Thuyết Duy tâm Đức

Triết học của Kant [phần 2]

Tạp chí Sáng Tạo

Số 12,  tháng 9, 1957

TRIẾT HỌC CỦA KANT

(Phần 2)

 NGUYÊN SA (1932-1998)

  

II - SỰ THẤT BẠI CỦA SIÊU HÌNH HỌC

Con người bởi có lý trí nên không chịu dừng bước trước những hiểu biết nửa chừng. Cảm quan được giúp sức bởi những thể tiên nghiệm (formes a priori) và bởi những phạm trù của tri năng (catégories de l'entendement) đã đem lại cho con người những hiểu biết về hiện tượng. Khoa học vốn là một khoa học về hiện tượng nên cũng nhờ thế mà thành công. Nhưng lý trí con người không muốn dừng bước trước những sự hiểu biết về hiện tượng đó. Ta đã biết về cái hiện tượng, cái vẻ ngoài của sự vật đó, nên ta khao khát muốn biết cái bề trong, cái ẩn tượng (noumène) của sự vật ra sao. Thống nhất được toàn thể kiến thức, vén được bức màn che dấu cái tuyệt đối, đó là những nguyện vọng của lý trí. Nhưng những bề trong, những ẩn tượng mà lý trí muốn đạt tới đó là gì? Đã nhờ tri năng, cảm quan mà con người biết được tương quan giữa các hiện tượng trong vũ trụ, con người còn muốn biết cái lý do sâu xa của vũ trụ, của cõi đời. Biết được cuộc sống là cái vẻ ngoài của con người, ta lại muốn biết về linh hồn, cái lý do sâu xa của cuộc sống đó. Biết rằng mỗi sự kiện đều có một căn do, ta muốn tìm đến cái căn do nguyên thuỷ có khả năng chi phối, phát sinh ra mọi căn do nhỏ bé khác, đó là Thượng đế. Tìm hiểu về linh hồn, về vũ trụ, về Thượng đế là những mục tiêu cốt yếu của lý trí.

Nhưng trước những mục tiêu đó, lý trí phải thúc thủ, bó tay bởi vì không có một phương tiện nào để đạt tới. Triết học cổ điển đã thử thách nhiều lần. Siêu hình học đã nhiều lần được dựng lên. Nhưng tất cả đều đưa đến chỗ suy sụp. Tri năng có những nguyên lý giúp ta biết được hiện tượng. Nhưng siêu hình học cổ truyền đã lấy những nguyên lý của tri năng làm nguyên lý cho 1ý trí. Siêu hình học lý luận về những sự kiện ở ngoài lĩnh vực thấu triệt được bởi cảm quan. Như thế, cũng như tri năng đã lý luận về những hiện tượng, lý luận  về những điều vô hình bằng cách suy diễn từ chỗ hữu hình đến chỗ vô hình. Mà thật ra nguyên lý của tri năng không có một giá trị gì ngoài thế giới của hiện tượng. Vì thế nên tất cả chỉ là một biện chứng hão huyền.

*

Trong thế giới hiện tượng chẳng hạn, ta thấy rằng mỗi sự kiện thường có những đặc tính của những hiện tượng đó. Những thuộc tính có thể biến đổi, khác nhau nhưng sự kiện vẫn là một. Lý trí căn cứ vào sự nhận định đó để chứng minh tính chất đơn thuần của linh hồn. Triết học cổ điển chủ trương rằng linh hồn vốn đơn giản, duy nhất, bất khả phân và bất tử. Để chứng minh những đặc tính đó của linh hồn,  siêu hình học đã căn cứ trên những lý luận lỏng lẻo. Họ lý luận bằng cách: lấy điều ta tưởng rằng thật làm sự thật.  Tôi nhận thấy tôi chỉ là tôi mặc dầu quan niệm, tính tình tôi có khác đi ít nhiều theo sự biến đổi của thời gian. Tôi thấy rằng tôi chỉ 1à tôi, chỉ là một, vậy tôi vốn có bản chất đơn thuần;  cũng vậy, tôi thấy rằng tôi bất khả phân, không thể bị hủy diệt được, vậy tôi kết luận: tôi có một bản chất bất khả phân, bất diệt.

Nhưng siêu hình học cổ điển đã sai lầm. Bởi vì tôi thấy rằng tôi vẫn là tôi qua những biến đổi của thời gian, tôi cũng  chưa đủ quyền, đủ lý để kết luận rằng tôi vẫn có một bản chất đơn thuần. Điều tôi nhận thấy, tôi căn cứ vào đâu mà quả quyết rằng đó là chân lý. Tôi chẳng nhận thấy rằng trái đất bất động đó hay sao? Thế sao tôi vẫn không được kết luận rằng trái đất quả nhiên là bất động? Vì vậy, mặc dầu tôi thấy rằng tôi đơn thuần, bất khả phân, bất diệt, tôi cũng không được kết luận rằng tôi quả nhiên là có một bản chất đơn thuần, bất khả phân và bất diệt. Căn cứ vào những tính chất hiện ra ở cái vẻ ngoài để kết luận về bản chất sâu xa là một việc sai lầm:

Suy từ mối tương quan giữa chủ thể và thuộc tính (sujet et les attrìbuts), của những sự kiện thuộc thế giới hiện tượng đến linh hồn, một ẩn tượng, và đặc tính của linh hồn là sự suy diễn sai lầm thứ nhất.

Sự suy diễn sai lầm thứ hai là suy từ nguyên lý nhân quả phổ quát trong thế giới hiện tượng đến bản chất sâu xa của vũ trụ, cõi đời[1].

Sự suy diễn thứ ba liên quan đến vấn đề Thượng đế. Để chứng minh sự hiện hũu của Thượng đế, lý trí thường căn cứ trên ba chứng cớ: vũ trụ chứng (preuve cosmologique), cứu cánh chứng (preuve téléologique) và thực thể chứng (preuve ontologique). Nhưng Kant nhận thấy rằng hai chứng cớ đầu tiên lại được xây dựng dựa trên chứng cớ thứ ba. Nếu thực thể chứng vững vàng thì cả ba đều đứng vững. Ngược lại, nếu thực thể chứng sai lầm thì tất cả đều sụp đổ.

Vũ trụ chứng dựa vào thực thể chứng, đó là một điều rõ rệt. Vũ trụ chứng vạch cho ta biết rằng Trời sinh ra vũ trụ, bởi vì mọi vật hiện hữu đều có một căn do sinh ra nó, vậy căn do của vũ trụ chỉ có thể là Thượng đế. Nhưng Kant hỏi: thí dụ ta tin rằng vũ trụ có một căn do sinh ra nó, ta cũng chưa được kết luận ngay rằng đó là Thượng đế. Bởi vì, như vậy ta đã gián tiếp bảo rằng Thượng đế là một đấng vạn năng có quyền tạo hóatự tạo nên tất hữu. Vũ trụ chứng mới vạch ra một điều: vũ trụ có một căn do chứ chưa chứng minh được sự hiện hữu của Thượng đế. Chứng minh được ý kiến Thượng đế có tài tạo hóa và tự tạo nên tất hữu là điều mà thực thể chứng muốn vạch ra. Nên vũ trụ chứng phải tùy thuộc vào chứng cớ sau này vậy.

Cứu cánh chứng cũng rơi vào khuyết điểm đó. Chứng cớ đó cho rằng: một sự kiện được tạo thành vì một cứu cánh nào đó, tức là phải có một người thợ khôn khéo làm việc tạo thành đó. Và vũ trụ ta thấy rằng như được tạo thành nhằm một cứu cánh nào đó. Vậy tất nhiên phải có một người thợ  khéo. Đó là Tạo hóa, Thượng đế. Nhưng nhiều câu hỏi được đặt ra: có thật chắc chắn rằng vũ trụ được tạo thành nhằm  một cứu cánh nào đó không? Và nếu có thì có thật chắc chắn rằng người thợ khéo đó phải là Thượng đế hay không?  Và khi ta nói rằng có một người thợ khéo tạo nên vũ trụ để hướng nó về một cứu cánh nào đó, ta đã đưa vào một ý kiến: chỉ có một đấng hoàn toàn mới tổ chức được vũ trụ và tự tạo nên tất hữu. Như vậy, cũng lại căn cứ trên thực thể chứng rồi.

Nhưng giá trị của thực thể chứng rằng sao? Kant trả lời: không có giá trị gì cả.

Chứng cớ đó vạch ra rằng: Thượng đế là một đấng vạn năng, hoàn toàn. Mà sự hiện hữu là một điều hoàn hảo. Thượng đế toàn thiện, toàn mỹ, vạn năng, vậy phải có hiện- hữu-tính. Ắt phải có Thượng đế, cũng như những tính chất của tam giác đã nằm trong khái niệm tam giác. Nhưng hiện hữu, Kant bảo rằng không phải là một sự kiện toàn. Một ngườí điêu khắc hình dung một bức tượng. Hình dung từng chi tiết, không thiếu sót một tí gì. Hình dung đó là một hình ảnh tuyệt đẹp. Khi bức tượng được tạo thành, nó có đẹp hơn hình ảnh bức tượng trong đầu nhà điêu khắc hay không? Tất nhiên là không. Vậy thì sự hiện hữu của bức tượng làm cho nó hoàn toàn hơn hay kém cũng không sinh ra tính chất hoàn toàn. Cũng vậy, ta không thể bảo rằng Thượng đế hoàn toàn, vậy có Thượng đế vì hiện hữu là một sự hoàn toàn. 

*

Như vậy, siêu hình học không thể là một khoa học. Những chủ trương cho rằng ta có thể biết một cách khoa học bản thể sâu xa của con người, bản chất sâu xa của vũ trụ, và chứng minh được về sự hiện hữu của Thượng đế như những chứng minh toán học đều được xây dựng trên ảo tưởng. Ảo tưởng về giá trị của phương pháp và lý luận siêu hình. Cái tuyệt đối ở ngoài phạm vi hiểu biết của ta. Những thể tiên nghiệm của cảm quan và những nguyên lý của tri năng giúp ta biết được một cách chắc chắn, khoa học những hiện tượng bởi vì hiện tượng vốn biết được, có đưa điều kiện để biết được. Nhưng nếu vượt ra ngoài biên giới của hiện tượng, đi sâu vào thế giới của bóng tối của ẩn tượng, những hình thể, những nguyên lý đó sẽ hoàn toàn thất bại.

Giải đáp cho câu hỏi đầu tiên «ta biết được gì» của Kant thật là rành mạch, rõ ràng. Ta xây dựng được một lâu đài toán học nhờ những phê phán tổng hợp và tiên nghiệm, những thể tiên nghiệm của cảm quan. Ta biết được một khoa vật lý cũng nhờ những thể tiên nghiệm đó và cũng nhờ những nguyên lý của tri năng. Đó là những kiến thức chắc chắn - nhìn vào kết quả ta thấy không thể rơi vào hoài nghi chủ nghĩa được. Nhưng ta cũng không được quên rằng tuyệt đối, ẩn tượng ở ngoài phạm vi hiểu biết của ta. Ta không có đủ lý luận, kinh nghiệm hay một phương tiện nào giúp ta đạt tới cả. Muốn thành thật, ta phải nhận rằng ta chưa biết gì cả.

*

Không biết gì về những điều tuyệt đối, con người có vì thế mà trở nên bơ vơ, lạc lõng hay không? Kant trả lời: không. Không biết một cách khoa học những vấn đề siêu hình, ta vẫn được quyền tín ngưỡng. Thế giới hiện tượng ta biết được, và ta biết rằng hiện tượng bị chi phối bởi định luật, bởi quy luật chặt chẽ của quy định thuyết (déterminisme). Nhưng, ở thế giới ẩn tượng những định luật đó sẽ vô hiệu. Ta có thể không bị chi phối bởi định luật nào cả. Tự do của ta được bảo vệ tuyệt đối. Không chứng minh một cách khoa học được những vấn đề siêu hình, ta có quyền chọn lựa, có quyền tin tưởng. Có những tin tưởng có xây dựng và đáng được truyền giảng hơn những tin tưởng khác. Cũng vì thế, trong những sách vở về luân lý học và tôn giáo của Kant, nhà triết học Đức đã nói lên tính cách khả kính của những bổn phận đạo đức và sự hiện hữu cần thiết của Trời[2].

 

Nguồn: http://amvc.free.fr



[1]  Sự suy diễn thứ hai cũng như những quan niệm luân lý, tôn giáo của Kant, chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.

[2]  Xem chú thích trên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt