HỘI LUẬN NỮ QUYỀN
PHỤ NỮ TRONG TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO TÂY PHƯƠNG (4)
BÙI VĂN NAM SƠN
Thưa Bà, trong thế kỷ 19, phong trào nữ quyền không còn là một khối thống nhất mà bắt đầu chia thành hai xu hướng: xu hướng tự do, khai phóng kiểu Anh, Pháp, Mỹ và xu hướng xã hội chủ nghĩa. Xin Bà giới thiệu sơ qua về xu hướng sau, trước khi ta bước vào thế kỷ 20... S.B: Quyền của phụ nữ và việc giải phóng phụ nữ thường được chủ nghĩa xã hội đề cập trong khuôn khổ chung của cuộc đấu tranh giai cấp và phục tùng cuộc đấu tranh ấy. Marx chưa bàn nhiều về chủ đề này, trừ khi ta áp dụng lý luận chung của ông về tha hóa và bóc lột vào cả cho hai giới tính (MEW, tập bổ sung, I). Tác phẩm bàn sâu hơn về đề tài này là của Friedrich Engels: Nguồn gốc của gia đình, tư hữu và nhà nước (1884), trong đó Engels, tiếp thu học thuyết của Henry Lewis Morgan, giả định về chế độ mẫu hệ nguyên thủy, và chỉ trở thành phụ hệ sau sự phân công lao động. Tác phẩm được đọc nhiều là của August Bebel: Phụ nữ và chủ nghĩa xã hội (1879), đến năm 1893 đã được tái bản 20 lần! Trong thuyết nữ quyền Mỹ, tác phẩm "không tưởng" của Edward Bellamy Looking Backward (1888) cũng gây nhiều ảnh hưởng, với viễn cảnh xây dựng một tổ chức xã hội trong đó người phụ nữ được giải phóng ngày càng nhiều khỏi công việc gia đình, khơi mào cho một loạt những tác giả khác. Gọi là "không tưởng" , nhưng xu hướng này gợi ra nhiều viễn kiến thú vị và hình thành nhiều phong trào mạnh mẽ, mà cuộc "hội luận" này đừng quên nhắc đến. Về các nữ tác giả thuộc xu hướng xã hội chủ nghĩa cần nhắc đến hai người: Clara Zetkin và Alexandra Kollontai. Trong Người nữ công nhân và vấn đề phụ nữ đương đại (1892), Clara Zetkin đòi hỏi gia tăng ảnh hưởng của phụ nữ trong chính trị và đời sống công cộng. Tuy nhiên, nguy cơ ở đây là không khéo phụ nữ chỉ chuyển từ "nô lệ trong gia đình" thành "nô lệ làm thuê". Do đó, vấn đề phụ nữ, "kỳ cùng và quyết định", là "vấn đề kinh tế", còn việc đòi nữ quyền là không đủ. Trong chiều hướng đó, Kollontai cho rằng sự bình quyền về chính trị hay pháp luật chỉ có thực chất khi đã "đập tan" xã hội tư bản chủ nghĩa. Kollontai, năm 1922, cũng là nhà nữ ngoại giao đầu tiên trên thế giới. Thế kỷ 20 đánh dấu đợt sóng thứ hai của thuyết nữ quyền, tại sao thế, thưa Bà? S.B: Phải nói chính xác là từ những năm 50, 60, sau khi làn sóng thứ nhất từ thế kỷ 19 ít nhiều đã mang lại những thành quả cơ bản. Tuy còn khó khăn trên thực tế và ở một số khu vực còn khá rộng lớn trên thế giới, quyền hạn chính trị của phụ nữ, nhìn chung, đã được công nhận về nguyên tắc, quyền lợi về kinh tế (tự do hành nghề, cùng mức lương cho cùng một loại công việc...), cũng thế. Như đã thấy, những quyền ấy không từ trên trời rơi xuống hay chỉ từ hảo tâm của nam giới! Bây giờ, những chủ đề mới và những vấn đề mới bắt đầu nảy sinh trong thế giới công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nghĩa là bắt đầu nghiêng về khía cạnh văn hóa, tinh thần? S.B: Đúng thế, cách mạng tư duy và cách mạng văn hóa! Những chủ đề mới ấy là gì? S.B: Kiểm soát và làm chủ thân xác, tìm các lựa chọn khác cho gia đình hạt nhân hai giới tính, tìm phương pháp mới trong nuôi dạy con cái, độc lập kinh tế, phá bỏ vai trò đặc thù của giới trong giáo dục, truyền thông và chỗ làm việc, xóa bỏ các luật lệ áp bức, kết thúc quyền uy và sự thống trị theo kiểu sở hữu của nam giới, vượt qua những quan hệ tình cảm mang tính đè nén... Nhiều chủ đề mới quá, nhưng còn việc thống nhất hành động? S.B: Có vẻ đi ngược chiều! Trước đây, phong trào phụ nữ hoạt động bằng cách lập hội, nay không còn tổ chức chung nữa. Trước kia vai trò dẫn dắt là của cô giáo, bây giờ của nữ sinh viên, trước kia còn có các "chiến hữu" nam giới, nay gạt nam giới ra ngoài! Xu hướng nữ quyền ngày càng mang tính biệt phái. Vai trò lãnh đạo phần đông thuộc về các phụ nữ đồng tính, chọn cuộc sống không có đàn ông (như các tác giả tên tuổi: Judith Butler, Mary Daly. Sally Gearhart, Kate Miller, Johanna Russ, Alice Schwarzer...). Bên cạnh những đề tài mới, điều gì đáng chú ý nữa, thưa Bà? S.B: Là sự phân liệt về lập trường! Giữa hai chủ trương: thuyết nữ quyền đòi bình đẳng và thuyết nữ quyền đòi nhìn nhận sự khác biệt. Các chủ trương khác nhau ấy thể hiện trong quan niệm khác nhau về quan hệ giữa tình dục (sex) và giới (gender), giữa việc hai giới tính hợp tác hay đấu tranh với nhau. Chuyện "nhức đầu" gì sẽ diễn ra, thưa Bà? S.B: Nhiều lắm! Nhà nước pháp quyền hiện đại hiểu sự bình đẳng là có tính "hình thức", độc lập với nguồn gốc và chủng tộc, tôn giáo và giới tính. Nó không dự liệu... sự khác biệt! Bây giờ thuyết nữ quyền đòi sự khác biệt mang vào... thùng thuốc nổ mới, ít ra về mặt pháp lý: phải biệt đãi phụ nữ trong quá trình tố tụng, xét xử? Nhà nước hiện đại không dừng lại ở việc tạo cơ hội đồng đều cho mọi người? Ưu tiên cho phụ nữ và các nhóm thiểu số trên thị trường lao động và giao phó chức vụ? Thế là các người đối lập lớn tiếng cho rằng đây lại là một thứ "duy giới tính" ngược chiều, vi phạm nguyên tắc bình đẳng về năng suất và thành tích! Thưa Bà, nếu công nhận sự khác biệt, nó là những chuyện gì, cũng nhức đầu lắm! S.B: Chỉ quan tâm sự khác biệt về giới tính, hay cả sự khác biệt về chủng tộc, giai cấp, xu hướng tình dục, tuổi tác? Rồi còn chuyện rắc rối hơn ở bề sâu: có một lý tính "nữ"? Một đạo đức học "nữ"? Không khéo lại rơi vào cuộc tranh cãi bất tận về một "bản chất luận" mới! Bởi, trước hết phải xác định "bản chất nữ" khác với "bản chất nam" đã chứ! Hèn gì đang và sẽ còn tốn bao nhiêu giấy mực! Xin trở lại làm rõ hơn quan hệ giữa "sex" và "gender". Nghe bộ hấp dẫn! S.B: Sex là phạm trù sinh học. Gender là do xã hội cấu tạo nên. Từ gender đã có mặt trong tác phẩm của tôi, rồi được nhà nữ xã hội học Ann Oakley chính thức sử dụng vào 1972. Câu hỏi: khái niệm gender rộng đến đâu? Có sự khác biệt về giới mà không phải do xã hội kiến tạo nên? Hay mọi tính chất giới đều là "sản phẩm" xã hội? "Cãi nhau" ra sao hả Bà? S.B: Náo nhiệt lắm! Theo Firestone, áp bức phụ nữ là do phụ nữ có khả năng... sinh con, một quy định sinh học. Từ đó kéo theo sự phân biệt giới trong thế giới lao động của xã hội. Như thế, là "tự nhiên"! Bà Judith Butler, sáng lập thuyết "queer theory" nổi tiếng, không chịu. Bà ấy nhập, hay đúng hơn, giải thể sex vào gender. Theo đó, có bao nhiêu phương thức hành động thì có bấy nhiêu "gender". Nơi Butler, không còn đàn bà "nói chung" mà cũng không còn bóng dáng... cô nàng phụ nữ nào hết! Không biết nên mừng hay nên khóc trước tin động trời ấy! Còn gì nữa, thưa Bà? S.B: Còn, còn tranh cãi về hình ảnh công cộng của tình dục: sự khiêu dâm (pornography), và nên hợp tác hoặc đấu tranh giữa hai trường phái. Thôi, giải lao đã!
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC