HỌC THUYẾT SIÊU NGHIỆM VỀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NHẬN THỨC PHẦN II: LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM --- o0o ---
A PHÂN TÍCH PHÁP SIÊU NGHIỆM
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Phân tích pháp này là sự tháo rời [phân tích] toàn bộ nhận thức tiên nghiệm của ta ra thành các yếu tố của nhận thức giác tính thuần túy. Vấn đề thiết yếu là các điểm sau đây: 1. Các khái niệm [của giác tính] phải là các khái niệm thuần túy chứ không phải khái niệm thường nghiệm. 2. Chúng không thuộc về trực quan và cảm năng mà thuộc về Tư duy và Giác tính. 3. Chúng là các khái niệm cơ bản (Elementarbegriffe) và phải phân biệt với những khái niệm phái sinh (abgeleitet) hay với những khái niệm kết hợp từ những khái niệm phái sinh. 4. Bảng danh mục các khái niệm ấy là hoàn chỉnh, lấp đầy toàn bộ lãnh vực của giác tính thuần túy một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, sự hoàn chỉnh này của một môn khoa học không thể được thừa nhận một cách đáng tin cậy nếu chỉ dựa vào sự dự đoán về một tập hợp hỗn độn (Aggregate) [các khái niệm] đạt được chỉ từ nỗ lực thử nghiệm, trái lại chỉ có thể có thông qua Ý niệm về cái toàn bộ của các nhận thức thuần túy của giác tính và từ Ý niệm đó, thông qua sự phân chia chính xác các khái niệm được Ý niệm ấy tạo ra, tức là chỉ có thể có được thông qua mối liên kết của chúng trong một hệ thống. Giác tính thuần túy không chỉ tách biệt hẳn với mọi cái thường nghiệm mà còn tách biệt hoàn toàn với mọi cảm năng. Giác tính là một chỉnh thể (Einheit) bền vững, tự đầy đủ với chính nó và không được gia tăng thêm từ các bổ sung nào từ bên ngoài. Vì thế, tổng thể (Inbegriff) nhận thức của nó tạo nên một hệ thống được bao quát và xác định bởi một Ý niệm; và tính hoàn chỉnh lẫn tính rành mạch của hệ thống ấy đồng thời có thể mang lại hòn đá thử cho tính đúng đắn và tính chân thực của mọi bộ phận nhận thức thuộc về nó. Toàn bộ môn Lô-gíc học siêu nghiệm được chia làm hai quyển: quyển I là Phân tích pháp các khái niệm (Analytik der Begriffe) và quyển hai là Phân tích pháp các nguyên tắc (Analytik der Grundsätze) của giác tính thuần túy.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC