình cầu) là không có một ranh giới hay không đi đến một kết thúc. (“1, 2, 3, 1, 2, 3, 1, v.v..” là không bị giới hạn theo kiểu khác với “1, 2, 3, v.v..” và “1, 2, 3”). Vì thế, khi Hegel tái cấu trúc thuật ngữ “tính/sự vô tận/vô hạn”, ông sử dụng luận cứ triết học để tách rời hai lớp nghĩa của unendlich, và để tổ chức lại từ này (cùng với phần cốt lõi hay nghĩa gốc của nó) cho phù hợp với nghĩa mới hay sự áp dụng mới. Ông cũng sử dụng phương thức tương tự cho nhiều từ khác: vd: an sichfür sich và v.v.. [Xem: các mục từ “VÔ HẠN”/“VÔ TẬN”… trong Từ Điển này. (N.D)].

Việc Hegel khai thác từ nguyên cũng có nhiều nguồn. Trước hết, như ta đã thấy ở trên, để bảo rằng một từ nên được dùng theo nghĩa này hơn là theo nghĩa kia thường phải giả định rằng từ đang bàn có hai hay nhiều hơn những cấp độ ý nghĩa, có thể được dùng để đối lập lại với nhau nhằm chứng tỏ có một sự xung đột hay mâu thuẫn. Nguồn gốc hay nghĩa nguyên thủy được giả định của một từ là thuộc về một lớp ý nghĩa, có tiềm năng xung đột với các cách dùng quen thuộc. Hơn nữa, Hegel tin rằng, cũng giống như một kết quả bao giờ cũng chứa đựng cả tiến trình đã dẫn đến kết quả ấy, một từ không bao giờ thoát khỏi những nghĩa trong quá khứ; chúng không ngừng được bao hàm trong nghĩa thông dụng hiện tại của từ ấy. Tuy nhiên, ông lại không tin rằng nghĩa nguyên thủy hay các nghĩa có từ trước là cao hơn các nghĩa về sau. Một niềm tin như thế ắt hoàn toàn đi ngược lại quan niệm của ông rằng bản chất của sự vật nằm ở trạng thái đã hoàn toàn được phát triển của nó hơn là ở trạng thái ban đầu, nằm trong cây sồi hơn là trong hạt sồi. Do đó, ông nhìn nhận rằng mình đang phát triển và hoàn thiện ngôn ngữ hơn là khôi phục sự khởi nguyên của nó. Nhưng, để làm được điều này thường đòi hỏi phải khảo sát các trạng thái trước đây của nó. Trong tinh thần ấy, ông đã đề nghị (nhưng cả hai trường hợp đều sai!) rằng Urteil (“phán đoán” có nghĩa là “sự phân chia nguyên thủy”(Ur-teil), hay wahrnehmen (“tri giác”) có nghĩa là “nắm lấy cái đúng thật” (wahr-nehmen); ở đây, thật ra ông không nhằm khôi phục lại nghĩa gốc của hai từ này, mà muốn lưu ý đến các tiềm năng cho sự phát triển tiếp theo của chúng, vốn còn mặc nhiên trong quá khứ, và, do đó, cũng là cho các ý nghĩa hiện nay. Nhưng, việc ông thường bỏ qua từ nguyên của một từ (chẳng hạn của từ Moralität) cho thấy rằng ông chỉ quan tâm đến từ nguyên khi nó chỉ ra một tiềm năng mà ông cần phát triển vì các lý do triết học hơn là vì các lý do từ nguyên học.

Hegel, giống như Schelling, rất ác cảm với những sự đối lập gay gắt vốn là đặc trưng của triết học Wolff và của “giác tính” (Verstand) thời Khai minh nói chung. Ông xem việc vượt qua những sự đối lập như thế, chẳng hạn giữa giác tính và giác quan, như là nhiệm vụ trung tâm của triết học. Ông tiếp cận những sự đối lập khác nhau bằng nhiều cách khác nhau, nhưng một chiến lược tiêu biểu là đề xuất rằng ở các điểm cực độ của chúng, các cái đối lập chuyển hoá sang nhau. Chẳng hạn, nếu cái gì là hoàn toàn “bên trong” (tức, tiềm tàng và chưa phát triển), thì cũng là cái gì hoàn toàn “bên ngoài” (tức, chỉ được nhận thức từ người quan sát ở bên ngoài). Nói chung, ông ngần ngại khi bảo rằng cái gì đó có đặc điểm nhất định khiến nó loại trừ hoàn toàn cái đối lập hay phủ định đặc điểm ấy. Vì thế, ông bác bỏ những sự lưỡng phân kiểu Wolff và Kant như tiên nghiệm-hậu nghiệm, phân tích-tổng hợp v.v.., ít ra là trong chừng mực những sự lưỡng phân ấy đòi hỏi sự vật phải hoặc là tiên nghiệm, phân tích v.v.. hoặc là hậu nghiệm, tổng hợp v.v.., chứ không phải cả hai cùng với nhau (xem BKT I §12).

Một trong những sự lưỡng phân được Hegel ra sức vượt qua là sự lưỡng phân giữa tính chủ quan và tính khách quan hay giữa tư duy và sự vật. Triết học, theo truyền thống, thường phân biệt giữa các thuật ngữ được áp dụng cho sự vật (“tồn tại”, “nhân quả” v.v..) và các thuật ngữ được áp dụng cho tư tưởng hay diễn ngôn của ta: “chân lý”, “biện chứng”, “mâu thuẫn”, “khái niệm”, “phán đoán”, “suy luận” v.v.. Một đặc điểm nổi bật của việc tái cấu trúc ngôn ngữ của Hegel là việc ông chuyển trao toàn diện những thuật ngữ chủ quan vào trong lĩnh vực khách quan: sự vật, cũng như khái niệm, đều có thể là “đúng thật”, “mâu thuẫn”, “phán đoán” v.v.. Sự chuyển trao này có những tiền lệ, chẳng hạn, trong thuyết Plato-mới và Böhme, cũng như trong việc áp dụng hàng ngày từ “hợp lý” (vernünftig/Anh: “rational”) cả cho tư tưởng lẫn cho sự kiện khách quan. Chỉ có điều, Hegel tiến hành việc làm này một cách có hệ thống và tự giác hơn nhiều so với các vị tiền bối. Đó là hệ quả của một chủ trương trung tâm trong “thuyết duy tâm” của ông, của niềm tin rằng tư tưởng không tách biệt với sự vật, trái lại, thấm đẫm ở trong sự vật và chịu trách nhiệm đối với bản tính và sự phát triển của sự vật.

KẾT LUẬN

Những tình tiết phức tạp trong tiếng Đức của Hegel khiến cho ngay cả người bản ngữ cũng thấy khó giải tỏ. Nhưng, những khó khăn ấy càng nhân lên bội phần đối với người sử dụng tiếng Anh. Một từ tiếng Đức quan trọng thường có một dãy nghĩa và cách sử dụng mà không có một từ tiếng Anh duy nhất nào có thể tương ứng một cách chính xác được: chẳng hạn, từ Bestimmung (“sự quy định”/Anh: “determination”) vừa chỉ hiện trạng của sự vật, vừa chỉ “đích đến” và “vận mệnh” tương lai của nó. Ngay cả khi một từ tiếng Đức có được một từ tiếng Anh tương đương có thể chấp nhận được, thì lịch sử và từ nguyên (có thật hay giả định) cũng có thể rất khác với lịch sử và từ nguyên của từ tiếng Anh: không một sự phiên dịch nào có thể buộc từ “judge” và “judgment” trong tiếng Anh phục tùng những cuộc “thao diễn” của từ urteilenUrteil dưới tay Hegel! Tình hình càng trở nên phức tạp hơn nhiều, nếu từ tiếng Đức, cho dù có trực tiếp phái sinh từ tiếng Latinh hay Hy Lạp hay không, vẫn chịu ảnh hưởng bởi từ Latinh hay Hy Lạp đối ứng trong sự phát triển trước đó, và/hoặc trong cách sử dụng của Hegel về từ này: ta không thể hiểu, chẳng hạn, cách Hegel dùng từ Schicksal (“định mệnh”/Anh: “fate”) nếu không biết chút gì về hàng loạt từ Hy Lạp có liên quan đến khái niệm này. Vì thế, trong Từ Điển này, tôi thường quy chiếu đến các từ tiếng Đức được Hegel dùng và đến việc ông dùng chúng. Tôi sẽ mô tả một số khía cạnh trong việc sử dụng thông thường, rồi trong sự phát triển lịch sử của chúng, và về lịch sử sử dụng trong lĩnh vực triết học trước đây, nhằm cố gắng cho thấy các lớp nghĩa đã cung cấp tư liệu cho sự phát triển riêng của Hegel. Tôi cũng sẽ thường xuyên xem xét các cách sử dụng của từ Latinh hay Hy Lạp tương ứng[10]. Thông tin này, tất nhiên, không bảo đảm một sự thấu hiểu trọn vẹn các văn bản của Hegel, nhưng thường là một tiền đề cần thiết.

BÙI VĂN NAM SƠN dịch


Nguồn: trích từ Từ điển Hegel (bản thảo sắp xuất bản do Bùi Văn Nam Sơn chủ trì việc biên dịch)


[1] Thư cho Voss năm 1805 (Letters, tr. 107). Luther dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, và Voss dịch Odyssey (1781) và Iliad (1793).

* nominative, accusative, genitive or possessive, dative (dịch theo Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu Anh-Việt; Việt-Anh, Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng, NXB Khoa học Xã hội, 2004. [N.D].

[2] Xem: W. Whewell, trong The Philosophy of the Inductive Sciences, founded upon their History (Ấn bản 2, London, Parker, 1847), II, tr. 486: “Trong các ngôn ngữ hiện đại của Châu Âu, tiếng Đức có sự thuận tiện lớn nhất trong việc kết hợp từ; và vì thế các tác giả khoa học trong ngôn ngữ này có thể phát minh những thuật ngữ vốn không thể bắt chước trong các ngôn ngữ Âu Châu khác”.

[3] The New Science of Giambattista Vico, T. G. Bergin và M. H. Fisch dịch từ ấn bản thứ ba (1744), (Ithaca, NY and London: Cornell University Press, 1948), §445. Vico nói thêm rằng tiếng Đức “chuyển đổi được hầu hết những tên gọi từ các ngôn ngữ nước ngoài sang ngôn ngữ của họ” (§445), rằng nó là “ngôn ngữ mẹ (bởi các nước ngoài không bao giờ xâm nhập để cai trị họ được)”, trong đó “các nguồn gốc [của từ] đều là đơn âm” (§452), và rằng nó “bảo tồn nguyên vẹn các nguồn gốc anh hùng ca - thậm chí đến mức quá khích -, và đó là lý do… tại sao các từ Hy Lạp phức hợp có thể được chuyển sang tiếng Đức một cách đầy may mắn, nhất là trong thi ca” (§471). Thời kỳ “anh hùng ca” của ngôn ngữ, theo Vico, có tiền thân là thời kỳ “thần linh” của những ký hiệu “thầm lặng” và “các biểu trưng tự nhiên” - các thánh tự (hieroglyphs) hay ý tự (ideograms) -, và được nối tiếp bằng thời kỳ “con người”, được lý trí và quy ước thống trị. Herder thảo luận về “tính căn nguyên” của các ngôn ngữ, chẳng hạn, trong NGNN, nhất là III. Trong DVCDTĐ, IV, Fichte cho rằng tiếng Đức, tương phản với các ngôn ngữ Latinh, là một ngôn ngữ căn nguyên. Xem thêm: I. Berlin, Vico and Herder: Two Studies in the History of Ideas (London: Hogarth, 1976).

[4] Leibniz diễn đạt quan điểm của ông trong hai luận văn viết bằng tiếng Đức: “Admonition to the Germans on the Improvement of their Understanding and language, with an added Proposal for a Philogermanic Society” (1682-3, nhưng công bố vào năm 1846), và “Timely Thoughts concerning the Use and Improvement of the German Language” (1697, công bố năm 1717). Fichte, trong DVCDTĐ, IV, phàn nàn về việc sử dụng các từ gốc Latinh như Humanität, PopularitätLiberalität. Trong Lời Tựa cho ấn bản thứ II của KHLG, Hegel bảo rằng “ta nên hấp thu một số từ có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài khi chúng đã thông dụng và đã có “quyền công dân” trong triết học”. Xem thêm Blackkall (1959), Ch. I.

[5] Về đề tài này và trong Từ Điển này, tôi sử dụng Hoffmeister (1955), Eucken (1879), G. Drosdowski, Das Herkunftswörterbuch: Etymologie der deutschen Sprache (“Từ điển từ nguyên của tiếng Đức”), Duden Vol. VII (Ấn bản 2, Mannhein, Vienna, New York: Duden, 1989; và về sự phát triển ở thế kỷ 18, Blackwell (1959).

[6] Về các nhà Plato-mới, các môn đệ hậu kỳ của Plato (dù họ cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi Aristoteles), xem mục từ NHỊP BA (TRIADS) trong Từ Điển này; xem thêm A. C. Lloyd, The Anatomy of Neoplatonism (Oxford: Clarendon, 1990).

[7] Ông bác bỏ, chẳng hạn, đề nghị của Philipp von Zesen về Zeugemutter (nghĩa đen: “mẹ sáng tạo”) cho từ Natur gốc Latinh, và từ Unterlage (“cái nằm bên dưới, cơ sở, cơ chất”) cho từ Latinh subjectum.

[8] Eucken (1879), tr. 139 và tiếp, cho rằng Kant thiếu động cơ quan trọng cho việc quan tâm đến ngôn ngữ triết học, vì ông bác bỏ niềm tin thời Khai minh (của Mendelssohn chẳng hạn) rằng các cuộc tranh luận triết học kỳ cùng chỉ là ngôn từ, và Kant cho rằng có những sự bất đồng triết học mang tính thực chất, phi-ngôn từ.

[9] Một số triết gia hiện đại cũng có ác cảm với từ đồng nghĩa. J. L. Austin, trong Sense and Sensibilia (Oxford: Clarendon, 1962), IV, phân biệt “look”, “seem” và “appear” bằng từ nguyên học theo cách của Hegel.

* Trong Từ Điển này, cũng như ở những nơi khác, chúng tôi chủ trương dịch từ Gott (Anh: God) là “Thiên Chúa” trong văn cảnh minh nhiên về tôn giáo, tín ngưỡng Kitô giáo, và dịch là “Thượng đế” như một thuật ngữ triết học, theo nghĩa “Thượng đế của triết gia” (BVNS).

[10] Tôi đã hưởng lợi nhờ tham khảo F. E. Peters, Greek Philosophical Terms: A Historical Lexicon (New York and London: New York University Press, 1967); và J. O. Urmson, The Greek Philosophical Vocabulary (London: Duckworth, 1990). 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt