Phong trào Khai minh

Sự thật của việc xác tín về chính mình

 

 

SỰ THẬT CỦA VIỆC XÁC TÍN VỀ CHÍNH MÌNH

1

2

3

4

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. “Sự thật của việc xác tín về chính mình.” Trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.


 

 

§ 166

Trong các phương cách [đã được xem xét] cho đến nay về sự xác tín [sự xác tín cảm tính – tri giác – giác tính] thì: đối với ý thức, cái đúng thật là cái gì khác với bản thân ý thức. Tuy nhiên, Khái niệm về cái đúng thật này tiêu biến đi trong tiến trình kinh nghiệm về nó. | Cái gì đã [được xem] là đối tượng tự-mình một cách trực tiếp – đó là cái tồn tại [thuần túy] của sự xác tín cảm tính; sự vật cụ thể trong tri giác hoặc Lực của giác tính – đều tự chứng tỏ thực ra không phải ở trong sự đúng thật, trái lại, cái Tự-mình này chứng tỏ rút cục là một phương cách, trong đó nó chỉ tồn tại cho-một-cái-khác. | Khái niệm [trừu tượng] về đối tượng tự vượt bỏ trong đối tượng hiện thực, hay nói cách khác, cái biểu tượng trực tiếp đầu tiên về đối tượng tự vượt bỏ trong tiến trình kinh nghiệm; và sự xác tín bị mất đi trong sự thật. Nhưng, từ nay, đã hình thành điều chưa hình thành được trong các mối quan hệ trước đó, tức đã hình thành một sự xác tín ngang bằng với sự thật [chân lý] của nó, bởi sự xác tín [mới] này là đối tượng của riêng nó đối với chính nó và ý thức là cái đúng thật đối với chính ý thức[1]. Tất nhiên ở đây vẫn còn có một cái tồn tại-khác, – [bởi] ý thức [luôn] tạo sự phân biệt –, nhưng với ý thức, một cái tồn tại khác như thế lại đồng thời không phải là một cái được phân biệt. [Nơi cấp độ của Tự-Ý thức này], nếu ta gọi Khái niệm là [tiến trình] vận động của cái biết, còn gọi đối tượng là bản thân cái biết – xét như cái nhất thể đơn giản hay cái Tôi –, ta thấy rằng: không chỉ cho ta [người quan sát] mà cho bản thân cái biết, quả là đối tượng tương ứng với Khái niệm. Hoặc bằng cách khác, nếu ta gọi Khái niệm là đối tượng tự-mình, còn gọi “đối tượng” là cái gì tồn tại như là đối tượng hay như là cái tồn tại-cho-một-cái-khác, thì rõ ràng là: ở đây, cái tồn tại-tự-mình và cái tồn tại-cho-một-cái-khác cũng là một. Bởi cái tự-mình là ý thức, nhưng chính ý thức cũng là một cái-khác (cái-tự-mình) cho ý thức; và vì là tồn tại cho ý thức, nên cái tự-mình của đối tượng và cái tồn tại-cho-một-cái-khác của đối tượng cũng là một. | Cái Tôi là nội dung của mối quan hệ nối kết và là bản thân [tiến trình] quan hệ. | Đối lập lại với một cái khác, cái Tôi là bản thân nó, và đồng thời vượt ra bên ngoài cái-khác này; nhưng cái-khác này đối với cái Tôi, cũng chỉ là bản thân cái Tôi[2].



[1] “Tự-ý thức” (Selbstbewußtsein) là biết về chính mình, hay đúng hơn, biết về cái mình biết. Trần Đức Thảo (“Hạt nhân duy lý trong triết học Hegel”, Tập san Đại học (Văn khoa), số 6-7, 1956: 18-36) dịch là “ý thức bản ngã”.

[2] Đối với ý thức (chưa phải là Tự-ý thức), đối tượng là một cái khác tuyệt đối. Còn Tự-ý thức là biết về cái mình biết (Tôi biết về tôi), thì tuy có sự phân biệt nhưng cái Tôi sau cũng là cái Tôi, không phải là cái khác.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt