Thuyết Nữ quyền

Phụ nữ Hy Lạp

 

 

 

PHỤ NỮ HY LẠP

(Tản văn, 1871)

 

Friedrich Nietzsche

 


Friedrich Nietzsche. Early Greek philosophy & other essays. Translated by Maximilian A Mugge. New York: The Macmillan Company, 1911, pp. 19-26. | Bản dịch của Đinh Hồng Phúc.


 

GIỐNG như việc Plato, từ những sự che đậy và mơ hồ, đã nhìn thấu tỏ mục đích sâu xa nhất của Nhà nước, ông cũng đã hình dung ra nguyên nhân chính của vị trí của Người phụ nữ Hy Lạp đối với Nhà nước; trong cả hai trường hợp, ông nhìn thấy trong những gì tồn tại quanh ông hình ảnh của các ý niệm được biểu hiện cho ông, và tất nhiên trong số những ý niệm này, cái hiện thực chỉ là một bức tranh và ảo ảnh mờ nhạt. Người nàotheo thói quen thông thường coi vị trí của Người phụ nữ Hy Lạp là hoàn toàn không xứng đáng và đi ngược lại giá trị con người, cũng phải quay sang với sự chỉ trích này chống lại quan niệm của Plato về vị trí này; bởi vì, như thể các hình thức hiện có chỉ được trình bày chính xác trong quan niệm mới này. Do đó, câu hỏi của chúng ta lặp lại ở đây: bản tính và vị trí của người Phụ nữ Hy lạp có nên có mối quan hệ tất yếu với các mục tiêu của Ý chí Hy Lạp không?

Tất nhiên có một khía cạnh của quan niệm của Plato về phụ nữ, trái ngược hẳn với phong tục Hy Lạp:Plato mang lại cho phụ nữ quyền chia sẻ đầy đủ về quyền lợi, tri thức và nghĩa vụ của con người, và coi phụ nữ chỉ là giới tính yếu hơn, vì họ sẽ không đạt được thành công đáng kể trong mọi lĩnh vực, nhưng không phủ nhận quyền của giới tính này đối với tất cả những lĩnh vực đó. Chúng ta không nên gán giá trị cho quan niệm lạ lùng này nhiều hơn việc trục xuất nghệ sĩ ra khỏi Nhà nước lý tưởng; đây là những đường nét phụ được vẽ sai một cách táo bạo, những sai lầm như thể của bàn tay vốn chắc chắn và của đôi mắt chiêm nghiệm trầm tĩnh đến mức đôi khi dưới ảnh hưởng của người thầy đã khuất trở nên mờ nhạt và chán nản; trong tâm trạng này, ông cườngđiệu hóa các nghịch lý của người thầy, và vì quá say mê yêu mến, ông tự thỏa mãn bằng cách khuyếch đại quá mức các học thuyết của thầy mình một cách kỳ quặc, thậm chí là đ16n mức liều lĩnh.

Tuy nhiên, với tư cách là một người Hy Lạp, điều quan trọng nhất mà Plato có thể nói về mối quan hệ của phụ nữ với Nhà nước đó chính là yêu sách rất đáng phản đối rằng trong Nhà nước hoàn hảo, Gia đình sẽ không còn tồn tại nữa. Hiện tại, chúng ta hãy tạm không xét đến việc ông bãi bỏ cả hôn nhân để thực hiện đầy đủ yêu sách này, và việc ông thay thế bằng những cuộc hôn lễ trang trọng do Nhà nước sắp xếp giữa những người đàn ông dũng cảm nhất và phụ nữ cao quý nhất, nhằm có được một thế hệ con cái xinh đẹp. Tuy nhiên, trong mệnh đề chính đó, ông đã chỉ ra một cách rõ ràng nhất - quả thật là quá rõ ràng, rõ ràng đến mức gây khó chịu - một bước chuẩn bị quan trọng của Ý chí Hy Lạp hướng tới việc sinh ra thiên tài. Nhưng trong phong tục của người Hy Lạp, gia đình chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế đối với đàn ông và trẻ em: đàn ông sống cho Nhà nước, trẻ em lớn lên vì Nhà nước và được Nhà nước dẫn dắt. Ý chí Hy Lạp đã đảm bảo rằng nhu cầu văn hóa không thể được đáp ứng trong sự thu mình của một vòng tròn nhỏ hẹp. Từ Nhà nước, cá nhân phải nhận tất cả để rồi trả lại tất cả cho Nhà nước. Vì vậy, phụ nữ có ý nghĩa với Nhà nước, giống như giấc ngủ có ý nghĩa với đàn ông. Trong bản tính của phụ nữ có sức mạnh chữa lành của mình, thay thế những gì đã được sử dụng cạn kiệt, sự nghỉ ngơi lành mạnh mà mọi thứ quá đáng tự kiềm chế, cái Đồng nhất vĩnh cửu mà mọi thứ quá mức và dư thừa tự điều chỉnh. Trong phụ nữ, thế hệ tương lai đang ước mơ. Phụ nữ được gắn liền với Tự nhiên hơn đàn ông và trong tất cả những điều cốt yếu, họ vẫn luôn là chính mình. Đối với họ, văn hóa luôn là cái gì đó bên ngoài, một cái gì đó không chạm đến cái cốt lõi vĩnh viễn trung thành với Tự nhiên, do đó, văn hóa của phụ nữ rất có thể xuất hiện ra trước người Athens như là cái gì đó xa lạ, thậm chí – nếu ta chỉ muốn tưởng tượng ra trong tâm trí mình, như là cái gì đó lố bịch. Người nào vội vàng suy ra từ đó rằng vị trí của phụ nữ ở người Hy Lạp là không xứng đáng và quá tàn nhẫn, quả thật không nên lấy "văn hóa" của phụ nữ hiện đại và những đòi hỏi của họ làm tiêu chuẩn. Để phản bác điều đó, chỉ cần chỉ ra các nữ thần Olympia cùng với Penelope, Antigone, Elektra là đủ. Tất nhiên, đúng là những nhân vật này là những hình tượng lý tưởng, nhưng ai có thể tạo ra những lý tưởng như vậy từ thế giới hiện tại? – Quả thật, cần phải xem xét thêm những đứa con trai mà những người phụ nữ này đã sinh ra, và những người phụ nữ đó hẳn phải như thế nào để sinh ra được những đứa con trai như vậy! Người phụ nữ Hy Lạp trong vai trò là người mẹ phải sống ẩn mình, bởi vì bản năng chính trị cùng với mục tiêu cao nhất của nó đòi hỏi điều đó. Người mẹ ấy phải sống như cây cỏ, trong vòng tròn nhỏ hẹp, như là một biểu trưng cho sự khôn ngoan của triết lý Epicurus λήθη βίωσας [sống mai danh ẩn tích]. Một lần nữa, trong thời gian gần đây, với sự tan rã hoàn toàn của nguyên tắc Nhà nước, người phụ nữ phải bước vào vai trò người trợ giúp; gia đình như một giải pháp thay thế cho Nhà nước là công việc của cô ấy; và theo nghĩa này, mục tiêu nghệ thuật của Nhà nước phải hạ mình xuống mức độ của một nghệ thuật gia đình. Do đó, điều này đã dẫn đến việc niềm đam mê tình yêu, như là lĩnh vực duy nhất hoàn toàn có thể tiếp cận đối với phụ nữ, chi phối nghệ thuật của chúng ta đến tận cốt lõi. Tương tự, giáo dục tại nhà tự coi mình, có thể nói như vậy, là hình thức giáo dục tự nhiên duy nhất và chỉ chấp nhận giáo dục nhà nước như một sự xâm phạm đáng ngờ vào quyền giáo dục tại nhà: tất cả điều này là đúng trong chừng mực chỉ liên quan đến Nhà nước hiện đại. Với điều đó, bản tính của người phụ nữ vẫn không thay đổi, nhưng quyền lực của họ lại khác biệt, tùy thuộc vào vị thế mà Nhà nước đảm nhận đối với phụ nữ. Phụ nữ quả thật có quyền lực để bù đắp đến một mức độ nhất định những thiếu sót của Nhà nước - luôn trung thành với bản tính của họ, mà tôi đã so sánh với giấc ngủ. Trong thời Hy Lạp cổ đại, họ giữ vị trí mà ý chí tối cao của Nhà nước giao phó cho họ: vì lý do đó, họ đã được tôn vinh như chưa từng có kể từ đó. Các nữ thần trong thần thoại Hy Lạp là hình ảnh của họ: Pythia và Sibyl, cũng như Diotima của Socrates là những nữ tư tế mà qua đó sự khôn ngoan thần thánh lên tiếng. Giờ đây người ta hiểu tại sao sự cam chịu đầy kiêu hãnh của người phụ nữ Sparta khi nhận tin con trai họ chết trận không thể là chuyện hư cấu. Người phụ nữ trong mối quan hệ với Nhà nước cảm thấy mình ở đúng vị trí, do đó họ có phẩm giá hơn bất kỳ người phụ nữ nào kể từ đó. Plato, dù đã phế bỏ gia đình và hôn nhân nhưng vẫn nâng cao địa vị của phụ nữ, giờ đây cảm thấy quá nhiều sự tôn kính đối với họ, đến nỗi kỳ lạ thay ông bị dẫn dắt sai lầm bởi một tuyên bố sau đó về sự bình đẳng của họ với đàn ông, để một lần nữa bãi bỏ trật tự thứ bậc vốn thuộc về họ: chiến thắng cao nhất của người phụ nữ thời cổ đại, là đã quyến rũ được cả người khôn ngoan nhất!

Bao lâu Nhà nước vẫn còn trong trạng thái phôi thai, phụ nữ với tư vách là người mẹ chiếm ưu thế và và quyết định cấp độ cũng như biểu hiện của Văn hóa: tương tự như việc người phụ nữ được định sẵn để bổ sung cho Nhà nước chưa được tổ chức. Những gì Tacitus nói về phụ nữ Đức: inesse quin etiam sanctum aliquid et providum putant,nec aut consilia earum aspernantur aut responsa neglegunt,[1] áp dụng cho tất cả các quốc gia chưa đạt đến trạng thái Nhà nước thực sự. Trong những giai đoạn như vậy, người ta chỉ cảm nhận mạnh mẽ hơn những gì mà ở mọi thời đại lại trở nên rõ ràng, rằng bản năng của người phụ nữ xét như là thành trì của thế hệ tương lai là bất khả chiến bại và qua sự chăm sóc của người phụ nữ nhằm bảo tồn nòi giống, ta có thể thấy rõ ràng ý định của Tự nhiên được thể hiện qua những bản năng này. Mức độ ảnh hưởng của khả năng tiên tri này dường như được quyết định bởi sự củng cố mạnh mẽ hay yếu ớt của Nhà nước: trong những điều kiện hỗn loạn và tùy tiện hơn, nơi mà ý thích hay đam mê của cá nhân đàn ông có thể lôi kéo theo cả bộ tộc, thì người phụ nữ đột nhiên xuất hiện như một nhà tiên tri cảnh báo. Nhưng ở Hy Lạp cũng có một mối lo ngại không bao giờ ngủ quên rằng bản năng chính trị bị quá tải đến mức có thể làm các cơ quan chính trị nhỏ bé vỡ tan thành bụi và nguyên tử trước khi chúng đạt được mục tiêu của mình theo bất kỳ cách nào. Ở đây, Ý chí Hy Lạp đã tạo ra cho mình những công cụ mới không ngừng để nói lên, điều chỉnh, kiềm chế, cảnh báo: trên hết, chính thông qua Pythia mà sức mạnh của phụ nữ trong việc bù đắp cho Nhà nước đã thể hiện rõ ràng nhất, điều chưa từng xảy ra kể từ đó. Việc một dân tộc bị chia cắt thành các bộ lạc và thành bang nhỏ như vậy, nhưng về cơ bản vẫn là một khối thống nhất và đang thực hiện nhiệm vụ tự nhiên của mình trong từng phe phái, đã được đảm bảo bởi hiện tượng kỳ diệu là Pythia và lời sấm từ đền Delphi: bởi vì luôn luôn, chừng nào văn hóa Hy Lạp còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của mình, nó đã nói ra từ một cái miệng và như một Pythia duy nhất. Chúng ta không thể kìm nén được nhận thức đầy điềm gỡ rằng đối với Ý chí, sự cá thể hóa đồng nghĩa với nhiều đau khổ, và để đạt được những cá thể đóNó cần một cái thang khổng lồ của các cá thể.

Quả thật, bộ não của chúng ta quay cuồng khi xem xét liệu Ý chí, để đạt tới Nghệ thuật, có lẽ đã lan tỏa bản thân nó vào những thế giới này, những ngôi sao, những vật thể và nguyên tử này: ít nhất thì chúng ta cũng nên hiểu rõ rằng, Nghệ thuật không cần thiết cho các cá nhân, mà cho chính Ý chí; một cái nhìn cao cả mà chúng ta sẽ được phép nhìn thoáng qua một lần nữa từ một vị trí khác.

Đinh Hồng Phúc dịch


[1] "Họ thậm chí tin rằng phụ nữ được ban cho một cái gì đó thiêng liêng và khả năng tiên tri. Họ không khinh thường việc tham khảo ý kiến của phụ nữ, cũng không bỏ qua những câu trả lời mà họ đưa ra." - dịch theo bản dịch tiếng Anh của Thomas Gordon (Tacitus on Germany) (ND)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt