Thuyết Duy tâm Đức

Triết học của Kant [phần 1]

Tạp chí Sáng Tạo

Số 11,  tháng 8, 1957

TRIẾT HỌC CỦA KANT

[phần 1]

NGUYÊN SA (1932-1998)

 

Khi Kant bắt đầu giảng dạy tại đại học Konigsberg thì triết  học Tây phương đang bị chi phối bởi hai trào lưu tư tưởng chính: một bên là những đề án có tính cách quyết đoán (dogmatique) của Leibniz và Wolf, bên kia là những tác phẩm thiên về hoài nghi chủ nghĩa của David Hume.

Những người thuộc phe quyết đoán tin rằng có đủ chứng cớ để chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế, sự bất diệt của linh hồn, tính tự do của con người. Rồi họ suy diễn ra rằng: tin tưởng ở Thượng đế, ta có thể hy vọng sẽ được hưởng một cuộc đời bất diệt đầy hạnh phúc. Kết luận: ta phải cố gắng làm việc tu nhân, tích đức cho thuận với lẽ trời.

Cũng có những người thuộc phe quyết đoán lại chủ trương ngược hẳn lại. Họ cho rằng có thể chứng minh sự vô hữu của Thượng đế - chết là hết - và họ nghĩ rằng ta không có gì để hy vọng ở bên kia cõi đời này. Cho nên tất cả vấn đề là làm thế nào quy định được cho rõ ràng thế nào là hạnh phúc và cách thức đạt tới ra làm sao?

Phe hoài nghi chủ nghĩa cho rằng ta không thể trả lời được câu hỏi có Trời hay không. Ta không thể biết được một chút gì về nguồn gốc và số phận ta. Cho nên ta không nên hy vọng vì tất cả có thể là ảo vọng. Cuộc sống của ta như vậy, ta nên hướng dẫn theo thói lề, tập quán, rồi được đến đâu hay đến đấy - đó là lời khuyên của một Montaigne. Còn câu hỏi: «ta phải sống ra làm sao?» là một vấn đề nan giải.

Nhận biết rõ hoàn cảnh triết học đường thời (và cũng là hoàn cảnh truyền thống của triết học), Kant đã tóm tắt lại trong một trang sách danh tiếng rằng: những vấn đề triết học thật ra chỉ có ba vấn đề. Thứ nhất: ta biết được những gì? Thứ hai: ta được phép hy vọng gì? Và thứ ba: ta phải làm gì? Vấn đề thứ nhất nhằm sự phê bình những khả năng của tri thức. Vấn đề thứ hai thuộc phạm vi tôn giáo. Và vấn đề sau cùng là một vấn đề luân lý. Những nhà triết học trước Kant đều đặt và thử giải quyết ba vấn đề kể trên theo thứ tự đó: Kant cũng nhận thấy rằng cần thiết phải trả lời ba vấn đề đó. Nhưng cái đặc biệt đầu tiên của nhà triết học Đức là đã không theo thứ tự cổ truyền trong khi thử giải quyết. Kant nghĩ rằng vấn đề luân lý không tùy thuộc vấn đề tôn giáo. «Ta phải làm gì?» không cần phải được diễn dịch ra từ lời giải thích câu hỏi «ta có thể hy vọng được gì?» Và hơn nữa, chính giải đáp của câu hỏi thuộc phạm vi luân lý sẽ giúp ta giải quyết được vấn đề tôn giáo. Cho nên từ câu hỏi thứ nhất, Kant đã đi thẳng sang vấn đề thứ ba, để lại trở lại vấn đề thứ hai sau cùng.

Đảo lộn những vấn đề không phải Kant muốn phủ nhận trật tự luân lý của những vấn đề đó mà chính vì muốn đem lại cho triết học một nền tảng mới. Ngay từ khi trả lời câu hỏi đầu tiên «ta có thể biết được gì?» trong sách «Critique đe la raison pure spéculative», Kant đã có cao vọng đưa triết học ra khỏi chỗ bế tắc. Sự suy ngẫm về sách vở của David Hume đã không cho phép Kant chấp nhận biện pháp dễ dàng của chủ trương quyết đoán, Hume đã thức tỉnh Kant khỏi «giấc mơ quyết đoán». Nhưng chấp nhận quan niệm của Hume, Kant nhận thấy rằng không thể được. David Hume không những cho rằng ta không thể biết chắc rằng «có thượng đế hay không», lại còn lên tiếng hồ nghi cả những khoa học như toán pháp và vật lý. Hume bảo rằng: sở dĩ ta tin ở sự thật hiển nhiên của những nguyên lý và những định luật thiên nhiên chỉ là vì thói quen. Kant không thể nhận được những lời chứng minh, những lý luận dễ dàng về sự hiện hữu hay vô hữu của Thượng đế, nhưng ông cũng không đồng ý với phái hoài nghi. Từ đấy đường lối triết lý của Kant đã được vạch định. Không đồng ý với hoài nghi chủ nghĩa thì ta phải căn cứ ở những gì để chứng minh rằng có những sự kiện như khoa học chẳng hạn là chắc chắn, là không đáng hoài nghi. Không chấp nhận lý luận quyết đoán về sự hiện hữu và vô hữu của Thượng đế, ta cần phải vạch rõ chỗ quyết đoán của những lý luận đó, sự thất bại của siêu hình học. Sau đó, ta mới giải quyết những vấn đề luân lý và tôn giáo xem «ta phải làm gì?» và «có thể hy vọng gì ở thế giới bên kia?...»

*

Trước hết ta hãy xét xem Kant nghĩ gì về khả năng của tri thức? Ta hãy bắt đầu nhớ lại văn ảnh danh tiếng của Platon. Tri thức của con người Platon cho rằng chỉ là một thứ kiến thức của «ếch ngồi đáy giếng». Kiến thức của con người giống như sự hiểu biết của một kẻ bị giam hãm từ lúc sinh ra trong một hang đá có bốn bề thì ba khép kín. Còn một lỗ hổng qua đó ánh sáng của mặt trời rọi xuống và trên những bức tường đá ta nhìn thấy bóng của sự vật. Chỉ có bóng của sự vật thôi vì sự vật ở trên kia, ở bên ngoài hang đá. Phải thoát ra ngoài ta mới biết được, phân biệt được rằng sự vật không giống những bóng đen in trên vách đá một chút nào. Với Kant ta phải nói đến một văn ảnh khác, tuy tương tự nhưng bi đát hơn nhiều. Tù nhân của Platon có thể vượt hang đá ra ngoài để chiêm ngưỡng thực tại, phân biệt thực hư. Kant nghĩ rằng ta bị vĩnh viễn giam cầm. Ta bị giam trong một chiếc tháp kín mít. Ta có thể nhìn ra ngoài nhưng chỉ nhìn qua những khuôn cửa khép chặt bởi một thứ lăng kính có khả năng bóp méo sự vật bên ngoài hay nói khác đi ta chỉ nhận được những hình ảnh giả tạo, méo mó. Hơn nữa, chiếc tháp giam cầm con người đó lại nằm trong lòng chiếc tháp nữa cũng bịt kín bằng những tấm lăng kính có những đặc tính như những tấm lăng kính nói trên. Nhưng Kant đã muốn nói gì qua văn ảnh đó? Kant đã nhận thấy ta biết được sự vật bên ngoài là nhờ tri năng. Tri năng tổng hợp «những chất liệu của trực giác» mà giác quan đem lại cho ta. Nhưng «chất liệu» mà cảm quan đem lại đó vốn phân tán, cần phải được xếp vào một cái dàn, cái khung. Dàn đó là những hình thức của cảm quan, những hình thức có sẵn. Ta biết được sự vật ở trong «khung» thời gian và không gian. Đó là hai khái niệm có sẵn ở nơi ta. Nếu là một con ong, cái kiến ta sẽ nhìn thiên nhiên qua những biểu tượng khác, bởi vì loài vật không có như ta một hình thức của cảm quan. Hình thức của cảm quan đó chính là những lăng kính bóp méo sự vật bởi vì ta không thể nhận thẳng sự vật y như nó xuất hiện mà chỉ nhận biết chúng qua một khung không gian, thời gian nào đó của ta. Tri năng của ta bị giam cầm, bị lừa lọc bởi những tấm kính cảm quan. Cần phải tổng hợp cái phân tán, lý luận để xây dựng một hệ thống sự vật thống nhất và mạch lạc. Nhưng biểu tượng về sự vật mà tri năng tác thành được, tổng hợp được sẽ chỉ là một tổng hợp về hiện tượng của sự vật, cái vẻ ngoài, cái hiện ra bên ngoài của sự vật mà Platon đã gọi là ảo ảnh. Nên Kant đi đến kết luận rằng ta không thể vượt khỏi được những tấm kính «hình thức của cảm quan»; cố gắng tìm đến cái tuyệt đối, cái ẩn tượng của sự vật, ta sẽ rơi vào một lý luận bất lực một cách phũ phàng. Tất cả những gì ta biết sẽ chỉ là những hiểu biết về hiện tượng của sự vật mà thôi.

Lý thuyết bi đát vô cùng nhưng cũng thật khôn ngoan. Kant tránh được hoài nghi chủ nghĩa. Ông không như họ phủ nhận giá trị của những nguyên lý trên đó khoa học được xây dựng. Bởi lẽ ta có thể biết được, dựng được một khoa học về hiện tượng. Và như thế những nguyên lý không phải chỉ là «sản phẩm của thói quen» như Hume đã chủ trương. Đồng thời Kant cũng loại bỏ được những lý luận dễ dàng của phe quyết đoán. Loại bỏ được cái ảo vọng xây dựng được một khoa siêu hình xây dựng trên những chứng minh có tính chất khoa học như toán pháp.

*

Để chứng minh sự tin tưởng đó, nhà triết học Đức đã đưa ta vào những lý luận hết sức phức tạp nhưng cũng rất phong phú.

Trước hết, nhà triết học Đức phân biệt nơi con người ba khả năng để hiểu biết: cảm quan, tri năng và lý trí. Và sự hiểu biết thật sự tất nhiên sẽ đưa ta đến chỗ phê phán chính xác. Nhưng thế nào là phê phán? Kant đã trả lời: phê phán là sự nhận biết của trí tuệ về sự tương quan giữa chủ thể và những thuộc từ. Thí dụ: «Tất cả mọi người đều phải chết». Đó là một lời phê phán quy định chủ thể «người» thuộc về loại thuộc từ «phải chết». Phê phán như vậy là một lời công nhận đến từ trí tuệ. Nhưng khác với những nhà luận lý học cổ truyền, Kant chia phê phán ra làm ba loại trong khi những nhà luận lý nói trên chỉ nhận thấy có hai. Ba loại phê phán đó là: phê phán phân tách, phê phán tổng hợp, và phê phán tổng hợptiên nghiệm. Từ xưa, phàm đã nói đến phê phán phân tách tức là nói đến tiên nghiệm. Thí dụ: con bạch mã của vua Henri đệ tứ sắc trắng, nước sông Hồng màu đỏ. Ta chỉ cần phân tách khái niệm «con bạch mã của vua Henri đệ tứ và nước sông Hồng Hà là thâu tóm được ngay màu sắc của con ngựa và nước sông». Phê phán phân tách vốn tiên nghiệm và tất yếu. Tất nhiên màu lông của con bạch mã là trắng. Chủ trương ngược lại sẽ rơi vào chỗ vô lý. Ta đã nói đến bạch mã sao lại còn bảo rằng con ngựa không có màu trắng? Tóm lại, ở một lời phê phán phân tách, ta biết ngay sự thật mà không cần thử thách, thí nghiệm. Đó là một lời phê phán tất yếu bởi vì tiên nghiệm.  Kinh nghiệm chỉ cho ta biết về sự hiện hữu của một sự kiện chứ không cho ta biết gì về một điều không thể nào không có được.

Phê phán tổng hợp trái lại không thể đến từ chỗ phân tách chủ thể. Thí dụ tôi nói: con ngựa của vua Henri đệ tứ sắc trắng. Phân tách chủ thể «con ngựa của vua Henri đệ tứ»,  tôi vẫn chưa biết gì về màu sắc của con ngựa. Lời phê phán đó đòi hỏi sự va chạm, kinh nghiệm. Vậy đặc tính của phê phán tổng hợp là: hậu nghiệm. Va chạm, kinh nghiệm đem lại cho ta sự hiểu biết lời phê phán. Vậy phê phán tổng hợp sẽ không có tính cách thiết yếu: con ngựa của vua Henri đệ tứ không nhất thiết phải trắng. Nhưng ở ngoài hai loại phê phán đó, Kant cho rằng đã khám phá ra một loại phê phán thứ ba: phê phán tổng hợptiên nghiệm. Vừa tổng hợp vừa tiên nghiệm, hai tính chất vốn mâu thuẫn được phối hợp. Thí dụ khi ta nói: con đường thẳng là con đường gần nhất nối liền hai điểm trong không gian. Lời phê phán đó mang hai tính chất:

l-  Nó tất yếu: đường thẳng nhất định là đường gần nhất

2- Nó tổng hợp: phân tách khái niệm đường thẳng ta vẫn chưa biết về sự nó là con đường gần nhất từ một điểm đến một điểm khác.

 Nói khác đi, lời phê phán đó tất yếu vậy tiên nghiệm, bởi lẽ những gì hậu nghiệm vốn biến đổi chứ không thể nào tất yếu được. Con ngựa mà ta sắp quan sát không nhất thiết  mang sắc trắng. Nhưng lời phê phán trên, một đằng thì tất yếu, đằng khác lại tổng hợp. Và tổng hợp như chúng ta đã  biết vốn hậu nghiệm. Làm thế nào ta lại có thể phát biểu những lời phê phán vừa tổng hợp vừa tiên nghiệm như vậy được? Lời giải theo Kant rất giản dị: ta biết một cách tiên nghiệm những sự kiện chính vì ta đã đem một chút gì của ta vào đó. Từ điểm nhận định này, Kant đã xây dựng tất cả hệ  thống triết học của mình: chứng minh sự thành công chắc chắn của một khoa học về hiện tượng và sự thất bại phũ phàng của siêu hình học.

 Chúng ta đã đem một chút gì của ta vào trong biểu tượng của ta về sự vật nên ta mới có thể có được những phê phán vừa tổng hợp, vừa tiên nghiệm. 

 Về toán pháp chẳng hạn, ta thấy có những phê phán vừa  tổng hợp vừa tiên nghiệm liên quan đến không gian, thí dụ như lời phê phán về đường thẳng mà ta đã đề cập đến ở trên. Có những phê phán khác liên quan đến thời gian chẳng hạn như mệnh đề «thời gian chỉ có một chiều», mệnh đề then  chốt của cơ học thuần lý. Ta hãy nhận rõ: ta có thể có những lời phê phán tổng hợp và thuần lý liên quan đến không gian và thời gian. Như thế nghĩa là ta đã đem một chút gì của ta vào sự nhận định đó, ta đã có một kinh nghiệm tiên nghiệm  về thời gian và không gian trong biểu tượng mà ta có về sự vật.

 Không gian và thời gian theo Kant không phải là thực tại mà  chỉ là những hình thể ta dùng để nhận định những chất liệu của cảm quan. Không gian và thời gian là những tấm lăng kính bóp méo sự vật. Cảm quan ta chỉ có thể nhận biết sự  vật qua bức tường vô hình đó mà không thể vượt qua được.

Trong vật lý ta cũng có những lời phê phán tổng hợp và tiên nghiệm. Kant phân ra làm bốn loại: «công lý của trực giác, tiên đoán của sự nhận định, tương xứng của kinh nghiệm, định đề của tư tưởng… » Nguyên lý về sự căn do «không có gỉ xảy ra trong thiên nhiên mà không có căn do» là một thí dụ. Nguyên lý đó chi phối tất cả vật lý học cho nên ta phải nhận định rằng có thể có một vật lý học chắc thực như toán học.

Ta hãy đi sâu hơn chút nữa vào chi tiết của triết học Kant. Ta nhớ rằng: có những chất liệu của sự hiểu biết đến từ cảm  quan. Chất liệu đó bị đóng khung vào trong những hình thể  có sẵn là những hình thức của cảm quan: thời gian và không gian. Hình thức đó ví như những tấm kính bóp méo sự vật của chiếc tháp kể trên. Tri năng ta bị giam cầm trong tháp, nhận biết sự vật qua những lăng kính «hình thức cảm quan». Thế tại sao ta lại xây được một khoa học về hiện tượng? Chính vì ta đã đóng những chất liệu đến từ cảm quan vào trong khung «hình thức cảm quan», và những hiện tượng mà ta nhận biết là những sự kiện chỉ hiện ra với con người không thể khác đi được khi ta vẫn có những «hình thức cảm quan» đó, nên một khoa học về hiện tượng là điều có thể. Những chất liệu đó phân tán, hỗn độn thì đã có tri năng dàn xếp. Biểu tượng về sự vật của ý thức ta là kết quả của một cuộc tổng hợp bởi tri năng. Tri năng  phê phán và hành động chính là hành động tổng hợp, thu gọn những sự kiện phân tán về một mối thống nhất. Ta có thể phê phán thiên về: 1) lượng - 2)  phẩm – 3) tương quan – 4) hình thái dạng thức. Nói khác đi, tri năng được sự giúp sức của phạm trù trong hành động phê phán. Thí dụ khi ta nói: tất cả mọi người đều phải chết. Tri năng sẽ không thể phê phán tất cả mọi người nếu không có sẵn một khái niệm về toàn thể. Tri năng không thể công nhận sự sẽ chết của con người là đúng nếu không có một khái niệm về thực tại. Mệnh đề sẽ không được kể là một sự kiện nếu tri năng không có khái niệm  hiện hữu.

Tri năng như vậy theo Kant đã được phụ lực bởi 12 phạm trù gồm trong bốn loại: lượng, phẩm, tương quan, hình thái dạng thức. Tri năng ngồi trong tháp nhìn những hình ảnh méo mó, phân tán nhưng cũng có những ống kính khác, nếu không đủ sức giúp nó nhận ra cái ẩn tượng của hiện tượng thì cũng tổng hợp được chất liệu phân tán đó.

Thế tại sao những chất liệu vốn hậu nghiệm đến nhờ cảm quan và những phạm trù của tri năng vốn tiên nghiệm lại phù hợp với nhau? Động cơ gì đã thúc đẩy sự ăn khớp đó? Kant bảo: Tri năng ta chỉ nhận biết được sự vật ở trong khuôn khổ của những định luật hết sức tổng quát, đó là những nguyên lý của tri năng. Thí dụ ta sẽ không biết gì về một vật nếu nó không có phẩm, lượng, không liên quan với vật khác bởi một tương quan nhân quả định rõ trước sau. Đó là những điều kiện để tôi có thể biết về sự vật được. Và nếu tôi biết thì chính là sự vật có những tính chất đó để có thể được biết. Nhiều người sau Kant còn đi xa đến chỗ chủ trương rằng không có hiện tượng nào xuất hiện ra trước trí tuệ con người được, nếu không ở trong khuôn khổ định luật giúp ta biết rõ hiện tượng đó, cũng như giúp ta tiên đoán và sử dụng hiện tượng. Kant không đi đến đó nhưng ông đã nói rõ rệt: ta biết được sự vật (hiện tượng), vì hiện tượng có tính chất biết được. Kết quả lạc quan là ta có thể xây dựng một khoa học về hiện tượng trên những hệ thống công lý của tri năng. Thuyết hoài nghi bị loại bỏ.

Nhưng tại sao trong khi tin tưởng được ở khoa học về hiện tượng thì siêu hình học lại đang bị gạt sang một bên?

 (còn tiếp)

 

Nguồn: http://amvc.free.fr

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt