PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC
PHÂN TÍCH PHÁP SIÊU NGHIỆM
QUYỂN I PHÂN TÍCH PHÁP CÁC KHÁI NIỆM
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Tôi hiểu “Phân tích pháp các khái niệm” không phải là sự phân tích bản thân các khái niệm, hay là – theo phương pháp thông thường trong các nghiên cứu triết học – tháo rời [phân tích] các khái niệm có sẵn về mặt nội dung để làm cho chúng trở thành minh bạch, trái lại đây là công việc phân tích còn ít được làm về bản thân quan năng giác tính, nhằm qua đó nghiên cứu khả thể của các khái niệm tiên nghiệm, bằng cách đi tìm chúng chỉ ở trong giác tính như là nơi khai sinh ra chúng và phân tích việc sử dụng thuần túy của giác tính nói chung, vì đây mới là công việc riêng biệt của một môn Triết học-Siêu nghiệm; còn các việc còn lại khác là nghiên cứu có tính lô-gíc về những khái niệm trong triết học nói chung. Vì vậy, chúng ta sẽ theo dõi các khái niệm thuần túy đến tận những mầm mống (Keimen) và tố chất (Anlagen) đầu tiên của chúng trong giác tính con người, từ lúc chúng đã nằm sẵn trong tư thế chuẩn bị cho tới khi chúng phát triển nhân tiếp xúc với kinh nghiệm, và sau đó được chính giác tính giải phóng chúng ra khỏi những điều kiện thường nghiệm ràng buộc để chúng được trình bày [nơi đây] trong trạng thái hoàn toàn thuần túy.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC