Thuyết Nữ quyền

Giới tính quan trọng đến đâu?

 

GIỚI TÍNH QUAN TRỌNG ĐẾN ĐÂU?

PETER SINGER* & AGATA SAGAN**

 


Peter Singer & Agata Sagan, “How Much Should Sex Matter?” Project Syndicate, 13/4/2012. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Huy Hoàng, đăng trên https://hoanghannom.com


 

Jenna Talackova đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada tháng trước, trước khi bị loại bởi cô không mang giới tính nữ “tự nhiên.” Cô gái tóc vàng cao lớn, xinh đẹp nói với báo giới rằng cô đã coi mình là phụ nữ kể từ khi lên 4, bắt đầu điều trị hormone ở tuổi 14, và phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở tuổi 19. Việc truất quyền dự thi của cô làm dấy lên câu hỏi về ý nghĩa thực sự của việc là một “Hoa hậu.”

Một vấn đề có ý nghĩa rộng lớn hơn được đưa ra sau trường hợp một đứa trẻ 8 tuổi ở Los Angeles có cơ thể là nữ nhưng ăn mặc và luôn muốn được đối xử như một cậu bé. Mẹ cậu đã thử ghi danh cậu vào một trường tư với giới tính nam nhưng thất bại. Có thật sự cần thiết phải dán nhãn “nam” hay “nữ” lên mỗi người cho phù hợp với giới tính sinh học của họ hay không?

Những người vượt qua ranh giới giới tính phải chịu cảnh bị phân biệt đối xử rõ ràng. Năm ngoái, Trung tâm Quốc gia về Bình đẳng giới và Tổ chức Bình đẳng LGBTQ Quốc gia đã công bố một khảo sát cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở những người chuyển giới là cao gấp đôi so với những người khác. Ngoài ra, 90% số người tham gia khảo sát được tuyển dụng đã báo cáo một số hình thức ngược đãi tại nơi làm việc, chẳng hạn như sách nhiễu, nhạo báng, bị giám sát viên hay đồng nghiệp chia sẻ thông tin cá nhân một cách không phù hợp, hoặc khó tiếp cận với nhà vệ sinh.

Hơn nữa, những người chuyển giới có thể là nạn nhân của bạo lực thể chất và tấn công tình dục do bản dạng giới của họ. Theo Dự án giám sát những vụ sát hại người chuyển giới (Trans Murder Monitoring), ít nhất 11 người đã bị sát hại ở Hoa Kỳ trong năm ngoái (2011) vì lý do này.

Những đứa trẻ có bản dạng giới khác với giới tính gắn liền với chúng khi sinh ra phải chịu đựng một tình huống đặc biệt rắc rối, và cha mẹ của chúng phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Chúng ta vẫn chưa có phương tiện để biến những bé gái thành bé trai bình thường về mặt sinh học, và ngược lại. Thậm chí khi chúng ta có thể làm vậy, các chuyên gia đã cảnh báo rằng không nên tiến hành những bước không thể đảo ngược để biến đổi chúng theo giới tính mà chúng tự xác định.

Nhiều trẻ em thể hiện hành vi xuyên giới tính hay bày tỏ mong muốn trở thành người khác giới, nhưng khi được trao lựa chọn xác định lại giới tính, chỉ một số ít trải qua một tiến trình đầy đủ. Việc sử dụng hormone ngăn chặn các tác nhân để làm chậm tuổi dậy thì dường như là một lựa chọn hợp lý, bởi nó cho cả cha mẹ và đứa trẻ thêm thời gian để suy tính về quyết định thay đổi cuộc sống này.

Nhưng vấn đề rộng hơn là những người không chắc chắn về bản dạng giới của họ, chuyển đổi giới tính, hoặc có cả cơ quan sinh dục nữ và nam, lại không phù hợp với sự phân chia giới nam/nữ tiêu chuẩn.

Năm ngoái, chính phủ Úc giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp ba loại hộ chiếu: nam, nữ, và không xác định. Hệ thống mới này cũng cho phép một người được lựa chọn bản dạng giới của họ mà không nhất thiết phải phù hợp với giới tính khi sinh. Việc phá vỡ sự phân loại cứng nhắc thông thường này thể hiện sự tôn trọng đối với mọi cá nhân, và nếu được chấp nhận rộng rãi ở các nước khác, sẽ cứu giúp được rất nhiều người khỏi những rắc rối trong việc giải thích cho các quan chức nhập cư sự khác biệt giữa bề ngoài và giới tính được ghi trong hộ chiếu của họ.

Tuy nhiên, người ta có thể băn khoăn rằng liệu chúng ta có thực sự cần phải hỏi giới tính của người khác như chúng ta vẫn thường làm hay không. Trên Internet, chúng ta thường xuyên tương tác với người khác mà không cần biết giới tính của họ. Một số người coi trọng việc kiểm soát những thông tin công khai về họ, vậy tại sao chúng ta lại buộc họ, trong rất nhiều tình huống, phải công khai giới tính là nam hoặc nữ?

Liệu mong muốn được biết những thông tin đó có phải là tàn dư của một thời đại mà trong đó phụ nữ bị loại bỏ khỏi một loạt vai trò và vị trí, và do đó bác bỏ những đặc quyền đi cùng với họ? Có lẽ việc loại bỏ những trường hợp mà câu hỏi đó được đưa ra mà không có lý do chính đáng sẽ không chỉ giúp cuộc sống của những người không thể phân chia giới tính dễ dàng hơn, mà còn giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng đối với phụ nữ. Nó cũng có thể ngăn chặn những sự bất công đôi khi cũng phát sinh đối với nam giới, chẳng hạn như trong việc chuẩn bị cho thời gian nghỉ nuôi con.

Ở những nơi quan hệ đồng tính là hợp pháp, những trở ngại đối với những cặp hôn nhân đồng tính nam hoặc nữ sẽ biến mất nếu nhà nước không yêu cầu hai người công khai giới tính của họ. Điều tương tự cũng đúng với việc nhận con nuôi. (Trên thực tế, có bằng chứng cho thấy việc có bố mẹ là hai người đồng tính nữ sẽ giúp đứa trẻ có khởi đầu tốt hơn trong cuộc sống hơn mọi sự kết hợp khác.)

Một số phụ huynh đã phản kháng lại câu hỏi truyền thống “nam hay nữ” bằng cách không tiết lộ giới tính của con mình sau khi sinh. Một cặp vợ chồng đến từ Thụy Điển giải thích rằng họ muốn tránh việc đứa con của họ bị ép buộc vào “một mốc giới tính cụ thể,” cho rằng “đưa một đứa trẻ vào thế giới với một con tem màu xanh hoặc hồng trên trán” là tàn nhẫn. Một cặp vợ chồng người Canada băn khoăn tại sao “cả thế giới phải biết có gì giữa đôi chân của đứa bé.”

Jane McCredie, tác giả cuốn Making Girls and Boys: Inside the Science of Sex, phê phán rằng những cặp vợ chồng nói trên là hơi thái quá. Trong thế giới như ngày nay, cô ấy nói đúng, vì việc che giấu giới tính của một đứa trẻ sẽ chỉ gây sự chú ý nhiều hơn cho nó. Nhưng nếu hành vi như thế đã trở nên phổ biến hơn – hoặc thậm chí bằng cách nào đó trở thành chuẩn mực – thì điều đó có gì là sai trái?

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch

 


* Peter Singer là Giáo sư Đạo đức sinh học (Bioethics) tại Đại học Princeton và Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các cuốn sách của ông bao gồm Animal LiberationPractical EthicsOne WorldThe Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and DeathThe Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh là “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” thứ ba trên thế giới.

** Agata Sagan là nhà nghiên cứu độc lập, sống tại Warszawa.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt