Thuyết Duy tâm Đức

Phê phán lý tính thuần túy

 

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY

 

 

JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990)

 


Johannes Hirschberger. The History of Philosophy. Volume 2. USA: The Bruce Publising Company, 1959. || Vũ Hoàng Lan Phương dịch | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính


 

Phê phán lý tính thuần túy của Kant không phải hoàn toàn không có chỗ hàm hồ nước đôi. Ta phải liên tục tự hỏi rằng: Ta phải diễn giải về nó như thế nào? Có phải phê phán này chỉ theo đuổi những mối quan tâm thuần túy khoa học và lý thuyết, hoặc chính những mối quan tâm của lý tính thực hành mới thực sự hình thành nên cốt lõi của công cuộc phê phán? Đây có phải là một thuyết phê phán về nhận thức và là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của siêu hình học không? Hay nó lại chính là nền tảng cho một siêu hình học hoàn toàn mới mẻ? Nó là một triết học về thời gian hay là về tồn tại? Là một biến thể của thuyết duy tâm lý và duy nghiệm hay là một phiên bản mới của thuyết duy lý được phát triển một cách lôgic để bảo vệ những quyền hạn của lôgic siêu nghiệm? Nhằm tránh đưa ra một phán đoán khoa học sai lầm ở đây, trước hết, ta phải kiểm tra và chỉ ra những gì thực sự xuất hiện trong tác phẩm của ông bằng một cách thức đơn thuần và phù hợp với thông tin từ các nguồn tham khảo. Khi làm điều này, ta cần phải theo dõi tư tưởng của Kant từng bước một, để có thể hiểu rõ những bối cảnh, duyên cớ, động cơ và xu hướng đằng sau đó. Nghiên cứu này sẽ giúp ta hiểu được nguyên nhân vì sao ta có thể diễn giải tư tưởng của ông khi thì theo cách này, lúc lại theo kiểu khác. Một phân tích thuộc loại này, được giới hạn một cách thích đáng và mở ngõ khả năng hiệu chỉnh, sẽ giúp ta hiểu Kant tốt hơn, và đồng thời tạo cơ hội để ta có thể đánh giá chính xác hơn về tầm quan trọng của những đóng góp của ông.

1. HOÀN CẢNH MÀ KANT PHẢI ĐỐI MẶT

Nhằm tạo cơ sở cho nhận thức về Kant, ta nên có một số thức nhận về vấn đề mà ông đang nỗ lực tìm cách giải quyết. Kant đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này trong phần Lời tựaLời dẫn nhập cho công trình Phê phán. Vấn đề cơ bản mà ông phải đối diện, theo cách nói của ông, đó là sự đối lập xa xưa giữa thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm, giữa thuyết giáo điều và thuyết hoài nghi. Kỳ cùng, đây là một câu hỏi tác động đến chính khả thể của siêu hình học.

Khả thể của siêu hình học.

1) Hai phát biểu về mục đích

Kant đặt quá nhiều chú tâm vào vấn đề này đến nỗi dường như ông đã tập trung mọi nỗ lực của mình để xác định khả thể và bất khả thể của siêu hình học. Có hai tuyên bố về mục đích mà Kant theo đuổi và cố gắng đạt được trong công trình Phê phán của mình. Trong phần Lời tựa của ấn bản đầu tiên, Kant nói rằng ta không nên khư khư giữ lại siêu hình học “theo kiểu độc tài chuyên chế” như những nhà giáo điều đã làm. Ta cũng không nên đầu hàng chủ nghĩa thờ ơ lãnh đạm mà không tiếp tục nỗ lực nhiều hơn như cách thức của những nhà hoài nghi. Thay vào đó, ta nên phân tích sự tự nhận thức của bản thân lý tính, và “thiết lập một phiên toà để bảo vệ những yêu sách chính đáng của lý tính, và bác bỏ mọi đòi hỏi không có cơ sở, không phải bằng những phán quyết độc đoán, mà dựa trên những quy luật vĩnh cửu và bất di bất dịch của lý tính. Phiên toà này không gì khác hơn là sự phê phán lý tính thuần túy[1]. Đây không phải là phê phán những hệ thống và sách vở, mà là phê phán về “khả năng của lý tính trong tương quan với tất cả những loại tri thức mà nó có thể đạt được độc lập hoàn toàn với kinh nghiệm. Từ đó, tiến đến việc quyết định về khả thể hay bất khả thể của siêu hình học nói chung, và xác định nguồn gốc, giới hạn và phạm vi của nó – tất cả đều dựa trên những nguyên tắc”[2]. Điều đáng lưu ý là Kant xác tín rằng tri thức siêu hình học có giá trị độc lập với tất cả mọi kinh nghiệm: “Tri thức siêu hình học phải chỉ bao gồm những phán đoán tiên nghiệm; đây là đòi hỏi xuất phát từ tính đặc thù của những nguồn gốc của nó”[3]. Do đó, ông có thể diễn đạt mục đích phê phán của mình trong phần Lời tựa như sau: “Câu hỏi trọng yếu luôn chỉ là: giác tính và lý tính có thể nhận thức độc lập với tất cả mọi kinh nghiệm những điều gì và được bao nhiêu?”[4]. Trong phần Lời dẫn nhập, Kant phát biểu vấn đề có phần khác biệt hơn. Đó chính là tuyên bố nổi tiếng: “Bây giờ, vấn đề thực sự của lý tính thuần túy nằm trong câu hỏi: làm thế nào có thể có được những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm?”[5]. Đây là một cách thức trình bày vấn đề thậm chí còn ngắn gọn và chính xác hơn.

2) Phê phán của Kant đối với những tiền bối của ông

Kant cho rằng tất cả những siêu hình học từ trước đến giờ đều chỉ cung cấp những mệnh đề phân tích theo kiểu như: mọi vật thể đều có quảng tính. Những phán đoán như vậy đúng là tất yếu và có giá trị phổ quát, nhưng chúng chỉ là những phân tích minh họa làm rõ thêm các khái niệm nhưng lại không mở rộng thêm kiến thức của ta. Chẳng hạn phán đoán mở rộng kiến thức trong mệnh đề sau: mọi vật thể đều nặng. Những phán đoán phân tích chỉ có giá trị trong phạm vi khái niệm. Những gì mà vị từ của các phán đoán này mang đến cho ta là những điều đã hàm chứa sẵn bên trong khái niệm chủ từ. Chúng chỉ đơn thuần là những tương quan giữa các biểu tượng được phán đoán thông qua nguyên tắc mâu thuẫn, như Locke và Hume đã nhận thấy. Lĩnh vực của hiện thực ở bên ngoài lôgic không được chúng đụng chạm. Những nhà duy lý và giáo điều đã không bao giờ đặt câu hỏi: “Làm thế nào ta có thể đạt được những khái niệm một cách tiên nghiệm, để rồi sau đó có thể xác định sự sử dụng thích đáng của chúng lên trên những đối tượng của mọi nhận thức nói chung?”[6].

Kant quan tâm đến việc đặt cơ sở cho một khoa học đích thực về kinh nghiệm. Ông cho rằng ta không nên tháo rời những khái niệm của mình mà nên tác tạo chúng một cách chính xác và kết hợp chúng với nhau một cách đúng đắn một lần dứt điểm. Thứ ta cần không phải là những phán đoán “giải thích” mà là những phán đoán “mở rộng”, tức những phán đoán tổng hợp. Một nền siêu hình học không áp dụng quy trình ấy sẽ không dạy cho ta bất cứ điều gì về thực tại cả. Nhưng những phán đoán “mở rộng” này phải là tiên nghiệm, nếu không thì chúng cũng không thể giúp ta giải quyết được khó khăn của mình. Ngay cả khi Kant không nói rõ ràng, ta vẫn có thể thấy rằng ông đã được thúc đẩy bởi những cuộc thảo luận của các triết gia Anh về sự nối kết giữa các ý niệm của ta. Kant đồng ý với đòi hỏi của họ khi cho rằng những khái niệm của ta phải có cơ sở trong kinh nghiệm; nhưng ông lại không đồng ý với những kết quả mà họ rút ta từ kinh nghiệm của họ, nói cách khác, ông không tán thành chủ nghĩa hoài nghi của họ vốn chỉ tin vào tính gần đúng của khoa học kinh nghiệm mà thôi. Hume đã phát biểu rằng: kinh nghiệm đơn thuần không thể đem lại cả tính tất yếu lẫn giá trị phổ quát. Kant không chống lại quan điểm này của Hume. Tuy nhiên, Kant muốn tìm hiểu liệu có hay không những luận cứ thuyết phục để chống lại mệnh đề cho rằng mọi khoa học kinh nghiệm chỉ là vấn đề của niềm tin thuần túy. Kant muốn cứu vãn khoa học và do đó ông đã cố gắng tìm cách cứu vãn những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Vấn đề này đã chiếm trọn sự chú ý của ông (B 3 ff. Sơ luận, 2 ff.) . Để tránh những hậu quả từ lý thuyết của Hume thì việc xem xét lại khái niệm kinh nghiệm là một việc làm cần thiết.

3) Sự tổng hợp của Kant

Kant nỗ lực tìm cách hợp nhất thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý. Từ thuyết duy lý, Kant đồng ý với luận điểm chủ trương rằng khoa học phải cung cấp cho ta những mệnh đề có giá trị phổ quát và tất yếu; từ thuyết duy nghiệm, Kant chấp nhận luận điểm cho rằng những mệnh đề này phải tra vấn kinh nghiệm.

Sẽ rất hữu ích khi tiến hành so sánh quan điểm của Hume và Kant. Hume lập luận rằng: kinh nghiệm không có tính tất yếu; nguyên tắc nhân quả bắt nguồn từ kinh nghiệm; do đó, nguyên tắc nhân quả cũng không tất yếu. Và cũng tương tự như vậy đối với những mệnh đề khác được rút ra từ kinh nghiệm, cho nên, khoa học chỉ là niềm tin mà thôi. Kant lại cho rằng: kinh nghiệm không có tính tất yếu, nhưng nguyên tắc nhân quả thì lại là tất yếu. Tính tất yếu này của nguyên tắc nhân quả không được rút ra từ kinh nghiệm; do đó, ta phải cố gắng tìm ra một lý do khác cho sự tất yếu của nó và cũng là cho những mệnh đề kinh nghiệm khác.

Kant sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này vì ông buộc phải tìm ra nó. Một kết luận gần như đã được dự đoán trước là Kant sẽ tìm thấy nguyên nhân cho sự tất yếu của nguyên tắc nhân quả nơi tâm trí và trong những hình thức của tâm trí, bởi lẽ thuyết duy nghiệm đã chỉ ra cho ông rằng sự tất yếu này không thể chỉ đơn thuần được rút ra từ những đối tượng. Do đâu mà Kant biết hay suy ra rằng nguyên tắc nhân quả là tất yếu? Và làm cách nào ông đi đến kết luận rằng ta phải thừa nhận sự hiện hữu của một “khoa học kinh nghiệm” thực thụ với những mệnh đề có giá trị phổ quát và tất yếu? Liệu có phải ông xem điều đó chỉ đơn giản là một cái gì đó hiển nhiên? Hay ông cố gắng làm cho học thuyết về nhận thức luận của ông thích ứng với đạo đức học, trong đó, giá trị phổ quát có mặt như trong một nguyên mẫu? Hay liệu có phải những nhân tố lịch sử mà dường như đã mang lại một thước đo xác suất như nhau cho cả hai phương diện đã buộc ông phải chấp nhận một sự thỏa hiệp để làm vừa lòng tất cả nhưng được truyền cảm hứng bởi một khao khát hòa bình hơn là một nỗ lực hiểu thực tại như nó thực sự là? Lịch sử triết học một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của hệ số lịch sử. Hiện tượng học đã không lên tiếng một cách vô ích: Hãy quay trở về với bản thân sự vật. Những phần khác trong quyển Phê phán này, chẳng hạn như những phần liên quan đến các ý niệm, nguyên tắc và phạm trù đã cho ta thấy rằng phương pháp lịch sử mà Kant sử dụng trong thực tế có khác biệt đáng kể so với quan điểm và phương pháp lý thuyết của ông về nguồn gốc của những nhân tố này [ý niệm, nguyên tắc, phạm trù] trong nhận thức khoa học.

Bất luận thế nào, Kant tin rằng ông có một lý do chắn chắn để cho rằng có những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Lý do này được cung cấp bởi toán học thuần túy và vật lý học thuần túy. Những mệnh đề như 7 + 5 = 12 hay đường thẳng là khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm đều là tổng hợp và tiên nghiệm. Cũng tương tự như vậy đối với những mệnh đề của vật lý học thuần túy, chẳng hạn như mệnh đề: Lượng vật chất luôn luôn bảo toàn không thay đổi; trong mọi chuyển động thì tác động và phản tác động luôn bằng nhau. Kant khẳng định rằng những mệnh đề như vậy đã tạo nên nền tảng vững chắc cho “khoa học” kinh nghiệm. Kant cho rằng “khám phá” của ông về những phán đoán này là vô cùng quan trọng, và nó thực sự tạo nên nền tảng cho cuốn Phê phán của ông. Toàn bộ hệ thống này đứng vững hoặc sụp đổ dựa theo quan điểm của ông về đặc tính tổng hợp và tiên nghiệm của những mệnh đề toán học thuần túy và vật lý thuần túy, vì dựa trên những điều này mà Kant tin rằng ông đã tìm ra được cái mà ông đang nỗ lực tìm kiếm.

Sau khi nền tảng đã được thiết lập một cách vững chắc, ông bắt đầu làm nổi bật các yếu tố tiên nghiệm. Đây là điều mà ông quan tâm nhiều nhất. Ở ngay trang đầu tiên trong Lời dẫn nhập của Phê phán lý tính thuần túy, Kant đã chỉ ra rằng: “Bản thân nhận thức thường nghiệm của ta hoàn toàn có thể là một sự kết hợp từ những gì ta nhận thức được từ các ấn tượng và những gì do quan năng nhận thức của ta tự mang lại (còn các ấn tượng cảm tính chỉ tạo cơ hội cho chúng khởi động); phần thêm vào này chưa được ta phân biệt với chất liệu cơ bản, cho tới khi sự tập luyện lâu ngày khiến ta lưu ý và biết tách riêng được phần thêm vào này một cách thành thạo.”[7]1. Kant đưa khái niệm mô thức vào những yếu tố tiên nghiệm mà quan năng nhận thức của ta đã có sẵn. Ông đã nâng những mô thức trực quan là không gianthời gian lên lĩnh vực cảm năng học siêu nghiệm; ở một bối cảnh khác, chúng trở thành những mô thức tư duy hay các phạm trù trong phần phân tích pháp siêu nghiệm; cuối cùng, ông định đề hóa cái tương tự như những mô thức trên, cụ thể là những ý niệm, trong phần biện chứng pháp siêu nghiệm. Những mô thức tiên nghiệm này là cơ sở cho mọi nhận thức, hình thành nên “triết học siêu nghiệm” của Kant.

Liên quan đến thuật ngữ “siêu nghiệm” được sử dụng một cách khá độc đoán, Kant phát biểu: “Tôi gọi mọi nhận thức là siêu nghiệm khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu về phương cách nhận thức của ta về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm.”[8]1 Do đó, triết học siêu nghiệm đối với Kant chính là học thuyết về khả thể của nhận thức kinh nghiệm, trong chừng mực những đối tượng của kinh nghiệm được hình thành bởi những mô thức tiên nghiệm chủ quan của tâm trí. Trái với “siêu việt” có nghĩa là cấu trúc siêu chủ thể có tính hữu thể học của đối tượng, “siêu nghiệm” biểu thị sự phù hợp của tâm trí ta, với tư cách là một quan năng nhận thức, với quy luật. Do đó, triết học “siêu nghiệm” là một lôgic học được chủ thể phác thảo, như những diễn giải trước kia về Kant đã khẳng định, hoặc là một phác thảo có tính hữu thể học của chủ thể, như những học giả ngày nay thường nói. Không chỉ là giác tính được hình thành nên từ những mô thức này, mà là cả một thế giới được hình thành, bởi lẽ bất cứ điều gì ta biết về thế giới cũng đều được quy định bởi những mô thức tiên nghiệm đó. Vì thế, triết học siêu nghiệm có nghĩa là sự bác bỏ triết học siêu việt của siêu hình học cổ đại.

Thuật ngữ “siêu nghiệm” cũng biểu thị một lập trường đối lập với thuyết duy tâm lý và thuyết tương đối của Hume. Kant tin rằng ông đã tìm được trong những mô thức tiên nghiệm một điều gì đó vượt lên trên sự bất tất của cái thường nghiệm đơn thuần, vì nó là tất yếu và không thể thay đổi, từ đó, giả thuyết hoài nghi của Hume, cụ thể là giả thuyết cho rằng khoa học kinh nghiệm không gì khác hơn là tính gần đúng dựa trên thói quen hoặc tập quán, không còn được đưa ra với tư cách một sự giải thích nữa. Kant dự định xây dựng một lôgic học tất yếu và vĩnh cửu từ những mô thức siêu nghiệm, đó sẽ là một lôgic học “thuần túy”. Nó “không thoát thai từ tâm lý học như những khuynh hướng bấy giờ hay tự gán cho mình. Tâm lý học không có ảnh hưởng gì cả trên bộ chuẩn tắc (Kanon) của giác tính (Verstand).”[9] Đoạn này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định liệu ta nên diễn giải những mô thức chủ quan của Kant như là cái có tính tâm lý học đơn thuần hay ta nên xem chúng như cái có tính lôgic và siêu nghiệm. Kant rất xem trọng lôgic học siêu nghiệm: “Để có cái nhìn thấu triệt về quan năng mà ta gọi là Giác tính, cũng như để xác định các quy luật và các giới hạn trong việc sử dụng nó, tôi không thấy có nghiên cứu nào quan trọng hơn phần được tôi trình bày trong chương 2 của Phân tích pháp siêu nghiệm dưới nhan đề Diễn dịch về các khái niệm thuần túy của giác tính.”[10]

Chất liệu phải tương ứng với mô thức. Theo Kant, chất liệu là cái đa tạp trong thực tại khả giác, là sự hỗn độn của cảm giác, là “chất liệu thô của những ấn tượng giác quan” gây “tác động” lên ta, nhưng bản thân chất liệu này lại hỗn loạn và trước hết phải được đồng hóa và sắp xếp trật tự bởi mô thức tiên nghiệm. Đối với chất liệu, ta ở thế bị động và thụ nhận. Tuy nhiên, đối với những mô thức tiên nghiệm, ta lại ở thế chủ động, thực tế là “tự khởi”. Kant tìm cách làm rõ vấn đề nhận thức luận được đặt ra bởi những người đi trước thông qua học thuyết về chất liệu và mô thức của ông, quy chất liệu cho thuyết duy nghiệm và mô thức cho thuyết duy lý. Theo Kant, ta không thể có được nhận thức nếu giác quan không cung cấp cơ sở chất liệu cho nhận thức. “Mọi nhận thức của ta đều bắt đầu bằng kinh nghiệm, đó là điều không có gì phải nghi ngờ; bởi vì thông qua cái gì khiến quan năng nhận thức bị đánh thức để đi vào hoạt động nếu không phải thông qua các đối tượng tác động đến các giác quan của ta (…). Vậy, về mặt thời gian, không có nhận thức nào trong ta lại đi trước kinh nghiệm và tất cả bắt đầu bằng kinh nghiệm”[11]. Do đó, Kant xem tâm thức như một tấm bảng trắng (tabula rasa) cần có cả những giác quan lẫn những chất liệu của giác quan mới đạt được nhận thức. Yêu cầu này thể hiện yếu tố thường nghiệm, hậu nghiệm của nhận thức. Thế nhưng, Kant ngay lập tức đưa ra nhận xét: “Tuy mọi nhận thức của ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm song không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm”[12]. Sự “hỗn độn mù quáng của các giác quan” trước hết phải được sắp xếp lại cho có trật tự, và điều này được thực hiện thông qua hoạt động của các mô thức tiên nghiệm luôn định đề hóa tính tất yếu. Bằng việc đòi hỏi một yếu tố tiên nghiệm trong nhận thức, Kant có ý thừa nhận giá trị của thuyết duy lý.

Kant xem tính tiên nghiệm của các mô thức chính là bản chất cách mạng của triết học ông, cuộc cách mạng với tên gọi “cách mạng Copernicus”. “Lâu nay người ta giả định rằng mọi nhận thức của ta phải hướng theo các đối tượng; thế nhưng mọi nỗ lực dùng các khái niệm để xử lý đối tượng một cách tiên nghiệm hầu qua đó mở rộng nhận thức của ta đều đi đến thất bại cũng tại vì giả định này. Vì thế, hãy thử nghiệm để biết đâu ta có thể tiến lên tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của siêu hình học bằng cách giả định rằng các đối tượng phải hướng theo nhận thức của ta; nhận thức ấy sẽ phù hợp tốt hơn với khả thể được đòi hỏi của một nhận thức tiên nghiệm về đối tượng, tức loại nhận thức xác định một cái gì đó về đối tượng trước khi đối tượng được mang lại cho ta. Đó cũng chính là tình hình đã xảy ra với ý tưởng đầu tiên của Copernic (1473-1543) sau khi ông thấy không thể đi xa hơn được trong việc giải thích các vận động của bầu trời nếu giả định rằng toàn bộ đội ngũ những thiên thể xoay xung quanh người quan sát, nên đã thử xem có thể thành công hơn không khi ông cho người quan sát xoay xung quanh, còn ngược lại, để cho những thiên thể đứng yên. Bây giờ, trong siêu hình học ta hãy thử nghiệm bằng cách tương tự như thế đối với những gì liên quan đến trực quan (Anschauung) về các đối tượng. Nếu trực quan phải hướng theo đặc tính của các đối tượng, tôi không thấy được bằng cách nào ta có thể biết gì về chúng một cách tiên nghiệm; nhưng nếu đối tượng (như là đối tượng của giác quan) hướng theo đặc tính của quan năng trực quan của ta, tôi có thể hoàn toàn hình dung được khả thể này.”[13] Khi đưa ra giả thuyết này, Kant tin rằng ông đã đáp ứng được những đòi hỏi của thuyết duy nghiệm và đã xây dựng được một khoa học tất yếu nghiêm ngặt, có giá trị phổ quát đối lập lại với thuyết hoài nghi của Locke và Hume.

Siêu hình học hay là một lý thuyết về nhận thức?

Trong đoạn trích này, Kant một lần nữa nói về siêu hình học. Tuy nhiên, với tất cả những sự suy xét được đưa ra từ đầu đến giờ, ta có thể kết luận một cách thích đáng rằng dòng tư tưởng của ông tập trung hoàn toàn vào nhận thức con người. Dưới ảnh hưởng của trường phái Kant-mới, các học giả đã diễn giải cuốn Phê phán lý tính thuần túy của ông như thể đó chỉ là một lý thuyết tổng quát về nhận thức. Kant thường được mô tả như là người đánh bại siêu hình học, mặc dù thực tế tâm trí ông chỉ hướng đến một loại siêu hình học rất riêng biệt là siêu hình học của thuyết duy lý. Tuy nhiên, mô tả này về Kant phổ biến đến mức ông hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, được nhìn nhận như là một nhà siêu hình học. Đây là một trường hợp điển hình cho cách thức mà những sự khái quát hóa vội vã đã định hình ngay cả lịch sử triết học. Tuy vậy, hiện nay, các học giả đã học cách nhìn nhận Kant như một nhà siêu hình học. Rõ ràng là Phê phán lý tính thuần túy của ông đã thực sự nỗ lực đặt nền tảng cho nhận thức nói chung; tuy nhiên, nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của Kant là thiết lập khả thể của siêu hình học và cấu trúc của nó trong ý nghĩa mà Kant muốn người khác hiểu về nó: “Bởi lẽ câu hỏi chính yếu vẫn là giác tính và lý tính có thể nhận thức được gì và được bao nhiêu khi độc lập với mọi kinh nghiệm? không phải là – làm cách nào mà quan năng nhận thức tự nó có thể có được?”[14].

Bây giờ, ta phải đối mặt với nhiệm vụ xác định cách thức chi tiết mà Kant tiến hành kế hoạch của mình và tìm hiểu những bằng chứng của các mô thức tiên nghiệm cùng chức năng của chúng trong lĩnh vực tri giác cảm tính, tư duy khái niệm và hoạt động của lý tính. Ông đã giải quyết những vấn đề này trong các phần cảm năng học siêu nghiệm, phân tích pháp siêu nghiệm và biện chứng pháp siêu nghiệm.

 



[1] Immanuel Kant: Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn Học, năm 2004, trang LI.

[2] Sđd.

[3] Sđd.

[4] Sđd.

[5] Sđd.

[6] Sđd., tr. LII.

[7] Sđd., tr. LIV

[8] Sđd., trang LIV – LV.

[9] Sđd., tr. LV.

[10] Sđd., tr. LV.

[11] Sđd., tr. LVI.

[12] Sđd., tr. LVI.

[13] Sđd., tr. 33-4.

[14] Sđd., tr. LVII.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt