Thuyết Nữ quyền

Phụ nữ và triết học trong tôn giáo Tây phương (2)

HỘI LUẬN VỀ NỮ QUYỀN 3

 

PHỤ NỮ TRONG TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO TÂY PHƯƠNG (2)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

 

Thưa Bà, bước vào thời cận đại, hiểu rộng là từ thế kỷ 14 (với phong trào Phục Hưng) tới thế kỷ 18 (Cách mạng Pháp), chế độ phụ quyền gia trưởng có biến chuyển ra sao?

 

J.B: Nói ngắn gọn, nguồn gốc và xuất thân quý tộc dần dần nhường chỗ cho trật tự tư sản dựa trên thành tích và sự thỏa thuận. Sau khi xóa bỏ chế độ phong kiến, nhà nước không còn được hiểu như kẻ sở hữu những gia đình riêng lẽ nữa. Trái lại, nhà nước được "phi gia đình hóa", còn gia đình thì được "phi kinh tế hóa" (trước đây, hoạt động kinh tế chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ gia đình. Ta nhớ từ "kinh tế" trong ngôn ngữ Tây phương bắt nguồn từ "oikos", nghĩa là "hộ gia đình")! Tiến trình này diễn ra từ chỗ giải thể "đại gia đình" Âu châu cổ xưa sang hình thành những tiểu gia đình kiểu hạt nhân dựa trên tình yêu vợ chồng. Tách biệt "gia đình" và "nơi kinh doanh" hay với nhà máy, xí nghiệp biến gia đình thành khu vực kín đáo, thân mật. Gia đình trở thành bến đỗ an toàn trước sóng gió của cuộc sống nghề nghiệp và kinh doanh.

 

Đó là bên ngoài, còn bên trong, chắc hẳn phải có sự chuyển biến lớn về tâm thức và...tình cảm?

 

J.B: Anh bạn nhắc đúng lúc! Thật đáng bỏ cả đời để viết về lịch sử khái niệm...tình yêu! Chưa có nhiều công trình thật xứng đáng với nó đâu! Lịch sử khái niệm và quan niệm về tình yêu là một đại đề tài, đúng không? (Vâng, thưa Bà, kỳ cùng thử hỏi có chuyện gì trên đời...quan trọng, thiết thân và...thiết thực hơn chuyện này? Sống để yêu và được yêu, chứ chả nhẽ để quần quật làm việc và mưu tính hại nhau?). Nhưng lịch sử ấy dài dòng và nhiêu khê lắm đấy! Từ "tinh thần hóa" và "cá nhân hóa" đến khi được "phản tỉnh" trong tình yêu lãng mạn. Tình yêu vượt khỏi các rào cản kinh tế và đẳng cấp, để chỉ còn hình thức duy nhất xứng đáng với nó: hôn nhân vì tình yêu. Còn lịch sử cụ thể của nó, nói riêng ở phương Tây, là lịch sử cái Eros của Platon, sự phân biệt trong Ki Tô giáo giữa Eros Agape, tình yêu "thuần túy" của các nhà huyền học, tình yêu cung đình và hiệp sĩ thể hiện qua nhiều loại ca xướng thời trung cổ, tình yêu như là tình cảm và đam mê v.v.. để chỉ kể "chơi" vài loại!

 

Bà làm chúng tôi "chóng mặt" về tình yêu! Chắc cần nhiều hơn cả một đời để tìm hiểu nó! Nhưng, thưa Bà, từ hậu trung cổ, biến chuyển gì là đáng kể nhất?

 

J.B: Là trực tiếp đòi hỏi hoặc ít ra là yêu cầu phải chấp nhận ý kiến và quyền lên tiếng, quyền cùng quyết định của phụ nữ! Một thời gian dài, yêu cầu này còn giới hạn ở việc bình đẳng về giáo dục và đồng đẳng về trình độ trí tuệ. Hình tượng tiêu biểu là các Nữ quan và các Quý Bà trong những sa-lông văn chương. Vào thời Cách mạng Pháp, yêu cầu này mở rộng sang các quyền hạn chính trị.

 

Xin Bà giới thiệu một số tác phẩm quan trọng từ thế kỷ 14 đến 17 đã...

 

J.B: Có khoảng chục tác giả và tác phẩm được xem là tiên phong trong việc bênh vực và ca ngợi phụ nữ. Đầu tiên (Quý Bà nên nhớ tên ông thi sĩ này nhé!) là Boccaccios (1313-1375) với công trình De mulieribus claris /Về những phụ nữ lừng danh năm 1360, điển hình của phong trào nhân văn chủ nghĩa. Nhà thơ ca ngợi hành vi "vang lừng thế giới" của 104 phụ nữ, nhưng không phải không có nốt trầm: đức hạnh kiệt xuất của quý bà là ngoại lệ hơn là quy tắc!

Ở Pháp, từ thế kỷ 15, bùng nổ cái gọi là "querelle des femmes"("tranh luận về phụ nữ"), xuyên suốt thời Phục Hưng. Công đầu lại từ chính một nữ tác giả: Christine de Pizan. Bà viết quyển tiểu thuyết "Le livre de la cité des dames"  (1405) ( như là "nối điêu" và phản bác quan niệm chống nữ quyền của tác giả Juan de Meun từ thế kỷ 13 trong "Roman de la rose"). Bà vẽ nên hình ảnh một..."Tây lương nữ quốc" gồm toàn những phụ nữ nổi tiếng trong Kinh Thánh và trong lịch sử. Rồi trong Le livre du trésor de la cité des dames, bà lại bổ sung bằng những lời giáo huấn cho các Nữ quan và phụ nữ thuộc mọi tầng lớp. Tác phẩm của bà rất quan trọng vì nêu rất sớm sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ về trí tuệ và đức hạnh. Tuy nhiên, những bất công mà phụ nữ gánh chịu không dẫn đến lời kêu gọi thay đổi hoàn cảnh, mà nên kiên trì chịu đựng theo gương hy sinh, nhẫn nhục của Chúa Ki Tô.

Đáng ngạc nhiên (hay thật ra không đáng ngac nhiên?) là sự sôi nổi của "querelle des femmes" ở Pháp. Ta có thêm ba khuôn mặt nổi bật: Martin Le Franc, một tác giả nặc danh và bà Marie de Gournay. Quay về với Platon, Le Franc, trong Le champion des dames (khoảng 1440), bảo vệ năng lực của phụ nữ trong việc tham gia đời sống công cộng và chính trị. Theo ông, việc phụ nữ phải phục tùng đàn ông do "sa chước cám dỗ" là cách lý giải cực đoan. Trong vườn địa đàng, cặp tình nhân đầu tiên của nhân loại vẫn "tay trong tay" hân hoan, bình đẳng kia mà! Tác giả Đức Agrippa von Nettesheim, trong De nobilitate/Về sự cao quý của phái nữ (1509) cũng tìm thấy trong Sáng thế ký (1-3) rằng nam nữ chỉ khác nhau về thể chất chứ không phải về tinh thần. Cả hai đều có lý trí và cùng có triển vọng cứu độ như nhau. Còn tác giả nặc danh, trong Dialogue apologétique /Đối thoại bênh vực (1516), cũng nhấn mạnh nam nữ đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Bà Marie de Gournay, trong Égalité des hommes et des femmes/ "Sự bình đẳng giữa nam và nữ", người nổi tiếng vì đã ấn hành tác phẩm của Montaigne khắp châu Âu, cũng tuyên bố việc nữ giới thấp kém chỉ là định kiến xấu xa, rằng chính Maria Magdalena mới là người đầu tiên loan báo tin Chúa sống lại! Tất nhiên, ở Ý, phong trào cũng sôi nổi không kém, tiếc rằng không có thời gian đi sâu.

Chỉ xin lưu ý rằng, vào thời đó, các Nữ quan là trung tâm... "mát mẻ" của triều đình. Quý bà này vừa là cử tọa, vừa tham gia các cuộc đàm thoại thông thái, lịch sự và...tình tứ. Nó xóa bỏ khoảng cách giới tính. Vai trò này dần nhường chỗ cho các sa-lông văn chương, thu hút đông đảo tao nhân mặc khách chung quanh một "quý Bà lịch duyệt". Đáng chú ý là Anna Maria van Schurmann, trong Dissertatio (1641), dưới hình thức vấn đáp, cho thấy người Ki Tô hữu phải hiểu công trình của Thiên Chúa không chỉ trong sự khải thị, mà còn phải biết đọc "quyển sách của Tự nhiên" cũng do Thiên Chúa sáng tạo nên! Nhu cầu chiêm nghiệm lẫn nghiên cứu khoa học không còn là đặc quyền của nam giới. Moliere, trong hài kịch "Les femmes savants"/Quý bà thông thái" (1672) châm biếm, nhưng cũng phải công nhận "quý bà" này thông thái thật! Một thế kỷ sau, J.J.Rousseau, trong Émile (1782), bên cạnh những tư tưởng tiến bộ về giáo dục, lại có bước lùi! Cô nàng Sophie, bạn đời dự kiến của chàng Émile tương lai, không còn mơ đến sa-lông văn chương, mà chỉ muốn an phận làm cái bóng mờ của chồng. Không lạ khi Rousseau, dưới mắt các nhà nữ quyền, là một ...con cừu đen (bête noir) đáng ghét! Còn chuyện thế kỷ 18,19 và 20 nữa, bạn nhé!

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt